Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Trích HỒI KÝ " Những ngày tháng cũ ..."

  
                                         
                                   NGƯỜI CHỊ


  Kính tặng chị VƯƠNG NGUYỆT THU


 




   PHẦN MỘT
 

    Hồi đó, khi nhà tôi đã suy sụp sau nhiều lần chạy giặc, tản cư rài đây mai đó . Mẹ tôi thì hầu như lúc nào cũng có em bé để bận rộn … Chị tôi đã đóng vai một bà Mẹ thứ hai đối với mấy anh em tôi . Riêng tôi, Chị như một người Vú : lo vá từ cái áo , giặt từng bộ đồ , rồi lo bữa ăn, tắm rửa …

   Hôm nào dẫn bọn tôi ra bờ ao để tắm rửa (tôi cũng không biết tại sao bọn tôi đã lớn cả mà lúc nào cũng đứng tồng ngồng cứ để cho Chị xối nước và kỳ hồm [ghét] ! ), đến phiên kỳ cọ cho tôi Chị đều ụa !

   - Tại sao mỗi lần kỳ cho em chị lại ụa ? - Tôi hỏi

   - Tại vì chú mầy tanh mùi chàng hiu quá !

     Chàng hiu là một loại nhái màu trắng trên lưng có sọc xanh , dùng làm mồi câu cá rất nhạy , vì chúng rất tanh !      

   Lúc chiến tranh ác liệt, gia đình tôi tản cư  xuống tận xóm Bàu Sen , mảnh đất cuối vùng Mũi Cà Mau mà ông nội tôi khai khẩn thời kỳ chưa có giặc .

   Vùng Bàu Sen rất xa sông cái và đồn bót giặc nên rất an ninh , song vì ta có chủ trương cấm thành  nên trong các vùng hậu phương hoàn toàn không có những thứ bắt buộc phải mua ngoài vùng địch tạm chiếm như vải, dầu lửa, xà bông , đá lửa , thuốc men …   

   Vì không có xà bông nên chúng tôi rất bẩn , nhất là tôi , vì tối ngày tôi đi bắt nhái bắt dế , cào cào để câu cá . Những mùi tanh bám trong người ,  trong quần áo , ở hai tay … lâu ngày thành thâm căn cố đế … Do đó , mỗi lần tắm và kỳ cọ cho tôi Chị đều ụa khan … Đến mãi sau nầy tôi mới biết người ta chỉ ụa khan khi tiếp xúc với một cái mùi thật khó chịu.

   Hồi ấy tôi là một đứa trẻ lên 6, 7 tuổi , tuy không đau yếu bệnh hoạn gì , nhưng không biết tại sao tôi cứ bị sổ mũi kinh niên ! Mỗi lần nước mũi chảy , do hai tay dính cá hay nhái nên tôi cứ đưa ống tay áo lên quẹt ! Lâu dần , hai bên tay áo đóng một lớp nhớt mũi dày … trông gớm chết !

   Không rõ mỗi lần giặt áo cho tôi Chị có ụa hay không ?

   Tôi không biết !

                                                                    *

   Trong vùng giải phóng thời đó không nơi nào có máy xay lúa . Dân phải xay lúa ăn bằng cối xay tự đóng và giả gạo bằng cối cây mù u với cây chài vồ nặng chừng 6, 7 ký có cán dài non một thước . Mấy anh em tôi đều còn nhỏ , anh Tư khoản lên 12, 13 tuổi , còn lại chúng tôi đều là một lũ nhóc , do đó việc xay giả một mình Chị tôi đảm đương .

   Những đêm khuya mơ màng trong giấc điệp , tiếng xay lúa ồ ồ đơn điệu hay tiếng chài giả gạo lẻ loi trong cái tĩnh mịch của đêm dài, tôi làm sao hiểu hết nỗi nhọc mệt , sự cô đơn của một người con gái chưa đến 18 tuổi nhưng phải lao động vất vả một mình , đáng lẽ đó là chuyện của đàn ông .

   Sau nầy , khi dòng đời có lắm điều thay đổi : Chị đã có chồng : một người đàn ông khỏe mạnh ; và Chị có đến bốn đứa con trai , song nhiều khi Chị phải làm những công việc nặng nhọc của người đàn ông . Nói khác đi, đàn ông ở nhà Chị không được "ga lăng" cho lắm !

   Chính vì công việc giả gạo là một việc khá nặng nhọc như  vậy nên ít khi Chị giả gạo được trắng . Muốn gạo giả thật trắng phải giả ít nhất là 1000 chài thật mạnh . Sức Chị thì chỉ giả được 5, 6 trăm chài nhẹ mà thôi …

   Ngày đó , chúng tôi rất vô tư , không bao giờ chúng tôi biết rằng dù có lúa trong bồ , song để có một nồi cơm trắng , dẽo còn phải đổ thêm nhiều mồ hôi nữa …

   Tôi còn nhớ , một hôm mẹ tôi thấy Chị quá vất vả vì hạt gạo cho cả nhà ăn  - tôi không rõ tại sao nhà chỉ có 6 người ăn , đa số là trẻ con mà mỗi tháng phải xay giả đến 20 giạ lúa ! Có lẽ lúa không tốt , cối xay sống , có nhiều tấm… nên gạo giả không còn bao nhiêu  - Mẹ tôi bảo :

   - Tụi bây chỉ biết ăn , không phụ giúp được gì với nó cả…

   Tôi đến cầm chài giả thử vào cối gạo . Ôi chao ! cây chài sao mà nặng thế ! Sức tôi yếu , không điều khiển được cây chài nặng rơi đúng vị trí của cối làm gạo văng tung tóe khiến Chị phì cười và vội đi thu dọn gạo đổ . Từ đó Chị không bao giờ cho tôi giả nữa …

    Mãi đến mấy năm sau khi đứa em thứ Bảy của tôi đã lên 10 hay 11 tuổi gì đó nó mới bắt đầu phụ với Chị tôi giả gạo ! Nhưng một con bé nhóc chưa hơn 11 tuổi thì phỏng có giúp được gì nhiều cho việc giả gạo của Chị tôi ? Tuy nhiên nó cũng cặp với Chị trong những lúc vất vả , cực nhọc khiến cho chị cũng cảm thấy được an ủi rất nhiều …

   … Và sự đỡ đần của con bé cũng là tín hiệu đưa một đứa bé gái vào tuổi lao động quá sớm … trong khi nó còn mãi miết ham chơi đến đổi bị bắt đưa em quá lâu nó bèn nghĩ ra cách lấy một ít nước chế vào quần em cho ướt và nói rằng em đái , rồi bồng em dậy để đi chơi ! 

   Những lúc quây quần tụ họp chúng tôi chưa có dịp nhắc chuyện cũ rằng chế Bảy của em Chín vì ham chơi sò đũa đã đánh thức em dậy bằng một phương pháp thật cổ điển mà hiện đại, vì không ai phát hiện được "mánh" ấy !

   … Giờ đây hai chị em đầu đã có những sợi tóc bạc , chị mới có cơ hội giúp lại em coi nhà để em đi làm ăn xa… Ồ ! cái vòng tuần hoàn ấy ngoảnh đi ngoảnh lại mà đã gần nửa thế kỷ rồi ! Chị và Bích giờ đây chẳng bao giờ còn có dịp giả chung cối gạo với nhau nữa ! Chuyện ngày xưa ấy quá xa xôi và rất cực nhọc nhưng cũng quá êm đềm, phải không?   

                                                      *

    Những buổi trưa hè oi ả , xóm làng chìm đắm trong bầu không khí yên tĩnh của một vùng quê , tiếng chày giả gạo vẫn đều đều , hòa lẫn với tiếng ru hời :

   Ầu ơ …

   Một mai thiếp có xa chàng ,
   Đôi bông thiếp trả , đôi vàng thiếp xin …

   Tôi nằm trên bộ váng gỏ giữa nhà trăn trở hoài nhưng không ngủ được , tiếng ru của mẹ tôi trầm bổng kéo dài , có khi như muốn ngưng vì chắc mẹ cũng đã thiu thiu vào giấc ngủ … tiếng chày giả gạo của chị tôi hay của Bích cũng uể oải … thình thịch … thình thịch… như không dứt khoát mà lại kéo dài…

   Ầu ơ …

   Trồng trầu thì phải khai mương ,
   (chớ) Làm trai hai vợ …(ờ) … phải thương cho đều…

   Xa xa… một tiếng gà nhà ai gáy buổi trưa , tiếng gáy cũng kéo dài …

… và rồi tôi cũng đi vào giấc ngủ cô miên … 

                                                       *

    Nhiều năm tháng đã trôi qua trong quảng đời lắm vất vả gian nan , vui ít , buồn nhiều của Chị , tôi không nghĩ rằng Chị đã quên những giây phút lao khổ nhọc nhằn của thời con gái , vì những dấu ấn ấy thật khó mà quên ! Bởi tuy nó nhiều xót xa cay đắng , song vẫn đầy thi vị đầm ấm thân thương của những ngày tháng cũ. Chắc Chị cũng không thể nào quên sự gợi nhớ của những chiếc lá gòn khô rơi lộp độp trước sân nhà trong tiết xuân sang; những bông ô môi  đỏ ối; bông còng xanh tím rơi lã tã trong những ngày tháng Tết …

   Ôi ! Bây giờ có đi một tháng ngày đường cũng không làm sao thấy được những cái bông ấy . Ở đây chỉ có nhà , đất và đá mà thôi ! Chẳng biết còn bao lâu nữa thì ta không còn thấy cây xanh !

Cau chau

                                                       Cậu và cháu ...

      Hồi đó có những đêm sau khi công việc đã xong , thường là 7, 8 giờ đêm , Chi vẫn chưa đi ngủ .

   Ở vùng giải phóng lúc đó vì không có dầu lửa, phải thắp đèn bằng dầu trong thứ để trét ghe hay bằng dầu cá … nên nhà nào cũng đi ngủ thật sớm . Ít thấy có ánh đèn lửa trong đêm .

   Chị thường thơ thẩn một mình với cây đàn banjo và đàn đi đàn lại những bản nhạc quen thuộc … 

   Trong vùng sâu hồi ấy làm gì có đờn ?  Song không biết ai đó đem chào bán cây đờn banjo ấy với giá 10 giạ lúa và tụi tôi phải xin mãi mẹ mới cho mua …

… Và Chị với cây đờn ấy đêm đêm vẫn đàn mãi mấy khúc ca…

…"Trãi qua mấy mùa thu kháng chiến…
    Chúng ta là người ở bốn phương
    Cùng thoát ly gia đình ra đi
    Cùng gặp nhau trong đại gia đình
    Vệ quốc quân, vệ quốc quân…"

   Tôi tuy buồn ngủ díp cả mắt nhưng cũng ráng thức theo Chị . Có lúc tôi hỏi :

   - Khuya rồi sao chị chưa đi ngủ ?

   Chị chỉ ừ à chứ không trả lời .

   Mãi về sau Chị mới nói : Thời gian rãnh rỗi không có là bao , đi ngủ sớm cũng thấy tiếc …

   Lúc ấy không có ai là ngươi đồng điệu với Chị . 
  
                                                  *
   Bây giờ chúng tôi đứa nào đầu cũng có những sợi tóc bạc hoa râm . Ở Thành phố ,  ánh đèn điện che khuất ánh trăng; những mái nhà san sát che phủ cả những khoản trời cao rộng; khói  bụi lúc nào cũng bao phủ con người … và Chị , những buổi trưa hè oi ả dưới cái nóng thiêu người của một gian hàng xén nhỏ mái tôn thấp lè tè và chật chội , chị có nhớ về những buổi trưa hè giã gạo ở xóm Nhà Cũ năm xưa? 

                                                 *
   Giờ đây tuy không phải là những công việc nặng nhọc như xay lúa , giã gạo , bữa củi , gánh nước … như xưa, song , chuyện mất còn, đói no, thiếu đủ … còn nặng gánh trên đôi vai của Chị hơn một công cấy , một gánh nước , một cối gạo rất nhiều …

   Hồi đó, khi nhà tôi dọn về xóm Láng Dài , việc thu lúa tô không còn nữa , chúng tôi phải ra làm ruộng ! Chúng tội phải đi cấy vần công với bà con nông dân trong xóm .

   Tôi còn nhớ, một hôm tôi và Chị tôi qua sông cấy vần công cho ông Hai Tỵ .

   Địa hình đất của ông Tỵ thì chúng tôi làm sao mà biết được cho nên các chị , các bà đi cấy trong đám đó đã chạy ra trước bắt những công đất trên gò hết rồi ; còn lại hai chị em tôi bắt nhầm công ở sát bờ lung , nước sâu ngập đến quá gối ! Hôm ấy lại có trời giông mưa lớn và kéo dài … mạ thả cứ trôi dạt xuống phía dưới … Tôi lạnh quá cứ trầm mình dưới nước không cấy giúp Chị  được gì , một mình Chị tha thẩn giữa cánh đồng sâu trong khi bạn cấy đã về hết. Hôm đó mãi đến khi trời về chiều , hai chị em mới thất thiểu ra về trong đói lạnh .

   Một công cấy nọc , nếu là nông dân chính hiệu làm giỏi thì người ta chỉ cấy 6 giờ sáng đến 10 hoặc 11 giờ là xong . Tôi , mẹ và Chị tôi cấy 2 công thường là phải đến xế chiều ! 

   Chuyện đi cấy lúa của Chị tôi là thế đấy . Đã nhiều năm tháng trôi qua , những chuyện cũ vui, buồn hầu như đã đi vào dĩ vãng , song những ngày tập đi cấy gian nan của Chị thì tôi không thể nào quên …

                                                  *

   Có những đêm trăng vào tháng mùa hạn , ở sân nhà bác Bảy Lính , một số trai làng tụ tập lại giả gạo chày đôi . Những tiếng Bịch ! Cum ! Bịch ! Cum vang động cả khúc xóm : tiếng Bịch trầm là do chày giả xuống cối gạo ; tiếng Cum là tiếng thanh do chày được nhịp xuống tai cối . Cối giã gạo của Bác Bảy Lính là cối làm bằng cây mù u nên âm gõ rất trong và vang xa … Nhiều người giả giỏi như anh Kiệt , Tám Hô, Keo , Tánh , On… đã biến buổi giã gạo thành như buổi tấu nhạc : điệu bộ nhịp nhàng của các anh kèm với tiếng trầm bổng , nhặt khoan lúc nào cũng cuốn hút người nhìn và nghe một cách say mê … Riêng tôi , tôi rất mê xem và nghe giã gạo chài đôi , hễ nghe tiếng cụp , cum  thì thế nào tôi cũng đến xem …

                                                  *

   Ít khi nào chị tôi bày ra giả gạo đêm , nhưng tôi còn nhớ , vào  những ngày giáp Tết , và  đó là một đêm sáng trăng , sân nhà tôi phẳng và khô ,  lá gòn rụng đầy cả mặt sân ; đàn dơi quạ bay lượn quanh những cây gòn ăn trái non , chúng đánh nhau chí chóe . Mẹ tôi gợi ý đem cối ra sân giả gạo nếp chuẩn bị cho 3 ngày Tết .

   Trăng đã lên đến đọt cây còng bên sân nhà anh Năm Khuyên . Chúng tôi trãi chiếu quây quần chung quanh cối gạo . Chị và Bích giả được một chút thì anh Keo và anh Tánh tới .

   Anh Tánh là con Bác Sáu Còng ở cuối xóm . Anh là một thanh niên  rất hoạt bát và vui tính , anh có cái miệng móm và nói chuyện rất có duyên ; anh Keo là người dân tộc Khơ me , miệng anh còn … móm hơn cả miệng của Tánh … Không hiểu sao hai người , một kinh một Khơ Me lại chơi rất thân với nhau . Đặc biệt là hai anh biết rất nhiều chuyện dân gian và chuyện ma . Thỉnh thoảng hai anh ghé nhà tôi chơi vào buổi tối và lúc nào cũng có "chuyện đời xưa" để kể cho bọn tôi nghe .

   Để chiêu đãi hai anh , chúng tôi thường kiếm một miếng giấy nhựt trình cũ  - thời đó sách báo hầu như không có , chỉ ở nhà tôi , thỉnh thoảng Ba tôi đi công tác ghé qua nhà mang cho chúng tôi một cuốn"Lịch cứu Quốc"hay một tập truyện, do báo Cứu Quốc xuất bản . Tôi còn nhớ đó là Truyện Xóm Liễu Bảo , Truyện Tây Đầu Đỏ của Phạm Anh Tài , tức nhà văn Sơn Nam , truyện Một bó rơm …

…và miếng giấy nhựt trình cũ quấn thuốc rê của má tôi để ăn trầu là một món quà quý hiếm đối với các anh …

   Chuyện cuối cùng của các anh thường là chuyện ma . Vừa chấm dứt câu chuyện , hai tên thổi đèn tắy phụp và bỏ chạy ! Tụi tôi sợ quíu cả người , hét toáng lên trong khi Chị tôi quờ quạng tìm cây con cúi để mồi đèn …

                                                  *

   Đêm ấy Chị tôi mới giả được mấy chày thì hai anh tới . Keo nói :

  - À tụi bây kiếm tao hai điếu thuốc rê , tao và Tánh sẽ giả chài đôi cho coi...
 
   Dĩ nhiên chúng tôi rất vui lòng và rất khoái .

   Hai tay vừa phập phèo điếu thuốc thì chúng tôi cũng khệ nệ mang ra thêm một cây chày lớn khác - chày của Bích giả chỉ là chày bé tí , người lớn giả không xứng tay .

   Tiếng cắt - cụp - cum và những động tác nhịp nhàng của hai anh bên cối gạo dưới ánh trăng làm cho chúng tôi hết sức thích thú , say sưa , nhìn và nghe , chúng tôi  thả hồn vào trong một giấc mộng xa xôi …

  Tiếng chày đôi giả gạo trong những đêm trăng giờ đây và vĩnh viễn về sau , chúng tôi không còn bao giờ nghe và thấy nữa , nhưng trong tâm hồn tôi , mỗi khi gợi nhớ là tôi như thấy và nghe lại tiếng chày của thuở xa xưa …

                                                                                          (Còn nữa)



6 nhận xét:

  1. Chú làm CNB nhớ thời đi nhổ mạ và cấy lúa quá. Đất gò cao, cứng ngắc phải dùng nọc. Cấy bằng nọc phải chuyên nghiệp mới nhanh kịp người ta. Gặp vuông đất trục kĩ thì mừng húm, vì chỉ cần nhón nhúm mạ nhét xuống nhẹ nhàng là xong. Mà ở nông thôn thì người phụ nữ luôn cực nhọc, có khi tự mình nhảy ra làm, chẳng ai sai biểu gì. Làm riết thành như nhiệm vụ của mình luôn. CNB thì do đời đưa đẩy nên sống cùng nông dân, riết cũng lậm kiểu nông dân. Đi lung tung khắp nơi, học tiếng tây tiếng u, tiếp xúc nhiều loại người, rồi cũng vẫn thấy "nguyên cánh đồng lúa" trong từng cách ăn cách nghĩ....Hic. Bài chú viết buồn quá xá buồn chú ơi.

    Trả lờiXóa
  2. Nghe mênh mang cả một quá khứ lung linh. dịu vợi như những nốt nhạc trầm trầm buồn buồn kia.
    Thời mà để được hạt gạo trắng trong bữa ăn, là biết bao giọt mồ hôi tuôn đổ trên đôi vai những người phụ nữ trong gia đình.Họ thầm lặng tảo tần, thầm lặng hy sinh. Hạnh phúc riêng của mình thì phó mặc cho ông trời.
    Vậy mới thấy, phụ nữ ngày nay sung sướng quá. Những trang đời của những mẹ , những chị ngày ấy rồi sẽ chỉ còn trong những áng thơ...

    Trả lờiXóa
  3. đọc hồi ký và thấy lòng bâng khuâng thương nhũng người phụ nữ ngày trước tảo tần vất vả quá và tấm lòng tận tuỵ .trong đó có mẹ và chị gái anh .và cả mẹ Kd nữa .

    Trả lờiXóa
  4. caonguyenbui@ "Đi lung tung khắp nơi, học tiếng tây tiếng u, tiếp xúc nhiều loại người, rồi cũng vẫn thấy "nguyên cánh đồng lúa" trong từng cách ăn cách nghĩ....Hic. "

    Dĩ vãng đối với những người lớn tuổi luôn là những kỷ niệm êm đẹp, nhưng bao giờ cũng đượm vẽ buồn ...Ai ngờ cháu cũng có một thời biết cấy nọc , biết trục đất ... Ôi ! con bé nầy sao gần với cuộc sống của ta quá nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  5. ngocyen@ "Những trang đời của những mẹ , những chị ngày ấy rồi sẽ chỉ còn trong những áng thơ..."

    Nhưng những trang đời và những trang thơ ấy sẽ mãi còn đọng lại đến ngàn sau ...

    Trả lờiXóa
  6. kimdung@ "đọc hồi ký và thấy lòng bâng khuâng thương nhũng người phụ nữ ngày trước tảo tần vất vả quá và tấm lòng tận tuỵ .trong đó có mẹ và chị gái anh .và cả mẹ Kd nữa ."

    Thật bất ngờ là có một người ở chốn xa đồng cảm với ta . Cám ơn KD đã thể hiện tấm lòng thương cảm đến những người thân yêu nhất của chúng ta .

    Trả lờiXóa