Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

BÚT KÝ VUONG THE DUNG


LUÂN LẠC…

Đầu năm 1945, khi cuộc chiến trang Việt - Pháp chưa bùng nổ ác liệt , anh Năm Khuyên - người anh con chú con Bác với tôi từ Bàu Sen lên chơi - Bàu sen cách chỗ chúng tôi ở hơn một ngày đường đi xuồng chèo - cứ theo xin với mẹ tôi cho Anh xuống Bàu Sen chơi . Anh Năm Khuyên rất thích con trai , anh là con trai độc nhất của Bác Hai tôi, khi anh và chị Năm bị bệnh phong tình thì bác Hai gái nhỏ của tôi ( Bác Hai tôi có vợ bé) cho hai người uống một loại thuốc trị bệnh phong tình rất độc gọi là ngũ hổ , tục truyền rằng người đàn bà uống thuốc nầy rồi thì sẽ không còn có con được nữa - và không biết có phải đó là chủ ý của Bác gái nhỏ hay không mà quả nhiên anh Năm Khuyên tuyệt tự .

Anh chơi rất thân với Ba tôi , vì chú cháu suýt soát tuổi nhau nên coi nhau như bạn và anh đã "xin" đứa con mà mẹ tôi đang mang thai - Đó là người chị thứ Năm của tôi , hợp đồng là dù trai hay gái anh, chị vẫn xin . Kết quả là mẹ tôi sinh con gái . Do đó anh Năm Khuyên vẫn luôn thích con trai . Sau nầy mẹ tôi nói lại là vì Anh cứ theo năn nỉ mãi , mẹ không nở từ chối nên đã đồng ý cho Anh đi theo anh Năm Khuyên xuống Bàu Sen chơi.

Năm đó Anh đâu vừa lên 6 .

Lần xa nhà đầu tiên nầy mở ra một chương mới trong cuộc đời Anh , và Anh thật sự đã sa vào vòng luân lạc ngay khi còn quá nhỏ .

Có thể nói đó là chuyến đi định mệnh và đã bắt đầu thời kỳ sóng gió trong cuộc đời phải chia cách gia đình của Anh .

Lúc ấy Ba tôi do thời cuộc đã chạy lên Cần Thơ trước , ở đậu nhà Dì Tư tôi . Khi ông tìm được việc làm thì ông có ý định đưa cả nhà lên Cần Thơ tránh giặc .

Một hôm chúng tôi nhận được thư và tiền của Ba tôi gởi người quen đem về bảo mẹ tôi phải thu xếp đưa chúng tôi lên Cần Thơ theo chuyến con voi cuối tháng .

Lúc ấy thì Anh còn ở tít dưới Bàu Sen !

Mẹ tôi không nở bỏ Anh lại nên người cứ băn khoăn, trăn trở mãi …

Sau cùng các Bác của tôi nói mãi, phải một hai hứa chắc sẽ tìm cách đưa Anh lên sau, nên mẹ đành nuốt lệ đưa chúng tôi đi .

Hồi ấy, như tôi đã nói ở đoạn trên, mỗi tháng bọn Tây mới sửa đường một lần và có một đoàn xe nhà binh dẫn đầu cho các xe đi .

Đường đi rất hiểm nguy và đầy bất trắc : con lộ bị đào bới lung tung. Việt Minh thì hay phục kích các đoàn con voi. Nếu có bắn nhau thì xe đò sẽ rơi vào vùng lửa đạn của hai bên .

Hồi đó, và mãi đến sau nầy trong thời kỳ chống Mỹ, chuyện đào đường gài trái là một chủ trương lớn của quân kháng chiến . Tổn thất cho giặc thì tôi không biết , nhưng thường dân thì lãnh đủ !

Một thằng cháu của tôi nguyên là du kích , hiện nay làm chức vụ lớn ở Tỉnh Cà Mau nói với tôi rằng trong suốt hơn một chục năm đi du kích gài trái nó chưa giết được tên địch nào , ngoại trừ trái nổ làm chết một bà thường dân đi mót lúa sớm và trái nổ làm nó bị cụt tay !

Đến Bạc Liêu thì đường bị tắt ! chúng tôi phải đến tá túc nhà chế Ba Ngải là con Bác Hai tôi , chờ thông đường .

Lúc ấy nhà tôi tách làm ba : Mẹ tôi tay bồng tay mang môt lũ nhóc gồm năm đứa ăn chực nằm chờ ở Bạc Liêu , tiến thối lưỡng nan ; Ba tôi ở Cần Thơ mõi mắt trông tin chúng tôi ; và Anh , một đứa trẻ mới lên 6 , lạc loài, cô chích hết ở nhà người bà con nầy đến nhà người bà con khác , không có hy vọng gì đoàn tụ với gia đình .

*

Sau nầy Anh kể lại rằng , Anh đang ở dưới Bàu Sen với anh Năm Khuyên thì Bác Chín tôi có dịp xuống đó , Bác nói với Anh rằng cả nhà tôi đã đi Cần Thơ và bác rủ Anh về Cái Su chơi . Cái Su là điền của Bác Hai tôi , hơi xa vùng địch chiếm , nên hễ có giặc bố thì bà con trong họ lại chạy xuống đó .

Anh nòi rằng ở dưới Bàu Sen thì Anh được hoàn toàn "tữ do" : Lội ruộng , bắt cá , tát đìa , cắm câu và đi theo coi trâu … không ai la rầy , ngăn cấm . Anh Năm Khuyên chỉ thích con trai thôi chứ anh chưa bao giờ qnản lý con trai nên để cho Anh chơi rong thoải mái .

Với bản tính ham vui của trẻ thơ lại sống trong những môi trường không có người ngó ngàng gì tới , Anh đi hoang thật đã đời !

Vợ chồng anh Năm Khuyên thì tống khứ Anh lên được trên Cái Su là coi như hết nợ .

Sau nầy tôi vẫn suy nghĩ mãi và không hiểu tại sao giặc giả như vậy , anh Năm Khuyên lãnh anh đem về nhà rồi bỏ mặc anh đi bụi ! mà anh có lớn gì cho cam : chỉ là một đứa trẻ chưa có thể tự lo cho mình được, một đứa trẻ chỉ mới vừa lên 6 ! Suy cho cùng, những người ruột thịt thì không thể nào bỏ như vậy được , chỉ có người dưng và là người có tấm lòng thiếu độ lượng , sống thật ích kỷ và nhẫn tâm thì mới tống một đứa bé đi như vậy đi khỏi nhà mà không biết rồi nó sẽ ra sao?

Tôi không thể nào hình dung được một đứa trẻ chỉ mới lên 6 lên 7 , suốt ngày dãi nắng dầm mưa theo những người tá điền làm công ở nhà anh Năm Khuyên đi ra ruộng cấy, gặt , kéo cá , chài , lưới … Rồi quần áo, tắm giặt , đau ốm… không có người lớn chỉ bảo , răn dạy thì chắc anh sống như một cây cỏ hoang dại trong rừng … !

Anh phải tự chăm sóc cho mình từ ngày ấy , và cũng từ ngày đó Anh ra khỏi vòng tay của mẹ , thất lạc trong cuộc chiến tranh ác liệt mà sự sum hợp chưa biết đến bao giờ !

Sau nầy Anh kể lại cho tôi nghe , có lần nửa khuya, mấy người tá điền của Bác Hai tôi rủ Anh đi kéo cá . Hôm đó Anh mắc một đám mưa to và ốm một trận thập tử nhất sanh.

*

Lúc ấy nhà tôi đang sống ở Cần Thơ . Tất cả bầy con đều đủ mặt , chỉ trừ Anh . Gia đình cũng không có tin tức gì về Anh , không biết Anh đang ở với ai ?Sống ra sao ? Chiến tranh có lan đến vùng Anh ở hay không ?

Mẹ tôi luôn rên rẫm buồn rầu ray rứt vì những câu hỏi trên . Người luôn thúc hối Ba tôi tìm cách thuê người về rước Anh lên .

Song trong những năm 1946 - 1947 , cuộc chiến tranh - Việt - Pháp bắt đầu ác liệt , giao thông đường bộ từ Cần Thơ đi Cà Mau hoàn toàn tắt nhgẽn . Chỉ có xe nhà binh chạy được mà thôi .

Cuối cùng Ba tôi tìm được một người chịu đi . Đó là Cậu Tư Tre - Một người cậu họ bên ngoại tôi . Dĩ nhiên là cậu đi bằng đường thủy .

Ba tôi chỉ dẫn cho cậu thật kỹ lưỡng đường đi nước bước, song một phần vì cậu chưa bao giờ đi về vùng ấy bằng xuồng , một phần thời cuộc đã phân chia ra hai vùng rõ rệt : vùng địch tạm chiếm và vùng giải phóng .

Từ vùng giải phóng đi ra Thành thị thì bị Việt Minh bắt vì tội "nhảy dù" () vì hồi đó ta áp dụng triệt để khẩu hiệu "tự lực cánh sinh" , lấy ”nông thôn bao vây thành thị" (!) ; Từ ngoài Thành đi vô những vùng giải phóng càng khó hơn vì sẽ bị tình nghi là gián điệp , có thể bị bắt .

Ở Cần Thơ xuống Cà Mau phải đi ngang qua nhiều lộ xe, người đi phải chờ đêm tối xuống , không đèn đóm , âm thầm lén kéo xuồng qua lộ đá, gặp địch phục kích thì chúng xả súng bắn liền . Và bọn chúng hay phục kích ở những nơi lộ xe cắt con sông đi qua để bắn du kích .

Sau nầy Anh kể lại rằng gần đến chỗ phải kéo xuồng qua lộ xe, Cậu Tư phải đưa xuồng theo đường đồng cách con sông rất xa rồi mới dám kéo xuồng qua lộ . Anh mô tả lại cái cảnh rùng rợn khi phải bước lom khom trên con lộ đá vắng tanh và tưởng tượng kẻ địch lúc nào cũng có thể xả súng bắn mình …

…………………..

Khi gia đình tôi hồi cư vế Cà Mau ,chúng tôi cũng trãi qua những giây phút kinh hoàng như vậy

Tôi không biết chiếc ghe chở cả nhà tôi đi theo con sông nào mà phải qua một cây cầu nằm sát mặt sông . Ghe muốn đi tiếp phải nhận chìm và long qua cầu !

Tôi còn nhớ, lúc ấy bao nhiêu đồ tế nhuyễn : quần áo, mùn mền, … đều phải mang lên lộ đá chuyển qua bên kia cầu , mấy người chèo ghe nhận chìm chiếc ghe và phải lặn xuống nước đẩy nó qua cầu .

Nhiều ghe thương hồ khác cũng phải qua cây cầu nầy bằng cách ấy trong đêm khiến cả một khúc sông cứ nhộn nhạo cả lên . Người ta cấm không ai được đốt đèn , không được nói chuyện… song cả một khúc sông và trên mặt lộ hai bên càu vẫn ì xèo như một cái chợ , nhưng đó là một cái chợ "Ma" vì chỉ có những bóng người di chuyển khuân vác đồ đạc thấp thoáng trong bóng đêm dày …

Người ta nói rằng thỉnh thoảng bọn Pháp vẫn phục kích ở đây và đã bắn chết nhiều người đi ghe xuồng qua lại .

Đêm ấy nếu có bọn Tây phục kích ở đây thì cả gia đình tôi không sao thoát được vì toàn là đàn bà và trẻ con .

Cậu Tư Tre ghé xuồng vào cầu Xưởng , song Cậu nói gạt Anh :

- Tao lên đây đi tiểu cái đã . Chỗ Ba mầy ở tít đằng kia …

Cậu chỉ cho Anh cái biệt thự Khương Bình Tịnh xa xa trên Bình Thủy .

Khi Cậu lên bờ thì Anh cũng lò mò theo . Nhìn vào sân xưởng Anh thấy Ba tôi đang đứng chấp tay xem công nhân làm việc . Anh chạy ào đến ôm chặt lấy Người !

Sau nầy , mỗi lần Anh nhắc lại kỹ niệm cũ cho tôi nghe , đến đoạn nầy tôi vẫn không sao kềm giữ được sự xúc cảm làm rung động trái tim tôi . Sự biệt ly cách trở, ngày sum hợp tương phùng đầy kịch tính như vậy thật hiếm thấy trong đời !

Sự đoàn tụ của Anh đối với chúng tôi ở Cần Thơ là một trang sử lớn của gia đình chúng tôi . Không một ai trong chúng tôi dám hy vọng nhiều rằng cậu Tư Tre sẽ đưa Anh được từ vùng giải phóng xa tít ở mũi Cà Mau ra Thành Phố Cần Thơ - Đâu có ai biết rằng Anh đang ở Bàu Sen , Cái Su hay Cái Ngang ? Làm sao cậu Tư tôi tìm ra được Anh trong ba vùng quê mênh mông đó ? - Những vùng quê thưa người không có phương tiện giao thông nào khác hơn là xuồng ghe- Nơi nầy cách chỗ kia cả ngày đường , đi loanh quanh theo các kinh rạch như một Bát Quái Trận Đồ !

Còn Anh, tuổi thơ bé bỏng sớm xa nhà , chịu cảnh cô chích hằng mấy năm trường , việc gặp lại Cha Mẹ, Anh Em họa chăng là trong giấc mộng !

Ở đây tôi muốn mở ngoặc nói thêm một chút về thời cuộc lúc đó. Lệnh "cấm thành" được ban ra một cách rất nghiêm ngặt , chỉ có những tay sừng sỏ , những người bạt mạng mới dám "nhảy dù"* - Tức lén ra Thành đi buôn - mà nhảy dù đứt dây là phải nằm trại giáo hóa ít nhất 6 tháng ! Có khi kẹt giữa hai lằn đạn của hai bên mà mất mạng ! thì thử hỏi một đứa trẻ lên 6 , lên 7 , ăn nhờ ở đậu nhà Cô Bác trong vùng giải phóng thì làm gì dám mơ ngày đoàn tụ với gia đình ở ngoài Thành cách xa hằng mấy trăm cây số .

Cho nên khi nhận ra cái ông cao , to mặc đồ tây đứng chấp tay sau đít kia là Ba thì trái tim thơ dại của Anh chắc phải run lên theo nỗi vui mừng khôn tả của ngày hội ngộ .

Trích Hồi ký NGƯỜI ANH

Cà Mau , Thanh Minh 2001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét