Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2009

BÚT KÝ VUONG THE DUNG




ÔNG CHÚ SÁU CA

Tôi còn nhớ, khi hoà bình lập lại , chúng ta chuẩn bị tập kết ra Bắc thì ở Chà Là có tổ chức một đêm chia tay với đồng bào . Nào xem chiếu bóng phim Liên Xô, nào nghe dặn dò, hứa hẹn … Tôi còn nhớ chú Tiếp lên đọc bài thơ “Giữ Dạ Sắt Đinh” thật hào hùng và cảm động . Sau tập kết, giặc về ruồng bố , tố Cộng , Diệt Cộng , làng xóm tan hoang .

Nhà tôi ở xóm Láng Dài, một vùng sâu, từ lâu giặc chưa bao giờ đến . Xóm chỉ lưa thưa có mấy nhà ở cách xa nhau, muốn qua lại phải đi xuồng .

Cùng xóm có ông chú Sáu Ca. Theo vai vế thì Ba tôi phải kêu ông bằng chú , và chúng tôi gọi ông bằng ông chú .

Kể ra ông chỉ có họ xa với gia đình tôi , song do ông làm “Tằng khạo” cho ông tôi , sau đó cho Ba tôi nên chúng tôi coi ông cũng như người trong nhà .

Tằng khạo là người thay mặt chủ điền đi thu lúa ruộng là cánh tay đắc lực của chủ điền treong nhiều dịch vụ khác .

Đến đời chúng tôi thì ông không còn làm tằng khạo nữa – vì đất đã “hiến” hết cho Việt Minh – “Hiến” đất là cách nói do mấy ông Việt Minh đặt ra – Sự thật dù không hiến thì người địa chủ cũng không được thu tô (lúa ruộng ) , mấy ổng chỉ cho thu tượng trưng thì chả được bao nhiêu , cho nên mấy ổng vận động địa chủ hiến đất cho C.M để tạm cấp lại cho nông dân .

Nhà tôi cũng chỉ chừa lại 2 , 3 chục công đất mà thôi .

Trở lại chuyện ông chú Sáu Ca .

Khi nhà tôi suy sụp thì ông vẫn còn ở trong điền của Ba tôi và vẫn được coi là “người nhà” . Ba tôi thoát ly đi kháng chiến , ở nhà chỉ có một lũ nhóc chúng tôi nên việc gì nặng nhọc Má tôi đều nhờ đến ông .

Ông vừa làm vừa rên rẩm : “ Mẹ họ ! Kiểu nầy là làm mọi ba đời rồi !

Ông rất khoái nhậu và thích món ăn ngon – đặc biệt là những món ông tự chế cho dân nhậu .

Có một lần Ba tôi về , nhà làm vịt để đãi ông . Ba tôi cho mời ông Chú Sáu Ca qua nhậu .

Khi ông biết nhà làm vịt để đãi Ba tôi thì ông xì một tiếng và phán một câu xanh dờn :

- Thứ đồ khí đó mà nhậu gì !!

Làm Má tôi chưng hửng .

Có lần ông dạy Má tôi nấu món mắm gọi là nấuu “mẳn” – Cũng không biết tại sao người ta gọi như thế - có lẽ là nấu mắm mặn hơn món canh một chút thành “măn mẳn” – nhưng không mặn như kho . Mắm sặc thì nấu lấy nước , mắm lóc thì để nguyện nấu với cá . Gia vị thì bỏ ngò om …

Ông húp một muỗng canh nấu mẳn và nheo mắt , trầm ngâm rồi đột nhiên reo lên :

- Ýe !

Đó là tán thán từ chỉ ông rất hài lòng về món ăn nầy .

Từ đó chùng tôi có một món ăn gọi là “mắm ông Chú !” .

Một lần khi trà dư tửu hậu ông kể rằng thời kỳ còn thuộc Pháp quyền uy của chủ điền rất lớn .

Một hôm ông đi nhậu ở xóm Nhà Cũ về tối , phải đi ngang điền lão Bộ Ngươn . Tay này có lệnh cứ 7 giờ tối là “thiết quân luật” . Ai đi lơn trơn trên bờ đều bị bắt , đóng trăn cho ngủ muỗi một đêm , sáng hôm sau mới thả ! …

Lần đó ông không biết phải làm sao để đi qua điền Bộ Ngươn đành phải cởi quần áo cột cổ và lội theo con lung về nhà !!...

Và ông chưỡi toáng lên :

- Đù mẹ thằng Bộ Ngươn ! Nó làm như nó là vua vậy ! Cấm hết mọi người không cho ai lai vãng ban đêm để một mình nó đi mò vợ tá điền !!

Ông tức tối vì cái vụ lội sông nầy lắm nên mỗi lầi kể lại ông đều chưỡi !

*

Trong những năm 50 sau Hiệp định Genève , giặc càn trắng hết cả những khu an toàn thuở xưa ; Vùng Cái Ngây, Kinh Ba, Ba Phuông , công binh xưởng 17 … đều có dấu chân giặc .

Xóm điền Năm Khuyên và Láng Dài đã bị giặc ném bom mấy lần và đã có nhiều người chết .

Tôi còn nhớ , khi chúng tôi còn ở Láng Dài , lúc Hòa bình mới lập lại sau Hiệp Định Genève 1954 , giặc không có ý định thi hành hiệp định , nên rãi đồn bót khắp vùng giải phóng cũ .

Lúc đó mấy anh Vẹm nằm vùng ra vận động bà con đi biểu tình đòi thi hành Hiệp định Genève .

Ở xóm Láng Dài mấy người sồn sồn đều bị lùa đi cả . Nhà tôi may mắn là Má tôi vừa mới sinh em bé , còn chúng tôi đều là một bọn nhóc .

Sau nầy những người đi biểu tình về kể lại rằng khi dân được kích động ùa lên phía trước cửa đồn ở Chà Là thì trong đồn địch phát loa yêu cầu bà con giải tán . Nhưng mấy anh Vẹm nằm vùng đâu có chịu nên cứ thúc bà con tiến lên . Một tay chủ chốt trong đám biểu tình phát loa : “Bà con cứ xông tới, chúng nó không dám bắn mình đâu “ !

Thế là bà con như một bầy dê bị lùa vô hang cọp .

Thế là giặc xả súng bắn vào đám đông làm cho một số người chết và bị thương . Bà con chạy tán loạn , cuộc đấu tranh bị vở !

Kềt quả : Ông Tám Sẵn ở ngang nhà tôi bị địch bắn gãy giò; ông Nhúm em của ông chết . Còn nhiều người chết và bị thương khác ở các nơi , tôi không biết hết .

Lần đó ông Chú Sáu Ca cũng bị lùa đi , nhưng ông kể rằng trên đường đi ông “chém vè” và “lặng” về nhà trốn kỹ trong buồng , mãi mấy hôm sau mới ló mặt ra !

*

Sau nầy mỗi khi trà dư tửu hậu , ông thường phán một câu xanh dờn :

- Mẹ ! Bọn ngu mới đưa đầu ra ra cho chúng nó bắn . Chết thật vô lối !

Ở phương Tây người ta tổng kết rằng : Chế độ CS ở Châu Âu tan rả nhanh và sớm vì dân trí cao . Tuyên truyền rẻ tiền không gạt họ được . Các nước ở Châu Á thì người lãnh đạo nói gì dân cũng nghe theo , ít ai phản biện – Chỉ trừ một số anh trí thức – Cho nên Mao mới nói rằng “trí thức là cục phân “ - vì khó bảo và hay lật qua lật lại vấn đề ! …

Những giai cấp “cơ bản” là Bần cố nông và công nhân (có rất ít) thì Đảng nói sao nghe vậy : Mọi chuyện đưa ra đều “ Nhất trí với anh Hai thôi” ! Nên ở Châu Á quá trình nhận diện sự hạn chế của chế độ CS và đổi mới dân chủ có lâu hơn Châu Âu .

*

Đói với ông Chú Sáu Ca của tôi thì đó không phải là lần cuối .

Trong những năm 60 , mấy ông Vẹm ở xóm Nhà Cũ lại tổ chức đấu tranh chánh trị kết hợp với đấu tranh vũ trang (Đây là ý tưởng của TƯ cục) .

Lần nầy là ra biểu tình ở Quận Đầm Dơi , đồn Tân Duyệt .

Sáng sớm, từ nhiều ấp, nhiều xã dân bơi xuồng ra quận Đầm Dơi . Vẫn là ông bà già , phụ nữ là lưc lượng chính .

Ông chú Sáu Ca cũng bị lùa đi theo đám ấy .

Gần tới Tân Duyệt , ông tìm cách tách đoàn biểu tình chém vè qua bên chợ ngồi uống cà phê . …Trong lúc đám biểu tình hung hăng xông vào dinh quận .

Thế là giặc nổ súng bắn thẳng vào dân !

Cuộc biểu tình như thế là tan rã . Xuồng vộ chủ trôi dật dờ theo những con nước lớn ròng . Mấy ngày sau xác chết nổi lên trôi đầy một khúc sông . Ban đêm dân lén ra vớt xác về chôn . Có những xác tôm cá gậm nát mặt và rỉa mất hai con mắt nên không thể nhận dạng được .

Sau khi giải tan đam biểu tình xong địch ruồng qua bên chợ . Thấy ông Chú Sáu Ca ngồi trong quán cà phê , chúng xông vô tới sùng sộ với ông :

- Ông già ! Ông ra đây đi biểu tình hả ?

Ông bình tỉnh trả lời :

- Dạ tôi đi chợ mua đồ mà Sếp !

Chúng lật cái giỏ bàng của ông ra thấy có mấy cây cải chúng mới bỏ đi …

Ông lại thoát chết một lần nữa !

Đó là thắng lợi của những năm đấu tranh chánh trị kết hợp với đấu tranh võ trang !!


Cà Mau 2002



1 nhận xét:

  1. Chắc anh em họ hàng của anh thế nào cũng người theo bên này,người theo bên kia,vùng xôi đậu mà! đó cũng là hoàn cảnh của nhiều gia đình miền Nam thời trước phải không anh?

    Trả lờiXóa