CÂU CHUYỆN VỀ LÒNG
YÊU THƯƠNG
"Nghệ thuật là điều giản dị , dễ cảm nhận, và phải là tấm gương phản chiếu cuộc sống không son phấn , không màu mè che đậy."
Thị xã Sa Đéc khoảng giữa những năm 60. Chiến tranh đang vào hồi leo thang khốc liệt. Một người lính Mỹ đang phục vụ tại tiểu Khu với tư cách Cố Vấn, quen một cô gái Việt là thư ký tòng sự ở căn cứ quân sự. Họ gặp nhau trong lớp học sinh ngữ. Cô gái học tiếng Anh, còn người lính Mỹ học tiếng Việt. Sự quen biết lúc ấy chỉ dừng lại như hai người bạn, chưa phải là tình yêu. Một ngày của tháng 6- 1967, như một tình cờ định mệnh, họ bất ngờ gặp lại nhau trên đường phố Sài Gòn và quyết định có những giờ phút gần gủi bên nhau. Sáng hôm sau, họ chia tay. Chẳng bao lâu sau đó, người lính Mỹ hoàn tất thời gian phục vụ tại Việt Nam, ông lên đường trở về nước. Còn cô gái, quay lại thị xã Sa Đéc với một mầm sống đang tượng hình dần dần trong cơ thể con gái của cô. Nhưng chỉ một mình cô biết, còn người tạo nên mầm sống ấy, không một chút mảy may hay biết về giọt máu của mình trên mảnh đất đầy khói lửa vừa bỏ lại sau lưng.
Hai năm sau khi về nước, người lính Mỹ kết hôn với một phụ nữ đã có 4 người con trong cuộc hôn nhân trước đó. Ông nhận chúng như những đứa con ruột của mình. Còn người con gái mang trong bụng mình dòng máu của ông, thì âm thầm chịu đựng bao nỗi phiền muộn về sự sỉ nhục cô mang đến cho gia đình, nhất là đứa con trong bụng lại là kết quả của sự vụng trộm với một người lính Mỹ.
28 năm sau, James Mavin Yoder – tên người lính Mỹ - nhận được cú điện thọai từ một người ông hoàn toàn không quen biết, báo cho hay rằng ông có một người con gái hiện còn ở Việt Nam. Người không quen biết ấy là một nhà văn người Mỹ tên Thomas Bass.
2.- Đầu những năm 90, Thomas Bass, tác gỉa của nhiều tác phẩm nghiên cứu về các vấn đề xã hội và là giáo sư trường Đại học tiểu bang California (University of California), đến Sài Gòn tìm kiếm tài liệu cho một công trình mới của ông liên quan đến những đứa con mang hai giòng máu Mỹ Việt đã bị bỏ lại Việt Nam.
13 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, năm 1988, đạo luật Amerasian Homecoming Act được thông qua, và chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu công việc tìm kiếm những đứa trẻ Việt lai Mỹ này để đem về Mỹ chăm sóc. Chiến tranh chấm dứt với sự sụp đổ của chính quyền miền Nam và sự “thua trận” của Mỹ, nên số phận những đứa con hai giòng máu Mỹ Việt rất hẩm hiu. Về mặt xã hội, họ là vết chàm ô nhục cho những bà mẹ Việt. Về mặt chính trị, họ là chứng tích của “tàn dư đế quốc” để lại. Cho nên, phần lớn đều bị bỏ rơi, sống nghèo khổ, thất học, lang thang vất vưởng ngoài đường. Với chương trình nhập cư vào Mỹ theo diện con lai như trên, phần lớn những đứa con hai giòng máu đã được đưa đi sinh sống ở quê cha, nhưng không có nhiều người gặp được cha ruột của mình. Đơn giản chỉ vì những người cha ấy không biết mình có con ở Việt Nam. Mặt khác, cũng còn một số ở lại Việt Nam, hoặc vì những lý do ngòai ý muốn, hoặc vì họ lựa chọn ở lại.
Và, Thomas Bass, trong nỗ lực thu thập tài liệu của mình, đã gặp được một trong những người còn ở lại (vào thời điểm ấy -1995), một cô gái có giọng hát làm say lòng hàng triệu những người trẻ tuổi như cô. Mẹ cô đã cho Thomas Bass biết tên người lính Mỹ năm xưa trong buổi gặp gỡ định mệnh ấy.
Tháng 11 năm 1996, James Yoder đến Việt Nam để gặp con gái mình lần đầu tiên trong suốt 28 năm cô có mặt trên đời. Cô gái mang tặng người cha Mỹ của mình 28 đóa hoa hồng, tượng trưng cho 28 năm cha con không biết nhau.
Câu chuyện tìm cha rất cảm động của cô gái lai Việt Mỹ nói trên đã được chương trình 20. 20 với hai phóng viên lừng danh Barbara Walters và Bob Brown thực hiện trên đài truyền hình Mỹ ABC ngày 24 tháng 11 năm 2004.
3.
Cuối tháng 6 năm 2006, có mặt tại Dallas trong một dịp họp mặt, tôi đã theo chân người bạn báo bổ đến tham dự buổi tiếp xúc với giới truyền thông thành phố của Trung Tâm ca nhạc Asia nhân một chương trình trình diễn ca nhạc được tổ chức lần đầu tiên ở Dallas của trung tâm này. Tình cờ, tôi gặp được người con gái hai giòng máu Mỹ Việt trong câu chuyện ở trên. Ở một góc rất khiêm tốn của hành lang rạp hát thành phố, cô cùng với chồng và hai con gái nhỏ, đang dượt lại bài hát họ sẽ trình diễn trong chương trình. Tiếng đàn mandoline điêu luyện từ hai bàn tay cô gái vang lên một điệu nhạc rất quen thuộc của bài hát “Xe Đạp ơi” (…Nhớ khi xưa anh chở em, trên chiếc xe đạp cũ, áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè…). Đó là cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng Phương Thảo - Ngọc Lễ và hai con gái nhỏ cũng đã từng lên sân khấu biểu diễn với ba mẹ. Cô gái ấy chính là ca sĩ Phương Thảo, mà nhóm phóng viên của đài truyền hình ABC trong lúc thực hiện show truyền hình đặc biệt chuyện một cô gái đi tìm người cha 28 năm không biết mặt, đồng thời đã khám phá ra cô là một ca sĩ với riêng tập Album “Cà Phê một mình” đã có thể đưa cô sánh ngang với Mariah Carey.
Tối hôm đó, lần đầu tiên tôi được xem cặp vợ chồng nghệ sĩ Phương Thảo - Ngọc Lễ đứng trên sân khấu, với bài hát thật quen thuộc - Xe đạp ơi!. Giản dị, mộc mạc từ phong cách biểu diễn đến nội dung. Người chồng - cũng là tác giả bài hát và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác, với cây đàn guitar thùng và người vợ - người chỉ hát nhạc của chồng và nổi tiếng với những bài nhạc này, với cây đàn Mandoline trông có vẻ lạc lõng, nhưng họ đã chinh phục tôi trọn vẹn.
Với tôi, cái giản dị, mộc mạc, chân thật toát ra từ họ chính là những điều đẹp nhất của cuộc sống mà tôi hằng mơ ước.
Nghệ thuật là điều giản dị , dễ cảm nhận, và phải là tấm gương phản chiếu cuộc sống không son phấn , không màu mè che đậy.
4.
Sau buổi tiếp xúc với Ngọc Lễ- Phương Thảo, qua những câu chuyện bình thường về cuộc sống của họ, được xem họ hát và nhất là quan sát cái cách họ đối xử với nhau và với con cái, tôi bỏ thì giờ tìm hiểu thêm về những họat động của cặp vợ chồng nghệ sĩ này. Tôi ngạc nhiên thấy những hiểu biết của mình về họ thật ít ỏi. Họ đã thành đạt thật nhiều so với số tuổi và cuộc sống ấu thơ vất vả cực khổ mà họ phải trải qua. Gia đình của họ đã từng được coi là biểu tượng của một gia đình hạnh phúc kiểu mẫu, một thứ kiểu mẫu rất giản dị mà gia đình nào cũng có thể đạt tới được miễn nơi gia đình ấy có sự yêu thương ngự trị.
“Một ông ba bà” (Lời một bài hát của Ngọc Lễ, chữ anh dùng để chỉ gia đình mình với Phương Thảo và 2 con gái 8 tuổi và 5 tuổi ) không chỉ quen thuộc với giới trẻ ở Việt Nam. Hình ảnh của gia đình họ còn được Đài truyền hình CNN phát đi trên toàn thế giới ngày 27 tháng 4 năm 2005, qua một chương trình kỷ niệm 30 năm ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Dưới con mắt của nhóm phóng viên CNN thực hiện chương trình, gia đình “một ông ba bà” này, với người mẹ mang trong mình hai giòng máu Mỹ Việt, một trong số hiếm hoi những đứa con lai Mỹ tìm được người cha ruột của chính mình, cộng với sự nghiệp nghệ thuật đáng nể của cả gia đình (người cha là một nhạc sĩ sáng tác, người mẹ vừa là ca sĩ vừa là diễn viên điện ảnh, hai con gái cũng đã từng tham gia xuất hiện trên sân khấu và hát thu dĩa), là một “kết thúc có hậu” (happy ending) cho một trong những chương sử ảm đạm nhất của thế giới cận đại.
Hạnh phúc. Có thể xem cái điều giản dị khó đạt ấy như là từ cô đọng nhất để nói về gia đình họ. Tôi không thể không ngạc nhiên và xúc động khi bắt gặp họ ngồi quây quần bên nhau một buổi chiều cuối tháng 6 nóng chảy mỡ của Dallas trong một góc hành lang rạp hát, người vợ với cây đàn Mandoline trên tay, người chồng ôm hai đứa con nhỏ vào lòng và âm thanh bài hát nổi tiếng quen thuộc của họ cứ như chất keo dán chặt họ vào với nhau. Hai người này đã từng có cuộc hôn nhân của riêng mình trước đó, nhưng khi gặp nhau, họ đã khẳng định điều mà họ hiểu hơn ai hết. Với những người đã từng không may trong cuộc sống, họ sẽ biết nhận ra và trân quý hạnh phúc (dù nhỏ nhoi) mà họ đang có hơn .
5.
Một sự thú vị khác đến với tôi trong lúc đi tìm những dữ liệu về cặp uyên ương Ngọc Lễ - Phương Thảo. Ngọc Lễ là tác giả của nhiều ca khúc viết về tình yêu rất được ưa chuộng như Xe Đạp ơi, Cà phê một mình, Con gái, Dấu yêu một mình, Đến bây giờ em mới hiểu v..v.. và đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng chọn để giới thiệu trong những Album đắc ý nhất của họ. Riêng bài Xe đạp ơi, tôi thích nhất nó được trình bày qua tiếng hát rất mộc mạc của Phương Thảo, dù bài hát này Ngọc Lễ viết để kỷ niệm một mối tình của thời trai trẻ với một người con gái khác. (Nhớ khi xưa anh chở em, trên chiếc xe đạp cũ. Áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè… Xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy, cho lòng tôi, nhớ thương hòai chẳng nguôi…) . Lời mộc mạc, nhạc điệu mộc mạc, tiếng đàn Mandoline mộc mạc, giọng người hát mộc mạc. Những cái mộc mạc tuyệt vời làm nên nghệ thuật. Và trên hết, tình cảm chân thật được phản ánh một cách tự nhiên trong nghệ thuật đã đưa tâm hồn vị kỷ chật hẹp của con người lên đến chỗ cao cả , thánh thiện.
Cái điều thú vị mà tôi muốn nói đến là cặp vợ chồng này tuy đã thành danh với những bài tình ca làm nên tên tuổi của họ, nhưng khi có với nhau đứa con đầu tiên, họ đã xoay hướng đột ngột, để chỉ viết và hát những bài hát về gia đình, về tuổi thơ. Một lọat những bài hát với chủ đề này ra đời, Con mãi tuổi lên ba, ông già Noel, Ba ngọn nến, Chị dắt em đi chơi, Cắc tùng, Heo đất, Đêm của con, Thiên thần của mẹ v..v . Để giải thích sự chuyển hướng này, Ngọc Lễ đã nói rằng: “Nếu bạn bị bao vây bởi 3 người phụ nữ dễ thương 24. 24, bạn sẽ không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải yêu họ và viết về họ để cho họ hát...”
Trong đêm Phương Thảo chuẩn bị sinh con, Ngọc lễ đã viết bài Đêm của con :
Đêm nay mẹ sinh con ra đời - Đêm như ngừng thở
Đêm nay đêm vui mừng - Con ơi con ơi
Đêm nay mẹ quên bao đớn đau - Bao lo sợ
Đêm nay chỉ mong sao yên lành
Mong manh con quá mong manh
. .
Đêm nay mẹ ôm con vào lòng - đơn côi bé bỏng
Đêm nay mẹ hôn con lần đầu - con ơi con ơi
Đêm nay trời sinh ra ba mẹ - con ơi con ơi
Tôi thích nhất câu cuối: Đêm nay trời sinh ra ba mẹ - con ơi con ơi. Giản dị làm sao mà cũng sâu sắc làm sao.
Nhưng phải đến bài Thiên thần của mẹ, Phương Thảo hát và ngôn ngữ trẻ thơ không thành lời phát ra từ cửa miệng đứa con gái thứ hai của họ, tôi mới thực sự chóang ngợp. Nghe bài hát tuổi thơ ấy, tôi bỗng thấy hai đứa con gái nhỏ của tôi và bà mẹ của chúng thực sự đáng yêu hơn bao giờ hết, thực sự họ là lẽ sống của đời tôi và gia đình tôi là lý do tối thượng nhất để tôi sống và tranh đấu giữa cõi đời đầy những điều phiền muộn này.
Thiên thần ơi,
Theo TTCN
XE ĐẠP ƠI !
Nhớ khi xưa anh chở em,
Trên chiếc xe đạp cũ,
Áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè.
Nhớ khi xưa bao mộng mơ,
Trên chiếc xe đạp cũ,
Dưới cơn mưa cùng nhau dắt qua cầu.
Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu.
Mối tình thơ, thoáng như một giấc mơ.
Xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy.
Cho lòng tôi, nhớ thương hoài chẳng nguôi.
Quay đều quay đều quay đều,
Mối tình ngày xưa yêu dấu.
Quay đều quay đều quay đều,
Nhớ hoài những vòng xe.
Quay đều quay đều quay đều,
Mối tình nghèo đơn sơ quá.
Quay đều quay đều quay đều,
Thương hoài những vòng xe.
*
Nhớ khi xưa anh chở em,
Trên chiếc xe đạp cũ,
Dưới trăng khuya cùng trao chiếc hôn đầu.
Nhớ khi xưa bao mộng mơ,
Trên chiếc xe đạp cũ,
Ước mong sao tình yêu mãi không rời
"Giới nghệ sĩ thay tình như thay áo", cũng có lý do để mọi người nhận định như vậy. Nhưng gia đình Phương Thảo - Ngọc Lễ hay Cẩm vân - Khắc Triệu...đã chứng minh điều ngược lại. Thế giới nào cũng có những mối tình chung thủy, sắt son khiến người ta vô vàn ngưỡng mộ.
Trả lờiXóaCòn một bài nữa mà CNB cũng thích: "Xa rồi tuổi thơ". Chú sưu tầm hay quá! Toàn bài độc không hà.
Trả lờiXóaAnh Dũng có những hồi ức thời kỳ trước 1975 rất hay,em bây giờ cũng khoái nghe chuyện đời xưa lắm.- Những tấm ảnh bông hoa kèm theo nếu chính tay anh chụp thì anh có nghề lắm đó.
Trả lờiXóa