Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

TÌNH MẸ


     


                   
     MẸ VÀ CON





Mẹ tôi chỉ có một mắt. Tôi ghét bà ấy...vì bà chỉ gây khó khăn bối rối chotôi.

Bà làm nghề nấu ăn cho học sinh và thầy cô giáo để nuôi sống gia đình.

Có một ngày ở trường tiểu học, mẹ tôi đã đến thăm tôi. Tôi thật bối rối.

Tại sao bà ấy có thể làm chuyện này đối với tôi? Tôi không muốn biết đến bà ấy. Tôi nhìn bà bằng đôi mắt thù hận và bỏ chạy ra ngoài.

Ngày hôm sau ở trường, một đứa bạn học cùnglớp đã nói với tôi: “Ê...mẹ mày chột mắt”.

Tôi chỉ muốn độn thổ và muốn mẹ tôi biến đi.

Hôm đó về nhà chạm trán với bà, tôi đã nói: “Nếu mẹ chỉ làm trò cười cho mọi người đối với con, sao mẹ không chết đi cho rồi?”

Mẹ tôi không trả lời...

Tôi không thể ngừng lại một giây để suy nghĩ tại sao tôi lại nói với mẹ như vậy, bởi vì trong lòng tôi tràn ngập sự giận dữ. Lời nói của tôi đã làm bà sững sờ.

Tôi muốn rời khỏi căn nhà đó và không còn muốn dính dáng gì với mẹ tôi nữa.

Vì thế, tôi ra sức học hành để được xuất ngoại du học ở nước ngoài.

Sau đó,tôi lấy vợ,tậu nhà riêng và có con cái.

Tôi đã sống một cuộc đời hạnh phúc với các con tôi, thật là thoải mái.

Một ngày nọ, mẹ tôi đến thăm tôi.

Đã nhiều năm, mẹ không gặp tôi và chưa hề biết mặt các cháu nội.

Khi mẹ tôi đến trước cửa nhà, các con tôi trông thấy đã cùng cười chế nhạo.

Tôi la lối mẹ tôi sao không mời cũng đến.

Tôi đã hét vào mặt mẹ tôi: “Tại sao bà dám đến nhà tôi, làm cho các con tôi sợ?

Hãy cút đi khỏi đây, ngay bây giờ!”

Mẹ tôi nghe thế, chỉ lẳng lặng trả lời: “Ô, xin lỗi. Tôi đã lầm địa chỉ”.

Rồi bà đi mất dạng.

Một ngày kia, tôi nhận được thư mời đến tham dự ngày Hội Ngộ của trường cũ.

Tôi nói dối vợ phải đi công tác kinh doanh.

Sau buổi Hội Ngộ, tôi tò mò ghé qua căn nhà cũ nơi mẹ tôi ở. Người hàng xóm cho biết, mẹ tôi đã chết. Mắt tôi ráo hoảnh không hề tỏ ra một chút tiếc thương.

Họ đưa cho tôi một lá thư, nói rằng của mẹ tôi muốn trao cho tôi. Lá thư viết rằng:
    
“Con trai yêu quí nhất đời của mẹ,Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con.

Mẹ xin lỗi đã đến nhà con và đã làm cho sắp nhỏ sợ hãi.

Mẹ rất vui mừng khi hay biết con sẽ đến tham dự ngày Hội Ngộ.

Nhưng mẹ bị bệnh nằm liệt giường, không thể dậy để đến thăm con.

Mẹ cũng xin lỗi, đã thường làm con phải bối rối khó chịu khi lớn lên.

Con biết không, khi còn rất nhỏ con đã bị tai nạn và mất đi một con mắt.

Là một bà mẹ, không ai có thể đứng nhìn con mình lớn lên tàn tật, chột mắt, nên mẹ đã tặng một con mắt của mẹ cho con.

Mẹ rất hãnh diện được thấy con trai mẹ đã thay mẹ nhìn được toàn vẹn thế giới mới trong đó có một con mắt của mẹ.

Với tất cả tình yêu thương của mẹ.

Mẹ của con”

          (Trích: Tuyển Tập Những Câu Chuyện về Luân Lý Đức Hạnh)

               
 
   Photobucket

                                                                                             21.4

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

PHIẾM LUẬN VỀ ÂM NHẠC ...

    ÂM NHẠC CHO TUỔI THƠ        





 

 Bin đang nghe Tình Anh Bán Chiếu...

Tôi rất thích nghe nhạc , nhưng bắt đầu từ lúc bé thơ tôi chỉ nghe vu vơ vài bản nhạc dân ca trên radio; rồi nghe các anh chị hát thuộc lòng một số bài hát dân gian, nghe chị tôi hát những bài hát mà hồi đó người ta gọi là nhạc cải cách …

Nhưng bài hát nầy không phải là hay cho lắm , nhưng nó đã ăn sâu vào tâm não của tôi nên mỗi lần nghe lại như có âm hưởng của quê nhà của tiếng chày giã gạo , của tiếng kẽo kẹt võng đưa trong những buổi trưa hè ; của ánh trăng bàng bạc trên sông , xa xa có tiếng chó sũa vu vơ …

Những thứ ấy nung đúc tâm hồn tôi khiến cho tôi sau nầy có một cách thưởng thức âm nhạc khác những bạn cùng thời . Có lẽ từ buổi thiếu thời, thuở ấu thơ nhưng âm hưởng đó đã hằng sâu vào tâm khảm của tôi .

Ngày nay , người ta còn lấy nhạc cổ điển cho bé nghe lúc mẹ còn đang mang thai bé …(Link)

Trong giấc ngủ tôi đã từng nghe chị tôi hát những bài nhạc cải cách ấy và giấc ngủ cô miên vẫn còn mãi ghi nhớ sâu đậm những âm điệu ngọt ngào của thời niên thiếu

“Đêm nay thu sang cùng heo may …
“ Đêm nay sương lam mờ chân mây…” (Con thuyền không bến)

Hoặc :

“ Lệnh vua hành quân trống kêu dồn …
“ Quan với quân lên đường …” (Hòn vọng phu)

Hay :

“ Quê hương anh nước mặn đồng chua …
“ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá …” (Tình đồng chí)

Mãi về sau…Lâu lắm về sau , mỗi khi nghe lại những bản nhạc nầy hồn tôi đi ngược về thời gian ấy , dù nghèo khó , gian khổ nhưng rất đẹp đẽ , thân thương …và tâm trí tôi, đời sống âm nhạc của tôi không bao giờ thoát khỏi những âm ba ngày ấy .

*

Khi thằng cháu tôi bắt đầu biết nghe nhạc , biết thích những lời ru của mẹ hay bà nó …thì tôi chợt nhớ đến những gì tôi đã nghe được hồi thơ ấu …

Nhưng mẹ của bé là dân Ýe Ýe không biết hát những bài nhạc dân ca và tình ca , còn bà nó thì hát ru rất kém, bà chỉ biết có vài câu ru , hát đi hát lại thằng bé không chịu ngủ …

Tôi hỏi : Bà có biết bài Gạo trắng trăng thanh không ? Biết bài Trăng rụng xuống cầu, Hòn vọng phu, Duyên quê …không ?

Bà của bé nói biết , nhưng khi hát bài Gạo trắng trăng thanh bà thưởng quên lời và chỉ ư e theo giọng nhạc …” Ti ti ti…ti tì ti…ti tí ti ti ti tì ti ti …”(trong đêm trăng , tiếng chày khua ta hát vang trong đêm trường mênh mang …”) .

Một thời gian sau, khi bé biết nói , một hôm chúa nhật tôi ở nhà , đem bé lên võng đưa ngủ , bé kêu tôi hát bài ti ti…(?) Tôi đớ người ra , sau mới biết đó là bài Gạo trắng trăng thanh . Và tôi hiếu ..:âm thanh “ti ti ti…” … đã ăn sâu vào tâm hồn thằng bé …

Khi thằng bé được 3, 4 tuổi tôi tạo cho nó một Folder trong máy tính với tiêu đề là nhạc Bin (Bin là tên thân mật gọi trong nhà) và mở cho nó nghe .

Khi nó được 4 tuổi nó biết chọn thời gian để nghe nhạc . Ví dụ nhà có khách hay đang mở TV thì không bao giờ nó xin mở nhạc để nghe …

Đặc biệt là trong giấc ngủ trưa, vào những ngày nghỉ học khi tôi đưa nó trên võng thì tằng bé đều xin tôi mở nhạc bằng điện thoại cho nó nghe và thường chỉ nghe 1,2 bài là thằng bé chìm vào giấc ngủ cô miên .

Tôi nhìn vẻ mặt thằng bé trong giấc ngủ say như phản phất một nét cười tươi, như có một nỗi vui mừng trên gương mặt thơ ngây của nó …

Hình như những âm thanh quen thuộc nầy vẫn còn vương vấn lấy nó trong giấc ngủ say …bởi tôi thử tắt nhạc thì nó liền mở mắt ra . Tôi biết rằng nó vẫn còn NGHE , nên tiếp tục mở lại …

Và trong nhà tôi, dòng “nhạc Bin” cũng có ảnh hưởng rất nhiều đến mọi người .

Đối với Bin, khi nghe bất cứ bản nhạc nào khác không phải là “nhạc Bin” nó đều không thích , và thường bỏ đi chỗ khác . Tôi muốn bổ sung một bài hát vào list nhạc của nó cũng lắm công phu …dẫn dụ cho nó nghe và thích một bài không phải dễ …

Dòng nhạc dân ca , Tình ca xưa với âm điệu Rumba, Bolero đã ru ngủ thằng bé trong thời thơ ấu đã un đúc cho nó một tâm hồn đậm sắc màu quê hương đầy hoa thơm cỏ lạ …với cánh đồng lúa vàng , với cánh cò điểm xuyết trên bầu trời hoặc ánh trăng soi trên dòng sông có gợn sóng nhấp nhô …mà Hoàng Thi Thơ gọi là “Trăng rụng xuống cầu …” Rồi trên dòng sông rắc bao nhiêu ánh vàng ấy , giọng hò lơ với câu thơ lục bát hay mái chèo điểm nhẹ trên sông vắng với giọng hò khoan làm mê hồn người …

Khi thằng bé có chuyện không vui như bị rầy hay làm mất đồ chơi …tôi thường dẫn dụ nó :” Nghe nhạc Bin không ?” …và sau vài bản là thằng bé vui vẻ lại ngay …

*

Thử nghiệm của tôi trên bản thân mình và trên thế hệ thứ ba đã có những kết quả bước đầu . Tuy nhiên , đối với thằng Bin , về sau tâm hồn nó thế nào ? nó thưởng thức âm nhạc ra sao ? tôi chưa biết . Bởi ngoài nỗ lực của gia đình và bản thân , nó phải sống trong một xã hội bát nháo…rồi thầy cô và bạn bè của nó nữa cũng ảnh hưởng tới nó không ít . Tôi không biết về sau thằng bé sẽ ra sao ?

Nhưng khi người ta cho thai nhi nghe nhạc cổ điển thì kết quả không thể đo đếm được , nhưng người ta biết chắc rằng tốt.

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Trích hồi ký "NẾU TÔI CÒN NHỚ"...


  

 
NGÀY ẤY THIÊN THU (Tiếp theo)




Còn tôi và anh Hai tôi ?


Sự việc phát triển có tính cách thầm lặng hơn , bởi chúng tôi ở riêng đã lâu và có công ăn việc làm tương đối ổn định .

Tôi ở tận Thành Phố Hồ Chí Minh nên hễ có dịp là Ba tôi viết thơ cho tôi . Thơ thường chỉ là hỏi han , dặn dò , khuyên bảo … Ít khi Ba tôi tâm sự với tôi về những chuyện trong nhà , những điều Người quan tâm, lo nghĩ …

Song, có lần tôi nhận được một lá thơ của ông , đọc xong tôi khóc mấy ngày liền …

Photobucket
                       "Bao thơ" của người già...

Nhưng lúc đó tôi đang bị chuyển công tác , nhà rất nghèo , tôi không làm sao tìm được  tiền để đi xe về quê thăm ông … 


Ba tôi là một người cha kín đáo , rắn rõi , chúng tôi ít khi nào thấy ông khóc ; nhìn bên ngoài chúng tôi cũng ít khi nào thấy ông biểu hiện tình yêu thương các con một cách lộ liễu.

Thế mà hôm đó tôi lại được cái thơ nầy !

Lòng tôi xao xuyến bâng khuân khôn tả . Những chuyện vui buồn của cuộc đời đâu còn có nghĩa gì nữa ! Đột nhiên tôi thấy mình còn bé bỏng như những ngày xưa , sống dưới mái nhà êm ấm , mọi việc đều đã có Người !

Trong tất cả anh chị em tôi chắc không có ai được một bức thư như thế . Tôi không biết làm sao nói hết với các anh chị em rằng chúng tôi có một tình thương như vậy ở một người cha mà có thể vì thiếu tinh tế nên chúng tôi không cảm nhận  được .
 
Nhưng mà anh chị em tôi có biết điều ấy hay chưa ? Hay là chỉ có mình tôi đến giờ tôi mới biết ?

Kể từ ngày ấy những chuyến phà chở tôi từ bắc Bình Minh sang đã chứa một trái tim nóng bỏng , đập rộn ràng như những ngày tôi về quê lúc mẹ tôi còn sinh tiền  - và tôi cũng bỏ xe từ bên kia bắc Bình Minh , đi xe ôm một mạch về nhà …


Photobucket


Anh Hai tôi thì may mắn hơn tôi và tư Hùng  vì được ở gần Người . Lúc nào thấy nhớ thì vô thăm . Niềm hạnh phúc đó thật là vô giá .

Còn tôi và tư Hùng thì đi làm ăn xa. dù có nhớ nhà cũng không thể nào đến được liền như ý muốn .

Mấy lâu nay tôi cùng đi xuống Nhu Gia làm ăn với anh Tư tôi . Nhu Gia chỉ cách Cần Thơ 15.000 đồng tiền đò , xe . Song mấy tháng qua tôi cũng ít có dịp về thăm Người . Công việc cứ cột tôi mãi lại nơi nầy .

Có những buổi chiều rán vàng lên đỏ cả chân trời , tôi ngồi trước Trại một mình nghe thời gian và không gian tĩnh mịt đi vào buổi chiều hôm … Có tiếng những con nhái bầu kêu nhắc nhen  đều đều trong buổi hoàng hôn ; tiếng con cúm núm gọi bạn xa xa … và đôi khi con bìm bịp kêu nước lớn  …

Cảnh trời chiều làm cho tôi nhớ Cần Thơ, nhớ Ba tôi da diết , thổn thức cả con tim . Song nỗi cô đơn trong lòng và những giọt nước mắt chảy dài trên má tôi cũng không thể giúp tôi gặp được Người !

Màn đêm dần xuống bao phủ cả không gian , nhưng tôi như trong một tâm trạng hôn mê , không ý thức được những gì xảy ra trong thực tế … và tôi vẫn ngồi đó để mặc cho tâm hồn dẫn dắt đi thơ thẫn về con đường nhựa vào nhà Khải với một chút ảo vọng sẽ gặp được ông Khách Bán Cừ năm xưa để cho lòng tôi vơi bớt nỗi nhớ thương và Người ấy cũng được mừng vui khi gặp lại đứa con ở một phương trời xa đã lâu rồi nó chẳng về thăm …

Nhưng rồi đàn muỗi hằng vạn con xông vào cắn tôi đau buốt tôi mới choàng tỉnh mộng : thì ra tôi vẫn còn ngồi tại Phú Hưng ! Chuyện về thăm Người trong lúc ấy chỉ là ảo mộng !

Tôi không biết tại sao từ khi mẹ tôi mất đi thì trong tâm linh tôi hay có nhiều ảo vọng và ảo tưởng như vậy . Kể cả những bài thơ tôi viết cho các anh chị em tôi :
 
Thơ cho Chị :

Chị về chị có nhớ chăng ?
Em về em nhớ ngàn năm nụ cười ,
Giờ đây vật đổi sao dời ,
thì thôi chỉ gặp lại Người trong mơ !...

Thơ cho PHƯỢNG :

Em về em có trông chờ ,
Gặp người năm cũ bao giờ chăng em ?
Thì thôi, thao thức qua đêm ,
Đành mơ bóng cũ qua rèm song thưa …

Thơ cho tư  HÙNG :

Anh về sớm nắng chiều mưa ,
Có bao giờ thấy Người vừa đâu đây ?
Ôi xa cách bấy nhiêu ngày,
Mà anh có thấy sao dài thiên thu ?

Thơ cho ANH HAI :

Chiều nay anh ghé qua đây ,
Nhớ hình bóng cũ ngày nầy chăng anh ?
Cảnh nhà cô quạnh buồn tênh ,
Tìm đâu lại thuở ngày xanh năm nào ,
Em về em ngỡ chiêm bao ,
Nhớ Người như vẫn hôm nào còn đây …
Tưởng như vẫn được sum vầy ,
Rồi tan giấc mộng lòng đầy đau thương !

                            *

Sự vô vọng , tuyệt vọng sẽ sinh ra ảo tưởng và ảo vọng . Song ảo tưởng và ảo vọng đôi khi cũng nuôi nấng lên thành niềm hy vọng . Tôi sẽ chứng minh rằng ảo vọng có nhiều khả năng thành hy vọng .

Trong hồi ký nầy có nhiều đoạn tôi nói những chuyện về mẹ tôi . Phải chăng tôi đã lạc đề ?
                                                                                     
   Không hẳn là như vậy, bởi những chuyện gì ở Ba tôi đều có những mối quan hệ lôgic đến Mẹ tôi . Đó là mối quan hệ tất yếu không thể tách rời được .

Cũng vậy , những chuyện về ảo tưởng , ảo vọng và hy vọng tôi vừa đề cập ở trên thật ra cũng có nhiều quan hệ nhân quả .

Nhà tôi ở Thành Phố thuộc khu dân cư  , chung quanh hoàn toàn không có cây cối , song đã có hai lần : một lần vào năm 1989 và một lần vào năm 1994, ban đêm có một con bướm rất to bay vào nhà … Bướm bay lượn lờ , đậu chỗ nầy một chút , chỗ kia một chút và sau cùng đậu lên bát hương thờ mẹ tôi !

Bọn trẻ tắt hết quạt trần và kháo nhau rằng bà nội về thăm ! Chúng đốt nhang và van vái Bà …

Sáng hôm sau thì bướm đi đâu không biết , song cả hai lần đều có một kết quả như nhau là hôm sau Ba tôi lên Sài Gòn !

Tôi là một người không tin chuyện dị đoan , song tôi tự hỏi : Phải chăng không thể phủ nhận rằng có một chút gì đó trong chuyện nầy ?

Một lần khác , khoản năm 1997, tôi nằm mơ thấy mẹ tôi.  Tôi không thấy được gương mặt Người , chỉ thấy dáng mẹ tôi mặc cái áo màu tro quen thuộc và trong mộng tôi biết rằng mẹ nói lên Sài Gòn thăm chúng tôi …

Sáng ra tôi nói với cả nhà rằng tôi mơ thấy Bà Nội lên thăm và chiều nay mình sẽ làm cơm cúng Bà …

Tôi cũng không chờ đợi một điều gì cả . Song đến khoản 9 giờ khi tôi đang làm việc trong sở thì được điện thoại của thằng cháu - con chị tôi - báo rằng Ba tôi vừa lên tới !

Lòng tôi run lên một cảm giác kỳ lạ xao xuyến , bâng khuâng… Tôi nhìn quanh quất và nghĩ rằng mẹ tôi đang hiện hữu đâu đây !

Ôi ! Phải chăng Nguyễn Du nói đúng …"Sống là thể phách, thác còn tinh anh " ?

Về chuyện con Bướm thì trong gia đình tôi cũng đã xảy ra mấy vụ , và ai cũng tin rằng có một cái gì đó không thể nào giải thích được .

Riêng đối với tôi thì sau ba lần đó tôi đã nghĩ mãi về Người và tôi tin rằng Người không thể nào quên được chúng tôi và ông Khách Bán Cừ . Không quên được thì càng vấn vít và giữa sự sống , cái chết sẽ không còn ranh giới nữa ! Sự trở về thăm những người thân thương của người đã chết là một tất yếu hoàn toàn có thể xảy ra .

Mẹ ơi ! chúng con vẫn cầu mong cho mẹ được an giấc ngàn thu , nhưng sao chúng con vẫn hy vọng là có mẹ về thăm chúng con …

  … Và hôm nay con chỉ mơ mộng về thăm người Khách Bán Cừ thôi mẹ ạ ! vì bây giờ trời tối rồi mà con còn ngồi ở đây thì không làm sao đi được dù con rất nhớ Người ấy . Còn  mẹ?  Hôm nay mẹ có hóa thân làm bướm về thăm ngưởi ấy không hở mẹ?

Photobucket


                                    
Suốt tuần tôi chỉ chờ ngày thứ bảy là ngày Khải xuống, để có một chút tin tức vế Người - và y như một đứa trẻ trông mẹ đi chợ về , lúc nào tôi cũng có quà của ba tôi . Quà quý nhất là báo cũ .

Ở cái chợ Nhu Gia có đến 12 tiệm bán vàng nhưng chỉ có một sạp nhỏ bán báo và chỉ bán có hai thứ tạp chí rẽ tiền!

Có lần ông còn cậm cụi làm gởi cho tôi món lỗ tai heo xào với mắm ruốt ngon tuyệt ; rồi tôi còn nhận được mền , vớ, áo dài tay , bánh Trung thu,
trà …

 Photobucket


Tôi xếp từng món ra và cảm thấy lòng rưng rưng muốn khóc khi biết mỗi thứ quà đó là biểu hiện sự suy nghĩ hằng ngày của Ba tôi về cuộc sống của tôi ở nơi khỉ ho cò gáy nầy . Những sự tưởng tượng phong phú ấy đều đúng cả . Có lẽ ông nghĩ rằng giờ đây tôi thiếu rất nhiều thứ và với tấm lòng thương con, Người muốn bù đấp một chút gì đó cho đứa con mà vì mưu sinh phải bỏ lại tất cả những tiện nghi của cuộc sống ở thị thành , gia đình , người thân, bạn hữu … để đến chốn đồng không mông quạnh nầy .

Nhưng thương và lo cho một đứa thì làm sao cho đủ . Trong khi mỗi đứa trong chúng tôi đều có những vấn đề bức xúc riêng , và đặc biệt năm nay , anh chị em chúng tôi có nhiều biến động trong cuộc sống .

Anh Hai thì quá tuổi hưu đã lâu nhưng vẫn phải cày . Con cái của anh cũng không được như ý . Món nợ ngân hàng chưa có phương cách trả . Chuyện nhà của anh có nhiều lúc làm cho Ba tôi ưu tư không ít .

Chị Ba tôi thì vẫn còn công nợ ; cuối năm lại phải cưới vợ cho thằng con út . Trong đám con của chị , Ba tôi cũng đã nhiều phen gia công khuyên bảo chúng , song Ba tôi cũng thấy rằng số phần của chị tôi là phải cực khổ như vậy . Bao cấp cho con là truyền thống của cả nhà tôi thì còn sửa làm sao được !

Anh Tư tôi thì đã bán cái vuông tôm ở Cà Mau , bán nhà, bán nền thổ cư … và kéo tôi về cùng làm một cái vuông tôm ở Sóc Trăng , chuyến nầy mà thua thì không còn chỗ dung thân .

Làm vuông tôm thì ì xèo cả nước chứ không phải riêng gì chúng tôi : người phất lên thì kiếm mấy trăm triệu một cách dễ dàng ; kẻ thua lỗ thì tiêu tan cả sự sản : Bán đất, cầm nhà…

Trước một sự thử thách như vậy cho cả hai gia đình : anh và tôi , thì tâm trạng của ba tôi dĩ nhiên là rất căng thẳng . Chúng tôi hiểu được ý ông nên luôn luôn phải sống lạc quan để động viên Người , tránh cho ba tôi những chuyện lo lắng vô ích .
 
Chị thứ năm tuy có cơ ngơi làm ăn mới , không còn la lết ở vĩa hè kiếm sống , có nhà tình nghĩa để ở … Song Chị cũng là một trong những người nợ nần như Chúa Chổm .

Cô em thứ Bảy thì làm ăn kém hơn trước , chồng sắp về hưu nên cũng tính mở con đường làm ăn mới : cùng đi nuôi tôm với tụi tôi .

Cô em thứ Tám thì ốm quắc queo , hoàn cảnh kinh tế chưa có lối ra .

Cô Chín và Út cũng đang có nhiều thay đổi trong cuộc sống   .

Nhìn chung , chúng tôi đều sẽ có những biến chuyển lớn lao trong năm nay, bởi chúng tôi cũng lên hàng 5 hàng 6… cả rồi . Tuổi hưu đến thì ắc phải có nhiều thay đổi trong cuộc sống , đó là chuyện tất nhiên .

Chuyện nuôi tôm của chúng tôi là ồn ào hơn cả . Nó có ảnh hưởng lớn đến ba tôi vì ông đang ở nhà cô Bảy .

Thêm nữa , những thông tin không tốt lành về những người nuôi tôm cũng làm cho ba tôi lo lắng không yên .

Người già thường bị hạn chế bởi ba vấn đề lớn làm bế tắt cuộc sống , đó là :

- Thông tin ,

- Thực tế của cuộc sống và sự xê dịch ,

- Thu nhập và phân bổ .

Khi người già không được cung cấp một thông tin nào, khi họ không biết được những thực tế của cuộc sống , không đi ra ngoài được , không có thu nhập - không có tiền - thì coi như người đó bị tách rời khỏi môi trường xã hội và cuộc sống đối với họ chỉ còn là đời sống thừa , buồn nản , u uất … Mọi tình cảm đối với gia đình, con cháu không còn nữa .

Chúng tôi đi nuôi tôm ở Nhu Gia là một đề tài lớn của đại gia đình , song ba tôi cũng không đủ thông tin , và do đường đi quá nhiêu khê nên chúng tôi chưa rước ông xuống tham quan , do đó những gì ông biết được cũng chỉ do chúng tôi mô tả mà thôi .

Có lần Ba tôi hỏi Khải : "Ba nghe nói nhà Hùng  cất bị lún và vừa rồi tụi nó nói sẽ sửa lại , nhưng sửa thế nào ?

Khải nói là không rõ , nên một lần về thăm tôi phải nói rõ cách sửa chữa cho ông biết . Lúc nào chúng tôi cũng cố gắng cung cấp những thông tin mà ông quan tâm .

Nhìn những chữ mà ông gởi xuống , tôi nghĩ đó là những suy nghĩ , trăn trở của một người cha rất thương con , song tuổi già , sức yếu , dù có lo âu , thương xót đến đâu thì cũng chỉ lo được đến chừng ấy mà thôi ! Quà tuy có ít , song thật ra nó nhiều vô kể .
Bởi vì đối với chúng tôi thì vấn đề không phải là vật chất mà là tấm lòng thương con mênh mông của đấng sinh thành.
                                                                             *
Năm 1981 , một trong những năm đặc biệt khó khăn của thời kỳ bao cấp . Đất nước ta còn quá nghèo lại vướng vào cuộc chiến tranh với bọn Miên . Cũng năm đó tôi bị "vở kế hoạch" , sinh ra thêm một đứa con nữa ! 

Nhà ở Cần Thơ cũng nghèo , ăn gạo Tổ  với rất nhiều bông cỏ . Song mẹ tôi cũng ráng kiếm đâu ra đưỡc mấy ký nếp và cùng Ba tôi lên Thành Phố, nói rằng để nấu chè ăn đầy tháng cho cháu .

Câu đầu tiên mẹ tôi nói là gần đây bà mất ngủ vì quá lo cho bọn trên nầy - gồm nhà chị tôi, nhà Phượng và nhà tôi - Trong đó chuyện lo nhất là bà tưởng tượng tôi cứ phóng thẳng cái xe vespa từ trong hẽm ra đường, có ngày gặp tai nạn ! … và Ba tôi nói rằn đó là một trong những cái cớ mà mẹ tôi cứ chèo kéo ông phải đi gấp lên Sài Gòn !

 Hai người với lý do đem một ít  nếp lên ăn đám đầy tháng cho cháu và khuyến cáo tôi không được lái xe ẩu … đã xếp hàng mua giấy xe đi Sài Gòn . Phải chăng đó là những động cơ khiến Ba Má tôi ngồi 168 cây số đường xe đi lên Thành Phố Hồ Chí Minh ?

Tôi không biết, vì tôi không có cái cảnh xa con như vậy .

Song mãi cho đến bây giờ - đã 18 năm qua - mỗi lần tôi phóng xe chạy ẩu tôi đều nhớ đến mẹ tôi và nổi lo âu của Người ngày đó . Lập tức tôi thấy lòng dịu lại với một cảm giác êm đềm khôn tả và tôi cho xe từ từ chạy chậm lại…trong lúc ký ức lại quay về với câu chuyện ngày xưa …

Rất lâu lắm ...mãi sau nầy mới có một người luôn nhắc nhỡ tôi chạy xe cẩn thận mỗi khi tôi chạy xe ra đường ...

Một thời hạnh phúc đó rồi cũng đã đi qua , không bao giờ còn quay về được nữa … tiếc thương cho lắm rồi thì cũng chỉ là mơ mộng hảo huyền mà thôi!

Bây giờ Mẹ tôi không còn nữa; Ba tôi thì đã già hơn lúc ấy rất nhiều , mỗi chuyến đi lên Thành Phố Hồ Chí Minh của Người đã có những vấn đề khó khăn . Ông chỉ có một cớ duy nhất là đi khám bệnh ; không có lần nào ông nói đi Thành Phố là để thăm chúng tôi . Nhưng tôi thấy ông đâu có bệnh gì phải cần đi bác sĩ ? Những chuyến đi của ông tôi thấy có bóng dáng của chuyến đi ngày xưa với Mẹ tôi … Tôi không rõ Chị tôi, Phượng và các anh em có nghĩ như tôi không ?

Hôm nay Thứ Ba 16/10 , tôi đang ở Thành Phố Hồ Chí Minh  và tôi hẹn với chị tôi thứ Bảy nầy sẽ về Cần Thơ thăm Người .

Và tôi thấy hạnh phúc xiết bao với nỗi trông chờ : trễ lắm là chiều ngày thứ Bảy nầy tôi sẽ đặt chân lên bến Bắc Bình Minh …

                                          *
Khoảng năm 50 , Bà Ngoại tôi vì quá nhớ bọn tôi đã mướn người chèo ghe chở Bà từ Long Bình xuống Láng Dài tìm thăm . Bà đem xuống cho chúng tôi rất nhiều quà ở miệt vườn như chuối khô, mứt , kẹo … Trong đó tôi rất ngạc nhiên là có một số mo cau và gáo dừa !

Hồi đó chúng tôi đã cười Bà : đi chiếc xuồng chèo có mui chật chội rong rũi hằng mấy trăm cây số , trong mui lại còn chở mo cau , gáo dừa !

Đến bây giờ tôi mới hiểu .

Chuyện đó đâu phải là mo cau hay gáo dừa ? mà đó là trái tim vĩ đại của Mẹ , của Bà … Và tôi thấy các chị , em tôi đối với con và cháu cũng không khác gì Bà và Mẹ tôi ngày trước … Đó là một trong những bí mật của trái tim , nó chỉ có lời giải đáp khi người ta có con , có cháu …

Hôm thứ Bảy tuần trước , khi soạn số đồ Ba tôi gởi xuống , tôi không sao cầm được nước mắt .

Photobucket

Cũng giống như Ngoại tôi đem mo cau, gáo dừa xuống Láng Dài năm xưa … Ba tôi cũng gởi cho tôi những gì mà Người suy nghĩ về cuộc sống hiện tại của chúng tôi  .


Giờ đây ngồi nhìn các món quà, tôi quên hết mọi chuyện riêng tư , quên hết mọi chuyện đắng cay chua xót của quảng đời qua - chuyện gì cũng là chuyện nhỏ , không quan trọng - chỉ còn lại trong trái tim một niềm hạnh phúc vô biên không có thứ gì sánh nổi !

Nhà sư Thiện Minh nói rằng :"Tình thương của người cha không giống như tình thương của người mẹ . Tình thương của người cha kín đáo , dạt dào , và chân thành hơn . Thường tình như vậy thì ít có vẽ bề ngoài , nên những đứa con nam nữ nào không hiểu thì sẽ không có tình cảm với cha nhiều bằng mẹ ". (Người cha : Sư TM - sdd )

Tôi không tán thành cũng không bài bác quan điểm trên, song tôi nghiệm rằng bình thường, những đứa con nào có sự suy xét thật sâu xa , tinh tế mới thấy được tình thương của người cha .

Cái mền gòn, cái áo dài tay, đôi vớ , chai dầu gió , cái bánh trung thu … tất cả đều như có hồn , có tai, có mắt…len lõi vào tận chỗ sâu kín nhất của tâm hồn tôi đưa tôi quay về quá khứ … và tôi thấy như   mình đang nằm trên một chiếc võng của một buổi trưa hè được Mẹ đong đưa , ru hời cho tôi vào giấc mộng !

Mẹ tôi là một người hát ru con rất hay , lời ru có vần , có điệu , giọng khi bổng khi trầm , có ca có kệ … Chúng tôi nằm đong đưa trên võng chỉ nghe được vài câu là đã ngủ say …

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc lòng và còn nhớ 17 câu ru của mẹ tôi … và tôi không thể nào quên !

… "Một mai thiếp có xa chàng ,
Đôi bông thiếp trả , đôi vàng thiếp xin …"

Mẹ tôi sống với ba tôi có thể nói là một kiểu mẫu của hạnh phúc thời xưa , không bị mẹ chồng ác độc đến đổi phải xa nhau chỉ trả đôi đôi bông là đồ dẫn cưới ; chỉ xin giữ đôi vàng làm kỷ niệm của hai người …

ong ba noi copy

Nhưng Người đã theo Ông Khách Bán Cừ đi đến một nơi rất xa , cho đến ngày ông Ngoại tôi mất cũng không biết tin để về cư tang , báo hiếu .


 "Con chim Đa Đa đậu nhánh đa đa …
 "Chồng gần sao em không lấy em đi lấy chồng xa?
 " Mai sau cha yếu mẹ già,
 "Chén cơm đôi đũa bộ kỹ trà ai dâng ?"

Hồi đó chúng tôi ở tận xóm Láng Dài . Cuộc chiến tranh đã đến thời kỳ ác liệt … Tin báo ông ngoại tôi mất khi đó đã đến kỳ cúng một trăm ngày cho ông …!

Giờ đây mẹ tôi không còn nữa , tôi chẳng thể nào nghe lại được tiếng ru ngày ấy ! Chuyện vui , chuyện buồn ngày xưa đã thành chuyện trăm năm cũ …

Song hôm nay tôi ngồi đây nhìn những gì ba tôi gởi xuống cho tôi , lòng tôi xao xuyến bâng khuâng không bút mực nào tả xiết và tôi như nghe lại được tiếng ru hời thuở ấy, đưa tôi vào giấc mộng tuyệt vời ngày xưa trên chiếc võng đong đưa,  kẽo kẹt của những buổi trưa hè …

Photobucket


                                      *

Năm nay chúng tôi chuẩn bị ăn mừng thọ thứ 90 của Ba tôi .

Dân tộc ta tuổi thọ trung bình là 60 . Người sống đến 90 là rất hiếm , người sống đến 90 mà vẫn minh mẫn , khỏe mạnh như Ba tôi càng hiếm hơn !
Chúng tôi thật hạnh phúc biết bao khi vẫn còn hội ngộ với Người !

Thời gian thì cứ trôi đi , tuổi của Người càng thọ , song cái đồng hồ cát ấy càng ngày càng vơi đi một cách nghiệt ngã !  .

Tôi mong mõi 9 anh chị em chúng ta mỗi người , mỗi ngày bỏ vào cái bình đồng hồ cát ấy một hạt … bằng những thông tin  bằng tạo cuộc sống thực tế, sự đi lại, tạo ra thu nhập cho Người phân phối …

Và chúng mình gót còn đỏ như son, phải không ?
 
                                      *
 Khi tôi viết quyển hồi ký nầy tôi in một bảng đưa cho Ba tôi xem và xin người nhận xét .

  Và đây là bảng nhận xét đó.

Photobucket

                          Biên tập lại tháng 8/2002