Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

NHỚ VỀ CON THUYỀN KHÔNG BẾN ...



Đặng Thế Phong

  Tôi nghe Đặng Thế Phong đã từ lâu và rất nhiều lần : Nhạc có lời, nhạc hòa tấu hoặc độc tấu với nhiều ca sĩ và nhạc sĩ thể hiện . và bao giờ cũng xúc động bâng khuâng khi nghe những giai điệu, ca từ về những mùa thu ấy ...về con thuyền không bến trôi lang thang theo dòng ...

  " Nhớ khi chiều sương ,
  "CÙng ai trắc ẩn tấm lòng ..."

   Một người nghệ sĩ xuất sắc chỉ cần một vài tác phẩm cũng đủ để đời .
                                                              
 
 
Xin giới  thiệu với các bạn bài viết của NGUYỄN ĐÌNH TOÀN về người nhạc sĩ tài hoa vắn số nầy .                                

                                                                                      Mùa tựu trường 2009
 
                                                                                                 VTD             

   Đặng Thế Phong là một trong những nhạc sĩ tiền phong của chúng ta. Ông mất rất sớm, mới ngoài hai mươi tuổi. Ông chỉ để lại có ba bản nhạc.

   Cũng có người cho rằng ông có tới bốn hay năm bài. Nhưng thực tế, không ai biết cái bài thứ tư, thứ năm đó. Vậy chỉ nên coi những bài mọi người đều đã biết: Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không Bến và Đêm Thu, chính thức là những tác phẩm của ông.

   Những người đồng thời với Đặng Thế Phong kể lại rằng ông muốn trở thành họa sĩ chứ không phải nhạc sĩ.

   Cũng như Nhất Linh, Đặng Thế Phong đã thi vào trường Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà Nội, nhưng rồi bỏ dở ý định theo đuổi hội họa.

   Và cái việc Đặng Thế Phong thi vào trường Mỹ Thuật ấy, đã để lại một huyền thoại. Nghe nói ông đã vẽ một thân cây cụt (không có ngọn), rất đẹp. Vị giáo sư người Pháp chấm bài, khen ngợi, nhưng nói rằng: “E Đặng Thế Phong không sống lâu được.”

   Nhớ, xa hơn nữa, các cụ ta cũng truyền lại rằng, một học giả Trung Hoa, sau khi đọc xong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, đã nói: “Người này nhiều lắm 5 năm nữa sẽ chết, vì tinh hoa trút hết ra cả đây rồi”.

   Cả hai sự tiên liệu đều đúng.

dang_the_phong2

ĐẶNG THẾ PHONG

Như thế, cả Tây lẫn Tàu đều trông vật mà biết bệnh? Hay đó chỉ là điều giản dị như Shakespeare đã nói “trái nào chín trước nhất thì rụng trước hết?”


Ba ca khúc của Đặng Thế Phong được viết vào những ngày nền tân nhạc của chúng ta khởi đầu, và đều là những tình khúc.

Và tình khúc Đặng Thế Phong, ngay từ những ngày xa xôi ấy, đã có một tầm vóc khác:

Biết đâu bờ bến

Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu

Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu

Nhớ khi chiều sương

Cùng ai trắc ẩn tấm lòng

Dứt bao tình thương

Thuyền mơ buông trôi theo dòng

Bến mơ dù thiết tha

Thuyền ơi đừng chờ mong

   Trong ngần ấy lời ca chữ nào nói đến tình yêu, chữ nào không? Hình như không phải chỉ là con thuyền buông trôi theo dòng mà có cả kiếp người trôi trong dòng đời, cái có thật và cái tưởng tượng đều lẩn khuất sau một màn sương, chúng ta nhìn nhau với lòng trắc ẩn, hạnh phúc khó khăn hay chỉ sống không thôi đã là một điều khó khăn, “bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong”, chúng ta chẳng thể nào tới được nơi mong ước cũng không biết đã ra đi từ đâu:

Thu xưa xa xăm ngoài chân mây

Thu nay bơ vơ thuyền trôi đây

Phải chăng thuyền nhớ nơi non bồng

Nơi đã bao phen chùng tơ lòng…

Con sông nào chẳng có hai bờ, nhưng bờ có phải là bến không?


Tigôn 2

   Nghe nhạc Đặng Thế Phong là nghe lấy những tiếng ở giữa chừng đời sống ấy, tiếng va chạm của cái chốn xa xăm ngoài chân mây với cái cõi bơ vơ thuyền trôi đây.


Người ta không hiểu sao ở ngưỡng cửa của tuổi hai mươi Đặng Thế Phong đã nghe ra cái tiếng nhân thế bao la sầu như ông viết trong Giọt Mưa Thu:

Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây

Phòng vắng bốn bề không liếp che gió về

Ai nức nở thương đời châu buông mau

Dương thế bao la sầu…

Nghe nói khi mới viết xong ca khúc này Đặng Thế Phong đã đặt tên là Vạn Cổ Sầu rồi sau đó mới đổi thành Giọt Mưa Thu.

Cả ba ca khúc Đặng Thế Phong để lại cho đời đều là những bản thu ca.
Điều này nữa có phải cũng là một báo hiệu cái mùa đông sửa đang đón đợi ông?

Lấy những cái đã xẩy ra rồi để giải thích sự việc, người ta thường tìm cách ráp sao cho ăn khớp, điều ấy dễ thôi. Nhưng quả thật nghe lại nhạc Đặng Thế Phong, chúng ta sẽ thấy, chỉ cái mùa vạn vật dường như đắm một nữa trong mộng ấy, mới thích hợp với tâm hồn ông.

Tất cả các lời ca của Đặng Thế Phong đều long lanh sáng. Nhưng chúng không sáng cái ánh sáng của mặt trời, mà sáng cái sáng của lân tinh, của ánh trăng. Cái buồn trong nhạc của Đặng Thế Phong còn có thêm một cái buồn lây của đóa hoa đứng im như mắc buồn, nỗi buồn đọng lại hay mùa đông buồn trong ánh sao, cả ba cách dùng đều có nghĩa.

Cũng nên nói thêm là gần đây, những bài hát gọi chung là tiền chiến, được thu thanh ở cả trong lẫn ngoài nước, có đến chín phần mười sai. Sai cả nhạc lẫn lời. Nói sai là căn cứ vào những gì đã được in ra, phổ biến trước đây.

Trường hợp chính tác giả viết lại thì đành chịu, không thể nói là sai được.
Trở lại với Đặng Thế Phong.

Ông đã bỏ không đặt tên ca khúc của mình là Vạn Cổ Sầu.

Nhưng ông đã để lại nỗi sầu ấy cho chúng ta và có lẽ cho cả những người sau này nữa.

Cái chết của Đặng Thế Phong, cái chết của Nguyễn Nhược Pháp, của Thạch Lam, cho đến bây giờ, nhớ lại, nghe nhắc lại, chúng ta vẫn chưa hết ngẩn ngơ, vì không muốn tin, không tin được đó là sự thật, những bậc tài hoa như thế, tiếc thay tài sao đành lỡ làng (Dương Thiệu Tước).

Chúng ta tiếc vì nghĩ rằng, nếu những người ấy không chết yểu như vậy, chắc chúng ta còn được thưởng thức thêm nhiều tác phẩm. Có đúng như vậy không?

Giả thử ước muốn của chúng ta có thể trở thành sự thật thì những cuộc sống thêm ấy sẽ là bao lâu?

Chính xác là bao lâu sẽ vừa với ước muốn của chúng ta?

Và, liệu chính những người ấy, có ưng vậy chăng?

Nguyễn Đình Toàn
Quận Cam, California.
(Trích Khởi Hành)


  GHI CHÚ :

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn sinh năm 1936 tại Hà Nội, tị nạn Cộng Sản lần thứ nhất năm 1954; trước 1975 làm việc tại Đài Phát Thanh Sài Gòn, nổi tiếng với chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài này, trong khi cộng tác với các tạp chí văn học bằng các truyện ngắn, và thơ. Năm 1998 ông tị nạn Cộng Sản lần thứ hai, qua Hoa Kỳ và trở lại hoạt động mạnh trong lãnh vực âm nhạc, cho thực hiện hai cuốn CD ngay khi phát hành đã được đón nhận nồng nhiệt: Hiên Cúc Vàng với chỉ một giọng ca Khánh Ly, và Tình Ca Việt Nam với Duy Trác, Khánh Ly, Sĩ Phú, Thái Thanh, Võ Anh Tuấn, Lệ Thu. Tác phẩm văn chương của ông có thể kể: Chị Em Hải, 1961, tác phẩm đầu tay, nhật báo Tự Do xuất bản, Những Kẻ Đứng Bên Lề, 1964, Con Đường, 1967, Ngày Tháng, 1968, Đêm Hè, 1970, Giờ Ra Chơi, 1970. Không Một Ai, 1971, Thành Phố, 1971, Tro Than, 1972. Năm 1973 Nguyễn Đình Toàn được trao giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc (VNCH) bộ môn truyện, với tác phẩm Áo Mơ Phai. Ông và gia đình hiện cư ngụ tại thành phố Westminster, California.

  nguồn  :

http://ongvove.wordpress.com/2009/08/28/d%E1%BA%B7ng-th%E1%BA%BF-phong/
 

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2009

CHẤT THƠ TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

 


 Chất thơ trong Tiểu thuyết
    Võ hiệp Kim Dung
08/07/2009
   Hồi trước 75 khi tôi biết đọc Kim Dung đầu tiên là đọc trên feuilleton tức là trên báo giấy hàng ngày . Lúc ấy ngày nào báo cáo lỗi vì báo Hồng Kông không sang kịp thì tôi rất buồn và không muốn mua báo nữa ...Mê đến nổi có lần một thằng bạn trong nhóm  tuyên bố rằng thằng nào không đọc Kim Dung không chơi được ! và người ta mê Kim Dung như điên như cuồng các bạn ạ . Nay thấy bài viết nầy hay hay nên post lên để các bạn cùng thưởng thức .
                                                                 VTD

 
   Đưa thơ vào trong tiểu thuyết, cho tiểu thuyết có chất lãng mạn nhằm tạo thi hứng cho cả người viết lẫn người đọc là đặc điểm cố hữu của 300 tiểu thuyết chương hồi thời Minh – Thanh. Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần có trên vài trăm bài thơ và khi thực hiện phim Hồng Lâu Mộng, các nghệ sĩ Bắc Kinh đã biến những bài thơ này thành nhạc từ – một dạng nhạc phủ – được hát lên, làm giàu thêm chất liệu nghệ thuật cho tác phẩm điện ảnh.


   Nhà văn Kim Dung đã kế thừa phong cách đưa thơ vào tác phẩm tiểu thuyết như các nhà văn tiền bối mặc dù tiểu thuyết chương hồi của ông là tân văn tiểu thuyết. ở chừng mực nào đó, Kim Dung là một nhà thơ thực sự; ông đã viết cả vài trăm bài thơ, đặc biệt là thơ Thiền tông. Những bài thơ này chưa được in ra; người đời chỉ biết ông là nhà văn chứ chưa hề hiểu được ông còn là một nhà thơ. Chúng ta cũng lưu ý rằng ông nội Kim Dung đã từng làm tri huyện huyện Đơn Dương, Triết Giang và là một nhà thơ khá nổi tiếng cuối đời Thanh với thi tập Hải Ninh Sát Thị Sao Thị. Có lẽ âm vang của truyền thống tiểu thuyết Minh – Thanh, âm vang của truyền thống gia đình đã khiến Kim Dung mạnh dạn đưa thơ vào tiểu thuyết võ hiệp, làm cho những tác phẩm văn xuôi của ông mênh mang một màu thi ca lãng mạn, trữ tình.

   Có những tác phẩm của Kim Dung lấy thơ làm nguồn cảm hứng chủ yếu. Đó là trường hợp bộ Hiệp Khách Hành gồm 12 quyển. Hiệp Khách Hành là tựa đề một bài thơ dài của nhà thơ Lý Bạch, một trong Đường – Tống bát đại gia mà lịch sử văn học Trung Quốc rất đỗi tự hào. Thơ Lý Bạch có nhiều thể tài: Diễm ca (ca ngợi cái đẹp), Túy ca (viết trong lúc say), Biệt ca (viết lúc chia tay nhau), Biên tái ca (viết về cuộc đời chinh chiến), Tình ca (ca ngợi tình yêu), Hành ca (ca ngợi chuyện giang hồ mạo hiểm),… Hiệp Khách Hành là một bài thơ ngũ ngôn, thuộc thể Hành ca, ca ngợi Ngụy Vô Kỵ, tức Lăng Tín Quân, công tử của nước Ngụy và 2 hiệp khách – Hầu Doanh, người giữ cửa Di Môn cùng Chu Hợi, anh hàng thịt. Hai người đã có công giúp Tín Lăng Quân đưa quân sang cứu nước Triệu, bảo vệ Hàm Đan, chống lại quân Tần thời Chiến quốc.

                     Triệu khách mạn hồ anh
                     Ngô câu sương tuyết minh
                     Ngân yên chiếu bạch mã
                     Táp nạp như lưu tinh…Khách nước Triệu phất phơ giải mũ
                     Kiếm Ngô Câu rực rỡ tuyết sương
                    Ngân yên bạch mã huy hoàng
                    Vó câu vun vút như ngàn sao bay
                    Cách mười bước giết người chẳng trật
                    Ngàn dặm xa vùng vẫy mà chi?
                    Việc xong rũ áo ra đi
                    Ẩn thân rừng núi kể gì tiếng tăm
                    Rảnh lại nhớ Tín Lăng tìm đến
                    Gươm gác đùi chuốc chén đầy vơi
                    Này nem này rượu khuyên mời
                       Ba chén cạn, thân mình xá kể?
                      Năm núi cao, xem nhẹ lông hồng!
                      Mắt hoa mặt đã nóng bừng
                     Khí hùng bay bổng lên từng mây xanh
                     Chùy cứu Triệu vung tay khảng khái
                      Thành Hàm Đan run rẩy kinh hoàng
                      Nghìn thu tráng sĩ hai chàng
                      Tiếng tăm hiển hách, rỡ ràng Đại Lương
                      Người dù thác xương còn thơm ngát
                     Chẳng hổ ngươi đáng mặt anh hào!
                      Kìa ai ẩn náu lên lầu
                      Chép kinh đến thủa bạc đầu chưa xong?

Chat tho KD3


   Đi vào trong tiểu thuyết Kim Dung, cả bài thơ Hiệp Khách Hành vẫn được giữ nguyên nhưng nó không còn là một bài thơ nữa. Nó chính là một pho võ công mà ai có tấm lòng chân chất nhất, ít cơ tâm nhất mới nhận ra được. Con người đó là một chàng trai không hề biết chữ: Thạch Phá Thiên tức Cẩu Tạp Chủng. Anh cóc cần bài thơ nói lên ý nghĩa gì, câu thơ biểu đạt điều gì. Anh chỉ nhìn nét chữ. Ví dụ chữ Hành gồm 6 nét thì anh khám phá ra sáu thế võ tương ứng với 6 nét đó chứ không cần biết Hành là đi hay chạy. Anh cứ lẳng lặng khám phá tự dạng như thế cho đến chữ cuối cùng và đắc thủ một môn thần công, điều mà có những người bỏ ra mấy chục năm vẫn không khám phá được. Kim Dung gọi đó là lối trước ý. Lục Mạch Thần Kiếm Truyện mênh mang một không khí lãng mạn, trữ tình của thơ. Đó là những câu thơ của Kim Dung làm ra để ca ngợi hoa trà, một quốc hoa của nước Đại Lý:

                               Thanh quần ngọc diện như tương thức
                                Cửu nguyệt trà hoa mãn lộ khai
                               (Quần xanh, vóc ngọc tuồng quen mặt
                                Tháng chín, hoa trà rợp lối đi)

                           Hoặc:

                                Xuân câu thủy động trà hoa bạch
                                Hạ cốc vân sinh lệ tử hồng
                                (Giòng xuân nước gợn hoa trà trắng
                                Non hạ mây trôi trái vải hồng).


    Đó là những câu thơ do chính Kim Dung làm ra nhưng được gắn vào cho những nhân vật của mình, để các nhân vật tỏ tình trước tình nhân. Thí dụ Trấn Nam vương Đại Lý Đoàn Chính Thuần, một con người phong tình rất mực, thường “nói” với các tình nhân Vương phu nhân và Tu la đao Tần Hồng Miên. Với Vương phu nhân, một người rất yêu hoa, Đoàn Chính Thuần đọc:

                                Dưới khóm mẫu đơn đành bỏ mạng
                                Chết làm quỷ sứ cũng  phong lưu

    Với Tần Hồng Miên, một người chuyên phóng Tu la đao, Đoàn Chính Thuần chỉ “biên tập” hai chữ mẫu đơn:

                                Dưới lưỡi Tu la đành bỏ mạng
                                Chết làm quỷ sứ cũng  phong lưu .

    Thi ca, từ phú không thể tách rời với thi pháp. Trong những ngày sống chung với Nguyễn Tinh Trúc, Đoàn Chính Thuần đã chép tặng bà này bài Sầm Viên Xuân, một bài từ danh tiếng:



Chat tho KD


                                Sóng thu dường điểm mực

                               Tóc phượng rủ bên tai
                                Dung nhan tuấn nhã
                               Vẻ thiên nhiên càng ngắm càng tươi
                               Cách hoa nhìn bóng dáng
                               Vằng vặc ánh sao thưa
                                Ngồi tựa lan can ngắm
                                Mặt hồ gươm phẳng lặng như tờ …
                                Bao giờ quên được
                                Hình ảnh lúc chia phôi
                                Khăn là ướt đẫm
                               Ly biệt đôi đàng dòng lệ rơi.

    Đoàn Chính Thuần là một vương gia phong nhã, có riêng một thư pháp. Chính nhờ đó, Tiêu Phong đã đối chiếu nét chữ trên bài từ với nét chữ của một nhân vật ẩn danh được gọi là “Thủ lĩnh đại ca” trong lá thư viết về truyện giết cha ông ngoài Nhạn Môn Quan và biết Đoàn Chính Thuần không phải là người chủ mưu vụ giết cha mình.

    Thơ luôn gắn liền với tình yêu, đặc biệt là những mối tình dang dở. Gần như Kim Dung tôn trọng triệt để mô thức đó… Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ Ký, Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San thương yêu nhau. Rồi một người thứ ba – Lâm Bình Chi – hiện ra và Nhạc Linh San say mê Lâm Bình Chi, phụ rẫy mối tình của Lệnh Hồ Xung. Nàng lấy Lâm Bình Chi khi Lâm Bình Chi đã tự thiến (dẫn đao tự cung) để luyện Tịch Tà kiếm phổ. Biết chồng mình không còn là đàn ông nữa, Nhạc Linh San đau đớn nhớ thương chàng Lệnh Hồ Xung. Cô đã đề lên trên tấm vải một bài thơ của danh sĩ Lý Thương Ẩn, mượn thơ người để biểu đạt tâm trạng của mình:

                              Nhớ xưa luyến ái Hàn công tử
                              Xương trắng thành tro hận chửa tan.

Ngày Nhạc Linh San chết đi, Lệnh Hồ Xung trở về núi Hoa Sơn. Anh vào căn phòng riêng của Nhạc Linh San và đọc được hai câu thơ ấy, biết được tâm trạng Nhạc Linh San và cảm thấy thương yêu cô gái bất hạnh hơn bao giờ hết.


tho KD


   Cũng trong Tiếu Ngạo Giang Hồ Ký, ta đọc được những câu thơ bình dân khá nổi tiếng của người Trung Hoa. Gần như bọn giang hồ hào sĩ thường lấy những câu thơ nầy làm câu cửa miệng, đọc lên trong những tình huống thích hợp. Thí dụ khi chia tay nhau họ đọc:


        Thanh sơn bích thủy
        Hậu hội hữu kỳ

         (Non xanh trơ đó
         Nước biếc vẫn đây
         Còn ngày gặp gỡ)

   Hay khi khuyên ai xuống tay giết một người, họ thường đọc hai câu thơ:

           Tiểu lượng phi quân tử
          Vô độc bất trượng phu

           (Lượng nhỏ chẳng thành người quân tử
            Không độc sao nên đấng trượng phu)

    Những câu thơ thông tục, đặt đúng vào vị trí trong văn cảnh, đã làm tác phẩm tăng thêm chất văn học.

    Thơ luôn gắn liền với kinh điển của các tôn giáo, bang hội. Trong kinh của Báo hỏa giáo Ba Tư, có đến trên 100 bài thơ của Nga Mạc, đã được nhà thơ Quách Mạt Nhược dịch ra bản Quan Thoại. Kim Dung đã khéo léo sử dụng một bài thơ ngắn nói về số phận con người, gắn bài thơ đó vào thân phận Tiểu Siêu, cô gái lai Ba Tư – Trung Hoa trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Tiểu Siêu thương yêu Trương Vô Kỵ nhưng không hề nói lên lòng thương yêu đó. Cô chỉ vẫn thường hát cho anh nghe:

                               Lai như lưu thủy hề, thệ như phong
                               Bất tri hà xứ lại hề, hà sở chung

                              Chỉ có 17 chữ nhưng bài thơ cực kỳ hàm súc.

         Tôi xin tạm dịch:


                              Chợt đến như dòng nước chảy
                              Rồi tàn như gió thoảng mau
                              Chẳng biết từ nơi nào đến
                              Và chẳng biết tàn nơi đâu

    Cho đến khi Tiểu Siêu hôn Trương Vô Kỵ, từ biệt anh để trở về Ba Tư, Trương Vô Kỵ mới khám phá ra ý nghĩa của tình yêu nằm trong lời kinh Bái Hỏa Giáo. Cuộc đời con người ngắn ngủi thì tình yêu cũng thế; cũng Lai như lưu thủy hề, thệ như phong và bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung. Tôi cho đoạn Tiểu Siêu chia tay Trương Vô Kỵ trên biển là đoạn hay nhất, giàu chất thơ nhất trong cả 11 pho tiểu thuyết đồ sộ của Kim Dung.

Tieu Sieu


    Thơ chính là Đạo. Kim Dung muốn bạn đọc của mình nhận ra điều ấỵ. Ông đã để cho những nhân vật của mình xuất khẩu thành thơ, ngôn từ đơn giản nhưng ý tứ – cái Đạo bên trong – lại rất bao la, thâm diệu. Thí dụ như bài thơ của nhà sư Trí Quan đọc cho kiều phong khi nghe Kiều Phong lên núi thiên thai, chùa Chỉ Quán, yết kiến ông và hỏi thăm gốc gác của mình. Tự thâm tâm, Kiều Phong rất xấu hổ, rất đau đớn vì mình là người Khiết Đan, mình không thuộc dân tộc Hán. Nhà sư Trí Quan đã giải quyết mối ưu tư nội tại của Kiều Phong bằng một bài thơ mang chất Thiền mênh mông:

                              Khiết Đan với Hán nhân
                              Bất luận giả hay chân
                             Ân oán cùng vinh nhục
                              Không hơn đám bụi trần

    Kim Dung đã đẩy tiểu thuyết của mình đi đến bờ cõi bao la của triết học. Và tùy trình độ nhận thức, cảm thụ; các nhân vật của ông ngộ hay không ngộ vấn đề. Tất nhiên, bài thơ như thế này rất gần gũi với con người, không đến nỗi bí hiểm như những công án của Thiền tông.

    Trong 11 pho tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, thơ Trung Hoa và thơ của Kim Dung xuất hiện đều đặn. Nó trung hòa với tính chất sắt máu của cuộc đấu tranh chánh – tà, thể hiện cái hồn của văn học tiểu thuyết chương hồi truyền thống. Nó kết hợp với thư pháp (phép viết chữ), hình thành nên những pho võ công cho phán quan bút, kiếm pháp, chưởng pháp. Nó làm nên tố chất lãng mạn cho tình yêu, chất triết lý cho tôn giáo, chất trí tuệ cho đời sống. Đưa thơ vào truyện kiếm hiệp như ông quả là thủ pháp của một nhà văn cao cường. Có thể nói, Kim Dung đã vượt xa những bậc tiền bối của mình trong hệ tiểu thuyết chương hồi Minh Thanh. Điều này cũng rất dễ hiểu bởi Kim Dung là một nhà thơ có tài và tài năng của ông thực sự phát triển rực rỡ khi người tình Hạ Mộng ra đi khỏi vòng tay ông.
                                                                     Theo Ngô Quang Minh


  Nguồn nhạc : http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=ABIBQWZW31 :

                      Thiên Long Bát Bộ  do Feye Wong hát


Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

TẢN MẠN VỀ VĂN CAO




VĂN CAO

                                                       ngẫu hứng




Ðã lâu lắm, ở một làng quê hẻo lánh miền trung có đứa con nít lên bảy - với cây đàn măng-đô-lin cũ kỹ - đã đàn những bản Thiên Thai, Không Quân Việt Nam, Làng Tôi... Nó đàn và hát mà không hề biết ai là tác giả. Bài hát thường bị ngắt quãng bởi những tiếng gầm rú của máy bay ném bom giặc Pháp.

Ngôi nhà tôi bốc cháy. Giống hệt bi kịch được mô tả trong bài hát:

Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà.

Ngày giặc Pháp tới làng diệt thôn.

Ðường ngập bao xương máu tơi bời

Ðồng không nhà trống tàn hoang.

Ðó là Văn Cao.


200px-BenXuan

         Bìa bản nhạc Bến Xuân do nhà
        Tinh Hoa tái bản lần thứ ba, năm 1954


Nhưng chỉ là Văn Cao trong chiến tranh.

Mười lăm năm sau, khi là sinh viên đại học Sài Gòn chúng tôi lại ngồi với nhau hát Sông Lô, Bắc Sơn, Thăng Long Hành Khúc... chúng tôi hát Văn Cao trên đường phố, trong khói cay và trong cả nhà tù.

Ðó là Văn Cao.

Một Văn Cao xuống đường đấu tranh cách mạng. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi và các bạn tôi lại hát Ca Ngợi Hồ Chủ Tịch. Một giai điệu đẹp, trang trọng và quý phái. Tôi hát bài ấy không phải vì là bài ”ca ngợi“ mà vì giai điệu của nó đẹp quá, nó chinh phục tôi ngay từ những dòng dạo đầu của cung FA trưởng tài hoa.

Ðó là Văn Cao. Một Văn Cao trong ngẫu hứng.


Van_cao_guitar

               VĂN CAO lúc 20 tuổi


Còn một Văn Cao khác, trữ tình, mộng mị, phiêu lãng và rất cổ điển trong Cung

 Ðàn Xưa, Buồn Tàn Thu, Thiên Thai, Suối Mơ...

Nếu ai chịu khó đọc thơ của ông, xem tranh của ông, sẽ gặp một Văn Cao

khác hiện đại hơn.

Những bó hoa mang tới chúc tụng

Thành công một con người

Hàng ngày, hàng ngày

Xây thành cái mồ chôn

Con người thành công ấy

Người ta đôi khi bị giết bằng những bó hoa

( NHỮNG BÓ HOA )
 

Nhưng chúng ta vẫn chưa phác thảo được một Văn Cao thực sự, bởi Văn Cao còn có một đời riêng nghèo khó, khốn đốn vì thời cuộc, vì những ấu trĩ của một thời ”chưa mở cửa”. Chuyện ấy nói chỉ một câu nhưng Văn Cao phải chịu đựng gần như cả cuộc đời.
 

Cái phần đời ngậm ngùi ấy Văn Cao không thể hiện được trong tác phẩm của mình dù chỉ thấp thoáng. Nó chìm khuất dưới đáy sâu của một biển cả lạnh giá. Và cũng giống như ngọn núi băng, cái phần chìm câm lặng ấy bao giờ cũng to lớn hơn phần nổi hào nhoáng trên bề mặt.

Ðó là điều đáng tiếc. Bởi vì nó cũng là một phần đời thật nhất, nhiều nỗi đau nhất, nhiều thương tích nhất. Nhưng, những giọt máu trên vùng thương tích ấy đã không chảy vào được tài năng của ông để tạo thành tác phẩm. Ðó là thiệt thòi của ông. Và của văn học nghệ thuật Việt Nam.


Vancao

           Thời sống nghèo túng và cô độc


Một Văn-Cao-thật là một cái gì dang dở.

Ðời dang dở. Mà tài năng - tuy lớn - nhưng cũng dang dở.

ĐÀO HIẾU
 

 

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

NGÔN NGỮ BÌNH DÂN

        




 QUÁN  THOẠI

 















 Quán thọai là cách nói dân dã , nói ra thì ai cũng hiểu nhưng nhiều lúc không giải thích được .

 Nhiều câu nói thấy nó gần gũi với mình làm sao, đôi lúc lại chính xác với tình tiết đang xảy ra .

  Tôi xin chép một vài chuyện nhỏ để các bạn đọc thư giãn trong những lúc trà dư tửu hậu .  



                                                                  *

  Còn nhớ , có lần đám rước dâu của anh thứ hai tôi đi bằng ghe máy , tức là đi với chiếc ghe trên có đặt một cái máy Koller phía sau, tương tự như các ghe máy khác ở vùng sông nước .

   Ghe máy ra kinh xáng nước chảy xiết . Trên ghe là nguyên cả họ đàng trai khoản 20 người . Lúc ấy người chị họ tôi : Chị Tám Rãnh  là một người có tính tình như con trai , đề nghị với chú tài công để cho chị lái thử ! Chị nói rằng lái vỏ lãi thì chị lái đã quen không có sao đâu .   


  Nhưng khi bác tài tốp ga , giao cần lái cho chị thì do lính quýnh , chị rồ máy và chiếc ghe quay ngang tưởng chừng như sắp lật úp ! Mọi người trên ghe đều sợ hết hồn ...

  Bác Hai tôi (Ba của chị Tám Rảnh ) đứng lên quát :

   - Đồ con gái lấy lê !!


   Ý ông chưỡi chị Tám LẤY LE .

  Ồ từ lấy le , việc le ...nói ra thì ai cũng hiểu nhưng nó hoàn toàn không có trong ngôn ngữ chính thống của ta .

   Từ đó trong nhà tôi khi có một việc tương tự như vậy , chúng tôi nói nhạo : "Đồ lấy lê " !!

     phtim11

                                                                   

 Một lần kia tôi có dịp đi Cà Mau chơi. Đến nhà người chị thứ Năm tôi nghe chị dùng từ Thầy Chạy  !

  Tuy là mới nghe lần đầu nhưng tôi hiểu ngay ý nghĩa của nó .

   Hỏi thằng con trai của chị dạo nầy làm ăn ra sao ? Chị đáp gọn lỏn :

   - Thằng đó bây giờ thầy chạy !

                                                                    *

   Ồ thằng cha đó sến lắm !

   Tôi đã có 1 entry nói về "sến" rồi nên không nói nữa . Song từ sến không phải chỉ dùng riêng cho âm nhạc mà nó được xài rất phổ biến trong các lãnh vực khác : Ăn mặc sến; cắt tóc sến, nhà trang trí sến , ăn nói sến ...

   Biết bao tình huống của cuộc sống đã bị người đời gán cho tiếng sến và nó đã làm "quê"  bao nhiêu người ?

Bo ben kia_file

                                                                 

  Một lần , trong quán cà phê tôi ngối cạnh bàn hai chàng trai trẻ . Họ tán gẫu với nhau . Một người nói :

   - Con nhỏ đó hết sẩy !

   Tôi biết rằng cậu chàng đang ca tụng một cô nàng nào đó . Nhưng tại sao lại "hết sẩy" ?

  "Sẩy"
nghĩa đen là mất (lose) , không còn nữa, thất lạc ...

   Khi đi câu cá , một con cá lớn cắn câu, người đi câu giựt mạnh , thường là bắt được cá , nhưng cũng có khi ... Sẩy do quát lưỡi câu hay đứt dây câu !

  Không bắt được con cá là sẩy rồi !

 Nói như vậy để các bạn thấy rằng sẩy là mất, mà hết sẩy là không mất , là dính.

 
Thế tại sao nói : "Con nhỏ đó hết sẩy " ?

   Nhưng ta nghe vẫn hiểu ý nghĩa thật của nó. 

  Tóm lại không thể giải thích các cụm từ quán thoại theo nghĩa chung nhất mà phải bằng cuộc sống thực tế .

                                                              *

   Một lần tình cờ tôi nghe hai bà cũng ngồi trong quán nước nói chuyện với nhau .

   - ....

   -  Nó là con ghệ nhí của thằng chả !

  Tôi hiểu ngay lập tức , nhưng đố thằng cha nước ngòai nào biết được "con ghệ nhí" là con gì ??

   Thật không có từ nào hay hơn cụm từ "con ghệ nhí" để diễn tả một cô gái trẻ là bồ bịt của ai đó , thường là một người lớn tuối (nhí đối với già mà !)

 Đã là "ghệ" thì không có ghệ ...sồn sồn hay ghệ già mà phải là ghệ nhí mới được !!

  Hoặc có khi người ta nói :

   - Thằng đó bây giờ ghệ gộc dữ lắm ! 


                                                                 *

  Ngôn ngữ bình dân dạng như tôi vừa nói ở trên rất đa dạng và phong phú không sao kể hết . hồi trước 75 người ta nói là ngôn ngữ của lính .Tôi chỉ kể một vài câu từ tiêu biểu, còn lại để các bạn "còm" lên cho vui .

                                                                                     26/8/2009

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

TẢN MẠN VỀ CẢI LƯƠNG ...



Soạn giả Viễn Châu và

      Tình anh bán chiếu






                      LÊ PHÚ KHẢI






              


               VIỄN CHÂU

                                                                            Tặng nvtai , CNB & NY

                                                                                                 vtd      

      
    Từ lâu, tôi đã vốn muốn tìm gặp bác Viễn Châu, soạn giả của hơn 2.000 bài vọng cổ và 60 vở cải lương... để xin nguyên bản bài vọng cổ bất hủ “Tình anh bán chiếu” - bài ca cổ đã làm say lòng bao thế hệ người Nam bộ.

 
Soạn giả Viễn Châu tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh.

Ut Tra On

                                                                    Út Trà Ôn

Lần đầu tiên tôi được nghe bản “Tình anh bán chiếu” trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Năm đó (tôi không nhớ rõ năm nào vì đã lâu ngày), Bộ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Tấn Trinh rủ tôi xuống Kiên Giang thăm xí nghiệp đánh cá tiên tiến Chiến Thắng. Trong bữa liên hoan thân mật vào một buổi tối mừng Bộ trưởng từ Hà Nội vô, có nhiều thủy thủ tham dự, nhiều người trổ tài văn nghệ. Bỗng Giám đốc Ba Tân (nay là Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang) đứng lên tự giới thiệu sẽ ca bài “Tình anh bán chiếu”... Tất cả vỗ tay rần rần... Lúc đó tôi đoán, có lẽ đây là bài “tủ” của Giám đốc và cánh thủy thủ đã được nghe nhiều lần nên mới hưởng ứng nồng nhiệt như thế ! Quả tôi không lầm!

Ba Tân có giọng ca thật mùi mẫn và chuyện tình của “anh bán chiếu” thật lâm ly:

“Hò ơ...

Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm

Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu

Chiếu này tôi chẳng bán đâu

Tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm...

Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra... chào”

Người dân Nam bộ ai mà chẳng biết Ngã Bảy, nên càng thương cảm anh bán chiếu si tình: “Hỡi ôi ! con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngả thì lệ tôi cũng lai láng muôn dòng...”; “Đôi chiếu bông này tôi tự tay dệt lấy, tôi đã lựa từng cọng lác sợi gai, nhưng khi tôi đến nơi thì cô đã bỏ nhà qua xứ khác”; “Tôi vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nát, bước chân đi như thể xác không hồn”; “Còn chi buồn hơn nghề bán chiếu để tô điểm loan phòng cho những gái còn xuân, đến khi họ cất bước sang ngang lại không một lời hỏi han từ giã, cho đến đôi chiếu bông tôi bỏ công ngồi dệt mấy ngày đêm ròng rã nay còn nằm trơ ở dưới khoang thuyền.

Ngọn gió đêm đông đừng thổi nữa

Lòng tôi lạnh lắm gió đông ơi...

... Sông sâu bên lở bên bồi

Tình anh bán chiếu trọn đời không phai”

Cả căn phòng lớn lặng đi khi Ba Tân vừa dứt bản tình ca!

Cái hay của bài vọng cổ này là ở chất tình si của anh bán chiếu. Không một lời hẹn ước. Cô gái chỉ đặt mua chiếu mà thôi! “Nhớ năm ngoái khi ghe vừa tới vàm sông Ngã Bảy, cô đã tươi cười dẫn tôi đến tận nhà cô, cô đưa tôi vào chốn phòng riêng để đo ni chiếc giường gõ đỏ và đặt tôi làm đôi chiếu. Cô hỏi qua giá cả tôi trả lời lấy giá rẻ làm quen. Năm hôm sau, khi tôi sắp sửa lui ghe cô còn đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng. Sau khi cô đà quay gót chiếc áo bông hường cũng khuất dạng sau mấy lùm tre. Cô biết đâu tôi đã lấy nón lá che ngang để giấu đôi hàng nước mắt, vì không muốn bàn quan thiên hạ họ cười tôi là kẻ si tình ?”. Si đến thế là... tới bến, tới bờ! Bởi vậy, lần sau trở lại, khi biết cô đã quên anh “để cất bước theo chồng” nên mới có những lời ca “tan nát” cả “cõi lòng”... người nghe vọng cổ!

ban-chieu



Tôi còn được nghe “Tình anh bán chiếu” nhiều lần sau đó, khi thì ở một nông trường khai hoang trong vùng Đồng Tháp Mười, khi thì ở một bến phà qua sông, khi ở một nhà hàng khách sạn... đều do “nghệ sĩ” dân gian biểu diễn. Bây giờ thì chúng tôi đã tìm được nhà của bác Viễn Châu trong một con hẻm ở đường Trần Hưng Đạo (TP Hồ Chí Minh). Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai mặc dù đã đến nhiều lần nhưng vẫn quên lối vì hẻm sâu và nhiều ngách. Nhưng chỉ nói đến tên Châu thì một bác xe ôm đã xướng lên: “Soạn giả Viễn Châu chớ gì?”. Và anh ta xăng xái dẫn đường...

Soạn giả Viễn Châu ở một ngôi nhà hẹp chiều ngang, phòng riêng của ông ở phía sau cùng lầu 2 - miền Bắc kêu bằng lầu 3 - nhưng có cửa sổ hậu thoáng mát. Trước mắt tôi là một ông già Nam bộ dáng phong lưu, trán cao, tóc bạc, cả hai hàng lông mày cũng đã bạc nhưng còn rất tinh tường và cởi mở. Xung quanh ông là sách vở, đĩa nhạc, trên tường treo một cây đàn tranh, bên cạnh ghế ngồi trong tầm tay với là một chiếc đàn ghi-ta “mini”, đằng sau treo lẫn với áo quần là một chiếc đàn ghi-ta lớn... Ông đang làm việc. (Viết và đàn). Tôi có cảm giác như lạc vào căn gác xép của Vũ Hoàng Chương ở phố cổ Hà Nội trước năm 45 hơn là đang ở giữa Sài Gòn nhộn nhịp.

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai tặng soạn giả Viễn Châu cà phê... còn tôi thì không giấu giếm muốn tìm hiểu về xuất xứ của bản “Tình anh bán chiếu”!.

Nhả một làn khói “ba số năm” đậm đặc... soạn giả Viễn Châu kể:... Năm 1961, Giám đốc hãng đĩa nhạc Hồng Hoa bảo tôi, đệ nhất danh ca Út Trà Ôn đã ký với hãng của ông một hợp đồng làm việc, vì vậy tôi phải sáng tác ngay một bản vọng cổ để Út Trà Ôn ca bản đầu tiên thâu đĩa hát ! Ngay sau đó tôi có công chuyện đi Bạc Liêu, về ngang Ngã Bảy Phụng Hiệp tôi vô quán cà phê nghỉ chân, thấy một anh bán chiếu trẻ dáng quê mùa hiền lành đang ngồi dưới một mái hiên nhà nghỉ chân, tay cầm nón lá quạt quạt... Dưới sông ghe thuyền tấp nập, phía trong đồng lại có một đám cưới đang rước dâu trên đường... Thế là tôi nảy sanh một chủ đề... Anh bán chiếu có một mối tình thầm kín với cô gái đặt mua chiếu, năm sau đem chiếu lên bán thì cô đã đi lấy chồng... Anh ta vô cùng thất vọng, và nỗi buồn của anh dâng trào như con sông “lai láng muôn dòng”... Trên đường từ Ngã Bảy về tới Sài Gòn đêm đó, tôi đã soạn xong “Tình
 anh bán chiếu” trên xe !

caovanlau1

                                                           Trưởng lão làng Cải lương
                                                                   CAO VĂN LẦU

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai reo lên: “Anh Bảy (tên thân mật gọi soạn giả Viễn Châu) hư cấu giỏi quá” (!). Tôi phụ họa với Tuyết Mai: “Lời của bài ca là điều đáng nói hơn cả”... Soạn giả Viễn Châu cắt lời tôi: “Một bài vọng cổ phải có cốt truyện, phải có một vai chính như trong một truyện ngắn. Hay là ở cốt truyện”...

Bỗng ông già 82 tuổi Viễn Châu với cây đàn ghi-ta mini bên cạnh vừa đờn vừa ca tặng chúng tôi một bản vọng cổ ông mới sáng tác. Giọng Viễn Châu ấm quá.

Cách đây vài năm, một lần về thăm quê Trà Cú (Trà Vinh), soạn giả Viễn Châu lại qua Phụng Hiệp. Trong một cuộc giao lưu tại Trung tâm văn hóa huyện, một vị lãnh đạo Huyện ủy Phụng Hiệp đã tặng Viễn Châu một bó hoa và một bao thơ 2 triệu đồng. Ông này nói: Nhờ bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” mà Ngã Bảy Phụng Hiệp được nổi danh khắp vùng Nam bộ nên địa phương rất biết ơn soạn giả Viễn Châu! Còn soạn giả Viễn Châu thì “đáp từ” rằng, ông rất biết ơn Ngã Bảy Phụng Hiệp vì nhờ nó mà giúp ông làm nên khúc ca để đời... Vì thế, ông chỉ nhận hoa, còn tiền thì xin gửi lại tặng anh em văn nghệ của huyện nhà còn nghèo lắm...

                                                         
                                                                                      20/3/2006




 

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2009

CHUYỆN VĂN NGHỆ ...






LÀM SAO ĐỂ CÓ
    CA TỪ ĐẸP ?


           HÀ ĐÌNH NGUYÊN






                                                                                 
                                                          Lời dẫn

 Hầu như tất cả mọi người đều công nhận rằng ca từ đóng một vai trò vô cùng quan trọng của bài hát .

  Rất nhiều giấy mực nói về việc nầy , chắc các bạn cũng đã từng đọc qua .

  Hôm nay tôi muốn giới thiệu với các bạn bài viết của HÀ ĐÌNH NGUYÊN đăng cách nay cũng khá lâu để chúng ta một lần nữa suy nghĩ về ca từ trong bài hát ,

  Tôi là người thuộc thế hệ trước – có thể nói là già cũng được – và từng bị các thế hệ 8X, 9X chê là sến …chảy nước !!

 Tôi không mặc cảm mà còn hảnh diện rằng mình đã được sống qua một thời mà ở đó có những con người phải nói là thật vĩ đại. Được đàn, hát nghe những bản nhạc bất hủ của các bậc tài danh ấy : Đặng Thế Phong , Nguyễn văn Thương, Đòan chuẩn- Từ Linh, Nguyễn văn Tý, Văn Cao, Phạm Duy, Trần Hoàn, Tô Vũ, Canh Thân, Hoàng Giác, Hoàng Trọng, Phạm Đình Chương, Hoàng Thi Thơ, Y Vân, Trịnh Công Sơn…

  Những nhạc phẩm gọi là Tiền chiến đó giờ đây ít có tác phẩm nào sánh kịp .

   Tôi tự hỏi : Tại sao những nhạc phẩm đó người ta chơi theo kiểu nhạc không lời thì mọi người đều nghe và đồng cảm  . Phải chăng do e nhạc hay do ca từ đã thấm sâu vào tâm tư chúng ta nên dù nghe nhạc không lời ta vẫn thích ?

  Có ai chơi nhạc không lời những bài ca hiện nay và làm ra dĩa MP3 để bán không ? Câu trả lời chắc là không ! Vì dù 8 , 9X bây giờ hoan hô dòng nhạc mới , nhưng khi chơi nhạc không lời chắc họ sẽ không biết đó là bài gì !
 
    Thôi để các bạn đọc Hà Đình Nguyên và còm thì hay hơn .

Photobucket     

   Nói đến việc đặt lời (ca từ) cho các ca khúc tân nhạc thì ai cũng phải công nhận Trịnh Công Sơn (TCS) là một trong những nhạc sĩ bậc thầy.

    Những tình khúc của ông với phần từ ngữ đẹp đến bất ngờ, bài nào cũng như một bài thơ: "Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai. Tuổi nào mơ kết mây trong sương mờ..." (Còn tuổi nào cho em), "Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm. Bàn tay em trau chuốt thêm cho ngàn năm..." (Ru em từng ngón xuân nồng), "...Rồi từ đây em gọi, tình yêu dấu chim bay. Gọi thân hao gầy, gọi buồn ngất ngây..." (Gọi tên bốn mùa), "Về lại nơi cuối trời làm mây trôi” (Phôi pha)...

   Đôi khi TCS dùng từ một cách... vô lý, khó hiểu nhưng tuyệt hay: "Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím..." (Chiều một mình qua phố).

   Nhưng đâu chỉ có TCS đặt lời hay mà ngay từ khi nền tân nhạc mới tiếp cận với đất nước Việt Nam thì những nhạc sĩ tiên phong cũng đã rất cẩn trọng khi đặt lời, bởi phần nhạc đã mượn của Tây thì phần lời phải chuyển tải được cái hồn dân tộc.

   Văn Cao với "Ai lướt đi ngoài sương gió. Không dừng chân đến em bẽ bàng...”  (Buồn tàn thu), Trần Hoàn với “Ngày nào nghe tiếng chim ca líu lo trên cành hoa đào, em nhủ thầm rằng bóng dáng người tình về, về đến bến đò đầu làng...” (Lời người ra đi), Đan Thọ với "Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài...” (Chiều tím), Doãn Mẫn với "Biệt ly, nhớ nhung từ đây..." (Biệt ly)...

    Nhưng không phải ai cũng có "khiếu" văn chương để có những ca từ hoa mỹ bởi cũng có người chỉ biết sáng tác phần nhạc, do đó họ phải kết hợp với một người có khả năng đặt lời, đó là những trường hợp của Đặng Thế Phong - Bùi Công Kỷ (Con thuyền không bến, Giọt mưa thu...), Nguyễn Văn Thương - Kim Minh (Đêm đông, Bướm hoa), Đoàn Chuẩn - Từ Linh (Gởi gió cho mây ngàn bay, Tà áo xanh, Tình nghệ sĩ, Thu quyến rũ, Lá đổ muôn chiều…)...

   Cũng có những nhạc sĩ dư khả năng đặt lời nhưng lại rất thích lấy thơ của người khác ra phổ nhạc và rất thành công như trường hợp Phạm Duy và Phan Huỳnh Điểu và nhiều nhạc sĩ khác. Có thể nói, nhạc sĩ Phạm Duy là "phù thủy" - bất cứ bài thơ nào qua tay ông phổ nhạc thì nhà thơ đó nổi như cồn dù trước đó ít ai biết đến họ (Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Đào Văn Trương, Bùi Văn Bình, Vũ Hữu Định...).

   Thế nhưng, khi Phạm Duy đem ngôn ngữ đường phố vào bài hát thì chẳng ai thèm hát hoặc chẳng để lại một dấu ấn gì: "Sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ đi Tám. Sức mấy mà buồn, chịu chơi cả với buồn... (Sức mấy mà buồn), 10 bài tục ca...

   Còn nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì thẳng thắn: "Phải nói thật là rất ít nhạc sĩ sáng tác có khả năng sử dụng ngôn ngữ (ca từ) phong phú bằng các nhà thơ. Tôi lười... chọn chữ nên rất hay đọc thơ và hễ bắt gặp bài thơ nào hay, hợp với tâm trạng thì phổ..." (và ông đã có những ca khúc phổ thơ thật hay như: Bóng cây kơnia (thơ Ngọc Anh), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc), Thuyền và biển, Thư tình trước mùa thu (thơ Xuân Quỳnh)...

   Có một số nhạc sĩ lại sính đưa điển tích hoặc các địa danh xa lạ vào bài hát: "...nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới đào nguyên..." (Thiên Thai - Văn Cao), "...Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng, bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi nghìn trùng…” (Hòn Vọng Phu I - Lê Thương), "...Đường Vạn Xuyên, đường Cổ Lũy duyên núi sông vẫn chưa xóa nhòa…" (Hòn Vọng Phu III - Lê Thương) "...Cung A Tô Châu, hay là chết bên dòng sông Đa-nuýp…” (Bên cầu biên giới - Phạm Duy)... xa lạ nhưng không hề khiên cưỡng nên người ta vẫn hát và thuộc lòng.

   Nhạc sĩ Đỗ Nhuận không chỉ có Du kích sông Thao trứ danh mà ca khúc Việt Nam quê hương tôi thật hình tượng và quá đẹp về mặt ca từ.

   Và không chỉ nhạc trữ tình mới có ca từ đẹp mà ngay cả nhạc đấu tranh cũng mượt mà sâu lắng: "Đồng lúa reo tay người mẹ hiền, mười mấy năm tảo tần mọi miền, nuôi con khôn mai nầy giữ nước. Cho quê hương lúa vẫn nở nhịp nhàng…" (Đồng lúa reo - Tôn Thất Lập) hoặc "Không ai ngăn nổi lời ca, lời ca phút ban đầu người tình thương mến nhau. Lời tôi ca như lửa ấm của con tim biết yêu nồng sưởi cho nhau cơn giá lạnh ngày đông…" (Không ai ngăn nổi lời ca - La Hữu Vang).

   Có một ca khúc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn mà phần ca từ rất "mộc mạc" có-sao-viết-vậy: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ  dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai cũng từng nghĩ về đời mình…” (Một đời người, một rừng cây) - nghe đơn giản là vậy nhưng chúng tôi đã hết sức xúc động khi được nghe các anh, các chị TNXP hiện đang là quản giáo ở các trường cai nghiện ma túy giữa núi rừng Daklấp (Đắk Nông) hát như là để tự động viên mình và cũng như để tâm sự với chúng tôi.

   Ai nghe Một mình của nhạc sĩ Thanh Tùng mà không thấy lòng mình rưng rưng, rồi những Ca dao em và tôi (An Thuyên), Chị tôi (Trọng Đài), Cho em một ngày (Dương Thụ), Trên đỉnh phù vân (Phó Đức Phương)... đều là những ca khúc đẹp cả giai điệu lẫn ca từ...

                                                                    *

   Có khá nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay chẳng chú trọng lắm về mặt ca từ, hoặc viết chưa đủ "đô" để có thể thẩm thấu hoặc có những suy nghĩ lệch lạc nên đặt lời ca rất tùy tiện, dễ dãi và hời hợt - thậm chí nhét cả tiếng Tây vào, đâm ra "nửa nạc, nửa mỡ"...

   Xin được kết thúc bài viết này với ca khúc Xin làm người hát rong mà nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã như trải lòng ra với đời, để mong "đời không chê trách" khi "từ bao năm chân phiêu lãng quên quay về…” với dòng sông, lũy tre làng và câu ru của mẹ, có như thế mới thấy: yêu thương con người. Ca từ cũng thế, để tránh những sự hời hợt, lai căng người sáng tác phải thật sự đắm mình vào nguồn cội dân tộc thì mới thẩm thấu được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt!

   Ca từ sex!

Có người bạn hỏi tôi: "Ông viết "nhạc sến", rồi "nhạc chế" và "nhạc hài". Thế có "nhạc... sex" không ?

   Tôi bảo: "Có đấy! Nhưng không phải là "nhạc sex" mà là "ca từ sex".

   Này nhé: "...Đưa ta đi về nguyên thủy loài người, tình yêu khi muốn ngỏ: vụng về làm bằng dấu đôi tay. Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về, thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi, ta đưa ta đến vùng tuyệt vời, đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi..." (24 giờ phép - Trúc Phương) - hát lướt qua thì không thấy gì nhưng nếu lấy "kính lúp" soi từng con chữ thì lại là... “chuyện phòng the"!

   Rồi: "...Em khăn tang cô phụ, còn lóng lánh dấu ái ân..."

   hoặc "...Cho anh một lần, anh được gì không ? Em còn gì không ?..." (Trần Thiện Thanh).

   Có một ca khúc mà chỉ trong 3 câu hát đã đặc tả được cả một "quy trình... yêu" trong đời một người phụ nữ: làm người yêu, làm vợ và làm mẹ: "...Cho anh môi hồng còn thắm, cho anh trái ngọt vườn cấm và còn cho nữa tiếng ru trẻ thơ..." (Căn nhà màu tím - Hoài Linh). Thật không còn gì chính xác và... tuyệt vời hơn thế nữa !
                                                                                                       
                                                                                        H . Đ. N
                                           

Photobucket

                                                   Trần văn Khê và Phạm Duy

      Trích phỏng vấn nhạc sĩ TRẦN LONG ẨN :

      * Anh có nhận xét như thế nào về ca từ trong các ca khúc Việt?

- Thú thực về thế hệ các nhạc sĩ đàn anh thì tôi không dám nhận xét nhưng cũng xin nêu một ý kiến nhỏ: muốn có ca từ hay, đẹp thì người viết lời phải có một trình độ văn hóa nhất định đồng thời bối cảnh, môi trường sống của tác giả cũng rất ảnh hưởng đến ca từ. Thí dụ, trước năm 1945, khi đất nước ta đang bị giặc Pháp xâm lược thì những nhạc sĩ còn rất trẻ như Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương đã viết được những ca khúc đầy tính ẩn dụ: Con thuyền không bến, Đêm đông… Riêng về ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn (TCS), vì là bạn thân của TCS nên tôi rất hiểu anh: TCS chịu ảnh hưởng văn học Pháp rất nhiều, đồng thời anh cũng nghiên cứu nhiều về triết họåc Tây phương (sau này là triết học hiện sinh) và triết học Phật giáo.

   Triết học hiện sinh đẩy chủ nghĩa cá nhân đến chỗ cùng cực (với TCS là sự cô đơn). Sự Cô Đơn Cùng Cực của TCS thể hiện bằng nhiều hình tượng hết sức ấn tượng: "...Một người về đỉnh cao, một người về vực sâu, để cuộc tình chìm mau như bóng chim cuối đèo..." - cái "bóng chim cuối đèo" ấy không lạnh lẽo lắm sao !

   Rồi "...Như từng viên đá cuội, rớt vào lòng biển khơi…" và "...Đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong, như rừng núi bỏ hoang, người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm" - anh biết cái đồng lúa ở miền Trung khi gặt xong thì trơ trọi, mênh mông lắm, rồi người về đối diện với cái bóng của mình in trên bức tường trắng: cô đơn đến cùng cực!


Photobucket


Thứ Ba, 18 tháng 8, 2009

VĂN HỌC MIỀN TÂY ...





         TẢN MẠN CHUYỆN SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY…







Kiệt Tấn là một việt kiều Pháp nhưng anh rất mê văn của NGUYỄN NGỌC TƯ – Cũng như Trần Hữu Dũng đã dành một phần trang web cho Tư . http://www.viet-studies.info/NNTu/

Kiệt Tấn viết bài « Sông nước Hậu Giang và Nguyễn Ngọc Tư " đăng trên TALAWAS rất hay , nhưng bài hơi dài nên không thể đưa vào đây được , do đó tôi chỉ trích một số câu thơ đưa lên đây mục đích muốn quảng bá bài viết nầy để các bạn ai thích văn Nguyễn Ngọc Tư thì tìm đọc .

phù sa nước đục khó dòm
nhớ anh em khóc đỏ lòm con ngươi


                                          Nắng Hậu giang mưa Tiền giang
                                          Nhìn nhau mà lệ rớt hai hàng
                                          Câu ca vọng cổ chìm trong tối
                                           Mùi mẫn còn rung dưới nguyệt tàn

                                                                         *

Những dòng sông…  Ôi! Những dòng sông… khiến chợt nhớ thơ Nguyễn Bính: “Sông đụng đâu sông, sông gặp sông,  Thuyền xuôi theo nước, nước theo dòng.  Người về người gặp quê người đó,  Ta gặp ai đây giữa bụi hồng?”


Photobucket
                                                        


                                                   Mưa Hậu giang nắng Tiền giang
                                       Cô em kẹp tóc bịt răng vàng
                                       Cẩn tim xanh đỏ càng quê lắm
                                       Mắt liếc khua theo guốc rộn ràng...

                                                                 *

                                       Mưa Hậu giang nắng Tiền giang
                                       Bến sông san sát những nhà sàn
                                       Võng trưa kẽo kẹt em tôi hát
                                       Gió đưa bông thắm nở về chàng

                                                                *

                                       Nắng Tiền giang  mưa Hậu giang
                                      Xe lam về tới miệt Ba Càng
                                      Ruộng khô thổi nóng lùa chưn tóc
                                      Tóc em thơm phức mùi dưa gang

                                                                 *

                                        Nắng Tiền giang  mưa Hậu giang
                                        Sông Mỹ đò đưa bến Vĩnh Tràng
                                        Bên chùa tôi đã ôm em siết
                                        Xa rồi còn tiếc chuyến đò ngang


Photobucket

                                      
                                        Nắng Hậu giang mưa Tiền giang
                                        Nắng mưa mưa nắng chín mùa màng
                                        Vòm cao tre trúc nghiêng nghiêng bóng
                                       Trâu nghé lim dim núp nắng chang 

                                                                  *

                                        “ Con cũng muốn về thăm lại má
                                         Thăm dòng sông Hậu nắng lưa thưa
                                         Có cây dừa lão thân gầy quá
                                          Đứng khóc theo mùa con nước đưa..”.

                                                             
   (thơ Lâm Hảo Dũng)

                                                                  *

                                         Mưa Hậu giang nắng Tiền giang
                                         Nhiều đêm không ngủ dạ mơ màng
                                         Nhớ người nhớ đất mùi quê cũ
                                         Ôi nắng Tiền giang mưa Hậu giang!



                                                                      Bagnolet, ngọai ô Paris
                                                                      Tháng mười 2007

                                                                               KIỆT TẤN


   Nguồn : http://www.viet-studies.info/NNTu/KietTan_HauGiangvaNNTu.htm#_ftn3

Bản gốc của tác giả
(Bài đăng trên talawas)