- Bà con ơi ! có ai biết nhà của Sáu Hằng ở đâu không ?
Sáu Hằng là thứ và tên của mẹ tôi .
Đó là một buổi chiều mùa mưa năm 1952 , nắng vàng sắp tắt tận chân trời …
Bọn tôi năm đứa chạy ùa ra bến sông , nhìn ra cái búng quẹo vô nhà tôi của con lung Láng Dài .
Một chiếc tam bản có mui , hai chèo đang thả trên sông . Ngồi trước mũi ghe là một bà cụ già tóc bạc phơ , che tay nhìn .
Bông súng nở trắng đầy sông như mái tóc bạc của bà . Ghe từ từ đi vào bến .
Những sợi tóc nhuốm màu thời gian phất phơ theo gợn sóng trên sông …
Chị tôi la lên :
- Ngoại xuống ! Trời ơi ! Má ơi ! ngoại xuống !
Tư Hùng cũng la lên :
- Nhà Sáu Hằng đây nè Bà ơi ! Ghé vô đi !
Một nụ cười móm mém nở trên môi của Bà . Bà nheo mắt nhìn qua tay che như chưa tin đó là đám cháu mà Bà mà bà từng nhớ thương lay lắt , đêm ngày …
- Ới ! Ới ! Ngoại xuống Má ơi !
Chân tôi như chôn xuống đất , không tin đó là sự thật !
Nắng chiều xuống rán vàng cụm sậy bên cù lao , một con trích ré kêu lên báo tin vui …
*
Trong mớ đồ tế nhuyễn Bà đem xuống Láng Dài cho chúng tôi , ngoài đủ thứ quà cáp còn có mấy chiếc mo cau, mấy cái gáo dừa !
Tụi tôi vừa soạn đồ ra vừa cười .
Bà hiền từ bảo :
- Ở cái xứ "khỉ ho cò gáy" nầy tao biết tụi bây lấy đâu ra mo cau, ra gáo dừa ?
- Mo cau và gáo dừa dùng để làm gì hở Bà ? - Một đứa hỏi .
- Mo cau để nhận mắm , gáo dừa làm cán để múc nước …
Ôi ! những suy nghĩ đó đã hình thành bao nhiêu đêm trường thao thức , nhớ mong ? Nung nấu bao nhiêu trong những tháng ngày xa cách ?
Long Bình - Láng Dài bao nhiêu dậm đường xa ? Bao nhiêu cây số ?
Tôi không biết . Nhưng không thể nào đo được bằng một con số cụ thể con đường mà những người mẹ đi thăm con !
Nhìn cái mui ghe tam bản thấp lè tè và chật chội với bao nhiêu đồ đạc lỉnh kỉnh , tôi thật không thể hình dung được với căn bệnh ngoại khoa của Bà , mười mấy ngày qua với bao nhiêu con nước lớn ròng , Bà tôi ăn ở và sống ra sao ?
Mẹ tôi kể rằng sau khi sanh Dì Tám tôi thì Bà ngoại tôi lâm bệnh đường ruột - Sau nầy dân gian gọi đó là bệnh nghẹt ruột, tréo ruột - còn trong y học thì gọi là bệnh tắt ruột .
Hai mươi ngày Bà tôi không đi cầu được , bụng Bà căng trướng lên làm bà thở rất khó khăn .
Ông Ngoại tôi là một thầy thuốc bắc nổi tiếng trong vùng nhưng cũng đành bó tay trước căn bệnh ngặt nghèo của Bà . Cuối cùng ông tôi quyết định chở Bà ra bệnh viện Cần Thơ. Ở đây các Bác sĩ thời đó đa số là y sĩ Đông Dương khám và nói Bà bị tắt ruột, phải mổ , cắt và nối ruột già lại, Song họ ngại là thể trạng Bà tôi quá yếu , sợ mổ không qua khỏi , họ khuyên ông tôi chở Bà về lo "lui" thì hơn !
Thấy Bệnh viện đã "chạy" ông tôi quyết định chở Bà về . Trong khi tin về nhà bảo chuẩn bị hàng rương, củi đuốc các thứ cho đám tang ...
Mẹ tôi kể rằng người chèo xuồng gặp nắng và nước ngược nên xin với ông tôi đậu ghe dưới bóng một tàng cây lớn nghỉ tay .
Ông tôi nằm ngủ mơ màng bỗng thấy một ông già râu dài đến nói với ông tôi rằng phải chở gấp người bệnh ra ông thầy cũ thì bệnh sẽ khỏi .
Ông ngoại tôi hối người chèo ghe quày trở lại và đưa Bà tôi vô BV để mổ . Kết quả là Bà tôi khỏi bệnh ! mặc dù Bác sĩ trổ bên hông Bà tôi một lổ và may ruột vào đó . Từ ấy phân cứ theo đường đó ra ngoài và Bà tôi phải băng và thay băng suốt khoản đời còn lại .
Nhà ông tôi không ai tin dị đoan, song vụ đó thì cả đến ông tôi cũng nửa tin , nửa ngờ .
Ôi ! Biết nói sao những chuyện linh thiêng như vậy ? và trong gia đình tôi còn một chuyện tương tư như vậy xảy ra vào chính thế hệ của chúng tôi .
Nhớ Bà với tất cả tấm lòng của con
2009
Những gì thuộc về tâm linh luôn bí ẩn anh D à.
Trả lờiXóa