Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

TẢN MẠN VỀ CẢI LƯƠNG ...



Soạn giả Viễn Châu và

      Tình anh bán chiếu






                      LÊ PHÚ KHẢI






              


               VIỄN CHÂU

                                                                            Tặng nvtai , CNB & NY

                                                                                                 vtd      

      
    Từ lâu, tôi đã vốn muốn tìm gặp bác Viễn Châu, soạn giả của hơn 2.000 bài vọng cổ và 60 vở cải lương... để xin nguyên bản bài vọng cổ bất hủ “Tình anh bán chiếu” - bài ca cổ đã làm say lòng bao thế hệ người Nam bộ.

 
Soạn giả Viễn Châu tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh.

Ut Tra On

                                                                    Út Trà Ôn

Lần đầu tiên tôi được nghe bản “Tình anh bán chiếu” trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Năm đó (tôi không nhớ rõ năm nào vì đã lâu ngày), Bộ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Tấn Trinh rủ tôi xuống Kiên Giang thăm xí nghiệp đánh cá tiên tiến Chiến Thắng. Trong bữa liên hoan thân mật vào một buổi tối mừng Bộ trưởng từ Hà Nội vô, có nhiều thủy thủ tham dự, nhiều người trổ tài văn nghệ. Bỗng Giám đốc Ba Tân (nay là Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang) đứng lên tự giới thiệu sẽ ca bài “Tình anh bán chiếu”... Tất cả vỗ tay rần rần... Lúc đó tôi đoán, có lẽ đây là bài “tủ” của Giám đốc và cánh thủy thủ đã được nghe nhiều lần nên mới hưởng ứng nồng nhiệt như thế ! Quả tôi không lầm!

Ba Tân có giọng ca thật mùi mẫn và chuyện tình của “anh bán chiếu” thật lâm ly:

“Hò ơ...

Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm

Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu

Chiếu này tôi chẳng bán đâu

Tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm...

Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra... chào”

Người dân Nam bộ ai mà chẳng biết Ngã Bảy, nên càng thương cảm anh bán chiếu si tình: “Hỡi ôi ! con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngả thì lệ tôi cũng lai láng muôn dòng...”; “Đôi chiếu bông này tôi tự tay dệt lấy, tôi đã lựa từng cọng lác sợi gai, nhưng khi tôi đến nơi thì cô đã bỏ nhà qua xứ khác”; “Tôi vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nát, bước chân đi như thể xác không hồn”; “Còn chi buồn hơn nghề bán chiếu để tô điểm loan phòng cho những gái còn xuân, đến khi họ cất bước sang ngang lại không một lời hỏi han từ giã, cho đến đôi chiếu bông tôi bỏ công ngồi dệt mấy ngày đêm ròng rã nay còn nằm trơ ở dưới khoang thuyền.

Ngọn gió đêm đông đừng thổi nữa

Lòng tôi lạnh lắm gió đông ơi...

... Sông sâu bên lở bên bồi

Tình anh bán chiếu trọn đời không phai”

Cả căn phòng lớn lặng đi khi Ba Tân vừa dứt bản tình ca!

Cái hay của bài vọng cổ này là ở chất tình si của anh bán chiếu. Không một lời hẹn ước. Cô gái chỉ đặt mua chiếu mà thôi! “Nhớ năm ngoái khi ghe vừa tới vàm sông Ngã Bảy, cô đã tươi cười dẫn tôi đến tận nhà cô, cô đưa tôi vào chốn phòng riêng để đo ni chiếc giường gõ đỏ và đặt tôi làm đôi chiếu. Cô hỏi qua giá cả tôi trả lời lấy giá rẻ làm quen. Năm hôm sau, khi tôi sắp sửa lui ghe cô còn đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng. Sau khi cô đà quay gót chiếc áo bông hường cũng khuất dạng sau mấy lùm tre. Cô biết đâu tôi đã lấy nón lá che ngang để giấu đôi hàng nước mắt, vì không muốn bàn quan thiên hạ họ cười tôi là kẻ si tình ?”. Si đến thế là... tới bến, tới bờ! Bởi vậy, lần sau trở lại, khi biết cô đã quên anh “để cất bước theo chồng” nên mới có những lời ca “tan nát” cả “cõi lòng”... người nghe vọng cổ!

ban-chieu



Tôi còn được nghe “Tình anh bán chiếu” nhiều lần sau đó, khi thì ở một nông trường khai hoang trong vùng Đồng Tháp Mười, khi thì ở một bến phà qua sông, khi ở một nhà hàng khách sạn... đều do “nghệ sĩ” dân gian biểu diễn. Bây giờ thì chúng tôi đã tìm được nhà của bác Viễn Châu trong một con hẻm ở đường Trần Hưng Đạo (TP Hồ Chí Minh). Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai mặc dù đã đến nhiều lần nhưng vẫn quên lối vì hẻm sâu và nhiều ngách. Nhưng chỉ nói đến tên Châu thì một bác xe ôm đã xướng lên: “Soạn giả Viễn Châu chớ gì?”. Và anh ta xăng xái dẫn đường...

Soạn giả Viễn Châu ở một ngôi nhà hẹp chiều ngang, phòng riêng của ông ở phía sau cùng lầu 2 - miền Bắc kêu bằng lầu 3 - nhưng có cửa sổ hậu thoáng mát. Trước mắt tôi là một ông già Nam bộ dáng phong lưu, trán cao, tóc bạc, cả hai hàng lông mày cũng đã bạc nhưng còn rất tinh tường và cởi mở. Xung quanh ông là sách vở, đĩa nhạc, trên tường treo một cây đàn tranh, bên cạnh ghế ngồi trong tầm tay với là một chiếc đàn ghi-ta “mini”, đằng sau treo lẫn với áo quần là một chiếc đàn ghi-ta lớn... Ông đang làm việc. (Viết và đàn). Tôi có cảm giác như lạc vào căn gác xép của Vũ Hoàng Chương ở phố cổ Hà Nội trước năm 45 hơn là đang ở giữa Sài Gòn nhộn nhịp.

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai tặng soạn giả Viễn Châu cà phê... còn tôi thì không giấu giếm muốn tìm hiểu về xuất xứ của bản “Tình anh bán chiếu”!.

Nhả một làn khói “ba số năm” đậm đặc... soạn giả Viễn Châu kể:... Năm 1961, Giám đốc hãng đĩa nhạc Hồng Hoa bảo tôi, đệ nhất danh ca Út Trà Ôn đã ký với hãng của ông một hợp đồng làm việc, vì vậy tôi phải sáng tác ngay một bản vọng cổ để Út Trà Ôn ca bản đầu tiên thâu đĩa hát ! Ngay sau đó tôi có công chuyện đi Bạc Liêu, về ngang Ngã Bảy Phụng Hiệp tôi vô quán cà phê nghỉ chân, thấy một anh bán chiếu trẻ dáng quê mùa hiền lành đang ngồi dưới một mái hiên nhà nghỉ chân, tay cầm nón lá quạt quạt... Dưới sông ghe thuyền tấp nập, phía trong đồng lại có một đám cưới đang rước dâu trên đường... Thế là tôi nảy sanh một chủ đề... Anh bán chiếu có một mối tình thầm kín với cô gái đặt mua chiếu, năm sau đem chiếu lên bán thì cô đã đi lấy chồng... Anh ta vô cùng thất vọng, và nỗi buồn của anh dâng trào như con sông “lai láng muôn dòng”... Trên đường từ Ngã Bảy về tới Sài Gòn đêm đó, tôi đã soạn xong “Tình
 anh bán chiếu” trên xe !

caovanlau1

                                                           Trưởng lão làng Cải lương
                                                                   CAO VĂN LẦU

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai reo lên: “Anh Bảy (tên thân mật gọi soạn giả Viễn Châu) hư cấu giỏi quá” (!). Tôi phụ họa với Tuyết Mai: “Lời của bài ca là điều đáng nói hơn cả”... Soạn giả Viễn Châu cắt lời tôi: “Một bài vọng cổ phải có cốt truyện, phải có một vai chính như trong một truyện ngắn. Hay là ở cốt truyện”...

Bỗng ông già 82 tuổi Viễn Châu với cây đàn ghi-ta mini bên cạnh vừa đờn vừa ca tặng chúng tôi một bản vọng cổ ông mới sáng tác. Giọng Viễn Châu ấm quá.

Cách đây vài năm, một lần về thăm quê Trà Cú (Trà Vinh), soạn giả Viễn Châu lại qua Phụng Hiệp. Trong một cuộc giao lưu tại Trung tâm văn hóa huyện, một vị lãnh đạo Huyện ủy Phụng Hiệp đã tặng Viễn Châu một bó hoa và một bao thơ 2 triệu đồng. Ông này nói: Nhờ bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” mà Ngã Bảy Phụng Hiệp được nổi danh khắp vùng Nam bộ nên địa phương rất biết ơn soạn giả Viễn Châu! Còn soạn giả Viễn Châu thì “đáp từ” rằng, ông rất biết ơn Ngã Bảy Phụng Hiệp vì nhờ nó mà giúp ông làm nên khúc ca để đời... Vì thế, ông chỉ nhận hoa, còn tiền thì xin gửi lại tặng anh em văn nghệ của huyện nhà còn nghèo lắm...

                                                         
                                                                                      20/3/2006




 

21 nhận xét:

  1. Má của mình thích nghe vọng cổ và cải lương lắm. Thành ra tuổi nhỏ của tụi mình cũng thấm cải lương cả vào trong máu. Có thể nghêu ngao vài câu khi vui bạn vui bè cũng được, nhưng bởi bây giờ chẳng có dịp để ca nữa nên mai một thôi.
    Cải lương hồi xưa hay lắm. Y. nhớ hồi ấy cả nhà chỉ có một cái radio để nghe thời sự và ca nhạc. Và mỗi tối thứ bảy là một buổi tối đầy háo hức và sung sướng cực kỳ : chờ nghe cải lương trong đài.
    Má hôm ấy sẽ cho ăn cơm sớm, lau nhà sạch sẽ cho cả nhà nằm dài ra , chị em mình giành nhau chí chóe chỗ nằm ngon nhất, mát nhất và nghe rõ nhất.
    Thích nhất “Nắng sớm mưa chiều”, nghe bao nhiêu lần cũng không chán. Cứ đến đọan cô Bích gọi “chú Phi” là nước mắt ở đâu chảy ra ròng ròng.
    Vậy đó, cải lương với mình là tình quê, là kỷ niệm, là những ngày thơ ấu suốt đời không bao giờ quên.

    Trả lờiXóa
  2. Tuy ông Viễn Châu sáng tác cuộc tình đơn phương của anh bán chiếu, bằng tài năng của người nghệ sĩ. Nhưng ông vẩn dựa trên một bản sắc có thật của người đàn ông miền sông nước Cửu Long, đó là đã chơi là chơi phóng tay, còn yêu là yêu hết mình...hổng cần người mình đang thương yêu có gì đáp trả; Đó là bản chất của các "anh hai nam bộ".
    Bao thế hệ thanh niên miền Tây đã từng ngân nga câu thơ dạo đầu tuồng...
    "Chiếu này tôi chẳng bán đâu
    Tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm..."
    tưởng rằng chàng trai si tình này mà cưới được cô gái nọ về làm vợ, chắc là "nưng như nưng trứng, hứng như hứng hoa", nhưng sức mấy...
    Đàn ông miền Tây là sư tổ của món "chồng chúa vợ tôi", nên nhờ tình anh bán chiếu không kết có hậu. Chứ không hả, cưới về ổng cũng quánh "lên bờ xuống ruộng" luôn, nếu cô này lăm le giở trò "phụ xướng phu tùy"...
    Vô nhà anh Dũng viết nhăng cuội vài hàng thôi, để lúc nào rảnh tui viết tiếp về đề tài này...Gì chứ vụ này tui rành lắm, quê ngoại tui ở Long Xuyên mà. Thấy mấy ông cậu hét 1 tiếng, các bà mợ chạy mua rượu muốn...sỉu luôn, thấy thương quá!
    Từ đó manh nha ý định về miền Tây, để...đi bước nữa. Ai dè, mới lân la làm quen một cô, thấy gái miền Tây bi giờ cũng "chằn ăn trăn quấn" thấy mịa...!
    Bởi vậy tui ngâm vầy nè...
    Thương cô tui hổng nói đâu
    Nhưng cô dữ quá, thương cái đầu (gối) sướng hơn !
    he... he...

    Trả lờiXóa
  3. Vòng vo Tam Quốc rồi cũng trở về ...chỗ đó . "Chằn ăn trăn quấn" là sao hở ông bạn ?? Thôi cho mình xin ! Từ từ tính chớ đừng vội kết luận như vậy .

    Trả lờiXóa
  4. Thật không ngờ Y là dân miền Trung mà cũng có một thời mê thích Cải lương ! Mình không tưởng rằng Y thích CL nên post bài nầy lên không có nhã ý tặng cho Y , đâu ngờ "chí lớn gặp nhau" thật là hạnh phúc cho mình đã tìm thấy người đồng điệu trong một rừng Blog trên mạng ...

    Cám ơn nhé !

    Trả lờiXóa
  5. Vâng, cám ơn anh.
    Thỉnh thỏang đựơc xem lại những vở tuồng xưa với dàn nghệ sĩ xưa cũng thích lắm.

    Trả lờiXóa
  6. Hì. Xin phép chú Dũng, mượn nhà chú 88888 chút xíu. Đàn ông miền Tây cũng có tính tốt, không phải nhậu nhẹt bê tha không thôi. Làm quần quật có tiền về đưa vợ hết, chẳng bao giờ thèm hỏi coi vợ lấy tiền đó xài chuyện gì. Tánh con trai miền Tây hào phóng dễ thương, giúp được người thì giúp hết mình, chuyện gì tha được thì tha chứ không lầm bầm lẩm bẩm, mỗi tội ăn nói thiệt thà và kiệm lời (chứ hổng "ba hoa chích chòe" như thiên hạ), có khi thương con gái người ta suốt đời mà không nói. Gái miền Tây thương ai và lấy người ta rồi thì bị người ta quánh "lên bờ xuống ruộng" cũng thương hoài, nhịn đói mua rượu cho chồng uống cũng không phàn nàn nửa lời. Muốn về miền Tây mà không tìm hiểu kĩ dân miền Tây thì không ăn mái chèo hay dao phay là may lắm, "chằn ăn trăn quấn" thì nhằm nhò gì.....

    Trả lờiXóa
  7. hoan hô,, hoan hô,,, caonguyenbui nói đúng lắm "Muốn về miền Tây mà không tìm hiểu kĩ dân miền Tây thì không ăn mái chèo hay dao phay là may lắm, "chằn ăn trăn quấn" thì nhằm nhò gì..." có người sắp ăn mái chèo hay dao phay rồi chú DŨNG ơiiiiiiiii........

    cám ơn chú DŨNG nhiều lắm lắm.... "chờ đợi chi nữa uổn công đợi chờ..." "ngọn gió đêm đông đừng thổi nữa, lòng tôi lạnh lắm gió đông ơi.... sông sâu bên lở bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai"

    Trả lờiXóa
  8. Mèn ơi, có đồng minh ... bữa nào CNB mời bạn uống cà phê với chú Dũng nhen. Hee. Hee.

    Trả lờiXóa
  9. Ngày trước, gái miền Tây than như vầy
    "Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
    Dốc nào cao bằng dốc Nam Vang...
    Một tiếng anh than
    vòng vàng em hổng tiếc!
    Nhưng lấy được vàng rồi,
    Anh trốn biệt bỏ em..."

    nhưng ngày nay họ lại than rằng:
    "Cầu nào sang bằng cầu Mỹ Thuận
    Bắc nào thuận cho bằng bắc An Hòa
    Long Xuyên, Chợ Mới dể qua...
    Vòng sang Cao Lãnh,
    ngã Lấp Vò đó anh...!
    Đất này tuy khó trồng chanh
    hỏi ai chịu được em để dành ít công"

    Hôm nay không có nhiều thời gian, chỉ vì ngồi chờ 14h sang offline bên nhà Hồ Lan Hương, nên vào nhà anh Dũng "chế" vài câu ca dạo kiểu miền Đông để giải khuây.
    Thấy có "gái miền Tây" vào tham gia đàm đạo, hơi có hứng ròi đó nha! Để tối về, mình múa rìu qua mắt...Võ Đắc Danh, sẻ viết một entry về chuyên đề "Gái Miền Tây" cho bà con coi chơi hén?

    Trả lờiXóa
  10. caonguyenbui có dao phay hay mái chèo chưa? cho mượn nè, xong nhớ chùi kỹ rồi trả lại nhé.

    Trả lờiXóa
  11. gái miền tây má đỏ hây hây
    anh Sơn đụng đến dao phay ... có liền

    Trả lờiXóa
  12. Một trường đấu tại nhà tui hén ? Tui vô can à nghen ? Sẵn sàng cho mượn bãi dựng võ đài ...

    Trả lờiXóa
  13. Dạ, hổng dám...!
    Để em dìa nhà dọn lôi đài, ai xách dao phai vô, em tướt vủ khí để dành mơi mốt vợ em chặt xương nấu xí quách cho anh em mình nhậu chơi.
    Thường thì mấy ngừ nói coi dữ vậy, chớ nhát hít à1 Làm gì dám vô nhà em...
    he...he...

    Trả lờiXóa
  14. Yên sơn : "Để em dìa nhà dọn lôi đài, ai xách dao phai vô, em tướt vủ khí để dành mơi mốt vợ em chặt xương nấu xí quách cho anh em mình nhậu chơi.
    Thường thì mấy ngừ nói coi dữ vậy, chớ nhát hít à1 Làm gì dám vô nhà em...
    he...he...".
    Thiệt tình, bạn Yenson chắc mới vô nghề nên không biết trời cao đất dầy là gì. Thôi đi nha. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Bạn mà làm đàn bà con gái ghét thì chỉ có "từ chết tới bị thương". Muốn đấu võ đài thì đấu ở nơi công cộng, chứ đem về nhà bạn, rủi 2 vợ chồng bạn xúm nhau ám toán, thì làm sao người ta đở nổi.

    Trả lờiXóa
  15. Bạn mà làm đàn bà con gái ghét thì chỉ có "từ chết tới bị thương" . Chí lý !!

    Trả lờiXóa
  16. Sợ trong bụng họ ghét thiệt thôi! Chớ ngoài miệng nói ghét thì...nên mừng, "con gái nói ghét là...thương" mà anh Dũng.
    Đang viết entry "Con gái miền Tây" nữa chừng, quên saved. Thình lình điện nhấp nhái 1 cái làm mất hết trơn :((, nhậu hồi qua tới giờ còn mệt, bửa nay tự lãn công một bửa thôi.

    Trả lờiXóa
  17. Yenson: "Đang viết entry "Con gái miền Tây" nữa chừng, quên saved. Thình lình điện nhấp nhái 1 cái làm mất hết trơn :((, nhậu hồi qua tới giờ còn mệt, bửa nay tự lãn công một bửa thôi"
    Thấy chưa, bạn phải đốt nhang trước khi viết nha, không thì lần nầy bị cúp điện nữa cho mà coi...hi...hi..

    Trả lờiXóa
  18. Nghỉ trưa, định vào viết tiếp CGMT thì đọc inbox thấy comment của vannguyen99...
    @vannguyen: Định viết entry thay cho "lời tỏ tình dễ thương", mà cảm thấy đổi phong cách sang "giả nai" khó quá bạn ơi!
    Chắc phải "nghĩ sao nói vậy người ơi..." cho mau.

    Trả lờiXóa
  19. Có khi nghĩ một đàng, mà nói thì phải nói một nẻo, cho nó lành, nhất là với đờn bà con gái. Ai cũng nói thẳng từ trong ruột mình hết thì thế giới đại loạn hết. Nếu TT Mỹ Obama nói thật lòng với Kim Chích Nhất của Bắc Triều Tiên: "hắn là một tên khùng". Còn KCNhất sẽ nói lại : mầy là thằng đế quốc". Còn bạn, muốn lành dữ tuỳ phước của bạn. Good Luck!
    Chào bác Thedung 1952 nha, qua nhà bác mà chưa chào một tiếng thiệt bậy quá.

    Trả lờiXóa
  20. Không sao ! Trước lạ sau quen ...!

    Trả lờiXóa