Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

SÁCH VÀ NGƯỜI


 

 

            MỘT CÂU CHUYỆN NHỎ ...

                                                    
…Nguyễn Tuân kể rằng khi hòa bình lập lại , ông vào Sài Gòn để tìm gặp một số bạn bè, nhà văn cũ …

   Hôm ấy , trời đã nhá nhem tối ông bước ra đường chỗ bùng binh Ngã Sáu gọi một chiếc xích lô đạp để đi đến chỗ Nguyễn Quang Sáng ở đường Hai Bà Trưng .


- Chú ơi ! Đi ra đường Hai Bà Trưng bao nhiêu ?


 Đang nằm lơ mơ trên xe, anh xích lô bật dậy lễ phép :


- Dạ thưa bác 10 đồng .


  (Hồi ấy mới đổi tiền xong, 10 đồng có giá trị khá lớn) .

   Nguyễn Tuân nhăn nhó :


-   Ối giời ơi ! chú lấy giá cao quá thế ?

  Anh xích lô hỏi :

- Thế bác cho cháu bao nhiêu ?


- Tôi là nhà văn, nghèo lắm … Chú lấy giá rẻ thôi …


- Thế bác là nhà văn à ?


- Vâng tôi là Nguyễn Tuân …


   Anh chàng chạy xích lô hỏi liền :

- Dạ phải bác là tác giả quyển Vang Bóng Một Thời không ?


- Phải !


- Vậy thì mời bác lên xe ! Cháu sẽ chở bác ra đó không lấy tiền. Cháu thích Vang bóng một  thời của bác lắm …


                                                *

  Gặp Nguyễn Quang Sáng Nguyễn Tuân suýt xoa :

- Trời ơi ! mình không ngờ dân Sài Gòn hay quá …


 Nguyễn Quang Sáng tròn mắt :

- Hay sao ?


- Cậu có tưởng tượng rằng một thằng cha đạp xích lô ở thành phố nầy là đọc giả của mình không ?  Ngoài kia người ta vẫn tuyên truyền ra rả là thanh thiếu niên trong Sài Gòn bị nhiễm văn hóa đồi trụy và phản động của Mỹ Ngụy rất nặng …


   Bây giờ mình mới biết mình lầm . Ôi ! Vang bóng một thời ! …Mình không thể tưởng tượng được một gã đạp xích lô của cái Thành Phố đồi trụy nầy cũng biết mê Vang bóng một thời !

 

1phuongtim

                                                   *

     Có lần tôi đem bài viết ấy của NQS kể lại cho một tên bạn của tôi nghe – Ông bạn ấy là GV văn của trường tôi đang công tác – Anh ta tốt nghiệp Cử nhân Giáo Khoa văn chương của trường Văn khoa Sài gòn ( Các bạn nên biết rằng cử nhân giáo khoa khác cử nhân thường xa lắm) .

   Quỳnh – anh bạn ấy nói :

- Lúc ấy tớ cũng chạy xích lô đêm và cũng đậu xe chờ khách chỗ Ngã Sáu ấy . Tốp xe đậu hạng ở đó có mấy thằng cử nhân khoa học , cử nhân triết , nhà văn , nhà giáo…Thôi thì đủ loại . 


   Ông Nguyễn Tuân gặp thằng nào đó như tớ thì cũng chỉ là chuyện bình thường .

     Chuyện bình thường đối với các anh , nhưng đối với Nguyễn Tuân, Quang Dũng , Tô Hoài … Thì rất không bình thường !

  Tôi không có vinh hạnh được gặp NT , giờ bác đã miên viễn ở nơi cõi khác , nhưng tôi cũng cứ nói với bác rằng : Bác Nguyễn Tuân ơi ! tôi cũng là một thằng nhiễm văn hóa đồi trụy và phản động rất nặng vì tôi đã đọc Vang bóng một thời của bác gần thuộc lòng, đọc Nhà nghèo, Xóm Giếng ngày xưa, Quê người , O chuột …của Tô Hoài ; Nằm vạ của Bùi Hiển; nhiều truyện của Nguyễn Công Hoan, Nhóm Tự Lực văn đoàn , Nam Cao Thanh Tịnh …Tôi còn đọc Thềm Hoang của Nhật Tiến , đêm dài một đời của Lê Tất Điều ; Cũng đủ lãng quên đời của Mai Thảo; Đêm nghe tiếng đại bác, Chiếc khăn sô cho Huế của  Nhã Ca; Trần dzạ Từ , Chu Tử , Dương nghiễm Mậu, Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long , và v.v …Đặc biệt hơn tôi còn “luộc” hết các bộ kiếm hiệp của Kim Dung và gối đầu giường bộ Hồng Lâu Mộng …  


  Tuy hồi ấy Hữu Loan từng bị kỷ luật vì bài thơ Màu Tím hoa sim , nhưng trong miền Nam chúng tôi đã chép tay và chuyền cho nhau đọc thuộc lòng bài thơ ấy, kể cả Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng …


 Vậy một anh đạp xích lô là đọc giả của bác thì cũng là chuyện bình thường thôi .

   Bây giờ tuy ở một cõi khác nhưng chắc bác hiểu hơn rất nhiều , phải không ?
                                                         *

Trích :
"Vang Bóng Một Thời viết năm 1940 đã được dư luận chung coi như một trong những tác phẩm hay và nổi tiếng nhất của nền văn chương Việt Nam, cũng là một trong những tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất, được coi như ngang hàng với Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, Đôi Bạn của Nhất Linh..."


                                         Theo Trọng Đạt

      http://www.tranluc.net/docs/vangbongmotthoi.html


Sách của Nguyễn Tuân :

http://vnthuquan.net/truyen/tacpham.aspx?tacgiaid=474

và đây là link của tập tuyện Vang Bóng Một Thời :

http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvnqnvn2n31n343tq83a3q3m3237nvn

 


                                                     Sàigòn , Hè 2009 .

    


 

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2009

NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NHẠC SẾN



    Nhạc Sến - Giai    điệu của quê hương

                         Hoàng Mai Phi


Đã từ lâu, chữ sến đã hiện diện trong ngôn ngữ Việt Nam; hay đúng ra chữ "sến" đã hiện diện trong ngữ vựng của văn hóa miền nam Việt Nam. Chữ "sến" từ đâu đến, ai đã khám phá và phát

          Minh họa ĐỖ TRUNG QUÂN

động chữ này trong tiếng Việt thì người viết không thể xác nhận chính xác. Rất tiếc rằng Việt Nam chưa dựng lên cái gọi là Hàn Lâm Viện Ngôn Ngữ như một số quốc gia, nên một số ngữ vựng được tự do phát triển, theo từng vùng và đồng thời chịu ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử và xã hộị Từ lúc còn nô đùa vô tư cùng đám bạn trong xóm và tại trường học, tôi đã ít nhiều quen biết với chữ "sến", có lúc chính tôi và một số bạn bị gán hay bị chỉ trích " Sến quá mày ơi !" nhưng thật tình chính tôi và các bạn tôi cũng không tài nào giải thích nổi chữ sến nghĩa là gì.


Nhưng khi bị gán cho cái gọi là "sến" thì không ai bảo ai, không mấy ai hài lòng hoặc có khi phá lên cười một cách thích thú hay tệ hơn đó là "quê độ".

 Đến đây, chữ "sến" chỉ là danh từ, dùng để diễn tả một hạng người, một tầng lớp trong xã hội Việt Nam, nó không hàm ý mỉa mai hay châm biếm.

Hơn thế nữa, ngoài việc diễn tả cách trang sức, trong vài trường hợp, chữ "sến" cũng được dùng để diễn tả một hành vi khôi hài khác thường mà ai đó đã thu lượm từ một vài lớp tuồng cải lương, tuy vậy sến không đi đôi cùng cải lương. Nếu một ai đó lượm lặt vài câu hát hay câu nói văn hoa trong một tuồng cải lương thì sớm muộn người ấy sẽ bị phê bình "sến quá ". Hoặc trong trường hợp; bất luận nam nữ, xử dụng các sáo ngữ không đúng chỗ thì bị phán ngay là "sến" để thay cho thành ngữ "dốt hay nói chữ "; một thành ngữ có tác dụng khiêu khích khá mạnh. Một thanh niên, một học sinh trung học đang tuổi "biết đợi biết chờ" rất sợ chữ "sến" ; nếu không may, những chiếc áo dài trắng phán rằng "đằng ấy sến quá " thì đường tình duyên của anh ta chắc chắc không dài bao nhiêu, đôi khi bị bế tắt hoàn toàn là khác. Hoặc khi, bạn bè chế nhạo người bạn rằng " con bé đó sến quá " thì chắc rằng anh chàng kép sẽ không


        .Nhac sen 3

                                          Maria Schell (bị coi là đọc trại từ Sến)

mấy hài lòng


Ngôn ngữ phát triển đồng thời với những phát triển về mặt xã hội và văn hóa, chúng ta hẳn còn nhớ những câu nói như "sức mấỷ" , "bỏ qua đi tám" , "năm trên năm" , " còn lâu" , v.v.. Chữ "sến" cũng không phải là một trường hợp đặc biệt. Sau khi xuất hiện một thời gian "sến " biến dạng, đi từ một danh từ sang tĩnh từ để diễn tả từ hiện thực đến trừu tượng. Tôi vẫn còn nhớ rõ, khi còn theo học trung học vào những năm 1968 - 1970; có lần ba tôi đã rầy "sến là cái gì ?". Thú thật  cho đến ngày nay tôi hãy còn mập mờ chưa thấu rõ định nghĩa chính xác của chữ này . Ngoài nhận định về cách phục sức, người miền nam dần dà theo đà phát triển của xã hội đã dùng chữ "sến" để diễn tả những câu nói vô duyên, thiếu cảm tình hoặc những sáo ngữ không đúng chỗ .

Một cách tổng quát, nếu người đời không thích một cá nhân vì tánh chất tầm thường, thiếu hài hòa, vì một hành vi lố lăng khó coi, vì trong cách ăn nói giao thiệp thiếu sót tính chất lịch sự tao nhả và lễ độ đều bị phán rằng "SẾN".

Tại thành phố Sàigòn, vào những năm trước ngày tháng 4, 1975 ; chữ sến đã được kết hôn với âm nhạc tạo thành một giai điệu gọi là "nhạc sến". Làm thế nào để định nghĩa "nhạc sến"?, mặc dầu rất thông dụng trong dân gian. Đa số các bản nhạc sến được viết theo giai điệu Rhumba, Bolero, Ballade đôi khi được kết hợp với giai điệu của ngũ cung mà đàn tranh và đàn độc huyền không thể thiếụ Lời nhạc sến rất đơn giản , mộc mạc, rất thịnh hành nơi "phông tên", bến xe đò, bến xe buýt, tại chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối , bến đò Thủ Thiêm, Chợ An Đông v.v... Vì lẽ đó tất cả các bài hát nào, thể loại nhạc nào được các chị gánh nước, các chú phu xích lô hay thợ thuyền; nôm na gọi chung là giới bình dân, ưa thích và hát nghêu ngao trong những lúc rảnh rỗi đều được gọi là nhạc sến. Điều này rất hiển nhiên, mấy ai đã chứng kiến giới bình dân hát "Nắng có hồng bằng đôi môi em, mưa có buồn bằng đôi mắt em" (Như cánh vạc bay _ Trinh Công Sơn ) hay " Một mai em đi ngày tháng bơ vơ giận hờn" ( Một mai em đi _ Trường Sa) hoặc " Từ giã hoàng hôn trong mắt em, tôi đi tìm những phố không đèn" ( Mái tóc dạ hương).

Không riêng gì các loại nhạc khác tại Saigon, đa số nhạc sến vẫn xoay quanh những bản tình ca  viết cho những dang dở, các ca khúc diễn tả một cuộc tình mà đôi tình nhân phải chịu những cảnh bẽ bàng vì những môn đăng hộ đối, vì những khó khăn trong cuộc đờị Bài hát mang tính than thở kể lể dài dòng cuộc đời éo le, lòng người thay đổi nhanh như những lúc trời chợt nắng mưa.

"Tại anh đó nên duyên mình dở dang _ em , em nào mộng mơ quyền quý cao sang" " ngày xưa mỗi lần em buông tiếng hát _ Thì anh tay phím nắn nót cung đàn _ Từng nhịp nhặt khoan anh ru hồn theo tiếng tơ. Nhẹ nhàng lời ca em thăng trầm theo từng lúc _ Và rồi hờn yêu anh mỗi lần em hát sai, em nũng nịu cười nói sai là tại anh " (Giọng ca dĩ vãng) "buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời" (Nửa đêm ngoài phố) "vừa biết mai này em đi lấy chồng, thương hoài bến đò thương ca? giòng sông, ngày vu quy em đã đến, buồn chi em ơi đừng khóc, chớ lo gì đã có người thay" (Tiễn em theo chồng) "em có còn thương nhớ gì không _ trong những đêm lạnh giá canh dài _ một mình lẻ bóng đơn côi, lời yêu ai đành gian dối kỷ niệm đầu che khuất vành môi" (Tình đời II) Trong tình trường, đa số các cô gái hay các chàng trong kiếp nghèo phải gánh chịu đau thương, đôi khi lại là do hoàn cảnh chinh chiên điêu linh mang lạị "đêm đêm tôi vẫn về bên mùi hương hoa sứ, nâng niu cây đan đìu hiu thương môi ti nh đầu _ Bơ vơ tiêng đàn lời ca em vê đâu _ đàn ngân lênh buồn tênh rớt rơi cung sầu" (Hoa sứ nhà nàng) " .. chiều nay tôi về thăm mái nhà xưa _ tìm em nhưng em còn đâu nữa, ngườ i xưa đã sang ngang rồi _ một mình chiều nay trên lối nhỏ ngập lá bay _ chợt nhìn giàn hoa leo quanh nhà đang nở tím , kỷ niêm ngày xưa trong tim nghe quá chua cay _ lặng buô n tôi quay gót bỗng thoáng nghe lệ ướt mi " (Căn nhà dĩ vãng ) "Một hôm tôi đên tìm em để từ giã lên đường _ Gửi lại phố phường chuyện đôi mình thương mai xa cách ngàn phương _ Cuộc đời sương gió, chiến chinh nơi miền xa qua những vùng xa lạ quá - Quê hương bao la, những chiều đóng quân ven rừng, gặp hoa trắng ngày xưa thương em nói sao cho vừa" (Người em xóm đạo).

Tương tự như các thể loại nhạc khác, nhạc sến cũng có các danh ca chuyên trị. Chắc không ai phủ nhận ca khúc "Nỗi buồn gác trọ". không thể thiếu nữ ca sĩ Phương Dung, và cô ca sĩ này không thể nổi tiếng nếu không có bài hát này. Cũng như nếu không có Chế Linh, Thanh Tuyền, Giang Tử , Giáng Thu, Thiên Trang, Giao Linh v.v. thì nhạc sến chắc không thể đạt đên tột đỉnh trong xã hội Nam Việt Nam. Với một cấu trúc đơn giản, giai điệu trầm bổng nhịp nhàng gần gũi với cổ nhạc nam phần, lời ca man mác mang màu sắc bình dân, nặng về kể lể sướt mướt mà các nhạc sĩ trứ danh như Trúc Phương, Tú Nhi, Lam Phương, Duy Khánh, Mạnh Phát, Châu Kỳ, Hoài Linh v.v. đã đóng góp một phần không nhỏ cho nền âm nhạc Việt Nam. Họ đã tạo cho âm nhạc Việt Nam một sắc thái đặc biệt, nhất là sự hài hòa, kết hôn giữa các giai điệu tây phương và cổ nhạc Việt Nam. Chăc chắn khán giả sẽ không mấy hài lòng nếu một số ca khúc thuộc "nhạc sến" mà thiếu đàn tranh hay độc huyền cầm thì như "chết nửa đời người", như một tô phở thiếu hành ngò độc đáo hơn nữa nếu bài " Nhớ người yêu" không được người ca sĩ ngâm nga mở đầu bằng bốn câu thơ : nhiều đêm thức trọn nhớ thương em/ nhớ quá làm sao biết ngõ tìm/ tay trắng anh nào mơ với mộng/ nên tình hai đứa vẫn chưa yên/… thì mất cả cái hương vị, mất cái độc đáo của "nhạc sến".

Trăm năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, những người thuộc từng lớp tri thức dường như có khuynh hướng tôn trọng các tiến bộ tây phương và dễ dàng chấp nhận các tư tưởng mới du nhập. Hiện tượng này là thành quả của chế độ giáo dục khắc khe của thực dân Pháp áp dụng trên quê hương Việt Nam, các nhà trí thức được đào tạo trong khuôn khổ của văn hóa Pháp, họ nói tiếng Pháp (hoặc ngoại ngữ) trôi chảy và nhất là chiếm được các chức sắc trong chính quyền từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng. Tuy vậy, vấn đề đặt ra không phải vi lẽ đó mà tầng lớp trí thức bỏ quên nguồn gốc Việt Nam. Nếu chúng ta nhìn lại trong lịch sử, đã có không ít các nhà trí thức vẫn tìm cách bảo tồn văn hóa Việt Nam, hiện tượng này gây nên sự xung đột trong xã hội, mà bút mực đã đổ ra không ít. Cuộc tranh chấp được thu gọn trong các thành ngữ rất quen thuộc như "đã cựu nghênh tân" cùng "thủ cựu bại tân", "xung đột cũ mới". v.v. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, người viết không có ý quy trách nhiệm cho một ai, không phân tích phải trái, nhưng đây la tiền đề để những người thiếu hiểu biêt, những kẻ ham danh lợi, đã cố tình tự biên tự diễn để được người đời kính nể như một trí thức thật sự, nhưng bản chất là một trí thức thuộc loại "nổ". Để tỏ ra một tri thức thời thượng, họ đã tập tành nói ngoại ngữ, họ hành sự như một người hấp thụ văn hoá Pháp hay Tây phương nói chung, coi rẻ những gì bình dân mang bản chất dân tộc tính. Trong văn học, chúng ta vẫn tìm thấy rải rác các nhân vật này trong các thiên tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, và nhiều hơn nưa trong các vở tuồng cải lương ma "đời cô Lựu" là một điển hình, tuy rằng bối cảnh và thời gian có khác nhau nhưng thực chất vẫn không khác bao xạ.

 Trong tình trạng đó, những năm tháng trước 1975, tại Saigon, dòng nhạc sến đã được xếp vào hàng bình dân, được xếp vào nguồn giải trí cho tầng lớp "Marie Phông Tên" . Vào thuở ấy, một số người tự cảm thấy thuộc về tầng lớp trí thức rât ngại nghe loại nhạc nàỵ Họ tự cảm thấy rất "quê độ" khi bị người khác bắt gặp khi đang nghe hay đang ngâm nga vài câu hát thuộc thể loại nhạc này, mặc dầu trong tâm tư , một phần nào họ vẫn yêu thích nhạc sến. Tình trạng này rât phổ biến nơi thành thị nhất là tại Saigon, người đời có khuynh hướng dè bĩu những gì mang phong cách bình dân, những gì mang dân tộc tính, những gì dễ hiểu của đại chúng. Hiện tượng này, chẳng qua là do sự du nhập của các chủ thuyết, triết lý của những Paul-Sartre, André Gide v.v. đồng thời các tiểu thuyêt gia gốc Mỹ như Henry Miller, John Steinback, các thiên tiểu thuyết lãng mạn như "Gone with the wind" (Cuốn theo chiều gió) hay "Doctor Zivago". Trong âm nhạc, để tỏ ra thời thượng, sành điệu, giới trí thức đứng tuổi thưởng thức những Beethoven, Mozart, và nhạc cổ điển tây phương nói chung, trong khi giới trẻ đón nhận làn sóng mới với cái gọi là "hippy" với những Francois Hardy, Sylvie Vartan, Johny Halliday, Christophe, Art Sulivan của Pháp. Song song, vơi dòng nhạc ấy, một làn gió mới đã theo chân các chàng chiến binh xứ cờ hoa tràn vào Việt Nam với The Beattle của Anh, hay Lobo, The Three Dogs night, Bee Gees, v.v.. Trong giai đoạn ấy, thanh niên với mái tóc dài đi đôi với chiếc quần ống loa, thanh nữ với chiếc váy ngắn và mái tóc ngắn nhưng dây nịt quần thì lại to bản cồng kềnh, họ cuốn quít theo giòng "nhạc trẻ" . Lẽ đương nhiên nếu những ai trong bọn họ cất tiếng hát  "Thức trọn đêm nay để nhớ thương em, anh nghe tình yêu nhắc nhở êm đềm _ nhờ từng nụ cười ánh mắt nhớ lời ngọt ngào âu yếm tóc em thơm giấc ngủ dịu hiền" (Nhớ người yêu) thì "sến là cái chắc".

Cũng trong giai đoạn này, giới sành điệu về âm nhạc được phân định một cách rất rõ ràng. Giới trung lưu ở thành phố hay giới sinh viên học sinh thì đón nhận và ủng hộ các ca khúc thuộc loại thời thượng, trưởng giả. Các ca khúc này được trình bày tại các vũ trường với lời lẽ văn hoa trau chuốt cùng các giai điệu hiểm hóc . Trong khi đó giới bình dân và lính tráng thì đón nhận và ủng hộ nồng nhiệt giòng nhạc sến. Mặc dầu vậy, tuy không chính thức thành văn bản trong các thống kê, nhưng ai cũng ngầm hiểu rằng một số không nhỏ giới sành điệu trong tầng lớp trung lưu trí thức kể trên vẫn ái mộ nhạc sến . Họ mến mộ nhạc sến, nhưng không dám chánh thức vỗ ngực thố lộ vì sợ bị chê bai là "đồ cải lương" , "sến thiệt" . Họ phải tỏ ra sành điệu với các điệu nhạc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Trường Sa (trước khi chuyển qua viết tình ca, nhạc sĩ Trường Sa đã sáng tác một số ca khúc thuộc loại .... nhạc sến) , Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang v.v. đây cũng là giai đoạn mà hiện tượng hippy bắt đầu viếng thăm đất Giao Chỉ, nó kéo theo vào xứ An Nam một luồng gió mới, nó đã tạo một hiện tượng lạ đánh vào giới thanh niên miền Nam, mà hậu quả là giòng "nhạc trẻ" được khai sanh trên miền nam Việt Nam. Thời điểm "hippy" thịnh hành cũng là lúc chiến tranh leo thang tột đỉnh và tàn khốc nhất, đây là lúc mà chủ đề người lính trận miền xa được nhắc đến nhiều nhất mà không một thể loại nhạc nào khác có thể đáp ứng kịp thời bằng giòng nhạc sến với những "Ngoại ô buồn" , "Ngày sau sẽ ra sao" , "Ba tháng quân trường" , "Thư vê em gái thành đô", "Căn nhà ngoại ô" , "Thành phố buồn" , "Biễn mặn", "Chúng mình 3 đứa", "Vọng gác đêm sương", v.v.

Nhưng lúc cô đơn nơi tiền đồn heo hút, ăn ngủ và chiến đấu trong các giao thông hào và hố cá nhân, chắc chắn những Mozart, Beethoven hay Beattle, Adamo, Art Sulivan, Andy Gibbs không thể nào cảm thông với tâm tư của người lính trận bằng giọng ca của Chế Linh, Nhật Trường, Phương Hồng Quế, Thiên Trang, Thanh Tuyền, Giao Linh v.v..

Thời gian cứ trôi, những ảnh hưởng tân thời, hoàn tất công trình chinh phục trong cấp thời phải trả lại cái thân thuộc, cái âm hưởng và những giai điệu quê hương. Ngay trong các tầng lớp; tự xưng là trí thức cao cấp kể trên cũng có người dần dần cảm nhận được vài nét trong thứ âm nhạc tầm thường kiạ Thiễn nghĩ, một sinh viên phải nhập ngũ theo lệnh Tổng động Viên, anh phải giã từ mái tóc dài xum xuê, chiếc áo sơ mi cổ to, chiếc quần ống loa với đôi giầy da đế cao to bản để khoác lên mình bộ đồ trận màu hoa rừng, thi bài hát "Ba tháng quân trường" và "Vườn tao ngộ" có lẽ dễ gây xúc động hơn ca khúc "Aline" , "Belle" hay "Adieu sois heureuse" hoặc "Yesterday", "Let it be" hay "Imagine". Sau thời gian huấn luyện, đên lúc ra đơn vị tác chiến thì "Thư về em gái thành đô" hay "Vọng gác đêm sương" sẽ chạm vào thần kinh cảm xúc mạnh hơn nữạ Nhất là những khi nhìn thấy cảnh tang thương nơi chiến trường, nặng tình đồng đội hay nhìn bạn đồng ngũ ngã gục thì những "Nó và tôi" , "Thành phố sau lưng" , "Trăng tàn trên hè phố" chắc chắn sẽ đi vào lòng người đậm nét hơn. Song song với hình ảnh chiến tranh, không thể bỏ quên nhưng tâm tình yêu thương của người em gái hậu phương và người lính trẻ miền xa vời: "viết tên người yêu lên ba lô nặng trĩu" hay "thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay" . (Thư của lính - Trần thiện Thanh ) "chiều nhìn qua đầu ngõ, dưng dưng niềm thương nhớ dáng xinh xinh một người được nghĩ năm ngày phép, mất hai hôm làm quen , em mới cho mình biết tên" (Căn nhà màu tím) Đã sinh ra và trưởng thành tại Nam Việt Nam, ít nhiều trong tâm tư của người dân cũng phảng phất đâu đó hồn phách của ca dao, câu hò, câu vọng cổ; Dạ Cổ Hoài Lang. Tâm trạng phức tạp của giai điệu quê hương cũng không thua kém gì so với những bài giao hưởng của Mozart hay Chopin. Các ca khúc "sến" kia được viết bởi chính tâm tư, bởi chính tiếng lòng của người sáng tác. Hoặc như có sinh sống trong thời điểm đó, có nhìn thấy và cảm nhận trong hoàn cảnh đó thì mới nhận thức được giá trị nghệ thuật mà người nhạc sĩ đã cưu mang trong nhạc sến . Hơn nữa, với một tập thể đông đảo lính tráng vào thời điểm đó, nhất là bản chất người lính không thích rườm rà lôi thôi, nên việc nhạc sến được đón nhận nồng nhiệt là điều không thể chối cải được, nó đã dần chiếm lại các vị trí đã mất trong xả hội vào những ngày trước . Thuở ấy, trong chương trình Hát cho lính của đài phát thanh Saigon với tiết mục nhạc yêu cầu, thể loại nhạc sến dường như chiếm đa số

Ngoài những đề tài "viết cho lính", nhạc sến cũng là một đối thủ của các bài tình ca vào thuở đó, giòng nhạc cũng rất trữ tình không thua các thể loại khác. " con đường xưa em đi - vàng lên mái tóc thề - ngõ hồn dâng tái tê _ anh làm thơ vu quy _ khách qua đường lắng nghe _ chuyện tình ta đã ghi" (Con đường xưa em đi) Một đặc điểm khác của nhạc sến đó là cái âm hưởng của các câu hò, câu đối; toàn bài hát có vần điệu đi theo nhau:
"một bước xa rời muôn kiếp ly tan, một cánh thiệp hồng khiến người sang ngang - Mười hai bến nước thênh thang, từ nay đôi nẻo quan san _ Khóc cho đời bạc trắng lửa hồng" (Bạc trắng lửa hồng) "chiều nào nâng ly bôi, tình vừa mới chấp nối, chia ly mà không nói nhau một lời, để rồi bao năm sau, phong sương mòn vai áo, nhớ cố nhân muốn tìm tạ lòng nhau" (Chuyện đêm mưa) "giờ em đi lấy chồng, còn đâu mà trông ngóng, đẹp duyên em với chồng, xây cuộc đời đầm ấm, để anh tan nát lòng" (Được tin em lấy chồng) Nhạc sến là kết tinh của giai điệu, lời nhạc và tài diễn xuất của người ca sĩ cùng phương thức hòa âm. Tuy rằng một số ca khúc không thuộc giai điệu Bolero hay Rhumba, nhưng với lối diễn xuất và nghệ thuật hòa âm độc đáo nó vẫn "sến". Không ai chối cải được tài diễn xuất của nam ca sĩ Chế Linh khi anh cất tiếng hát "em khóc đi em, khóc nữa đi em, khóc để rồi mai mỗi người một đường _ Tình mãi còn vương một điệu nhạc buồn, có ai thấu từng đêm trường _ Ôm bóng mà thương" trong nhạc phẩm "Em khóc đi em" với giai điệu slow rock.

Ngược lại nếu một nhạc sĩ nào đó sửa đổi phương thức hòa âm theo tiết điệu khác và giao cho nam ca sĩ Vũ Khanh hoặc Duy Trác để trình bày nhạc phẩm "Em khóc đi em" này hoặc "Thành phố buồn" thì chắc chắn thính giả sẽ nhăn
mặt !

    .Nhac sen 2


                                          Minh họa ; ĐỖ TRUNG QUÂN

Cũng có thể thính giả sẽ phê phán rằng Vũ Khanh hay Duy Trác "hôm nay sến thiệt". điển hình, là trong một album phát hành vào khoảng năm 1995 nữ ca sĩ Carol Kim đã trình diễn bài "Giọng ca dĩ vãng" với môt tiết tấu khác biệt. Tài diễn xuất và lối hòa âm này đã thay hình đổi hình thức của ca khúc thuộc hàng nhạc sến. Trong khi vào những năm tháng thịnh hành tại Saigon, giọng hát của nam ca sĩ Chế Linh đã đưa bài hát này lên hàng nhạc sến. Một minh chứng khác là trong chương trình Thúy Nga, nghệ sĩ La thoại Tân đã giới thiệu tài diễn xuất của nam ca sĩ Chế Linh trong nhạc phẩm "Mười năm tình cũ" của nhạc sĩ Trần Quảng Nam, qua lối hòa âm và tài diễn xuất của người ca sĩ, người viết thiển nghĩ không thể dựa trên sự trình bày của nam ca sĩ Chế Linh mà ta vội kết luận rằng bài hát "Mười năm tình cũ" thuộc hàng nhạc sến. Trong khi đó với tài diễn xuất của nam ca sĩ Vũ Khanh hay nữ ca sĩ Lệ Thu thì bài hát trên cũng không thể xếp vào hàng nhạc sến được, nhưng cũng rất có thể khán giả cho rằng Vũ Khanh và Lệ Thu là ca sĩ "sến" chăng ?.. Câu trả lời , hiển nhiên là không !

Trong lòng nhạc sến, dường như chất chứa tình cảm của giới bình dân, có lẽ nhạc sến tối kỵ các chàng, các cô con nhà giàụ đa số các chuyện dở dang, lỡ làng đều do thân phận nghèo mà ra nên trong một chương trình ca nhạc của trung tâm ASIA, ban tổ chức đã cho xuất hiện trên sân khấu ba chàng ca sĩ lừng danh nhạc sến: Trường Vũ, Mạnh Đình và Mạnh Quỳnh với "Liên khúc nghèo". Tuy rằng ba chàng ca sĩ này ăn mặc có phần sang trọng, nhưng không phải vì lẽ đó mà không "sến".

Để kết luận hay khép một ca khúc vào hàng nhạc sến ta phải quan sát và phân tích kỹ lưỡng, bài hát phải hội đủ sự kết hợp của giai điệu, lời nhạc, nghệ thuật hòa âm và tài diễn xuất của ca sĩ.

Thiếu một trong những yếu tố trên, ta khó mà kêt luận đó là nhạc sến. Nhưng đôi khi vì thiếu hài hòa mà thiên hạ lại phán rằng "sến thiệt" Người viết không tìm ra được danh từ nào để diễn tả nếu một bài nhạc sến sau khi trình bày gặp phải lời phê "sến thiệt". Vì lẽ đã là nhạc sến thì phải "sến". Thưa rằng, nhạc sến là danh từ và "sến thiệt" thì lại là tĩnh từ . Quả thật đây là cái vòng lẩn quẩn của ngôn ngữ. Khi ta nghe Chế Linh, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh cất tiếng cho bài hát "Bông sứ nhà nàng" thì ngươi viết dám chắc sẽ có người "rưng rưng" , nhưng nếu giao cho Tuấn Ngọc thì chắc chắn không phải một vài người mà có lẽ tất cả khán giả sẽ "cười lọt ghế " hay "lọt tròng" (tuy rằng người ta nghe bằng tai ), và câu nói đầu tiên sẽ là "sến thiệt" hay "sến quá " cao hơn nữa sẽ là "sến quá cở thợ mộc" hay "sến thầy chạy". Ngoài việc cất tiếng hát, ta không thể bỏ qua lối trình diễn của người ca sĩ. Thí dụ điển hình là chương tình "Tình ca Ngô Thụy Miên" với bài hát "Từ giọng hát em" . Thuở xưa đã có bao người bủn rủn tay chân, ngất ngây "từ giọng hát em" (một sự trùng hợp đầy lý thú) với giọng ca thánh thót của nữ ca sĩ Châu Hà. Mặc dầu khi sáng tác, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên không có ý định viết theo giai điệu nhạc sến, người viết dám chắc có người đã nổi da gà khi thấy cô ca sĩ cùng một số vũ công "lắc lư con tàu đi" mà người bình dân vẫn gọi là "phăng" (fantasie). Không hiểu nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nghĩ thế nào chứ riêng người viết thì cảm thấy tệ quá. Một ca khúc được viết trong một giai điệu du dương êm ái, với lời ca chất chứa đầy yêu thương lãng mạn lại bị một tay "sến" hòa âm nên các nhạc công ra sức đập rầm rầm, chát chúa. Đã thế cô ca sĩ lại bò càng trên sân khấu cho có vẻ thời thượng như Madona, hay Micheal Jakson chăng?. Không hiểu khán giả nghĩ sao lại vổ tay ầm lên? Phải chăng vì sợ dè bĩu là chậm tiến, là nhà quê mà các cô cậu trở thành "sến hết ý " .

Tiêu chuẩn chê khen tùy thuộc vào cá nhân người nghe, nhưng nhận xét chung cho thấy người nhạc sĩ có thể sáng tác theo nhiều thể loại khác nhau tùy theo nguồn cảm hứng của họ. Nhạc sĩ Lam Phương đã viết bài "Cho em quên tuổi ngọc" và bài "Tiếc" mà trong đó giai điệu và tiết tấu cùng lời ca hoàn toàn không phải đặc thù "Lam Phương" . Vì vậy ta không thể dựa trên lời nhạc để kết luận rằng bài hát thuộc hàng sến . Nếu ai phủ nhận thì hãy đọc lại hay hát lại bài "Hai năm tình lận đận" (Thơ Nguyễn Tất Nhiên _ Nhạc Phạm Duy) với "hai năm tình lận đận , hai đứa cùng hư hao .... hai năm tình lận đận hai đứa cùng xanh xao" ...

Thế thì "sến thượng thừa" rồi đấy chứ ! Ai bảo Phạm Duy không sến! (xin được diễn tả theo ngôn ngữ miền Bắc). Giả như cụ Phạm đổ lỗi cho thi sĩ thì quả không công bằng vì lẽ cụ có "sến" cụ mới thấy hay mà phổ nhạc nên sáng tác của cụ được gọi là nhạc sến thì đó là điều hiển nhiên.

Khác với các giòng nhạc khác; người viết xin tạm gọi "trưởng giả" để đối lại với cái tính "bình dân" của nhạc sến; thì nhạc sến đã thật sự đi sâu vào tâm tư của dân chúng nhiều hơn hết. Nếu như chỉ dạo nhạc không lời và mời một số người Việt Nam; không phân biệt giai cấp đến thưởng thức thì chắc chắn những giai điệu của nhạc sến sẽ được người nghe dễ nhận biết hơn giòng nhạc trưởng giả. Ngoài ra đặc điểm căn bản của nhạc sến là lời ca đơn giản dễ hiểu, nên được nhiều người ghi nhớ. Trong khi đó , giòng nhạc trưởng giả với lời nhạc trau chuốt, bóng bẩy như ".. sao mắt nhung không nuối tiếc khát khao đợi chờ..." (Chiều nay không có em _ Ngô Thụy Miên) , "..tình ái không xanh như thơ , đến trong hơi thở , rồi trôi rất xa ..." (Hạnh phúc lang thang) hay ".. Nét son dở dang môi sầu, ngõ hoang bước chân gục đầu ..." (Nét son buồn)


vua nhac sen

                                                 "Vua" nhạc sến : VINH SỬ

Đôi khi lại đầy bí ẩn, đôi khi mang sắc thái triết học và tôn giáo "Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi" (Trinh Công Sơn) hay "Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về nhớ chân giang hồ - Ôi phù du từng tuổi xuân đã già một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua" (Phôi Pha _ Trinh Công Sơn , thì lẽ đương nhiên khó nhớ khó hát hơn vì giai điệu trầm bổng hiểm hóc. Các cô cậu thuộc tầng lớp bình dân chắc chắn sẽ lắc đầu nguầy nguậy "ay da cái quái gì mà rắc rối khó hiểu quá!" . Độc đáo hơn, nhạc sến đã được giới bình dân đón nhận nồng hậu, và cũng chính giới bình dân này đã tái tạo nhạc sến thành một giai điệu trào phúng mà khán thính giả đã không nhịn được cười.

Giòng nhạc trào phúng này, với một số nhỏ đa được các danh hài sửa đổi chút đỉnh trước khi trình diễn trước công chúng, kết quả ra sao thì người viết không cần biện chứng. Như đã trình bày, nhạc sến thịnh hành và nổi tiếng nhờ tập thể quân đội thì cũng chính tập thể này cũng đã thay lời để phù hợp với cái éo le, cái bẽ bàng trong đời chinh chiến "sống nay chết mai". Những giây phút dừng quân, với vài câu hát châm biếm, pha trò từ các bài nhạc sến dễ đem lại sinh khí cho người lính trong giây phút đó hơn là giòng nhạc trưởng giả . Trong chương trình ca nhạc do trung tâm Thúy Nga thực hiện với chủ đề nhạc Lam Phương, người nhạc sĩ tài hoa này đã phát biểu rằng "Tôi rất vui vì nhận thấy rằng giòng nhạc của tôi đã thực sự đi vào lòng đại chúng", để trả lời cho câu hỏi của người điều khiển chương trình khi ông ta đặt câu hỏi về cảm nghĩ của nhạc sĩ Lam Phương một khi nhạc của ông đã được thiên hạ "chế" lời khác như ": giờ thì cũng yêu , mà yêu yếu xìu" . Quả thật, nếu nhạc sến không thực sự đi vào lòng đại chúng thử hỏi tại sao văn chương truyền khẩu Việt Nam lại có quá nhiều "nhạc chế" để làm cho thiên hạ phải cười ngả cười nghiêng . Hai danh hề Vân Sơn & Bảo Liêm gần như là vô địch trong sở trường này.

Nhạc chế đôi khi cũng thật thắm thiết và trong một vài trường hợp cũng không kém phần văn hoa, châm biếm. Xin đơn cử môt vài thí dụ điển hình với tính chất trào phúng "huề vốn" như : ( Mùa đông của anh _ Trần thiện Thanh ) ....Anh chỉ là người điên trong nhà thương Chợ Quán ! Anh chỉ là người đui bên đường em nhìn thấy Em đi đi ! Người câm không biết nói Và người đui không thấy đường ....( Nửa đêm ngoài phố - Trúc Phương) Buồn vào hồn không tên Thức giấc nửa đêm nhỏm dậy đi tìm đào Tìm khắp xóm nhưng không gặp nàng nào Làm tim gan tôi cồn cào Đi tìm một nàng Marie , Tôi nhớ cái đêm nàng đi, dưới ánh đèn bên nhị tỳ Nàng bước tới trao tôi khúc bánh mì Mà tôi không ăn, muốn ăn con gà rô-ti…, hoặc cay cú vì cuộc sống khó khăn đầy bất công đối với người lính chiến (Tỉnh lẻ đêm buồn – Tú Nhi & Bằng Giang) Đã lâu rồi anh đi lính để nuôi em - Nhưng em chê tiền anh ít. Muốn xài sang, anh đi làm sở Mỹ kiếm Dollar về cho em xài Ở bên đó, em ơi có gì vui chỉ xin biên thơ về cho anh. Mấy đêm nay rồi , anh đi binh xập xám, anh thua 2 ngàn tám, em ơi biết cho anh, tiền lẻ không còn;  hay vì xã hội nhiễu nhương (Tàu đêm Năm Cũ - Trúc Phương) :

Trời mưa gần tàn
Tui xách hôn đa, đưa tiễn nàng đi ăn nhà hàng
Cầm giấy năm trăm tui hỏi nàng hôm nay tại sao
Thấy em hông được dzui biết rằng em chê tui nghèo ...."

Trên đây chỉ là đơn cử vài thí dụ tiêu biểu cho giòng nhạc chế bắt nguồn từ nhạc sến, thực sự trên thực tế đã có không biêt bao nhiêu bài nhạc chế như thế, giòng nhạc mang đủ loại sắc thái khác nhau .Tuy rằng đây chỉ là văn chương truyền khẩu nhưng lan rộng trong hầu hết các tầng lớp dân chúng từ bình dân đến trung lưu trí thức . Như thế để nhận thây rằng, nhạc sến quả đã đi sâu vào lòng đại chúng. Có lẽ vì tính chất đại chúng và phổ thông nên nhạc sĩ Lam Phương và nhạc sĩ Trường Sa đã gọi là giòng nhạc đại chúng thay vì nhạc sến….

Biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã làm tăng giá trị của dòng nhạc sến này . Những gì thuộc về "trước 75" đều được đại đa số quần chúng bảo tồn gìn giữ, người ta mở lòng ưu ái để đón nhận . Có lẽ giòng nhạc này đã đem lại cho dân gian một chút tưởng niệm cho thời vàng son đã qua, một chut kỷ niệm thời xa xưa .

 Nhạc sến giờ đây đã chinh phục thêm một số thính giả mà trước đây vẫn coi thường hay e ngại . Giờ đây, ai ai cũng đều nhận rằng Văn Cao, Phạm Duy, Dương thiệu Tước, Cung Tiến có cái tài thì Lam Phương, Trúc Phương, Tú Nhi, Hoài Linh, Mạnh Phát v.v. cũng có cái tài riêng của họ, không thể so sánh quả cam và trái táo . Trong giòng nhạc sến đó, không ai có thể chối cải được rằng các bài hát như "Khúc ca ngày mùa" (Lam Phương) "Xóm đêm" (Phạm Đình Chương), "Ai lên xứ hoa đào" (Hoàng Nguyên), "Nửa đêm ngoài phố" (Trúc Phương), "Thương hoài ngàn năm" (Phạm Mạnh Cương) v.v.. đã được liệt vào tuyệt tác trong nền âm nhạc Việt Nam mà các nhạc sĩ thuộc trường phái khác khó có thể sáng tác được.

Cuốn trôi theo vận mệnh của xứ sở, người Việt lưu vong tại những nơi xa xôi ngàn dặm trông ngóng nhớ về quê hương, họ ráng tìm lại chút kỷ niệm về cội nguồn qua chút gì còn sót lại trên các quyển sách, vài băng nhạc thuở trước. Tại một nơi xa lạ về ngôn ngữ, phong tục tập quán thì những món ăn tinh thần tuy đơn sơ nhưng nó lại có khả năng giúp người nghe vẽ lại một quãng đời đã qua. Nghe lại một bài hát, dù rằng ngày đó không mấy ưa thích vì nội dung có phần tầm thường bình dân, nhưng trong hoàn cảnh mới; khi quê nhà cách xa nửa vòng trái đất, tâm tư người nghe bỗng chùng xuống .Lòng bỗng bồi hồi nhớ lại chuyện xưa, một nỗi buồn man mác khó tả. Người viết dám chắc rằng sẽ có người trong số những người tỵ nạn tại đệ tam quốc gia sẽ rơi vào cảnh "môi cười mà lệ như rơi" khi bỗng nghe lại câu hát đơn sơ trào phúng như "…Đồng Tháp hết bóng hồng rồi còn ai yêu tui ." (Trên 4 vùng chiến thuật _ Duy Khánh). Riêng chính bản thân người viết bỗng nhớ đến cái thuở nô đùa cùng đám bạn trong giờ ra chơi, trẻ trung và vô tư các chú học sinh "ráng gân cổ" hát hò và cười vang trời . Bài hát "Thói đời" được đổi lời thành "đường tương chao, tàu hủ, dưa leo, ai chưa ăn chưa phải thầy chùa" . Ngày ấy chỉ là trò đùa nhưng bây giờ là kỷ niệm. Kỷ niệm dầu vui hay buồn, khi nhớ lại đều bồi hồi . Khi Hương Lan, Tuấn Vũ, Thái Châu, Mạnh Đình v.v.. cất tiếng thì bỗng từ đâu giòng kỷ niệm chợt trôi về trong tâm tư, như thế thì đâu phải nhạc sến là tầm thường như bao người vẫn dè bĩu, nhạc sến đâu phải "quá ẹ" như ngày xưa mình nghĩ. Thật ra, không phải bài hát "quê mùa" của ngày xưa "dở ẹt" mà là vì nó đang trong tầm tay với, là vì tâm tư người nghe chưa quyện vào lời nhạc nên không cảm nhận được. Khi có mất mát, con người mới thấy cái giá trị của nó. Thì ra những điệu nhạc quê mùa kia, những "sến nương" ngày ấy là hiện thân của mơ hồ ràng buộc gắn bó với quê hương.

Theo nhận xét của ngươi viết thì văn chương, thơ phú và âm nhạc, những gì nói lên được tiếng lòng thì sẽ được cảm nhận là haỵ Những ca khúc được viết cho người lính Cộng Hòa khi xưa dễ đem đến sự thông cảm cho người nghe, có phải chăng tâm tư của người lính trận hai miền nam bắc gần giống nhau nên họ đã tìm đến giòng nhạc này để mơ hồ về một thuở và cũng để cùng thấy ray rức. Thêm vào đó, nhưng tâm sự kể lể sướt mướt kia có lẽ đã nói lên được các đặc điểm của xã hội nhiễu nhương, những tình tiết éo le của cuộc đời . Phải chăng giòng nhạc đại chúng dần dà đã xoa dịu nỗi đau thương, có tác dụng hàn gắn những vết thương trong lòng người Việt trôi nổi theo dòng thăng trầm của lịch sử. Tiếng hát của Trường Vũ, Mạnh Quỳnh, Như Quỳnh… đã đi tận hang cùng ngõ hẻm của các khu phố lao động tại Viêt Nam ngày nay. Các ca sĩ chuyên trị giòng nhạc đại chúng bình dân cũng được xếp vào hàng thượng thặng và cũng được gọi là ca sĩ hàng đầu. Mỗi loại nhạc đều có sức thu hút riêng và lẽ đương nhiên giới thưởng ngoạn âm nhạc cũng có cái thú riêng cho từng loại nhạc. Ngày nay, nhạc đại chúng (hay nhạc sến) đã được thanh thiếu niên trong cũng như ngoài nước đón nhận nồng nhiệt, không những thế họ công khai thưởng thức một cách thoải mái mà không sợ một sự dè bĩu chê bai nào .

Giòng nhạc đại chúng quả có sức chinh phục phi thường sau bao năm thăng trầm của đất nước và xã hội . Nếu không, giòng nhạc bình dân đại chúng đã tắt lịm từ lâu .Không những thế, điều quan trọng là một số các nhạc sĩ trẻ trong và ngoài nước đã tiếp tục sự nghiệp sáng tác trong hãnh diện. Thật vậy, bản thân của nghệ thuật phát sinh từ tâm tư của con người, mà đã là tâm tư của con người thì lẽ đương nhiên sẽ có kẻ thích người chê . Khen và chê, từ ngàn xưa vẫn là vấn đề của khán thính giả, vấn đề của người thưởng ngoạn, nhưng giờ đây đã đến lúc chúng ta nên có một cái nhìn khoa học,

một quan niệm chân chính, môt thái độ công minh cho giòng nhạc mang rất nhiều âm điệu và tình tự của quê hương . Giòng nhạc nói lên bản chất và tiếng lòng của một dân tộc, giòng nhạc mang sắc thái bình dân hiền hoà, phát sinh từ khối óc con tim của người da va ng sinh sống trên giải đất nhỏ nhoi của bán đảo đông Dương; có tên gọi Việt Nam.

Montreal, tháng 6, 2006

Hoàng Mai Phi(Source: Internet forum)




Thứ Hai, 20 tháng 7, 2009

Trích HỒI KÝ "những ngày tháng cũ ..." Phần II


 

              PHẦN HAI

 

        NGƯỜI CHỊ

        Tặng : Nhân, Trí, Trực và Thức

                         Cậu Sáu

      Tình bạn gắn bó giữa Keo và Tánh nhiều lúc làm tôi thoáng ngạc nhiên : Một người là người Kinh; một người là người Khơ me , song họ chơi rất thân với nhau như những người bạn chí cốt khác . Tình bạn của họ cả xóm làng đều trân trọng và ngợi khen , bởi họ gắn bó, cặp kè với nhau nhiều năm liền ở tuổi thanh niên . Về sau, họ cùng tình nguyện đầu quân và cụôc chiến tranh nghiệt ngã đã chia lìa họ: Anh Keo đã hy sinh xương máu của mình cho đất nước Việt Nam , nơi anh đã sinh ra và lớn lên , dù anh không phải là người Việt .

   Còn Tánh bây giờ không biết đã phiêu bạt nơi nào, tôi không rõ. Không có Keo , chắc khó có ai nhắc cho anh nhớ lại những kỷ niệm cũ thời thanh niên đẹp đẻ của mình …

                                 
   Hồi đó, trong chiến tranh, cả làng tôi nói chung những nhà nghèo đều mặc quần áo bằng bố tời - thứ để may bao đựng lúa - Thậm chí có nhà 3, 4 người lớn nhưng chỉ có một hai bộ đồ bằng bố . Hai người đi ra khỏi nhà có mặc đồ thì hai người ở nhà phải quấn bằng lá chầm .

   Có năm, Ba tôi đem về được mấy thước vải Xiêm  -  Tôi cũng không biết tại sao người ta gọi đó là vải Xiêm ? Ngoài ra còn các loại vải như vải Chăn đầm, vải Mỹ A, vải Hột dềnh …Bây giờ không còn thấy nữa .

   Thời đó loại vải Xiêm nầy khá phổ biến nhưng cũng cực kỳ quý hiếm. Có thể nói , cả làng không ai có một bộ vải Xiêm ! 

   Mẹ tôi cắt cho Chị một cái áo bà ba cổ trái tim bằng những thước vải Xiêm quý hiếm ấy .

   Mọi khi nhà tôi vẫn may tay áo quần để mặc . Đột khít mũi thật công phu , xem cũng từa tựa như may máy , dĩ nhiên là không đẹp bằng . Song lần đó , vì có vải quý và có lẽ ở tuổi của Chị , Chị cũng muốn "diện" một chút , nên "lượt" xong cái áo , Chị và đứa em thứ Bảy băng qua một cánh đồng nước đến 4, 5 cây số để ra nhà người anh họ định mượn máy  may cho đẹp … 

   Bà chị dâu họ trợn tròn mắt lên, hỏi mát :

   - Sao ? Bây giờ không bận được đồ may tay , hả ?

   Sau đó Bà chị phán một câu :

- Máy gãy kim rồi ! không may được !

   Khiến hai chị em tiu nghĩu ra về . Chị kể chuyện ấy lại cho mẹ tôi nghe , tôi thấy mẹ buồn hiu , song mẹ vẫn an ủi : "Thôi mình nghèo … may tay bận đỡ đi con …!

   Nhiều năm sau , khi đã hồi cư về xóm Ba Dinh, một lần mẹ tôi đi Sài Gòn được anh Phán tôi cho một số tiền , Bà đã không ngần ngại tậu về một chiếc máy may ! Bọn tôi thắc mắc : Thiếu gì thứ cần mua , sao mẹ lại mua máy may là thứ ít dùng ?

   Mãi đến bây giờ tôi mới hiểu .

  Sự bức xúc của những ngày xưa ấy đã đeo đẳng mẹ tôi trong suốt nhiều năm trong nghèo túng . Lòng tự ái, nỗi thương con đã thôi thúc Bà phải mua cho bằng được cái máy may !

   Bây giờ Người đã mất rồi . Cái máy may cũ để ở nhà anh Tư tôi và chưa khi nào tôi thấy chị dâu tôi dở máy ra may .

   Chuyện may vá tại nhà bây giờ là rất hiếm . Song mỗi lần nhìn thấy lại cái máy may cũ ấy tôi lại liên tưởng đến chuyện ngày xưa, và hình bóng mẹ tôi vẫn mãi còn vấn vít …

   Các con của Chị sau nầy ở Thành Phố, văn minh, vật chất có thừa, chúng không thế nào hiểu nổi những điều đó . Chúng thấy người mẹ vá , nhíp những cái quần đùi cũ của chúng mà phì cười ! Chúng không bao giờ tưởng tượng được rằng đã có thời , một người con gái 18 , đôi mươi , chong đèn suốt canh thâu ngồi đột từng mũi kim để may một cái áo mới !

   Đột tay hàng vạn mũi kim cho cái áo ấy Chị đã ngồi bao nhiêu đêm dài dưới ánh  đèn dầu leo lét đầy khói và muội than ?

Tôi không biết !

    Ngoài việc Chị là người mẹ thứ hai , Chi còn là người Thầy của chúng tôi.

  Lúc ấy trong vùng giải phóng không có trường học . Một số trường hiếm hoi như Trại Nhi Đồng , trường Huỳnh Phan Hộ, Nguyễn Văn Tố, Thái văn Lung … là những trường cho cả Miền Nam , nó rất xa vời đối với chúng tôi , bởi vì không phải ai muốn cũng đều có thể đi học được . Chỉ có anh Hai tôi , những năm tản cư ở Cấn Thơ anh đã may mắn học được hết bậc tiểu học , khi tản cư về đây , Ba tôi phải chạy xin nhiều nơi anh mới vào được trường trung học Huỳng Phan Hộ . Song học mới nửa khóa thì các anh lại bãi khóa để tình nguyện ra tham gia đi kháng chiến .

   Lúc ở Cần Thơ , Chị học lớp Ba lớp Nhì gì đó , tôi cũng có cắp sách theo Chị đến trường để học lớp Năm (lớp Một bây giờ), song tôi học nhì nhằn chẳng được bao lâu thì Ba tôi quyết định hồi cư.  Do đó khi về đến xóm Nhà Cũ thì Chị đã có một chút vốn chữ, và Chị bắt đầu dạy học cho chúng tôi . Cái sự "bắt đầu" ấy  thật là một kỳ tích . Tôi cũng không rõ tại sao Chị lại có ý nghĩ dạy học cho chúng tôi ? Biết bao nhiêu người có nhiều chữ nghĩa , xung quanh họ có nhiều người thân dốt nát mà họ có dạy học cho những người ấy đâu ? Chị phải là một nhà xã hội học vĩ đại , một nhà sư phạm bẩm sinh nên mới có được ý tưởng muốn dạy học cho những đứa em mù chữ .

   Trong vùng giải phóng lúc ấy không có giấy , viết , mực , sách giáo khoa … cũng không có ai khuyến khích Chị trong việc khởi xướng dạy chữ cho chúng tôi .

   Bởi vậy tôi gọi việc Chị nghĩ ra chuyện dạy học cho chúng tôi là "kỳ tích" thật cũng không quá đáng .

   Tôi không nhớ Chị tìm đâu ra được quyển vần Quốc Ngữ- có lẽ Ba tôi đem về - là cuốn sách giáo khoa đầu tiên mà tôi thấy được trong vùng giải phóng . Quyển vần gồm 32 bài , bắt đầu bài 1 là : i , t , ti , it …; Bài 2 : u, ư, n, nu, nư, tu, tư…Học hết 32 bài trong cuốn vần thì tôi đã bắt đầu đọc được chữ quốc ngữ …

   Hai đứa em tôi vì còn nhỏ và ít ham học nên học chậm hơn , và chúng thật sự cũng lười học . Để dọa chúng , mỗi lần có khách lạ vào xóm , Chị trêu : Người ta đi bắt dốt đó !

… và hai đứa bé đã chạy trốn vào trong kẹt bồ lúa !

   Hồi đó có tin đồn là chánh quyền có chủ trương thanh toán nạn mù chữ , hễ kiểm tra ai không đọc viết được thì bắt tập trung lên xã học . Do đó hai đứa sợ "bị bắt dốt" và chúng cũng ráng học .

   Nói rằng chúng học chậm và lười , song Chị gia công kềm cặp lâu dần rồi chúng cũng biết chữ . Đó là nền tảng căn bản để tôi sau nầy có dịp học các lớp cao hơn ; và hai em tôi đã biết chữ , sau nầy cũng nhờ đó mà chúng tự học thêm để có một số vốn chữ đáp ứng được những nhu cầu thực tế của cuộc sống hằng ngày .

   Có lần ở Xã tổ chức một cuộc thi để chọn lấy một số học sinh khá giỏi lên học trường Huyện , Chị đã đi hằng chục cây số để thi với ước ao mỏng manh là được đi học . Song ước nguyện đó chẳng bao giờ thành hiện thực, và nỗi khát khao được đi học cũng vì thế mà càng lớn lên theo năm tháng , cuối cùng trở thành xa vời , như một giấc mộng ! 

    Ba tôi thấy thương con nên an ủi :"Sau nầy độc lập rồi sẽ còn nhiều cơ hội để đi học …"

   … nhưng cơ hội đó chẳng bao giờ đến với Chị tôi…

   Sau nầy tôi mới biết vì sao mấy đứa con Chị lười hay bỏ học Chị đều rất phiền  muộn, trăn trở … Chúng có nhiều điều kiện để đi học hơn mẹ chúng ngày xưa rất nhiều, song sự học của chúng đã không đáp ứng được lòng mong mõi của Chị .                                      
   Với cái vốn học như vậy, nhưng Chị đã làm Thầy đến hai thế hệ :

Anh em tôi và mấy đứa con của Chị . 

   Rất tiếc là hồi ấy Chị chỉ có trong tay quyển vần quốc ngữ, cuốn "toán đố kiểu", vài bài luận văn mẫu của anh Phán - một người anh họ đem xuống từ Cần Thơ - để làm "sách giáo khoa" dạy cho bọn tôi . Hai đứa em gái tôi cũng tiếp thu được chừng ấy chữ nghĩa .

   Sau nầy có nhiều sách để học thì đã hết tuổi đến trường rồi ! Chúng bị cuốn theo dòng đời khi tuổi vừa mới lớn và phải cùng với gia đình bương chảy vì chén cơm, manh áo hàng ngày .

   Lúc đó nhà tôi đã dời lên Cần Thơ, cả nhà phải lao vào cuộc sống quay cuồng của đô thị ; chỉ có tôi là may mắn được đi học . Nhiều đêm tôi thức học bài khuya nghe tiếng máy may đạp chân chạy đều đều liên tục : Mấy chị em may "đồ dối" - ngôn ngữ gọi đó là hàng chợ - May cật lực mà kiếm chẳng được bao nhiêu tiền vì mỗi cái quần đùi chỉ được trả công có 5 cắc ! Phải may 10 cái quần đùi mới mua được một ổ bánh mì….

   Người Thầy học ngày xưa ấy , bây giờ dù cho có nhiều sách giáo khoa , dù các em có khát khao học, song cả "Thầy" lẫn "Trò" đều phải thay phiên nhau ngồi 8 tiếng đồng hồ trên cái máy may để may đồ dối thì không còn sức đâu mà dạy và học nữa …

   Nhớ ngày xưa, Chị không mượn được máy để may áo , phải ngồi đột tay suốt canh thâu, thì nay cũng suốt canh thâu Chị và hai em tôi "đột" máy để kiếm tiền ! Lúc bấy giờ người anh rễ tôi đi làm ăn xa để Chị và hai đứa con tá túc nhà Ngoại chúng, với cảnh gạo chợ, nước sông , Chị phải "cày" cật lực mới mong phụ với mẹ tôi một chút tiền chợ vốn đã rất khiêm tốn, dè sẻn  . 

O nha Bà

 

   Hai đứa em tôi không còn sợ bị bắt dốt nữa , và giờ đây chúng cũng có đủ chữ để viết thư, đọc sách báo, sử dụng được bốn phép tính để quản lý gia đình . Đó là những cố gắng thật phi thường của Chị và của chúng . Lẽ ra những nỗ lực ấy còn có kết quả cao hơn nữa khi nhà tôi  dời về thành phố ở, song khi ấy thì đã quá muộn để mà đi học hay tự học! 
   Khi các con Chị bắt đầu học các lớp bậc Tiểu học , Chị một lần nữa làm gia sư kèm cặp cho con , cũng với vốn liếng những bài toán đố kiểu , luận văn mẫu của anh Phán ngày xưa … và chắc chị cũng phải mò mẩm đọc thêm các sách giáo khoa để biết mà dạy cho tụi nhỏ theo chương trình chúng đang học ở trường . Người "gia sư" ấy phải đích thân ra bài, khảo bài, chuẩn bị sách vở , đích thân đi chọn truyện để mướn cho con đọc …

   Sau nầy khi tôi ra đời đi dạy học , mỗi lần điểm danh thấy một đứa trốn học hay lên trả bài không thuộc , tôi vẫn không bao giờ quên được những đôi mắt khát khao sự học và hình ảnh những đứa em tôi nằm dài trên bộ ván nắn nót viết chữ i  chữ tờ  ! Có bao nhiêu chữ trong cuốn "sách giáo khoa" ngày đó chúng đều thuộc hết cả rồi , và người "Thầy" cũng không được học thêm gì để dạy cho chúng nữa !...

   Khi chúng tôi hồi cư về xóm Ba Dinh , mấy đứa em tôi phải tham gia làm công việc đồng áng , còn tôi phải chăn giữ 4 con trâu . Nghêu ngao trên lưng trâu với cuốn sách giáo khoa cũ , nhưng tôi cũng ráng tìm học .

             Trâu ơi ta bảo trâu này,
             Trâu ra ngoài ruộng trâu cài với ta !
             … Và …  Ai bảo chăn trâu  là khổ ?
             Chăn trâu "sướng" lắm chứ ?       
                                                             
    Ban ngày trâu ăn mạ: bị la; trâu lên gò dậm phá vườn tược , mồ mã : bị chưỡi ! Ban đêm muỗi mòng , đĩa vắt , mưa dầm đứng giữa đồng nước chỉ với chiếc áo tơi …

                        

Trau2

 

   Khi mấy đứa tôi đã đọc , viết thông thạo , Chị dạy cho chúng tôi bài thơ , đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ vì nó gần đúng với hoàn cảnh của chúng tôi - Bài thơ nầy tôi không biết tác giả .

  Em mười hai tuổi Tết mười ba,

  Trần trụi quanh năm gió lộng nhà,
   Sáng sáng buồn hiu ra cửa ngắm,

   Những trò đi học bóng xa xa …

                           *
   Năm ngoái năm kia em cũng học ,
   Nắn từng cục đất viết i , tờ ,
   Chiến tranh đã phá trường em học,
   Mới ráp vần xuôi chịu tới giờ …
                            *
   Hôm nào lượm được vần ai bỏ ,
   Rách nát còn đâu có ít trang,
   Mót chút cơm thừa em dán lại,
   Lem hem tuồng chữ quý hơn vàng …
                             *
   Rồi khi thong thả trâu ăn cỏ,
   nằm ngữa lưng trâu mở quyển vần,
  Quên cả đời nghèo quên đói lạnh,
   Chữ còn , chữ mất đọc vang rân …
                    
  Chị tôi khi ấy đã lấy chồng xa và có ba đứa con , nhà nghèo, không có ruộng vườn lại sống ở vùng rừng xa tít Mũi Cà Mau, anh rễ tôi và Chị vật vờ như thân cò nước đục, kiếm ăn từng bữa giữa vùng nước mặn , rừng lá hoang vu đầy muỗi, mòng, đĩa, vắt …

   Khi ấy mỗi đứa chúng tôi đều có gánh nặng trên vai và do xa xôi cách trở nên Chị không còn bảo ban gì cho chúng tôi được nữa …    Nhiệm vụ lịch sử của người "Thầy" đến đây là hết , song các "Trò" đã dùng cái vốn chữ quý giá học được trong thời kỳ ấy cho đến hôm nay …
                                                 *

   Bây giờ chị đã có tuổi , mái tóc đã điểm sương . Các cháu tôi đều đã trưởng thành và đã lập gia đình . Chị đã có mấy đứa cháu nội , chúng đi học ở những ngôi trường khang trang , có đầy đủ sách vở, thầy cô …    Bốn đứa con của chị học hành cũng không thành đạt lắm, chúng không có nhu cầu khát chữ như các Dì và Cậu của chúng thời trước , và mẹ chúng - người Thầy đầu tiên - cũng chỉ kềm cặp chúng hết bậc tiểu học là hết chữ . Sau nầy, tùy theo khí chất của từng đứa và thời cuộc khi ra khỏi vòng tay của mẹ , sự thành đạt của chúng vẫn chưa đáp ứng  được lòng nguyện ước của Chị .

 Nhan Tri


Con thừ hai và thứ tư


   Có lẽ lúc nào chị cũng mong muốn tắm và kỳ hồm cho chúng như Chị đã từng tắm cho tôi ngày thơ dại . Sự lo nghĩ của Chị đôi khi làm tụi nhỏ bực mình , chúng đâu hiểu được rằng đó không phải là sự sạch, dơ , thiếu , đủ … mà đó là tấm lòng của người Mẹ.

  Anh rễ tôi là một người lỡ vận ở Sài Gòn, anh làm đủ thứ nghề để kiếm sống cho gia đình , song nhà vẫn thiếu trước, hụt sau . khi Cách Mạng thành công , anh tham gia công tác ở địa phương cũng có một chút danh vị , song do bản chất người trong sạch nên đến khi về hưu , nhà vẫn nghèo . Cuộc sống muôn vàng khó khăn cũng chỉ một mình Chị tôi lo liệu, gánh vát .

   Giờ đây Chị tuy tuổi đã cao, song thân cò vẫn phải lặn lội trong cánh đồng nước đục , bương chãy để tìm sự sống , tiếp tục lo cho những đứa con chưa tự nuôi sống được mình…

   Hằng ngày Chị quanh quẩn trong một quầy hàng tạp hóa nhỏ , thấp, chật chội và nóng như thiêu như đốt . Buổi chiều khi theo Chị về nhà tôi thấy Chị lại quần quật với nồi cơn , ơ cá .    Sự cực nhọc của chị thời con gái còn có những mãnh trời cao, rộng ; còn sự vất vã giờ đây là cảnh nhà tù .Má tôi mất đã lâu , không bao giờ còn thấy những cảnh như vậy để mà than tiếc cho Chị nữa …

   Có lần Chị nói đêm thấy một con bướm lớn bay vào nhà lượn lờ đậu trên tấm hình của mẹ tôi . Chị đốt nhang , van vái Người … và tôi nghĩ phải chăng mẹ về để nhìn lại những gì ngày trước mẹ thường bận tâm, than thở vì thấy Chị chưa bao giờ được rảnh rỗi thong dong ?… những sự vất vã , nhọc nhằn của Chị không thể làm cho mẹ yên lòng khi nhắm mắt… tuồng như lòng mẹ bao giờ cũng mãi còn vấn vít …

 

Me va Buom

                           "Sống là thể phách thác còn tinh anh" ?

                                                                       ND.

 Ba tôi , trong những lúc trà dư tửu hậu thường than thở với chúng tôi :"Thật tội nghiệp Chị của tụi con ! Thời con gái thì quá vất vã và không có một ngày rãnh rang ; khi lấy chồng rồi thì cuộc sống gia đình vẫn chìm nổi long đong … Bây giờ đám con của nó tuy đã lớn nhưng Ba thấy nó cũng chưa có lúc thảnh thơi …"

   Có thể nói , cuộc đời làm con, làm chị, làm vợ và làm mẹ của Chị là những chuỗi ngày dài gian nan , đắng cay, vất vả, vui ít, buồn nhiều…

    Ngày xưa , khi nghe mẹ tôi hát ru :

   Ru con nước mắt hai hàng…
   Con càng khôn lớn mẹ càng lo thêm …

   tôi không hiểu được vì sao người mẹ nuôi con được khôn lớn thì phải càng lo lo thêm ?

   Giờ đây tôi mới hiểu .

   Thế hệ của chúng tôi đã qua hơn nửa chặn đường . Các anh chị và các em tôi tản lạc khắp bốn phương trời , lâu lâu mới có dịp sum vầy , đoàn tụ để gợi nhớ lại những gì êm ấm của những ngày xưa cũ …

   Các em ! Hãy nhớ về ngưới "Thầy" năm xưa nhé ! Nếu có ai đến bắt dốt như ngày xưa thì các em không phải chạy trốn nữa ! vì chúng ta đã được người ấy dạy cho biết chữ rồi!

   Các Cháu ! Cậu mong rằng tụi con lúc nào  cũng  hướng về người mẹ có trái tim vĩ  đại  mà Cậu đã biết và  nhớ  mãi khi Cậu còn là một đứa trẻ thơ …
 
                                                           Hòa Hưng , 1988           

                                                    Biên tập lại tháng 7/2009

                        


 

 


 

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Trích HỒI KÝ " Những ngày tháng cũ ..."

  
                                         
                                   NGƯỜI CHỊ


  Kính tặng chị VƯƠNG NGUYỆT THU


 




   PHẦN MỘT
 

    Hồi đó, khi nhà tôi đã suy sụp sau nhiều lần chạy giặc, tản cư rài đây mai đó . Mẹ tôi thì hầu như lúc nào cũng có em bé để bận rộn … Chị tôi đã đóng vai một bà Mẹ thứ hai đối với mấy anh em tôi . Riêng tôi, Chị như một người Vú : lo vá từ cái áo , giặt từng bộ đồ , rồi lo bữa ăn, tắm rửa …

   Hôm nào dẫn bọn tôi ra bờ ao để tắm rửa (tôi cũng không biết tại sao bọn tôi đã lớn cả mà lúc nào cũng đứng tồng ngồng cứ để cho Chị xối nước và kỳ hồm [ghét] ! ), đến phiên kỳ cọ cho tôi Chị đều ụa !

   - Tại sao mỗi lần kỳ cho em chị lại ụa ? - Tôi hỏi

   - Tại vì chú mầy tanh mùi chàng hiu quá !

     Chàng hiu là một loại nhái màu trắng trên lưng có sọc xanh , dùng làm mồi câu cá rất nhạy , vì chúng rất tanh !      

   Lúc chiến tranh ác liệt, gia đình tôi tản cư  xuống tận xóm Bàu Sen , mảnh đất cuối vùng Mũi Cà Mau mà ông nội tôi khai khẩn thời kỳ chưa có giặc .

   Vùng Bàu Sen rất xa sông cái và đồn bót giặc nên rất an ninh , song vì ta có chủ trương cấm thành  nên trong các vùng hậu phương hoàn toàn không có những thứ bắt buộc phải mua ngoài vùng địch tạm chiếm như vải, dầu lửa, xà bông , đá lửa , thuốc men …   

   Vì không có xà bông nên chúng tôi rất bẩn , nhất là tôi , vì tối ngày tôi đi bắt nhái bắt dế , cào cào để câu cá . Những mùi tanh bám trong người ,  trong quần áo , ở hai tay … lâu ngày thành thâm căn cố đế … Do đó , mỗi lần tắm và kỳ cọ cho tôi Chị đều ụa khan … Đến mãi sau nầy tôi mới biết người ta chỉ ụa khan khi tiếp xúc với một cái mùi thật khó chịu.

   Hồi ấy tôi là một đứa trẻ lên 6, 7 tuổi , tuy không đau yếu bệnh hoạn gì , nhưng không biết tại sao tôi cứ bị sổ mũi kinh niên ! Mỗi lần nước mũi chảy , do hai tay dính cá hay nhái nên tôi cứ đưa ống tay áo lên quẹt ! Lâu dần , hai bên tay áo đóng một lớp nhớt mũi dày … trông gớm chết !

   Không rõ mỗi lần giặt áo cho tôi Chị có ụa hay không ?

   Tôi không biết !

                                                                    *

   Trong vùng giải phóng thời đó không nơi nào có máy xay lúa . Dân phải xay lúa ăn bằng cối xay tự đóng và giả gạo bằng cối cây mù u với cây chài vồ nặng chừng 6, 7 ký có cán dài non một thước . Mấy anh em tôi đều còn nhỏ , anh Tư khoản lên 12, 13 tuổi , còn lại chúng tôi đều là một lũ nhóc , do đó việc xay giả một mình Chị tôi đảm đương .

   Những đêm khuya mơ màng trong giấc điệp , tiếng xay lúa ồ ồ đơn điệu hay tiếng chài giả gạo lẻ loi trong cái tĩnh mịch của đêm dài, tôi làm sao hiểu hết nỗi nhọc mệt , sự cô đơn của một người con gái chưa đến 18 tuổi nhưng phải lao động vất vả một mình , đáng lẽ đó là chuyện của đàn ông .

   Sau nầy , khi dòng đời có lắm điều thay đổi : Chị đã có chồng : một người đàn ông khỏe mạnh ; và Chị có đến bốn đứa con trai , song nhiều khi Chị phải làm những công việc nặng nhọc của người đàn ông . Nói khác đi, đàn ông ở nhà Chị không được "ga lăng" cho lắm !

   Chính vì công việc giả gạo là một việc khá nặng nhọc như  vậy nên ít khi Chị giả gạo được trắng . Muốn gạo giả thật trắng phải giả ít nhất là 1000 chài thật mạnh . Sức Chị thì chỉ giả được 5, 6 trăm chài nhẹ mà thôi …

   Ngày đó , chúng tôi rất vô tư , không bao giờ chúng tôi biết rằng dù có lúa trong bồ , song để có một nồi cơm trắng , dẽo còn phải đổ thêm nhiều mồ hôi nữa …

   Tôi còn nhớ , một hôm mẹ tôi thấy Chị quá vất vả vì hạt gạo cho cả nhà ăn  - tôi không rõ tại sao nhà chỉ có 6 người ăn , đa số là trẻ con mà mỗi tháng phải xay giả đến 20 giạ lúa ! Có lẽ lúa không tốt , cối xay sống , có nhiều tấm… nên gạo giả không còn bao nhiêu  - Mẹ tôi bảo :

   - Tụi bây chỉ biết ăn , không phụ giúp được gì với nó cả…

   Tôi đến cầm chài giả thử vào cối gạo . Ôi chao ! cây chài sao mà nặng thế ! Sức tôi yếu , không điều khiển được cây chài nặng rơi đúng vị trí của cối làm gạo văng tung tóe khiến Chị phì cười và vội đi thu dọn gạo đổ . Từ đó Chị không bao giờ cho tôi giả nữa …

    Mãi đến mấy năm sau khi đứa em thứ Bảy của tôi đã lên 10 hay 11 tuổi gì đó nó mới bắt đầu phụ với Chị tôi giả gạo ! Nhưng một con bé nhóc chưa hơn 11 tuổi thì phỏng có giúp được gì nhiều cho việc giả gạo của Chị tôi ? Tuy nhiên nó cũng cặp với Chị trong những lúc vất vả , cực nhọc khiến cho chị cũng cảm thấy được an ủi rất nhiều …

   … Và sự đỡ đần của con bé cũng là tín hiệu đưa một đứa bé gái vào tuổi lao động quá sớm … trong khi nó còn mãi miết ham chơi đến đổi bị bắt đưa em quá lâu nó bèn nghĩ ra cách lấy một ít nước chế vào quần em cho ướt và nói rằng em đái , rồi bồng em dậy để đi chơi ! 

   Những lúc quây quần tụ họp chúng tôi chưa có dịp nhắc chuyện cũ rằng chế Bảy của em Chín vì ham chơi sò đũa đã đánh thức em dậy bằng một phương pháp thật cổ điển mà hiện đại, vì không ai phát hiện được "mánh" ấy !

   … Giờ đây hai chị em đầu đã có những sợi tóc bạc , chị mới có cơ hội giúp lại em coi nhà để em đi làm ăn xa… Ồ ! cái vòng tuần hoàn ấy ngoảnh đi ngoảnh lại mà đã gần nửa thế kỷ rồi ! Chị và Bích giờ đây chẳng bao giờ còn có dịp giả chung cối gạo với nhau nữa ! Chuyện ngày xưa ấy quá xa xôi và rất cực nhọc nhưng cũng quá êm đềm, phải không?   

                                                      *

    Những buổi trưa hè oi ả , xóm làng chìm đắm trong bầu không khí yên tĩnh của một vùng quê , tiếng chày giả gạo vẫn đều đều , hòa lẫn với tiếng ru hời :

   Ầu ơ …

   Một mai thiếp có xa chàng ,
   Đôi bông thiếp trả , đôi vàng thiếp xin …

   Tôi nằm trên bộ váng gỏ giữa nhà trăn trở hoài nhưng không ngủ được , tiếng ru của mẹ tôi trầm bổng kéo dài , có khi như muốn ngưng vì chắc mẹ cũng đã thiu thiu vào giấc ngủ … tiếng chày giả gạo của chị tôi hay của Bích cũng uể oải … thình thịch … thình thịch… như không dứt khoát mà lại kéo dài…

   Ầu ơ …

   Trồng trầu thì phải khai mương ,
   (chớ) Làm trai hai vợ …(ờ) … phải thương cho đều…

   Xa xa… một tiếng gà nhà ai gáy buổi trưa , tiếng gáy cũng kéo dài …

… và rồi tôi cũng đi vào giấc ngủ cô miên … 

                                                       *

    Nhiều năm tháng đã trôi qua trong quảng đời lắm vất vả gian nan , vui ít , buồn nhiều của Chị , tôi không nghĩ rằng Chị đã quên những giây phút lao khổ nhọc nhằn của thời con gái , vì những dấu ấn ấy thật khó mà quên ! Bởi tuy nó nhiều xót xa cay đắng , song vẫn đầy thi vị đầm ấm thân thương của những ngày tháng cũ. Chắc Chị cũng không thể nào quên sự gợi nhớ của những chiếc lá gòn khô rơi lộp độp trước sân nhà trong tiết xuân sang; những bông ô môi  đỏ ối; bông còng xanh tím rơi lã tã trong những ngày tháng Tết …

   Ôi ! Bây giờ có đi một tháng ngày đường cũng không làm sao thấy được những cái bông ấy . Ở đây chỉ có nhà , đất và đá mà thôi ! Chẳng biết còn bao lâu nữa thì ta không còn thấy cây xanh !

Cau chau

                                                       Cậu và cháu ...

      Hồi đó có những đêm sau khi công việc đã xong , thường là 7, 8 giờ đêm , Chi vẫn chưa đi ngủ .

   Ở vùng giải phóng lúc đó vì không có dầu lửa, phải thắp đèn bằng dầu trong thứ để trét ghe hay bằng dầu cá … nên nhà nào cũng đi ngủ thật sớm . Ít thấy có ánh đèn lửa trong đêm .

   Chị thường thơ thẩn một mình với cây đàn banjo và đàn đi đàn lại những bản nhạc quen thuộc … 

   Trong vùng sâu hồi ấy làm gì có đờn ?  Song không biết ai đó đem chào bán cây đờn banjo ấy với giá 10 giạ lúa và tụi tôi phải xin mãi mẹ mới cho mua …

… Và Chị với cây đờn ấy đêm đêm vẫn đàn mãi mấy khúc ca…

…"Trãi qua mấy mùa thu kháng chiến…
    Chúng ta là người ở bốn phương
    Cùng thoát ly gia đình ra đi
    Cùng gặp nhau trong đại gia đình
    Vệ quốc quân, vệ quốc quân…"

   Tôi tuy buồn ngủ díp cả mắt nhưng cũng ráng thức theo Chị . Có lúc tôi hỏi :

   - Khuya rồi sao chị chưa đi ngủ ?

   Chị chỉ ừ à chứ không trả lời .

   Mãi về sau Chị mới nói : Thời gian rãnh rỗi không có là bao , đi ngủ sớm cũng thấy tiếc …

   Lúc ấy không có ai là ngươi đồng điệu với Chị . 
  
                                                  *
   Bây giờ chúng tôi đứa nào đầu cũng có những sợi tóc bạc hoa râm . Ở Thành phố ,  ánh đèn điện che khuất ánh trăng; những mái nhà san sát che phủ cả những khoản trời cao rộng; khói  bụi lúc nào cũng bao phủ con người … và Chị , những buổi trưa hè oi ả dưới cái nóng thiêu người của một gian hàng xén nhỏ mái tôn thấp lè tè và chật chội , chị có nhớ về những buổi trưa hè giã gạo ở xóm Nhà Cũ năm xưa? 

                                                 *
   Giờ đây tuy không phải là những công việc nặng nhọc như xay lúa , giã gạo , bữa củi , gánh nước … như xưa, song , chuyện mất còn, đói no, thiếu đủ … còn nặng gánh trên đôi vai của Chị hơn một công cấy , một gánh nước , một cối gạo rất nhiều …

   Hồi đó, khi nhà tôi dọn về xóm Láng Dài , việc thu lúa tô không còn nữa , chúng tôi phải ra làm ruộng ! Chúng tội phải đi cấy vần công với bà con nông dân trong xóm .

   Tôi còn nhớ, một hôm tôi và Chị tôi qua sông cấy vần công cho ông Hai Tỵ .

   Địa hình đất của ông Tỵ thì chúng tôi làm sao mà biết được cho nên các chị , các bà đi cấy trong đám đó đã chạy ra trước bắt những công đất trên gò hết rồi ; còn lại hai chị em tôi bắt nhầm công ở sát bờ lung , nước sâu ngập đến quá gối ! Hôm ấy lại có trời giông mưa lớn và kéo dài … mạ thả cứ trôi dạt xuống phía dưới … Tôi lạnh quá cứ trầm mình dưới nước không cấy giúp Chị  được gì , một mình Chị tha thẩn giữa cánh đồng sâu trong khi bạn cấy đã về hết. Hôm đó mãi đến khi trời về chiều , hai chị em mới thất thiểu ra về trong đói lạnh .

   Một công cấy nọc , nếu là nông dân chính hiệu làm giỏi thì người ta chỉ cấy 6 giờ sáng đến 10 hoặc 11 giờ là xong . Tôi , mẹ và Chị tôi cấy 2 công thường là phải đến xế chiều ! 

   Chuyện đi cấy lúa của Chị tôi là thế đấy . Đã nhiều năm tháng trôi qua , những chuyện cũ vui, buồn hầu như đã đi vào dĩ vãng , song những ngày tập đi cấy gian nan của Chị thì tôi không thể nào quên …

                                                  *

   Có những đêm trăng vào tháng mùa hạn , ở sân nhà bác Bảy Lính , một số trai làng tụ tập lại giả gạo chày đôi . Những tiếng Bịch ! Cum ! Bịch ! Cum vang động cả khúc xóm : tiếng Bịch trầm là do chày giả xuống cối gạo ; tiếng Cum là tiếng thanh do chày được nhịp xuống tai cối . Cối giã gạo của Bác Bảy Lính là cối làm bằng cây mù u nên âm gõ rất trong và vang xa … Nhiều người giả giỏi như anh Kiệt , Tám Hô, Keo , Tánh , On… đã biến buổi giã gạo thành như buổi tấu nhạc : điệu bộ nhịp nhàng của các anh kèm với tiếng trầm bổng , nhặt khoan lúc nào cũng cuốn hút người nhìn và nghe một cách say mê … Riêng tôi , tôi rất mê xem và nghe giã gạo chài đôi , hễ nghe tiếng cụp , cum  thì thế nào tôi cũng đến xem …

                                                  *

   Ít khi nào chị tôi bày ra giả gạo đêm , nhưng tôi còn nhớ , vào  những ngày giáp Tết , và  đó là một đêm sáng trăng , sân nhà tôi phẳng và khô ,  lá gòn rụng đầy cả mặt sân ; đàn dơi quạ bay lượn quanh những cây gòn ăn trái non , chúng đánh nhau chí chóe . Mẹ tôi gợi ý đem cối ra sân giả gạo nếp chuẩn bị cho 3 ngày Tết .

   Trăng đã lên đến đọt cây còng bên sân nhà anh Năm Khuyên . Chúng tôi trãi chiếu quây quần chung quanh cối gạo . Chị và Bích giả được một chút thì anh Keo và anh Tánh tới .

   Anh Tánh là con Bác Sáu Còng ở cuối xóm . Anh là một thanh niên  rất hoạt bát và vui tính , anh có cái miệng móm và nói chuyện rất có duyên ; anh Keo là người dân tộc Khơ me , miệng anh còn … móm hơn cả miệng của Tánh … Không hiểu sao hai người , một kinh một Khơ Me lại chơi rất thân với nhau . Đặc biệt là hai anh biết rất nhiều chuyện dân gian và chuyện ma . Thỉnh thoảng hai anh ghé nhà tôi chơi vào buổi tối và lúc nào cũng có "chuyện đời xưa" để kể cho bọn tôi nghe .

   Để chiêu đãi hai anh , chúng tôi thường kiếm một miếng giấy nhựt trình cũ  - thời đó sách báo hầu như không có , chỉ ở nhà tôi , thỉnh thoảng Ba tôi đi công tác ghé qua nhà mang cho chúng tôi một cuốn"Lịch cứu Quốc"hay một tập truyện, do báo Cứu Quốc xuất bản . Tôi còn nhớ đó là Truyện Xóm Liễu Bảo , Truyện Tây Đầu Đỏ của Phạm Anh Tài , tức nhà văn Sơn Nam , truyện Một bó rơm …

…và miếng giấy nhựt trình cũ quấn thuốc rê của má tôi để ăn trầu là một món quà quý hiếm đối với các anh …

   Chuyện cuối cùng của các anh thường là chuyện ma . Vừa chấm dứt câu chuyện , hai tên thổi đèn tắy phụp và bỏ chạy ! Tụi tôi sợ quíu cả người , hét toáng lên trong khi Chị tôi quờ quạng tìm cây con cúi để mồi đèn …

                                                  *

   Đêm ấy Chị tôi mới giả được mấy chày thì hai anh tới . Keo nói :

  - À tụi bây kiếm tao hai điếu thuốc rê , tao và Tánh sẽ giả chài đôi cho coi...
 
   Dĩ nhiên chúng tôi rất vui lòng và rất khoái .

   Hai tay vừa phập phèo điếu thuốc thì chúng tôi cũng khệ nệ mang ra thêm một cây chày lớn khác - chày của Bích giả chỉ là chày bé tí , người lớn giả không xứng tay .

   Tiếng cắt - cụp - cum và những động tác nhịp nhàng của hai anh bên cối gạo dưới ánh trăng làm cho chúng tôi hết sức thích thú , say sưa , nhìn và nghe , chúng tôi  thả hồn vào trong một giấc mộng xa xôi …

  Tiếng chày đôi giả gạo trong những đêm trăng giờ đây và vĩnh viễn về sau , chúng tôi không còn bao giờ nghe và thấy nữa , nhưng trong tâm hồn tôi , mỗi khi gợi nhớ là tôi như thấy và nghe lại tiếng chày của thuở xa xưa …

                                                                                          (Còn nữa)



Thứ Tư, 15 tháng 7, 2009

THẾ GIỚI NGHỆ SĨ

                                       

    CÂU CHUYỆN VỀ LÒNG   

             YÊU THƯƠNG

"Nghệ thuật là điều giản dị , dễ cảm nhận, và phải là tấm gương phản chiếu cuộc sống không son phấn , không màu mè che đậy."




   Thị xã Sa Đéc khoảng giữa những năm 60. Chiến tranh đang vào hồi leo thang khốc liệt. Một người lính Mỹ đang phục vụ tại tiểu Khu với tư cách Cố Vấn, quen một cô gái Việt là thư ký tòng sự ở căn cứ quân sự. Họ gặp nhau trong lớp học sinh ngữ. Cô gái học tiếng Anh, còn người lính Mỹ học tiếng Việt. Sự quen biết lúc ấy chỉ dừng lại như hai người bạn, chưa phải là tình yêu. Một ngày của tháng 6- 1967, như một tình cờ định mệnh, họ bất ngờ gặp lại nhau trên đường phố Sài Gòn và quyết định có những giờ phút gần gủi bên nhau. Sáng hôm sau, họ chia tay. Chẳng bao lâu sau đó, người lính Mỹ hoàn tất thời gian phục vụ tại Việt Nam, ông lên đường trở về nước. Còn cô gái, quay lại thị xã Sa Đéc với một mầm sống đang tượng hình dần dần trong cơ thể con gái của cô. Nhưng chỉ một mình cô biết, còn người tạo nên mầm sống ấy, không một chút mảy may hay biết về giọt máu của mình trên mảnh đất đầy khói lửa vừa bỏ lại sau lưng.

   Hai năm sau khi về nước, người lính Mỹ kết hôn với một phụ nữ đã có 4 người con trong cuộc hôn nhân trước đó. Ông nhận chúng như những đứa con ruột của mình. Còn người con gái mang trong bụng mình dòng máu của ông, thì âm thầm chịu đựng bao nỗi phiền muộn về sự sỉ nhục cô mang đến cho gia đình, nhất là đứa con trong bụng lại là kết quả của sự vụng trộm với một người lính Mỹ.

   28 năm sau, James Mavin Yoder – tên người lính Mỹ - nhận được cú điện thọai từ một người ông hoàn toàn không quen biết, báo cho hay rằng ông có một người con gái hiện còn ở Việt Nam. Người không quen biết ấy là một nhà văn người Mỹ tên Thomas Bass.


Cat dang4



   2.- Đầu những năm 90, Thomas Bass, tác gỉa của nhiều tác phẩm nghiên cứu về các vấn đề xã hội và là giáo sư trường Đại học tiểu bang California (University of California), đến Sài Gòn tìm kiếm tài liệu cho một công trình mới của ông liên quan đến những đứa con mang hai giòng máu Mỹ Việt đã bị bỏ lại Việt Nam.

  13 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, năm 1988, đạo luật Amerasian Homecoming Act được thông qua, và chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu công việc tìm kiếm những đứa trẻ Việt lai Mỹ này để đem về Mỹ chăm sóc. Chiến tranh chấm dứt với sự sụp đổ của chính quyền miền Nam và sự “thua trận” của Mỹ, nên số phận những đứa con hai giòng máu Mỹ Việt rất hẩm hiu. Về mặt xã hội, họ là vết chàm ô nhục cho những bà mẹ Việt. Về mặt chính trị, họ là chứng tích của “tàn dư đế quốc” để lại. Cho nên, phần lớn đều bị bỏ rơi, sống nghèo khổ, thất học, lang thang vất vưởng ngoài đường. Với chương trình nhập cư vào Mỹ theo diện con lai như trên, phần lớn những đứa con hai giòng máu đã được đưa đi sinh sống ở quê cha, nhưng không có nhiều người gặp được cha ruột của mình. Đơn giản chỉ vì những người cha ấy không biết mình có con ở Việt Nam. Mặt khác, cũng còn một số ở lại Việt Nam, hoặc vì những lý do ngòai ý muốn, hoặc vì họ lựa chọn ở lại.

    Và, Thomas Bass, trong nỗ lực thu thập tài liệu của mình, đã gặp được một trong những người còn ở lại (vào thời điểm ấy -1995), một cô gái có giọng hát làm say lòng hàng triệu những người trẻ tuổi như cô. Mẹ cô đã cho Thomas Bass biết tên người lính Mỹ năm xưa trong buổi gặp gỡ định mệnh ấy.

    Tháng 11 năm 1996, James Yoder đến Việt Nam để gặp con gái mình lần đầu tiên trong suốt 28 năm cô có mặt trên đời. Cô gái mang tặng người cha Mỹ của mình 28 đóa hoa hồng, tượng trưng cho 28 năm cha con không biết nhau.

   Câu chuyện tìm cha rất cảm động của cô gái lai Việt Mỹ nói trên đã được chương trình 20. 20 với hai phóng viên lừng danh Barbara Walters và Bob Brown thực hiện trên đài truyền hình Mỹ ABC ngày 24 tháng 11 năm 2004.


mua-262


3.
   Cuối tháng 6 năm 2006, có mặt tại Dallas trong một dịp họp mặt, tôi đã theo chân người bạn báo bổ đến tham dự buổi tiếp xúc với giới truyền thông thành phố của Trung Tâm ca nhạc Asia nhân một chương trình trình diễn ca nhạc được tổ chức lần đầu tiên ở Dallas của trung tâm này. Tình cờ, tôi gặp được người con gái hai giòng máu Mỹ Việt trong câu chuyện ở trên. Ở một góc rất khiêm tốn của hành lang rạp hát thành phố, cô cùng với chồng và hai con gái nhỏ, đang dượt lại bài hát họ sẽ trình diễn trong chương trình. Tiếng đàn mandoline điêu luyện từ hai bàn tay cô gái vang lên một điệu nhạc rất quen thuộc của bài hát “Xe Đạp ơi” (…Nhớ khi xưa anh chở em, trên chiếc xe đạp cũ, áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè…). Đó là cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng Phương Thảo - Ngọc Lễ và hai con gái nhỏ cũng đã từng lên sân khấu biểu diễn với ba mẹ. Cô gái ấy chính là ca sĩ Phương Thảo, mà nhóm phóng viên của đài truyền hình ABC trong lúc thực hiện show truyền hình đặc biệt chuyện một cô gái đi tìm người cha 28 năm không biết mặt, đồng thời đã khám phá ra cô là một ca sĩ với riêng tập Album “Cà Phê một mình” đã có thể đưa cô sánh ngang với Mariah Carey.

   Tối hôm đó, lần đầu tiên tôi được xem cặp vợ chồng nghệ sĩ Phương Thảo - Ngọc Lễ đứng trên sân khấu, với bài hát thật quen thuộc - Xe đạp ơi!. Giản dị, mộc mạc từ phong cách biểu diễn đến nội dung. Người chồng - cũng là tác giả bài hát và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác, với cây đàn guitar thùng và người vợ - người chỉ hát nhạc của chồng và nổi tiếng với những bài nhạc này, với cây đàn Mandoline trông có vẻ lạc lõng, nhưng họ đã chinh phục tôi trọn vẹn.

   Với tôi, cái giản dị, mộc mạc, chân thật toát ra từ họ chính là những điều đẹp nhất của cuộc sống mà tôi hằng mơ ước.

   Nghệ thuật là điều giản dị , dễ cảm nhận, và phải là tấm gương phản chiếu cuộc sống không son phấn , không màu mè che đậy.


Cat dang3

4.
   Sau buổi tiếp xúc với Ngọc Lễ- Phương Thảo, qua những câu chuyện bình thường về cuộc sống của họ, được xem họ hát và nhất là quan sát cái cách họ đối xử với nhau và với con cái, tôi bỏ thì giờ tìm hiểu thêm về những họat động của cặp vợ chồng nghệ sĩ này. Tôi ngạc nhiên thấy những hiểu biết của mình về họ thật ít ỏi. Họ đã thành đạt thật nhiều so với số tuổi và cuộc sống ấu thơ vất vả cực khổ mà họ phải trải qua. Gia đình của họ đã từng được coi là biểu tượng của một gia đình hạnh phúc kiểu mẫu, một thứ kiểu mẫu rất giản dị mà gia đình nào cũng có thể đạt tới được miễn nơi gia đình ấy có sự yêu thương ngự trị.

   “Một ông ba bà” (Lời một bài hát của Ngọc Lễ, chữ anh dùng để chỉ gia đình mình với Phương Thảo và 2 con gái 8 tuổi và 5 tuổi ) không chỉ quen thuộc với giới trẻ ở Việt Nam. Hình ảnh của gia đình họ còn được Đài truyền hình CNN phát đi trên toàn thế giới ngày 27 tháng 4 năm 2005, qua một chương trình kỷ niệm 30 năm ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Dưới con mắt của nhóm phóng viên CNN thực hiện chương trình, gia đình “một ông ba bà” này, với người mẹ mang trong mình hai giòng máu Mỹ Việt, một trong số hiếm hoi những đứa con lai Mỹ tìm được người cha ruột của chính mình, cộng với sự nghiệp nghệ thuật đáng nể của cả gia đình (người cha là một nhạc sĩ sáng tác, người mẹ vừa là ca sĩ vừa là diễn viên điện ảnh, hai con gái cũng đã từng tham gia xuất hiện trên sân khấu và hát thu dĩa), là một “kết thúc có hậu” (happy ending) cho một trong những chương sử ảm đạm nhất của thế giới cận đại.

   Hạnh phúc. Có thể xem cái điều giản dị khó đạt ấy như là từ cô đọng nhất để nói về gia đình họ. Tôi không thể không ngạc nhiên và xúc động khi bắt gặp họ ngồi quây quần bên nhau một buổi chiều cuối tháng 6 nóng chảy mỡ của Dallas trong một góc hành lang rạp hát, người vợ với cây đàn Mandoline trên tay, người chồng ôm hai đứa con nhỏ vào lòng và âm thanh bài hát nổi tiếng quen thuộc của họ cứ như chất keo dán chặt họ vào với nhau. Hai người này đã từng có cuộc hôn nhân của riêng mình trước đó, nhưng khi gặp nhau, họ đã khẳng định điều mà họ hiểu hơn ai hết. Với những người đã từng không may trong cuộc sống, họ sẽ biết nhận ra và trân quý hạnh phúc (dù nhỏ nhoi) mà họ đang có hơn .


Cat dang2

  5.
   Một sự thú vị khác đến với tôi trong lúc đi tìm những dữ liệu về cặp uyên ương Ngọc Lễ - Phương Thảo. Ngọc Lễ là tác giả của nhiều ca khúc viết về tình yêu rất được ưa chuộng như Xe Đạp ơi, Cà phê một mình, Con gái, Dấu yêu một mình, Đến bây giờ em mới hiểu v..v.. và đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng chọn để giới thiệu trong những Album đắc ý nhất của họ. Riêng bài Xe đạp ơi, tôi thích nhất nó được trình bày qua tiếng hát rất mộc mạc của Phương Thảo, dù bài hát này Ngọc Lễ viết để kỷ niệm một mối tình của thời trai trẻ với một người con gái khác. (Nhớ khi xưa anh chở em, trên chiếc xe đạp cũ. Áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè… Xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy, cho lòng tôi, nhớ thương hòai chẳng nguôi…) . Lời mộc mạc, nhạc điệu mộc mạc, tiếng đàn Mandoline mộc mạc, giọng người hát mộc mạc. Những cái mộc mạc tuyệt vời làm nên nghệ thuật. Và trên hết, tình cảm chân thật được phản ánh một cách tự nhiên trong nghệ thuật đã đưa tâm hồn vị kỷ chật hẹp của con người lên đến chỗ cao cả , thánh thiện.

   Cái điều thú vị mà tôi muốn nói đến là cặp vợ chồng này tuy đã thành danh với những bài tình ca làm nên tên tuổi của họ, nhưng khi có với nhau đứa con đầu tiên, họ đã xoay hướng đột ngột, để chỉ viết và hát những bài hát về gia đình, về tuổi thơ. Một lọat những bài hát với chủ đề này ra đời, Con mãi tuổi lên ba, ông già Noel, Ba ngọn nến, Chị dắt em đi chơi, Cắc tùng, Heo đất, Đêm của con, Thiên thần của mẹ v..v . Để giải thích sự chuyển hướng này, Ngọc Lễ đã nói rằng: “Nếu bạn bị bao vây bởi 3 người phụ nữ dễ thương 24. 24, bạn sẽ không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải yêu họ và viết về họ để cho họ hát...”

   Trong đêm Phương Thảo chuẩn bị sinh con, Ngọc lễ đã viết bài Đêm của con :

   Đêm nay mẹ sinh con ra đời - Đêm như ngừng thở
   Đêm nay đêm vui mừng - Con ơi con ơi
   Đêm nay mẹ quên bao đớn đau - Bao lo sợ
   Đêm nay chỉ mong sao yên lành
   Mong manh con quá mong manh
 . .

   Đêm nay mẹ ôm con vào lòng - đơn côi bé bỏng
   Đêm nay mẹ hôn con lần đầu - con ơi con ơi
   Đêm nay trời sinh ra ba mẹ - con ơi con ơi

   Tôi thích nhất câu cuối: Đêm nay trời sinh ra ba mẹ - con ơi con ơi. Giản dị làm sao mà cũng sâu sắc làm sao.

   Nhưng phải đến bài Thiên thần của mẹ, Phương Thảo hát và ngôn ngữ trẻ thơ không thành lời phát ra từ cửa miệng đứa con gái thứ hai của họ, tôi mới thực sự chóang ngợp. Nghe bài hát tuổi thơ ấy, tôi bỗng thấy hai đứa con gái nhỏ của tôi và bà mẹ của chúng thực sự đáng yêu hơn bao giờ hết, thực sự họ là lẽ sống của đời tôi và gia đình tôi là lý do tối thượng nhất để tôi sống và tranh đấu giữa cõi đời đầy những điều phiền muộn này.

   Thiên thần ơi,

                                                                                             Theo TTCN


Bang lang3
                                         

                                           XE ĐẠP ƠI  !

    Nhớ khi xưa anh chở em,
    Trên chiếc xe đạp cũ,
    Áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè.
    Nhớ khi xưa bao mộng mơ,
    Trên chiếc xe đạp cũ,
    Dưới cơn mưa cùng nhau dắt qua cầu.

    Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu.
    Mối tình thơ, thoáng như một giấc mơ.
    Xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy.
    Cho lòng tôi, nhớ thương hoài chẳng nguôi.
    Quay đều quay đều quay đều,
    Mối tình ngày xưa yêu dấu.


    Quay đều quay đều quay đều,
    Nhớ hoài những vòng xe.
    Quay đều quay đều quay đều,
    Mối tình nghèo đơn sơ quá.
    Quay đều quay đều quay đều,
    Thương hoài những vòng xe.
                 *
    Nhớ khi xưa anh chở em,
    Trên chiếc xe đạp cũ,
    Dưới trăng khuya cùng trao chiếc hôn đầu.
    Nhớ khi xưa bao mộng mơ,
    Trên chiếc xe đạp cũ,
   Ước mong sao tình yêu mãi không rời