Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2009

BÚT KÝ VUONG THE DUNG


GIẤC MỘNG DIỆU KỲ…

Trong ba anh em trai chúng tôi thì anh Tư tôi là người có thể lực yếu nhất.

Mẹ tôi kể rằng khi anh bắt đầu tượng hình trong bụng mẹ thì bà ốm đau luôn . Có lúc tưởng chừng như bà không đủ sức mang tiếp cái thai cho đến ngày khai hoa nở nhụy .

Người mẹ tôi càng ngày càng gầy tọp đi , và cái thai đã được trên 7 tháng rồi mà nó máy rất yếu - thậm chí có lúc còn không máy nữa …và mẹ nói rằng mẹ tưởng như đã chết …

Bà Nội tôi rất lo ngại , Bà kêu anh người làm và Bà Thiếm Mười Hương - một bà thiếm họ - lấy xuồng chở mẹ tôi đi Cà Mau khám thai .

Thời đó thị trấn Cà Mau còn rất nhỏ , cái nhà thương chỉ có một vài người gọi là Y Sĩ Đông Dương khám bệnh . Đó là những người học trường thuốc Hà Nội 5 năm rồi ra chữa bệnh .

Má tôi kể rằng anh Chiêu là người chèo xuồng , gặp nước ròng chảy xiết chèo xuồng không đi nên anh bàn ghé xuồng lại chỗ một gốc cây đậu nghỉ , chờ nước lớn . Lúc đó cái thai đã không máy gần 10 tiếng đồng hồ rồi .

Trời nắng , mẹ nằm mơ màng dưới chiếc xuồng tuy có mui nhưng rất chật và nóng . Bỗng mẹ thấy một ông già đến kêu mẹ dậy và nói rằng phải đi gấp ra Cà Mau sẽ có quới nhơn giúp đỡ …

Mẹ giật mình tỉnh giấc và tức tốc kêu anh Chiêu ráng chèo nước ngược đi cho kịp …

Khi ra đến Cà Mau thì may mắn làm sao mẹ lại gặp được ông ngoại tôi ! Ông từ Long Bình - Cần Thơ - mới xuống tới ! và ông đã đưa mẹ tôi đến ông đốc tơ Nhuận khám thai và ông nầy đã cứu được cái thai hầu như đã chết…

Khi sanh Anh ra , mẹ tôi nói rằng Anh như một con mèo ướt , da nhăn nhúm , mặt như mặt khỉ , không có một chút sự sống nào cả …

… Nhiều năm sau , mẹ tôi khi kể đến việc nầy bà cứ băn khoăn mãi : "Chuyện như vậy mình dù không tin dị đoan cũng không được … "

Làm sao có thể gặp được ông ngoại tôi tình cờ trong muôn một , nếu không có bàn tay của đấng vô hình ?

Ba tôi thường nói rằng trong các anh chị em tôi có anh la người có thể lực yếu nhất , có lẽ đó là hậu quả của tố chất yếu kém của Anh trong thời kỳ mẹ tôi thai nghén .

Riêng tôi thì không bao giờ tôi quên được câu chuyện ông già đến gọi mẹ tôi đi nước ngược để ra Cà Mau kịp lúc gặp ông ngoại tôi tình cờ đi ngang bến tàu …

Cuộc đời Anh là thế : long đong , chìm nổi phải có quới nhơn phù hộ từ lúc hãy còn trong bụng mẹ !

Trích Hồi Ký NGƯỜI ANH .

*

CHUYỆN BÀN ÔNG THIÊN

VÀ MIẾU THỔ ĐỊA

Còn nhớ , lúc ấy chưa có giặc , chúng tôi sống trong ngôi Nhà Lớn ở Cái Ngang - Gọi là Nhà Lớn để phân biệt với những Trại ruộng hoặc nhà ở Bàu Sen . Lúc ấy tôi và anh Thứ Tư còn chưa lên 10 .

Chúng tôi là một cặp bài trùng quậy phá lung tung , không có thứ gì trong nhà mà chúng tôi không rớ tới . Mẹ và chị tôi lăm khi phải lắt đầu , chịu thua sự nghịch ngợm của chúng tôi .

Một hôm hai đứa lấy trái banh tenis xẻ làm đôi , đái vào đấy và đem ra để "cúng" ở Bàn Ông Thiên và Miếu Thổ Địa !

Không biết thần thánh có linh thiên hay là do ngẫu nhiên màchúng tôi cả hai đứa đều bị sốt rất nặng . Con cu thì bị sưng to không đái được !

Chuyện động trời như thế làm hai đứa tôi sợ xanh mặt ! Chúng tôi bàn nhau phải kể thật cho mẹ tôi nghe …

Khi Anh thú thật với mẹ tôi về việc báng bổ Thánh Thần như vậy thì mẹ tôi mới tá hỏa lên và chạy thầy khắp nơi …

Sau nầy mẹ tôi kể lại rằng khi biết được chuyện động trời đó , mẹ ra chỗ bàn Ông Thiên và Miễu Thổ Địa thì "vật chứng" vẫn còn đầy đủ và nguyên vẹn !

Mẹ phải cúng vái, tạ lỗi với Thần Thánh và mấy hôm sau chúng tôi mới hết bệnh !

Ôi chao ! phải biết Thần Thánh nhà tôi có dịp lên ngôi nhé ! Từ đó Bàn Ông Thiên và Miễu Thổ địa nhan đèn đầy đủ và trẻ con thì không đứa nào dám bén mản đến gần !

Các anh chị tôi và những kẻ ăn người ở trong nhà được một phen cười chúng tôi đến sái quay hàm , và chúng tôi thật sự rất xấu hỗ vì chuyện làm càng quấy đó !

Đên tân bây giờ , khi nhắc lại chuyện ấy, gia đình tôi không ai giải thích nổi tại sao lại có hiện tượng như vậy ? Tôi, Ba tôi và các anh tôi là những người không tin những chuyện dị đoan nhảm nhí như vậy , nhưng cũng chịu , không làm sao lý giải được !

*

CHUYỆN VỀ CHIM

Vì Anh con trai lớn nhất trong đám, nên lúc nào Anh cũng bày trò chơi cho tôi : lúc thả diều , khi bắt còng , mùa có trái bố hay trái chùm nguội thì đốn trúc làm ống thụt ; mùa bắt đầu mưa thì bẫy chim …

Chúng tôi lấy sợi tóc dài xe làm thành một cá vòng , đầu kia nắn vào một cục đất , sau đó phơi khô . Thế là có một cái bẫy, nhiều cáy bẫy được chúng tôi gài ở những đống trấu do xay giả lúa giê ra .

Từng đàn chim đủ loại : Manh Manh , Áo Dà, Dòng Dọc, chim Sắc… đáp xuống những đống trấu nầy để kiếm ăn . Thế là chúng mắc bẫy !

Chúng tôi làm những cái lồng bằng trúc thô sơ để nuôi chim .

Có lần Ba tôi đi thâu lúa ruộng ở Bàu Sen đã gởi về cho chúng tôi một cái lồng rất đẹp với đủ loại chim . Nhiều con Manh Manh trỗ cườm rất đẹp . Áo Dà thì lông màu nâu, mỏ xám đục, cổ trắng trông rất xinh .

Bọn tôi mê tít cái lồng chim ấy , cứ mở ra , đóng vào để cho nước và thức ăn , chẳng bao lâu chim, sổng chuồng hết sạch !

Dòng Dọc là một loại chim không đẹp lắm , chúng có một cái mỏ rất sắc và rất dữ , khi nắm chúng trong tay thì chúng cắn rất đau . Đặc biệt loại chim nầy làm tổ rất công phu , đẹp và rất lạ .

Con mái làm tổ như hình một cái bao tử . Chúng dùng mỏ tướt lá dừa tươi thành những sợi bề ngang chừng vài mili mét và chúng cũng đan tổ bằng mỏ . Phía trên tổ lúc nào chúng cũng đan rất dầy , trời mưa dù to thế nào cũng không thể dột nước được . Khi ấp con nở , chúng đan nối lối ra dài đến ba bốn tấc để chim con khỏi rơi ra ngoài ! Xem thế đủ biết những "bà mẹ chim" nầy thật đảm đang biết dường nào trong việc chăm sóc con lúc chúng hãy còn thơ !

Con trống thì đan tổ như hình cái nón có quai : Chỏm nón mắc vào cành cây , quai nón để chúng đậu ! Thật là an toàn dù nắng hay mưa !

Tôi không được nghiên cứu sâu rộng về loài chim , song nhìn qua cách làm tổ của chim Dòng Dọc mái và chim trống thì chúng ta có thể nghĩ rằng loài chim nầy có một tư duy khá cao trong việc xây nhà để cho chúng và con chúng ở .

Loài chim mà có tư duy trong việc làm tổ ư ? Thật cũng khó mà nói khác được ! Chúng sống với nhau từng cặp một và cặp nào cũng làm hai cái tổ cạnh nhau y hệt như vậy ! Ai có nhìn thấy những mũi đan tổ của chim Dòng Dọc cũng phải hết sức thán phục chúng . Những mũi đan liền nhau, khéo léo, công phu, không một mối dư, không chút sần sùi , gồm nhiều lớp khít khao và chặt chẻ trông rất mỹ thuật … tuồng như đó là một tấm thảm dệt trước rồi mới kết lại làm thành cái tổ …

Chúng tôi rất thích chơi chim, lấy trứng chim trong tổ , song đối với chim Dòng Dọc thì chúng tôi không bao giờ phá tổ của chúng , chúng tôi không nở phá phách mái nhà xinh xắn của chúng , hơn nữa chúng thường làm tổ ở những ao đầm hoang vu trên những nhánh cây gie ra giữa dòng , nên muốn lấy được tổ của chúng cũng không phải là dễ .

*

SUÝT CHẾT HỤT ([1])

Chính vì Anh là đầu đàn của bọn tôi trong các trò chơi nên thường bị mẹ tôi la mắng .

Cón nhớ, một hôm hai anh em cùng với một đám trẻ trong xóm xuống bờ ao móc đất nắn tu na ([2]) , mãi mê chơi bỏ cả về ăn cơm . Khi mẹ tìm được chúng tôi thì mình mẩy, áo quần của đứa nào cũng đầy bùn đất ! Mẹ nổi giận phết cho mỗi đứa mấy roi . Dĩ nhiên vì Anh là "đầu đảng" nên đòn có nhiều hơn tôi …

Tất cả dao yếm, dao phay, chét , búa, rựa… của nhà tôi đều bị cuốn mép hoặc mẻ , khờn … tùy theo nó được trui già hay non : hễ cây dao nào trui già thì bị mẻ ; trui non thì bị cuốn mép ! Nguyên do là khi cần chơi là chúng tôi xách dao ra chặt bất kể là trúc non hay tre già , gỗ cứng, có đinh …

Vì vậy hễ dao bị mẻ thì Hùng bị la; dao lụt hay cuốn mép thì Hùng bị rầy … Nhưng không có oan !

Song ít khi nào chúng tôi nhụt chí khi có nhu cầu sử dụng dao , búa để làm đồ chơi ! Bất kể đó là dao phay , dao yếm hay búa , rựa .

*

Cũng với danh nghĩa "Đầu Đàn", Anh thường dẫn chúng tôi ra chơi ở bờ sông . Nhà tôi ở cạnh con sông Cái Ngang , tuy không lớn lắm, nhưng khi ấy nó rất sâu và nước chảy rất mạnh . Do đó mẹ tôi nghiêm cấm trẻ con ra chơi ở bờ sông nầy .

Thanh minh năm 2002 chúng tôi về Cái Ngang để tảo mộ , tôi nhìn lại con sông Cái Ngang ngày nào mà buồn quá! Giờ đây tuy người ta đã xả đập, nhưng sông đã gần cạn , không còn đẹp như hồi xưa nữa …

Mấy ông Cộng Sản Việt Nam gốc là nông dân chính hiệu nên chỗ nào có đất là muốn trồng trọt : Trong Phi trường Tân Sơn Nhất , dọc theo các đường bay thì các bố xới lên trồng sả ! Báo hại nước có chỗ ngấm xuống làm tiêu luôn các con đường ! Sân trường Hưng Đạo (bây giờ là trường Châu Văn Liêm) thì ông Hiệu trưởng cụt tay người Bắc cho đào lên làm ao nuôi cá ! Trời ơi! Cái sân trường chó ngồi còn ló đuôi , chung quanh là nhà lầu 4, 5 tầng mà bố cho phá xi măng ra đào sâu xuống để "nuôi cá" thì thôi hết nói !

Sông Cái Ngang và các con sông khác các bố làm "thủy lợi" bằng cách cho đấp đập tất cả để làm ruộng ! Bây giờ thì bữa đập tất cả để nuôi tôm !

Tôi không biết nhiều về môi sinh , môi trường trong một quần thể đồng bằng , song việc đấp đập làm cho các con sông lần lần khô cạn đã khiến cho cảnh quang mất hết vẽ đẹp tự nhiên của nó, chưa nói đến những tác hại khác . Sông Cái Ngang bây giờ là như vậy !

*

Những con sông uốn khúc có nước lớn ròng hai lượt trong ngày, xuồng ghe đi lại tấp nập … là nơi hấp dẫn bọn trẻ nhất . Còn thú nào hơn xuống cầu chuồi dưới bến sông nghịch nước khi nước lớn đầy sông và đi dọc theo bờ bắt những con còng sặc sở ?

Chúng tôi bắt chước kiểu bắt cá của lão Phó Thơ - cũng không biết vì sao người trong xóm gọi lão là Phó Thơ ? Có lẽ lão làm chức phó gì đó trong Ban Hội Tề và tên lão là Thơ - Lúc ấy lão đã già lắm rồi , không làm gì nổi , lão chỉ đi xúc cá chốt bán độ nhật qua ngày . Cách bắt cá chốt của lão như sau : Lão ném một hòn đất chỗ các cầu ở bến sông là nơi cá chốt thường đến kiếm ăn , cá bu lại và lão dùng cây cần chong để xúc . Cá bắt được lão đem bán ngay cho những nhà trong xóm .

Nhà chúng tôi có một cây vợt giống như cây cần chong của lão Phó Thơ, song cán ngắn hơn có lẽ chỉ để xúc cá rọng trong hầm hay trong lu . Chúng tôi dùng cây vợt ấy và bắt chước lão Phó Thơ để bắt cá . Đôi khi may mắn , chúng tôi cũng vợt được vài con cá chốt hay cá lòng tong thì không có niềm vui nào hơn thế nữa . Do đó, mặc dù mẹ tôi cấm chúng tôi xuống chơi dưới bờ sông , nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn lén xuống đó chơi .

Một hôm , nhân mẹ tôi bận việc ở nhà sau - nhà tôi rất dài, gồm nhà khách, nhà giữa , qua một sân nước có nhà cầu rồi mới đến nhà sau . Từ nhà sau ra đến bờ sông có thể đến gần 100 mét - Anh rủ tôi và con Đông , con chú Hai Ngự nhà ở kế bên , xuống bờ sông chơi . Lúc ấy nước đầy sông, lé đé cây cầu dưới bến . Không biết loai quay thế nào mà tôi rơi tỏm xuống sông !

Ối chao ! Anh và con Đông lính quýnh cứ đẩy chiếc xuồng đang cột ở chân cầu và bảo tôi nắm ! trong khi tôi bị cuốn trôi xa theo dòng nước đang chảy xiết !

Kêu mãi không được, Anh đâm hoảng , chạy vào nhà gọi mẹ tôi . Cũng may là mẹ tôi biết bơi nên bà lao xuống sông vớt tôi lên !

Lúc ấy tôi đã uống đầy một bụng nước !

Không biết tại sao rơi xuống sông mà tôi không chìm hẳn . Mẹ tôi nói rằng khi ra bờ sông mẹ đã nhìn thấy tôi nổi lờ đờ theo dòng nước ròng đang chảy xiết và tôi đã bị trôi gần đến bến nhà thầy giáo Sáng ! - Cách bến nhà tôi trên 50 mét .

Sau nầy những người thân trong nhà nói rằng mẹ đã sinh tôi một lần nữa !

Khi biết được chuyện ấy , nóng ruột vì thằng cháu suýt chết trôi , chiều hôm ấy Bác Ba tôi đến nhà la mẹ tôi . Bác nói mát :

- Tôi biết Thiếm đẻ giỏi lắm mà ! Chết đứa nầy thì đẻ đứa khác , có sao đâu ?

Mẹ tôi cũng biết là có lỗi , và trước ông anh chồng đang tức giận như vậy, Bà cũng không biết nói sao …

Lúc đó Ba tôi đang ở tít dưới Bàu Sen .

Hôm ấy Anh bị mẹ tôi quất mấy roi vì tội dẫn lũ trẻ ra chơi ở bờ sông ! Dĩ nhiên là mẹ không tính công Anh đã kịp thời báo cho mẹ vớt tôi lên , cứu tôi thoát chết !

Trích Hồi Ký NGƯỜI ANH


*




([1]) Té sông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét