Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2009

Trích HỒI KÝ "những ngày tháng cũ ..."

 

                                                                   NGƯỜI ANH

                                                                             

                                                           Thân tặng YS, NY với lòng trân trọng     

Hôm  ấy ngoài trời mưa tầm tã . Tôi đang ngồi trong phòng GV thì Bảo vệ mang vào một tờ điện tín, nội dung :” Cậu Tư đau nặng, gia đình ra gấp” . Tôi cầm tờ điện tín trong tay lặng đi mấy phút , sửng sờ vì tin sét đánh ấy,  lòng rối bời , chưa biết tính sao ? 

Nguyên do là anh Tư tôi theo đứa cháu họ ra vùng Sông Hinh - Phú Yên - để khai thác gỗ đã mấy năm nay . Đây là vùng sơn lam chướng khí , bệnh sốt rét hoành hành dữ dội từ nhiều năm qua .

Tôi được nghe Anh kể nhiều lần về nơi Anh ở và làm việc : Đó là một vùng sâu của Tỉnh Phú Yên thuộc Huyện Sông Hinh , cách xa tỉnh lỵ Phú Yên hằng mấy chục cây số , song tôi không hình dung được vùng Sông Hinh và tỉnh Phú Yên ra sao ? Trong điện tính không nói rõ Anh đang ở nơi nào : ở trong láng trại khai thác gỗ , ở nhà thương huyện Sông Hinh hay ở ngoài tỉnh Phú Yên ?

Cái số của Anh là số xa nhà , tha phương cầu thực !

                                        *

Những năm lọan lạc, khi giặc tràn về vùng quê tôi - Lúc ấy Ba tôi đã chạy trước lên Cần Thơ - và sau đó ông cho người về rước cả gia đình tôi ra Thành . Đó là thời kỳ khó khăn nhất để đi được từ trong vùng giải phóng ra Thành thị : Các đường lộ xe đều bị đào bới tan hoang , xe đò không thể nào đi được . Thỉnh thoảng có một đoàn công voa (Xe nhà binh  của Tây mở đường  và các xe đò đánh liều chạy theo sau …) Đúng lúc ấy thì Anh đang ở tận  Bàu Sen , một vùng sâu cách chỗ chúng tôi ở mấy ngày đường ! Cả nhà bồng trống trốn đi nhưng lại thiếu Anh !

Một đứa trẻ lên 6 , lên 7 bị lạc trong chiến tranh thì thật là bất hạnh . Cơ may đoàn tụ thật rất mỏng manh ! Thử thách lớn nhất trong đời Anh có lẽ là lúc ấy …

Số của Anh là thế đó ! Mới từng ấy tuổi đầu đã rơi vào vòng luân lạc .

                                                          *

Lúc đó trời đã về chiều . Bầu trời xám đen màu chì . Một trận lụt lớn đã được cảnh báo từ mấy ngày qua .

Khi xe bắt đầu lăn bánh để đi Phú Yên thì đêm đã xuống từ lâu . Trời vẫn mưa nặng hạt .

Tôi ngồi trên chiếc xe đò mà lòng vẫn nặng trĩu không yên . Tôi đâu có biết Phú Yên ở nơi nào ngoài đọc một số chỉ dẫn trên bản đồ ! Bao nhiêu câu hỏi rối bời làm tôi không sao chợp mắt được .

Xe vẫn lao vun vút trong màn đêm . Bên ngoài trời vẫn mưa như  thác đổ , giông gió tơi bời .

Bao nhiêu kỷ niệm cũ lần lượt hiện về như nhắc nhở , phán xét, gợi cho tôi biết bao nổi sầu muộn , cảm hoài .

                                                               *

Anh là con thứ tư trong gia đình , song lại là người "Đứng Mũi Chịu Sào" trong những lúc gia đình gian nan khốn khó . Vì thế cuộc đời Anh lắm vất vã , thăng trầm theo những bước hưng vong của gia đình tôi .

Hồi tưởng lại cuộc đời Anh từ ngày thơ ấu đến nay thật là một trang sử biên niên đầy truân chiên cay đắng , song  có nhiều đoạn cũng rất ấm áp , hào hùng .

Tôi nhỏ hơn Anh nhiều tuổi , song vì là anh em trai kế nhau nên hai đứa rất thân thiết như bạn , sự thân thiết nầy một phần cũng do lúc nhỏ hai đứa cùng chơi chung với nhau .

                                                              *

Còn nhớ , lúc ấy chưa có giặc đến quê tôi , chúng tôi sống trong ngôi Nhà Lớn ở Cái Ngang – Một vùng quê của tỉnh Cà Mau - Gọi là Nhà Lớn để phân biệt với những Trại ruộng  hoặc nhà ở Bàu Sen .

Lúc ấy  anh còn chưa lên 10 .

Một hôm hai đứa nghịch ngợm lấy trái banh tenis xẻ làm đôi , đái vào đấy và đem ra để "cúng" ở Bàn Ông Thiên và Miếu Thổ Địa !

Không biết thần thánh nhà tôi có linh thiên hay là do ngẫu nhiên  mà chúng tôi cả hai đứa đều bị sốt rất nặng . Con cu thì bị sưng to không đái được !

Chuyện động trời  như thế làm hai đứa tôi sợ xanh mặt ! Chúng tôi bàn nhau phải kể thật cho mẹ tôi nghe …

Khi Anh thú thật với mẹ tôi về việc báng bổ  Thánh Thần như vậy thì mẹ tôi mới tá hỏa lên và chạy thầy khắp nơi …

Sau nầy mẹ tôi kể lại rằng khi biết được chuyện động trời đó , mẹ ra chỗ bàn Ông Thiên và Miễu Thổ Địa thì "vật chứng" vẫn còn đầy đủ và nguyên vẹn !

Mẹ phải cúng  vái, tạ lỗi với Thần Thánh và mấy hôm sau chúng tôi mới hết bệnh !

Ôi chao ! phải biết Thần Thánh nhà tôi có dịp lên ngôi nhé ! Từ đó Bàn Ông Thiên và Miễu Thổ địa nhan đèn đầy đủ và trẻ con thì không đứa nào dám bén mảng đến gần !

Các anh chị tôi và những kẻ ăn người ở trong nhà được một phen cười chúng tôi đến sái quay hàm , và chúng tôi thật sự rất xấu hỗ vì chuyện làm càng quấy đó ! 

Đến tận bây giờ , khi nhắc lại chuyện ấy, gia đình tôi không ai giải thích nổi tại sao lại có hiện tượng như vậy ?  Tôi, Ba tôi và các anh tôi là những người không tin những chuyện dị đoan nhảm nhí như vậy , nhưng cũng chịu , không làm sao lý giải được !

                                                          *

Vì Anh con trai lớn nhất trong đám, nên lúc nào Anh cũng bày trò chơi cho tôi : lúc thả diều , khi bắt còng , mùa có trái bố hay trái chùm nguội  thì đốn trúc làm ống thụt ; mùa bắt đầu mưa thì bẫy chim …

Chúng tôi lấy sợi tóc dài xe làm thành một cái vòng , đầu kia nắn vào một cục đất , sau đó phơi khô . Thế là có một cái bẫy, nhiều cái bẫy được chúng tôi gài ở những đống trấu do xay giả lúa giê ra .

Từng đàn chim đủ loại : Manh Manh , Áo Dà, Dòng Dọc,  chim Sắc… đáp xuống những đống trấu nầy để kiếm ăn . Thế là chúng mắc bẫy !

Chúng tôi làm những cái lồng bằng trúc thô sơ để nuôi chim .

 Có lần Ba tôi đi thâu lúa ruộng ở Bàu Sen đã gởi về cho chúng tôi một cái lồng rất đẹp với đủ loại chim . Nhiều con Manh Manh trỗ cườm rất đẹp . Áo Dà thì lông màu nâu, mỏ xám đục, cổ trắng trông rất xinh .

Bọn tôi mê tít cái lồng chim ấy , cứ mở ra , đóng vào để cho nước và thức ăn , chẳng bao lâu chim, sổng chuồng hết sạch !

Dòng Dọc là một loại chim không đẹp lắm , chúng có một cái mỏ rất sắc và rất dữ , khi nắm chúng trong tay thì chúng cắn rất đau . Đặc biệt loại chim nầy làm tổ rất công phu , đẹp và rất lạ .

Con mái làm tổ như hình một cái bao tử  . Chúng dùng mỏ tướt lá dừa tươi thành những sợi bề ngang chừng vài mili mét và chúng cũng  đan tổ bằng mỏ . Phía trên tổ lúc nào chúng cũng đan rất dầy , trời mưa dù to thế nào cũng không thể dột nước được . Khi ấp con nở , chúng đan nối lối ra dài đến ba bốn tấc để chim con khỏi rơi ra ngoài ! Xem thế đủ biết  những "bà mẹ chim" nầy thật đảm đang biết dường nào trong việc chăm sóc con lúc chúng hãy còn thơ !

Con trống thì đan tổ như hình cái nón có quai : Chỏm nón mắc vào cành cây , quai nón để chúng đậu ! Thật là an toàn dù nắng hay mưa !

Tôi không được nghiên cứu sâu rộng về loài chim , song nhìn qua cách làm tổ của chim Dòng Dọc  mái và chim trống thì chúng ta có thể nghĩ rằng loài chim nầy có một tư duy khá cao trong việc xây nhà để cho chúng và con chúng ở .

Loài chim mà có tư duy  trong việc làm tổ ư ? Thật cũng khó mà nói khác được  ! Chúng sống với nhau từng cặp một và cặp nào cũng làm hai cái tổ cạnh nhau y hệt như vậy ! Ai có nhìn thấy những mũi đan tổ của chim Dòng Dọc cũng phải hết sức thán phục chúng . Những mũi đan liền nhau, khéo léo, công phu, không một mối dư, không chút sần sùi , gồm nhiều lớp khít khao và chặt chẻ trông rất mỹ thuật … tuồng như đó là một tấm thảm dệt trước rồi mới kết lại làm thành cái tổ …

Chúng tôi rất thích chơi chim, lấy trứng chim trong tổ , song đối với chim Dòng Dọc thì chúng tôi không bao giờ phá tổ của chúng , chúng tôi không nở phá phách mái nhà xinh xắn của chúng , hơn nữa chúng thường làm tổ ở những ao đầm hoang vu trên những nhánh cây gie ra giữa dòng , nên muốn lấy được tổ của chúng cũng không phải là dễ .   

                                                               *

Chính vì Anh là đầu đàn của bọn tôi trong các trò chơi nên thường bị mẹ tôi la mắng

me va Thuc

                                            Anh , Mẹ và cháu Thức :1968

Cón nhớ, một hôm hai anh em cùng với một đám trẻ trong xóm xuống bờ ao móc đất nắn tu na  , mãi mê chơi bỏ cả về ăn cơm . Khi mẹ tìm được chúng tôi thì mình mẩy, áo quần của đứa nào cũng đầy bùn đất ! Mẹ nổi giận phết cho mỗi đứa mấy roi . Dĩ nhiên vì Anh là "đầu đảng" nên đòn có nhiều hơn tôi …

Tất cả dao yếm, dao phay, chét , búa, rựa… của nhà tôi đều bị cuốn mép hoặc mẻ , khờn … tùy theo nó được trui già hay non : hễ cây dao nào trui già thì bị mẻ ; trui non thì bị cuốn mép ! Nguyên do là khi cần chơi là chúng tôi xách dao ra chặt bất kể là trúc non hay tre già , gỗ cứng, có đinh …

Vì vậy hễ dao bị mẻ thì Hùng bị la; dao lụt hay cuốn mép thì Hùng bị rầy … Nhưng không oan chút nào !

Song ít khi nào chúng tôi nhụt chí khi có nhu cầu sử dụng dao , búa để làm đồ chơi ! Bất kể đó là dao phay , dao yếm hay búa , rựa .

    Cũng với danh nghĩa "Đầu Đàn", Anh thường dẫn chúng tôi ra chơi ở bờ sông . Nhà tôi ở cạnh con sông Cái Ngang , tuy không lớn lắm, nhưng khi ấy nó rất sâu và nước chảy rất mạnh . Do đó mẹ tôi nghiêm cấm trẻ con ra chơi ở bờ sông nầy

Thanh minh năm 2002 chúng tôi về Cái Ngang để tảo mộ , tôi nhìn lại con sông Cái Ngang ngày nào mà buồn quá!  Giờ đây tuy người ta đã xả đập, nhưng sông đã gần cạn , không còn đẹp như hồi xưa nữa …

Mấy ông Cộng Sản Việt Nam gốc là nông dân chính hiệu nên chỗ nào có đất là muốn trồng trọt : Trong Phi trường Tân Sơn Nhất , dọc theo các đường bay thì các bố xới lên trồng sả ! Báo hại nước có chỗ ngấm xuống làm tiêu luôn các con đường ! Sân trường Hưng Đạo đường Bùi Viện (bây giờ là trường Châu Văn Liêm) thì ông Hiệu trưởng cụt tay người Bắc cho đào lên làm ao nuôi cá ! Trời ơi! Cái sân trường chó ngồi còn ló đuôi , chung quanh là nhà lầu 4, 5 tầng mà bố cho phá xi măng ra đào sâu xuống để "nuôi cá" thì thôi hết nói !

Sông Cái Ngang và các con sông khác các bố làm "thủy lợi" bằng cách cho đấp đập tất cả để làm ruộng ! Bây giờ thì bữa đập tất cả để nuôi tôm !

Tôi không biết nhiều về môi sinh , môi trường trong một quần thể đồng bằng , song việc đấp đập làm cho các con sông lần lần khô cạn đã khiến cho cảnh quang mất hết vẽ đẹp tự nhiên của nó, chưa nói đến những tác hại khác . Sông Cái Ngang bây giờ là như vậy !

                                                                    *

Những con sông uốn khúc có nước lớn ròng hai lượt trong ngày, xuồng ghe đi lại tấp nập … là nơi hấp dẫn bọn trẻ nhất . Còn thú nào hơn xuống cầu chuồi dưới bến sông nghịch nước khi  nước lớn đầy sông và đi dọc theo bờ bắt những con còng sặc sở ?

Chúng tôi bắt chước kiểu bắt cá của lão Phó Thơ - cũng không biết vì sao người trong xóm gọi lão là Phó Thơ ? Có lẽ lão làm chức phó gì đó trong Ban Hội Tề  và tên lão là Thơ - Lúc ấy lão đã già lắm rồi , không làm gì nổi ,  lão chỉ đi xúc cá chốt bán độ nhật qua ngày . Cách bắt cá chốt của lão như sau : Lão ném một hòn đất chỗ các cầu ở bến sông là nơi cá chốt thường đến kiếm ăn , cá bu lại và lão dùng cây cần chong  để xúc . Cá bắt được lão đem bán ngay cho những nhà trong xóm !

Nhà chúng tôi có một cây vợt giống như cây cần chong của lão Phó Thơ, song cán ngắn hơn có lẽ chỉ để xúc cá rọng trong hầm hay trong lu . Chúng tôi dùng cây vợt ấy và bắt chước lão Phó Thơ để bắt cá . Đôi khi may mắn , chúng tôi cũng vợt được vài con cá chốt hay cá lòng tong thì không có niềm vui nào hơn thế nữa . Do đó, mặc dù mẹ tôi cấm chúng tôi xuống chơi dưới bờ sông , nhưng thỉnh thoảng  chúng tôi vẫn lén xuống đó chơi .

Một hôm , nhân mẹ tôi bận việc ở nhà sau - nhà tôi rất dài, gồm nhà khách, nhà giữa , qua một sân nước có nhà cầu  rồi mới đến nhà sau . Từ nhà sau ra đến bờ sông có thể đến gần 100 mét - Anh rủ tôi và con Đông , con chú Hai Ngự nhà ở kế bên , xuống bờ sông chơi . Lúc ấy nước đầy sông, lé đé cây cầu dưới bến . Không biết loai quay thế nào mà tôi rơi tỏm xuống sông !

Ối chao ! Anh và con Đông lính quýnh cứ đẩy chiếc xuồng đang cột ở chân cầu và bảo tôi nắm ! trong khi tôi bị  cuốn trôi xa theo dòng nước đang chảy xiết !

Kêu mãi không được, Anh đâm hoảng , chạy vào nhà gọi mẹ tôi . Cũng may là mẹ tôi biết bơi nên bà lao xuống sông vớt tôi lên !

Lúc ấy tôi đã uống đầy một bụng nước !

Không biết tại sao rơi xuống sông mà tôi không chìm hẳn . Mẹ tôi nói rằng khi ra bờ sông mẹ đã nhìn thấy tôi nổi lờ đờ theo dòng nước ròng đang chảy xiết và tôi đã bị trôi  cách bến nhà tôi trên 50 mét .

Sau nầy những người thân trong nhà nói rằng mẹ đã sinh tôi một lần nữa !

Khi biết được chuyện ấy , nóng ruột vì thằng cháu suýt chết trôi , chiều hôm ấy Bác Ba tôi đến nhà la mẹ tôi . Bác nói mát :

- Tôi biết Thiếm đẻ giỏi lắm mà ! Chết đứa nầy thì đẻ đứa khác , có sao đâu ?

Mẹ tôi cũng biết là có lỗi , và trước ông anh chồng đang tức giận như vậy, Bà cũng không biết nói sao …

Lúc đó Ba tôi đang ở tít dưới Bàu Sen .

Hôm ấy Anh bị mẹ tôi quất mấy roi vì tội dẫn lũ trẻ ra chơi ở bờ sông ! Dĩ nhiên là mẹ không tính công Anh đã kịp thời báo cho mẹ vớt tôi lên , cứu tôi thoát chết !

                                                                 *

Khi có dịp mẹ tôi vắng nhà - gặp trời mưa - thì cũng do Anh cầm đầu  - rủ tụi tôi tắm mưa …

Có một lần , mẹ tôi đi chợ , ở nhà chỉ có Chị tôi là lớn. Đột nhiên trời đổ mưa to. Anh rủ tôi cỡi truồng tắm mưa . Trước nhà tôi có một cái sân gạch rất to, bọn tôi ra đó nô đùa dưới cơn mưa tầm tã suốt mấy tiếng đồng hồ . Chị tôi uổng công hò hét , song có sức mạnh nào lôi chúng tôi vào được !

Mãi sau Chị hăm he mẹ về sẽ mét lại thì chúng tôi mới bỏ cuộc tắm mưa vào nhà . Lúc ấy hai đứa đều lạnh run , người xanh tím . Song, sau khi mặc quần áo vào tôi còn dỗi lên nằm trên bộ ván gõ ở chỗ nhà cầu , chỗ nầy khi mưa giông lớn , gió lùa, mưa tạt ướt cả bộ ván .

Chị tôi la cách nào tôi cũng vẫn cứ nằm lì trên bộ ván ấy,  mưa tạt vào làm ẩm ướt cả quần áo !

Tối đến, tôi và Anh phát lên một cơn sốt kinh hoàng , sốt đến mê mang , nói sảng lung tung … Cả hai đứa hầu như bất tỉnh .

Mẹ tôi sợ quá, không còn biết chạy thầy, chạy thuốc ở đâu vào lúc nửa đêm bèn cho gọi ông Hai Ngự sang – Lão Hai Ngự là một thầy bùa kiêm thầy pháp .

Lão chả biết thuốc men gì , song ông ta cũng đến vẽ bùa lăng quăng và chăm tiếng Lèo (?) với hai con bệnh đang nói sảng !

Mẹ ngồi canh chúng tôi suốt đêm hôm ấy , song chúng tôi cũng không đỡ sốt chút nào . Sáng ra bà cho rước ông Thầy Chánh là ông thầy thuốc bắc duy nhất trong làng đến coi mạch và hốt thuốc cho chúng tôi .

Chúng tôi uống hết mấy thang thuốc bắc nhưng bệnh vẫn không bớt . Cứ buổi sáng mát thì buổi chiều lại sốt vùi .

Dần dần chúng tôi sốt cách nhật , miệng đắng , không ăn được . Hai đứa gầy trơ xương !

May sao lúc ấy có người anh họ con của dì tư tôi học trường thuốc Hà Nội, do bị Tây truy nã anh chạy trốn xuống quê tôi . Sau khi xem bệnh cho chúng tôi anh bảo chúng tôi bị sốt rét .

Anh cho chúng tôi uống Quinine  và chích cho chúng tôi mấy mũi thuốc màu xanh  sau nầy tôi mới biết đó là Quino-bleu . Được mấy hôm thì chúng tôi hết bệnh .

Lần ấy do chúng tôi ốm thập tử nhất sanh nên mẹ bỏ qua cho chúng tôi tội tắm mưa và tôi, tội cãi người lớn nằm ngoài nhà cầu lúc trời đang giông mưa lớn !

Song tôi và Anh là những người trong cuộc thì chắc khó mà quên !

                                                                              *

Giờ đây bệnh sốt rét đã biến thể phức tạp hơn nhiều .Tôi được biết ở những vùng trọng điểm của dịch sốt rét như vùng Phú Yên thì phác đồ điều trị phải thường xuyên thay đổi vì vi trùng rất chóng lờn thuốc .

Nếu Anh bị sốt rét ác tính thì chuyện không đơn giản như ngày xưa anh Phán đã chữa trị cho chúng tôi …

Chuyến xe xuôi về miền Trung vẫn lao vào bóng đêm dưới cơn mưa nặng hạt .
                                  
Cũng chuyện tắm sông, tôi không bao giờ quên những ngày gia đình tôi tản cư lên Thành Phố Cần thơ . Ba tôi làm quản lý cho một hãng nước mắm của người Dượng . Gia đình tôi được bố trí ở ngay trong Văn Phòng của xưởng . Nhà nầy rất rộng , buổi trưa còn có mấy người nhân viên nghỉ lại ở đây . Do đó , Ba tôi ra lệnh : ăn cơm trưa xong là chúng tôi phải vào giường ngủ , không được đùa giởn ầm ỉ .

Nhiều lần Anh rủ tôi lén xuống cầu xưởng để tắm sông . Đây là một nhánh của sông Hậu bị chia cắt bởi một cái cồn  dài hằng mấy cây số , và nhánh bên nầy nhỏ nên nước chảy không mạnh lắm , nhưng ở đây thường có những ghe chở cá hoặc muối đến bán hay những ghe đến mua nước mắm , nên bến sông bao giờ cũng rất náo nhiệt .

Tắm sông ở đây vào buổi trưa  thật là thú vị ! Tôi vì còn nhỏ và không biết lội nên chỉ lặn hụp quanh quẩn ở  chân cầu , những chỗ cạn , gần bờ ; còn Anh thì leo lên những cây đòn  dài   của ghe long rông xuống sông …

Một lần chuyện chúng tôi tắm sông buổi trưa bị bại lộ. Nguyên do là vì các ghe chở cá đậu dưới bến rất đông , chúng tôi lên ghe lựa cá chơi và sau đó mới tắm . Nước lớn đầy sông . Mấy người đi trên ghe cũng xuống tắm với Anh thật là vui . Mãi miết vui chơi, khi tiếng kẻng báo giờ làm việc chúng tôi mới lên bờ .

Vừa mặc quần áo xong thì đụng ngay Ba tôi !

Hôm ấy tôi tưởng sẽ bị đòn nặng , may nhờ có anh Tuyền xin nên Anh chỉ bị cảnh cáo mà thôi .

Anh Tuyền  làm thư ký cho xưởng . Anh rất hiền, người trầm lặng , ít nói . Anh chơi thân với bọn trẻ chúng tôi và thường có quà kẹo, bánh, đồ chơi…cho chúng tôi . 

Ba tôi nể tình anh Tuyền nên không đánh đòn Anh , song ông cấm chỉ việc tắm sông và buộc buổi trưa chúng tôi phải ngủ 1 tiếng đồng hồ .

Song ngày nào cũng vậy, chúng tôi không sao ngủ trưa được mà chỉ nằm giỡn với nhau suốt cả giờ nghỉ trưa… Dĩ nhiên là chỉ nghịch ngầm chứ không dám làm ầm ỉ .

Một hôm sau khi có kẻng báo giờ vào làm việc buổi chiều , chúng tôi vừa ra khỏi giường thì Ba chúng tôi ách  lại.  Ông nói :

- Nhìn mặt hai đứa hôm nay không có ngủ trưa . Bây giờ phải trở vào  giường ngủ lại đến 2 giờ mới được dậy !

Đành vậy chớ biết sao ! vì vừa "sổng" khỏi giường là mặt mày chúng tôi hớn hở , đâu có vẻ gì của người mới ngủ dậy !

Từ đó về sau chúng tôi rất sợ diễn lại cái cảnh đó nên cố gắng ngủ . Nhưng dù muốn ngủ, chúng tôi cũng khó ép mình ngủ trưa được .

Cuối cùng , Anh bày một cách "ngủ trưa" như sau : chúng tôi chơi giởn đến khoảng hơn 12 giờ , sau đó nằm ép một bên má xuống chiếu , dùng tay đè chặt .

Bước ra khỏi giường , mặt chúng tôi luôn luôn có lằn chiếu , chứng tỏ rằng chúng tôi có ngủ trưa !

Từ ngày ấy không bao giờ chúng tôi bị bắt phải ngủ trưa lại thêm một giờ như trước đây nữa , và chúng tôi rất khoái vì đã qua mặt được người lớn !

Sau nầy khi tôi đã biết lội và trưởng thành , chúng tôi không có dịp tắm sông với nhau như thời thơ ấu nữa … Song tình tiết những cuộc tắm sông như thế tôi không thể nào quên !...

Bon ch con

                                                        Bốn cha con

Giờ đây chúng tôi mỗi đứa sống ở một phương trời , miếng cơm , manh áo đã gắn chặt chúng tôi với những công việc lao động hàng ngày . Còn đâu những ngày vui đầm ấm của tuổi thanh xuân ngày ấy ; còn đâu những giây phút rộn ràng vui thú pha với một chút lén lút , ngỡ ngàng khi phải trốn người lớn làm những điều mình thích nhưng bị cấm .

Giờ đây tôi đang ngồi trên chuyến xe đêm lao hết tốc lực về miền Trung , còn Anh, không biết sống chết ra sao ? Bệnh tình thế nào và đang nằm ở đâu ?

Xe vẫn chạy băng băng trong màn đêm , bên ngoài trời vẫn mưa nặng hạt .


Tôi cứ hỏi thăm chừng người lơ xe đã gần đến Phú Yên chưa ? vì ngồi trong xe đêm khó mà xác địng được không gian và thời gian .

Đến gần sáng thì xe ngừng lại theo yêu cần của một người khách . Tôi hỏi người lơ :

- Đến Phú Yên chưa chú ?

- Ờ , ở đây là tỉnh Phú Yên nè …

 Tôi nhỏm dậy định xuống xe theo người khách , song nhìn ra bên ngoài qua màn đêm mưa trắng xóa , chung quanh toàn là rừng nên chựng lại .

Mãi đến hừng sáng xe mới tới Phú Yên . Có vài hành khách và hai cậu cháu tôi xuống xe .

Trời vẫn còn mưa rã rít . Xe đỗ khách tại một trạm xăng sát quốc lộ . Chung quanh không thấy chợ búa, nhà cửa gì cả. Khu vực nầy còn chìm trong màn đêm . Cây xăng cũng còn đóng cửa .

Trời mưa bão thế nầy thì hầu như mọi hoạt động thường nhật đều bị đình trệ .

Chúng tôi thơ thẫn dưới trời mưa , cố tìm người hỏi thăm thì may gặp một bác xích lô đang ngủ trên xe trong hàng hiên của trạm xăng . Tôi đến đánh thức bác ta , hỏi thăm và nhờ ông chở vào tỉnh lỵ .

Tôi yêu cầu ông chở chúng tôi đến nhà thương tỉnh .

Tất cả những con đường đi vô thị trấn Phú Yên đều bị ngập nước . Có nơi nước ngập lên tớn sàn xe ! Bác xích lô phải lội bì bỏm trong nước đẩy xe đi …

Đến  nhà thương Phú Yên thì trời vừa rựng sáng .

                                          *

Những nổi gian truân của Anh không phải cho đến bây giờ mới có . Và chuyện chìm nổi của đời Anh bắt nguồn ngay từ lúc Anh còn rất bé …rất bé …

                                         *

Mẹ tôi kể rằng khi anh bắt đầu tượng hình trong bụng mẹ thì bà ốm đau luôn . Có lúc tưởng  chừng như  bà không đủ sức mang tiếp cái thai cho đến ngày khai hoa nở nhụy .

                                                                *

Người mẹ tôi càng ngày càng gầy tọp đi – Bà kể - và cái thai đã được trên 7 tháng rồi mà nó máy  rất yếu - thậm chí có lúc nó còn không máy nữa …và mẹ nói rằng mẹ tưởng như nó đã chết …

Bà Nội tôi rất lo ngại , Bà kêu anh người làm và Bà Thiếm Mười Hương - một bà thiếm họ - lấy xuồng chở mẹ tôi đi Cà Mau khám thai .

Thời đó thị trấn Cà Mau còn rất nhỏ , cả nhà thương chỉ có một vài người gọi là Y Sĩ  Đông Dương khám bệnh . Đó là những người học trường thuốc Hà Nội 5 năm rồi ra chữa bệnh đa khoa .

Má tôi kể rằng anh Chiêu là người chèo xuồng , gặp nước ròng chảy xiết chèo xuồng không đi nên anh bàn ghé xuồng lại chỗ một gốc cây đậu nghỉ , chờ nước lớn . Lúc đó cái thai đã không máy  gần 10 tiếng đồng hồ rồi .

Trời nắng , mẹ nằm mơ màng dưới chiếc xuồng tuy có mui nhưng rất chật và nóng . Bỗng mẹ thấy một ông già đến kêu mẹ dậy và phải đi gấp ra Cà Mau sẽ có quới nhơn giúp đỡ …

Mẹ giật mình tỉnh giấc và tức tốc kêu anh Chiêu ráng chèo nước ngược đi cho kịp … 

                                          *

Khi ra đến Cà Mau thì may mắn làm sao mẹ lại gặp được ông ngoại tôi ! Ông từ Long Bình - Cần Thơ - mới xuống tới ! và ông đã đưa mẹ tôi đến ông đốc tơ Nhuận khám thai và ông nầy đã cứu được cái thai hầu như đã chết…

Khi sanh Anh ra , mẹ tôi nói rằng Anh như một con mèo ướt , da nhăn nhúm , mặt như mặt khỉ , không có một chút sự sống nào cả …

… Nhiều năm sau , mẹ tôi khi kể đến việc nầy bà cứ băn khoăn mãi : "Chuyện như vậy mình dù không tin dị đoan cũng không được … "

Làm sao có thể gặp được ông ngoại tôi tình cờ trong muôn một , nếu không có bàn tay của đấng vô hình ?

Ba tôi thường nói rằng trong các anh chị em tôi có anh là người có thể lực yếu nhất , có lẽ đó là hậu quả của tố chất yếu kém của Anh trong thời kỳ mẹ tôi thai nghén .

Riêng tôi thì không bao giờ tôi quên được câu chuyện ông già đến gọi mẹ tôi đi nước ngược để ra Cà Mau kịp lúc gặp ông ngoại tôi tình cờ đi ngang bến tàu …

Cuộc đời Anh là thế : long đong , chìm nổi phải có quới nhơn phù hộ từ lúc hãy còn trong bụng mẹ !

                                                          *

 Khi cuộc chiến tranh Việt - Pháp chưa bùng nổ ác liệt , anh Năm Khuyên - người anh con chú con Bác với tôi từ Bàu Sen lên chơi - Bàu sen cách chỗ chúng tôi ở hơn một ngày đường đi xuồng chèo - cứ theo xin với mẹ tôi cho Anh xuống Bàu Sen chơi . Anh Năm Khuyên rất thích con trai , anh là con trai độc nhất của Bác Hai tôi, khi anh và chị Năm bị bệnh phong tình thì bác Hai gái nhỏ của tôi ( Bác Hai tôi có vợ bé) cho hai người uống một loại thuốc trị bệnh phong tình rất độc gọi là ngũ hổ  , tục truyền rằng người đàn bà uống thuốc nầy rồi thì sẽ không còn có con được nữa - và không biết có phải đó là chủ ý của Bác gái nhỏ hay không mà quả nhiên anh Năm Khuyên tuyệt tự .

Anh Năm chơi rất thân với Ba tôi , vì chú cháu suýt soát tuổi nhau nên coi nhau như bạn và anh đã "xin" đứa con mà mẹ tôi đang mang thai  - Đó là người chị thứ Năm của tôi , hợp đồng là dù trai hay gái anh, chị vẫn xin . Kết quả là mẹ tôi sinh con gái . Do đó anh Năm Khuyên vẫn luôn thích con trai . Sau nầy mẹ tôi nói lại là vì Anh cứ theo năn nỉ mãi , mẹ không nở từ chối nên đã đồng ý cho Anh đi theo anh Năm Khuyên xuống Bàu Sen .

Năm đó Anh đâu vừa lên 6  .

Lần xa nhà đầu tiên nầy mở ra một chương mới trong cuộc đời Anh , và Anh thật sự đã sa vào vòng luân lạc ngay khi còn quá nhỏ .

Có thể nói đó là chuyến đi định mệnh và đã bắt đầu thời kỳ sóng gió trong cuộc đời phải chia cách gia đình của Anh .

Lúc ấy Ba tôi do thời cuộc đã chạy lên Cần Thơ trước , ở đậu nhà Dì Tư tôi . Khi ông tìm được việc làm thì ông có ý định đưa cả nhà lên Cần Thơ tránh giặc .

Một hôm chúng tôi nhận được thư và tiền của Ba tôi gởi người quen đem về bảo mẹ tôi phải thu xếp đưa chúng tôi lên Cần Thơ theo chuyến con voa cuối tháng .

Lúc ấy thì Anh còn ở tít dưới Bàu Sen !

Mẹ tôi không nở bỏ Anh lại nên người cứ băn khoăn, trăn trở mãi …

Sau cùng các Bác của tôi nói mãi, phải một hai hứa chắc sẽ tìm cách đưa Anh lên sau, nên mẹ đành nuốt lệ đưa chúng tôi đi .

Hồi ấy, như tôi đã nói ở đoạn trên, mỗi tháng bọn Tây mới sửa đường một lần và có một đoàn xe nhà binh dẫn đầu cho các xe đi .

Đường đi rất hiểm nguy và đầy bất trắc : con lộ bị đào bới lung tung. Việt Minh thì hay phục kích các đoàn con voa. Nếu có bắn nhau thì xe đò sẽ rơi vào vùng lửa đạn của hai bên .

Hồi đó, và mãi đến sau nầy trong thời kỳ chống Mỹ, chuyện đào đường và gài trái là một chủ trương lớn của quân kháng chiến . Tổn thất cho giặc thì tôi không biết , nhưng thường dân thì lãnh đủ !

Một thằng cháu của tôi nguyên là du kích , hiện nay làm chức vụ lớn ở Tỉnh Cà Mau nói với tôi rằng trong suốt hơn một chục năm đi du kích gài trái nó chưa giết được tên địch nào , ngoại trừ trái nổ làm chết một bà thường dân đi mót lúa sớm và trái nổ làm nó bị cụt tay !

Đến Bạc Liêu thì đường bị tắt ! chúng tôi phải đến tá túc nhà chế Ba Ngải là con Bác Hai tôi , chờ thông đường .

Lúc ấy nhà tôi  tách làm ba : Mẹ tôi tay bồng tay mang môt lũ nhóc gồm năm đứa ăn chực nằm chờ ở Bạc Liêu , tiến thối lưỡng nan ; Ba tôi ở Cần Thơ mõi mắt trông tin chúng tôi ; và Anh , một đứa trẻ mới lên 6 , lạc loài, cô chích hết ở nhà người bà con nầy đến nhà người bà con khác , không có hy vọng gì đoàn tụ với gia đình .

                                                         *

Sau nầy Anh kể lại rằng , Anh đang ở dưới Bàu Sen với anh Năm Khuyên thì Bác Chín tôi có dịp xuống đó , Bác nói  với Anh rằng cả nhà tôi đã đi Cần Thơ và bác rủ Anh về Cái Su chơi . Cái Su là điền của Bác Hai tôi , hơi xa vùng địch chiếm , nên hễ có giặc bố thì bà con trong họ lại chạy xuống đó .

Anh nòi  rằng ở dưới Bàu Sen thì Anh được hoàn toàn "tự do" : Lội ruộng , bắt cá , tát đìa , cắm câu và đi theo coi trâu … không ai la rầy , ngăn cấm . Anh Năm Khuyên chỉ thích con trai thôi chứ anh chưa bao giờ quản lý  con trai nên để cho Anh chơi rong thoải mái .

Với bản tính ham vui của trẻ thơ lại sống trong những môi trường không có người ngó ngàng gì tới , Anh đi hoang thật đã đời !

Vợ chồng anh Năm Khuyên thì tống khứ Anh lên được trên Cái Su là coi như hết nợ .

Sau nầy tôi vẫn suy nghĩ mãi và không hiểu tại sao giặc giả như vậy , anh Năm Khuyên lãnh anh đem về nhà rồi bỏ mặc anh đi bụi ! mà anh có lớn gì cho cam : chỉ là một đứa trẻ chưa có thể tự lo cho mình được, một đứa trẻ chỉ mới vừa lên 6 ! Suy cho cùng, những người ruột thịt thì không thể nào bỏ như vậy được , chỉ có người dưng và là người có tấm lòng thiếu độ lượng , sống thật ích kỷ và nhẫn tâm thì mới tống một đứa bé đi như vậy đi khỏi nhà mà không biết rồi nó sẽ ra sao?

Tôi không thể nào hình dung được một đứa trẻ chỉ mới lên 6 lên 7 , suốt ngày dãi nắng dầm mưa theo những người tá điền làm công ở nhà anh Năm Khuyên  đi ra ruộng cấy, gặt , kéo cá , chài , lưới … Rồi quần áo, tắm giặt , đau ốm… không có người lớn chỉ bảo , răn dạy thì chắc anh sống như một cây cỏ hoang dại trong rừng … !

Anh phải tự chăm sóc cho mình từ ngày ấy , và cũng từ ngày đó Anh ra khỏi vòng tay của mẹ , thất lạc trong cuộc chiến tranh ác liệt mà sự sum hợp chưa biết đến bao giờ !

Sau nầy Anh kể lại cho tôi nghe , có lần nửa khuya, mấy người tá điền của Bác Hai tôi rủ Anh đi kéo cá . Hôm đó Anh mắc một đám mưa to và ốm một trận thập tử nhất sanh.

                                       *

Lúc ấy nhà tôi đang sống ở Cần Thơ . Tất  cả bầy con đều đủ mặt , chỉ trừ Anh . Gia đình cũng không có tin tức gì về Anh , không biết Anh đang ở với ai ?Sống ra sao ? Chiến tranh có lan đến vùng Anh ở hay không ?

Mẹ tôi luôn rên rẫm buồn rầu ray rứt vì những câu hỏi trên . Người luôn thúc hối Ba tôi tìm cách thuê người về rước Anh lên .

Song trong những năm mà cuộc chiến tranh - Việt  - Pháp bắt đầu ác liệt , giao thông đường bộ từ Cần Thơ đi Cà Mau hoàn toàn tắt nghẽn . Chỉ có xe nhà binh chạy được mà thôi .

Cuối cùng Ba tôi tìm được một người chịu đi . Đó là Cậu Tư Tre - Một người cậu họ bên ngoại tôi . Dĩ nhiên là cậu đi bằng đường thủy .

Ba tôi chỉ dẫn cho cậu thật kỹ lưỡng đường đi nước bước, song một phần vì cậu chưa bao giờ đi về vùng ấy bằng xuồng , một phần thời cuộc đã phân chia ra hai vùng rõ rệt : vùng địch tạm chiếm và vùng giải phóng . 

Từ vùng giải phóng đi ra Thành thị thì bị Việt Minh bắt vì tội "nhảy dù"  vì hồi đó ta áp dụng triệt để khẩu hiệu "tự lực cánh sinh" , lấy ”nông thôn bao vây thành thị" (!) ; Từ ngoài Thành đi vô những vùng giải phóng càng khó hơn vì sẽ bị tình nghi là gián điệp , có thể bị bắt .

Ở Cần Thơ xuống Cà Mau phải đi ngang qua nhiều lộ xe, người đi phải chờ đêm tối xuống , không đèn đóm , âm thầm lén kéo xuồng qua lộ đá, gặp địch phục kích thì chúng xả súng bắn liền . Và bọn chúng hay phục kích ở những nơi lộ xe cắt con sông đi qua để bắn du kích .

Sau nầy Anh kể lại rằng gần đến chỗ phải kéo xuồng qua lộ xe, Cậu Tư phải đưa xuồng theo đường đồng cách con sông rất xa rồi mới dám kéo xuồng qua lộ . Anh mô tả lại cái cảnh rùng rợn khi phải bước lom khom trên con lộ đá vắng tanh và tưởng tượng kẻ địch lúc nào cũng có thể xả súng bắn mình …

Khi gia đình tôi hồi cư vế Cà Mau ,chúng tôi cũng trãi qua những giây phút kinh hoàng như vậy

Tôi không biết chiếc ghe chở cả nhà tôi đi theo con sông nào mà phải qua một cây cầu nằm sát mặt sông . Ghe muốn đi tiếp phải nhận chìm và long qua cầu !

Tôi còn nhớ, lúc ấy bao nhiêu đồ tế nhuyễn : quần áo, mùn mền, … đều phải mang lên lộ đá chuyển qua bên kia cầu , mấy người chèo ghe nhận chìm chiếc ghe và phải lặn xuống nước đẩy nó qua cầu .

Nhiều ghe thương hồ khác cũng phải qua cây cầu nầy bằng cách ấy trong đêm khiến cả một khúc sông cứ nhộn nhạo cả lên . Người ta cấm không ai được đốt đèn , không được nói chuyện… song cả một khúc sông và trên mặt lộ hai bên càu vẫn ì xèo như một cái chợ , nhưng đó là một cái chợ "Ma" vì chỉ có những bóng người di chuyển khuân vác đồ đạc thấp thoáng trong bóng đêm dày …

Người ta nói rằng thỉnh thoảng bọn Pháp vẫn phục kích ở đây và đã bắn chết nhiều người đi ghe xuồng qua lại .

Đêm ấy nếu có bọn Tây phục kích ở đây thì cả gia đình tôi không sao thoát được vì toàn là đàn bà và trẻ con .

                                               *

Cậu Tư Tre ghé xuồng vào cầu Xưởng , song Cậu nói gạt Anh :

- Tao lên đây đi tiểu cái đã . Chỗ Ba mầy ở tít đằng kia …

Cậu chỉ cho Anh cái biệt thự Khương Bình Tịnh xa xa trên Bình Thủy .

Khi Cậu lên bờ thì Anh cũng lò mò theo . Nhìn vào sân xưởng Anh thấy Ba tôi đang đứng chấp tay xem công nhân làm việc . Anh chạy ào đến ôm chặt lấy Người !

Sau nầy , mỗi lần Anh nhắc lại kỷ niệm cũ , đến đoạn nầy tôi vẫn không sao kềm giữ được sự xúc cảm làm rung động trái tim tôi . Sự biệt ly cách trở, ngày sum hợp tương phùng đầy kịch tính như vậy thật hiếm thấy trong đời !

                                                                          HẾT PHẦN I

Nhạc nền : Piano sonata in C - Mozart [NCT 2040965936].mp3

5 nhận xét:

  1. Mỗi người đều có số phận riêng , giàu, nghèo, sướng, khổ khác nhau, nhưng đều có một điểm chung: đó là tuổi thơ hồn nhiên, nghịch ngợm, không sợ trời, không sợ đất. Nhất là ở vùng quê, đất rộng, sông nước nhiều, cả một vùng trời tự do, nhiều trò để vui đùa , nghịch phá.
    Trải qua thời kỳ lọan lạc, mới yêu quý những ngày đi ra đường không phải nơm nớp lo sợ bom rơi, đạn nổ biết bao!
    Y có đến năm thằng em trai,hồi nhỏ cũng nghịch như quỷ sứ, và bày lắm trò như anh em của anh vậy. Thật ớn cho con trai !
    Chờ đọc tiếp, anh nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Thật ớn cho con trai !
    Tui biết mấy bà chị "ớn" tụi em trai thế nào rồi !
    bà chị tui cũng thế : "ớn" thằng bé nhưng chiều nào cũng tắm rửa , kỳ hồm cho nó dù vừa kỳ vừu ọi !

    Thương quá đi những bà chị ơi ! "ớn" thì "ớn" nhưng thương vẫn thương ...!

    Trả lờiXóa
  3. @ ngocyen viết : "Thật ớn cho con trai !"

    Tui biết mấy bà chị "ớn" tụi em trai thế nào rồi !

    Bà chị tui cũng thế nhưng chiều nào cũng tắm và kỳ hồm cho những thằng em mà chị phát ớn khi kỳ cọ cho nó ! Chả thế mà ngày nào tắm cho chúng chị cũng ọi .

    Thương quá đi những bà chị ơi !

    "Ớn" thì "ớn" , nhưng thương vẫn thương !!

    Cám ơn "Bà chị" những lời nhận xét về những chú em đã trót làm các bà "ớn"

    Trả lờiXóa