Thứ Hai, 20 tháng 7, 2009

Trích HỒI KÝ "những ngày tháng cũ ..." Phần II


 

              PHẦN HAI

 

        NGƯỜI CHỊ

        Tặng : Nhân, Trí, Trực và Thức

                         Cậu Sáu

      Tình bạn gắn bó giữa Keo và Tánh nhiều lúc làm tôi thoáng ngạc nhiên : Một người là người Kinh; một người là người Khơ me , song họ chơi rất thân với nhau như những người bạn chí cốt khác . Tình bạn của họ cả xóm làng đều trân trọng và ngợi khen , bởi họ gắn bó, cặp kè với nhau nhiều năm liền ở tuổi thanh niên . Về sau, họ cùng tình nguyện đầu quân và cụôc chiến tranh nghiệt ngã đã chia lìa họ: Anh Keo đã hy sinh xương máu của mình cho đất nước Việt Nam , nơi anh đã sinh ra và lớn lên , dù anh không phải là người Việt .

   Còn Tánh bây giờ không biết đã phiêu bạt nơi nào, tôi không rõ. Không có Keo , chắc khó có ai nhắc cho anh nhớ lại những kỷ niệm cũ thời thanh niên đẹp đẻ của mình …

                                 
   Hồi đó, trong chiến tranh, cả làng tôi nói chung những nhà nghèo đều mặc quần áo bằng bố tời - thứ để may bao đựng lúa - Thậm chí có nhà 3, 4 người lớn nhưng chỉ có một hai bộ đồ bằng bố . Hai người đi ra khỏi nhà có mặc đồ thì hai người ở nhà phải quấn bằng lá chầm .

   Có năm, Ba tôi đem về được mấy thước vải Xiêm  -  Tôi cũng không biết tại sao người ta gọi đó là vải Xiêm ? Ngoài ra còn các loại vải như vải Chăn đầm, vải Mỹ A, vải Hột dềnh …Bây giờ không còn thấy nữa .

   Thời đó loại vải Xiêm nầy khá phổ biến nhưng cũng cực kỳ quý hiếm. Có thể nói , cả làng không ai có một bộ vải Xiêm ! 

   Mẹ tôi cắt cho Chị một cái áo bà ba cổ trái tim bằng những thước vải Xiêm quý hiếm ấy .

   Mọi khi nhà tôi vẫn may tay áo quần để mặc . Đột khít mũi thật công phu , xem cũng từa tựa như may máy , dĩ nhiên là không đẹp bằng . Song lần đó , vì có vải quý và có lẽ ở tuổi của Chị , Chị cũng muốn "diện" một chút , nên "lượt" xong cái áo , Chị và đứa em thứ Bảy băng qua một cánh đồng nước đến 4, 5 cây số để ra nhà người anh họ định mượn máy  may cho đẹp … 

   Bà chị dâu họ trợn tròn mắt lên, hỏi mát :

   - Sao ? Bây giờ không bận được đồ may tay , hả ?

   Sau đó Bà chị phán một câu :

- Máy gãy kim rồi ! không may được !

   Khiến hai chị em tiu nghĩu ra về . Chị kể chuyện ấy lại cho mẹ tôi nghe , tôi thấy mẹ buồn hiu , song mẹ vẫn an ủi : "Thôi mình nghèo … may tay bận đỡ đi con …!

   Nhiều năm sau , khi đã hồi cư về xóm Ba Dinh, một lần mẹ tôi đi Sài Gòn được anh Phán tôi cho một số tiền , Bà đã không ngần ngại tậu về một chiếc máy may ! Bọn tôi thắc mắc : Thiếu gì thứ cần mua , sao mẹ lại mua máy may là thứ ít dùng ?

   Mãi đến bây giờ tôi mới hiểu .

  Sự bức xúc của những ngày xưa ấy đã đeo đẳng mẹ tôi trong suốt nhiều năm trong nghèo túng . Lòng tự ái, nỗi thương con đã thôi thúc Bà phải mua cho bằng được cái máy may !

   Bây giờ Người đã mất rồi . Cái máy may cũ để ở nhà anh Tư tôi và chưa khi nào tôi thấy chị dâu tôi dở máy ra may .

   Chuyện may vá tại nhà bây giờ là rất hiếm . Song mỗi lần nhìn thấy lại cái máy may cũ ấy tôi lại liên tưởng đến chuyện ngày xưa, và hình bóng mẹ tôi vẫn mãi còn vấn vít …

   Các con của Chị sau nầy ở Thành Phố, văn minh, vật chất có thừa, chúng không thế nào hiểu nổi những điều đó . Chúng thấy người mẹ vá , nhíp những cái quần đùi cũ của chúng mà phì cười ! Chúng không bao giờ tưởng tượng được rằng đã có thời , một người con gái 18 , đôi mươi , chong đèn suốt canh thâu ngồi đột từng mũi kim để may một cái áo mới !

   Đột tay hàng vạn mũi kim cho cái áo ấy Chị đã ngồi bao nhiêu đêm dài dưới ánh  đèn dầu leo lét đầy khói và muội than ?

Tôi không biết !

    Ngoài việc Chị là người mẹ thứ hai , Chi còn là người Thầy của chúng tôi.

  Lúc ấy trong vùng giải phóng không có trường học . Một số trường hiếm hoi như Trại Nhi Đồng , trường Huỳnh Phan Hộ, Nguyễn Văn Tố, Thái văn Lung … là những trường cho cả Miền Nam , nó rất xa vời đối với chúng tôi , bởi vì không phải ai muốn cũng đều có thể đi học được . Chỉ có anh Hai tôi , những năm tản cư ở Cấn Thơ anh đã may mắn học được hết bậc tiểu học , khi tản cư về đây , Ba tôi phải chạy xin nhiều nơi anh mới vào được trường trung học Huỳng Phan Hộ . Song học mới nửa khóa thì các anh lại bãi khóa để tình nguyện ra tham gia đi kháng chiến .

   Lúc ở Cần Thơ , Chị học lớp Ba lớp Nhì gì đó , tôi cũng có cắp sách theo Chị đến trường để học lớp Năm (lớp Một bây giờ), song tôi học nhì nhằn chẳng được bao lâu thì Ba tôi quyết định hồi cư.  Do đó khi về đến xóm Nhà Cũ thì Chị đã có một chút vốn chữ, và Chị bắt đầu dạy học cho chúng tôi . Cái sự "bắt đầu" ấy  thật là một kỳ tích . Tôi cũng không rõ tại sao Chị lại có ý nghĩ dạy học cho chúng tôi ? Biết bao nhiêu người có nhiều chữ nghĩa , xung quanh họ có nhiều người thân dốt nát mà họ có dạy học cho những người ấy đâu ? Chị phải là một nhà xã hội học vĩ đại , một nhà sư phạm bẩm sinh nên mới có được ý tưởng muốn dạy học cho những đứa em mù chữ .

   Trong vùng giải phóng lúc ấy không có giấy , viết , mực , sách giáo khoa … cũng không có ai khuyến khích Chị trong việc khởi xướng dạy chữ cho chúng tôi .

   Bởi vậy tôi gọi việc Chị nghĩ ra chuyện dạy học cho chúng tôi là "kỳ tích" thật cũng không quá đáng .

   Tôi không nhớ Chị tìm đâu ra được quyển vần Quốc Ngữ- có lẽ Ba tôi đem về - là cuốn sách giáo khoa đầu tiên mà tôi thấy được trong vùng giải phóng . Quyển vần gồm 32 bài , bắt đầu bài 1 là : i , t , ti , it …; Bài 2 : u, ư, n, nu, nư, tu, tư…Học hết 32 bài trong cuốn vần thì tôi đã bắt đầu đọc được chữ quốc ngữ …

   Hai đứa em tôi vì còn nhỏ và ít ham học nên học chậm hơn , và chúng thật sự cũng lười học . Để dọa chúng , mỗi lần có khách lạ vào xóm , Chị trêu : Người ta đi bắt dốt đó !

… và hai đứa bé đã chạy trốn vào trong kẹt bồ lúa !

   Hồi đó có tin đồn là chánh quyền có chủ trương thanh toán nạn mù chữ , hễ kiểm tra ai không đọc viết được thì bắt tập trung lên xã học . Do đó hai đứa sợ "bị bắt dốt" và chúng cũng ráng học .

   Nói rằng chúng học chậm và lười , song Chị gia công kềm cặp lâu dần rồi chúng cũng biết chữ . Đó là nền tảng căn bản để tôi sau nầy có dịp học các lớp cao hơn ; và hai em tôi đã biết chữ , sau nầy cũng nhờ đó mà chúng tự học thêm để có một số vốn chữ đáp ứng được những nhu cầu thực tế của cuộc sống hằng ngày .

   Có lần ở Xã tổ chức một cuộc thi để chọn lấy một số học sinh khá giỏi lên học trường Huyện , Chị đã đi hằng chục cây số để thi với ước ao mỏng manh là được đi học . Song ước nguyện đó chẳng bao giờ thành hiện thực, và nỗi khát khao được đi học cũng vì thế mà càng lớn lên theo năm tháng , cuối cùng trở thành xa vời , như một giấc mộng ! 

    Ba tôi thấy thương con nên an ủi :"Sau nầy độc lập rồi sẽ còn nhiều cơ hội để đi học …"

   … nhưng cơ hội đó chẳng bao giờ đến với Chị tôi…

   Sau nầy tôi mới biết vì sao mấy đứa con Chị lười hay bỏ học Chị đều rất phiền  muộn, trăn trở … Chúng có nhiều điều kiện để đi học hơn mẹ chúng ngày xưa rất nhiều, song sự học của chúng đã không đáp ứng được lòng mong mõi của Chị .                                      
   Với cái vốn học như vậy, nhưng Chị đã làm Thầy đến hai thế hệ :

Anh em tôi và mấy đứa con của Chị . 

   Rất tiếc là hồi ấy Chị chỉ có trong tay quyển vần quốc ngữ, cuốn "toán đố kiểu", vài bài luận văn mẫu của anh Phán - một người anh họ đem xuống từ Cần Thơ - để làm "sách giáo khoa" dạy cho bọn tôi . Hai đứa em gái tôi cũng tiếp thu được chừng ấy chữ nghĩa .

   Sau nầy có nhiều sách để học thì đã hết tuổi đến trường rồi ! Chúng bị cuốn theo dòng đời khi tuổi vừa mới lớn và phải cùng với gia đình bương chảy vì chén cơm, manh áo hàng ngày .

   Lúc đó nhà tôi đã dời lên Cần Thơ, cả nhà phải lao vào cuộc sống quay cuồng của đô thị ; chỉ có tôi là may mắn được đi học . Nhiều đêm tôi thức học bài khuya nghe tiếng máy may đạp chân chạy đều đều liên tục : Mấy chị em may "đồ dối" - ngôn ngữ gọi đó là hàng chợ - May cật lực mà kiếm chẳng được bao nhiêu tiền vì mỗi cái quần đùi chỉ được trả công có 5 cắc ! Phải may 10 cái quần đùi mới mua được một ổ bánh mì….

   Người Thầy học ngày xưa ấy , bây giờ dù cho có nhiều sách giáo khoa , dù các em có khát khao học, song cả "Thầy" lẫn "Trò" đều phải thay phiên nhau ngồi 8 tiếng đồng hồ trên cái máy may để may đồ dối thì không còn sức đâu mà dạy và học nữa …

   Nhớ ngày xưa, Chị không mượn được máy để may áo , phải ngồi đột tay suốt canh thâu, thì nay cũng suốt canh thâu Chị và hai em tôi "đột" máy để kiếm tiền ! Lúc bấy giờ người anh rễ tôi đi làm ăn xa để Chị và hai đứa con tá túc nhà Ngoại chúng, với cảnh gạo chợ, nước sông , Chị phải "cày" cật lực mới mong phụ với mẹ tôi một chút tiền chợ vốn đã rất khiêm tốn, dè sẻn  . 

O nha Bà

 

   Hai đứa em tôi không còn sợ bị bắt dốt nữa , và giờ đây chúng cũng có đủ chữ để viết thư, đọc sách báo, sử dụng được bốn phép tính để quản lý gia đình . Đó là những cố gắng thật phi thường của Chị và của chúng . Lẽ ra những nỗ lực ấy còn có kết quả cao hơn nữa khi nhà tôi  dời về thành phố ở, song khi ấy thì đã quá muộn để mà đi học hay tự học! 
   Khi các con Chị bắt đầu học các lớp bậc Tiểu học , Chị một lần nữa làm gia sư kèm cặp cho con , cũng với vốn liếng những bài toán đố kiểu , luận văn mẫu của anh Phán ngày xưa … và chắc chị cũng phải mò mẩm đọc thêm các sách giáo khoa để biết mà dạy cho tụi nhỏ theo chương trình chúng đang học ở trường . Người "gia sư" ấy phải đích thân ra bài, khảo bài, chuẩn bị sách vở , đích thân đi chọn truyện để mướn cho con đọc …

   Sau nầy khi tôi ra đời đi dạy học , mỗi lần điểm danh thấy một đứa trốn học hay lên trả bài không thuộc , tôi vẫn không bao giờ quên được những đôi mắt khát khao sự học và hình ảnh những đứa em tôi nằm dài trên bộ ván nắn nót viết chữ i  chữ tờ  ! Có bao nhiêu chữ trong cuốn "sách giáo khoa" ngày đó chúng đều thuộc hết cả rồi , và người "Thầy" cũng không được học thêm gì để dạy cho chúng nữa !...

   Khi chúng tôi hồi cư về xóm Ba Dinh , mấy đứa em tôi phải tham gia làm công việc đồng áng , còn tôi phải chăn giữ 4 con trâu . Nghêu ngao trên lưng trâu với cuốn sách giáo khoa cũ , nhưng tôi cũng ráng tìm học .

             Trâu ơi ta bảo trâu này,
             Trâu ra ngoài ruộng trâu cài với ta !
             … Và …  Ai bảo chăn trâu  là khổ ?
             Chăn trâu "sướng" lắm chứ ?       
                                                             
    Ban ngày trâu ăn mạ: bị la; trâu lên gò dậm phá vườn tược , mồ mã : bị chưỡi ! Ban đêm muỗi mòng , đĩa vắt , mưa dầm đứng giữa đồng nước chỉ với chiếc áo tơi …

                        

Trau2

 

   Khi mấy đứa tôi đã đọc , viết thông thạo , Chị dạy cho chúng tôi bài thơ , đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ vì nó gần đúng với hoàn cảnh của chúng tôi - Bài thơ nầy tôi không biết tác giả .

  Em mười hai tuổi Tết mười ba,

  Trần trụi quanh năm gió lộng nhà,
   Sáng sáng buồn hiu ra cửa ngắm,

   Những trò đi học bóng xa xa …

                           *
   Năm ngoái năm kia em cũng học ,
   Nắn từng cục đất viết i , tờ ,
   Chiến tranh đã phá trường em học,
   Mới ráp vần xuôi chịu tới giờ …
                            *
   Hôm nào lượm được vần ai bỏ ,
   Rách nát còn đâu có ít trang,
   Mót chút cơm thừa em dán lại,
   Lem hem tuồng chữ quý hơn vàng …
                             *
   Rồi khi thong thả trâu ăn cỏ,
   nằm ngữa lưng trâu mở quyển vần,
  Quên cả đời nghèo quên đói lạnh,
   Chữ còn , chữ mất đọc vang rân …
                    
  Chị tôi khi ấy đã lấy chồng xa và có ba đứa con , nhà nghèo, không có ruộng vườn lại sống ở vùng rừng xa tít Mũi Cà Mau, anh rễ tôi và Chị vật vờ như thân cò nước đục, kiếm ăn từng bữa giữa vùng nước mặn , rừng lá hoang vu đầy muỗi, mòng, đĩa, vắt …

   Khi ấy mỗi đứa chúng tôi đều có gánh nặng trên vai và do xa xôi cách trở nên Chị không còn bảo ban gì cho chúng tôi được nữa …    Nhiệm vụ lịch sử của người "Thầy" đến đây là hết , song các "Trò" đã dùng cái vốn chữ quý giá học được trong thời kỳ ấy cho đến hôm nay …
                                                 *

   Bây giờ chị đã có tuổi , mái tóc đã điểm sương . Các cháu tôi đều đã trưởng thành và đã lập gia đình . Chị đã có mấy đứa cháu nội , chúng đi học ở những ngôi trường khang trang , có đầy đủ sách vở, thầy cô …    Bốn đứa con của chị học hành cũng không thành đạt lắm, chúng không có nhu cầu khát chữ như các Dì và Cậu của chúng thời trước , và mẹ chúng - người Thầy đầu tiên - cũng chỉ kềm cặp chúng hết bậc tiểu học là hết chữ . Sau nầy, tùy theo khí chất của từng đứa và thời cuộc khi ra khỏi vòng tay của mẹ , sự thành đạt của chúng vẫn chưa đáp ứng  được lòng nguyện ước của Chị .

 Nhan Tri


Con thừ hai và thứ tư


   Có lẽ lúc nào chị cũng mong muốn tắm và kỳ hồm cho chúng như Chị đã từng tắm cho tôi ngày thơ dại . Sự lo nghĩ của Chị đôi khi làm tụi nhỏ bực mình , chúng đâu hiểu được rằng đó không phải là sự sạch, dơ , thiếu , đủ … mà đó là tấm lòng của người Mẹ.

  Anh rễ tôi là một người lỡ vận ở Sài Gòn, anh làm đủ thứ nghề để kiếm sống cho gia đình , song nhà vẫn thiếu trước, hụt sau . khi Cách Mạng thành công , anh tham gia công tác ở địa phương cũng có một chút danh vị , song do bản chất người trong sạch nên đến khi về hưu , nhà vẫn nghèo . Cuộc sống muôn vàng khó khăn cũng chỉ một mình Chị tôi lo liệu, gánh vát .

   Giờ đây Chị tuy tuổi đã cao, song thân cò vẫn phải lặn lội trong cánh đồng nước đục , bương chãy để tìm sự sống , tiếp tục lo cho những đứa con chưa tự nuôi sống được mình…

   Hằng ngày Chị quanh quẩn trong một quầy hàng tạp hóa nhỏ , thấp, chật chội và nóng như thiêu như đốt . Buổi chiều khi theo Chị về nhà tôi thấy Chị lại quần quật với nồi cơn , ơ cá .    Sự cực nhọc của chị thời con gái còn có những mãnh trời cao, rộng ; còn sự vất vã giờ đây là cảnh nhà tù .Má tôi mất đã lâu , không bao giờ còn thấy những cảnh như vậy để mà than tiếc cho Chị nữa …

   Có lần Chị nói đêm thấy một con bướm lớn bay vào nhà lượn lờ đậu trên tấm hình của mẹ tôi . Chị đốt nhang , van vái Người … và tôi nghĩ phải chăng mẹ về để nhìn lại những gì ngày trước mẹ thường bận tâm, than thở vì thấy Chị chưa bao giờ được rảnh rỗi thong dong ?… những sự vất vã , nhọc nhằn của Chị không thể làm cho mẹ yên lòng khi nhắm mắt… tuồng như lòng mẹ bao giờ cũng mãi còn vấn vít …

 

Me va Buom

                           "Sống là thể phách thác còn tinh anh" ?

                                                                       ND.

 Ba tôi , trong những lúc trà dư tửu hậu thường than thở với chúng tôi :"Thật tội nghiệp Chị của tụi con ! Thời con gái thì quá vất vã và không có một ngày rãnh rang ; khi lấy chồng rồi thì cuộc sống gia đình vẫn chìm nổi long đong … Bây giờ đám con của nó tuy đã lớn nhưng Ba thấy nó cũng chưa có lúc thảnh thơi …"

   Có thể nói , cuộc đời làm con, làm chị, làm vợ và làm mẹ của Chị là những chuỗi ngày dài gian nan , đắng cay, vất vả, vui ít, buồn nhiều…

    Ngày xưa , khi nghe mẹ tôi hát ru :

   Ru con nước mắt hai hàng…
   Con càng khôn lớn mẹ càng lo thêm …

   tôi không hiểu được vì sao người mẹ nuôi con được khôn lớn thì phải càng lo lo thêm ?

   Giờ đây tôi mới hiểu .

   Thế hệ của chúng tôi đã qua hơn nửa chặn đường . Các anh chị và các em tôi tản lạc khắp bốn phương trời , lâu lâu mới có dịp sum vầy , đoàn tụ để gợi nhớ lại những gì êm ấm của những ngày xưa cũ …

   Các em ! Hãy nhớ về ngưới "Thầy" năm xưa nhé ! Nếu có ai đến bắt dốt như ngày xưa thì các em không phải chạy trốn nữa ! vì chúng ta đã được người ấy dạy cho biết chữ rồi!

   Các Cháu ! Cậu mong rằng tụi con lúc nào  cũng  hướng về người mẹ có trái tim vĩ  đại  mà Cậu đã biết và  nhớ  mãi khi Cậu còn là một đứa trẻ thơ …
 
                                                           Hòa Hưng , 1988           

                                                    Biên tập lại tháng 7/2009

                        


 

 


 

10 nhận xét:

  1. đọc những dòng kỉ niệm này làm lòng ta như lớn thêm, cám ơn bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Chú ơi. Hồi học cấp 3, CNB cũng từng may gia công hàng chợ. Chú tính kể chuyện xưa
    lấy nước mắt mọi người phải không? Hóa ra "chị tôi chưa lấy chồng" cũng có vẻ hay hơn "chị tôi đi lấy chồng".....

    Trả lờiXóa
  3. thật cảm động và buồn cho chị .đến giờ vẫn quá nhọc nhằn .tiếc cho chị giá như chị ít con hơn .cho tuổi già đỡ phần vất vả .

    Trả lờiXóa
  4. @caonguyenbui :" Hóa ra "chị tôi chưa lấy chồng" cũng có vẻ hay hơn "chị tôi đi lấy chồng".....
    Việc nầy chắc phải có một cuộc hội thảo rộng lớn mới có thể ngã ngũ được.
    Hiện nay bà chị của chú đang sống với đứa con Út cũng tạm được. Mấy đứa con lớn của chị sống cũng đỡ và rất có hiếu với mẹ chúng . Như vậy , theo chú "Có chồng" vẫn hơn chứ ?

    @ kimdungvu :" đến giờ vẫn quá nhọc nhằn .tiếc cho chị giá như chị ít con hơn .cho tuổi già đỡ phần vất vả ."
    Cám ơn kimdung đã có sự đồng cảm. Nhưng hiện nay chị tôi cũng đỡ hơn rất nhiều . Hồi ký nầy miêu tả lại những thời kỳ khổ nhất trong đời Chị ấy . Bây giờ nhiều con lại tốt hơn : đứa nầy lo một ít, đứa kia lo một ít thành ra cuộc sống của chị cũng đỡ ...

    Trả lờiXóa
  5. Chị thật tuyệt vời, một người phụ nữ chân quê, sao lại am hiểu lẽ đời đến vậy. Nếu chị sinh ở thời này, được học hành đến nơi đến chốn chắc chị sẽ rất thành danh.
    Chị có nhiều "thứ" giống mình lắm. Học lớp sáu đã tự cắt, khâu áo cho mình mặc, khâu bằng tay và đột từng mũi. Những năm dạy học, một buổi phải nhận hàng về may gia công, và chiếc máy may là điều ước ao to lớn nhất trong đời của mình...
    Dòng đời cuộn chảy, những ký ức bao giờ cũng nhưng nhức một nỗi bâng khuâng thật là khó tả.

    Trả lờiXóa
  6. @ ngocyen054 :"Chị có nhiều "thứ" giống mình lắm. Học lớp sáu đã tự cắt, khâu áo cho mình mặc, khâu bằng tay và đột từng mũi..."

    Trời ơi ! Thì ra ở trên đời nầy những cảnh đời như Chị tôi cũng không phải là hiếm . Cám ơn NY rất nhiều về cái comment nầy . Chỉ có những người chị, người mẹ ấy mới sống và nghĩ được như thế về những cuộc đời như vậy .

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn anh Dũng đã viết về hoàn cảnh riêng, nhưng là dịp để tôi soi lại đời mình. Chị tôi, mãi tới bây giờ vẫn ở không, lo cho Mẹ già bệnh nặng, và người em trai cũng không khỏe. Ngày trước, chị tôi phải nghỉ học để nhường cho tôi bởi "con trai phải có chút chữ nghĩa". Giờ tôi xa quê nhà nghìn trùng, đám con trai chúng tôi không lo cho Mẹ già bệnh mà chỉ là chị tôi. Làm sao để Tình Người nở rộ trên Quê Hương để những đời bất hạnh tìm được hạnh phúc dù trong cảnh nghèo.

    Trả lờiXóa
  8. @dangtiendung viết : "Cám ơn anh Dũng đã viết về hoàn cảnh riêng" ...

    Cám ơn tiendung đã có một comment thật thú vị . Lúc đầu khi post các entry có tính cách riêng tư mình không định Publish . Nhưng sau đó nghĩ lại : biết đâu có người bạn nào có những hoàn cảnh tương tự và có sự đồng cảm với mình , và như thế những ưu tư trong lòng mình cũng vơi bớt được phần nào ...Chính vì ý nghĩ đó mà có những phần trích Hồi Ký nầy .

    Quả nhiên đã có những bạn đọc các bài nầy và để lại những cảm tưởng thật quý giá , thật dễ thương ...gây cho tôi niềm xúc cảm thật to lớn .

    Cảm ơn tất cả các bạn , ước mong rằng qua dịp giao lưu nầy chúng ta thân thiết và gần gũi nhau hơn ...

    Trả lờiXóa
  9. Anh thật hạnh phúc vì được làm em, và lại có 1 người chị có trái tim nhân hậu nhường ấy!
    Tôi thì không có diễm phúc ấy, vì phải mang thân là...anh cả trong gia đình.
    Được cái giống nhau là anh em trong gia đình đều rất yêu thương lẫn nhau. Không biết trong mấy cô chú em tôi, có ai được đức tính "yêu cội nhớ nguồn" như anh thedung hay không?

    Trả lờiXóa
  10. @ yenson : "Được cái giống nhau là anh em trong gia đình đều rất yêu thương lẫn nhau. Không biết trong mấy cô chú em tôi, có ai được đức tính "yêu cội nhớ nguồn" như anh thedung hay không?"

    Anh em biết yêu thương lẫn nhau thì lo gì chẳng "yêu cội nhớ nguồn" ?

    Tôi có một bài viết về người anh . Sẽ post lên và riêng tặng Yên Sơn .

    Cám ơn comment của Sơn nhé !

    Trả lờiXóa