Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

CHUYỆN TÌNH BUỒN

 

 

 

 

 

    NGUYỄN TẤT NHIÊN  VÀ

               PHẠM DUY

 

 

 

 

              

           NGUYỄN TẤT NHIÊN


Trong một entry trước đây có lần tôi đã đề cập đến thơ của Nguyễn Tất Nhiên , tuy nhiên tôi chưa nói đến thân thế , sự nghiệp của ông . Nay một lần nữa tôi lại đề cập đến Nguyễn Tất Nhiên , một nhà thơ lớn ở thế hệ chúng ta với đôi nét sơ lượt về cuộc đời, số phận của nhà thơ . 


    Tài liệu sưu tập nầy tôi trân trọng tặng cho Kim Dung và Ngọc Yến , những người làm thơ nghiệp dư nhưng có thừa tâm hồn của một nhà thơ lớn .

                                        Hè, 2009                                        

 

Bang lang10


                                                                                            

                                               TIỂU SỬ


  Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952 tại quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa và mất ngày 3 tháng 8 năm 1992 tại California, là nhà thơ của miền Nam Việt Nam trong các thập niên 60 và 70.


   Sự nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên thời gian đầu không mấy thành công: thơ ông in ronéo tặng không cho các nữ sinh đều bị quăng vào thùng rác. Cho đến khi thơ ông được một số thầy giáo gửi đăng báo Sáng Tạo của Mai Thảo, rồi Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang thấy đó mà phổ nhạc thì mới bắt đầu nổi tiếng.


   Theo lời kể của nhà thơ Thái Thụy Vy: “hồi chưa nổi tiếng, trời nắng chang chang mà anh ưa mặc cái manteau mua ở khu Dân sinh, mồ hôi nhễ nhại, ưa đạp xe đạp đi cua cô em Bắc Kỳ nho nhỏ tên Duyên…”


   Sau ông lấy vợ có tên là Minh Thủy, là người sau khi ông mất đã tranh chấp với gia đình ông bản quyền tập thơ “Minh khúc”.


   Sau năm 1975, Nguyễn Tất Nhiên sang Mỹ, tiếp tục làm thơ. Ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy ông nằm chết trong một xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân chùa tại California.


  Tác phẩm đã in


   • Nàng thơ trong mắt (1966, cùng với Đinh Thiên Phương)
   • Dấu mưa qua đất (1968, cùng với bút đoàn Tiếng Tâm Tình)
   • Thiên Tai (Thơ, 1970)
   • Thơ Nguyễn Tất Nhiên (Thơ góp nhặt từ 1969-1980, nhà xuất bản Nam Á -  Paris in lần đầu tiên)
  • Những năm tình lận đận (tập nhạc 1977-1984, nhà xuất bản Tiếng Hoài Nam)
   • Chuông mơ (Thơ từ năm 1972-1987, nhà xuất bản Văn Nghệ - California)


   Thơ của Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng với những tác phẩm viết về cảm tình tuổi trẻ, bằng cách đào sâu vào cảm xúc, tư tưởng của con người. Ông thổi một làn gió mới vào thơ Việt Nam với đầy những ý tưởng kỳ lạ: Người yêu là dao nhọn (trong bài Khúc buồn tình), là tín đồ duy nhất: "Tín đồ là người tình, người tình là ác quỷ, ác quỷ đầy quyền năng", còn tôi "là linh mục, giảng lời tình nhân gian", một cách ẩn dụ táo bạo để nói về cái tình cảm âu yếm trong đau khổ, lạc quan trong bi thiết của người yêu, được thể hiện bằng những lời lẽ bông đùa nhưng ngụ ý sâu cay. Nhiều bài khác thì gợi nên hình ảnh của tuổi học trò, vừa hồn nhiên, vừa nghịch ngợm ("Duyên của ta tình con gái Bắc", "Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng")...


   Thơ của ông do đó được đón nhận như một hiện tượng, cùng với sự quan tâm của các nhạc sĩ nổi tiếng lúc ấy như là Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, những dòng thơ kỳ lạ đã được phổ biến hầu khắp, được nhiều giới yêu thích.

 

                                                     

Lucbinh1

 

  

                        KHÚC TÌNH BUỒN


    Người từ trăm năm
    về qua sông rộng
    ta ngoắc mòn tay
    trùng trùng gió lộng
 
    (thà như giọt mưa
    vỡ trên tượng đá
    thà như giọt mưa
    khô trên tượng đá
    có còn hơn không
    mưa ôm tượng đá)

    Người từ trăm năm
    về khơi tình động
    ta chạy vòng vòng
    ta chạy mòn chân
    nào hay đời cạn
 
    (thà như giọt mưa
    vỡ trên tượng đá
    thà như giọt mưa
    khô trên tượng đá
    có còn hơn không
    mưa ôm tượng đá)
 
    Người từ trăm năm
    về như dao nhọn
    ngọt ngào vết đâm
    ta chết âm thầm
    máu chưa kịp đổ
 
    (thà như giọt mưa
    vỡ trên tượng đá
    thà như giọt mưa
    khô trên tượng đá
    có còn hơn không
    mưa ôm tượng đá)
 
    (2)
    Thà như giọt mưa
    gieo xuống mặt người
    vỡ tan vỡ tan
    nào ta ân hận
    bởi còn kịp nghe
    nhịp run vồi vội
    trên ngọn lông măng
 
    (người từ trăm năm
    vì ta phải khổ) 

 

14

                     

                                                                         (1970)


      Nhận xét

    Có người nhận xét thấy cuộc đời nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên cũng tương tự như cuộc đời của họa sĩ Van Gogh của Hà Lan. Cả hai cùng sống hết mình cho văn học nghệ thuật, rồi có thời bị khủng hoảng tâm thần và cuối cùng tự sát. Cả hai người đều chết trong thập niên 40 của cuộc đời.


    Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
    Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
    Phải đau theo từng hớp rượu tàn
    Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định


    Đây là những câu thơ tiền định trích trong bài Giữa trần gian tuyệt vọng làm năm 1972, lúc Nguyễn Tất Nhiên mới 20 tuổi. Những câu thơ nầy được khắc trên tấm mộ bia của ông. Mộ Nguyễn Tất Nhiên nằm trong Vườn vĩnh cửu trong nghĩa trang Westminster phía tây Little Saigon, California. Rất thường xuyên những người du khách Việt đến thăm khu phố Bolsa Little Saigon có ghé ngang qua thăm mộ người thi sĩ.

                                                                          Trích Wikipedia  


                        http://www.thica.net/category/tat-ca/nguyen-tat-nhien/page/2/

 

Phamduy

                                                Phạm duy 2008

   Phạm Duy khi dùng bài thơ nầy phổ nhạc có thêm một số đọan rất hay :

    ..." Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
        Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
        Ta chạy mù đời, ta chạy tàn hơi
        Quỵ té trên đường đời, sợi tóc vướng chân người "...

       Và :

    ..."Người từ trăm năm về ngang trường Luật
        Người từ trăm năm về ngang trường Luật
       Ta hỏng Tú Tài, ta đợi ngày đi
        Đau lòng ta muốn khóc, đau lòng ta muốn khóc" ...
      
       ( Những năm đó hỏng Tú Tài là phải đi lính )

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

CHUYỆN RIÊNG TƯ




  ĐÊM NGHE BÀI VỌNG CỔ NHỚ NGƯỜI XƯA









                                                              Tặng CNB người đồng cảm                                       

     Tôi tập hợp những bài viết nói về Sơn Nam và CNB đã chèn cho một bài vọng cổ.

   Bài viết của Huỳnh Kim và Võ Đắc Danh gợi nhớ hình bóng của một ông già Nam Bộ thân thương . Đó là Ba tôi .

   Rồi bài thơ của Sơn Nam càng  gợi nhớ hơn một thời nào xa xưa oanh liệt nhưng đầy nổi u buồn khắc khoải của những người đi vỡ đất . …

           Có  bóng người vô danh
           Từ bên nầy sông Tiền
           Qua bên kia sông Hậu
           Mang theo chiếc độc huyền …

    ………………………..

          Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
          Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
          Chướng khí mù như sương
          Thân không là lính thú
           Sao chưa về cố hương  ??

……………………………

          …Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
          Điệu hò ơ theo nước chảy chan hòa

    Và :

          Phong sương mấy độ qua đường phố
           Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê .

          Trong bài thơ có hình bóng của Ba tôi . (Ba tôi lớn hơn Sơn Nam 4 tuổi ) với cây đờn kìm và bài Dạ Cổ Hoài Lang .

*

    Vào những năm 70 , Mẹ tôi bị một cái bướu cổ càng ngày càng phát triển, và bác sĩ bảo phải mỗ . Cả nhà tôi mọi người đều lo xanh mắt . Mỗ hay không mỗ là một đề tài chúng tôi bàn rất lâu vì cái bướu dạng nầy rất nguy hiểm : lành ít , dữ nhiều ! Đụng dao kéo vào nếu là bướu ác tính thì thời gian kết thúc chỉ tính từng tháng mà thôi .

     Song cuối cùng chúng tôi cũng nghe theo lời tư vấn của anh Phán tôi là phải đưa mẹ tôi đi mổ .

    Mổ xong phải lấy một miếng đi thử xem coi bướu ấy thuộc dạng nào .

    Trong lúc chờ đợi kết quả từ bệnh viện coi đó là bướu ác tính hay bướu lành tính , Ba tôi ở nhà tôi .

    Tôi còn nhớ, đó là một sáng chủ nhật , hai cha con đi mua một cây đờn kìm … và tôi đã khóc thầm nhiều đêm trên căn gác nhà ở Cầu Chữ Y khi nghe Ba tôi đờn bản Dạ Cổ Hoài Lang …

    Sau nầy khi bình tâm lại tôi thường tự hỏi : không biết những giọt nước mắt đó tôi khóc cho Mẹ tôi hay vì Ba tôi trong tâm trạng đợi chờ đầy lo âu , căng thẳng ?

    Có lẽ cả hai .

    Trong tất cả anh chị em tôi, kể cả mẹ tôi , không ai biết được bí mật nầy của tôi và Ba tôi trong những ngày chờ kết quả thử bướu cho má tôi và về lý do mà hai cha con đi mua cây đờn kìm .

    Và cũng chỉ có mình tôi nghe được tiếng đờn kìm ngày ấy với bản Dạ Cổ Hoài Lang …

    Lần đó mẹ tôi chỉ bị một cái Tumeur mix - nói theo danh từ y khoa là một cái mụt hỗn hợp - vô hại .

    Và cũng sau lần đó , Ba tôi treo cây đờn lên chỗ ít thấy nhất , và còn rất lâu nữa tôi không nghe Người đờn bản Dạ Cổ Hoài Lang thuở xưa …



Ba ma1  

     
       Nhưng rồi mẹ tôi cũng ra đi trước …

    Dự báo những cung bậc u sầu trong bài Dạ Cổ Hoài Lang rồi cũng bật ra thành những tiếng tơ đồng nức nở trong cảnh kẻ ở người đi …

    Tôi không được nghiên cứu sâu về âm nhạc và chưa hiểu biết tường tận về những tác động của nó , song khi Ba tôi mua cây đờn kìm lúc Má tôi bệnh nặng là một tín hiệu không vui . Ba tôi lại có ý phổ một bài ca . Phải chăng đó là khúc Phượng Cầu Kỳ Hoàng của Tư Mã Tương Như ? Nhưng hởi ôi ! nàng Trác văn Quân đã ra người  thiên cổ thì biết còn ai nghe được khúc nhạc bi thương nầy ngoài những đứa con mất mẹ, lạc đàn ?

*

    Một thời gian rất lâu, sau khi mẹ tôi mất , cái cảm giác nôn nao khi tôi về thăm nhà ở Cần Thơ không còn rõ rệt như trước mỗi khi xe đò đưa tôi về gần đến Bắc Bình Minh …


34


   Còn Ba tôi ? Tuy Người không cầm được ngọn lửa trong cái bếp ngày xưa ấy , song trái với sự lo nghĩ của chúng tôi , ông không sống cô chích giữa đám con - mà vì cuộc sống phải lăn lộn ngoài đời để mưu sinh - nên chúng ít có dịp cận kề an ủi ông những khi sớm nắng chiều mưa …

    Ông là người Chồng , người Cha có một ý chí rất mạnh mẽ , biết nén dòng lệ chảy vào tim cùng với những cung bậc u sầu của bản Dạ Cổ Hoài Lang ; còn bản Phượng Cầu Kỳ Hoàng của Tư  Mã Tương Như thì ông không còn cơ hội nào để mà gẩy nữa . Nó đã cùng người khách bán cừ năm xưa đi vào giấc mộng cô miên …họa chăng còn thấy và nghe trong những giấc chiêm bao ! (Xin xem bài người cha) .

    Đôi khi trong những đêm trường u tịch , ông mặc một bộ đồ trắng , thong  dong  ngồi  dạo  khúc  Dạ  Cổ  Hoài  Lang , dáng Công Tử Bạc Liêu –  nhẹ nhàng , thanh thoát .


32


   Tôi nhìn ông lòng xôn xao biết bao nhiêu hình bóng cũ lần lượt hiên về trong ký ức .

       Có phải đó là chàng Tư Mã Tương Như thuở nào ?

     Phải . Song tiếng đàn bây giờ là vô vọng , không còn ai để mà nghe nữa … Nàng Trác văn Quân đã ra người thiên cổ mất rồi …

    Không biết Nàng Trác Văn Quân còn giữ được chút tinh anh  nào để trộm nghe tiếng đàn bi thương ấy hay chăng ?

    Tôi làm sao mà biết được ?

    Song , Nguyễn Du chẳng đã nói :"Sống là thể phách  thác còn tinh anh"


đó sao ?


30-40


                                   Tư Mã Tương Như và Trác Văn Quân ?

    Giờ đây Tư Mã Tương Như cũng đã đi theo Trác Văn Quân về một cõi khác .

    Đêm nay tôi thao thức nghe bài vọng cổ buồn lòng thổn thức bồi hồi nhớ lại tất cả mọi chuyện ngày xưa .

  Cầu trời cho Người được yên giấc ngàn thu và con vẫn còn nhớ mãi đến Người !

                                               


Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2009

SƠN NAM : BÀI THƠ VIẾT TRONG TÙ



                                                    

                      BÀI THƠ VIẾT TRONG TÙ 

    Tôi đã viết hai bài nói về Sơn Nam . Song trong hệ thống tư liệu của tôi vẫn còn nhiều chuyện nói về ông mà tôi nghĩ nhiều bạn vẫn chưa biết .  Nay tôi làm một entry ngắn cung cấp cho các bạn có lòng yêu mến “ông già Nam Bộ”  một tư liệu hay để các bạn có dịp nghiền ngẫm khi trà dư tửu hậu .  Nhạc nền nói về Sơn Nam có lẽ chỉ có bài vọng cổ là hợp nhất . Các bạn nào không thích nói tui “sến” thì đành chịu vậy !

                                            



            SƠN NAM : BÀI THƠ VIẾT TRONG TÙ  

  Bài Thay lời tựa tập truyện ngắn nổi tiếng Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam là một bài thơ hay. Bài thơ dài 28 câu viết về thuở tiền nhân xưa từ miền Trung tha hương vào khai hoang mở cõi phương Nam. Đó là một bài thơ độc đáo hiếm thấy của nhà văn mà nhiều người đã thuộc lòng vì điệu buồn chất chứa trong từng âm điệu, câu chữ.

   Nhưng có lẽ ít ai biết bài thơ đó nhà văn viết khi nào và ở đâu. Một hôm, cuối năm 2000, gần tết, tôi nhớ là ngày 15-1-2001, ông ghé thăm báo Cần Thơ và nhắn tôi qua chơi. Tôi chở ông về nhà mình, giở cuốn Hương rừng Cà Mau do Nhà xuất bản Trẻ tái bản năm 1986 có chữ ký tặng bằng mực đỏ của ông ngày nào, rồi hỏi:

   - Bài thơ này chú Tám làm hồi nào vậy?

   Ông nheo nheo mắt, nói:

     - Viết từ năm 1961, trong nhà tù Phú Lợi. Hồi đó chính quyền Sài Gòn bỏ tù cái tội mình vẫn theo kháng chiến.

   Rồi ông ngồi chép lại cả bài thơ trên mặt sau một tờ lịch lớn. Nét chữ của một ông già 75 tuổi mà bay bướm quá chừng. Cuối bài thơ, ông ghi: “Viết thơ này từ năm 1961, nay chép lại tặng Huỳnh Kim, bờ sông Hậu”. Tôi đã nhờ thợ phủ laminate và ép tờ lịch ấy lên một tấm gỗ để lưu giữ được lâu bút tích của nhà văn Sơn Nam.

   Tôi treo kỷ vật này trên tường kế bên kệ sách và gắn kề bên nét chữ của ông một chiếc lá khô hoang dã đã lìa cành tự khi nào. Chiếc lá ấy, nét chữ ấy, mỗi lần nhìn lên như nghe có tiếng người xưa vọng lại:

               Trong khói sóng mênh mông

              Có bóng người vô danh

              Từ bên này sông Tiền

             Qua bên kia sông Hậu

              Mang theo chiếc độc huyền

               Điệu thơ Lục Vân Tiên

               Với câu chữ:Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả...

              Tới Cà Mau - Rạch Giá

              Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng...

              Muỗi vắt nhiều hơn cỏ

             Chướng khí mù như sương

             Thân không là lính thú

             Sao chưa về cố hương?

            Chiều chiều nghe vượn hú

            Hoa lá rụng buồn buồn

           Tiễn đưa về cửa biển

            Những giọt nước lìa nguồn

            Đôi tâm hồn cô tịch

           Nghe lắng sầu cô thôn

           Dưới trời mây heo hút

           Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút

           Điệu hò... ơ theo nước chảy chan hòa

          Năm tháng đã trôi qua

          Ray rứt mãi đời ta

          Nắng mưa miền cố thổ

          Phong sương mấy độ qua đường phố

          Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...


  Có lẽ đây là bài thơ đầu tiên, duy nhất và cuối cùng của “ông già Nam bộ”.

                                                                               HUỲNH KIM


Hoa sen1

     Thêm một chi tiết về Sơn Nam cũng khá thú vị :

                   Đi lãnh nhuận bút với nhà văn Sơn Nam

Đúng hẹn để nhận bài cho báo tết, tôi gọi điện thoại đến nhà truyền thống quận Gò Vấp (TP.HCM) xin gặp nhà văn Sơn Nam. Bên kia đầu dây, ông trả lời ngắn gọn: “Cho hẹn lại sáng mai nghen, sáng nay mắc ra báo Công An mượn tiền xài, hiện giờ trong túi chỉ còn mấy chục đồng”.Tôi nói: “Vậy thì tía ở đó đợi con vào chở tía đi”.

Khi ngồi sau lưng tôi trên chiếc Honda, ông nói: “Sáng nay có mấy cô ký giả trẻ đến hạch hỏi mấy tiếng đồng hồ, trả lời muốn khan cổ họng mà chẳng có đồng xu. Nhưng kể ra cũng tội nghiệp tụi nó, sinh viên từ miền Tây mới ra trường, đang thử việc, không có bài hay thì chủ báo không ký hợp đồng nên ráng giúp tụi nó“.

Phỏng vấn, kể chuyện là phải trả tiền, gần như đó là nguyên tắc của ông - một người cả đời chỉ sống bằng nghề viết - bởi những tư liệu mà ông có được ông cũng phải tốn tiền. Ông kể ngày xưa, ngay từ khi ông viết Lịch sử khẩn hoang miền Nam, sở dĩ ông có nhiều tư liệu quí là vì mỗi khi vào thư viện ông đều tặng phong bì cho thủ thư nên họ rất nhiệt tình.
Lý giải về sự sòng phẳng ấy, ông nói rằng mình viết bài đăng báo được lãnh nhuận bút thì không lý do gì bắt người khác phải cung phụng mình.

Cả một đời gắn bó với văn chương, ông đã tự mình làm nên một Sơn Nam cho nền văn học. Bây giờ, khi ông ngồi sau lưng tôi đi đến một tòa báo để mượn tiền xài, tôi chợt ngậm ngùi nhận ra ông thiếu nhiều thứ so với một thường dân: cả đời không biết chạy xe dù là xe đạp, tròn 50 năm qua sống trên đất Sài Gòn ông chỉ biết đi bộ, đi xe buýt, xích lô và xe ôm; không có nơi tiếp khách dù là khách của ông ngày nào cũng có; không có điện thoại, dù là điện thoại bàn.
Cho đến bây giờ ông vẫn viết bằng tay hoặc dùng chiếc máy chữ mini mà tuổi thọ của nó cũng xấp xỉ tuổi nghề của ông.

Hồi tòa soạn báo Văn Nghệ TP còn ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mỗi sáng ông từ nhà tới đó ngồi uống cà phê trong căng tin đến 9 giờ, đó là khoảng thời gian ông tiếp khách. Hay nói đúng hơn đó là văn phòng giao dịch của ông để giao và nhận bài cho các cơ quan báo chí trong nước và cả nước ngoài.

Khi báo Văn Nghệ dời đi, văn phòng giao dịch của ông dời về quán cà phê trong khuôn viên nhà truyền thống quận Gò Vấp gần chục năm nay.

Đến tòa soạn báo Công An, ông có vẻ thất vọng khi biết anh Trần Tử Văn đi vắng. Ra trước sân, ông trầm ngâm đứng lặng. Tôi hỏi ông cần khoảng bao nhiêu, ông nói khẽ: “Càng nhiều càng tốt, mấy đứa nhỏ đang gặp khó khăn chứ bản thân tôi thì hề hấn gì”.

Tôi đang nghĩ đến số nhuận bút bên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, nhưng khi nghe ông nói “mấy đứa nhỏ đang gặp khó khăn” thì tôi biết ngay rằng nhuận bút của một vài bài báo sẽ chẳng có nghĩa lý chi, phận mình mới chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, cái nhà còn chưa có ở...


VDDanh va SN

                                
                                          Tía lên đây con chở tía đi ...


Trong lúc đầu óc tôi đang bối rối thì ông già giục đi. Tôi hỏi đi đâu, ông bảo sang Hãng phim Giải Phóng. Đi dọc đường, ông nói rằng ở bên đó ông còn mấy ngàn đôla nhưng không biết đã về tới bên này chưa hay là còn bên Mỹ. Tôi chở ông đi như sự cầu may.

Nhưng thật bất ngờ, khi vừa dừng trước cổng thì anh Trần Khải Hoàng, phụ trách tài vụ, vừa dắt xe ra, gặp ông, anh mừng rỡ: “Trời ơi, tía! Vô đây con gửi tiền, con đợi tía mấy ngày nay!”.

Anh Hoàng cho biết một đạo diễn người Mỹ gốc Việt đã chuyển thể truyện ngắn "Mùa len trâu" của ông thành phim truyện nhựa, tạm thời họ ứng trước cho ông một số tiền, số còn lại sẽ trả sau khi phim phát hành hai tháng. Anh Hoàng nhờ tôi chuyển chứng từ cho anh Phạm Sĩ Sáu ở Nhà xuất bản Trẻ, bởi về mặt thủ tục, số tiền này phải trả cho nhà xuất bản vì bên ấy đã mua đứt bản quyền của nhà văn Sơn Nam.

Trên đường đi, ông Sơn Nam tỏ ra phấn chấn: “Thằng xuất bản Trẻ này chơi ngon, bản quyền tôi đã bán cho nó rồi, vậy mà số tiền này nó vẫn để cho tôi hưởng trọn, không lấy tiền cò mặc dù hợp đồng do nó ký“.

Như ngẫm nghĩ điều gì một lúc rồi ông nói: “Tôi còn mấy chuyện hay lắm nhưng về già mới viết được”. Nghe ông nói thế, tôi bật cười. Nhưng rồi tôi bỗng giật mình chợt nghĩ: ông có lẩm cẩm rồi chăng? Gần 80 tuổi rồi mà ông còn nghĩ “về già mới viết”.     
                
                                                                                               VÕ ĐẮC DANH

  

MÀU TÍM HOA SIM




     NHỮNG ĐỒI HOA SIM
 

 Lời người sưu tập : vào thập kỹ 60 của thế kỷ trước, bài thơ Màu tím hoa sim không biết bằng con đường nào vượt qua bức màn tre ở vỹ tuyến 17 vào miền Nam . Lập tức mấy tạp chí lớn như Bách Khoa, Văn ...in ra và người miền Nam tiếp nhận Màu tím hoa sim một cách hết sức trân trọng .

  Ngay lập tức nhạc sỹ Dzũng Chinh phổ nhạc bài thơ trên với tựa đề Những đồi hoa sim và lần đầu tiên Phương Dung hát bản nầy đã được hoan nghênh nhiệt liệt ! Nhiều hãng dĩa, nhiều nhà sản xuất băng nhạc như Shotgun, Jo Marcel, Phạm Mạnh Cương ..cũng thu bản nhạc nầy với nhiều giọng ca của các ca sỹ khác nhau .

  Tuy nhiên lúc đó ít người biết rằng một bài thơ "làm tím cả thi đàn Việt Nam" - như lời nhà văn Hồ Bất Khuất viết - đã làm cho tác giả của nó vướng bao nhiêu là hệ lụy !

  Giới thiệu với các bạn entry nầy tôi không có mục đích chính trị , chỉ muốn chúng ta cùng hồi tưởng lại một thời kỳ đen tối về văn học dưới chế độ CS :  A. Solzhenitsyn, Vụ Nhân văn giai phẩm ...đã làm nhức nhối trái tim của nhân lọai và là một vết nhơ không bao giờ phai nhạt .

  Tuyệt tác "Những đồi hoa sim", thảm cảnh của Hữu Loan chúng ta cần phải nhớ và nói với những thế hệ mai sau rằng đừng bao giờ để cho những thảm cảnh như vậy tái hiện một lần nữa .

  Trong bài nầy tôi có sử dụng một số hình hoa sim của một bạn nhưng quên tên, mong bạn thông cảm và lên tiếng để tôi điều chỉnh . Thật ra những bức ảnh quý giá của bạn là một động cơ lớn để tôi thực hiện entry nầy .


HS14


                                Gặp trưởng lão làng thơ Việt

                                                                         
Cái tên “Hữu Loan” từ lâu đã “làm tổ” trong lòng những người yêu thơ. Chỉ với bài “Màu tím hoa sim”, ông đã làm tím thi đàn Việt Nam. Đời người, đời thơ của Hữu Loan chứa đầy những điều đáng trân trọng.

 
... Vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, trong một lần đi công tác tại Thanh Hoá, khi xe của chúng tôi đi qua một làng quê, người ngồi bên cạnh tôi thì thầm: "Hình như nhà thơ Hữu Loan kìa". Theo tay anh chỉ, tôi thấy một người đàn ông trên 60 tuổi đẩy một chiếc xe thồ đầy đá. Chiếc U-uát chạy nhanh quá, tôi không nhìn rõ mặt người đẩy xe, nhưng thấy dáng ông đi tự tin và vững chãi. Tuy nhiên, hình ảnh ấy có vẻ không phù hợp với một thi sĩ. Chắc có điều gì uẩn khúc ở đây? Tôi mong được một lần gặp Hữu Loan.
 
Mãi đến bây giờ tôi mới có dịp thực hiện mơ ước từ ngày bé của mình.


HS7
     

Nhà thơ Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 02/4/ 1916 tại xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936, đã từng giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Nga Sơn, Uỷ viên Văn hoá trong Uỷ ban Lâm thời tỉnh Thanh Hoá. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là chiến sĩ một đơn vị ở Liên khu 4, chủ bút báo Chiến sĩ. Sau năm 1954, ông làm ở báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, ông trở về quê làm ăn sinh sống và nuôi dạy con cái.
  
Nhà thơ Hữu Loan ở trong một ngôi nhà cấp 4 chật chội, cũ kỹ; bù lại, có mảnh vườn khá rộng, có dừa vươn mình soi bóng, giàn mướp nở hoa vàng rực rỡ và một ao cá nhỏ xinh.
   
Tôi hồi hộp bước vào và thấy một ông già tóc bạc trắng. Đấy là nhà thơ Hữu Loan; ngồi cạnh một phụ nữ đã cao tuổi nhưng trông vẫn khoẻ mạnh, là vợ nhà thơ. Thấy chúng tôi vào, vợ chồng nhà thơ không ngạc nhiên, không tỏ ra vui mừng, đon đả, nhưng thân mật. Ông bà không hỏi chúng tôi là ai, đến đây làm gì, chỉ mời nước và quay quạt về hướng chúng tôi. Có lẽ những cuộc viếng thăm của các nhà văn, nhà báo, hay đơn giản chỉ là của những người yêu thơ đã trở nên quen thuộc với vợ chồng nhà thơ Hữu Loan.


HL 

              
                                                   Nhà thơ Hữu Loan

  Mối tình thánh thiện, đau thương và tuyệt tác thơ "Màu tím hoa sim” 
    
Gia đình ông Lê Đỗ Kỳ là một gia đình trí thức cách mạng. Ông là kỹ sư canh nông, đã từng giữ chức Tổng Thanh tra Canh nông Đông Dương. Vợ là con một nhà khoa bảng đất Thanh Hoá. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Kỳ là đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên. Vợ ông trở thành cán bộ của Hội Phụ nữ. Ba người con trai đầu của ông đi bộ đội. Người con cả là Lê Đỗ Khôi, hy sinh trên đồi Him Lam ngay trước giờ chiến thắng Điện Biên. Người con thứ hai là Lê Đỗ Nguyên, chính là Trung tướng Phạm Hồng Cư. Người con thứ ba Lê Đỗ An chính là Nguyễn Tiên Phong, nguyên bí thư Trung ương Đoàn, nguyên Phó Ban Dân vận Trung ương. Người con thứ tư là Lê Đỗ Thị Ninh, vợ của nhà thơ Hữu Loan, nhân vật chính của bài thơ "Màu tím hoa sim".

Chàng gia sư tài hoa và cô học trò xinh đẹp đã cảm mến nhau ngay từ khi chàng đặt chân đến nhà nàng.
  
Trước một tình yêu chân thành, mãnh liệt, tinh tế và quả cảm của người con gái đẹp; thông minh, đa cảm, tài hoa như Hữu Loan không thể không tiếp nhận. Đây là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được: Yêu và được con gái của nhà giàu yêu, rồi chính bố mẹ cô ta đứng ra làm đám cưới.


SIM 11
    
Hữu Loan cưới vợ trong một lần về phép ngắn ngủi, rồi lại ra đi, mải miết theo đoàn quân trong cuộc trường chinh chống Pháp. Nhưng cuộc đời thật khó lường, “không chết người trai khói lửa, mà chết người con gái hậu phương”. Vợ Hữu Loan chết khi mới 17 tuổi, số ngày sống với chồng chỉ tính trên đầu ngón tay.

Nhận được tin vợ chết, Hữu Loan từ đơn vị trở về, thấy mẹ ngồi bên nấm mồ, bình hoa ngày cưới đã thành bình hương. Trong tim Hữu Loan - người lính, người tình, người chồng, người con dâng lên những đợt sóng trào. Tình cảm thiết tha, mãnh liệt và nỗi đau sâu thẳm đã sản sinh ra bài thơ "Màu tím hoa sim". Tất cả những tình tiết, sự kiện, con người trong bài thơ đều là thật. Có lẽ đây chính là nguyên nhân để bài thơ trở nên bất tử.

Cho đến lúc này, người ta vẫn chưa biết nhà thơ Hữu Loan đã viết tất cả bao nhiêu bài thơ. Nhà thơ, nhà nghiên cứu Vũ Quần Phương thì khẳng định: Hữu Loan viết tất cả 24 bài.

Cả cuộc đời dài gần trăm năm của mình, Hữu Loan làm thơ không nhiều, không in tập lớn, tập bé; nhưng chỉ cần với một “Màu tím hoa sim”, ông đã nhuộm tím thi đàn Việt Nam. Cái màu tím bình dị của một loài cây mọc lúp xúp ở đồi núi Việt Nam đã trở thành một trong những biểu tượng đẹp của thơ ca.

    Chuyện đời mộc mạc
 
Người ta đã viết nhiều về Hữu Loan và dành cho ông những lời lẽ tốt đẹp nhất. Tôi không muốn làm cái chuyện ấy nữa, chỉ ngồi ngắm nhìn, hỏi chuyện, nghe ông nói, đọc thơ. Ở tuổi 93, vẫn với ánh mắt cười rất hóm, nhà thơ Hữu Loan chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình.
     
Bằng một chất giọng hơi khàn nhưng vẫn ấm, nhà thơ Hữu Loan đọc bài "Hoa lúa". Bài thơ khá dài, nhưng ông đọc thong thả, khi thì nhìn ra khoảng sân có dàn mướt đơm hoa, kết trái; khi thì nhìn về phía người đàn bà đã gắn bó cùng ông hơn nửa thế kỷ. Vợ ông ngồi lim dim, mãn nguyện. Có hạnh phúc nào hơn khi người mình say mê trở thành chồng mình, làm thơ tình tặng mình, thỉnh thoảng lại dồn hết tâm trí vào đó và tha thiết đọc lên.
 
      Sự bình dị của nhân cách lớn
 
Thật khó mà tưởng tượng hết những khó khăn mà Hữu Loan vượt qua để duy trì cái gia đình có 12 miệng ăn giữa vùng quê nghèo khó trong những năm chiến tranh ác liệt. Hơn nữa, nhiều người trong bộ máy chính quyền địa phương lúc ấy không hiểu ông, còn gây thêm cho ông những khó khăn như tịch thu xe đạp của ông với lý do… phụ tùng không đồng bộ; xúi giục những người khai thác đá không bán cho ông.
   
Bằng nghị lực và sự dẻo dai hiếm có cả về tinh thần lẫn thể chất, Hữu Loan đã vượt qua tất cả mọi thử thách, tai ương. Ông đã sống, làm việc bền bỉ, trung thực, ngay thẳng để vợ con yên bình, vững tâm mà sống, mà lớn. Người ta không bán đá cho ông thì tự tay ông khai thác và chở đi bán. Một mình ông gần như đã san bằng một ngọn núi. Ông cũng đã trở thành “chuyên gia” mò cua, bắt ốc ở nơi những cây cói mọc lên để thành chiếu Nga Sơn nổi tiếng. Có lẽ trước khi khăn gói rời Hà Nội, ông đã lường trước mọi khó khăn nên không điều gì có thể làm ông gục ngã.
    
Cách đây mấy năm, Công ty Vitek đặt vấn đề xin được chuyển nhượng tác quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” 100 triệu đồng. Lúc đầu ông không chịu với lý do “thơ tôi làm ra không phải để bán”, nhưng khi thấy có những người con vẫn còn khó khăn về vật chất, ông đã đồng ý. Sau khi nộp thuế 10 triệu đồng, ông mang 60 triệu chia cho các con, chỉ giữ lại 30 triệu cho tuổi già.
   
Hai vợ chồng nhà thơ Hữu Loan sống trong ngôi nhà nhỏ bé, ấm cúng, xung quanh là vườn cây xanh tốt; không xe hơi nhà lầu, không hội họp, phê bình, kiểm điểm, không đọc báo cáo… Hàng ngày ông trò chuyện với vợ, đọc thơ, chơi với các cháu và tiếp khách. Người làm tím thi đàn Việt Nam sống bình dị giữa làng quê của mình với đôi mắt cười rất hóm.

                                                                                  theo Hồ Bất Khuất
 

© 2008 talawas


HoasimtrongsuongmuSonTra


    
                                            MẦU TÍM HOA SIM


          "Nàng có ba người anh đi bộ đội
          Những em nàng có em chưa biết nói
          Khi tóc nàng xanh xanh
          Tôi người Vệ quốc quân xa gia đình
          Yêu nàng như tình yêu em gái
          Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo mới
          Tôi mặc đồ quân nhân
           Đôi giầy đinh bết bùn đất hành quân
           Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo
          Tôi ở đơn vị về
          Cưới nhau xong là đi
          Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại
          Lấy chồng đời chiến chinh
          Mấy người đi trở lại
           Nhỡ khi mình không về
          Thì thương người vợ chờ bẻ bỏng chiều quê


HS12 
      
         Nhưng không chết người trai khói lửa 
         Mà chết người gái nhỏ hậu phương
        Tôi về không gặp nàng
         Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
        Chiếc bình hoa ngày cưới
        Thành bình hương tàn lạnh vây quanh
        Tóc nàng xanh xanh
         Ngắn chưa đầy búi
         Em ơi giây phút cuối
         Không được nghe em nói
         Không được trông thấy nhau một lần
         Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
        Áo nàng mầu tím hoa sim
         Ngày xưa
         Đèn khuya
         Bóng nhỏ
         Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa


 HS10

         Một chiều rừng mưa
         Ba người anh ở chiến trường đông bắc
         Được tin em gái mất
        Trước tin em lấy chồng
        Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
         Đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng trông ảnh chị
         Khi gió sớm thu về
         Cỏ vàng chân mộ chí
         Chiều hành quân qua những đồi hoa sim
          Những đồi hoa sim
          Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
          Màu tìm hoa sim tím chiều hoang biền biệt."

                                                           Hữu Loan



HS6


                                                                                                    (Còn nữa)

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2009

LẠI NÓI VỀ SƠN NAM



    





 LẠI NÓI VỀ SƠN NAM













   Ở 1 entry trước, tôi đã có một bài giới thiệu về Sơn Nam nhưng chủ yếu là giới thiệu tác phẩm .

    Nay tôi giới thiệu thêm những bài viết về Sơn Nam mà ít người biết đến , mục đích là giúp chúng ta hiểu thêm về “ông già Nam Bộ” độc đáo của chúng ta .

   Tôi đọc tác phẩm của Sơn Nam nhiều lần  nên có nhiều truyện ngắn của ông tôi như thuộc lòng , tựa như hồi bé học Quốc văn Giáo Khoa thư vậy . Đó là tấm lòng hâm mộ của tôi đối với ông và cũng là tài hoa của người cầm bút như ông .

   Có những truyện như Sông Gành Hào, Cô Út về rừng, Tình nghĩa Giáo khoa Thư, mùa len trâu …mà mỗi lần  đọc đều gây cho tôi một sự xúc động khôn tả , đồng thời giúp tôi  càng lúc càng khám phá ra thêm nhiều cái tuyệt vời trong cốt truyện .

    Đọc Sông Gành Hào nhiều lần tôi mới thấm thía lòng yêu nước , yêu dân tộc mình một cách sâu xa cao quý của Sơn Nam . Ngòi bút của nhà văn chân chính đâu cần lớn tiếng đả đảo đế quốc Pháp, chỉ cần viết một tên Tây kiểm lâm xá ông Tư Đức và khen người Việt giỏi quá ! cũng đủ nói lên nhiều điều .


   Mời các bạn xem một vài bài viết tiêu biểu về Sơn Nam trong hàng trăm bài nói về “ông già Nam Bộ” .


THA HƯƠNG


                                                Đó là Sơn Nam

                                                                                        Lê Phú Khải



Sơn Nam kể với tôi: Hồi mới lên Sài Gòn kiếm sống, một lần bà già tao từ quê lên hỏI, "Mầy lên đây làm gì để sống?” – “Viết văn!” Bà già hỏi lại, “Viết văn là làm gì?” Tao biểu bả, “Viết văn là có nói thành không, không nói thành có.” Bả nổi giận mắng, “Mày là thằng đốn mạt.” Tao không cãi, chỉ làm thinh! Sau dường như thương con quá, bả lại hỏi, “Thế viết văn có sống được không?” Tao bảo, “Viết một giờ bằng người ta đạp xích lô cả ngày!”

Bả thấy vậy không hỏi gì nữa rồi lặng lẽ ra về.


Sơn Nam đã viết văn từ đó đến nay, 50 năm có lẻ. Tập truyện nổi tiếng nhất của ông là Hương rừng Cà Mau đã tái bản nhiều lần. Ông được độc giả tấn phong là nhà “Nam Bộ học” với hàng loạt tác phẩm khảo cứu: Lịch sử khẩn hoang miền Nam; Ðồng bằng sông Cửu Long hay là Văn minh miệt vườn, Cá tính miền Nam, Bến Nghé xưa... Ông rành về phong tục, lễ nghi, ẩm thực của dân Nam Bộ. Mỗi buổi sáng, ông thường uống cà phê ở quán sân Nhà Truyền thống quận Gò Vấp đường Nguyễn Văn Nghi... Ai có việc gì cần hỏi về “đất nước con người Nam bộ” thường ghé tìm ông ở đó. Kể cả mời ông đi tế lễ ở đình chùa! Có người làm ăn khá giả tìm ông để biếu... ít tiền uống cà phê.


Dạo Nhà xuất bản Trẻ TP. HCM tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập, có mời ông với tư cách là cộng tác viên ruột lên phát biểu trong lễ kỷ niệm long trọng đó. Ông nói ngắn gọn: "Tôi sức yếu quá, nếu khỏe như Huỳnh Ðức thì đã đi đá banh rồi! Lại xấu trai nữa, nếu không đã đi đóng phim như Chánh Tín từ lúc còn trẻ! Vừa ốm yếu lại vừa xấu trai nên đành đi viết văn vậy. Bây giờ Nhà xuất bản Trẻ làm ăn khấm khá, các anh chị có cơm ăn, tôi cũng có chút cháo!..." Mọi người tức cười.


... Dạo TP. HCM kỷ niệm 300 năm, Sơn Nam có theo một đoàn làm phim ra Quảng Bình dự lễ tưởng niệm Tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh, người Quảng Bình có công khai phá đất Nam bộ. Khi làm lễ, Sơn Nam giở gói đồ khăn đóng áo dài của mình đem từ Sài Gòn ra, mặc vô và lễ tế rất đúng bài bản. Các cụ Quảng Bình khen nức nở: Trong Nam người ta có lễ hơn cả mình ngoài này! Sơn Nam nói: Trong Nam cũng nhiều thằng lưu manh lắm, nhưng cử người đi xa phải cử thằng có lễ chớ! Các cụ Quảng Bình... thất vọng!


Trong giới các nhà văn, Sơn Nam là tác giả được một nhà xuất bản lớn ở TP. HCM mua bản quyền toàn bộ tác phẩm. Khi tôi hỏi nhà văn: "Giá bao nhiêu?" Ông lắc đầu: "Bí mật."


Những lần trà dư tửu hậu với Sơn Nam như thế, tôi thường mời ông ăn trưa, vì biết ông đi bộ đến quán café rồi ở đó đến tối mới về. Vào quán, bao giờ ông cũng kêu: cho cái món gì rẻ nhất, ngon nhất, và ngồi được lâu nhất.


Sơn Nam để lại cho đời một sự nghiệp sáng tạo thật đồ sộ, bao gồm nhiều đầu sách khảo cứu, truyện ngắn, tiểu thuyết. Ðọc Sơn Nam người ta kinh ngạc về sự độc đáo của văn phong. Ông viết như nói, như một ông già Nam bộ kể chuyện đời trong quán café. Nhưng sức nặng của thông tin và cảm xúc của người viết khiến lời văn biến hoá khôn lường. Ðừng có ai đi tìm thể loại hay bố cục trong một truyện ngắn, hay một cuốn sách của Sơn Nam. Nhưng đã cầm đến nó là phải đọc đến trang cuối. Vì càng đọc càng thấy yêu nhân vật của ông. Càng thấy yêu mảnh đất Nam bộ, miền cực nam của đất nước. Ông đã “viết mọi thể loại, trừ thể loại nhàm chán” như có nhà lý luận đã tuyên bố! Có lần tôi nhờ ông viết một bài cho Đài Tiếng nói Việt Nam để kỷ niệm Cách mạng tháng Tám ở Nam bộ. Mấy ngày sau, cũng tại quán café ở Gò Vấp, ông đưa tôi bài: “Nhớ ngày Cách mạng tháng Tám ở U Minh”, đánh máy bằng cái máy chữ, chữ nhỏ li ti như con kiến. Ðài phát xong tôi thấy “tiếc” quá! Vì chữ nghĩa phát lên trời rồi gió bay đi... Tôi bèn gửi bài đó cho báo Cà Mau. Khi bài báo đó được in trên giấy trắng mực đen ở Cà Mau thì bạn đọc, cán bộ, đồng bào và các nhà nghiên cứu của vùng đất này đều kinh ngạc về trí nhớ của Sơn Nam. Bài báo đó là một tư liệu lịch sử sống động về Cách mạng tháng Tám ở U Minh, chưa từng được ai ghi chép lại sinh động như thế. Thư gửi về toà soạn tới tấp... Xin trích đăng lại đoạn cuối của bài báo đó:

Tại dinh chủ quận trước kia, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Từ những thôn xóm hẻo lánh, đồng bào đến dự ngày lịch sử trọng đại. Ðã có ban trật tự sắp xếp chỗ đậu xuồng ghe. Ðồng bào người Khmer cũng đến dự với các sãi áo vàng. Xuồng ghe đậu dài hàng kilômét. Nhiều người trung niên “quần bao áo bố” cõng con trên vai để nó trông lên khán đài. Tiếng loa phát ra vang vang, báo tin đại diện của tỉnh bộ Việt Minh đã đến. Có múa lân. Vài ông lão tụ tập lại, dạy võ thuật cho thanh niên. Loa lại vang lên, khuyên đồng bào yên tâm, cứ chịu đói buổi sáng, sau đó sẽ có phân phát bánh tét, ăn thay cơm. Trời chuyển mưa. Ðồng bào vẫn đứng chịu mưa tại chỗ.

Riêng tôi, có những kỷ niệm với Nam Sơn không dễ quên. Hồi chưa giải phóng miền Nam, từ Hà Nội, tôi đã đọc hầu hết các tác phẩm của ông, do làm ở Ban miền Nam ccó đường dây chuyển sách báo từ miền Nam ra cho cán bộ nghiên cứu. Ðọc rồi mê luôn. Vì thế ngày cuối năm 1975, lần đầu tiên được vô Nam, trước khi đi còn phải đổi tiền như đi nước ngoài, tới TP. HCM, việc đầu tiên là tôi đi tìm Sơn Nam để biếu ông một chai rượu nếp Bắc. Tìm mãi, vô đến 4 con hẻm, 4 cái sur ở đường Lạc Long Quân mới tìm được tệ xá của nhà văn. Nhưng ông đi vắng. Tôi đành gửi lại chai rượu cho vợ nhà văn. Bà hỏi tôi: "Chú là thế nào với ông Sơn Nam?" Tôi thưa: "Là độc giả hâm mộ Sơn Nam, từ Hà Nội vô, phải ra ngay nên gửi lời hỏi thăm sức khỏe nhà văn."

Mười năm sau, lần đầu tiên được gặp Sơn Nam cũng tại quán café ở Gò Vấp, tôi kể lại chuyện chai rượu 10 năm trước, Sơn Nam vẫn nhớ rành rọt: "Tao không ngờ ở ngoài Bắc chúng mày cũng đọc tao kỹ như vậy." Nghĩ một lúc ông lại nói: "Dân Nam bộ ưa chiếu bóng, xem cải lương, nghe vọng cổ..., dân Bắc kỳ chúng mày thích văn chương; chính trước đây ở Sài Gòn, mấy thằng Bắc kỳ Năm Tư (54) nó ‘bốc’ tao lên từ cái quyển Hương rừng Cà Mau nên tao nổi tiếng từ đó..."

Nói cho thực công bằng, những truyện ngắn như “Trao thân con khỉ mốc” của Phi Vân trong tập Ðồng quê (giải nhất văn chương của Hội Khuyến học Cần Thơ 1943) và “Tình nghĩa giáo khoa thư” trong Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam là những kiệt tác đáng được đưa vào sách giáo khoa như “Lão Hạc”, “Chí Phèo” của Nam Cao mà chúng ta đã từng làm.


Lần cuối cùng tôi gặp Sơn Nam là cách đây vài tháng, tại nhà riêng của ông ở một con hẻm đường Ðinh Tiên Hoàng. Hôm đó tôi đem một cái nhuận bút của báo Cà Mau về cho ông. Không ngồi dậy được, ông phải nằm tiếp khách. Bất ngờ ông hỏi tôi: "Một tỷ là bao nhiêu tiền hở mày?" Câu này ông đã hỏi tôi một lần, nghĩ là ông nói dỡn nên lần đó tôi không trả lời. Nay ông hỏi lại nên tôi thưa: "Là một nghìn triệu bố ạ!" Ông trợn mắt: "Dữ vậy?" Tôi nói: "Không tin bố hỏi con gái bố kia kìa."

Khi biết rõ một tỷ là một nghìn triệu, nét mặt nhà văn nặng trĩu ưu tư... Có lẽ ông đang nghĩ đến những vụ tham ô, lãng phí cả trăm tỷ, nghìn tỷ... mà ông đọc được trong những xấp báo đang để quanh người ông kia.

Nếu ai hỏi tôi về Sơn Nam, tôi sẽ trả lời: Sơn Nam là một nhà văn rất vui tính... đã chết vì quá buồn!
                                                                                      Ngày 14/8/2008

                                                                                    © 2008 talawas021 


"Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới buyn-đinh và Mercedes, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt. Nhưng đó là một tâm hồn đẹp không biết bao nhiêu, đẹp cái vẻ đẹp của lọ sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây (có khác lọ hoa Ý Đại Lợi ngày nay), và ít được người đời thưởng thức hơn là họ đã thưởng thức một tiểu thuyết gia chuyên viết về chuyện tình chẳng hạn. Nhưng phải nhìn nhận rằng, cái đẹp Sơn Nam bất hủ".
(B. Nguyên Lộc)


        Mời đọc Hương rừng Cà Mau ở entry  "vài truyện ngắn tiêu biểu của Sơn Nam"




 
                                                                            







 

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

MỘT CÕI ĐI VỀ









Trịnh Công Sơn Một cõi đi về
     










  Tôi xin giới thiệu với các bạn trích bài phỏng vấn Trịnh Công Sơn của Văn Cấm Hải, trong đó  phần lớn nói về cuộc sống, sự phục sinh có liên quan đến bản nhạc “Một Cõi đi về” của nhạc sĩ . 

   Bài phỏng vấn cũng như bài hát nầy có một triết lý sâu xa của phận người .   

   Bởi gì nhạc của Trịnh Công Sơn phần lời thật là tuyệt diệu , nghe thì biết vậy, nhưng hiểu thì mỗi người hiểu một cách .

    “ Mây che trên đầu và nắng trên vai..”

     Hay câu :

   “ Có khi nắng khuya chưa lên…”

     Không biết mỗi người nghĩ thế nào về những ca từ trừu tượng trên ?

    Không phải vô cớ mà Nguyễn Quang Sáng nói rằng : Nghe bài Một Cõi Đi Về của TCS thì không còn sợ chết nữa …   

   Người ta thường nói : “ Lổ tai chúng ta là kẻ bảo thủ nhất “   

    Song nếu được hướng dẫn thì nó cũng biết nghe những cung bậc lạ .   


   Xin mời các bạn đọc bài phỏng vấn và nghe bản nhạc Một Cõi Đi Về để có thể hiểu thêm về nhạc TCS .  

   “ Về Huế tháng 3, Trời đẹp . Ở Morin, nơi ngày xưa Charlie đã từng ở . Thấy vui vì Huế như đã phục sinh …”  

     Đó là những dòng chữ sẻ chia của nhạc sĩ Trịnh Công sơn viết vào cuốn sổ tay của nhà văn Văn Cầm Hải vào ngày 27 – 3 – 1998 trong lần cuối anh trở lại Huế . Charlie Chaplin đã đi xa hơn 30 năm , còn nhạc sỹ Trịnh công Sơn cũng miên viễn hòa âm nơi nào đó như dòng sông Hương trong xanh trôi về biển lớn mà anh hằng ước ao rong chơi .   

   Tưởng niệm 4 năm ngày nhạc sỹ Trịnh công Sơn ra đi chúng tôi xin trích một phần trong cuộc trò chuyện “lịch sử” tại sân vườn khách san Morin – “lịch sử” bởi theo nhạc sĩ TCS , đây là lần phỏng vấn dài nhất trong đời mà anh đã ưu ái dành cho nhà văn Văn Cầm Hải .

   Văn Cầm Hải (VCH)  : Trên hành trình làm một con người tự do Trịnh Công Sơn, có lúc nào anh cũng bị trói buộc bởi chính anh hoặc bởi một mối quan hệ nào đó ?

   Trịnh công Sơn  (TCS) : Hình như chưa , ví khi cảm thấy một sự ràng buộc nào đó làm cho mình không được thoải mái là mình tìm cách thoát ra ngay tức khắc . Bao nhiêu lần thoát được cảnh ngộ tù túng rồi . Mình luôn luôn đứng bên lề sự tù túng .

   VCH Trong tự do, quan niệm sống và nghệ thuật chính thống của anh ?

   TCS : Phải chân thành với cuộc sống thì cuộc sống sẽ cho anh, trả lại cho anh những gì cần phải nói trong nghệ thuật .

   VCH : Ca khúc nào của anh đã có những điểm nhìn mới mẻ về thân phận con người, tình ytêu, cuộc sống cái chết và sự giải thoát nếu nhìn từ phương diện triết học ?



   thủ bút TCS
                                          Thủ bút của Trịnh Công Sơn

     TCS : Một cõi đi về ! Đây là một bài hát rất lạ, thực sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát nầy bản thân tôi cũng thấy khó giải thích . Viết thì viết vậy, nhưng để giải thích thật rõ ràng thì thật khó . Nhưng khi tôi gặp không ít người dù họ học ít nhưng họ lại thích, hỏi họ có hiểu không thì họ trả lới là không hiểu nhưng họ lại cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong . nên khi nghe, khi hát lên thì có một điều gì đó chạm đến trái tim mình . Tôi nghĩ trong nghệ thuật điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người khác mà không cần cắt nghĩa gì thêm .


    VCH Mở ra một con đường ngắn từ trái tim mình đến trái tim người , nơi đâu là cõi đi, cõi về khởi sự cho một đọan đường ngắn nhất ấy ?

 TCS : Một cõi đi về là ý đồ chính của bài hát , ai cũng có một cõi đi về . Từ hư vô người ta đến với cuộc đời và từ cuộc đời rong chơi một thời gian người ta lại tở về với hư vô . Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có cảm nhận rất lạ là sau khi nghe bài hát nầy , anh không cảm thấy sợ chết nữa . Tôi cho điều ấy là đúng vì ai cũng có cõi đi cõi về giống nhau cả nên việc đến và đi với cuộc đời rồi trở lại hư vô, nó không còn hăm dọa con người , không xa lạ với con người .

    VCH : Cuộc đời là một kiếp rong chơi như “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi” giữa “ Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì “. Mai sau anh mất rồi liệu anh còn đủ sức rong chơi bên kia thế giới nữa không ?

   TCS : Ai cũng mơ ước có điều đó , tôi tin như vậy, nếu mình biết được có một sự tiếp nối trong cuộc rong chơi đó . Có một sự tiếp nối ở một cõi, một thế giới khác thì chắc là vui ! Và tôi nghĩ thật sự có một cõi nào đó khác với cõi đời nầy thì tất cả mọi người đều hy vọng được rong chơi mãi mãi .

   VCHTrong quá trình sáng tạo của mình, ắt hẳn là anh có một tác phẩm mà anh thích nhất ?

   TCS : Thật là bối rối khi trả lời câu hỏi nầy của Hải . Thật tình mỗi bài hát đều đánh dấu một giai đọan hoặc một thời khắc nào đó của trạng thái tâm hồn cho nên lúc mình suy nghĩ về điều gì đó để viết một bài hát thì lúc đó mình thích bài hát ấy nhất . Khi nó đi qua rồi , mình lại tiếp tục viết bài khác và tiếp tục thích bài hát nào đáp ứng được trạng thái tâm hồn mình lúc ấy thì mình thích nhất vậy , Còn bây giờ chọn lại thật không dễ gì. Đó là một bài hát sẽ có hoặc không bao giờ có được .

   VCH : Một điều buồn là không ít nghệ sỹ VN sau khi có một vài tác phẩm đặc sắc họ lại nhanh chóng tàn lụi . Còn anh là một ngọai lệ . Do số phận hay định mệnh,hoặc anh phải làm gì để vượt qua sự tàn lụi ?

   TCS : Tôi nghĩ đã đi vào nghệ thuật thì phải chứng tỏ một điều là làm thế nào để có một dấu ấn riêng về cái tôi . Thông thường cái tôi thật đáng ghét nhưng trong nghệ thuật phải có cái tôi rõ ràng , cái tôi đó mang cả bản chất của mình . Một cái gì đó là cá tính là cái tôi nhất có mặt trong tác phẩm của mình nếu không nó sẽ bị đồng hóa với mọi người . Cái gì không độc đáo thì sẽ không tồn tại lâu dài được . Nếu ngày nào chưa làm được điều đó thì nên suy nghĩ tiếp mà làm chứ đừng làm theo kiểu cho có . Khi tôi vẽ xong một bức tranh hay hoàn thành một bài hát , tôi thường quan sát, người nghe đầu tiên, tôi thấy nó dở là bỏ ngay .

   VCH : Tôi nghĩ nghệ sỹ bao giờ cũng có một nổi ám ảnh nào đó rất sâu sắc trong cuộc đời . nó xem như bệ phóng của sự sáng tạo ?

    TCS : Nổi ám ảnh lớn nhất đeo đẳng tôi từ thuở còn nhỏ cho đên sau nầy vẫn luôn luôn bị ám ảnh là cái chết . Sự sống và cái chết trở thành vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của tôi . Có lẽ suy cho cùng từ đâu mà ra cái suy nghĩ đó , là do tôi quá yêu cuộc sống , sợ mất nó . Mất mát một cái gì mà mình từng có trong cuộc đời đã từng đi qua từng tìm thấy như tình yêu, như cái gì đẹp nhất của cuộc sống sợ ngày nào đó sẽ mất đi . Sự mất mát và cái chết là nổi ám ảnh lớn nhất của tôi .

    VCH :  Anh Sơn, xem ra Huế là nơi gần gủi với cái chết nhưng anh lại trở về Huế và ước mong được nằm thanh thảng với Huế . Có lẽ Huế vừa là nơi gần gũi với cái chết cũng là nơi gần gũi với sự giải thoát ?

    TCS : Đúng rồi ! Chỗ nào sinh ra cái chết thì nó cũng sinh ra cái sống . Mình nghĩ đây là thời kỳ phục sinh, Huế được “sống lại” , sống bền bỉ thì tốt biết bao nhiêu ! Bởi vì một thành phố “sống lại” tất cả những gì , ai ở trong thành phố đó hoặc những ngành nghệ thuật có cơ hội sống lại .

   VCH Anh cảm nhận cái chết ra sao sau lần bị bạo bệnh nầy ?

   TCS : Nói về cái chết thì cũng hơi lạ . Mình vừa thoát khỏi nó . Hôn mê suốt một ngày, thở bằng Oxy nhưng đến lúc tỉnh dậy , mọi người bảo ghi chép lại cảm tưởng nhưng thật sự trước và tới lúc hôn mê , mình như thấy bạn bè, mình nói rất nhiều về những chuyện cũ cho đến lúc quên hết . Khi bình phục, ngừơi ta rất hân hoan còn mình thấy đó là một giấc ngủ an nhiên có thể sự thản nhiên nầy làm mọi người thất vọng . Mình không thấy xa lạ sau khi từ cõi chết trở về . Không hiểu đây là trường hợp cá biệt hay không . Đối với mình , biên giới giữa cái chết và sự sống hình như chỉ là một sợi tóc mỏng manh . Cái chết và sự sống chắc gần gũi lắm giống như ngủ quên trong lúc sống mà ngủ quên một tí là trở thành cái chết , đến khi thức dậy lại trở thành cái sống  . Nó là hai mặt đời sống, mình có thể chết lúc nào cũng được . Cái quan trọng là không thấy buồn trong lúc sống nên khi từ cõi chết trở về , mình thấy yêu đời sống hơn trước , dè dặt trong cách đối xử nên tốt với cuộc sống nầy hơn, để khi chết được yên tâm , không thắc mắc gì cả . Một cái chết như vậy cũng giống như sự sống . Nó không khác gì hơn .

   VCH : Nghĩa là giữa cái chết và sự sống có sự tiếp nối ?

TCS



   TCS : Chắc là có sự tiếp nối bằng cách nầy hay cách nọ . Hoặc là nó miên viễn trôi đi biền biệt như sông nước . Cái sống và cái chết hòa lẫn vào nhau và trở thành một thực tại khác . Sống chết đến mức độ nào đó trở thành một thực tại nằm ngòai sự kiểm sóat của ý muốn con người .

  VCH : Anh có hình dung ra thân xác hay tâm hồn mình lúc ở bờ bên kia ?

   TCS : Chưa. Tại do lười biếng mà ra . Mình không bao giờ chuẩn bị trước cho mình cái gì cả cho những ngày sắp tới , như thế khi về Huế bỏ đồ đạc vào là đi thôi .

   VCH Anh Sơn, tại sao chúng ta cứ say sưa nói về cái chết nhỉ ?

  TCS : Một trong các lý do là đời sống quá nhiều bất trắc hoặc rơi vào cạm bẫy của sự thất vọng nên người ta nghĩ đến cái chết nhiều . Nhưng cuối cùng nghĩ đến cái chết nhiều là vì con người quá yêu cuộc sống . Mình không có quyền cho phép ai chết cả . Mình chỉ yêu nghệ thuật,cái gì thuộc về phạm trù cái đẹp , cái thiện thì tồn tại. Nhưng đó là cái riêng của mình chứ xã hội thì có cái xấu, cái tốt , cái thiện , cái ác, ai gieo gì gặp nấy . Mình không bao giờ lầm lỡ khi quyết định số phận mình . Ngay cả giải quyết số phận của một ngọn cỏ cũng phải suy nghĩ, ngắt đi một bông hoa bên vệ đường cũng phải suy tư, huống chi là số phận con người quá lớn và chúng ta không có quyền quyết định số phận con người .

    VCHNhưng cũng có người tự quyết định số phận cho mình khi họ thấy chết là một sự thanh thản trong nhịp hò đưa linh thoát ra ngoài cõi ác thiện !

   TCS : Chết là một sự trở về là một sự quá tốt trong lễ đón đầy hoa đầy quả . Khi đứa con hoang đi lạc trở về ; làng xóm người ta cũng vui mừng . Có lẽ cũng có cha mẹ . làng mạc ở quê hương xa xưa đón chào . Như trong “Quê nhà và lưu đày” của A. Camus , sông là sự lưu đày và chết là  trở về . Với mình thì có một quê nhà khác . Những lúc mình buồn không hiểu vì sao mình buồn , có lẽ là nhớ quê nhà và quê nhà gấn gũi nhất của mình là bào thai mẹ . Nằm trong bào thai đến hơn 9 tháng mới ra đời thì đôi lúc buồn nhớ là nhớ đến chỗ nằm trong bào thai ấy .

   VCH :   Nghe nhạc anh , nhiều lúc thấy đó là một dòng hiện sinh âm ỉ ,
nồng nàn .


phong lan



   TCS : Hiện sinh chân chính đâu phải xấu. Mình cho bậc thượng thừa của hiện sinh là ông Phật tại vì Phật dạy ta phải thức tỉnh trong từng sát na của cuộc sống . Như khi anh và Hải uồng ly bia nầy thì chúng ta hãy tận hưởng một cách trọn vẹn sự sung sướng của ly bia . Hoặc giả khi mình đói mình ăn cơm mình phải tập trung và chén cơm vào miệng mới ngon. Thực tình khi con người mà thức tỉnh trong từng sát na một thì  chủ nghĩa hiện sinh không là gì cả .

   VCH Có ngày nào từ một cõi đi về , anh được phục sinh, lúc ấy anh mơ ước anh là Sơn hay là ai , là ai ?

   TCS : Định mệnh cho phép mình được làm một người liên hệ mật thiết với nghệ thuật . Nếu có kiếp sau, kiếp nào đi nữa thì mình cũng là người nghệ sỹ sống khỏe , thoải mái trong cõi đời nầy , muốn yêu cỏ thì yêu cỏ , muốn yêu hoa thì yêu hoa . Tự do và tự tại là con người của mình …                 


                                                    Trích từ báo An Ninh số 44 tháng 3 /2005

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

HÀN MẶC T Ử



   

  Chuyện tình Hàn Mặc Tử
             - Mộng Cầm

                                                           


  Hàn Mặc Tử quen Mộng Cầm trong thời gian phụ trách trang văn chương cho tờ Trong Khuê Phòng. Mộng Cầm là cháu gọi Bích Khê bằng cậu, vì "lây nhiễm tinh thần thơ văn" của ông cậu trẻ tuổi nên cũng tập tành làm thơ gửi đăng báo. Hàn Mặc Tử đã nhận được một số bài thơ như thế của Mộng Cầm gửi đến và từ đó làm quen với Mộng Cầm.

   Hai mươi năm sau ngày Hàn Mặc Tử mất, vào năm 1961, nhà thơ Nguyễn Vỹ, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Phổ Thông có tòa soạn tại Sài Gòn đã cử ông Châu Mộng Kỳ tìm gặp Mộng Cầm để thực hiện bài phỏng vấn về mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm. Nhờ mối quan hệ đặc biệt, ông Châu Mộng Kỳ là thầy dạy con riêng của chồng Mộng Cầm, nên bài phỏng vấn mới thực hiện được. Trước đó nhiều nhà báo đã bị từ chối. Trong bài trả lời phỏng vấn nói trên đăng ở tạp chí Phổ Thông số 63, ra ngày 15 tháng 8 năm 1961, Mộng Cầm đã phủ nhận hoàn toàn chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mặc Tử: "Một dịp thứ bảy đi chơi lầu Ông Hoàng, anh thổ lộ mối tình với tôi. Tôi có trả lời anh: Chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng. Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau, nhưng thật ra vì biết Hàn Mặc Tử mang chứng bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được, ý tôi muốn một người chồng mạnh khỏe, tráng kiện... Tuy vậy chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật một hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều lần, Hàn Mặc Tử năn nỉ tôi dẫn về Quảng Ngãi thăm nhà và trong nhiều bức thư anh đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi vẫn trả lời, nhưng luôn luôn ngụy biện để từ chối: Em thiết nghĩ chúng ta sống như thế này thanh cao hơn, tôn giáo bất đồng, chữ hiếu bắt buộc em phải nghe lời thân mẫu em".

   Bài phỏng vấn này đăng lên, Nguyễn Vỹ cho biết Mộng Cầm đã đọc và không có điều chi thắc mắc và ông kết luận "đã giải đáp dứt khoát một nghi vấn thường bị nhiều người xuyên tạc". Tuy nhiên với độc giả, bài trả lời phỏng vấn của Mộng Cầm đã gây sốc. Bởi mối tình Mộng Cầm - Hàn Mặc Tử đã được người đời nâng lên thành huyền thoại. Ngay cả Ngọc Sương, dì ruột của Mộng Cầm cũng phản đối. Rồi đến Quách Tấn, người đã ủng hộ việc Mộng Cầm đi lấy chồng khi hay tin Hàn Mặc Tử bị bệnh nan y cũng giận dữ trước lời phát biểu này. Quách Tấn viết: "Cuộc tình duyên giữa Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm, tôi biết rõ lắm. Nhưng tôi chỉ nói những gì có thể nói được, nói những gì có thể giúp cho bạn đọc hiểu thêm tâm hồn Tử, văn chương Tử mà thôi". Quách Tấn là người đã từng bênh vực việc Mộng Cầm đi lấy chồng làm cho nhà thơ Bích Khê giận ông mấy ngày. Nhưng ông vô cùng tức giận khi Mộng Cầm phủ nhận mối tình với Hàn Mặc Tử. Mộng Cầm đã nói thật hay nói dối ? Vì sao nàng lại phủ nhận mối tình này ? Thật ra, trong thời gian quen biết với Mộng Cầm, căn bệnh phong của chàng chưa bộc phát. Ngay cả chàng cũng không hề "cảm thấy", làm sao Mộng Cầm có thể "nhận ra". Rất dễ thấy rằng đó là những lời nói dối của một người con gái muốn quên quá khứ để bảo vệ hạnh phúc hiện tại. Một lý do rất thường tình và đáng thông cảm. Mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm đã được rất nhiều người gần gũi xác nhận. Trần Thanh Mại, một người bạn của chàng đã công bố những chi tiết của mối tình này trong cuốn sách Hàn Mặc Tử xuất bản năm 1942. "Ấy là câu chuyện một đôi trai tài gái sắc yêu nhau, câu chuyện muôn đời ấy mà! Người con trai là Hàn Mặc Tử, người con gái, ta cứ theo nhà thi sĩ mà gọi là Mộng Cầm đi, mặc cái tên thực của họ. Hai bên đã thề nguyền cùng nhau những lời mà ta hiểu là thiết tha đằm thắm lắm. Thường thường thì họ hay gặp nhau ở hai tỉnh: Qui Nhơn và Phan Thiết. Họ đưa nhau đi chơi bờ bể, họ đi viếng các danh lam thắng cảnh, nhất là lầu Ông Hoàng. Rồi họ xa nhau. Họ nhớ nhau, và tặng ảnh cho nhau. Họ coi như một cặp vợ chồng chưa cưới".

   Hàn Mặc Tử đã sáng tác nhiều bài thơ đầy nước mắt về mối tình này. Trong bài Muôn năm sầu thảm, chàng đã kêu tên nàng lên một cách thảm thiết:    "Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm / Nhớ thương còn một nắm xương thôi". Bài Phan Thiết Phan Thiết, chàng nhắc tới những kỷ niệm xưa về lầu Ông Hoàng, nơi chàng và Mộng Cầm từng dạo chơi thuở nào: "Ta lang thang tìm tới chốn lầu Trăng/Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang/Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết/Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết!/Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi".             



                                         
Hàn Mạc Tử và những người tình trong thơ:
                               Thương Thương, Kim Cúc, Mộng Cầm, Ngọc Sương, Mai Đình

    Hoàng Cúc - nàng thơ bí ẩn


   Hoàng Cúc là người liên quan đến bài thơ tình đẹp nhất trong kho tàng thơ ca Việt Nam: Bài thơ thôn Vỹ. Nàng tên thật là Hoàng Thị Kim Cúc, sinh ngày 5/12/1913, kém Hàn Mặc Tử 1 tuổi.

   Cũng như Hàn Mặc Tử, nàng phải theo gia đình vào Quy Nhơn sinh sống vì cha nàng là công chức, làm việc tại Quy Nhơn. Năm 1933, Tử vào làm cho Sở Đạc điền Quy Nhơn và quen Hoàng Tùng Ngâm - em thúc bá của Hoàng Cúc. Hoàng Tùng Ngâm sống trong ngôi nhà nhỏ cạnh nhà Hoàng Cúc, anh em bè bạn thường tụ tập để chơi đùa, bình phẩm văn thơ. Hoàng Cúc khi đó cũng đang tập tành viết báo làm thơ với bút hiệu Hoàng Hoa nữ sĩ nên cũng quen biết Hàn Mặc Tử.

   Với bản tính đa tình, Hàn Mặc Tử đã đem lòng si mê Hoàng Cúc. Chàng đã làm một số bài thơ tặng nàng như bài Vịnh hoa cúc, Trồng hoa cúc... Một số bài đã đến tay Hoàng Cúc qua Hoàng Tùng Ngâm. Hoàng Cúc biết rất rõ tình cảm của chàng.

   Rồi Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn làm báo. Sau một thời gian, chàng về lại Quy Nhơn. Lúc này gia đình chàng đã dời đến cách nhà Hoàng Cúc chỉ vài căn. Tình xưa dậy sóng trở lại. Giờ đây, chàng đã ít nhiều bạo dạn hơn trước. Hàn Mặc Tử sáng tác bài Hồn cúc:

         "Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường
         Không dám sờ tay sợ lấm hương
         Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá
         Muốn ôm hồn cúc ở trong sương".

   Năm 1936, Hoàng Cúc theo gia đình về Huế sinh sống. Sau đó, nàng bắt đầu ăn chay trường, trở thành cư sĩ, sống cuộc đời lặng lẽ bí ẩn. Cũng trong năm đó, Hàn Mặc Tử in tập thơ Gái quê, là tập thơ mới đầu tiên kể từ khi chàng bỏ làm thơ Đường luật. Chàng mang theo một số tập Gái quê ra Huế. Và chàng đã gặp lại Hoàng Cúc trong một dịp hội chợ nhưng không dám tặng thơ cho nàng. Chàng cũng tìm đến Vỹ Dạ - nơi ở của Hoàng Cúc - nhưng chỉ đứng ngoài cổng một lúc rồi bỏ đi.

    Nhiều năm sau đó, giữa hai người không có liên lạc gì với nhau. Một hôm Hoàng Cúc nghe tin chàng bị bệnh phong, nàng liền gửi thư cho chàng. Và chàng đã cảm động sáng tác bài Đây thôn Vỹ Dạ gửi tặng nàng.

   Chuyện tình Hoàng Cúc - Hàn Mặc Tử cũng có những điều gây tranh cãi như trường hợp Mộng Cầm. Bởi Hoàng Cúc đã có lần công khai phủ nhận chuyện nàng có tình cảm với Hàn Mặc Tử. Đó là vào năm 1969, nhà thơ Quách Tấn, người bạn thân thiết của Hàn Mặc Tử đã viết một hồi ký lấy tên là Đôi nét về Hàn Mặc Tử đăng trên tạp chí Văn, trong đó có phần nói đến mối quan hệ giữa Hoàng Cúc và Hàn Mặc Tử. Quách Tấn cho rằng hai người không thành duyên nợ là do thân sinh của Hoàng Cúc chê Hàn Mặc Tử không xứng. Hoàng Cúc đã đọc được hồi ký này và ngày 15/3/1971, nàng gửi thư cho Quách Tấn để "nói lại cho rõ". Hoàng Cúc đã phản bác một số chi tiết nhỏ mà Quách Tấn nêu ra và cuối cùng nói về mối quan hệ của mình với Hàn Mặc Tử: "Hồi ấy tuy Tử ở gần nhà tôi, song Tử và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi. Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng! Tuy thế Tử cũng đã tìm cách để gặp, nhưng vẫn chưa toại nguyện..."
Thế nhưng Quách Tấn kiên quyết bảo vệ lập trường của mình trong các chi tiết thể hiện việc Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc có yêu nhau: "Còn về những chi tiết trong cuộc tình duyên của Tử - Cúc, thì nhất định ký ức tôi không phản tôi, vì không có gì phức tạp khó nhớ. Việc Tử nhờ người đến dạm là việc có thật. Người ấy là nhà thầu khoán Bùi Xuân Lang ở Quy Nhơn, vừa thân với Tử, vừa quen với cụ Hoàng Phùng".

   Hiểu như thế nào về chuyện này? Theo chúng tôi, Hoàng Cúc ngày ấy là một thiếu nữ trẻ trung yêu đời, lại ít nhiều có tâm hồn văn chương thì việc đáp lại những tình cảm của một người như Hàn Mặc Tử là có thể xảy ra. Nhưng sau này cũng như Mộng Cầm, nàng đã cố gắng chôn chặt những điều thầm kín riêng tư vào cõi lòng. Là một người xa lánh cuộc đời để tìm đến cõi thiền, thì những chuyện tình cảm dù có cũng không thể phơi bày cho công chúng biết. Cho nên việc Hoàng Cúc phủ nhận chuyện có đáp lại tình cảm với Hàn Mặc Tử là điều dễ hiểu. Nguyễn Bá Tín cho biết tại nhà riêng của Hoàng Cúc, khi đã quy y, nàng vẫn "dành riêng một căn phòng ngày đêm hương hoa tụng niệm, tưởng nhớ mối tình bất diệt của anh mà cũng là tình đầu của chị".

   Mối tình Hàn Mặc Tử - Hoàng Cúc như là khói sương bảng lảng. Nàng thực sự là một nàng thơ hơn là một người tình để chàng có thêm thi hứng mà thôi.

                                                                    Theo Trần Đình Thu (TN)

                                                                

                                           
Đây thôn Vỹ Dạ


          Sao anh không về chơi thôn Vỹ
          Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
          Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
          Lá trúc che ngang mặt chữ điền

          Gió theo lối gió, mây đường mây
          Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
         Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
         Có chở trăng về kịp tối nay?

         Mơ khách đường xa, khách đường xa
        Áo em trắng quá nhìn không ra
        Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
        Ai biết tình ai có đậm đà?


                                         


                                             Mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng - Quy Nhơn