Sau khi bị bắt buộc nghỉ học về nhà để chuẩn bị cưới vợ, Ba tôi bất mãn nên đã qui y vô đạo Di Đà và ăn chay trường .
Bà Nội tôi rất hiền và rất cưng Ba tôi là con trai út nên cũng không nói gì .
Tuy ăn chay , nhưng Ba tôi là một người có tinh thần xã hội cao , do đó lúc về làng ông lập ra Hội Banh (Bóng tròn), lập ra nhóm tài tử đờn ca cổ nhạc rất xôm tụ . Nhóm gồm : Ba tôi, Út Nho, Tám Thấy, Hào Hồ và nhiều tay trong Ban Hội tề… Mỗi lần có đình đám thì nhóm tụ tập đờn ca suốt đêm…
*
Một chuyện của anh Năm Khuyên liên quan đến vụ ăn nhậu đờn ca nói trên thật vừa buồn cười vừa rất đau lòng .
Nguyên hôm ấy có một đám đờn ca ở xóm trên, có đủ mặt những tay chơi, trong đó có anh Năm Khuyên là con trai của Bác Hai tôi cũng là một thanh niên mới lớn , mới cưới vợ là chị Láng ở Bờ Đập .
Cuộc vui đang hồi sôi nổi thì có một chiếc ghe bán ba khía cặp bến .
Ở Cà Mau , ba khía là một món ăn bình dân được nhiều người ưa chuộng , và người ta bắt ba khía , muối và đem bán khắp nơi .
Hôm ấy ghe ba khía do hai cô gái tuổi quá đôi mươi nhan sắc cũng coi được ghé dưới bến sông và được các chàng “công tử” mời lên chơi .
Sau một hồi xã giao , hai cô neo ghe lại và lên bờ nhập bọn với đám đờn ca . Vì hai cô cũng biết ca 6 câu vọng cổ nên dễ làm quen với đám trai làng vốn rất hào hoa phong nhã . Nhóm đờn ca tài tử ở Cái Ngang lúc đó tuyệt đối không có cô nào tham dự . Nay có khách nữ biết ca vọng cổ thì các chàng trai phải biết là rất khoái !
Không biết hai người (cô chị) “đá” nhau thế nào mà anh Năm Khuyên dẫn cô về cái lẫm lúa của nhà tôi ( Cái lẫm này rất lớn: 10 căn hai chái, có đủ giường chiếu cho người giữ lúa ngủ) .
Sau một đêm vật vã , hôm sau ghe ba khía đã nhổ sào rời bến đã để lại cho anh Năm tôi một căn bệnh hết sức độc hại : Bệnh giang mai ! và độc hơn nữa là anh đã sang bệnh cho chị Năm Láng làm hư cái thai mới vừa mấy tháng !
Thời bấy giờ Tây y chưa có thuốc chữa bệnh giang mai , người ta chỉ tiêm một vài loại tuốc như “nốp xăng cách to” để tạm thời chế ngự căn bệnh mà thôi .
Bác Hai gái Nhỏ nghe tin ấy bèn tìm thầy bổ cho anh chị Năm một tễ thuốc gồm 5 vị gọi là “Ngũ Hỗ” .
Kết quả là bệnh có hết nhưng chị Năn Khuyên không còn sinh con được nữa .
Những người độc miệng nói rằng Bác gái Nhỏ cố tình làm cho anh Năm Khuyên tuyệt tự !
Thật hư không biết ra sao, bởi Bác gái Nhỏ cũng là một người rất xởi lởi và cũng chưa thấy bác có hành vi độc ác nào. Nhưng quả nhiên chị Năm không còn đẻ được và anh Năm không có con nối dõi . Thuở ấy, tuyệt tự là một bất hạnh lớn đối với một con người .
Nếu Bác gái Nhỏ có ý độc ác như vậy thì trời cao có mắt đã cho Bác đẻ 8 đứa con nhưng cũng chỉ toàn là con gái ! và Bác phấn đấu cở nào cũng không có một mống con trai nối dõi để hương lửa cho Bác !!
*
Một chuyện khác về căn bệnh ngặt nghèo ấy của một người anh trong dòng họ tôi : Anh Năm Tới . Anh là con nuôi của Bác Tư tôi – Không biết vì sao thời ấy mấy Bác tôi đều nuôi con nuôi , mặc dù trong nhà con ruột đã đông - Bác Hai nuôi chị Bảy Lé, Chế Sáu Anh, Bác Ba nuôi anh Tư Bia, Bác Tư nuôi anh Năm Tới, Bác Chin thì có Chế Hai Nhung … Chỉ có Ba tôi là không nuôi con nuôi .
Vị trí người con nuôi trong nhà không hẳn là người làm công , cũng không phải là con . Song nuôi lớn lên rồi gia đình cũng gã cưới đàng hoàng . Nhiều người sau nầy cũng khá giả.
Vào những năm chiến tranh với Pháp khá ác liệt , giao thông chỉ bằng phương tiện xuồng ghe . Anh Năm Tới đón được và quá giang một chiếc ghe thương hồ trên sông Bảy Háp . Đó là ghe bán hàng bông của một người đàn bà lỡ thời. Trên ghe chỉ có một mình chị . Và chiếc ghe trôi lên trôi xuống mấy chập từ Chà Là xuống Cái Keo, lên Điền Quốc Gia …
Sau khi no nê đã đời, anh Năm Tới mới lê tấm thân rã rời về nhà .
Hậu quả là anh vướng phải bệnh giang mai .
Bị vợ cằn nhằn , anh bèn nói rằng :” Tao bị tiêm la bay đó chớ ! Thứ tiêm la này ghê gớm lắm, ngồi chung một ghế là bị lây liền !
Chị Năm Tới là một người đàn bà nhà quê cả tin chồng nên thôi không rầy rà anh Năm nữa . Buồn cười là chị cứ la rầy mấy đứa nhỏ : “Tụi bây đừng đái ở mấy gốc chuối gần nhà nghe , kẻo sẽ lây bịnh tiêm la bay của ổng đó” !
Và chuyện ấy trở thành một trong những chuyện tiếu lâm khi trà dư tửu hậu !
Anh Năm Tới là một cầu thủ xuất sắc của đội banh Cái Ngang (anh là thủ môn) . Có một giai thoại kể rằng khi đội banh Hồng Kông sang Việt Nam có xuống Cà Mau đá giao hữu với Đội Đường Củi và đội Long Điền . Anh là thủ môn dự bị cho đội Long Điền . Trong đội Hồng Kông có Lý Huê Đường là một trung phong xuất sắc đã đá thử cho anh chụp một trái pénalty và an đã đẩy ra được !
Khi vướng bệnh độc anh yếu hẳn và đành phải lìa sân cỏ!
Về sau bệnh của anh chuyển sang “Thiên Pháo” - Bất kỳ chỗ nào cũng có thể sinh ra một mụt mủ , khi lành nó để lại một cái sẹo to bằng đồng xu chọi đáo .
Cuối cùng anh chết vì một cái abcès gan . Có lẽ mụt thiên pháo nổ ngay trong gan của anh .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét