NGƯỜI ANH
PHẦN II
Sự đoàn tụ của Anh đối với chúng tôi ở Cần Thơ là một trang sử lớn của gia đình chúng tôi . Không một ai trong chúng tôi dám hy vọng nhiều rằng cậu Tư Tre sẽ đưa Anh được từ vùng giải phóng xa tít ở mũi Cà Mau ra Thành Phố Cần Thơ - Đâu có ai biết rằng Anh đang ở Bàu Sen , Cái Su hay Cái Ngang ? Làm sao cậu Tư tôi tìm ra được Anh trong ba vùng quê mênh mông đó ? - Những vùng quê thưa người không có phương tiện giao thông nào khác hơn là xuồng ghe- Nơi nầy cách chỗ kia cả ngày đường , đi loanh quanh theo các kinh rạch như một Bát Quái Trận Đồ !
Còn Anh, tuổi thơ bé bỏng sớm xa nhà , chịu cảnh cô chích hằng mấy năm trường , việc gặp lại Cha Mẹ, Anh Em họa chăng là trong giấc mộng !
Ở đây tôi muốn mở ngoặc nói thêm một chút về thời cuộc lúc đó. Lệnh "cấm thành" được ban ra một cách rất nghiêm ngặt , chỉ có những tay sừng sỏ , những người bạt mạng mới dám "nhảy dù"* - Tức lén ra Thành đi buôn - mà nhảy dù đứt dây là phải nằm trại giáo hóa ít nhất 6 tháng ! Có khi kẹt giữa hai lằn đạn của hai bên mà mất mạng ! thì thử hỏi một đứa trẻ lên 6 , lên 7 , ăn nhờ ở đậu nhà Cô Bác trong vùng giải phóng thì làm gì dám mơ ngày đoàn tụ với gia đình ở ngoài Thành cách xa hằng mấy trăm cây số .
Cho nên khi nhận ra cái ông cao , to mặc đồ tây đứng chấp tay sau đít kia là Ba thì trái tim thơ dại của Anh chắc phải run lên theo nỗi vui mừng khôn tả của ngày hội ngộ .
*
Những năm tháng chúng tôi hồi cư về Bàu Sen thì Anh vẫn là con trai lớn trong nhà , vì lúc đó anh Hai và Ba tôi đã đi kháng chiến .
Theo năm tháng, Anh và tôi cũng lớn dần lên .
Khi chúng tôi dời nhà vào xóm Láng Dài thì anh đâu đã lên 12 , 13 tuổi - cái tuổi lẽ ra phải được vui chơi , cắp sách đến trường … thì Anh phải cùng với mẹ tôi chèo chống , chuyên chở đồ đạc vào nhà mới .
Tuy mẹ tôi có mướn nhiều người phụ việc dời nhà , song hằng ngày mẹ và Anh phải đi hai chuyến xuồng chở các đồ lặt vặt . Đường đi từ Nhà Cũ đến Láng Dài khoảng 5 , 6 cây số , nhưng con lung thì dầy đặc những rong đuôi chồn và bông súng nên khó chèo chống và còn phải kéo xuồng qua một cái đập có bãi chuồi rất xa .
Nhà tôi lúc ấy có hai chiếc xuồng thật chẳng ra hồn gì cả. Một chiếc do ông thợ Cam đóng bằng ván bổ kho cũ của nhà tôi , gồm nhiều miếng ghép lại ,ván thì dầy và xuồng có nhiều đường nối nên nó rất nặng và lúc nào cũng bị chảy .
Ông Bảy Cam là một thợ mộc nẩy (1) , ông đóng chiếc xuồng cho nhà tôi theo một kiểu mà tôi chưa hề thấy bao giờ .
Khi đi nhận xuồng đem về thì ông chú Sáu Ca - một người chú họ của Ba tôi đang làm tằng khạo cho gia đình - ngồi giữa xuồng, nước chảy vào xuồng ngập gần tới bụng . Ông vừa bơi vừa la ó ầm ỉ :
- Mẹ cái thằng Cam ! đóng cái xuồng "Hai Đầu Hát Bội, Chính Giữa La Làng".
Sau nầy tôi mới biết, ý ông nói là cái xuồng mũi và lái cất cao lên còn ở giữa thì oằn xuống ! Đúng là ngồi ở mũi và lái thì không bị ướt còn ở giữa thì đầy cả nước …
Chiếc xuồng nầy nặng lắm, yếu sức như Chị tôi thì không sao chống chèo nổi !
Lúc ấy Anh và mẹ tôi dùng chiếc xuồng ấy chuyên chở các đồ lặt vặt , thậm chí bứng cả những cây chuối con đem về Láng Dài để trồng !
Sang đập và kéo đập thì mẹ tôi mượn thêm mấy người đàn ông mới kéo chiếc xuồng đó qua nổi .
Sức một đứa trẻ từng ấy tuổi mà phải chèo chống chiếc xuồng ấy trên con lung Láng Dài thì thật là một chuyện hiếm có . Cuộc đời lao động của một người thiếu niên đã thật sự bắt đầu khi Anh hãy còn là một đứa trẻ thơ …
Nhà tôi còn một chiếc xuồng nữa mà chúng tôi gọi là xuồng "Hai lá" .
Theo cách gọi của đồng bào ta ở nông thôn thì có mấy loại xuồng : Xuồng be 10 , xuồng be 9, xuồng be 8 và xuồng ba lá . Xuồng be 10 là xuồng lớn nhất ; xuồng ba lá là xuồng nhỏ nhất , chỉ có thể chở được hai người . Loại nầy được dùng làm phương tiện đi lại hoặc đi giăng câu .
Còn chiếc xuồng "hai lá" của chúng tôi thì chỉ chở được có một người ! . Nó vừa ngắn đòn, vừa nhỏ lại bị chảy …
Lúc chúng tôi vào xóm Láng Dài, Anh thường dùng chiếc xuồng nầy đi giăng câu với những người bạn cùng trang lứa trong xóm .
Những người đi giăng câu nầy thường đi đến những Trãng (2) lớn vào mùa nước lụt sau khi cấy xong để giăng câu cá trê . Những cái trãng lớn ở những vùng xa như Trãng Cái Ngây , cách chỗ tôi ở rất xa , đi xuồng bơi giỏi cũng mất hết nửa ngày đường .
Người ta làm những "Giềng" câu dài hằng mấy mươi thước với lưỡi câu Dấu Ó và dùng mồi trùng để giăng. Giềng câu được khoanh trong một cái rỗ , khi buông câu người ta gỡ lần lần ra thả xuống sông . Hai đầu của giềng câu được cột vào hai cây sậy hay cây róng gọi là cây Đài .
Người đi giăng câu xa phải ăn ngủ dưới xuồng hoặc tìm một đám dừa nước dựng tạm một cái chòi và đưa xuồng vào đó để trú nắng mưa . Một chuyến đi như vậy có khi kéo dài đến 5, 6 ngày .
Anh rất ham đi giăng câu xa. Mỗi lần đi thì cụ bị đủ thứ : Đào trùng, chẻ củi làm bếp un , nóp để ngủ , son nồi, gạo nước mắm … để nấu cơm …
Các thứ linh tinh đó chất xuống chiếc xuồng Hai Lá của chúng tôi thì xuồng lé đé , gần chìm !
Đi giăng câu xa thật vô cùng vất vã , gặp những lúc trời mưa phải che những cái chòi tạm bợ trong những cụm dừa nước và đưa xuồng vào đó trú mưa . Ở những vùng Trãng nầy không có nhà cửa , làng xóm gì cả , chỉ mênh mông một vùng rộng lớn toàn là bồn bồn , dừa nước và cây ráng .
Mỗi đêm người ta đi "thăm" câu chừng 3, 4 lần ; ban ngày thì vào chòi ngủ .
Tôi còn nhớ, có lần Anh cụ bị đồ đạc mấy ngày, chuẩn bị các thứ để đi giăng câu xa . Lúc Anh xuống xuồng thì trời trong, không có vẻ gì sẽ mưa .
Song sau mùa cấy thì những trận lụt thường xảy ra , mưa gió có khi ròng rã hằng tuần .
Anh và hai người bạn bơi xuồng ra khỏi bến , dưới xuồng bếp un tỏa khói . Củi đuốc, nóp, nồi son, dây câu, mồi trùng… đều đầy đủ .
Tôi vì còn nhỏ nên chưa có thể cỡi xuồng đi giăng câu , song nhìn cảnh ấy tôi rất lấy làm ham thích , còn những chuyện vất vã trong lúc đi giăng câu thì làm sao tôi hình dung được ?
Chiếc xuồng hai lá từ từ rời khỏi bến . Chúng tôi đứng trông theo . Một làn khói bếp un trên xuồng tỏa dài theo con lung …
Tối lại ttrời đổ một cơn mưa to. Mẹ tôi cứ trăn trở mãi . Bà luôn thở vắn than dài rằng không biết Anh sẽ ra sao với cái xuồng hai lá ấy trong cơn mưa to như vậy ?
Cơn mưa lụt kéo dài …
*
Ba hôm sau, gần nửa đêm , Anh về kêu cửa . Chúng tôi vùng cả dậy chạy ra bến sông .
Chị tôi tiếp Anh chuyển đồ đạc lên nhà . Củi lửa , bếp un tắt ngấm ! Khi dỡ sạp xuồng lên thì ở đó chỉ có một con cá trê đĩa(3) đã chết !
*
Khi về Láng Dài thì nhà tôi không còn thu lúa ruộng được nữa . Do đó chúng tôi phải làm ruộng . Chúng tôi lấy lại một dây đất khoản 10 công để làm . Song vùng nầy cỏ rất dữ : toàn là những thứ cỏ mà những người nông dân chính hiệu cũng phải sợ : Cỏ ống : cứng như cây sậy nhỏ ; Cỏ Lùn : bò tràn lan, gôc một nơi , ngọn một nẽo , chỉ cần sót một mắc là chúng sẽ mọc rễ ra liền ; Cỏ Sắc là loại cỏ cứng và dai hơn cả . Cây phảng mới mài rất bén , song chém chúng chừng mấy nhát là bị lụt, chém không đứt được nữa . Những người nông dân dù phát đất rất giỏi , nhưng nếu gặp một công đất có nhiều cỏ sắc thì cũng vất vã lắm mới phát rồi công được .
Lúc đó anh Hai và Ba tôi còn đi theo Kháng Chiến , và Anh cũng chỉ mới 14 , 15 tuổi đầu .
Mẹ tôi cho anh đi rèn một cây phảng cở vừa và hơi ngắn theo vóc dáng của Anh và khi mạ đã lên lúp xúp bờ thì Anh bắt đầu ra đồng để phát cỏ .
Tôi thì ông hàng xóm cho một cây phảng nhỏ, ngắn, loại phảng dùng để chế cỏ, và tôi cũng theo Anh tập tành đi phát Chính cây phảng nầy vào năm sau đã phết vào bắp chuối tôi một nhát rất sâu . Đến ngày nay cái thẹo đó vẫn còn dài trên 2 tấc !
Nói là đi phát cho ngon chứ thật ra tôi chỉ đi theo Anh chơi cho có bạn khi Anh đi ra miếng ruộng ở gần đầu đất khá xa nhà .
Có lần Ba tôi đi công tác tiện ghé về thăm nhà , ông đi xuồng theo một con lung gần miếng đất chúng tôi đang làm ruộng . Ông kể lại rằng ông đã dừng xuồng lại vì nhìn thấy Anh đang ra sức phát cỏ ! Ông nói thấy Anh đứng đó không cao hơn những đám cỏ là bao và chém những lát phảng làm nước văng trắng xóa …
Một đứa trẻ chưa thành niên , không quen lao động thì làm thế nào thanh toán được nổi cánh đồng cỏ mênh mông ấy ? Phát cỏ lúc đầu mùa còn đỡ , song nếu kéo dài đế tháng 6 , tháng 7 thì cỏ lên cao và dầy , nông dân chính gốc cũng còn sợ , không thể nào phát rồi công trong ngày được .
Ba tôi tính rất trầm , thương con ít khi nào ông nói ra , song lần đó ông nói thấy thương Anh vô cùng khi nhìn Anh đứng phát cỏ một mình giữa cánh đồng hiu quạnh .
Phải chăng đó là một trong những lý do ông xin nghỉ công tác ?
Vì Anh không có sức nên mỗi ngày chỉ phát được một góc ba hay góc tư đất , nên hễ phát đằng trước thì đằng sau cỏ lại mọc lên !
Lại còn phải cào cỏ , chế đất , nhổ mạ và cấy nữa !
Mấy năm đó chúng tôi vì không có sức lao động nên làm quấy quá được mấy công ruộng , song mãi đến tháng 10 khi trời trở gió chướng mới cấy xong , sau đó thì bị nạn lụt , lúa không nở lớn được . Đến khi lúa trỗ thì bị nạn chuột ! Cuối cùng khi lúa chín thu hoạch chẳng có gì …
Về sau , cả anh Hai và Ba tôi cùng về tham gia làm ruộng , song tuy cả nhà đều đổ ra đồng mà kết quả cũng không thu hoạch được khá gì hơn, khiến có năm cả nhà tôi phải lâm vào cảnh đói kém . Năm đó nhà hết gạo ăn từ tháng 10 , Ba Má tôi phải đi qua vùng Chà Là , nơi người ta có làm lúa sớm để mượn lúa vế ăn đỡ … Mượn lúa sớm thì phải tự đi gặt , đạp . Đem lúa tươi về cũng chưa xay giả được mà phải luộc lúa cho hột lúa nở ra , sau đó mới đem xay giả.
Sau đó Ba tôi và anh Hai xoay ra đi đốn lá , mua khoai mì đi bán để đổi gạo ăn qua ngày .
Đó là những năm đen tối nhất của gia đình tôi .
Và anh cũng chưa đến tuổi trưởng thành …
*
Khi chúng tôi hồi cư về Ba Dinh thì Anh đã lớn , song do tố chất của Anh không được mạnh nên so với anh Hai tôi thì khi làm những công việc nặng nhọc anh vẫn kém hơn .
Một lần , sau khi cấy xong , chúng tôi cỡi xuồng đi đốn củi . Anh Hai tôi đi xuồng be 10 có lên be - loại xuồng nầy chở được trên 2 thước khối củi đước ; còn Anh đi chiếc xuồng be 10 thường , loại nầy chở được chừng hơn một mét khối củi .
Tôi đi theo xuồng của Anh .
Chúng tôi đi vào một cái "Cúp" (4) ở Mương Chệt Kịch để kiếm củi . Ở vùng nầy người ta phá rừng rất dữ , những cây lớn, suông thì chỉ còn ở trên xa . Khi đốn xong thì phải có sức vác xuống bến kinh .
Các con đường vác củi nầy rất khó đi , sình ngập đến đầu gối , chông chà dầy đặc . Người đi rừng phải tự tạo những con đường để đi vác củi xuống sông bằng cách đốn cây bắt những cái cầu xuyên qua những vùng có bãi lầy để vào sâu bên trong mới có cây tốt . Một cây đước có đường kính cở 2 tấc dài 2 thước nặng đến trên 50 ký , không có sức khỏe tốt thì không thể vác nổi qua những cây cầu bắt tạm bợ, đầy bùn trơn trợt . Thể lực của Anh yếu , đôi chân cũng không mạnh , nên lần nào đi đốn củi Anh cũng không thể lên xa để lấy củi tốt được .
Do đó, khi anh Hai tôi lên trên xa tìm đốn những cây tốt thì Anh chỉ quanh quẩn ở vùng mé rạch , đốn những cây cong , cây nhỏ mà thợ rừng chê, bỏ lại . Cuối cùng xuồng của Anh cũng đầy song chỉ toàn là cây cong, cây nhỏ và củi ngọn ! Những loại củi nầy về sau chúng tôi cưa, chẻ rất vất vả .
Một lần khác, sau mùa cấy , Anh và anh Hai tôi cùng với mấy người anh họ rủ nhau đi đốn cây chở lên Sóc Trăng bán.
Đây là những loại cây người ta dùng trong xây dựng như đòn tay , kèo, cột văng vách… hoặc làm cừ . Cây bán phải suông và thuộc các nhóm gỗ tốt như Dà, Đước, Cóc, Chà Là, Vẹt…
Sau nầy Anh kể lại rằng 5 người chở 5 xuồng cây lên đến Bãi Xào thì trong túi người nào cũng hết cả tiền , cây thì bị vựa ép giá chưa bán được . Trời chiều … cả bọn đều đói và thèm thuốc hút nhưng chưa có cách giải quyết . Các anh trong đoàn mệt mõi trãi nóp lên sạp ngủ vùi … Riêng Anh được phân công thức coi xuồng , chờ người mua và canh nước lớn .
May sao lúc ấy có mấy người dáng vẽ nông dân xuống bến hỏi mua cây . Mừng quá , Anh dẫn họ đi coi cây loại tốt ở các xuồng , song họ đều chê. Đến xuồng Anh thì họ chịu liền và bằng lòng mua 20 cây giá rất cao .
- Tại sao cây tốt mấy chú không mua lại lấy cây cong ? - Anh thật thà hỏi -
Như trên đã nói Anh không thể vào sâu trong rừng để đốn nhhững cây tốt được mà chỉ lấy những cây cong, cây dạt mà người đi rừng chê, bỏ lại .
- Tụi tôi mua về làm lĩa cộ !(5) - Những người nông dân cũng thật thà đáp lại .
Bữa đó nhờ những cây lĩa cộ của Anh mà cả bọn có cơm ăn và thuốc hút !
Hôm sau cũng vẫn cái màn bán lĩa cộ đó mà Anh bán hết xuồng cây với giá gấp hai lần những cây làm gỗ xây dựng mà cả bọn phải vào sâu trong rừng mới đốn được !
Chuyện hời của Anh do bán xuồng lĩa cộ đó đã trở thành một chuyện tiếu lâm cho cánh đi rừng khi trà dư tửu hậu !
Khi chúng tôi một lần nữa di tản lên Cần Thơ thì Cậu Năm tôi dẫn Anh đi học nghề hớt tóc .
Sau một thời gian học tương đối hớt được , Anh bèn đi hớt tóc dạo .
Khi đó Chị tôi hay nói trêu Anh khi nhắc lại rằng ở Bàu Sen Anh rất khoái hớt tóc ! Anh thường dụ tụi nhỏ lên ngồi trên ghế đẩu cho Anh hớt . Song vì kéo thì lụt và đâu có ai dạy nên Anh thường hớt cho mấy đứa nhỏ bị "sọc rằng" lốm đốm . Mẹ phải la , Anh mới thôi .
Thích thì được chìu - Chị tôi nói như vậy ! Bây giờ Anh được tự do hớt tóc đã thèm ! Phải chăng đó là quy luật "thích của nào, Trời trao của đó" ?
Tôi không nghĩ như vậy , bởi Cậu Năm tôi là một người hết sức thực tế , ông đã thấy được hớt tóc là một nghề thủ công khả dĩ có thể kiếm sống được một cách tương đối nhàn hạ hơn những nghề linh tinh khác trong cái Thành phố có quá nhiều người thất nghiệp và quá nhiều người dân nhập cư.
…Và tôi vẫn còn nhớ một chuyện cũng tương tự như vậy.
Khi chúng tôi hồi cư về xóm Ba Dinh thì đã có những con lộ thông thương qua các vùng lân cận , có thể dùng xe đạp đi chợ Cà Mau hay chợ Tắc Vân .
Trong xóm tôi chỉ có 2, 3 người sắm được xe đạp , song vì người ta rất quý nó nên ít khi nào đem ra chạy , mà thường lau chùi cho bóng rồi dùng móc treo lên !
Họa hoằng lắm mới nghe được tiếng chuông xe đạp kêu kính coong ngoài lộ vào những ngày khô ráo .
Lúc đó Anh đã biết chạy xe đạp và rất mê chạy xe .
Có một người anh rễ bà con chú bác với tôi mua được chiếc xe đạp sườn đầm và Anh cũng có lần được người anh rễ cho chạy thử …
Một hôm đứa em Út tôi bị bệnh . Mẹ tôi bảo Anh ra xóm Bùng Binh mua thuốc - Xóm Bùng Binh cách nhà tôi chừng 4, 5 cây số đường bộ - Trời nắng hạn , cánh đồng khô ráo . Nếu đi tắt đường ruộng thì đi, về chắc chỉ hơn 5, 6 cây số . Song Anh lại thích đi xe đạp hơn và Anh nghĩ rằng mượn xe để đi mua thuốc thì có nhiều hy vọng ông anh cho mượn , và Anh đã qua nhà ông anh rễ hỏi mượn xe …
Song người anh rễ trả lời không chút do dự :
- Xe tôi mới lau dầu và treo lên rồi !
Câu trả lời thật sao giống như trước đây người chị dâu họ từ chối cho Chị tôi mượn máy may để may áo : Máy may gãy kim rồi!
Câu chuyện ấy đã ăn sâu vào tâm trí của tôi mãi nhiều năm sau nầy , cho đến một lần , cũng gần đây thôi - Anh đến nhà một đứa cháu rễ hỏi nó mược chiếc xe gắn máy để đi công chuyện thì nó nói rằng xe đã khoá bằng dây xích và vợ nó giữ chìa khóa …
Hồi xưa ấy , chúng tôi đứa nào cũng có quyết tâm làm cho có tiền để mua một chiếc xe đạp , song thời đó ước mơ ấy là không tưởng . Nhiều năm sau khi chúng tôi rời khỏi xóm Ba Dinh thì chiếc xe đạp"lau dầu" ấy vẫn không mua nổi …
… Sau nầy tôi mới hiểu vì sao khi anh Phán tôi cho má tôi một số tiền thì bà quyết tâm đi mua ngay cái máy may , nếu ngày ấy không mua thì rồi cũng không biết khi nào mới có máy may , và nếu đi may nhờ thì máy thiên hạ lại bị gãy kim …!
Khi Anh lội bộ đi hớt tóc dạo một thời gian thì sắm được xe đạp . Ngày ngày Anh rong xe khắp hang cùng ngỏ hẽm của Thành Phố Cần Thơ để tìm mối hớt tóc .
Có lần bãi trường, về Cần Thơ chơi , tôi cười và hỏi Anh:
- Bây giờ xe không còn chùi dầu nữa , anh đạp đã đời , phải không ?
Anh cũng cười :
- Thấy nó là tao ớn lắm rồi . Đạp cả ngày hai cái đầu gối muốn rụng … Ba Phòng lên đây tao sẽ giao cái xe đạp cho hắn luôn …
Ba Phòng là tên người anh rễ đã nói ở trên .
Một lần anh ta lên Cần Thơ đi công chuyện gì đó , sáng sớm anh hỏi mượn xe đạp đi chợ - Có lẽ anh ta hà tiện chăng nên không đi xe lôi -
Khi anh lấy xe ra khỏi nhà , Chị tôi hỏi :
- Sao lúc nảy cậu không nói với anh ta là "xe mới lau dầu"?
Nhớ lại chuyện xưa , Anh cười cay đắng :
- Bọn mình thì không bao giờ nói câu đó được !
*
Sau nầy anh em tôi tuy cũng không khá giả gì lắm , song nhà nào cũng có xe gắn máy , trừ Anh , Anh chỉ có chiếc xe Su cũ kỷ thời kỳ chạy xe lôi mà thôi …
Mãi đến bây giờ , khi muốn đi công chuyện gì cần xe gắn máy thì Anh phải hỏi mượn của người nầy , người khác và tôi cảm thấy cảnh "xe đã lau dầu" đã có một đôi lần xảy ra , tuy không trắng trợn như Ba Phòng , song cũng ngầm ý như vậy !
Một vài người nói rằng Anh chạy xe yếu, hay làm hư xe…
Thì ra chuyện "lau dầu" tôi nói ở trên không những là chuyện khó tin nhưng có thật và nó vẫn còn tồn tại tới bây giờ . Ngày trước thì xe đạp , còn bây giờ thì là xe gắn máy , vật chất có khác , nhưng tình đời thì vẫn như cũ !...Người thì cũng người vầy người khác : Lịch sự thì tìm cách né tránh; không cần giữ kẻ thì khóa bằng dây xích !
Viết đến đây tôi thấy lòng buồn khôn tả …
Anh là một vì sao xấu trong gia đình tôi . Từ nhỏ đã bao phen chìm nổi , long đong … Trong gia đình ai cũng thương Anh song tình thương nhiều lúc không mang một màu sắc bình thường . Tôi cũng không biết tại sao ?
Anh là một người con chí hiếu , Ba Má tôi có la rầy dù oan hay ưng Anh cũng vui lòng tiếp thu , không bao giờ phản ứng lại . Công việc làm ăn của Anh thu nhập ít , nhà cửa cũng không sắm được món gì quí giá , nhưng tấm lòng của Anh đối với Cha Me, Anh Em bao giờ cũng như biển cả.
Những ngày Anh còn đi lính , vừa đi làm việc vừa đi hớt tóc lúc xuống ca .
Có lần tôi về thăm nhà , tôi thấy một chuyện hết sức bình thường , song nó khắc ghi vào tâm trí tôi , không thể nào quên .
Buổi chiều khi xuống ca , Anh ghé tiệm hớt tóc đến gần 10 giờ đêm mới về đến nhà , người còn mang bộ đồ lính và đôi giày đinh , dắt xe đạp vào nhà . Tôi thấy trong giỏ xe có một cái bánh bông lan Anh mua cho mẹ tôi . Đây là số tiền lương ít ỏi hoặc số tiền chia 6/4 với người chủ tiệm hớt tóc .
Sau nầy khi mẹ tôi không còn nữa nhiều lần về thăm nhà tôi vẫn thấy thỉnh thoảng trong giỏ xe của Anh có cái bánh bông lan . Nhưng giờ đây mẹ chúng tôi không còn ngồi ở cái bàn quen thuộc ăn trầu chờ các con về vào giờ tan sở nữa . Chuyện ly biệt giờ đây là chuyện thiên thu !
… Và Anh đặt cái bánh ấy lên bàn thờ , rót nước , đốt nhang…
Đó là chuyện nhỏ, song anh em tôi ít có đứa nào làm …
Hởi ôi ! Mẹ chúng tôi đâu còn nữa để mà ăn một món đồ cúng trên bàn thờ ? Song tôi biết, nổi nhớ mẹ đối với Anh thì không thể nào khuây !
*
Khi chuyện lính tráng của Anh đã tạm ổn định gia đình bèn tính chuyện cưới vợ cho Anh .
Chị dâu tôi là một cô thợ may , mồ côi, ở với bà dì đã già hom hem . Bà đồng ý gã cháu với điều kiện hết sức dễ dàng và thông cảm .
Đám cưới chỉ có mấy anh em tôi . Gia đình làm một tiệc nhỏ mừng ngày Anh , Chị tác hợp ; và Anh, để cho gọn , Anh đánh chiếc xe lôi của anh Hai tôi đi rước Chị về …
Sự đơn giản nầy thật khác xa đám cưới của anh Hai tôi ngày trước .
Tôi không biết đó là chủ trương của Đại gia đình trong từng thời kỳ hay đó là số phận riêng của mỗi con người …
Dù sao , đối với tôi chuyện Anh dùng chiếc xe lôi đi rước chị Dâu tôi ngày ấy vẫn ghi một dấu ấn đẹp đẽ trong tâm hồn tôi . Sự cam chịu của Anh trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy gây cho tôi mối cảm hoài, thương và nhớ không phai…
*
Chiến tranh càng ngày càng ác liệt . Bọn sĩ quan ở Tiểu khu nơi Anh làm việc ăn tiền rất dữ . Ai không chung đủ tiền thì bọn chúng tìm cách đẩy ra mặt trận . Lúc ấy nhà tôi không có tiền để lo lót cho chúng nên mấy lần chúng suýt đưa Anh ra tác chiến .
May sao lúc đó có một tên tâm địa cũng tốt , nó đề nghị cho Anh đi học một khóa truyền tin đặc biệt ở Vũng Tàu . Nếu tốt nghiệp khóa nầy thì sẽ khỏi ra mặt trận .
Khi Anh ra Vũng Tàu được hơn một tháng thì Anh gởi thơ bảo tôi ra đó chơi .
Và một ngày Chúa nhật tôi lên xe đò đi Vũng Tàu tìm thăm Anh . Theo lời Anh chỉ trong thư , tôi đến trại huấn luyện chỗ Núi Lớn đăng ký với bộ phận Thường Trực xin gặp Anh .
Họ bảotôi ngồi chờ .
Nhiều lần loa gọi những người đến thăm sang nhà khách để gặp người thân . Tôi ngồi rất lâu song chưa thấy gọi đến mình . Mười lăm phút , rồi nửa giờ trôi qua … Tôi sốt ruột đến nhắc họ thì họ bảo rằng đại đội của Anh đóng trên núi xa nên phải chậm một chút . Vừa lúc đó nhìn vào cổng Trại tôi thấy dáng Anh đang hấp tấp đi ra .
Dáng đi bộ của Anh thì không bao giờ tôi lầm được , nó đã in sâu vào tâm trí tôi hồi chúng tôi còn ở quê nhà. Vì chân Anh có nhiều mụt mắt cá nên mỗi lần đi trên cánh đồng đất khô rất đau và Anh phải gượng nhẹ khi bước đi . Do đó, Anh đã quen có một dáng đi rất đặc biệt .
Hai anh em gặp nhau , mừng quýnh . Thật ra tôi cũng không hy vọng nhiều rằng sẽ được gặp Anh ngày hôm ấy , vì Anh chỉ dẫn trong thơ cũng không rành , và cái Trại huấn luyện trông mênh mông , chạy dài theo bãi biển , có một phần nằm trên núi , vì vậy tôi chỉ đi hú họa mà thôi .
Anh cũng nói rằng chưa có hy vọng có người ra thăm vì ai cũng có công việc và một ngày chủ nhật để thân nhân thăm học viên kể cả đi đường thật là quá ít .
Chúng tôi đi bộ ra Ngã Tư Giếng Nước uống cà phê , sau đó đi xe xích lô ra nhà lồng chợ mua bánh mì , thức ăn và nửa lít rượu đế rồi ra bãi tắm .
Hôm đó chúng tôi tắm, ăn trưa và uống lai rai ngoài bãi biển mãi đến 3 giờ chiều Anh mới trở về Trại và tôi lên xe về Sài Gòn .
Từ đó tuần nào tôi cũng ra Vũng Tàu chơi với Anh .
Những người đi tắm biển nếu để ý một chút chắc họ sẽ lấy làm ngạc nhiên về hai người thanh niên ấy… Họ xuống bãi tắm rồi ăn tại bãi và chỉ chơi với nhau suốt ngày …
Sau nầy nhiều lần bạn bè rủ đi Vũng Tàu ; cũng có lúc tôi đi ra đó cùng với anh em trong cơ quan. Song bây giờ đi Vũng Tàu đối với tôi không bao giờ tôi còn cảm thấy thú vị như ngày xưa …
*
Cũng chuyện hai đứa có chung những kỷ niệm cùng sống với nhau, tôi nhớ lại có một năm sau khi chúng tôi cấy xong, Ba tôi bảo chúng tôi lùa trâu ra xóm ngoài trục dùm cho Bác Chín tôi .
Từ nhiều năm qua , chúng tôi thuộc nhóm người làm ruộng dở nhất trong làng . Năm nào cũng cấy muộn hơn những người chung quanh . Có năm trời trở gió chướng rồi mà chúng tôi vẫn còn lom khom ngoài đồng .
Năm đó chúng tôi cũng cấy xong rất muộn . Các thửa ruộng của những người chung quanh lúa đã xanh . Cánh đồng vắng tanh , không một bóng người , thế mà chúng tôi còn phải dặm mấy ngày nữa mới xong .
Chúng tôi và 4 con trâu đều kiệt sức , nhất là trâu , vì càng cấy trễ thì diện tích đồng cỏ càng thu hẹp , trâu luôn ăn đói . Chúng gầy trơ cả xương !
Bác Chín tôi cấy còn trễ hơn chúng tôi , khi chúng tôi lùa trâu ra đến miếng đất mênh mông của Bác thì đất chưa cày , chưa trục . Cũng may là đất của Bác là đất thuộc nên ít cỏ . Một mình Bác chế những đám rau mác , điên điển và
chúng tôi trục cho bác .
Khi Ba tôi bảo hai đứa phải đem trâu ra trục cho Bác thì chúng tôi đã mệt mõi lắm rồi , nhưng chúng tôi không dám cãi và phải cố gắng đi , vì biết rằng Ba tôi đã hứa với Bác rồi . Lúc ấy không còn mướn trâu ai trục được nữa cả , vì người ta đã lùa trâu đi cầm (6) hết rồi .
Hai đứa ở trong một cái chòi ruộng nhỏ của Bác . Ngày trục phải lội theo trâu , vì lúc ấy trâu đã đuối sức không kéo nổi người ngồi trên trục ; chiều về phải chăn dắt cho trâu đi ăn theo mấy đám cỏ còn sót lại ven sông ; tối đến chúng tôi cột trâu trong hầm nước rồi hai anh em nằm ôm nhau ngủ trên cái sạp bằng cây róng .
Bác tôi cũng có hai đứa con trai trạc tuổi tôi và Anh , song chúng chẳng bao giờ ló mặt ra ruộng mà chỉ ở nhà ăn báo cô Bác . Chiều đến thì ăn diện rồi thả đi o mèo !
Nhà Bác ở ngoài xóm Cái Ngang do Bác Dâu tôi trông coi cùng với hai cô con gái rượu 18 , đôi mươi , chỉ biết lo ăn diện chứ không giúp được gì cho Bác trong việc nội trợ . Do đó ở ngoài Trại ruộng Bác phải vừa làm vừa tự lo nấu ăn .
Khi bọn tôi ra đó thì Anh kiêm thêm chức đầu bếp . Nói là đầu bếp cho oai chứ thật ra bữa ăn của chúng tôi chỉ có tương và trái đu đủ muối mà thôi .
Nhiều lần tôi thấy Bác mua được tôm, cá đem về Trại , chúng tôi mừng rơn , yên chí là sẽ có một bữa cơm có cá , song buổi trưa đi trục về thì trong bếp cũng chỉ là tương và đu đủ muối ! .
Bác chịu đựng ăn uống kham khổ , dành phần tôm , cá hiếm hoi mua được đem về cho bà vợ và những đứa con rững mỡ ở nhà .
Tôi đâu dám phán xét Bác, chỉ chờ xem mai sau nầy sự hy sinh của Bác có được những người thân trong nhà nghĩ tới và đáp đến hay không ?
Song những năm sau Bác chẳng may vướng lấy một căn bệnh hiểm nghèo thì cả nhà đã bỏ rơi Bác .
Đến khoảng năm 1970 thì Bác đã yếu lắm rồi , đi đứng đã thấy khó khăn , song Bác cũng ráng một mình lên Sài Gòn nhờ tôi đưa Bác đi Bác sĩ Phán khám bệnh .
Lúc đó anh Phán tôi đi làm việc ở Tây Ninh và tôi ráng nghỉ làm việc , đưa Bác lên đó cho anh khám . Kết quả là Bác bị một bệnh nan y , không có thuốc chữa .
Bác về Cà Mau và sau đó chết một cách âm thầm cô độc như những ngày mà người thân của Bác bỏ Bác một mình trên cánh đồng cô quạnh .
Tôi không dám phán xét về cách giáo dục con cái của Bác , song tôi cay đắng tự nghĩ rằng phải chăng hồi sinh thời, Cha , Mẹ quên mình, hy sinh tất cả cho con cái là tập cho chúng tính ích kỷ , chỉ biết có mình mà không còn biết đến ai khác kể cả những nổi đau của những người thân nhất trong gia đình . Đến khi cha mẹ già không còn làm gì có tiền để cung cấp cho chúng thì chúng đâm ra buồn phiền, trách móc ; đối với những đứa kém giáo dục hơn thì đâm ra coi cha mẹ là những người vô dụng , thậm chí là một cái nợ !
Tôi không biết vì sao có những điều nghịch thường như vậy ? và đó là một ngoại lệ hay là chuyện tất nhiên ?
Tôi thấy cái ngoại lệ nầy hơi nhiều vì cô Tám tôi khi trở về già , đau yếu rồi chết cũng tương tự như vậy !
*
Thiếu ăn quá khiến chúng tôi thèm cá thịt không tả . Một buổi chiều , khi Bác đã về nhà , Anh bàn với tôi mua mấy lưỡi câu và bắt nhái cắm câu.
Cánh đồng nước đục mênh mông , đi cắm mấy cần câu cũng không có hy vọng gì bắt được cá. Song chuyện"sát cá " thì tôi hơn Anh một bậc . Kết quả là tôi cắm được một con cá lóc chừng bằng cườm tay ! Chúng tôi vui mừng như bắt được của quý , vội nấu một nồi cơm to; kho con cá ấy và chén một bữa no nê , ngon như ăn giỗ !
Sau nầy mỗi lần chúng tôi ôn lại chuyện cũ, tôi và Anh đều công nhận đó là một bữa cơm tuy không thịnh soạn nhưng là một trong những bữa ăn ngon nhất trong đời !
Trục cho Bác mươi bữa thì xong , chúng tôi đưa trâu ra lộ đi cầm . Tới Cái Ngang thì trâu bị sập (7) , kẹt dưới bãi sình! Phải chờ con nước lớn cho trâu nổi lên , vất vả lắm chúng tôi mới đưa được 4 con trâu qua vùng đất hoang tận bên Gàu Muồng để giao cho người ta giữ .
Năm đó com trâu Pháo của chúng tôi bỏ xác ở bên Gàu Muồng do làm quá sức !
*
Đến phòng cấp cứu thì tôi nhận được Anh ngay , trong khi Anh còn mê mang trên giường bệnh .
Mãi đến trưa Anh mới hồi tỉnh . Mở mắt ra , Anh nhìn tôi chăm chú một hồi lâu mới nhận ra tôi . Hai anh em nắm chặt tay nhau và nước mắt Anh từ từ chảy …
Trong gia đình, chỉ có tôi và Anh thường gặp nhau ở những cao điểm vui buồn của cuộc sống . Hôm đó là một trong những cao điểm đã để lại trong lòng chúng tôi một dấu ấn không phai …
Bên ngoài trời vẫn mưa nặng hạt .
Đêm ấy Anh lại trở bệnh nặng , mê mang , bất tỉnh . Lúc ấy dịch sốt rét đang hoành hành dữ dội ở Phú Yên , từ các huyện , người ta chở bệnh nặng về đây nườm nượp , không đủ giường nằm , mỗi giường lúc đó đều có 2 người nằm và cả một số người nhẹ hơn nằm la liệt dưới đất . Trong đêm ấy có tới 3 người lớn và một đứa trẻ chết .
Anh nằm trên giường lăn lộn , nhiều lần suýt rơi xuống đất ; tiêu tiểu tại chỗ mà không hề biết . Bác sĩ khám bệnh cho Anh cứ lắc đầu mãi … Ông nói nếu Anh chịu đựng được đến sáng thì mới có cơ may thoát hiểm …
Đêm ấy tôi ngồi bên Anh chờ sáng , chờ sự phán xét của Thượng đế ; chờ cơ may đến như ngàn cân treo sợi tóc… Như một đồng xu đang quay , chúng ta chờ xem coi nó sấp hay ngữa song đồng xu ấy cứ quay… quay mãi … trong suốt nhiều giờ trong cái đêm hãi hùng ấy … Tôi không tin dị đoan , song luôn cầu nguyện Mẹ tôi hãy giúp cho Anh đủ sức lực vượt qua cơn hiểm nghèo trong cái đêm định mệnh ấy …
Đến 6 giờ sáng thì Anh hồi tỉnh ! Một lần nữa chúng tôi nhìn nhau qua nước mắt .
*
Bây giờ Anh lại xuống miệt rừng làm ăn , bỏ lại phía sau Thành Phố muôn ánh đèn nơi có nhiều người thân đang sống.
Chuyệnnuôi tôm của Anh cũng gặp nhiều gian nan trắc trở . Chim trời , cá nước mênh mông sông biển thì đánh bắt chúng để kiếm sống không phải là chuyện dễ dàng… Nhớ ngày xưa Anh cỡi xuồng xuống đến Trãng Cái Ngây giăng câu mấy ngày đêm mà chỉ bắt được có một con cá trê đĩa , Anh không phải là tay sát cá - nói theo kiểu dân gian - thì chuyện nuôi tôm của Anh bây giờ cũng là một chuyện đầy thữ thách cam go .
*
Giờ đây chúng tôi mỗi đứa sống ở một phương trời , anh em thỉnh thoảng mới có dịp gặp được nhau . Miếng cơm , manh áo, nợ nần … khiến chúng tôi bị rơi vào vực xoáy của cuộc đời , ít có dịp đoàn tụ để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn của thuở ấu thơ , khi chúng tôi còn sống dưới mái gia đình trong vòng tay của mẹ .
Tôi ghi lại những dòng hồi ký nầy trong lúc lòng nhớ quê nhà nung nấu , muốn về thăm Ba tôi nhưng không có tiền, muốn điện thoại thăm Anh nhưng xa xôi , cách trở … đành nằm ở đây một mình để nhớ về những gì ấm êm hay đắng cay ngày trước .
Có những chi tiết của cuộc đời Anh tôi không còn nhớ rõ nên chắc chắn chuyện nầy còn nhiều thiếu sót . Tôi chỉ ghi được những gì mà ký ức của tôi còn giữ lại đậm nét trong lòng …
Hòa Hưng, mùa hè 98
Biên tập lại Hè năm 2002
Chú thích
(1) Thợ nẩy : Thợ không chuyên nghiệp
(2) Trảng : Vùng đồng nước sâu đầy lau sậy
(3) Cá trê đĩa : Cá trê nhỏ
(4) Cúp : Rừng được phép khai thác
(5) Lĩa cộ :Cây lắp vào thành xe cho trâu kéo
(6) Cầm trâu : Nuôi trâu sau mùa cấy
(7) Trâu sập : Trâu yếu, không đứng lên được .
Đoạn này đọc cảm động quá! Đúng là 1 giọt máu đào hơn ao nước lả, anh Tư của anh tuy không được sung sướng tấm thân như người ta, nhưng được an ủi là có thằng em "chí tình" như hia Dũng thì cũng "ngon" rồi !
Trả lờiXóaChuyện thời thơ ấu như những trang đời mà người nào cũng có. Chú post từ từ lên cho mọi người cùng đọc nhen chú.
Trả lờiXóaMỗi người trong chúng ta ai cũng có những trang đời để lại. Phải có người chấp bút như anh mới thấy thắm thía tình người, tình đời bàng bạc trong mỗi cuộc đời ấy.
Trả lờiXóaĐọc và rất xúc động anh ạ.
cảm động vì tình anh em gia đình .
Trả lờiXóa