Thứ Năm, 6 tháng 8, 2009

CHUYỆN NGÔN TỪ

 

 

 

Trích : KÝ ỨC SƠ SÀI 

 của NGUYỄN KHÊM

 

 

 

 

                                           

                                         Tặng nhà giáo NY & CNB

 

.... Cái gì mà các nhà chính trị từ cao tới thấp “phát biều chỉ đạo” lúc nào cũng chỉ có mấy “từ khoá” như nỗ lực, phấn đấu, bức xúc, hoàn thành, trăn trở, mạnh dạng…; câu thì chỉ hai ba “câu khoá” như “Không được để…, phải hoàn thành…phải đẩy mạnh….Xem ra nói đi nói lại chưa tới một trăm từ! Các MC, BTV, BLV thể thao… gần như những tấm gương soi cho cộng đồng về ngôn từ trên TV thì muốn nói kiều gì cũng được, cùng một tiếng khi đọc âm này, lúc đọc âm khác, nói sai bậy mà mặt mày đầy tự tin phát ghét. Có thứ tiếng Việt nào trong lịch sử mà nông dân chỉ cần nói: “Bưởi rất ngon nhưng đất hẹp, trồng không đủ bán”, đến phiên quan chức sẽ thành ra “Chất lượng bưởi rất là đạt nhưng diện tích nuôi trồng là không nhiều vì chưa có hướng phát triển đúng đắn nên khả năng tham gia thị trường là còn hạn chế”.

Tôi không thể tin vào thính giác già nua của mình khi nghe một ông đại uý công an giao thông thay vì chỉ cần nói “đụng xe ngoài ngã tư” thì thành: “Các phương tiện xung đột tại giao lộ”, phải chi ông mỉm cười một chút là tôi khoẻ vì nghĩ ông giỡn thôi. Báo chí thì chính thức từ lâu nói “tham gia giao thông”. Gì mà “tham gia” trời. Kinh hoàng nhất là BLV bóng đá. Nghề đó phải nói nhanh và càng gọn càng hay nhưng sao ngược lại mới lạ đời. “Anh ta chạy cực nhanh” thì bảo “Tốc độ chạy của anh ta là rất lớn”, “Anh ta có kỹ thuật khéo léo” thành ra “Anh ta đã sở hữu những phẩm chất kỹ thuật rất là tốt”. “Cú đánh đầu vừa rồi là của A” tức “A vừa đánh đầu”, lại “đánh đầu chiến thuật” tức chuyền banh bằng đầu. Chiến thuật ở đây là gì? Luôn luôn nói “Thời gian còn lại là không nhiều” trong khi chỉ cần nói” sắp hết giờ”. Sao người ta say mê từ “là” quá trớn trong khi từ này cấm kỵ trong tiếng Việt ngày trước, nhất là không được đặt trước tính từ làm vị ngữ, bổ ngữ vì nó thừa thải, dở tệ. Cũng không thiếu hài hước khi nghe các từ ngữ phát sinh theo nhu cầu bẻ quẹo tin tức như “nới rộng biên độ giá xăng” tức xăng tăng giá, “điều chỉnh chỉ số giá tiêu dùng” tức tăng vật giá, “khiếu kiện đông người” là biểu tình, “ngưng việc tập thể” là đình công, “nông dân có khó khăn” là nông dân điêu đứng, “chi tiền chưa đúng đối tượng” là ăn chặn tiền tết của người nghèo…

Những nhà học thuật, họ uyên thâm đáo để, sắc sảo mọi bề, chẳng hiểu vì cớ gì không nhìn lại đôi chút kết quả việc mình làm mà thay đổi chương trình, thay đổi não trạng trong việc trích tuyển tác phẩm, nội dung văn thơ trích giảng. Cái gì cũng chăm bẳm rằng chỉ văn học của phe ta là giá trị, đáng học, rồi ra chỉ thu hoạch một “mùa gặt trên hư không” mà thôi.

Lũ chúng tôi, suốt thời kỳ trung học, có học giờ ngữ pháp nào đâu, đó chỉ là những câu hỏi cho có vào cuối bài giảng văn, học sinh không kịp soạn thì thầy cũng không la rầy gì. Thế nhưng lên đến lớp 11, 12 chúng tôi chỉ mắc lỗi về ý tứ trong các bài nghị luận, hiếm khi thầy phàn nàn về lỗi từ ngữ, ngữ pháp. Không phải lúc đó trẻ con thông minh gì hơn bây giờ - dân tộc càng ngày càng khôn lanh hơn chứ - nhưng có lẽ nhờ chương trình chỉ chú ý dạy thứ tiếng Việt thực hành cốt rèn luyện cho trẻ em dùng từ ngữ đúng và viết trôi chảy các kiểu câu tiếng Việt thông qua các văn bản có giá trị thật về văn chương. Văn thơ thật sự có giá trị nghệ thuật, cái gì là tinh hoa của văn chương Việt nếu được trích dạy đúng lúc sẽ ở lại hoài trong tâm hồn trẻ, lời hay ý đẹp, mỗi ngày một ít, sẽ thấm dần trong các em, cách diễn đạt đăc trưng của ngôn ngữ dân tộc trong các áng văn thơ đó đâu khó khăn gì mà không gây được ảnh hưởng trên các em, rồi các em sẽ viết sáng sủa mà không cần phải học ngữ pháp quá nặng nề, vô bổ, mất thì giờ.

 

6 nhận xét:

  1. Y. thấy mình vẫn còn phải đọc nhiều, và học nhiều nữa anh ạ. Sự hiểu biết của mình chẳng thấm vào đâu cả.

    Trả lờiXóa
  2. Sau khi vận động mọi tư duy trừu tượng, đứng trên quan điểm triết lý mác xít lê nin nít, để đọc và thấm nhuần bài viết của Nguyễn Khiêm mà anh thedung1952 bốt trong cái ẻn tri này. Tôi thấy rằng, bài viết có nói lên được một số lệch lạc trong việc dùng từ ngữ tiếng việt trong một bộ phận nào đó của hệ thống giáo dục thông tin tuyên truyền của nhà nước ta, nhưng khuyết điểm này là nhỏ không đáng là bao so với ích lợi mà hiệu quả của việc tuyên truyền đã mang lại...
    (dạ, cho dừng cái còm...tè le này lại ạ, kẻo đọc tiếp một hồi, có người bị sỉu vì...đứt hơi)

    Trả lờiXóa
  3. Xin phép chú, cười lớn một chút. Há. Há. Sau khi đọc entry này, CNB phải vận dụng tư duy rất nhiều mới quán triệt cái tình hình sử dụng tiếng Việt hiện nay của một số cá nhân ở một số nơi như là...... Há. Há..... Tình hình là "Chình độ cảm nhựn văng hộc" của CNB có hạn nên chỉ quán triệt chút chút ý chú muốn nói trong entry đó chú à.....

    Trả lờiXóa
  4. Nói giống lão Tô Huy Rứa nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  5. "Quán chiệt" như thế cũng là khá lắm rồi ...

    Trả lờiXóa