Thứ Ba, 7 tháng 7, 2009

Trích HỒI KÝ ...

                                                 

 

   TRƯỜNG XƯA …

   Thân tặng : HỒNG ĐÀO , NGỌC YẾN, CAO NGUYÊN, HÒANG guitar ... và các bạn đã ... từng đi dạy học !

 

 

 

 

Chiều thứ năm , tôi xem Giáo án của cấp I thì thấy thiếu Giáo án của cô Xuân dạy lớp 5

Hỏi ra mới biết Xuân đi thăm chồng đột xuất . Chồng của Xuân là một Trung tá ngụy đang bị đi học tập cải tạo . Cô có hai con và đang tá túc trong căn phòng xép cạnh cầu thang của trường .

   Đầu năm học, chị Hiệu trưởng – là một cán bộ ở A vào – có ý không muốn xếp lớp cho các cô có chồng là sĩ quan ngụy đang đi học tập cải tạo hay đã vượt biên trong biến cố 30 tháng 4 . Song do tình trạng thiếu GV nên Sở GD buộc các trường phải nhận những người nầy đứng lớp .

   Hỏi cô Hạnh là bạn thân của Xuân sao Xuân không xin phép nghỉ thì Hạnh bảo rằng : tối qua có tin người quen nhắn nói rằng ở trại cải tạo có cho thân nhân thăm nuôi 2 ngày và xuân dẫn con đi ngay không kịp xin phép .

   Tôi thở dài và nghĩ rằng thế nào rồi Xuân cũng bị bà HT một vố nặng vì tội nghỉ không xin phép , mà nghỉ vì lý do đi thăm chồng đang học tập cải tạo .

   Quả nhiên Xuân bị chuyển xuống làm Giáo viên Dự khuyết . Bà Rẻng (GV ở A vào) lên dạy lớp 5

   Theo truyền thống của trường thì những lớp có số thứ tự là 1 là những lớp điểm của khối.

   Tôi là Hiệu phó phụ trách chuyên môn của cả hai cấp thật không yên tâm chút nào khi bà HT quyết định giao lớp 51 cho cô Rẻng bởi tôi có đọc hồ sơ của cô nầy : Bằng cấp của cô là 7 + 1 , chuyên môn là thể dục ! Vậy bà nầy có biết gì về phổ thông mà lên lớp dạy ?

  Bà Nga Hiệu trưởng nói rằng “ chỉ cần có quan điểm lập trường vững thì mọi thứ sẽ ổn”

  Nói y như lời của Mao chủ tịch vậy ! Có một cái gì đó không ổn trong lòng tôi nhưng tôi không sao hiểu được .

   Về số phận của Xuân chăng ? – Không phải ! vì tuy cô bị “đày” xuống làm Giáo viên Dự khuyết thế mà nhàn . Vẫn lãnh đủ lương .

   Về chất lượng của lớp 51  chăng ? Tôi cũng không biết ! Có lẽ cả 2 và còn nhiều thứ khác nữa .

   Tôi cũng bị mất nhiều thứ , nhưng thôi, miễn hết giặc giả là được rồi

  Nhớ hồi làm hồ sơ GV để chuẩn bị năm học 75 – 76 , tôi bị đánh xuống C.2 vì bằng cấp là CN Luật . Hồi ấy cử nhân Triết và Luật không được coi là bằng Đại học mà chỉ tính là bằng Tú tài ! Mấy ông CS không ưa mấy tay triết gia và luật sư ! Vì thế mà tôi bị đưa xuống dạy C.2   

    Chiều chiều khi tan học, tôi còn ở lại trông coi các lớp phổ cập, tôi thấy mẹ con Xuân tha thẩn trong sân trường . Lòng tôi xao xuyến bâng khuâng khi nghĩ đến những đứa trẻ  không có cha sống lây lất với gạo Tổ pha bo bo và người chinh phụ dõi mắt trông chồng từ nơi xa tít , không có án , không biết ngày nào được về . Ở đây mẹ con nàng sống cô chích giữa những người đồng lọai của mình .

 

Baby in the box

 

   Các Frère Dòng La san được cho ở lại trên dãy lầu phía sau

trường, thỉnh thoảng giúp mẹ con nàng một ít gạo, rau củ … Song

bản thân họ cũng ăn gạo sổ nên dù thương xót , nhưng việc giúp đỡ

cho mẹ con nàng cũng rất hạn chế.

   Thằng Tâm , con Tuyết là con Xuân thỉnh thoảng cũng được tôi

cho ít kẹo. Nhưng kẹo thời ấy chất lượng kém lắm , nên cho là để

cho chúng mừng mà thôi .

    Ở đây tôi không tiện ra mặt chăm sóc cho mẹ con Xuân vì nàng khá đẹp , tôi không muốn anh chị em trong trường hiểu lầm rằng tôi có biệt nhãn với nàng . Vã chăng lúc ấy nhà tôi vừa mới sinh cháu bé đầu lòng , nhà tôi cũng rất khó khăn , thường phải xin “viện trợ” gạo, xăng từ dưới quê nhà .

   Trong trường có đến 6 cô giáo có chồng đi học cải tạo hoặc đã vượt biên ra nước ngòai sau biến cố 30/4, nhưng không ai có hoàn cảnh như Xuân : Không có nhà ở, không bà con thân thích, sống đeo bám  ngành Giáo dục với số lương chết đói 43đ/tháng .

 Anh Nghiêm chồng của Xuân nguyên là một trung tá thuộc sư đoàn 22 Bộ Binh , đi học cải tạo không được gia đình tiếp tế .

   Có lần Xuân đưa cho tôi cái radio nhờ tôi bán dùm . Tôi biết đó là những tài sản hiếm và có giá trị kém nhưng nàng cũng phải bán đi để thêm phần rau cháo cho hai đứa trẻ .

  Năm sau tôi đổi sang trường khác, không còn có tin tức gì của Xuân nữa, không biết rồi mẹ con của cô sống ra sao ?

                                               *

Khi tôi đến nhận nhiệm vụ ở một ngôi trường mới cũng ở Q.3, tôi được nhà nước cho ở một căn nhà nguyên là kho sách của trường . Đây là một ngôi trường C1.2 lớn nhất Q.3 với 56 lớp .

  Năm học trước trường đứng thứ 13 (hạng chót) sau kỳ thi TN PTCS.

  Anh Trưởng phòng GD là dân tập kết về và là người đồng hương với tôi . Khi trao quyết định cho tôi , anh nói :

  - Cậu về trường nầy cố gắng vực nó lên  chứ mấy năm rồi nó tòan hạng bét !
                                                                    
*

Nhân vật đầu tiên tôi tiếp xúc là anh Sang , nguyên Tổng Giám Thị trường Bồ Đề . Trước giải phóng anh là bạn thân của tôi .

   Anh là một Giám thị bẩm sinh rất giỏi trong việc duy trì kỷ luật, nền nếp trong trường .Thời đó, các ông các bà ngoài Bắc mới vào chỉ trích nền giáo dục ở miền Nam rất dữ , nào là phản động , nô dịch …Hệ thống Giám thị trường học bị giải tán . Các bác nói là phải để học sinh tự giác trong mọi tình huống kỷ luật , và lệnh cấm đánh học trò thi hành rất nghiêm ngặt  . Nhiều thầy cô bị kỷ luật vì đã “dám” đánh học trò !

  Anh Sang TGT khét tiếng đánh học trò ngày xưa đã đến với tôi ngay sau khi tôi vừa nhận bàn giao xong .

  Anh em lâu ngày mới gặp nhau tay bắt mặt mừng . Sau một hồi hàn huyên , anh hỏi thẳng :

- Anh có cho phép tôi đánh học trò không ? Câu hỏi nầy đối với tôi thật khó trả lời một cách dứt khóat , buộc tôi phải trả lời lấp lửng:

- Theo nguyên tắc thì tôi không thể đồng ý cho anh đánh học sinh , nhưng anh có thể làm theo ý anh và anh phải chịu trách nhiệm về việc ấy … Tóm lại anh đánh sao mà phụ huynh đừng kiện cáo là được .

Mắt anh sáng lên, anh nói chắc như đinh đóng cột :

- Anh yên chí , sẽ không có PH nào kiện cáo gì đâu !

   Quả nhiên trong mấy năm trời làm việc với tôi , PH rất mến và tin cậy anh .

   Còn học trò ?

   Chúng gọi anh là Bố , chúng chơi với anh như bạn. như là cha con...

   Nhiều năm sau, một hôm Sang sửa nhà , tôi ghé lại thăm thì thấy một đám học trò đang xúm xít cùng làm với thầy . Nhìn kỷ thì tôi thấy tòan là những đứa mà tôi đã nhẵn mặt khi xưa . Chúng là những học sinh cá biệt quậy phá thiếu điều gần banh cái trường !  

   Anh Sang có một đức tính rất đặc biệt là không bao giờ anh “đầu hàng” một ca khó và gởi HS đó xuống cho tôi  . Tự anh giải quyết hết cả mọi tình huống phức tạp, kể cả với phụ huynh .

   Một lần tôi ghé vào phòng Sao đỏ lúc anh đang xử kỷ luật 3 tên quậy có tiếng ở lớp 8 .

   Anh nói :

- Tội trạng của tụi bây rành rành ra rồi , bây giời thầy sẽ đánh mỗi đứa 3 roi và xếp hồ sơ . Nếu đứa nào sợ đòn, thầy chỉ đánh 1 roi và mời phụ huynh đến làm việc …

   Và cả 3 đứa đều chịu phạt 3 roi .

   Anh đánh rất nhịp nhàng và luôn nhắc nhở :

- Roi nào mà nhúc nhích thì không tính .

   Anh đánh chậm từng roi, từng roi , tiếng vang nghe rất lớn .

   Buổi chiều khi gặp anh tôi nói :

- Ông đánh mạnh nghe ghê quá !

- Đó là dơ cao đánh khẻ ! Anh biết không ? Tôi đánh thằng bị đánh không đau lắm, không có dấu roi , nhưng thằng đứng ở ngòai thì sợ xanh mặt .

- ?

- Tôi đánh trượt trên cái quần của nó nên nghe rất kêu mà ít đau .

Thì ra muốn đánh cho người khác sợ và cho người bị đánh ít đau cũng phải có “nghệ thuật” !

    Có lần, lúc trà dư tửu hậu tôi hỏi Sang về bí quyết đánh học trò mà chúng nó phục và không ghét.

   Anh suy nghĩ khá lâu rồi nói :

- Có nhiều thứ lắm , không thể nói hết được, nhưng có một điều căn bản nhất là khi mình đánh chúng  mình không được giận mà phải với tấm lòng thương chúng  …

  Tôi nghĩ đó là Giáo dục .

  Và chuyện của anh Sang là một bản trường ca rất dài, rất thú vị .

Có dịp tôi sẽ trở lại .

    Lúc ấy tôi tự tuyển thêm 1 Giám thị nữa với danh nghĩa là GV dự khuyết cấp 1 cùng làm việc với anh Sang và để cho hai anh một phòng rộng rải với danh nghĩa là phòng Sao Đỏ .

  Tôi đã cầm đèn chạy trước ô tô nên thiên hạ đồn đải râm ran là trường NVH đã tổ chức cho Giám thị đánh học sinh . Vì thế tôi bị thanh tra ! Chủ yếu là họ muốn moi móc việc tôi tổ chức hệ thống Giám thị trong trường học .

  Tôi phải chối phăng rằng đó chỉ là hệ thống Sao đỏ của trường v..v…

  Năm đó hai cấp của trường tôi thi đậu 100% đứng hạng nhất trong quận và đồng hạng với hai trường khác của TP .

   Trong báo cáo tổng kết tôi chỉ dám nêu vai trò tích cực của Đội sao đỏ trong việc giáo dục và duy trì hệ thống kỷ luật của trường đã góp phần lớn cho chất lượng giáo dục …

  Tôi rất cám ơn anh Sang và coi việc thử nghiệm hệ thống giám thị trong trường đã có lời giải đáp .

   Song những người ở A vào rất dị ứng với việc tổ chức GT trong trường nên tôi vẫn phải làm “lén” .


   Đến đây tôi chợt nhớ đến một kỷ niệm cũ thời trước giải phóng .

   Năm 1974 tôi dạy mấy giờ văn lớp đệ tam trường La San Đức . Đây là trường của các ông Frère dòng La San . Trường tòan con trai chúng phá phách như quỷ .

    Một hôm trong giờ tôi đang giảng bài , tôi thấy ở dãy bàn cuối bọn trẻ nhốn nháo , mất trật tự . Tôi liền đi xuống và bắt gặp một tên đang cầm trong tay tạp chí Play Boy !

   Tôi túm cu cậu lên và bắt đứng trên bục hai tay chống lên bảng .

Tôi tuyên bố sẽ đánh 2 roi và gởi xuống  phòng Giám thị . Thằng bé năn nỉ tôi xin chịu 5 roi và xin tôi  xóa án cho nó . Đó là thông lệ : chịu 5 roi thì khỏi bị lôi thôi với Phòng Giám thị .

   Tôi đồng ý và cầm cây roi mây quất vào mông thằng bé .

   Chẳng may thằng nhóc nầy dám chơi nhưng không dám chịu nên trong chớp mắt với phản ứng tự vệ nó đưa tay xuống đỡ .

   Bốp !

  Cây roi của tôi quất trúng chiếc đồng hồ của thằng bé bể nát, miễng kiếng văng tứ tung !

   Bọn trẻ xanh mặt ngồi im re .

  Tôi cũng giật mình và đuổi nó về chỗ .

   Hình phạt như thế là tan . Song tôi cũng tịch thu cái tạp chí khêu dâm ấy và giao cho Frère giám học ( Frère Stephan ) .

   Câu chuyện tưởng đến đó là chấm dứt, ngờ đâu tuần sau tôi vào trường được Frère Tổng Giám thị kể lại rằng : mẹ thằng bé là vợ của một ông đại tá Biệt Động quân vào trường làm dữ với Frère Stephan : Bà ta đòi đưa tôi ra tòa vì tội đã đánh con bà .

   Nhưng Frère Stephan là một vị Giám học rất cứng rắn . Ông trả lời với bà ta rằng :

- Bà cứ đi thưa . Tôi sẽ đi hầu với tất cả vật chứng , và xin mời bà đưa cháu sang trường nào người ta chấp nhận cho HS xem tạp chí Play Boy  trong lớp .

  Thế là bà ta xìu ngay .

    Đó là một trong những kỷ niệm cũ trong cuộc đời đi dạy học của tôi , và cũng là một trong những kinh nghiệm tôi rút ra sau nầy khi gặp những tình huống tương tự


tổng kết năm học 90- 91.  

                                                      *

Trường NVH nằm trong địa bàn P.10 và P.11 , Q.3 là khu lao động ổ chuột , đa số PH rất nghèo nên có nhiều chuyện cười ra nước mắt .

  Ở lớp 53  có một học sinh nhất định không chịu nộp hình để dán học bạ và thẻ dự thi . Em nói rằng mẹ không cho tiền chụp hình .

   Cô giáo CN mời PH mãi nhưng gia đình không tới , buộc cô phải tới nhà .

   Và đây là mẫu chuyện cô GVCN lớp  5 trao đổi với tôi :

- PH nói rằng sẽ không cho con đi học nữa ! Thi đậu Tiểu học rồi làm được việc gì ? trong khi con bé đi bán trà đá ở ga Hòa Hưng mỗi ngày cũng kiếm được cho bà mấy chục bạc !

- Rồi sao nữa ?

- Tôi phải bỏ tiền túi ra dẫn con bé đi chụp hình …

Ơn trời ! Cuối năm con bé thi đậu tiểu học ! và tôi cũng quên không theo dõi xem nó có lên học C.2 hay là nghỉ học luôn để đi bán trà đá …

Tóm lại trường ở trong một địa bàn như vậy mà muốn có chất lượng giáo dục tốt thì quả là rất gian nan !

                                                    *

Về phía thầy cô cũng không kém phần khó khăn về đời sống .

Tôi còn nhớ cô giáo Màng dạy lớp 4 của trường có tới 6 đứa con trong đó có 2 cặp sinh đôi . Cặp sanh đôi sau là hai đứa con trai chỉ mới 4 , 5 tuổi , Chồng cô là một trung tá Biệt động quân đang đi học cải tạo ngoài Bắc .

Không cần nói chắc ai cũng hiểu được là gia đình của cô khó khăn đến mức nào .

Nhà cô ở trong một con hẽm cạnh trường . Một hôm sau khi tan học tôi về đến nhà thì thấy 2 thằng nhóc nhỏ con của cô ngồi trước thềm nhà tôi. Trông chúng lờ đờ , mồm sễu dãi .

Tôi hỏi :

- Sao giờ nầy tụi con còn ngồi đây ? Ăn cơm chưa ?

 

khon cung

    Thằng anh tên Bi đáp :

- Dạ hồi sáng tới giờ tụi con chưa ăn cơm .

   Tôi trố mắt lên nhìn và chợt hiểu : Chúng đói !

   Tôi vào  kêu nhà tôi lấy tô bới cho 2 đứa mỗi đứa một tô cơm chan nước cá đưa cho chúng ăn . Một lát sau chúng tỉnh lại …

   Tôi hiểu, chị Màng lên lớp với những gánh nặng trên vai như thế thì khó mà đòi hỏi chất lượng tốt các buổi dạy của chị .

                                                                *

   Mấy năm sau, anh Tuyên chồng của chị Màng được thả về và sau đó được đi HO .

  Anh chị và các cháu vẫn thường xuyên  thư từ liên lạc với gia đình tôi .

  Tết vừa qua tụi nhỏ gởi về cho nhà tôi 500 đô la gọi là quà mọn cho thầy cô ăn Tết .

   Quà của bát cơm Phiếu mẫu đó chăng ?

                                                                      Hòa Hưng 2005

   

 


  

  

 

5 nhận xét:

  1. Chân thực và sâu lắng lắm anh thedung à!
    Anh có thể post tiếp cho mọi người được xem cuón Hồi Ký của anh không vậy?

    Trả lờiXóa
  2. Vâng, tất cả những điều anh nêu đều rất thực và xúc động. Đó là những tháng ngày không thể nào quên. Y. cũng bắt gặp trong ấy phảng phất những mảng đời của mình. Học trò Y. ở vùng biển, nhiều vị cha mẹ ngay đến chữ ký còn không biết, quanh năm lăn lóc cùng nắng gió trên biển để kiếm miếng cơm. Sự học quả là một điều xa xỉ. Học trò đi chân đất đến trường, quần áo khét cháy mùi biển, một buổi đi học, một buổi theo gia đình kiếm cá, đổi cơm.Thế thì làm sao học giỏi cho được. Nhưng theo chỉ tiêu, lớp dưới cứ đẩy lên lớp trên, đến lớp năm mà nhiều em đọc còn vấp.
    Đánh học trò ư? Y. có đánh , nhưng giống như người bạn của anh, Y. chưa bao giờ bị PH phàn nàn, vì học trò biết cô đánh đúng tội, và cô yêu chúng vô cùng. Có một kỷ niệm Y nhớ mãi. Có lần Y phải qua điểm trường cấp 2 để họp, đúng giờ ra chơi, cả lớp 6 chủ nhiệm năm trước ùa ra, vây chặt lấy, reo hò mừng rỡ. Đến nỗi bà hiệu trưởng phải lên tiếng giữa hội đồng rằng “ Công tác chủ nhiệm phải như thế nào mới được học sinh cũ yêu thương như vậy…” ….

    Bây giờ, đã đổi mới nhiều, những điều bất cập đã dần dần được thay đổi, chất lượng được đề cao, người thầy được tôn trọng. Nếu ai cũng thực hiện đúng lương tâm của mình thì kết quả tốt đẹp là điều đương nhiên. Nhưng…
    Chữ nhưng thật nghiệt ngã anh ạ.

    Cám ơn anh về entry này.

    Trả lờiXóa
  3. Nhà CNB có 6 người(Cha, mẹ, 4 chị em), thì 5 người theo nghề giáo. Chú post tiếp đi chú. CNB không dám có ý kiến gì. Những gì mà giáo viên đã trãi qua và trăn trở cũng đều giống nhau cả thôi.

    Trả lờiXóa
  4. Anh Dũng quý mến, đọc những giòng về đời dạy học của anh, tôi cảm được nổi khó khăn của vai trò Thầy Cô. Vào lớp hai (hồi trước gọi là lớp tư), vì bực tức anh bạn chọc ghẹo (tuổi con nít mà) nên tôi đã dùng cây viết bic "đâm" vào gương mặt của anh bạn này (anh này là học trò được cô giáo cưng nhất). Thế là tôi bị ăn 10 cây roi ngay vào hai bàn tay (bàn tay lật ngữa mới đau kinh khủng).
    Câu "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" có lẽ mình nên coi lại việc roi vọt có cần thiết trong việc giáo dục trẻ thơ hay không. Ở bên tôi, sắp tổ chức Tết Trung Thu cho các cháu, đặc san của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn có chủ đề thiếu nhi, tôi có ý định viết về đề tài Thương Cho Roi Cho Vọt, nhưng thời giờ đi qua, mà mình chưa bắt đầu dù "ý" đã sẵn.
    Tôi chủ trương dùng tình thương để dạy dỗ. Tình Người cần phải được xây đắp. Khởi đầu là ngay trong gia đình và kế bên là học đường. Xã hội mai này sẽ là một xã hội lành mạnh khi Tình Người gieo trồng từ hồi thơ ấu.
    Roi vọt không phải là phương pháp giáo dục lành mạnh. Càng đánh càng khiến đứa trẻ thêm "lì đòn". và đứa trẻ càng khó dạy hơn. Tình thương, lời ngọt ngào, cử chỉ ân cần, gần gũi... là chìa khóa để giúp đứa trẻ hướng thiện.

    Trả lờiXóa