MƯỜI VỚI MI MỘT THỨ !
Hồi sinh thời, lúc Ba tôi còn trẻ, Người được ông Nội tôi gởi lên Bạc Liêu học Tiểu học ; sau đó ông được lên Sài Gòn học tiếp bậc trung học . Ông nói rằng lúc ấy ông học trường Huỳnh Văn Chợ là một trường tư, chỗ trường Huỳnh Khương Ninh bây giờ . Hồi đó , phải là con nhà giàu có và đứa trẻ phải học xong bậc tiểu học , thi đậu Tiểu học , mới lên Sài Gòn học tiếp bậc Trung học . Bắt đầu là lớp Đệ Thất ( lớp Sáu bây giờ ) . Ở Lục tỉnh thời ấy không có trường Trung Học, kể cả Cần Thơ và Mỹ Tho là hai thành phố lớn ở Miền Tây .
Được ít năm, đâu ông lên lớp 5è gì đó , ông phải nghỉ học về quê .
Theo lời Ba tôi thì lúc đó Bác Hai tôi vay nợ Chà(1) quá nhiều
không trả nổi bị nó siết các bằng khóan đất , nhà ông Nội tôi gần như bị khánh tận . Ba tôi phải nghỉ học vì lúc ấy ông nội tôi qua đời, Bác Hai thì không có khả năng chu cấp tiền nữa .
Đó là chuyện của Bác Hai tôi , những chuyện nầy kéo theo cả một lọat những hệ lụy về sau .
*
Khi Bác Hai tôi sinh người con thứ năm là anh Năm Khuyên thì ông trúng cử chức Ban Biện . Lúc ấy ông cặp với một bà vợ bé ở bên Gàu Muồng . Mối tình này sâu đậm khiến ông làm áp lực đến nổi Bác Hai gái lớn phải trầu cau đi cưới vợ bé cho Bác Hai trai tôi . Bà Nội tôi cũng đành chịu, không sao nói được .
Hồi đó hai người mê nhau, Bác Hai tôi đã mua canô (1) , thậm chí cả xe hơi cho Bác gái nhỏ đi chơi , cũng vì ăn xài quá độ như vậy nên gia đình lâm nợ . Một mặt Bác nghe lời Bác gái nhỏ ham lợi : vay tiền Chà lời thấp đem về ruộng cho nông dân vay lãi cao. Nhưng nông dân thất mùa không trả nợ được hoặc họ giựt nợ trốn sang Điền khác (chuyện này rất thường xảy ra), thì người cho vay cũng trắng tay !
Sau khi cưới được Bác Nhỏ rồi thì Bác Hai tôi sống ly thân với Bác gái lớn . Hồi ấy Bác Gái lớn vẫn còn sống cảnh làm dâu với bà nội tôi tại nhà lớn ở Cái Ngang , còn Bác gái Nhỏ thì Bác Hai tôi đưa xuống sống ở dưới Điền Cái Su .
Thỉnh thoảng Bác trai có về nhà lớn vì công việc gì đó hay để thăm Bà tôi thì tối đến bao giờ Bác cũng rên rẫm , nói rằng đang ốm và đem mền gối ra ngủ ngoài bộ ngựa chân quỳ ở nhà khách .
Nhiều người nói rằng Bác Nhỏ chơi bùa Cô Hiên làm cho Bác trai không sao ngủ chung với vợ lớn được !
Chuyện nghe có vẻ hoang đường , nhưng sự thật thì từ ngày cưới Bác Nhỏ đến khi Bác qua đời Bác không bao giờ ngủ chung với Bác gái lớn cả .
Khi Chà tịch biên ruộng đất và Bác tôi bị khánh tận thì Bác không còn chu cấp cho Ba tôi đi học tiếp . Cuối cùng Ba tôi phải nghỉ học !
Tôi sẽ trở lại những chuyện của người Bác này vào những phần sau .
Giờ nói tiếp chuyện của Ba tôi .
Thuở sinh tiền ông hay kể những kỷ niệm thời đi học ở Sài Gòn . Ông kể rằng tuy học ở trường tư thục của người Việt (trường Huỳnh Văn Chợ) , nhưng trường dạy toàn chương trình Pháp . Học sinh ở nội trú như Ba tôi không được nói tiếng Việt . Giám thị bắt gặp em nào nói tiếng Việt thì em ấy phải đeo sau lưng tấm bảng "Tôi không nói tiếng Việt trong trường" . Nạn nhân chỉ thoát được khi tìm gặp một nạn nhân mới nói tiếng Việt ! Thường phải dụ bằng cách nói tiếng Việt : " Ê ! Thứ Bảy này đi Thủ Đức ăn nem nghen ?" . Nạn nhân mở miệng ra là cắn câu ngay !.
Với chương trình Pháp , học sinh không được nói tiếng Việt...là cách dạy cho học sinh giỏi sinh ngữ tuyệt diệu ! và Ba tôi đã nhờ cái vốn sinh ngữ ấy mà thoát chết trong gang tấc .
Đó là khoảng thời gian những năm 40 khi gia đình tôi tản cư lên Cần Thơ, Ba tôi làm quản lý xưởng nước mắm của Dượng Tư tôi, cách Thành Phố Cần Thơ khoảng 3km .
Thời ấy giặc Pháp lập những đơn vị quân đội Giáo Phái để chống lại Việt Minh . Ai quy tựu được 10 người thì được phong làm Thiếu Úy, ai kiếm được 40 người thì được làm Trung úy , lôi kéo được 150 người thì được làm Đại Úy !...Hai giáo phái nổi tiếng ở Miền Tây là Đạo Cao Đài của Phạm công Tắc và đạo Hòa Hảo của Năm Lửa và Bảy Viễn, Ba Cụt...được lập nhiều đồn bót toàn ngụy binh, trong đồn không có Tây .
Nhà tôi và một số nhà giàu có khác ở Cái Ngang, Xóm Chùa, Bùng Binh ...nhà nào không chở đồ đạc đi kịp thì bị bót
Cao Đài (chỉ là một cái chùa ở ngoài lộ Cái Ngang) chở sạch !
Sau này khi chúng tôi trở về đã nhìn ra một số đồ của nhà mình nhưng bọn Ngụy vẫn binh Cao Đài nên không đòi lại được . Lão Chín Dĩ là chủ chùa và cũng là trưởng đồn thời ấy vốn là người quen cũ của Ba tôi đồng thời cũng là tên cướp cạn . Hắn nói với Ba tôi : Hồi đó nếu tụi tôi không chở thì tụi nó cũng lấy hết .
Và hắn nhất quyết không trả đồ lại cho nhà tôi .
Trở lại chuyện nhờ biết tiếng Pháp mà ba tôi thoát chết . Lúc đó chúng tôi đang ngụ trong văn phòng của xưởng Đồng Hương thì quân Hòa Hảo dậy lên rất dữ . Chúng đóng 1 cái bót ở trường Canh nông phía bên kia đường . Lính Hòa Hảo đa số đều còn rất trẻ , quần áo còn đóng phèn vàng...Đa số là nông dân không có học . Nhưng chúng giết người như ngóe. Chiều nào chúng cũng bịt mắt 1, 2 người đưa xuống cái cầu chuồi ở một cái lò gạch hoang vắng cạnh cầu xưởng Đồng Hương dùng lưỡi lê đâm chết nạn nhân và thả trôi sông .
Cầu xưởng Đồng Hương ở dưới sông cách lò gạch chưa tới 50 mét . Chiều chiều chúng tôi thường xuống đó chơi. Một hôm, chúng tôi thấy một xác người bị trói thúc ké nằm sấp lờ đờ trôi theo dòng nước và chỗ cổ vẫn còn một vài tia máu phụt ra hòa tan trong nước ...Không biết tại sao cái xác vô danh đó không chìm mà cứ lờ đờ trôi theo dòng nước . Có lẽ người ấy chưa chết ?
Cảnh tượng thật là rùng rợn, hãi hùng .
Từ đó, chiều chiều chúng tôi không còn dám xuống cầu xưởng chơi nữa .
Trên lộ xe thì thỉnh thoảng buổi sáng những bà nội trợ đi chợ về gặp 1 cái trạm có 3 người : 2 người mang súng đứng đó và một cô gái bày một cái bàn đựng thịt còn đỏ tươi nói là thịt dê và bắt mỗi người phải mua 1 ký !
Mẹ tôi cũng đã gặp một lần . bà nói đó là một cô gái nhà quê mặc đồ đen, dáng xanh xao, song “bán thịt” rất nghề ! Mẹ tôi phải đào một cái hố nhỏ chôn ký thịt oan nghiệt đó .
Bà con nói rằng chúng xẻ thịt người đem bán .
Dân từ vùng trường Canh Nông đến Bình Thủy rất sợ cái “trạm” bán thịt nầy, song nhà nào cũng bị vướng phải mua một hai lần ,
Tóm lại, bọn giáo phái Hòa Hảo ở đây hoành hành rất dữ, và chúng tôi rất ghét bọn Hòa Hảo từ đó .
Và một hôm chúng ruồng vào Xưởng bắt Ba tôi đi .
Chúng nói người ta khai kẻ mới liệng lựu đạn hồi sáng dưới chợ tên là Mi .
Ba tôi đưa giấy căn cước ra và nói rằng ông tên là Mười .
Thằng chỉ huy phan một câu xanh dờn :
- Mười với Mi một thứ !
Và chúng dẫn Ba tôi đi .
Nhiều năm sau cho đến bây giờ khi có một chuyện gì vô lý , chúng tôi đều nói đùa :
- Mười với Mi một thứ !
Nó đồng nghĩa với sự dốt nát, dã man và phi lý đồng thời
thể hiện một quyền uy tuyệt đối của một kẻ mạnh trong một xã hội muốn nghĩ sao, nói gì cũng được !
…Thế là chúng bắt Ba tôi đi . Mẹ tôi chạy theo đưa cho Ba tôi cái nón , chúng gạt đi và nói rằng :” Cần gì nón ? Lên tới Bình Thủy là “đi” rồi !
Cả nhà tôi sợ xanh mắt . Lúc ấy bị Hòa Hảo bắt đi – thêm lý do ném lựu đạn thì chắc chắn sẽ bị chúng thủ tiêu .
Nhưng rồi Ba tôi được bọn chúng thả về ! Cả nhà mừng rối rít, hỏi ra thì mới biết : chúng dẫn Ba tôi đi một đọan bỗng gặp một tốp lính Pháp cũng đi ruồng bố tìm người liệng lựu đạn . Ba tôi trình bày với bọn chúng bằng tiếng Pháp rằng Ba tôi tên Mười và bọn Pháp kêu tụi Hòa Hảo thả Ba tôi .
Hú vía !
Biết một ngoại ngữ đã cứu sống được bản thân mình !
Thật là Mười với Mi một thứ !
Em có nghe kể hồi đó nhờ nói được tiếng Pháp mà nhiều người thoát chết.Vùng Cần Thơ,Cái Vồn và miệt Long Xuyên,Châu Đốc đạo Hòa Hảo mạnh lắm,.-Nghe anh kể chuyện đời xưa rất thú vị.Người VN thời nào cũng ly tán...
Trả lờiXóa