Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

BÚT KÝ VUONG THE DUNG



BÚT KÝ GIÁO DŨNG ( Kỳ I )


Tặng HỒNG ĐÀO

Vào những năm 60 , khi đậu tú tài xong, tôi ghi danh học Luật . Sở dĩ phải học Luật là vì không thi đỗ vào các khoa nổi tiếng khác ( Thời đó Sàigòn có các khoa quý tộc sau đây cần phải qua kỳ thi tuyển : Y, Dược , Bách Khoa, Kiến Trúc, Nông Lâm Súc …) . Thí sinh thi vô các trường ấy không đậu thì sẽ ghi danh vào học các trường Luật, Văn Khoa hay trường Khoa học – Giáo Hoàng nói là Khoa Học Đại Học Đường – cũng là nó ! Ba trường nầy không đòi hỏi thi tuyển , miễn có bằng Tú Tài là có thể ghi tên vô học .

Tóm lại , trường Luật, Văn Khoa và Khoa học là chỗ chứa những anh lở vận , không vào được những khoa “vàng” của thời đại . Trong đó trường luật là chỗ chứa cao nhất vì nó không đòi hỏi người sinh viên phải có mặt (giờ thực hành, giờ lên lớp của một số ông thầy khó tính) . Trường Luật thì không đòi hỏi các khoảng ấy cho nên cuối năm đi thi , nhiều thí sinh mặc đồ lính hay đồ Cảnh sát mong vô Oral thầy thông cảm !...

Năm tôi ghi danh học năm thứ nhất số SV lên đến gần 4 ngàn !

Nhóm học tài tử của bọn tôi thì không làm gì tìm được chỗ ngồi trong giảng đường ! Bọn chăm học , nhất là con gái , giành chỗ rất ráo riết , một đứa đi sớm vô bỏ 5 , 10 cuốn tập để xí chỗ cho các bạn .

Tụi tôi thì ngồi lê la ở các hành lang , nhóm nào có xu rủn rỉnh thì vào ngôi trong căn tin ọp ẹp ở phía sau giảng đường I .

Thật ra giảng đường I lớn nhất cũng chỉ có thể chứa 3 . 4 trăm S.V mà thôi . Do đó trường hoàn toàn không kiểm soát được S.V có đến lớp hay không .

Chính thật trường không muốn S.V đi học đủ . Lý do như đã nói trên, mặt khác còn là vấn đề bán cours của các Thầy nữa !

Ban đầu tôi hơi ngạc nhiên là tại sao những ông thầy già bằng cấp to tổ bố chỉ dạy năn thứ nhất như Thầy Hách , thầy Bông , thầy Chiểu … còn những thầy trẻ mới ra trường như Thầy Thuyết chẳng hạn thì dạy năm thứ 4 và Cao học …

Sau nầy tôi mới hiểu .

Lúc học năm thứ nhất tôi đói quá nên bay về Cần Thơ xin vào trường tư thục Đồng Tâm dạy học .

Tôi nhờ anh Khởi làm lon ton ở trường mua dùm cours gởi về cho tôi , và tôi đã học “hàm thụ” kiểu đó hết mấy năm .

Đó là những năm tháng đầu tiên tôi bước vào nghề dạy học – Một cái nghề khi nói ra thì có quá nhiều tranh cãi : Người nói đó là nghề “bán cháo phổi” ; người nói đó là nghề “đưa đò” …

Mấy ông CS thì nói nghe kêu hơn : “ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”; “ Tuy không có tượng đồng bia đá nhưng rất vẽ vang “; “là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề”…

Ông Hồ và ông Đồng còn đưa thầy giáo và nghề dạy học lên tận mây xanh . Tuy nhiên do đồng lương quá kém nên ít ai hưởng ứng và dân Bắc kỳ có câu thiệu rằng “Chuột chạy cùng sào rơi vào sư phạm “

Các bạn thử nghĩ xem con chuột chạy quắng lên, cuối con sào hết đường chạy, để được tồn vong nó phải bay vào cái ngành rất “Cao quý” và ”vẻ vang” nầy .

Tôi một bước nhảy lên bụt giảng làm Thầy không học sư phạm ngày nào , chỉ mới đậu Tú Tài II mấy tháng . Tuy nhiên hồi đó tôi trông “già” lắm , chứ không non choẹt như các cô cậu Tú bây giờ .

Ông Cha Hiệu trưởng – Cha Đào Tiến Tình – một ông già quắc thước , sắc sảo phỏng vấn tôi . Sau khi hỏi một số câu không ăn nhập gì tới giáo dục và sư phạm , Cha nói :

- Tôi sẽ xếp Thầy dạy 2 lớp đệ thất . Nếu Thầy dạy được sẽ xếp thêm .

Lớp Đệ thất là lớp Sáu bây giờ .

Trời ạ ! ổng xếp tôi dạy môn Quóc văn !

Nhờ tôi rất mê sách từ lúc nhỏ - tôi “luộc” tất cả truyện của các nhà văn tiền chiến , truyện Tàu, truyện Chưởng … nên vốn văn trong bụng cũng nhiều , tôi giở trò “Tám” bằng sách làm cho các cô cậu nhóc mê tít .

Cũng may khi đó không có giáo án nên không sợ bị “cháy” !

Hồi đó, Giáo sư ( danh từ nầy để chỉ các thầy dạy trung học ) . Sau nầy ông Hồ biểu phải gọi là giáo viên , không được gọi là giáo sư; tương tự phải gọi Sinh viên là học sinh đại học , không được gọi là Sinh Viên ! Lúc ấy những tên có bằng cử nhân Luật như tôi khi xét lương thì bị sổ toẹt bằng cấp , chỉ tính bằng Tú Tài ! Bọn có cử nhân Triết cũng thế ! CS sợ Luật và triết lắm . Bởi họ đâu có luật , đâu có phân quyền gì ; còn triết thì chỉ biết có triết học của Mác - Engel mà thôi .

Còn nhớ thời ấy chúng tôi đi dạy không phải soạn giáo án – giáo ốm gì cả , ai siêng thì có tập soạn bài là tốt lắm rồi !

Chả bù với bây giờ lên lớp phải có giáo án – Giáo án lá pháp lệnh …

Nhiều trường còn chấm điểm các giáo án từ nội dung đến hình thức , rồi triển lãm các “giáo ốm “ ấy nữa …

Báo hại các thầy cô có bao nhiêu thời gian đều bỏ vào việc viết và “tô vẽ” giáo án . Nhiều người làm biếng thì mượn giáo án của bạn chép lại …

Người CS trong ngành giáo dục có nhiều cái cũng được , nhưng có một điều tệ hại nhất là không tin giáo viên : chính vì thế họ đi rình coi thầy cô dạy gì , rồi đi dự giờ , bắt trình giáo án …trong khi cái miệng của họ thì cứ xoen xoét “làm chủ tập thể “, Thầy giáo là kỹ sư của tâm hồn …

Trong mối quan hệ giữa người quản lý và thầy cô giáo mà không tin nhau thì khó sống với nhau lắm ! Thầy cô có hằng trăm ngàn cách để qua mặt người quản lý và lắm trò cười ra nước mắt đã xảy ra .

Còn nhớ, ngày trước có năm tôi lãnh trên 50 tiết /tuần (kể cả các giờ buổi tối) gồm nhiều cấp lớp , nhiều môn : Sử , Địa, Văn, Công Dân …

Về nhà lúc nào cũng phải xoay trần nằm bò ra soạn bài, vẽ bản đồ …Nhất là phải “học bài” cho thuộc !! Nếu viết giáo án thì khước !

Giáo sư chúng tôi thời đó những tay cự phách không ai ôm cặp lên lớp cả . Chỉ ghé bàn để phấn trong phòng Giáo sư lấy vài cục phấn và tay không đi lên lớp .

Thầy lên lớp mà ôm cặp hay cầm sách là yếu rồi, học trò coi thường ngay !

Đọc bài tập, đọc bài cho học sinh chép phải đọc thuộc lòng , không được cầm tập, cầm sách !

Đó là thị trường giáo dục , nó sàng lọc một cách khắc nghiệt. Ai yếu kém là bị loại : Cuối học kỳ hay cuối năm sẽ nhận được một cái thư “merci” của Hiệu trưởng , không trừ một ai .

Không có thứ giáo viên quốc doanh : miễn có giáo án soan kỹ, viết đẹp , có tô màu … là được bố trí lên lớp .


tổng kết năm học 90- 91

*

Cuộc đời đi dạy của tôi bắt đầu là như vậy : Không bằng cấp sư phạm, không biết tí gì cái gọi là “5 bước lên lớp” cả .

Tôi chỉ bước có một bước là lên bụt giảng và trụ ở đó hơn 20 năm !!

Và tôi cũng từng đứng đầu một trường ngoại hạng với một tập thể trên 60 giáo viên với 53 lớp và gần 3000 học sinh .

Nhưng ở trong ngành, tôi cũng vẫn bị coi là kẻ ngoại đạo ! Bọn A vào ( Những kẻ chỉ biết có giáo án và đì những chị em GV có chồng đi học tập cải tạo) vẫn rình và bất ngờ thanh tra trường . Bới bèo thì có bọ !! Tôi bị con mẹ Mai Lan của báo SGGP chưỡi liên tục mấy số . Kết quả : Trưởng phòng GD bị cách chức còn tôi bị đình chỉ công tác !!

Hạ màn !!

(Còn nữa)


Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

BÚT KÝ VUONG THE DUNG


LUÂN LẠC…

Đầu năm 1945, khi cuộc chiến trang Việt - Pháp chưa bùng nổ ác liệt , anh Năm Khuyên - người anh con chú con Bác với tôi từ Bàu Sen lên chơi - Bàu sen cách chỗ chúng tôi ở hơn một ngày đường đi xuồng chèo - cứ theo xin với mẹ tôi cho Anh xuống Bàu Sen chơi . Anh Năm Khuyên rất thích con trai , anh là con trai độc nhất của Bác Hai tôi, khi anh và chị Năm bị bệnh phong tình thì bác Hai gái nhỏ của tôi ( Bác Hai tôi có vợ bé) cho hai người uống một loại thuốc trị bệnh phong tình rất độc gọi là ngũ hổ , tục truyền rằng người đàn bà uống thuốc nầy rồi thì sẽ không còn có con được nữa - và không biết có phải đó là chủ ý của Bác gái nhỏ hay không mà quả nhiên anh Năm Khuyên tuyệt tự .

Anh chơi rất thân với Ba tôi , vì chú cháu suýt soát tuổi nhau nên coi nhau như bạn và anh đã "xin" đứa con mà mẹ tôi đang mang thai - Đó là người chị thứ Năm của tôi , hợp đồng là dù trai hay gái anh, chị vẫn xin . Kết quả là mẹ tôi sinh con gái . Do đó anh Năm Khuyên vẫn luôn thích con trai . Sau nầy mẹ tôi nói lại là vì Anh cứ theo năn nỉ mãi , mẹ không nở từ chối nên đã đồng ý cho Anh đi theo anh Năm Khuyên xuống Bàu Sen chơi.

Năm đó Anh đâu vừa lên 6 .

Lần xa nhà đầu tiên nầy mở ra một chương mới trong cuộc đời Anh , và Anh thật sự đã sa vào vòng luân lạc ngay khi còn quá nhỏ .

Có thể nói đó là chuyến đi định mệnh và đã bắt đầu thời kỳ sóng gió trong cuộc đời phải chia cách gia đình của Anh .

Lúc ấy Ba tôi do thời cuộc đã chạy lên Cần Thơ trước , ở đậu nhà Dì Tư tôi . Khi ông tìm được việc làm thì ông có ý định đưa cả nhà lên Cần Thơ tránh giặc .

Một hôm chúng tôi nhận được thư và tiền của Ba tôi gởi người quen đem về bảo mẹ tôi phải thu xếp đưa chúng tôi lên Cần Thơ theo chuyến con voi cuối tháng .

Lúc ấy thì Anh còn ở tít dưới Bàu Sen !

Mẹ tôi không nở bỏ Anh lại nên người cứ băn khoăn, trăn trở mãi …

Sau cùng các Bác của tôi nói mãi, phải một hai hứa chắc sẽ tìm cách đưa Anh lên sau, nên mẹ đành nuốt lệ đưa chúng tôi đi .

Hồi ấy, như tôi đã nói ở đoạn trên, mỗi tháng bọn Tây mới sửa đường một lần và có một đoàn xe nhà binh dẫn đầu cho các xe đi .

Đường đi rất hiểm nguy và đầy bất trắc : con lộ bị đào bới lung tung. Việt Minh thì hay phục kích các đoàn con voi. Nếu có bắn nhau thì xe đò sẽ rơi vào vùng lửa đạn của hai bên .

Hồi đó, và mãi đến sau nầy trong thời kỳ chống Mỹ, chuyện đào đường gài trái là một chủ trương lớn của quân kháng chiến . Tổn thất cho giặc thì tôi không biết , nhưng thường dân thì lãnh đủ !

Một thằng cháu của tôi nguyên là du kích , hiện nay làm chức vụ lớn ở Tỉnh Cà Mau nói với tôi rằng trong suốt hơn một chục năm đi du kích gài trái nó chưa giết được tên địch nào , ngoại trừ trái nổ làm chết một bà thường dân đi mót lúa sớm và trái nổ làm nó bị cụt tay !

Đến Bạc Liêu thì đường bị tắt ! chúng tôi phải đến tá túc nhà chế Ba Ngải là con Bác Hai tôi , chờ thông đường .

Lúc ấy nhà tôi tách làm ba : Mẹ tôi tay bồng tay mang môt lũ nhóc gồm năm đứa ăn chực nằm chờ ở Bạc Liêu , tiến thối lưỡng nan ; Ba tôi ở Cần Thơ mõi mắt trông tin chúng tôi ; và Anh , một đứa trẻ mới lên 6 , lạc loài, cô chích hết ở nhà người bà con nầy đến nhà người bà con khác , không có hy vọng gì đoàn tụ với gia đình .

*

Sau nầy Anh kể lại rằng , Anh đang ở dưới Bàu Sen với anh Năm Khuyên thì Bác Chín tôi có dịp xuống đó , Bác nói với Anh rằng cả nhà tôi đã đi Cần Thơ và bác rủ Anh về Cái Su chơi . Cái Su là điền của Bác Hai tôi , hơi xa vùng địch chiếm , nên hễ có giặc bố thì bà con trong họ lại chạy xuống đó .

Anh nòi rằng ở dưới Bàu Sen thì Anh được hoàn toàn "tữ do" : Lội ruộng , bắt cá , tát đìa , cắm câu và đi theo coi trâu … không ai la rầy , ngăn cấm . Anh Năm Khuyên chỉ thích con trai thôi chứ anh chưa bao giờ qnản lý con trai nên để cho Anh chơi rong thoải mái .

Với bản tính ham vui của trẻ thơ lại sống trong những môi trường không có người ngó ngàng gì tới , Anh đi hoang thật đã đời !

Vợ chồng anh Năm Khuyên thì tống khứ Anh lên được trên Cái Su là coi như hết nợ .

Sau nầy tôi vẫn suy nghĩ mãi và không hiểu tại sao giặc giả như vậy , anh Năm Khuyên lãnh anh đem về nhà rồi bỏ mặc anh đi bụi ! mà anh có lớn gì cho cam : chỉ là một đứa trẻ chưa có thể tự lo cho mình được, một đứa trẻ chỉ mới vừa lên 6 ! Suy cho cùng, những người ruột thịt thì không thể nào bỏ như vậy được , chỉ có người dưng và là người có tấm lòng thiếu độ lượng , sống thật ích kỷ và nhẫn tâm thì mới tống một đứa bé đi như vậy đi khỏi nhà mà không biết rồi nó sẽ ra sao?

Tôi không thể nào hình dung được một đứa trẻ chỉ mới lên 6 lên 7 , suốt ngày dãi nắng dầm mưa theo những người tá điền làm công ở nhà anh Năm Khuyên đi ra ruộng cấy, gặt , kéo cá , chài , lưới … Rồi quần áo, tắm giặt , đau ốm… không có người lớn chỉ bảo , răn dạy thì chắc anh sống như một cây cỏ hoang dại trong rừng … !

Anh phải tự chăm sóc cho mình từ ngày ấy , và cũng từ ngày đó Anh ra khỏi vòng tay của mẹ , thất lạc trong cuộc chiến tranh ác liệt mà sự sum hợp chưa biết đến bao giờ !

Sau nầy Anh kể lại cho tôi nghe , có lần nửa khuya, mấy người tá điền của Bác Hai tôi rủ Anh đi kéo cá . Hôm đó Anh mắc một đám mưa to và ốm một trận thập tử nhất sanh.

*

Lúc ấy nhà tôi đang sống ở Cần Thơ . Tất cả bầy con đều đủ mặt , chỉ trừ Anh . Gia đình cũng không có tin tức gì về Anh , không biết Anh đang ở với ai ?Sống ra sao ? Chiến tranh có lan đến vùng Anh ở hay không ?

Mẹ tôi luôn rên rẫm buồn rầu ray rứt vì những câu hỏi trên . Người luôn thúc hối Ba tôi tìm cách thuê người về rước Anh lên .

Song trong những năm 1946 - 1947 , cuộc chiến tranh - Việt - Pháp bắt đầu ác liệt , giao thông đường bộ từ Cần Thơ đi Cà Mau hoàn toàn tắt nhgẽn . Chỉ có xe nhà binh chạy được mà thôi .

Cuối cùng Ba tôi tìm được một người chịu đi . Đó là Cậu Tư Tre - Một người cậu họ bên ngoại tôi . Dĩ nhiên là cậu đi bằng đường thủy .

Ba tôi chỉ dẫn cho cậu thật kỹ lưỡng đường đi nước bước, song một phần vì cậu chưa bao giờ đi về vùng ấy bằng xuồng , một phần thời cuộc đã phân chia ra hai vùng rõ rệt : vùng địch tạm chiếm và vùng giải phóng .

Từ vùng giải phóng đi ra Thành thị thì bị Việt Minh bắt vì tội "nhảy dù" () vì hồi đó ta áp dụng triệt để khẩu hiệu "tự lực cánh sinh" , lấy ”nông thôn bao vây thành thị" (!) ; Từ ngoài Thành đi vô những vùng giải phóng càng khó hơn vì sẽ bị tình nghi là gián điệp , có thể bị bắt .

Ở Cần Thơ xuống Cà Mau phải đi ngang qua nhiều lộ xe, người đi phải chờ đêm tối xuống , không đèn đóm , âm thầm lén kéo xuồng qua lộ đá, gặp địch phục kích thì chúng xả súng bắn liền . Và bọn chúng hay phục kích ở những nơi lộ xe cắt con sông đi qua để bắn du kích .

Sau nầy Anh kể lại rằng gần đến chỗ phải kéo xuồng qua lộ xe, Cậu Tư phải đưa xuồng theo đường đồng cách con sông rất xa rồi mới dám kéo xuồng qua lộ . Anh mô tả lại cái cảnh rùng rợn khi phải bước lom khom trên con lộ đá vắng tanh và tưởng tượng kẻ địch lúc nào cũng có thể xả súng bắn mình …

…………………..

Khi gia đình tôi hồi cư vế Cà Mau ,chúng tôi cũng trãi qua những giây phút kinh hoàng như vậy

Tôi không biết chiếc ghe chở cả nhà tôi đi theo con sông nào mà phải qua một cây cầu nằm sát mặt sông . Ghe muốn đi tiếp phải nhận chìm và long qua cầu !

Tôi còn nhớ, lúc ấy bao nhiêu đồ tế nhuyễn : quần áo, mùn mền, … đều phải mang lên lộ đá chuyển qua bên kia cầu , mấy người chèo ghe nhận chìm chiếc ghe và phải lặn xuống nước đẩy nó qua cầu .

Nhiều ghe thương hồ khác cũng phải qua cây cầu nầy bằng cách ấy trong đêm khiến cả một khúc sông cứ nhộn nhạo cả lên . Người ta cấm không ai được đốt đèn , không được nói chuyện… song cả một khúc sông và trên mặt lộ hai bên càu vẫn ì xèo như một cái chợ , nhưng đó là một cái chợ "Ma" vì chỉ có những bóng người di chuyển khuân vác đồ đạc thấp thoáng trong bóng đêm dày …

Người ta nói rằng thỉnh thoảng bọn Pháp vẫn phục kích ở đây và đã bắn chết nhiều người đi ghe xuồng qua lại .

Đêm ấy nếu có bọn Tây phục kích ở đây thì cả gia đình tôi không sao thoát được vì toàn là đàn bà và trẻ con .

Cậu Tư Tre ghé xuồng vào cầu Xưởng , song Cậu nói gạt Anh :

- Tao lên đây đi tiểu cái đã . Chỗ Ba mầy ở tít đằng kia …

Cậu chỉ cho Anh cái biệt thự Khương Bình Tịnh xa xa trên Bình Thủy .

Khi Cậu lên bờ thì Anh cũng lò mò theo . Nhìn vào sân xưởng Anh thấy Ba tôi đang đứng chấp tay xem công nhân làm việc . Anh chạy ào đến ôm chặt lấy Người !

Sau nầy , mỗi lần Anh nhắc lại kỹ niệm cũ cho tôi nghe , đến đoạn nầy tôi vẫn không sao kềm giữ được sự xúc cảm làm rung động trái tim tôi . Sự biệt ly cách trở, ngày sum hợp tương phùng đầy kịch tính như vậy thật hiếm thấy trong đời !

Sự đoàn tụ của Anh đối với chúng tôi ở Cần Thơ là một trang sử lớn của gia đình chúng tôi . Không một ai trong chúng tôi dám hy vọng nhiều rằng cậu Tư Tre sẽ đưa Anh được từ vùng giải phóng xa tít ở mũi Cà Mau ra Thành Phố Cần Thơ - Đâu có ai biết rằng Anh đang ở Bàu Sen , Cái Su hay Cái Ngang ? Làm sao cậu Tư tôi tìm ra được Anh trong ba vùng quê mênh mông đó ? - Những vùng quê thưa người không có phương tiện giao thông nào khác hơn là xuồng ghe- Nơi nầy cách chỗ kia cả ngày đường , đi loanh quanh theo các kinh rạch như một Bát Quái Trận Đồ !

Còn Anh, tuổi thơ bé bỏng sớm xa nhà , chịu cảnh cô chích hằng mấy năm trường , việc gặp lại Cha Mẹ, Anh Em họa chăng là trong giấc mộng !

Ở đây tôi muốn mở ngoặc nói thêm một chút về thời cuộc lúc đó. Lệnh "cấm thành" được ban ra một cách rất nghiêm ngặt , chỉ có những tay sừng sỏ , những người bạt mạng mới dám "nhảy dù"* - Tức lén ra Thành đi buôn - mà nhảy dù đứt dây là phải nằm trại giáo hóa ít nhất 6 tháng ! Có khi kẹt giữa hai lằn đạn của hai bên mà mất mạng ! thì thử hỏi một đứa trẻ lên 6 , lên 7 , ăn nhờ ở đậu nhà Cô Bác trong vùng giải phóng thì làm gì dám mơ ngày đoàn tụ với gia đình ở ngoài Thành cách xa hằng mấy trăm cây số .

Cho nên khi nhận ra cái ông cao , to mặc đồ tây đứng chấp tay sau đít kia là Ba thì trái tim thơ dại của Anh chắc phải run lên theo nỗi vui mừng khôn tả của ngày hội ngộ .

Trích Hồi ký NGƯỜI ANH

Cà Mau , Thanh Minh 2001

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2009

BÚT KÝ VUONG THE DUNG


GIẤC MỘNG DIỆU KỲ…

Trong ba anh em trai chúng tôi thì anh Tư tôi là người có thể lực yếu nhất.

Mẹ tôi kể rằng khi anh bắt đầu tượng hình trong bụng mẹ thì bà ốm đau luôn . Có lúc tưởng chừng như bà không đủ sức mang tiếp cái thai cho đến ngày khai hoa nở nhụy .

Người mẹ tôi càng ngày càng gầy tọp đi , và cái thai đã được trên 7 tháng rồi mà nó máy rất yếu - thậm chí có lúc còn không máy nữa …và mẹ nói rằng mẹ tưởng như đã chết …

Bà Nội tôi rất lo ngại , Bà kêu anh người làm và Bà Thiếm Mười Hương - một bà thiếm họ - lấy xuồng chở mẹ tôi đi Cà Mau khám thai .

Thời đó thị trấn Cà Mau còn rất nhỏ , cái nhà thương chỉ có một vài người gọi là Y Sĩ Đông Dương khám bệnh . Đó là những người học trường thuốc Hà Nội 5 năm rồi ra chữa bệnh .

Má tôi kể rằng anh Chiêu là người chèo xuồng , gặp nước ròng chảy xiết chèo xuồng không đi nên anh bàn ghé xuồng lại chỗ một gốc cây đậu nghỉ , chờ nước lớn . Lúc đó cái thai đã không máy gần 10 tiếng đồng hồ rồi .

Trời nắng , mẹ nằm mơ màng dưới chiếc xuồng tuy có mui nhưng rất chật và nóng . Bỗng mẹ thấy một ông già đến kêu mẹ dậy và nói rằng phải đi gấp ra Cà Mau sẽ có quới nhơn giúp đỡ …

Mẹ giật mình tỉnh giấc và tức tốc kêu anh Chiêu ráng chèo nước ngược đi cho kịp …

Khi ra đến Cà Mau thì may mắn làm sao mẹ lại gặp được ông ngoại tôi ! Ông từ Long Bình - Cần Thơ - mới xuống tới ! và ông đã đưa mẹ tôi đến ông đốc tơ Nhuận khám thai và ông nầy đã cứu được cái thai hầu như đã chết…

Khi sanh Anh ra , mẹ tôi nói rằng Anh như một con mèo ướt , da nhăn nhúm , mặt như mặt khỉ , không có một chút sự sống nào cả …

… Nhiều năm sau , mẹ tôi khi kể đến việc nầy bà cứ băn khoăn mãi : "Chuyện như vậy mình dù không tin dị đoan cũng không được … "

Làm sao có thể gặp được ông ngoại tôi tình cờ trong muôn một , nếu không có bàn tay của đấng vô hình ?

Ba tôi thường nói rằng trong các anh chị em tôi có anh la người có thể lực yếu nhất , có lẽ đó là hậu quả của tố chất yếu kém của Anh trong thời kỳ mẹ tôi thai nghén .

Riêng tôi thì không bao giờ tôi quên được câu chuyện ông già đến gọi mẹ tôi đi nước ngược để ra Cà Mau kịp lúc gặp ông ngoại tôi tình cờ đi ngang bến tàu …

Cuộc đời Anh là thế : long đong , chìm nổi phải có quới nhơn phù hộ từ lúc hãy còn trong bụng mẹ !

Trích Hồi Ký NGƯỜI ANH .

*

CHUYỆN BÀN ÔNG THIÊN

VÀ MIẾU THỔ ĐỊA

Còn nhớ , lúc ấy chưa có giặc , chúng tôi sống trong ngôi Nhà Lớn ở Cái Ngang - Gọi là Nhà Lớn để phân biệt với những Trại ruộng hoặc nhà ở Bàu Sen . Lúc ấy tôi và anh Thứ Tư còn chưa lên 10 .

Chúng tôi là một cặp bài trùng quậy phá lung tung , không có thứ gì trong nhà mà chúng tôi không rớ tới . Mẹ và chị tôi lăm khi phải lắt đầu , chịu thua sự nghịch ngợm của chúng tôi .

Một hôm hai đứa lấy trái banh tenis xẻ làm đôi , đái vào đấy và đem ra để "cúng" ở Bàn Ông Thiên và Miếu Thổ Địa !

Không biết thần thánh có linh thiên hay là do ngẫu nhiên màchúng tôi cả hai đứa đều bị sốt rất nặng . Con cu thì bị sưng to không đái được !

Chuyện động trời như thế làm hai đứa tôi sợ xanh mặt ! Chúng tôi bàn nhau phải kể thật cho mẹ tôi nghe …

Khi Anh thú thật với mẹ tôi về việc báng bổ Thánh Thần như vậy thì mẹ tôi mới tá hỏa lên và chạy thầy khắp nơi …

Sau nầy mẹ tôi kể lại rằng khi biết được chuyện động trời đó , mẹ ra chỗ bàn Ông Thiên và Miễu Thổ Địa thì "vật chứng" vẫn còn đầy đủ và nguyên vẹn !

Mẹ phải cúng vái, tạ lỗi với Thần Thánh và mấy hôm sau chúng tôi mới hết bệnh !

Ôi chao ! phải biết Thần Thánh nhà tôi có dịp lên ngôi nhé ! Từ đó Bàn Ông Thiên và Miễu Thổ địa nhan đèn đầy đủ và trẻ con thì không đứa nào dám bén mản đến gần !

Các anh chị tôi và những kẻ ăn người ở trong nhà được một phen cười chúng tôi đến sái quay hàm , và chúng tôi thật sự rất xấu hỗ vì chuyện làm càng quấy đó !

Đên tân bây giờ , khi nhắc lại chuyện ấy, gia đình tôi không ai giải thích nổi tại sao lại có hiện tượng như vậy ? Tôi, Ba tôi và các anh tôi là những người không tin những chuyện dị đoan nhảm nhí như vậy , nhưng cũng chịu , không làm sao lý giải được !

*

CHUYỆN VỀ CHIM

Vì Anh con trai lớn nhất trong đám, nên lúc nào Anh cũng bày trò chơi cho tôi : lúc thả diều , khi bắt còng , mùa có trái bố hay trái chùm nguội thì đốn trúc làm ống thụt ; mùa bắt đầu mưa thì bẫy chim …

Chúng tôi lấy sợi tóc dài xe làm thành một cá vòng , đầu kia nắn vào một cục đất , sau đó phơi khô . Thế là có một cái bẫy, nhiều cáy bẫy được chúng tôi gài ở những đống trấu do xay giả lúa giê ra .

Từng đàn chim đủ loại : Manh Manh , Áo Dà, Dòng Dọc, chim Sắc… đáp xuống những đống trấu nầy để kiếm ăn . Thế là chúng mắc bẫy !

Chúng tôi làm những cái lồng bằng trúc thô sơ để nuôi chim .

Có lần Ba tôi đi thâu lúa ruộng ở Bàu Sen đã gởi về cho chúng tôi một cái lồng rất đẹp với đủ loại chim . Nhiều con Manh Manh trỗ cườm rất đẹp . Áo Dà thì lông màu nâu, mỏ xám đục, cổ trắng trông rất xinh .

Bọn tôi mê tít cái lồng chim ấy , cứ mở ra , đóng vào để cho nước và thức ăn , chẳng bao lâu chim, sổng chuồng hết sạch !

Dòng Dọc là một loại chim không đẹp lắm , chúng có một cái mỏ rất sắc và rất dữ , khi nắm chúng trong tay thì chúng cắn rất đau . Đặc biệt loại chim nầy làm tổ rất công phu , đẹp và rất lạ .

Con mái làm tổ như hình một cái bao tử . Chúng dùng mỏ tướt lá dừa tươi thành những sợi bề ngang chừng vài mili mét và chúng cũng đan tổ bằng mỏ . Phía trên tổ lúc nào chúng cũng đan rất dầy , trời mưa dù to thế nào cũng không thể dột nước được . Khi ấp con nở , chúng đan nối lối ra dài đến ba bốn tấc để chim con khỏi rơi ra ngoài ! Xem thế đủ biết những "bà mẹ chim" nầy thật đảm đang biết dường nào trong việc chăm sóc con lúc chúng hãy còn thơ !

Con trống thì đan tổ như hình cái nón có quai : Chỏm nón mắc vào cành cây , quai nón để chúng đậu ! Thật là an toàn dù nắng hay mưa !

Tôi không được nghiên cứu sâu rộng về loài chim , song nhìn qua cách làm tổ của chim Dòng Dọc mái và chim trống thì chúng ta có thể nghĩ rằng loài chim nầy có một tư duy khá cao trong việc xây nhà để cho chúng và con chúng ở .

Loài chim mà có tư duy trong việc làm tổ ư ? Thật cũng khó mà nói khác được ! Chúng sống với nhau từng cặp một và cặp nào cũng làm hai cái tổ cạnh nhau y hệt như vậy ! Ai có nhìn thấy những mũi đan tổ của chim Dòng Dọc cũng phải hết sức thán phục chúng . Những mũi đan liền nhau, khéo léo, công phu, không một mối dư, không chút sần sùi , gồm nhiều lớp khít khao và chặt chẻ trông rất mỹ thuật … tuồng như đó là một tấm thảm dệt trước rồi mới kết lại làm thành cái tổ …

Chúng tôi rất thích chơi chim, lấy trứng chim trong tổ , song đối với chim Dòng Dọc thì chúng tôi không bao giờ phá tổ của chúng , chúng tôi không nở phá phách mái nhà xinh xắn của chúng , hơn nữa chúng thường làm tổ ở những ao đầm hoang vu trên những nhánh cây gie ra giữa dòng , nên muốn lấy được tổ của chúng cũng không phải là dễ .

*

SUÝT CHẾT HỤT ([1])

Chính vì Anh là đầu đàn của bọn tôi trong các trò chơi nên thường bị mẹ tôi la mắng .

Cón nhớ, một hôm hai anh em cùng với một đám trẻ trong xóm xuống bờ ao móc đất nắn tu na ([2]) , mãi mê chơi bỏ cả về ăn cơm . Khi mẹ tìm được chúng tôi thì mình mẩy, áo quần của đứa nào cũng đầy bùn đất ! Mẹ nổi giận phết cho mỗi đứa mấy roi . Dĩ nhiên vì Anh là "đầu đảng" nên đòn có nhiều hơn tôi …

Tất cả dao yếm, dao phay, chét , búa, rựa… của nhà tôi đều bị cuốn mép hoặc mẻ , khờn … tùy theo nó được trui già hay non : hễ cây dao nào trui già thì bị mẻ ; trui non thì bị cuốn mép ! Nguyên do là khi cần chơi là chúng tôi xách dao ra chặt bất kể là trúc non hay tre già , gỗ cứng, có đinh …

Vì vậy hễ dao bị mẻ thì Hùng bị la; dao lụt hay cuốn mép thì Hùng bị rầy … Nhưng không có oan !

Song ít khi nào chúng tôi nhụt chí khi có nhu cầu sử dụng dao , búa để làm đồ chơi ! Bất kể đó là dao phay , dao yếm hay búa , rựa .

*

Cũng với danh nghĩa "Đầu Đàn", Anh thường dẫn chúng tôi ra chơi ở bờ sông . Nhà tôi ở cạnh con sông Cái Ngang , tuy không lớn lắm, nhưng khi ấy nó rất sâu và nước chảy rất mạnh . Do đó mẹ tôi nghiêm cấm trẻ con ra chơi ở bờ sông nầy .

Thanh minh năm 2002 chúng tôi về Cái Ngang để tảo mộ , tôi nhìn lại con sông Cái Ngang ngày nào mà buồn quá! Giờ đây tuy người ta đã xả đập, nhưng sông đã gần cạn , không còn đẹp như hồi xưa nữa …

Mấy ông Cộng Sản Việt Nam gốc là nông dân chính hiệu nên chỗ nào có đất là muốn trồng trọt : Trong Phi trường Tân Sơn Nhất , dọc theo các đường bay thì các bố xới lên trồng sả ! Báo hại nước có chỗ ngấm xuống làm tiêu luôn các con đường ! Sân trường Hưng Đạo (bây giờ là trường Châu Văn Liêm) thì ông Hiệu trưởng cụt tay người Bắc cho đào lên làm ao nuôi cá ! Trời ơi! Cái sân trường chó ngồi còn ló đuôi , chung quanh là nhà lầu 4, 5 tầng mà bố cho phá xi măng ra đào sâu xuống để "nuôi cá" thì thôi hết nói !

Sông Cái Ngang và các con sông khác các bố làm "thủy lợi" bằng cách cho đấp đập tất cả để làm ruộng ! Bây giờ thì bữa đập tất cả để nuôi tôm !

Tôi không biết nhiều về môi sinh , môi trường trong một quần thể đồng bằng , song việc đấp đập làm cho các con sông lần lần khô cạn đã khiến cho cảnh quang mất hết vẽ đẹp tự nhiên của nó, chưa nói đến những tác hại khác . Sông Cái Ngang bây giờ là như vậy !

*

Những con sông uốn khúc có nước lớn ròng hai lượt trong ngày, xuồng ghe đi lại tấp nập … là nơi hấp dẫn bọn trẻ nhất . Còn thú nào hơn xuống cầu chuồi dưới bến sông nghịch nước khi nước lớn đầy sông và đi dọc theo bờ bắt những con còng sặc sở ?

Chúng tôi bắt chước kiểu bắt cá của lão Phó Thơ - cũng không biết vì sao người trong xóm gọi lão là Phó Thơ ? Có lẽ lão làm chức phó gì đó trong Ban Hội Tề và tên lão là Thơ - Lúc ấy lão đã già lắm rồi , không làm gì nổi , lão chỉ đi xúc cá chốt bán độ nhật qua ngày . Cách bắt cá chốt của lão như sau : Lão ném một hòn đất chỗ các cầu ở bến sông là nơi cá chốt thường đến kiếm ăn , cá bu lại và lão dùng cây cần chong để xúc . Cá bắt được lão đem bán ngay cho những nhà trong xóm .

Nhà chúng tôi có một cây vợt giống như cây cần chong của lão Phó Thơ, song cán ngắn hơn có lẽ chỉ để xúc cá rọng trong hầm hay trong lu . Chúng tôi dùng cây vợt ấy và bắt chước lão Phó Thơ để bắt cá . Đôi khi may mắn , chúng tôi cũng vợt được vài con cá chốt hay cá lòng tong thì không có niềm vui nào hơn thế nữa . Do đó, mặc dù mẹ tôi cấm chúng tôi xuống chơi dưới bờ sông , nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn lén xuống đó chơi .

Một hôm , nhân mẹ tôi bận việc ở nhà sau - nhà tôi rất dài, gồm nhà khách, nhà giữa , qua một sân nước có nhà cầu rồi mới đến nhà sau . Từ nhà sau ra đến bờ sông có thể đến gần 100 mét - Anh rủ tôi và con Đông , con chú Hai Ngự nhà ở kế bên , xuống bờ sông chơi . Lúc ấy nước đầy sông, lé đé cây cầu dưới bến . Không biết loai quay thế nào mà tôi rơi tỏm xuống sông !

Ối chao ! Anh và con Đông lính quýnh cứ đẩy chiếc xuồng đang cột ở chân cầu và bảo tôi nắm ! trong khi tôi bị cuốn trôi xa theo dòng nước đang chảy xiết !

Kêu mãi không được, Anh đâm hoảng , chạy vào nhà gọi mẹ tôi . Cũng may là mẹ tôi biết bơi nên bà lao xuống sông vớt tôi lên !

Lúc ấy tôi đã uống đầy một bụng nước !

Không biết tại sao rơi xuống sông mà tôi không chìm hẳn . Mẹ tôi nói rằng khi ra bờ sông mẹ đã nhìn thấy tôi nổi lờ đờ theo dòng nước ròng đang chảy xiết và tôi đã bị trôi gần đến bến nhà thầy giáo Sáng ! - Cách bến nhà tôi trên 50 mét .

Sau nầy những người thân trong nhà nói rằng mẹ đã sinh tôi một lần nữa !

Khi biết được chuyện ấy , nóng ruột vì thằng cháu suýt chết trôi , chiều hôm ấy Bác Ba tôi đến nhà la mẹ tôi . Bác nói mát :

- Tôi biết Thiếm đẻ giỏi lắm mà ! Chết đứa nầy thì đẻ đứa khác , có sao đâu ?

Mẹ tôi cũng biết là có lỗi , và trước ông anh chồng đang tức giận như vậy, Bà cũng không biết nói sao …

Lúc đó Ba tôi đang ở tít dưới Bàu Sen .

Hôm ấy Anh bị mẹ tôi quất mấy roi vì tội dẫn lũ trẻ ra chơi ở bờ sông ! Dĩ nhiên là mẹ không tính công Anh đã kịp thời báo cho mẹ vớt tôi lên , cứu tôi thoát chết !

Trích Hồi Ký NGƯỜI ANH


*




([1]) Té sông

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2009

BÚT KÝ VUONG THE DUNG




ÔNG CHÚ SÁU CA

Tôi còn nhớ, khi hoà bình lập lại , chúng ta chuẩn bị tập kết ra Bắc thì ở Chà Là có tổ chức một đêm chia tay với đồng bào . Nào xem chiếu bóng phim Liên Xô, nào nghe dặn dò, hứa hẹn … Tôi còn nhớ chú Tiếp lên đọc bài thơ “Giữ Dạ Sắt Đinh” thật hào hùng và cảm động . Sau tập kết, giặc về ruồng bố , tố Cộng , Diệt Cộng , làng xóm tan hoang .

Nhà tôi ở xóm Láng Dài, một vùng sâu, từ lâu giặc chưa bao giờ đến . Xóm chỉ lưa thưa có mấy nhà ở cách xa nhau, muốn qua lại phải đi xuồng .

Cùng xóm có ông chú Sáu Ca. Theo vai vế thì Ba tôi phải kêu ông bằng chú , và chúng tôi gọi ông bằng ông chú .

Kể ra ông chỉ có họ xa với gia đình tôi , song do ông làm “Tằng khạo” cho ông tôi , sau đó cho Ba tôi nên chúng tôi coi ông cũng như người trong nhà .

Tằng khạo là người thay mặt chủ điền đi thu lúa ruộng là cánh tay đắc lực của chủ điền treong nhiều dịch vụ khác .

Đến đời chúng tôi thì ông không còn làm tằng khạo nữa – vì đất đã “hiến” hết cho Việt Minh – “Hiến” đất là cách nói do mấy ông Việt Minh đặt ra – Sự thật dù không hiến thì người địa chủ cũng không được thu tô (lúa ruộng ) , mấy ổng chỉ cho thu tượng trưng thì chả được bao nhiêu , cho nên mấy ổng vận động địa chủ hiến đất cho C.M để tạm cấp lại cho nông dân .

Nhà tôi cũng chỉ chừa lại 2 , 3 chục công đất mà thôi .

Trở lại chuyện ông chú Sáu Ca .

Khi nhà tôi suy sụp thì ông vẫn còn ở trong điền của Ba tôi và vẫn được coi là “người nhà” . Ba tôi thoát ly đi kháng chiến , ở nhà chỉ có một lũ nhóc chúng tôi nên việc gì nặng nhọc Má tôi đều nhờ đến ông .

Ông vừa làm vừa rên rẩm : “ Mẹ họ ! Kiểu nầy là làm mọi ba đời rồi !

Ông rất khoái nhậu và thích món ăn ngon – đặc biệt là những món ông tự chế cho dân nhậu .

Có một lần Ba tôi về , nhà làm vịt để đãi ông . Ba tôi cho mời ông Chú Sáu Ca qua nhậu .

Khi ông biết nhà làm vịt để đãi Ba tôi thì ông xì một tiếng và phán một câu xanh dờn :

- Thứ đồ khí đó mà nhậu gì !!

Làm Má tôi chưng hửng .

Có lần ông dạy Má tôi nấu món mắm gọi là nấuu “mẳn” – Cũng không biết tại sao người ta gọi như thế - có lẽ là nấu mắm mặn hơn món canh một chút thành “măn mẳn” – nhưng không mặn như kho . Mắm sặc thì nấu lấy nước , mắm lóc thì để nguyện nấu với cá . Gia vị thì bỏ ngò om …

Ông húp một muỗng canh nấu mẳn và nheo mắt , trầm ngâm rồi đột nhiên reo lên :

- Ýe !

Đó là tán thán từ chỉ ông rất hài lòng về món ăn nầy .

Từ đó chùng tôi có một món ăn gọi là “mắm ông Chú !” .

Một lần khi trà dư tửu hậu ông kể rằng thời kỳ còn thuộc Pháp quyền uy của chủ điền rất lớn .

Một hôm ông đi nhậu ở xóm Nhà Cũ về tối , phải đi ngang điền lão Bộ Ngươn . Tay này có lệnh cứ 7 giờ tối là “thiết quân luật” . Ai đi lơn trơn trên bờ đều bị bắt , đóng trăn cho ngủ muỗi một đêm , sáng hôm sau mới thả ! …

Lần đó ông không biết phải làm sao để đi qua điền Bộ Ngươn đành phải cởi quần áo cột cổ và lội theo con lung về nhà !!...

Và ông chưỡi toáng lên :

- Đù mẹ thằng Bộ Ngươn ! Nó làm như nó là vua vậy ! Cấm hết mọi người không cho ai lai vãng ban đêm để một mình nó đi mò vợ tá điền !!

Ông tức tối vì cái vụ lội sông nầy lắm nên mỗi lầi kể lại ông đều chưỡi !

*

Trong những năm 50 sau Hiệp định Genève , giặc càn trắng hết cả những khu an toàn thuở xưa ; Vùng Cái Ngây, Kinh Ba, Ba Phuông , công binh xưởng 17 … đều có dấu chân giặc .

Xóm điền Năm Khuyên và Láng Dài đã bị giặc ném bom mấy lần và đã có nhiều người chết .

Tôi còn nhớ , khi chúng tôi còn ở Láng Dài , lúc Hòa bình mới lập lại sau Hiệp Định Genève 1954 , giặc không có ý định thi hành hiệp định , nên rãi đồn bót khắp vùng giải phóng cũ .

Lúc đó mấy anh Vẹm nằm vùng ra vận động bà con đi biểu tình đòi thi hành Hiệp định Genève .

Ở xóm Láng Dài mấy người sồn sồn đều bị lùa đi cả . Nhà tôi may mắn là Má tôi vừa mới sinh em bé , còn chúng tôi đều là một bọn nhóc .

Sau nầy những người đi biểu tình về kể lại rằng khi dân được kích động ùa lên phía trước cửa đồn ở Chà Là thì trong đồn địch phát loa yêu cầu bà con giải tán . Nhưng mấy anh Vẹm nằm vùng đâu có chịu nên cứ thúc bà con tiến lên . Một tay chủ chốt trong đám biểu tình phát loa : “Bà con cứ xông tới, chúng nó không dám bắn mình đâu “ !

Thế là bà con như một bầy dê bị lùa vô hang cọp .

Thế là giặc xả súng bắn vào đám đông làm cho một số người chết và bị thương . Bà con chạy tán loạn , cuộc đấu tranh bị vở !

Kềt quả : Ông Tám Sẵn ở ngang nhà tôi bị địch bắn gãy giò; ông Nhúm em của ông chết . Còn nhiều người chết và bị thương khác ở các nơi , tôi không biết hết .

Lần đó ông Chú Sáu Ca cũng bị lùa đi , nhưng ông kể rằng trên đường đi ông “chém vè” và “lặng” về nhà trốn kỹ trong buồng , mãi mấy hôm sau mới ló mặt ra !

*

Sau nầy mỗi khi trà dư tửu hậu , ông thường phán một câu xanh dờn :

- Mẹ ! Bọn ngu mới đưa đầu ra ra cho chúng nó bắn . Chết thật vô lối !

Ở phương Tây người ta tổng kết rằng : Chế độ CS ở Châu Âu tan rả nhanh và sớm vì dân trí cao . Tuyên truyền rẻ tiền không gạt họ được . Các nước ở Châu Á thì người lãnh đạo nói gì dân cũng nghe theo , ít ai phản biện – Chỉ trừ một số anh trí thức – Cho nên Mao mới nói rằng “trí thức là cục phân “ - vì khó bảo và hay lật qua lật lại vấn đề ! …

Những giai cấp “cơ bản” là Bần cố nông và công nhân (có rất ít) thì Đảng nói sao nghe vậy : Mọi chuyện đưa ra đều “ Nhất trí với anh Hai thôi” ! Nên ở Châu Á quá trình nhận diện sự hạn chế của chế độ CS và đổi mới dân chủ có lâu hơn Châu Âu .

*

Đói với ông Chú Sáu Ca của tôi thì đó không phải là lần cuối .

Trong những năm 60 , mấy ông Vẹm ở xóm Nhà Cũ lại tổ chức đấu tranh chánh trị kết hợp với đấu tranh vũ trang (Đây là ý tưởng của TƯ cục) .

Lần nầy là ra biểu tình ở Quận Đầm Dơi , đồn Tân Duyệt .

Sáng sớm, từ nhiều ấp, nhiều xã dân bơi xuồng ra quận Đầm Dơi . Vẫn là ông bà già , phụ nữ là lưc lượng chính .

Ông chú Sáu Ca cũng bị lùa đi theo đám ấy .

Gần tới Tân Duyệt , ông tìm cách tách đoàn biểu tình chém vè qua bên chợ ngồi uống cà phê . …Trong lúc đám biểu tình hung hăng xông vào dinh quận .

Thế là giặc nổ súng bắn thẳng vào dân !

Cuộc biểu tình như thế là tan rã . Xuồng vộ chủ trôi dật dờ theo những con nước lớn ròng . Mấy ngày sau xác chết nổi lên trôi đầy một khúc sông . Ban đêm dân lén ra vớt xác về chôn . Có những xác tôm cá gậm nát mặt và rỉa mất hai con mắt nên không thể nhận dạng được .

Sau khi giải tan đam biểu tình xong địch ruồng qua bên chợ . Thấy ông Chú Sáu Ca ngồi trong quán cà phê , chúng xông vô tới sùng sộ với ông :

- Ông già ! Ông ra đây đi biểu tình hả ?

Ông bình tỉnh trả lời :

- Dạ tôi đi chợ mua đồ mà Sếp !

Chúng lật cái giỏ bàng của ông ra thấy có mấy cây cải chúng mới bỏ đi …

Ông lại thoát chết một lần nữa !

Đó là thắng lợi của những năm đấu tranh chánh trị kết hợp với đấu tranh võ trang !!


Cà Mau 2002



Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2009

BUT KY VUONG THE DUNG



MƯỜI VỚI MI MỘT THỨ !

Hồi sinh thời, lúc Ba tôi còn trẻ, Người được ông Nội tôi gởi lên Bạc Liêu học Tiểu học ; sau đó ông được lên Sài Gòn học tiếp bậc trung học . Ông nói rằng lúc ấy ông học trường Huỳnh Văn Chợ là một trường tư, chỗ trường Huỳnh Khương Ninh bây giờ . Hồi đó , phải là con nhà giàu có và đứa trẻ phải học xong bậc tiểu học , thi đậu Tiểu học , mới lên Sài Gòn học tiếp bậc Trung học . Bắt đầu là lớp Đệ Thất ( lớp Sáu bây giờ ) . Ở Lục tỉnh thời ấy không có trường Trung Học, kể cả Cần Thơ và Mỹ Tho là hai thành phố lớn ở Miền Tây .

Được ít năm, đâu ông lên lớp 5è gì đó , ông phải nghỉ học về quê .

Theo lời Ba tôi thì lúc đó Bác Hai tôi vay nợ Chà(1) quá nhiều

không trả nổi bị nó siết các bằng khóan đất , nhà ông Nội tôi gần như bị khánh tận . Ba tôi phải nghỉ học vì lúc ấy ông nội tôi qua đời, Bác Hai thì không có khả năng chu cấp tiền nữa .

Đó là chuyện của Bác Hai tôi , những chuyện nầy kéo theo cả một lọat những hệ lụy về sau .

*

Khi Bác Hai tôi sinh người con thứ năm là anh Năm Khuyên thì ông trúng cử chức Ban Biện . Lúc ấy ông cặp với một bà vợ bé ở bên Gàu Muồng . Mối tình này sâu đậm khiến ông làm áp lực đến nổi Bác Hai gái lớn phải trầu cau đi cưới vợ bé cho Bác Hai trai tôi . Bà Nội tôi cũng đành chịu, không sao nói được .

Hồi đó hai người mê nhau, Bác Hai tôi đã mua canô (1) , thậm chí cả xe hơi cho Bác gái nhỏ đi chơi , cũng vì ăn xài quá độ như vậy nên gia đình lâm nợ . Một mặt Bác nghe lời Bác gái nhỏ ham lợi : vay tiền Chà lời thấp đem về ruộng cho nông dân vay lãi cao. Nhưng nông dân thất mùa không trả nợ được hoặc họ giựt nợ trốn sang Điền khác (chuyện này rất thường xảy ra), thì người cho vay cũng trắng tay !

Sau khi cưới được Bác Nhỏ rồi thì Bác Hai tôi sống ly thân với Bác gái lớn . Hồi ấy Bác Gái lớn vẫn còn sống cảnh làm dâu với bà nội tôi tại nhà lớn ở Cái Ngang , còn Bác gái Nhỏ thì Bác Hai tôi đưa xuống sống ở dưới Điền Cái Su .

Thỉnh thoảng Bác trai có về nhà lớn vì công việc gì đó hay để thăm Bà tôi thì tối đến bao giờ Bác cũng rên rẫm , nói rằng đang ốm và đem mền gối ra ngủ ngoài bộ ngựa chân quỳ ở nhà khách .

Nhiều người nói rằng Bác Nhỏ chơi bùa Cô Hiên làm cho Bác trai không sao ngủ chung với vợ lớn được !

Chuyện nghe có vẻ hoang đường , nhưng sự thật thì từ ngày cưới Bác Nhỏ đến khi Bác qua đời Bác không bao giờ ngủ chung với Bác gái lớn cả .

Khi Chà tịch biên ruộng đất và Bác tôi bị khánh tận thì Bác không còn chu cấp cho Ba tôi đi học tiếp . Cuối cùng Ba tôi phải nghỉ học !

Tôi sẽ trở lại những chuyện của người Bác này vào những phần sau .

Giờ nói tiếp chuyện của Ba tôi .

Thuở sinh tiền ông hay kể những kỷ niệm thời đi học ở Sài Gòn . Ông kể rằng tuy học ở trường tư thục của người Việt (trường Huỳnh Văn Chợ) , nhưng trường dạy toàn chương trình Pháp . Học sinh ở nội trú như Ba tôi không được nói tiếng Việt . Giám thị bắt gặp em nào nói tiếng Việt thì em ấy phải đeo sau lưng tấm bảng "Tôi không nói tiếng Việt trong trường" . Nạn nhân chỉ thoát được khi tìm gặp một nạn nhân mới nói tiếng Việt ! Thường phải dụ bằng cách nói tiếng Việt : " Ê ! Thứ Bảy này đi Thủ Đức ăn nem nghen ?" . Nạn nhân mở miệng ra là cắn câu ngay !.

Với chương trình Pháp , học sinh không được nói tiếng Việt...là cách dạy cho học sinh giỏi sinh ngữ tuyệt diệu ! và Ba tôi đã nhờ cái vốn sinh ngữ ấy mà thoát chết trong gang tấc .

Đó là khoảng thời gian những năm 40 khi gia đình tôi tản cư lên Cần Thơ, Ba tôi làm quản lý xưởng nước mắm của Dượng Tư tôi, cách Thành Phố Cần Thơ khoảng 3km .

Thời ấy giặc Pháp lập những đơn vị quân đội Giáo Phái để chống lại Việt Minh . Ai quy tựu được 10 người thì được phong làm Thiếu Úy, ai kiếm được 40 người thì được làm Trung úy , lôi kéo được 150 người thì được làm Đại Úy !...Hai giáo phái nổi tiếng ở Miền Tây là Đạo Cao Đài của Phạm công Tắc và đạo Hòa Hảo của Năm Lửa và Bảy Viễn, Ba Cụt...được lập nhiều đồn bót toàn ngụy binh, trong đồn không có Tây .

Nhà tôi và một số nhà giàu có khác ở Cái Ngang, Xóm Chùa, Bùng Binh ...nhà nào không chở đồ đạc đi kịp thì bị bót

Cao Đài (chỉ là một cái chùa ở ngoài lộ Cái Ngang) chở sạch !

Sau này khi chúng tôi trở về đã nhìn ra một số đồ của nhà mình nhưng bọn Ngụy vẫn binh Cao Đài nên không đòi lại được . Lão Chín Dĩ là chủ chùa và cũng là trưởng đồn thời ấy vốn là người quen cũ của Ba tôi đồng thời cũng là tên cướp cạn . Hắn nói với Ba tôi : Hồi đó nếu tụi tôi không chở thì tụi nó cũng lấy hết .

Và hắn nhất quyết không trả đồ lại cho nhà tôi .

Trở lại chuyện nhờ biết tiếng Pháp mà ba tôi thoát chết . Lúc đó chúng tôi đang ngụ trong văn phòng của xưởng Đồng Hương thì quân Hòa Hảo dậy lên rất dữ . Chúng đóng 1 cái bót ở trường Canh nông phía bên kia đường . Lính Hòa Hảo đa số đều còn rất trẻ , quần áo còn đóng phèn vàng...Đa số là nông dân không có học . Nhưng chúng giết người như ngóe. Chiều nào chúng cũng bịt mắt 1, 2 người đưa xuống cái cầu chuồi ở một cái lò gạch hoang vắng cạnh cầu xưởng Đồng Hương dùng lưỡi lê đâm chết nạn nhân và thả trôi sông .

Cầu xưởng Đồng Hương ở dưới sông cách lò gạch chưa tới 50 mét . Chiều chiều chúng tôi thường xuống đó chơi. Một hôm, chúng tôi thấy một xác người bị trói thúc ké nằm sấp lờ đờ trôi theo dòng nước và chỗ cổ vẫn còn một vài tia máu phụt ra hòa tan trong nước ...Không biết tại sao cái xác vô danh đó không chìm mà cứ lờ đờ trôi theo dòng nước . Có lẽ người ấy chưa chết ?

Cảnh tượng thật là rùng rợn, hãi hùng .

Từ đó, chiều chiều chúng tôi không còn dám xuống cầu xưởng chơi nữa .

Trên lộ xe thì thỉnh thoảng buổi sáng những bà nội trợ đi chợ về gặp 1 cái trạm có 3 người : 2 người mang súng đứng đó và một cô gái bày một cái bàn đựng thịt còn đỏ tươi nói là thịt dê bắt mỗi người phải mua 1 ký !

Mẹ tôi cũng đã gặp một lần . bà nói đó là một cô gái nhà quê mặc đồ đen, dáng xanh xao, song “bán thịt” rất nghề ! Mẹ tôi phải đào một cái hố nhỏ chôn ký thịt oan nghiệt đó .

Bà con nói rằng chúng xẻ thịt người đem bán .

Dân từ vùng trường Canh Nông đến Bình Thủy rất sợ cái “trạm” bán thịt nầy, song nhà nào cũng bị vướng phải mua một hai lần ,

Tóm lại, bọn giáo phái Hòa Hảo ở đây hoành hành rất dữ, và chúng tôi rất ghét bọn Hòa Hảo từ đó .

Và một hôm chúng ruồng vào Xưởng bắt Ba tôi đi .

Chúng nói người ta khai kẻ mới liệng lựu đạn hồi sáng dưới chợ tên là Mi .

Ba tôi đưa giấy căn cước ra và nói rằng ông tên là Mười .

Thằng chỉ huy phan một câu xanh dờn :

- Mười với Mi một thứ !

Và chúng dẫn Ba tôi đi .

Nhiều năm sau cho đến bây giờ khi có một chuyện gì vô lý , chúng tôi đều nói đùa :

- Mười với Mi một thứ !

Nó đồng nghĩa với sự dốt nát, dã man và phi lý đồng thời

thể hiện một quyền uy tuyệt đối của một kẻ mạnh trong một xã hội muốn nghĩ sao, nói gì cũng được !

…Thế là chúng bắt Ba tôi đi . Mẹ tôi chạy theo đưa cho Ba tôi cái nón , chúng gạt đi và nói rằng :” Cần gì nón ? Lên tới Bình Thủy là “đi” rồi !

Cả nhà tôi sợ xanh mắt . Lúc ấy bị Hòa Hảo bắt đi – thêm lý do ném lựu đạn thì chắc chắn sẽ bị chúng thủ tiêu .

Nhưng rồi Ba tôi được bọn chúng thả về ! Cả nhà mừng rối rít, hỏi ra thì mới biết : chúng dẫn Ba tôi đi một đọan bỗng gặp một tốp lính Pháp cũng đi ruồng bố tìm người liệng lựu đạn . Ba tôi trình bày với bọn chúng bằng tiếng Pháp rằng Ba tôi tên Mười và bọn Pháp kêu tụi Hòa Hảo thả Ba tôi .

Hú vía !

Biết một ngoại ngữ đã cứu sống được bản thân mình !

Thật là Mười với Mi một thứ !

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009

BÚT KÝ VUONG THE DUNG

TÌNH THƠ ẤU (Phần II)

Hạnh để quà trong một chiếc hộp carton nhỏ gồm một chai dầu Nhị Thiên Đường và một chiếc khăn tay trắng có làm rouder và có thêu ở góc hai chữ NH đan vào nhau . Đó là một kiểu thêu bình thường bằng chỉ thêu màu xanh có pha trắng lợt, song kiểu chữ viết thì rất đẹp và hết sức cầu kỳ . Sau nầy tôi tìm trong máy vi tính có rất nhiều font chữ nhưng không thấy có loại chữ nào đẹp , mềm mại và kiểu hay như vậy . Có lẽ em lấy kiểu chữ trong các sách dạy thêu ngày xưa …

Chiếc khăn tay bằng vải phin trắng phảng phất thơm mùi bông lài . Tôi giữ chiếc khăn ấy trong hộp rất lâu , và mãi về sau tôi vẫn như thoáng còn nghe thơm mỗi lần mở hộp ra xem…Mùi thơm thật lâu phai và nhiều năm sau nó vẫn còn sống mãi trong ký ức của tôi …

Nhưng mùi thơm làm gì giữ được vĩnh cữu ?

Chuyện thật khó tin … song đó là sự thật , bởi sau nầy, mỗi khi nghe mùi thơm của bông lài thoảng qua là tôi đều nhớ về chiếc khăn tay ngày ấy … thế là những kỷ niệm cũ kéo về chiếm trọn cả hồn tôi .

*

Sau đó , một lần chúng tôi vào nhà Út Mai ăn đám giổ . Buổi tối, chúng tôi ra chỗ thềm nhà ngồi chơi dưới ánh trăng. Thoáng nghe mùi bông lài , tôi lần ra phía trước bẻ được mấy bông đưa cho Hạnh và Út Mai .

Tôi hỏi em :

- Nhà Hạnh trồng nhiều cây bông lài lắm , phải không ?

Hạnh mĩm cười đỏ mặt , không trả lời . Chắc em nghĩ rằng tôi nhắc khéo chuyện chiếc khăn tay em đã ướp hương bông lài …

Mãi về sau chế Tám Rãnh mới bật mí là món quà trong hộp chế mua ấy chỉ là một chai dầu Cao Thiên ( [1]) !

Ồ ! sao lại là dầu Cao Thiên ? Không biết Hạnh nghĩ gì khi nhận món quà đó của tôi ?

Bây giờ trên đầu mỗi đứa chắc đã có vài sợi tóc bạc , nhớ chuyện cũ thời thơ dại chắc chúng ta không khỏi mĩm cười . Song , để có được một chai dầu Nhị Thiên Đường hay một chai dầu Cao Thiên của một người bạn tặng như vậy không dễ gì tìm .

*

Một hôm mới vào trường , Út Mai đưa cho tôi một "con én" xếp - Đó là thư của Hạnh .

Thư chỉ có mấy dòng , đại khái em nói ngày kia nhà Út Mai có đám giổ , em rủ tôi chiều mai vào nhà Út Mai chơi vì mai em cũng có đi …

Lát sau Út Mai lên nói với Ba tôi rằng cô dượng Tám tôi mời ba tôi vô dự đám cúng cơm và chiều mai anh Tư Lương sẽ đem xuồng ra rước Ba tôi . Chế còn nói thêm :

- Mai Cậu cho Dũng vô chơi …

Ba tôi thông báo với học trò là mai nghỉ , hôm nào chúa nhật sẽ học bù .

Chiều hôm sau quả nhiên anh Tư Lương chèo xuồng ra rước cha con tôi bằng chiếc xuồng be 10 lớn …

Hôm ấy chắc là gần ngày rằm nên trời vừa sụp tối đã có trăng và nước lớn đầy mà .

Sông Cái Su chỗ nhà Bác Hai tôi ra vàm sông Gành Hào chừng một cây số nên nước chảy xiết rất mạnh .

Anh Tư Lương buông nhẹ mái chèo cho thuyền trôi xuôi theo dòng nước bạc lấp lánh ánh trăng vàng . Nhà cửa , cây cối hai bên bờ sông như phủ một màu bàng bạc …

Xuồng trôi chầm chậm theo dòng . Cao hứng anh Tư Lương cất tiếng ca một bài ca vọng cổ thật là mùi … Bài ca nói về một người tráng sĩ ngày xưa phải nén lòng dứt áo thê nhi , mang gươm thiêng ra chiến trường giết giặc

Lời ca vừa trầm buồn lại vừa rất hào hùng làm nao cả lòng người …

Sau nầy lên sống ở kinh thành tôi không bao giờ còn được nghe một bài ca vọng cổ trong một khung cảnh như vậy , song hễ mỗi lần nghe nhạc cải lương có bài vọng cổ tôi lại bồi hồi nhớ lại khúc bi tráng ngày xưa …

Hởi ôi ! Trong đời ta , chỉ cần một khung cảnh nên thơ như vậy và tuy là với giọng ca vọng cổ không chuyên như anh Tư Lương cũng đủ khắc họa trong tâm khảm ta bao nổi buồn, nhớ nhung và thương cảm …

Và ta không thể nào quên ! Anh Tư Lương nay đã ra người thiên cổ , nhưng hìn ảnh và tiếng hát của anh vẫn sống mãi trong tôi …

*

Đã đến bến sông nhà cô Tám tôi , xuồng từ từ cặp bến .

Dưới ánh trăng , tôi thấy trên bến có cô Tám tôi, anh Sáu Nguyên , chế Chín Ảnh , chế Út Mai và thoáng bóng Hạnh với mái tóc thề chấm ngang vai .

Lại một lần gặp gỡ ! Thật khó mà quên được !

Quả nhiên , như "lời mời" , em đã có mặt ở dưới bến sông đển đón tôi .

Nhiều năm sau , cho mãi đến bây giờ , mỗi lần hồi nhớ lại buổi gặp gỡ ấy , lòng tôi không khỏi bồi hồi , xao xuyến …

Tôi không biết đó là những kỷ niệm êm đẹp của tuổi hoa niên hay đó là dư vị của tình yêu ?

Đến bây giờ tôi vẫn không biềt !

Song những người trong cuộc như Hạnh , Út Mai chắc là phải biết ? Út Mai đã giả biệt cõi trần vĩnh viển , chế không thể nào nói cho tôi biết điều ấy được nữa , chỉ còn có Hạnh, tôi phải hỏi em xem em đã nghĩ gì trong lần hội ngộ của ngày thơ ấu ấy ?

*

Chúng tôi gặp nhau không phải mắt trong mắt , tay trong tay hay trao đổi những lời tình tứ mặn nồng mà chỉ thoáng trộm nhìn nhau thôi .

Song trong cái liếc mắt nhìn của em tôi đọc thấy biết bao nổi vui mừng khi gặp gỡ ; biết bao tình thân thiết không nói được nên lời và sâu trong đáy mắt đong đầy cả một trời thân thương tha thiết , song vẫn mang chất rụt rè , thơ ngây không muốn bộc lộ ra ngoài …

Ôi ! Đến bao giờ tôi mới quên được đôi mắt tuyệt vời ấy của người xưa ?

Hình bóng của em , nụ cười với chiếc răng khễnh , mái tóc thề chấm ngang vai… cũng có lúc không còn trong trí nhớ của tôi , song đôi mắt ấy thì đến nay tôi mới biết là sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời .

Tôi biết tình xưa đã lỡ làng ,

Mà lòng sao mãi cứ riêng mang ,

Ngày mai đến thác lòng tôi vẫn

Cay đắng , bâng khuâng chuyện dỡ dang …

*

Em về với người , tôi với tôi ,

Thôi đừng khơi lại chuyện ly bôi ,

Mà để thêm sầu vương trong mắt ,

Thương tiếc chi nhiều cũng thế thôi !

*

Lâu quá không về Xóm Cái Ngang ,

Để lòng vơi bớt nỗi bẽ bàng ,

Tìm lại người xưa dù trong mộng ,

Để tiếc tình xưa dẫu muộn màng .

Đêm ấy người lớn tụ tập trên nhà nghe máy hát , ăn cháo khuya và nhậu lai rai …

Tôi , Hạnh và Út Mai rủ nhau xuống cầu mát ở bến sông ngồi chơi .

Chúng tôi ngồi hai bên lang can cầu nói vẩn vơ những chuyện học trong trường , những bạn bè , chuyện mưa nắng linh tinh …

Út Mai nói ít , cố tình để cho chúng tôi nói chuyện riêng với nhau . Nhưng những đứa nhóc như chúng tôi , mặc dù trong lòng biết bao điều muốn nói nhưng gặp nhau thì bao giờ cũng e lệ ngượng ngùng , nhất là Hạnh .

Song, hồi ấy và mãi đến bây giờ , chưa bao giờ tôi cảm thấy hối tiếc vì mình đã nói với Hạnh quá ít , cũng như tiếc vì có biết bao điều muốn nói mà chưa nói được …

Trăng đã lên cao . Nước dưới sông đã vực ròng … Chúng tôi trở lên nhưng cũng chưa chịu vào nhà , mà ra ngồi trên thềm nhà lớn của chế Út Mai phía giáp sau vườn để ngắm trăng .

Trong màn đêm tỉnh mịt đó phảng phất mùi thơm của bông lài làm tăng chất thi vị của đêm trăng khiến cho lòng chúng tôi thêm ngây ngất …

Chúng tôi ngồi đó rất lâu , không ai nói câu gì , song trong lòng chúng tôi nói lên biết bao lời thân thiết …

Tôi lần ra thềm bẻ được mấy cánh bông lài đưa cho Hạnh và Út Mai. Tôi thấy Hạnh đưa cánh hoa lên mũi ngữi và gương mặt em thoáng một chút thẫn thờ …

Út Mai nói :

- Bông lài ép vô tập sẽ còn thơm rất lâu …

…Và em gật đầu :

- Ừ , mai em sẽ ép …

Phía cuối thềm nhà có một cây hoa sứ to . Chúng tôi đi lần ra phía đó và dưới ánh trăng , trong màn sương đêm, mùi hoa sứ thơm thoang thoảng làm cho chúng tôi thêm ngây ngất …

Hạnh nhìn lên cây bông sứ những cành trên cao có rất nhiều bông . Em nói với tôi :

- Mai anh bẻ cho Hạnh mấy bông sứ để ép vào tập …

- Ừ , sáng mai anh sẽ bẻ …

Sau nầy mỗi lần nghe bài "hoa sứ nhà nàng" , tuy cảnh không thật giống như vậy , song nó vẫn gợi tôi nhớ đến em và đêm trăng ngày xưa một cách da diết . Mùi hoa sứ đã bao lần làm cho con tim tôi thổn thức , bâng khuâng nhớ cảnh , nhớ người …

Thời gian trôi đi nhanh quá , biết bao vật đổi sao dời , bèo dạt mây trôi , chắc những cánh hoa lài và bông hoa sứ em ép trong tập không còn nữa … cũng như chiếc khăn tay em tặng cho tôi có mùi hoa lài năm xưa cũng đã chôn vùi theo cát bụi thời gian.

Tôi và em , chúng mình tuy tóc đã pha sương nhưng những mùi hoa ấy thì vĩnh cữu trong lòng chúng ta, phải không em?

*

Chiều tối hôm sau , vì Tuấn - anh của Hạnh - bận việc gì đó không vô rước được nên chú Mười và Hạnh theo xuồng anh Tư Lương đưa cha con tôi về .

Chú Mười và Ba tôi ngồi gần phía lái ; tôi và Hạnh ngồi gần phía mũi xuồng …

Khi đưa chúng tôi xuống xuồng , tôi thấy Út Mai còn nhìn Hạnh nheo mắt , cười …

*

Vẫn ánh trăng vàng rãi sáng cả mặt sông , nước đang chảy lớn nên xuồng ngược nước đi chầm chậm . Chúng tôi ngồi bên nhau im lặng .

Trời đêm cao , rộng thênh thang , sương đã bắt đầu dâng lên làm mờ cả mặt sông …

Cao hứng , anh Tư Lương lại cất tiếng hát một bài Nam Ai rồi vô vọng cổ … Bài tình ca nói về cảnh chinh phụ trông chồng trong thời ly loạn … và người chinh phu vẫn đi … đi mãi không về …

Chúng tôi ngồi lắng nghe , im lặng , lòng như dìu dặt vào một cõi hư vô huyền ảo …

Ra khỏi vàm thì tới nhà Hạnh , anh Tư ngừng hát , rà mái chèo cho xuồng ghé lại bến sông nhà Hạnh .

Hạnh đứng lên chào tôi, lí nhí :

- … Em lên nghen … Mai gặp …

Tôi bâng khuâng nhìn theo bóng em khuất dần trên con đường dẫn lên nhà dưới ánh trăng … Những hàng dừa đứng im, rủ bóng, vừa có vẽ đẹp mê hồn của cảnh một đêm trăng tĩnh mịt , vừa có vẽ u buồn của một buổi biệt ly .

Xuồng từ từ tách bến , hướng ra phía vàm, về nhà Bác Hai tôi.

Anh Tư Lương lại tiếp tục hát bài tình ca đang hát dỡ .

Tôi ngồi môt mình ở mũi , lòng buồn man mác !...

*

Đó là lần cuối cùng tôi gặp anh . Sau đó tôi lên Sài Gòn học , rất ít tin tức về anh .

Rồi cuộc chiến tranh ác liệt nổ ra . Trong một trận giặc càn ở Gành Hào , chúng phát hiện ra hầm bí mật của anh và bắn anh chết !

Tin anh bị giặc giết mãi về sau tôi mới biết .

Ôi ! Biết bao nổi đau xót, tiếc thương anh tràn ngập cả lòng tôi . Có thể nói , anh là một trong những người anh họ mà tôi yêu kính nhất bởi tính chất mạnh mẽ , lòng yêu những đứa em với nụ cười hiền hậu và tư cách đứng đắn của anh .

Cảnh một chiếc xuồng trôi xuôi dòng nước lớn đầy sông trong một đêm trăng với tiếng ca vọng cổ của anh năm xưa vẫn sống mãi trong lòng tôi , không thể nào quên .

Bây giờ ánh đèn màu Đô thị đã che khuất cảnh quê xưa , còn tìm đâu ra dưới bến sông cảnh nhánh bần gie , con đốm đậu ? ?

Rất tiếc là đường từ nhà Út Mai ra nhà Hạnh không xa mấy nên kỷ niệm đi chung xuồng một quảng ngắn trong một đêm trăng ngày quá xa xưa biết Hạnh còn nhớ hay chăng ?

Quên đi những kỷ niệm êm đẹp ngày xưa cũ để cho lòng nhẹ bớt u sầu . Ấp ủ mãi những hình bóng cũ trong lòng như tôi thì bao giờ tâm hồn cũng nặng trĩu thê lương .

Lòng dặn lòng hãy quên , nhưng làm sao mà quên được !

Ba tôi năm nay đã 92 tuổi song Người vẫn còn minh mẫn và nhớ rất dai . Hôm về CàMau cúng Thanh minh , tôi gợi ý hỏi ông :

- Ba còn nhớ những ngày Ba dạy học ở Cái su không ?

Ông cười hiền từ và nói :

- Nhớ chứ sao không … Mỗi ngày hai cha con đi từ nhà bác Hai mầy đến trường theo con đường dọc bờ sông…

- Ba còn nhớ lúc đó Ba dạy cho chế Út con , chế chín Rang , Hải , Hạnh , Bé Sáu … không ?

- Ba vẫn còn nhớ tất cả tụi nó rất rõ …

Và hình như ông biết vụ tôi và Hạnh , cũng như tôi nhắc lại là có "lý do" … gợi lại hình ảnh của người xưa , nên ông nói tiếp :

- … Ờ , Ba thấy hồi đó con Hạnh rất đẹp …

Tôi giật mình . Tại sao Ba tôi lại nói như vậy ? Phải chăng ông đọc được trong mắt tôi một chút gì vướng vít với hình bóng cũ ?

Tôi không biết . Song tôi rất biết ơn ông vì ông đã giúp tôi nhớ lại hầu như trọn vẹn hình bóng người em gái nhỏ xinh đẹp ngày xưa …

Ôi ! tthời gian thật là khắc nghiệt ! Đã chôn vùi những hình bóng thân thương của những kiếp người !

Còn Út Mai ?

Tôi không hiểu vì sao chế không ở Sài Gòn tiếp tục học may lại bỏ về đột ngột ? Hỏi bên nhà chị Ba Mạo thì người ta không nói thật , chỉ nói rằng chế nhớ nhà đòi về …

Năm đó , kỳ nghỉ hè , tôi vế Cần Thơ thăm nhà , khi lên Sài Gòn thì mới biết chế đã về CàMau .

Thành ra chị em không kịp từ giả nhau .

Không ngờ chuyến về quê của chế lần ấy là vĩnh biệt .

Sau nầy tôi mới biết , trong một trận giặc càn , chế lội qua một con sông không sâu lắm và bị chết đuối … Một cái chết tức tửi và đau thương !

Hời ơi ! Con sông Gành Hào, sông Cái Su nước chảy cuồn cuộn và sâu vô kể , chế đi lại bao lần cũng không nhận chìm chế được . Nhưng khói lửa chiến tranh và sự hung ác của kẻ thù đã đẩy chế phải chết chìm ở một khúc sông không có gì là nguy hiểm …

*

Hạnh ơi ! Có bao giờ em nhớ đến chế Út chăng ? .

Chúng mình ngày xưa ba đứa có một thời chơi thân với nhau và chế rất thương anh cũng như thương em .

…Có lần chế đã nói với anh "… rất tiếc là chuyện của tụi em đã không thành …"

Anh ước ao có một mùa Thanh Minh nào đó , anh và em về Xóm Huế đốt cho chế một nén hương tiếc thương chế , van vái cầu xin chế phù hộ , nhắc nhở chúng mình dù không nên duyên phận với nhau nhưng lúc nào cũng còn nhớ nhau …

Cà Mau , Thanh minh 2001 - 2002
TP Hồ Chí Minh Hè 2002



([1]) Dầu Cao Thiên làmột loại dầu gió có mùi giống một loại mùi dầu thơm . Hiện nay không còn thấy bán nữa .