Thứ Ba, 10 tháng 3, 2009

BÚT KÝ VUONG THE DUNG



TÌNH THƠ ẤU

Những năm tháng ấy ở nông thôn chưa có trường học . Hầu hết trẻ con đều không biết chữ .
Tôi có cái may mắn là nhà có anh Hai học đến trung học , chị thứ Ba học hết tiểu học kềm cặp dạy cho tôi biết chữ .

Chị Ba tôi là người thầy đầu tiên dạy học cho tôi . Nhờ có mấy cuốn sách giáo khoa anh Phán tôi từ Cần Thơ mang xuống, chị lấy trong đó ra dạy cho tôi .

Tôi rất ham học và tôi còn nhớ năm lên 10 tôi đã đọc được Lịch Cứiu Quốc Quý Tỵ .

Hồi đó trong kháng chiến cũng có cuốn VẦN QUỐC NGỮ , gồm 32 bài từ vần xuôi đến vần ngược . Mở đầu là i, t - ti - it.

Và thuở đó nhiều người thoát nạn mù chữ cũng nhờ quyển vần nầy .

Trong những xóm vùng sâu , đêm đêm dưới ánh đèn dầu leo lét có tiếng trẻ ê a học vần xuôi vần ngược nghe đượm buồn như một câu kệ chốn thiền môn …

i , t , ti , i tờ it , u , ư , n v.v…

*

Tôi rất thích học chữ , nhưng thời kỳ ấy , hoàn cảnh ấy ai cũng đành chịu . Những khái niệm về trường lớp, thầy , cô , bạn bè… đều xa vắng mơ hồ và hầu như không có .


Em mười hai tuổi tết mười ba ,
Trần trụi quanh năm gió lộng nhà ,
Sáng sáng buồn hiu ra cửa ngắm ,
Những trò đi học bóng xa xa …

*

Năm ngoái năm kia em cũng học ,
Nắn từng cục đất viết i tờ ,
Chiến tranh đã phá trường em học ,
Mới ráp vần xuôi chịu tới giờ …

*

Hôm nào lượm được vần ai bỏ ,
Rách nát còn đâu có ít trang ,
Mót chút cơm thừa em dán lại ,
Lem hem tuồng chữ quí hơn vàng …

*

Rồi khi thong thả trâu ăn cỏ ,
Nằm ngữa lưng trâu mở quyển vần ,
Quên cuộc đời nghèo quên đói lạnh ,
Chữ còn chữ mất đọc vang rân …

Sự bức xúc của tuổi ấu thơ vì cảnh không trường không lớp cứ mãi nung nấu trong lòng tôi . Đều đó giải thích tại sao về sau nầy khi tôi tốt nghiệp đại học luật tôi không đi theo những ngành khác như luật sư hay ngân hàng … làm có tiền nhiều hơn mà tôi lại chọn cho mình nghề dạy học , và tôi đã đào tạo ra rất nhiều thế hệ học trò thành danh . Tôi đã được làm Thầy, lên bụt giảng bài ! Đó là nguyện ước lớn nhất của đời tôi .


Nhờ mấy cuốn sách giáo khoa của anh tôi và được chị tôi rèn cặp tôi đã biết chữ , biết làm bốn phép toán và biết làm một số bài toán đố tương đối dễ .

Lúc ấy nhà tôi tản cư ở mãi tận xóm Bàu Sen , một vùng sâu của tỉnh Cà Mau , vùng hoang vu mà ông nọi tôi khai khẩn khi xưa … Nơi đây cách quê cũ của tôi - xóm Cái Ngang hàng mấy ngày đường .

Những tưởng cuộc đời cứ như thế trôi đi . Bỗng một hôm Ba tôi bảo tôi chuẩn bị quần áo để đi lên Cái Su học .

Tôi mà được đi học ư ?

Trời ơi ! thật là nằm mơ cũng chưa thấy !

Trong vùng giải phóng toàn tỉnh Cà Mau lúc ấy chỉ có "Trại nhi đồng" là trường nội trú dành cho một số rất ít con em cán bộ học chữ ; trường trung học thì đến năm 1948 mới có ba trường : Huỳnh Phan Hộ : dạy lớp 6, 7 ; Nguyễn văn Tố dạy lớp 8 và Thái Văn Lung dạy lớp 9 . Tất cả đều là trường nội trú và phải đóng trong rừng , trong trãng để tránh máy bay của giặc . Hồi đó anh Hai tôi được theo học trường Huỳnh Phan Hộ . Và mỗi trường cũng chỉ có vài lớp mà thôi.

Đến năm 1950 thì các trường ấy đều giải tán để đưa học sinh biết chữ vào các cơ quan làm việc , đặc biệt là vào trường lục quân Trần Quốc Tuấn để đào tạo lớp sĩ quan đầu tiên nhằm phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp . Anh Hai tôi cũng theo học trường lục quân và khi ra trường anh công tác ở tiểu đoàn 410 .

Vì thế , những vùng như xóm Bàu Sen nơi tôi ở - ngay ở vùng ven như xóm Cái Su trẻ con đều không có trường để học .

Lúc ấy Ba tôi đã có ý định muốn hồi cư về quê cũ là xóm Cái Ngang , và Ba tôi thường lên ở nhà Bác Hai tôi ở Xóm Cái Su , hoặc nhà Cô Tám tôi ở Xóm Huế .

Thế rồi một số gia đình khá giả thân thiết với Ba tôi vùng ấy mời Ba tôi mở trường dạy học cho con em của họ . Những người Mạnh Thường Quân đứng ra mở trường dân lập đầu tiên gồm Bác Hai tôi (có con gái là chế Út Rang trạc tuổi tôi học) ; Bác Trưởng Năm (có hai đứa con là Bé Sáu và Bé Bảy học) ; chú Mười Kiểu (có ba đứa con học là Hải , Hạnh và Hữu); Cô Tám tôi (có chế Út Mai học) … Ngoài ra vùng ấy còm mấy người ở xóm chú Mười Kiểu cũng xin cho con học và cùng nhau cất một cái "trường" nhỏ trên bờ sông Cái su ở trước sân nhà em Thơm .

Bàn ghế thì con ai học nấy lo .

Tôi được ba của Thơm đóng cho một cái bàn vốn là một cái ghế nhổ mạ . Vì tôi hơi lớn xác và cao kều nên phải ngồi phía sau . Út Rang , Út Mai và Nguyệt Hạnh ngồi chung 1 bàn đầu sát bàn Thầy . Hạnh ngồi bên trong , cạnh cửa sổ nhìn ra ruộng .

Chính cái cửa sổ nầy một hôm, giờ chơi tôi lẻn qua tuồng vào bàn Hạnh một lá thư ngắn viết bằng giấy học trò được xếp khéo léo hình con én nhỏ mà chúng tôi hay xếp và phóng bay lượn lững lờ trong lớp học lúc vắng thầy .

Tôi về chỗ ngồi và hồi hộp đợi .

Hạnh và Út Mai choàng tay nhau từ ngoài đi vào . Khi ngồi vào chỗ , Hạnh phát hiện "con én" nằm trên bàn em và em từ từ mở ra …đọc .

Đây là "bức thư tình" đầu tiên trong đời sống tình cảm của tôi - có thể nói không quá đáng - bởi vì tuy nó có ít chữ và không diễn tả tâm trạng tình cảm của người viết cho đối tượng nhưng nó là mấu chốt của những sự quen biết giữa tôi và Hạnh sau nầy .

Và rõ ràng là chìa khóa văn hóa ( nói nôm na là chữ nghĩa) đã phục vụ đời sống tình cảm của con người .

Sau nầy khi biết chuyện , chị Ba tôi phán một câu xanh rờn :

- Mới nứt mắt ra đã bày đặt viết thơ tình !

Đúng như vậy ! Chúng tôi thật ra còn quá nhỏ để hiểu biết một cách thật đúng nghĩa về tình yêu , song mối quan hệ tay đôi ngày đó khi thơ qua thơ lại dù rằng chưa ai dám nói lên tiếng "yêu" nhưng rõ ràng không phải là tình bạn đơn thuần và hình như nó đã mang một chất màu thơ mộng của tình yêu !

Liệu có bình thường chăng khi tôi thổn thức rưng rưng lúc mở thơ của Hạnh ra đọc ? Từng chữ , từng câu trong thơ luôn có ảnh hưởng và tác động mãnh liệt lên tình cảm của tôi .

Tôi thì tôi biết rõ hơn ai hết khi nghe lòng hồi hộp trong lúc quan sát Hạnh đọc thơ của tôi . Cái rung động trào dâng trong giây phút ấy về sau nầy chưa một lần nào tôi gặp lại , mặc dù tôi cũng đã từng có những cuộc tình lớn làm nên những bước ngoặc trong đời .

Đại khái thơ tôi nói rằng tôi muốn gặp Hạnh để gởi cho em một món quà ở bờ đám mạ phía sau trường . Tôi còn nói Hạnh rủ Út Mai cùng đi cho vui ( hàm ý đây là một sự gặp gỡ bình thường , không có gì khuất tất vì còn có sự chứng kiến của Út Mai . Cuộc gặp "tay ba" thì chắc không phải là một cuộc hẹn hò của đôi tình nhân , và dù sao nó vẫn có sắc màu của tình bạn ) vì tôi rất sợ Hạnh từ chối thì bao nhiêu mộng mơ sẽ bị gãy đổ mà còn bị "quê" nữa ! …

Thật sự nếu không có sự tác động của Út Mai thì chắc tôi cũng không bao giờ dám gởi cho Hạnh bức thư đó .

Nhà của Út Mai ở Xóm Huế cách trường gần 2 cây số , lại không có đường đi bộ nên chế phải ra ở nhà Nguyệt Hạnh để đi học , thứ bảy thì anh Sáu Nguyên hay anh Tư Lương mới ra rước chế về nhà .

Bản tính của chế rất kín đáo và ít nói , song một hôm vào chúa nhật , Ba tôi chèo xuồng chở tôi vô nhà cô Tám tôi chơi .

… Lúc hai đứa ra vườn sau bẻ trái cóc thì bỗng Út Mai Mai nói :

- …Coi mòi Hạnh nó cũng mến em lắm đó ! …

- … Mến là sao ? - Tôi hồi hộp hỏi .

- Ừ thì nó hay hỏi thăm về em vậy mà …Nó còn khen em viết chữ trên bảng đẹp nữa …

Chà ! Thật là một tin sốt dẽo làm cho tâm hồn tôi bay bổng đến chín tầng mây !

Người xưa có 10 thương …

Mot thương tóc bỏ đuôi gà ,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên ,
Ba thương má lún đồng tiền ,
Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua …
….

Thì bây giờ dưới mắt tôi em có hơn 10 thương rất nhiều ….

Sau nầy khi chị em gặp lại ở Sài Gòn , chế thường chắc lưỡi như tiếc rẽ :

- Hoài của thật ! … chuyện của tụi em không thành thật là uổng …

Đó là những năm chiến tranh mới bắt đầu . Cô Tám tôi gởi chế lên ở nhà chị Ba Nghiêng là vợ anh Ba Mạo ( chị dâu thứ ba của chế ) để học may cùng với Nguyệt Bích là em thứ bảy của tôi .

Nhà chị Nghiêng ở đường Trần Bình Trọng .

Còn tôi được được anh Phán con dì Tư tôi đem lên Sài Gòn cho đi học .

Tình cờ dung ruỗi sao mà tôi mướn chỗ ở trọ đường Nguyễn Trải , cách nhà chị Nghiêng một con đường Trần Hưng Đạo , chưa đầy một cây số .

Chị em không hẹn mà lại được gặp nhau thật xiếc bao là mừng , nên hễ rảnh là tôi sang nhà chị Nghiêng chơi .

và sự tiếc nuối của chế về …" sự không thành của hai đứa bây"… làm cho tôi càng thêm thương cảm , bâng khuâng …

*

Hạnh xem xong thư của tôi , liếc nhanh xuống dưới và đưa thư ấy cho Út Mai xem .

Tôi hồi hộp đợi .

Xem thư xong tôi thấy Út Mai và Hạnh trao đổi nhau điều gì đó . Nói qua , nói lại có vẽ căng thẳng lắm . Có lúc tôi thấy Hạnh hình như lắc đầu …

Lòng tôi chua xót bâng khuâng , nghĩ rằng : Thôi thế là thất bại rồi ! Bước đi chập chửng vào đời thế là gãy đổ !...

Hai người lại tiếp tục trao đổi và hình như Út Mai hết sức cố gắng thuyết phục Hạnh điều gì đó … Đến nay , "điều gì đó" chỉ có Hạnh biết mà thôi và em để mãi trong lòng , không nói ra , cho nên tôi cũng không biết được nội dung chuyện hai người trao đổi hôm đó .

Khi thầy vào lớp thì cuộc trao đổi giữa hai người mới chấm dứt và Út Mai quay xuống nhìn tôi mĩm cười gật đầu.

Bây giờ nghĩ lại tôi mới hiểu tại sao khi chị em gặp nhau ở Sài Gòn chế đã tiếc ..." chuyện của tụi bây không thành thật là… uổng" .

Phải chăng công lao chế tác hợp cho chúng tôi rồi chẳng có một chút kết quả gì …

Sau nầy , mỗi khi nhớ về dĩ vãng êm đẹp của thời thơ ấu lúc nào tôi cũng rất thương và biết ơn Út Mai , người đã "tiếc cho sự không thành " … của chúng tôi ; người đã đem đến cho tôi một nguồn hạnh phúc vô biên ngày ấy và giờ đây là những kỷ niệm êm đềm , quí báu trong đời , cho dù sống thêm nhiều kiếp nữa cũng không thể nào tìm thấy được.

*

Bản tính của Út Mai rất hiền và kín đáo , chế là người chị thật hết mực đứng đắn và nghiêm túc . Chưa bao giờ chế mở lời nói chuyện "mối mai" với chúng tôi . Song chế là người rất tế nhị và nhạy cảm , luôn đoán được những ý nghĩ của chúng tôi và thường giúp đỡ đúng lúc một cách khéo léo bằng những biện pháp trực tiếp hay gián tiếp có hiệu quả nhất .

Là bà con hai bên : Tôi : cô cậu và Hạnh : chú bác , chắc lúc nào đó chế cũng muốn cho ba đứa chúng tôi gần nhau hơn nữa .

Đó là một thoáng suy nghĩ vẩn vơ của tôi mà thôi , không biết trong thâm tâm sâu kín của chế lúc ấy có như vậy không , hay đó chỉ là lòng thương riêng những đứa em có tâm sự khó giải bày như tôi ?

Giờ đây chế không còn nữa nên câu hỏi trên không bao giờ có câu trả lời …
*

Một buổi sáng sớm trước khi chuẩn bị xuống xuồng đi chợ Tắc Vân bán cau , chế Tám Rãnh hỏi tôi :

- Em nhờ chế mua quà tặng cho bạn phải không ? Phải vụ con Rang nói hôm qua không ?

Út Rang cũng biết vụ nầy và đã nói cho chế Tám nghe .

Tôi hơi đỏ mặt :

- Dạ phải …

Chế chặc lưỡi :

- Thôi được , để chế liệu mà mua . Quà tặng cho bạn lúc mới quen thì cũng thường thôi , không cần cầu kỳ cho lắm …

…………

Mấy hôm sau , đúng ngày hẹn , tôi đi học thật sớm , khi vào bàn cất tập thì tôi thấy Út Mai và Hạnh đã vào rồi …

Tôi từ từ đi ra bờ đám mạ phía sau nhà Thơm đứng đợi …

Cánh đồng buổi sáng còn im ắng , không một bóng người, mấy công đám mạ đã lên cao xanh mướt , lá mạ còn đọng sương đêm …

Vì còn sớm nên trường chưa có học trò , cả khúc xóm như chưa trở mình chào một ngày thu sớm đã sang …

Phía xa là vườn dừa nhà Hạnh còn ẩn hiện trong bóng sương thu .

Tôi dõi mắt trông chờ bỗng chợt thấy hai bóng áo trắng xuất hiện ở con đường hẽm cạnh nhà Thơm tiến ra đám mạ nơi tôi đang đứng .

Tim tôi như muốn ngừng đập và giờ đây tôi không thể nào diễn tả được hết sự mừng vui , lòng cảm động , nổi thổn thức của con tim trào dâng chiếm trọn cả hồn tôi …

Đó là lần gặp gỡ một người con gái đầu tiên qua cuộc hẹn trong đời sống tình cảm của tôi và tuy tôi và Hạnh đều còn nhỏ quá , chúng tôi chỉ gặp nhau ở một bờ đám mạ trên cánh đồng một buổi sáng có sương thu lạnh , và chúng tôi không nói được gì nhiều với nhau chỉ nhìn nhau qua ánh mắt, song lần gặp đó có một tác động rất lớn đối với tôi mãi về sau nầy .

Cũng một lần hội ngộ như vậy , Nguyễn Du đã hỏi :

Người đâu gặp gỡ làm chi ,
Trăm năm biết có duyên gì hay chăng ?

Út Mai đứng hơi lùi lại một chút và tôi liếc thấy chế vờ ngó mông ra phía khác như đang mãi mê ngắm cảnh …

Chúng tôi tiến đến trao quà cho nhau . Hạnh nhìn tôi hình như hơi có vẽ mĩm cười , khẻ chào tôi và quay gót …

Lúc ấy tôi vẫn còn kịp nhìn vào mắt Hạnh . Đôi mắt em như ẩn chứa một niềm vui khôn tả và hình như long lanh ướt…

Nhiều năm sau nữa cho đến mãi hôm nay chưa bao giờ tôi gặp được một đôi mắt nào của một người thiếu nữ nhìn tôi như vậy .

Cái nhìn đó quấn quít , bao bọc , như vuốt ve , nâng niu ta trong ánh mắt thì làm sao ta không bâng khuâng tự hỏi :

"Trăm năm biết có duyên gì hay chăng ?" .

Cái "DUYÊN" ở đây không phải chỉ là nghĩa hẹp : Duyên tình ; mà nó còn có một nghĩa rộng hơn như chữ "DUYÊN" trong nhà Phật : nó bao gồm sự kỳ ngộ , mối tri âm tri kỹ , sự chia ly và tương phùng , nỗi lòng trắc ẩn , sự yêu thương , trìu mến vượt lên khỏi thời gian và không gian mà con người đang tồn tại .

Có những người có "duyên" với nhau nhưng không có "nợ", cũng có những người sống để trả "nợ" nhau nhưng sự sống ấy không có chút "duyên" .

Cho nên Nguyễn Du có nói :

Duyên ai nấy gặp đừng chờ uổng công …

Tôi và Hạnh khi mới chập chửng vào đời đã may mắn có một mối kỳ duyên hết sức tốt đẹp .

Mối duyên kỳ ngộ đó tôi dù có sống đến muôn kiếp nữa cũng không bao giờ gặp lại , cho nên mỗi lần ký ức quay về dĩ vãng thì lòng tôi lúc nào cũng nghĩ đến những gì êm đẹp thời xa xưa ấy và thầm cảm ơn em đã cho tôi một sự đợi chơ, sự nhớ mong và một lần hội ngộ …

Nhưng có lẽ chúng tôi chưa muốn trả "nợ" cho nhau nên gặp gỡ nhau rồi mỗi đứa đi mỗi ngã …

Và cuộc đời vốn cay nghiệt , ông xanh vốn trớ trêu nên xuôi khiến cho cuộc biệt ly của chúng tôi ngày đó thành vĩnh biệt mãi mãi đến ngàn sau …

Bây giờ em đã có chồng ,
Như chim vào lồng , như cá cắn câu ,
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ ,
Chim vào lòng biết thuở nào ra …

Tôi đi khắp bốn phương trời , lên ngàn xuống biển , lưu lạc bao năm ở kinh thành tràn ngập ánh đèn màu và khói bụi bao phen làm mờ nhân ảnh … Có lúc cuộc hành trình chỉ đơn độc có một mình không có một người thân nào bên cạnh nhưng những lúc tỉnh tâm , hồn quay về chốn quê xưa thì đôi mắt của em ngày nào vẫn vời vợi trông tôi …

Hè năm 1970 , trong lúc cuộc chiến tranh đang ác liệt , song nổi nhớ quê nung nấu mãi nên tôi lấy xe chở Ba tôi về thăm quê cũ …

Tôi để xe ở nhà anh Năm Khuyên - anh họ chú bác với tôi- ở Bến Đò Cái Ngang và cùng với Ba tôi đi bộ vô Xóm Chùa thăm cô Sáu tôi .

Tôi gặp rất nhiều người quen và cố gắng hỏi thăm tin tức của em , nhưng Xóm Cái Ngang , Xóm Chùa , Xóm Đình và Xóm Bến Đò ít có người biết vùng Cái Su, Xóm Lẫm , Xóm Huế …

Có một đứa cháu họ xa gốc ở Xóm Lẫm nói rằng nó biết em đã lấy chồng về đâu vùng ngoài nầy , nhưng nó không biết nhà chồng emở khúc nào …

Thông tin ít ỏi đó không giúp tôi tìm được em . Và câu chuyện thời thơ dại ấy biết em có còn nhớ hay không mà tìm?

Biết có bao giờ em nghĩ :

Nếu biết rằng tôi đã có chồng ,
Trời ơi người ấy có buồn không ? ( TTKH )

mà đi tìm ?

Tôi đành ngậm ngùi trở ra Bến Đò Cái Ngang .

Vã chăng lúc ấy chiến tranh cũng đã bắt đầu ác liệt , Xóm Cái Ngang và Xóm Chùa là những xóm "xôi đậu" , da beo : ban ngày là Quốc Gia ; ban đêm là Việt Cộng cho nên tôi và Ba tôi vô Xóm Chùa không dám ở lại qua đêm , khi trời xế bóng là phải trở ra ngoài lộ .

Tôi có đem máy chụp hình theo để chụp cho cô tôi vài Pô làm kỷ niệm , nhưng phải dấu đút cái máy , vì sợ bên mình không hiểu nói đem máy vào chụp địa hình cho công tác gián điệp thì thêm rắc rối .

Như thế thì tôi không thể ở nán lại để đi tìm thăm Hạnh được.

Lâu quá mới về thăm quê cũ ,
Giặc tàn phá xóm tan hoang .
Em giờ lưu lạc không ai biết ,
Nổi nhớ trong tôi vẫn ngút ngàn …

Tin em có chồng tôi đã biết từ lâu qua chế Tám Rãnh ; bây giờ về quê lại vẫn tin em đã "có chồng" để làm đầu đề cho một thông tin về em .

Tin một người con gái đã đi lấy chồng là tin cuối cùng của một đời người . Tới đó bao nhiêu nợ vay coi như đã trả , hay không bao giờ trả nữa ; bao nhiêu ân tình cũ , bao nhiêu yêu thương , bao nhiêu nổi lo toan về tình cảm ở ngày mai đều cho vào trang chót của quyển sổ đời con gái , rồi đóng lại . Thế là xong !

Còn tôi ?

Tin em đã có chồng chưa đóng lại quyển sổ nợ đời của tôi đối với em . Bởi cho tới bây giờ tôi cũng chưa có một thông tin nào về em từ ngày em lấy chồng .

Chồng của em là ai ? Em đã có mấy con rồi ? Cuộc sống của em giờ ra sao ?

Em có được hạnh phúc không ?

Tôi ngậm ngùi tự hỏi những câu như vậy , dĩ nhiên là không có câu trả lời !

*

Chế Tám Rãnh mua cho tôi một món quà để tặng cho Hạnh , món quà đó được gói giấy kiếng có thắt nơ rất đẹp , và chế không cho tôi mở ra .

- Em đừng có lo, chế bảo đảm món quà nầy được mà .

Nhưng bên trong là gì chế vẫn giữ bí mật .

*

Tôi cầm gói quà của Hạnh trên tay mà lòng bồi hồi xúc động không sao kể xiết .

Tôi muốn mở ra xem thử , nhưng thấp thoáng có bóng người đi ra nên đành thủ gói quà vào túi áo và đi vào lớp học .

(Xem tiếp phần II)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét