* Kính gởi chị NGUYỆT THU - Người thầy học đầu tiên của tôi
* Tặng các cháu : Nhân,Trí,Trực và Thức để biết thêm về người lương sư ngày ấy .
* Tặng các bạn đã và đang đứng trên bục giảng : Trí Hồng, Hồng Đào, Văn Quỳnh, Đào Hùng , Minh Tâm, Xuân Hương, Cao Nguyên, Gió, Ngọc Yến, Hoang Mạc và KM .
NGƯỜI THẤY BẤT ĐẮC DĨ
… Lúc ấy gia đình chúng tôi ở sâu trong vùng giải phóng , không có trường học, không báo chí, không sách vở .
Chúng tôi 3 anh em đã qua tuổi đến trường nhưng không biết chữ !
Ba tôi và người anh hai đi theo kháng chiến thỉnh thoảng mới ghé thăm nhà. Nhà chỉ có mấy mẹ con sống hui hút với nhau .
Một hôm ba tôi về đem theo một quyển VẦN QUỐC NGỮ , mấy cuốn tập, viết, mực . Viết đây là ngòi viết là tre hay viết xi kên (Ngòi lá tre là viết có nét âm nét dương ; còn ngòi xi kên như là ngòi viết máy) ; mực là những cục nhỏ cở đầu đũa , bỏ vào nước hòa tan thành mực xanh hay tím …
Quyển vần gồm 32 bài . mở đầu bài 1 là : i , t , ti , it …u, ư, n, nu, nư ….
Chị ba tôi được ba tôi giao trọng trách là dạy học cho ba anh em tôi .
Đó là người thầy bất đắc dĩ , không có học sư phạm và trình độ văn hóa chỉ mới có lớp Nhì (lớp 4 bây giờ) !
Chị tôi ban ngày lu bu , tất bật với những công việc nội trợ , còn phải xay lúa, giả gạo , tắm em …cho nên “lớp học” của chúng tôi chỉ “mở” ra vào buổi tối !
Học như vậy ngoài 30 đêm thì chúng tôi biết đánh vần và đọc được những bài báo do ba tôi đem về .
Chúng tôi thoát dốt kể từ đấy ! Người thấy bất đắc dĩ nầy còn dạy cho chúng tôi biết viết và biết làm bốn phép toán . Sau nầy mấy đứa em của tôi không có điều kiện đến trường , nhưng nhờ vốn chữ ấy , chúng đọc được sách báo, làm được tính cộng trừ nhân chia, đáp ứng được những sinh hoạt của cuộc sống hàng ngày là nhờ vào “người thầy”, người chị thân thương đó .
Hai đứa em gái tôi, một đứa rất thông minh , thường chị chỉ cho nó đọc một lần thì nó sẽ thuộc bài đó luôn ; nhưng còn một đứa thì rất tối dạ - nói theo kiểu dân gian – vì một bài học của nó chị tôi phải nhọc công dạy rất nhiều lần …
Sau nầy ra đời cả hai đều thể hiện y như hồi còn thơ học chữ .
Người thầy ấy tuy không biết gì về giáo dục và sư phạm, nhưng cũng dạy có kết quả những trường hợp học sinh có nhiều trình độ .
Lúc ấy tôi phải phụ với hai người anh trong công việc đồng áng việc học rất thất thường . Thấy vậy, chị chép cho tôi một bài thơ, không rõ tác giả, nhưng tôi thuộc lòng mãi đến bây giờ :
Em mười hai tuổi Tết mười ba . Trần trụi quanh năm gió lộng nhà Sáng sáng buồn hiu ra cử ngắm, Những trò đi học bóng xa xa …
Năm ngoái năm kia em cũng học, Nắn từng cục đất chữ i tờ Chiến tranh đã phá trường em học Mới ráp vần xuôi chịu tới giờ …
Hôm nào lượm được vần ai bỏ, Rách nát còn đâu có ít trang Mót chút cơm thừa em dán lại, Lem hem tuồng chữ quý hơn vàng …
Rồi khi thong thả trâu ăn cỏ, Nằm ngữa lưng trâu mở quyển vần Quên cảnh đời nghèo quên đói lạnh Chữ còn chữ mất đọc vang rân … … (không biết tác giả)
Khi chúng tôi về Thành phố , tôi bươn chảy tự học và cuối cùng cũng được đến trường . Tất cả nền móng đó , chị - người thầy bất đắc dĩ - là người vun đắp cho tôi .
Lúc xưa chị viết chữ mẫu cho tôi tập viết theo : chữ đ , chữ T hoa, số 4, số 8 … giờ đây tôi vẫn còn giữ nguyện trong lối viết tay .
Thế mới biết ấn tượng ban đầu của người thầy học thật là mạnh mẽ , không cần người ấy có văn bằng sư phạm hay không .
Khi tôi lên đại học, tôi vẫn ngụ ở nhà chị đi học . Tôi thấy chị đêm đêm khảo bài, nhắc bài cho lũ con của chị mà nhớ về một thời xưa cũ ..: Tôi nằm lơ mơ trên bộ ván gõ đọc bài học thuộc lòng , trên chiếc võng đong đưa, mẹ tôi đang à ơi ru hời đứa em út trong giấc ngủ cô miên …Xa xa tiếng chày giả gạo lơi lơi trong cái xóm quê vắng vẻ, tịch liêu …
Khi các cháu tôi đã học xong bậc tiểu học thì chị nói với tôi :
- Bây giờ chị không còn chữ để kèm tụi nó nữa …Cũng như với em ngày nào vậy !
Nhưng những đứa trẻ nầy đã có một căn bản về việc học của chúng từ lúc bé và được người mẹ, kiêm người thầy rèn cặp cho chúng ngay từ lúc tuổi hãy còn thơ …Sau nầy vào đời chúng đều khá cả .
Thế đó !
“Người thầy” chỉ có trình độ lớp 4 ấy đã là lương sư của hai thế hệ , và đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc . Mỗi lần nhìn những đứa “học trò” của mình ngày xưa ấy đã có một chút chữ chắc chị không khỏi tự hào và người đưa đò ấy chắc không buồn vì khách qua đò tuy chỉ một lần thôi nhưng lòng khách vẫn nhớ mãi con đò ấy với tấm lòng biết ơn sâu sắc …
Chị ,
Năm nay ngày 20 tháng 11 em xin gởi về cho chị một bông hồng gọi là nhớ về một thời xa xưa những gì chị đã vun đắp cho tụi em nên một người có chút chữ nghĩa với đời …
NGỌC VÀ ĐÁ Viết riêng cho KIM Một anh nhà giàu kia một hôm được vợ mua cho một chiếc nhẫn hột xoàn nhân kỷ niệm 10 năm ngày họ kết hôn . Theo lời bà vợ thì chiếc nhẫn xoàn nầy trị giá đến 3 ngàn đô la .
Anh chàng quý chiếc nhẫn lắm, không dám đem ra đeo thường , chỉ khi có hội hè, tiệc tùng gì anh mới đeo . Thấy thế chị vợ nói : Cứ đeo đi , cất làm gì ? Có của phải xài chứ ? Anh chồng nói : Chiếc nhẫn mắc tiền , quý lắm , đeo thường sợ không giữ được .
Một hôm đi tiệc , anh ta nhậu xỉn và đánh mất chiếc nhẫn !
Khi tỉnh rượu biết chiếc nhẫn đã mất, anh ta tiếc ngơ tiếc ngẫn , vật vã suốt mấy ngày, nhưng anh ta không dám nói với vợ , chỉ nằm lăn lóc, người cứ gay gay sốt , không ăn ngủ được …
Chị vợ thấy tình trạng ấy , hỏi, nhưng anh ta nói không sao , chỉ bị cảm xoàng mà thôi .
Tiếc của , anh ta thầm trách vợ mua chi chiếc nhẫn đắt tiền như vậy để rồi anh ta không giữ được , làm mất . Thật đáng tiếc !!
Anh ta nhớ rằng tuy anh ta giàu có nhưng cả đời chưa bao giờ dám sắm cho mình một món đồ có giá trị cao như vậy .
Đó là một đồ vật quý giá mà anh ta có trong tay từ ngày anh ta bắt đầu giàu có . Nhưng nó đã mất ! Sự tiếc nuối thật không sao tả xiết . Không có gì đền bù được . Nhiều đêm anh ta trằn trọc, không ngủ , tiếc một món đồ đắt tiền, quý giá không còn trong tầm tay mình nữa ….
Một hôm có đám cưới cậu em . Hai vợ chồng sửa soạn dữ lắm để đi dự tiệc . Thấy ông chồng không đeo nhẫn chị vợ hỏi : “ Nhẫn đâu rồi ? sao không đeo ?”
Anh chồng ú ớ không nói được . Bị vợ hạch mãi đành phải thú thật rằng đã đánh mất !…mặt anh ta xìu xuống , miệng méo xẹo …chực khóc !
Vợ thấy tội nghiệp bèn cười, nói : “ Chiếc nhẫn đó là kim cương giả , chỉ đáng 200 đô la mà thôi, đừng có tiếc !...”
Anh chàng mừng quá , hỏi dồn : “ Thiệt hả em ? Làm anh tiếc gần chết ! Mấy hôm rày ăn ngủ không yên …
…và anh ta tươi tỉnh, vui vẻ lại ngay như ngày được vợ tặng chiếc nhẫn mà chị ta nói là giá 3 ngàn đô !
Một món đồ có giá trị càng cao thì khi mất đi sự tiếc rẻ của chúng ta càng lớn và ngược lại .
Con người cũng thế , có những người bạn tốt của chúng ta khi họ ra khỏi đời sống tình cảm của chúng ta thường khiến cho chúng ta bùi ngùi thương tiếc khôn nguôi; ngược lại, khi chúng ta chấm dứt quan hệ với một người bạn xấu thì chúng ta thường thở phào nhẹ nhỏm , như trút được một gánh nặng trong lòng
Các bạn !
Có bao giờ bạn quen , thân hoặc yêu một người và đã từng đánh giá rất cao phẩm chất của con người ấy , nhưng về sau hối tiếc vì mình đã lầm như câu tục dao người ta nói :” Tưởng giếng sâu em nối sợi dây dài / Ngờ đâu giếng cạn tiếc hoài sợi dây !” ?
Bạn đã có bao giờ đánh mất một món đồ quý hay không quý chưa ?; mất một người bạn đáng trọng hay đáng khinh chưa ?
Tuy biết "Ngày ấy đã đến.." khi ông Steve Jobs loan báo từ nhiệm CEO Apple,ai cũng đoán bệnh tình ông đã trở nặng. Mấy hôm nay,lại thấy hình ông lưu truyền trên internet,gầy gò ốm yếu đến tội nghiệp ! Nhìn hình ông, lại chạnh nhớ đến mấy người bạn thân trong vòng mấy năm đã qua đời vì ung thư. Người mất vì ung thư thường kiệt lực,bị vắt hết sức,như ngọn đèn cạn dầu rồi mới tắt. Ông Steve Jobs sinh 1955,còn quá trẻ so với tuổi thọ trung bình tại Mỹ. Vẫn biết định luật Sinh Tử bất biến,nhưng với 1 nhân vật đặc biệt cả vài tỷ người mới có Một,ắt hẳn ai cũng thương cảm !Mời đọc "Ngày ấy đã đến rồi...",ngòi viết Giao Chỉ chia sẻ tâm tình của ông khá đặc biệt & chân thành.Trân trọng cám ơn tác giả & Cùng mời đọc.
Ngày ấy đã đến rồi…
...Nhưng quả táo còn cắn dở dang.
Với quả táo cắn dở dang, không hề liên quan gì đến khoa học, chẳng ăn nhằm gì đến điện toán, cha đẻ của nó, anh chàng học hành cũng dở dang đã làm thay đổi thế giới chúng ta đang sống. Chúng tôi có đứa cháu vợ sinh quán Rạch Giá lưu lạc bên Toronto, xứ Canada mới qua chơi Bay Area.
Toàn thể 9 quận với hơn 200 thành phố quanh vịnh Cựu Kim Sơn, cháu chỉ nhớ có San Francisco, San Jose và sau cùng là Cupertino. Tại sao Cupertino? Đó là thành phố đặt bản doanh của Apple. Xem ra thế hệ mới của nhân loại ngày nay anh nào cũng biết hãng Apple.
Hiện nay cơ sở của Apple cũng đã được coi là tân kỳ nằm ở phía Tây Nam xa lộ 280. Nhưng rồi đây bản doanh mới như một phi thuyền vĩ đại hình tròn sẽ hạ cánh xuống phía Đông Bắc xa lộ 280 để trở thành tân vương quốc Apple. Từ cảm hứng của Ngũ Giác Đài, nhà tỷ phú điện tử đã lựa chọn một kiến trúc 3 tầng quay vòng tròn để làm kinh đô cho Apple. Cung điện này sẽ là nơi làm việc của 13 ngàn nhân viên với 10,000 chỗ đậu xe. Đặc điểm quan trọng nhất của Apple là tìm tòi khai phá, nên Steve đã dành 300,000 square feet làm khu vực Research. Tuy nhiên quốc vương của Apple là Steve Jobs chỉ mới được coi các công trình qua hình ảnh. Bởi vì ngày ấy của ông đã đến rồi.
Một đời bất hạnh.
Tháng 8-2011 vừa qua giám đốc công ty Apple, ông Steve Jobs loan báo trong thư từ chức gửi cộng đồng điện toán.
Thư rằng : “Tôi đã từng nói, ngày nào không còn làm tròn bổn phận, sẽ là người đầu tiên thông báo cho các bạn biết.
Thật buồn là ngày đó đã đến.”
Trong thư ông đề cử phó giám đốc lên thay và ông tự đề nghị mình vào chức chủ tịch hội đồng quản trị.
Trên thực tế, từ mấy tháng gần đây, vị phó giám đốc của Apple đã chính thức đảm đang mọi việc. Chức vụ mà ông Jobs làm chủ tịch hội đồng quản trị cũng chỉ là hình thức danh dự.
Cuộc đời ông đang ở những ngày tháng sau cùng vì bệnh ung thư gan đã đến lúc không còn cứu chữa được nữa.
Nhà tỷ phú danh tiếng nhất trong thế giới điện tử thực sự đã sống một cuộc đời bất hạnh và sự đau đớn sau cùng ngoài bệnh tật thì phải kể đến là cuộc đời vắn số. Mới ngoài 50, với sự nghiệp vĩ đại, bộ óc phi thưòng, tư duy xuất sắc và gia tài gần 10 tỷ mỹ kim, phải ra đi quả thực là đại bất hạnh.Tin sau cùng cho biết, ông đang chuẩn bị rađi.
Những phát minh vĩ đại.
Steven Paul “Steve”Jobs sinh ngày 24 tháng 2-1955. Cùng với 2 người bạn từ cuối thập niên 70 đã hoàn thành dự án thương mại với phát minh máy điện toán cá nhân Apple II. Đây là một bước tiến vĩ đại của nhân loại đi từ các máy điện toán khổng lồ IBM dùng trong quốc phòng và kỹ nghệ trở thành computer đem đến mỗi nhà. Qua đầu thập niên 80 với máy Macintosh và con chuột ra đời thì nhân loại đã thực sự bước vào thời đại điện tử. Thung lũng Santa Clara trong đó có San Jose và Cupertino đã trở thành thung lũng điện tử. Người Việt tỵ nạn không những đến từ Việt Nam, từ các trại tỵ nạn qua San Jose mà cả ngàn người từ các tiểu bang khác cũng dọn về Bắc Cali để đi làm điện. “Ở đây chồng tếch vợ ly, cùng làm một síp còn gì sướng hơn.”
Năm 1985 Steve bất đồng ý kiến với hội đồng quản trị công ty Apple bèn tách ra lập công ty mới. Sau đó ông trở thành người khai phá con đường dùng computer trong các phim hoạt họa và là thành viên của công ty Disney Land. Ông cũng trở lại làm giám đốc Apple đưa công ty này lên tột đỉnh vinh quang với nhiều sáng chế mỗi năm cho đến khi mới loan báo từ chức.
Về phương diện cá nhân Steve Jobs có gia đình, 4 con. Cư ngụ tại Palo Alto, California. Lương trung bình 1 triệu 1 năm nhưng ngoại bổng thì vô kể. Tài sản hiện tại trên 8 tỷ mỹ kim, nguồn gốc lai Trung Đông, mang quốc tịch Mỹ, theo đạo Phật.
Ra đời dưới một ngôi sao xấu.
Cậu bé Steve Jobs không phải là người thuần chủng Hoa Kỳ. Cha ruột là Abdulfattah John Jandali người Hồi giáo xứ Trung Đông Syrian. Mẹ ruột là Joanne Simpson.
Gia đình không chấp nhận cuộc hôn nhân của cha mẹ nên cô gái mang bụng bầu về sanh tại San Francsico và đem đứa con trai cho ông bà mẹ nuôi. Cha mẹ nuôi là Paul và Clara Jobs, cư ngụ tại Mt.View.
Lúc còn nhỏ cậu bé Steve học tiểu học và trung học tại Cupertino. Sau đó ghi danh học Reed College tại Portland được đúng 1 semester rồi bỏ ngang. Cuộc sống thời niên thiếu của Steve hết sức nghèo khổ. Ngủ tại sàn garage bạn bè. Đi nhặt lon bán kiếm sống và ăn cơm homeless tại chùa Hare Krihna.
Ông Jobs có lúc nói rằng nếu ông theo học đại học chăm chỉ thì không có computer Mac ra đời. Phải chăng vì hoàn cảnh sinh ra từ gia đình một di dân bất hạnh, nuôi dưỡng bởi một gia đình nghèo túng đã dẫn dắt Steve Jobs đến con đường vinh quang hiện nay.
Con người ảnh hưởng đời sống nhân loại.
Cuối thế kỷ 20 nhân loại bước vào thời đại máy điện toán cá nhân. Mọi người bắt đầu một cuộc sống khác. Cuộc sống trong thế giới ảo. Crick một cái, cả thiên đường và địa ngục hiện ra. Máy điện toán là nơi tập trung kiến thức của cả tỷ người góp lại từ cả thiên thu lịch sử. Màn hình hiện lên mọi tin tức thông thái và đem đến cả tin tức ngu dốt và rất nhiều ngộ nhận. Con đường điện toán đã có biết bao nhiêu đóng góp của thiên tài trong nhân loại. Tuy nhiên trước sau cho đến bây giờ chỉ có một người nổi bật nhất đó là Steve Jobs. Một người sắp chết. Cha không nhận con. Mẹ bỏ con một mình. Bán lon coke để lấy tiền mua coca. Ăn cơm chùa trở thành theo đạo Phật. Chỉ vì lưu lạc lang thang không có tiền học nên túng quẫn phải tìm đường trở thành thiên tài điện tử. Khi trở thành danh tiếng vang lừng thì buồng gan đã chai cứng. Khi trở thành tỷ phú thì thân thể đã tàn phai. Tiền rừng bạc bể nhưng ăn mặc vẫn như homeless muôn đời. Được cả thế giới thương yêu nhưng người thân cận làm việc bên cạnh, ai cũng nói đây là một ông chủ xấu tính nhất địa cầu. Học hành chẳng ra sao nhưng được các đại học danh tiếng thế giới mời tới để trao bằng tiến sĩ danh dự đủ loại. Và quan trọng hơn hết là đọc diễn văn để dạy dỗ cho các tân khoa cao học tốt nghiệp đủ mọi ngành.
Và bài diễn văn quan trọng nhất Steve mới đọc tại đại học Stanford có tựa đề. Các bạn sẽ đoán xem. Phải chăng là điện toán thế kỷ 21. Hay là ảnh hưởng của computer trong đời sống hiện nay. Không! Sai hết. Tựa của bài diễn văn lừng danh đó là : How to live before you die. Sống ra sao trước khi chết
Trong bài đó có những câu hỏi. Anh làm gì nếu hôm nay là ngày cuối của cuộc đời. Với mầm ung thư trong người, với hoài bão mãnh liệt suốt từ năm 15 tuổi cho đến nay 56 tuổi, người thanh niên cao lênh khênh như cây xậy đó luôn luôn là người có thẩm quyền nhất để nói về đề tài sự sống và cái chết.
Với hàng ngàn khoa học gia trẻ tuổi trên thế giới Steve là thần tượng về kỹ thuật, nhưng mọi người lại kính trọng ông về tư tưởng.
Ngày nay, không phải các chính khách lãnh tụ mới thay đổi cuộc sống. Không phải các nhà văn hóa mới làm cuộc sống thay đổi. Bây giờ là thời đại của các kỹ thuật gia làm cuộc đời chúng ta khác biệt.
Pascal đã nói:" Con người cũng chỉ là cây cỏ như muôn loài. Con người khẳng khiu như cây sậy. Nhưng con người là cây sậy có tư tưởng". Một trong những người đó là Steve Jobs. Cây sậy có tư tưởng.
Ngày của ông đã đến, nhưng thời của Steve vẫn còn mãi mãi như kinh đô Apple dưới hình dạng phi thuyền hình tròn vĩ đại sắp hạ cánh xuống Cupertino vào những năm sắp đến.
Steve sẽ không thấy được vương quốc của ông. Nhưng nhân loại sẽ có dịp thấy thành quả của quả táo cắn dở dang và đâu đó là những lon coca thu lượm lại để cho đứa bé trở thành một con người.
Thật lạ lùng khi Trung Đông nẩy sinh ra Bin Laden làm điêu đứng Hoa Kỳ. Trung Đông cũng tặng cho Mỹ quốc đứa con lạc loài Steve Jobs. Rồi đây những bà mẹ Tầu Đài Loan ở Cupertino la mắng thằng con. Mày bỏ học thì sau này thành thứ người gì? Đâu phải đứa nào bỏ học cũng thành Steve Jobs.
Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận giữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông.
Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.
Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông. Có lẽ do tích này mà vùng Bình Định (miền Trung Việt Nam) có từ "quạ làm xâu" nói về những con quạ vắng đi đâu một thời gian rồi trở về với cái đầu trọc lóc trong rất khôi hài Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra
Kính tặng chị Th.Nh và các bạn bên góc nhỏ Văn Khoa
Vào ngôi nhà nguoivankhoa, chợt thấy “góc nhỏ Văn Khoa” với ba cô nàng áo dài trắng, nón lá, xe đạp…Tự nhiên bao kỷ niệm cũ chợt ùa về vây kín cả tâm tư
Quanh quẩn mãi không thoát ra được ra khỏi ngôi nhà xưa cũ ấy, ở đường Nguyễn Trung Trực và Cường Để (cũ)…Nơi đó gói ghém mấy mươi năm hành trang kỷ niệm, không thể nào quên …
*
Hồi đó khi học xong tú tài, tôi rất thích vào Văn Khoa – cũng bởi lẽ mình học chỉ trung bình thôi – không thể nào với cao với những khoa dành cho những bạn học xuất sắc, đó là : nhất Y nhì Dược, tam Kiến , tứ Bách, ngũ Lâm …(Y khoa, Dược khoa, Kiến trúc, Bách khoa và Nông Lâm Súc )
Đó là những trường muốn vô học phải qua một kỳ thi tuyển rất khắc nghiệt . Cũng có trường phải thi tuyển như Sư phạm chẳng hạn , nhưng đó không phải là những khoa …vàng như nói ở trên .
Hồi đó vấn nạn “rớt tú tài anh đi Trung sĩ / Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con …” khiến chúng tôi đứa nào xong tú tài rồi cũng phải “chạy trường”.
Học lơ mơ là vào “Thủ Đức” ngay (Thủ Đức là trường sĩ quan bộ binh nơi chứa các cậu Tú thi hỏng tú tài 2 và hỏng đại học) !
Nguyễn Tất Nhiên có một bài thơ nhan đề là “Thà như giọt mưa” , Phạm Duy phổ thành nhạc , lúc đó đã khơi dậy bao nổi niềm của những chàng SV thi hỏng; làm tan vở bao nhiêu mối tình ; làm tiêu tan bao nhiêu ước vọng của tuổi hoa niên …(Nếu các bạn chưa hình dung hết những gì giới trẻ phải gánh chịu trong thời gian ấy các bạn có thể xem thêm entry nầy :
http://thedung1952.multiply.com/journal/item/101/101 ...Người từ trăm năm về ngang trường Luật…
người từ trăm năm về ngang trường Luật…
ta hỏng Tú Tài ta đợi ngày đi
đau lòng ta muốn khóc
đau lòng ta muốn khóc ….
(Lời bài hát Thà như giọt mưa – thơ Nguyễn tất Nhiên) SV văn khoa hồi ấy một số đông rất thích thơ Nguyễn tất Nhiên – trong đó có tôi . Và các anh chị cho rằng đó là một phenomene của thời đại .
Có ba chỗ chứa những chàng sĩ tử thi không đổ vào các khoa vàng . Đó là Khoa học đại học đường, Luật Khoa và Văn khoa.
Cũng còn một số trường không thi tuyển để thu hút những loại sĩ tử như tôi, nhưng ít SV ghi danh như đại học Đà Lạt, đại học Hòa Hảo v..v…
Trường Luật luôn là cái túi khổng lồ chứa những SV bất đắc dĩ : Chỉ ghi danh lấy giấy hoãn dịch , lấy cours về nhà học , không bắt buộc điểm danh nên rất nhiều “sinh viên” vốn là lính lác, Cảnh sát, công chức ghi danh để đó , tới mùa thi thì tụng ít bài rồi cũng lều chỏng đi thi …!
Năm thứ nhất trường có đến 3, 4 ngàn SV là con số kỷ lục ! Đến hôm thi bông mai vàng rợp cả giảng đường (hồi ấy sĩ quan từ đại úy trở xuống đeo bông mai vàng ) và các anh đi hi – nhất là thi Oral thường mặc quân phục để mong có sự chiếu cố của các thầy.
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một entry của một chị bên “góc nhỏ VK” kể rằng chị là GV, sau 30.4 chị không được xếp biên chế là GV cấp 3 , lý do bằng cử nhân của chị là cử nhân triết !!!
Tôi cũng vậy, sau 30.4 tôi bị sổ toẹt bằng cử nhân Luật và chỉ tính là có tú tài, chiếu cố cho dạy cấp 2 !!!
Người CS không khoái hai thứ văn bằng ấy và cho rằng người học những khoa đó là có đầu óc duy tâm, tiêm nhiễm tư tưởng phản động , không xài được . Nhiều thằng bạn học cử nhân tự do bên Khoa học dạy rất kém , nhưng được biên chế và lên dạy cấp 3 lương cao gần gấp rưởi tôi. cười vào mặt tôi : Cho mầy theo mấy ổng he …Lại đảng viên nữa chứ …
Mãi rất lâu , rất lâu về sau…người ta mới hết thành kiến và dị ứng với hai cái bằng Triết và Luật . Lúc đó thì bọn tôi cũng đã …già …Như con Đực của Tô Hoài ngày ngày nằm ở cổng, buồn hiu để nhớ đến một thời oanh liệt của mình .
Người CS thì giỏi nhiều thứ , nhưng về Giáo dục thì còn xơi !
*
Văn khoa thì ít SV hơn Luật, nhưng những người vào đây có chọn lọc . Đa số các bạn nữ đều là học sinh Ban C (Ban văn chương) hầu như tất cả đều ghi danh học ở Văn Khoa.
Ban C là một Ban ít người học , nên các trường nhỏ không chiêu sinh nỗi một lớp ban C ! (Tôi có một entry nói về một mối tình của tôi với một cô gái học Ban C trường Văn Học . Nếu các bạn muốn biết con gái học Ban C bay bướm, lãng mạn và độc đáo thế nào có thể đọc thêm entry nầy :
Các bạn ấy đọc rất nhiều , nói chuyện văn chương rất hay …Có nhiều sách quý của những tác giả trong và ngoài nước . Tụi tôi bên trường Luật đồn rằng muốn có sách của Sagan, của St Exupery (Vol de nuit, Citadelle, le petit Prince…), Erich Segal (Love story), J. London, Mario Puzo (The Godfather …) và v..v…thì cứ sang Văn Khoa tìm …
Tôi và một số bạn Luật yêu thích Văn Khoa, lần mò sang bên ấy chào sân các anh trai và làm quen với những bạn yêu thích văn chương …Chúng tôi xin được một số bài thơ chép tay nóng hổi - bị cấm lưu hành ngoài Bắc (Những đồi hoa sim, một số bài thơ hay của Quang Dũng, Trần Dần…); được các bạn chuyền cho những tập san bị tịch thu vì có những bài bị cho là tuyên truyền CS (Văn, Đối diện…) .
*
Thật ra hồi mới thi đậu tú tài tôi cũng rất thích văn khoa , định sang ghi danh ở đó , nhưng vì không có bạn học bên đó, không ai dẫn dắt…Mặt khác , có mấy tên bạn học cũ học bên Luật rủ sang …Tôi bèn theo các bạn ấy ghi danh học Luật ! Thật là số mệnh phải không các bạn ?
Tôi tuy học Luật, nhưng lòng lúc nào cũng yêu thích Văn khoa nên thường qua đó ngồi học dự thính những cours mình thích , nhờ các bạn mua dùm các cours hay …
Lúc ấy tôi thường qua nghe thầy Tr. giảng về văn chương Việt Nam ; Thầy Kh. giảng về Văn minh VN, GS Th.L giảng về tục ngữ phong dao …. Phải chăng các cours và những vị GS khả kính ấy có sức hấp dẫn tôi khăn gói quả mướp sang đó ngồi nghe ? Chưa hẳn là vậy !
Lý do tôi sẽ nói liền ra đây và cũng thú thật nó đã làm cho tôi trở thành “người Văn Khoa” một thời, thưở còn thanh xuân đầy mộng mơ và ước vọng …!
Số là một hôm tôi “lén” vào học ké giờ giờ thầy Tr. Giảng đường nhỏ, SV đông …tôi len lỏi tìm chỗ ngồi thì một bạn nữ nhường cho tôi ghế bên ngoài, bạn ấy vào ngồi ghế trong .
Tôi cám ơn và ngồi xuống ghế ấy . Sau buổi học đó chúng tôi quen nhau .
Tôi và Thu – tên của nàng – quen nhau một cách tình cờ và đơn giản như vậy , nhưng về sau tôi lăn lóc bởi yêu thương với biết bao điều trắc trở suýt làm hỏng cả một cuộc đời !
Tuy nói là tình cờ, nhưng nếu Thu không phải là Thu mà là một người con gái kênh kiệu, đỏng đảnh khác , đa nghi, và không có chút tình người trong giảng đường hôm ấy thì chúng tôi không thể quen nhau .
Vì Thu có một tấm tình với tôi như vậy nên nhiều lúc chúng tôi suýt chia tay, nhưng mãi còn vướng vít …không thể xa lìa nàng … *
Trường luật và văn Khoa có cam kết với nhau là SV luật đậu cử nhân xong , nếu sang Văn khoa học sẽ được miễn học năm dự bị .
Năm đó tôi học năm thứ 4 Luật Ban Kinh tế thì tôi quen với Thu . Lúc ấyThu đang học năm thứ 3 ban việt Hán .
Tôi sang Văn khoa học dự thính , nhưng thật ra động cơ chính là để gặp Thu . Đó là những ngày vàng son của tuổi trẻ .
Thu thường đi sớm để giữ cho tôi một chỗ, nhưng đôi khi chúng tôi không được ngồi gần nhau mà phải người ngồi trên kẻ dưới , bắt buộc chúng tôi phải “bút đàm” với nhau .
- …..
THU : Chút hết giờ mình đến Givral ăn kem nhé ?
Tôi hơi bối rối, vì trong túi có rất ít tiền , chắc chắn là sẽ không kham nỗi một chầu, dù là café thường, vì Givral có giá đắt lắm , SV nghèo như bọn tôi chưa bao giờ dám bén mảng đến đó .
TÔI : Anh hơi bị kẹt Thu ơi !...
THU : Hổng sao đâu anh…để em tính . Mình rủ thêm Trúc Anh và Thu Hà nữa nghen ?
TÔI : Tính đưa kẻ kiết xác nầy vào rọ phỏng ?
THU : Đã bảo đừng có lo mà …Để đó cho em …
Chầu café kem gần tàn thì Thu liếc tôi và nháy mắt . Em lòn tay dưới gầm bàn khéo léo chuyển tiền cho tôi , chợt tình cờ đụng phải bàn tay mềm mại của em , lòng tôi rung lên một niềm xúc cảm mãnh liệt…
…Nhiều năm sau…dư vị mềm mại của bàn tay ấy và sự chu đáo của Thu vẫn còn đọng mãi trong tôi…
Bố Thu là công chức cao cấp của một Bộ rất béo bỡ nên nhà em rất giàu , Tôi thường thấy em được xe hơi đưa đi học trong những ngày trời mưa …
Nhưng thường Thu vẫn giữ nguyên nét đẹp của nữ sinh Gia Long thời xưa : Áo dài trắng, nón lá che nghiêng đạp xe đầm đi học .
Hình minh họa của bên góc Văn Khoa
…Nhiều buổi tan học chiều, chúng tôi đạp xe song song dưới những hàng cây rợp bóng …Trần Quý Cáp (nay là Võ văn Tần) Duy Tân … Chỉ có Nguyễn Trung Trực là khó vô vì đường Tự Do cấm xe đạp lưu thông.
Nhiều lúc chạy xe song song với nhau trên một đoạn đường dài, chúng tôi không nói với nhau câu nào …nhưng trong lòng chúng tôi có biết bao điều muốn nói với nhau …
Tôi và Thu chưa ai nói tiếng YÊU , chưa một lần nắm tay nhau…nhưng với chúng tôi, tình yêu còn lớn hơn biết bao những lời nói ấy …
Một hôm trong giờ giải lao trên giảng đường , tôi viết gởi cho Thu mấy câu thơ :
Một chiều mây ám mưa tuông Anh đau anh thác em buồn chăng em ? Có buồn ngày ấy xin đem Bài thơ tình cũ mà xem đoạn nầy Anh yêu em mãi đến ngày Hồn anh theo cánh chim bay về trời …
Và Thu trả lời :
… Ngàn năm một dạ người ơi ! Trăm năm em hứa một lời đinh ninh Ngày nào còn chuyện chúng mình Em còn ghi tạc chuyện tình đôi ta …
Đó là mấy câu thơ duy nhất được chúng tôi trao cho nhau như một lời hẹn hò đinh ninh, son sắt của một chàng không phải xuất thân từ Văn Khoa với một cô gái Văn Khoa trên giảng đường !
*
Ngày 30 tháng 4 !
Một biến cố lớn lao trong lịch sử của dân tộc ta làm cho nhiều gia đình đã rời quê hương đi đến xứ người . Trong đó có gia đình của Thu .
Cánh nhạn bặt tin từ đó .
Tôi không biết Thu ở đâu ? Còn, Mất , Sống ra sao ?...
Mới đây, một người bạn cho tôi biết có tin của Thu . Em đang ở Cali . Em nói năm nay sẽ về thăm Văn Khoa và bạn cũ …
Bạn cũ nào ? Không biết trong đó có tôi không ?
…và không biết bây giờ Thu còn đạp xe nổi song song với tôi đi hết con đường Trần quý Cáp hay không ?
Thu ơi ! Văn Khoa ơi ! Biết đến bao giờ gặp lại nhau ? Những kỷ niệm ngày xa xưa ấy có còn đọng lại trong em chút nào không hở em ?
Còn tôi ? Ngày ấy – bây giờ vẫn một tâm tình như trước 75 .
Ta về ngang nẽo Văn Khoa , Lòng ôi thương nhớ người xa chưa về !!
Mẹ tôi chỉ có một mắt. Tôi ghét bà ấy...vì bà chỉ gây khó khăn bối rối chotôi.
Bà làm nghề nấu ăn cho học sinh và thầy cô giáo để nuôi sống gia đình.
Có một ngày ở trường tiểu học, mẹ tôi đã đến thăm tôi. Tôi thật bối rối.
Tại sao bà ấy có thể làm chuyện này đối với tôi? Tôi không muốn biết đến bà ấy. Tôi nhìn bà bằng đôi mắt thù hận và bỏ chạy ra ngoài.
Ngày hôm sau ở trường, một đứa bạn học cùnglớp đã nói với tôi: “Ê...mẹ mày chột mắt”.
Tôi chỉ muốn độn thổ và muốn mẹ tôi biến đi.
Hôm đó về nhà chạm trán với bà, tôi đã nói: “Nếu mẹ chỉ làm trò cười cho mọi người đối với con, sao mẹ không chết đi cho rồi?”
Mẹ tôi không trả lời...
Tôi không thể ngừng lại một giây để suy nghĩ tại sao tôi lại nói với mẹ như vậy, bởi vì trong lòng tôi tràn ngập sự giận dữ. Lời nói của tôi đã làm bà sững sờ.
Tôi muốn rời khỏi căn nhà đó và không còn muốn dính dáng gì với mẹ tôi nữa.
Vì thế, tôi ra sức học hành để được xuất ngoại du học ở nước ngoài.
Sau đó,tôi lấy vợ,tậu nhà riêng và có con cái.
Tôi đã sống một cuộc đời hạnh phúc với các con tôi, thật là thoải mái.
Một ngày nọ, mẹ tôi đến thăm tôi.
Đã nhiều năm, mẹ không gặp tôi và chưa hề biết mặt các cháu nội.
Khi mẹ tôi đến trước cửa nhà, các con tôi trông thấy đã cùng cười chế nhạo.
Tôi la lối mẹ tôi sao không mời cũng đến.
Tôi đã hét vào mặt mẹ tôi: “Tại sao bà dám đến nhà tôi, làm cho các con tôi sợ?
Hãy cút đi khỏi đây, ngay bây giờ!”
Mẹ tôi nghe thế, chỉ lẳng lặng trả lời: “Ô, xin lỗi. Tôi đã lầm địa chỉ”.
Rồi bà đi mất dạng.
Một ngày kia, tôi nhận được thư mời đến tham dự ngày Hội Ngộ của trường cũ.
Tôi nói dối vợ phải đi công tác kinh doanh.
Sau buổi Hội Ngộ, tôi tò mò ghé qua căn nhà cũ nơi mẹ tôi ở. Người hàng xóm cho biết, mẹ tôi đã chết. Mắt tôi ráo hoảnh không hề tỏ ra một chút tiếc thương.
Họ đưa cho tôi một lá thư, nói rằng của mẹ tôi muốn trao cho tôi. Lá thư viết rằng:
“Con trai yêu quí nhất đời của mẹ,Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con.
Mẹ xin lỗi đã đến nhà con và đã làm cho sắp nhỏ sợ hãi.
Mẹ rất vui mừng khi hay biết con sẽ đến tham dự ngày Hội Ngộ.
Nhưng mẹ bị bệnh nằm liệt giường, không thể dậy để đến thăm con.
Mẹ cũng xin lỗi, đã thường làm con phải bối rối khó chịu khi lớn lên.
Con biết không, khi còn rất nhỏ con đã bị tai nạn và mất đi một con mắt.
Là một bà mẹ, không ai có thể đứng nhìn con mình lớn lên tàn tật, chột mắt, nên mẹ đã tặng một con mắt của mẹ cho con.
Mẹ rất hãnh diện được thấy con trai mẹ đã thay mẹ nhìn được toàn vẹn thế giới mới trong đó có một con mắt của mẹ.
Với tất cả tình yêu thương của mẹ.
Mẹ của con”
(Trích: Tuyển Tập Những Câu Chuyện về Luân Lý Đức Hạnh)
Tôi rất thích nghe nhạc , nhưng bắt đầu từ lúc bé thơ tôi chỉ nghe vu vơ vài bản nhạc dân ca trên radio; rồi nghe các anh chị hát thuộc lòng một số bài hát dân gian, nghe chị tôi hát những bài hát mà hồi đó người ta gọi là nhạc cải cách …
Nhưng bài hát nầy không phải là hay cho lắm , nhưng nó đã ăn sâu vào tâm não của tôi nên mỗi lần nghe lại như có âm hưởng của quê nhà của tiếng chày giã gạo , của tiếng kẽo kẹt võng đưa trong những buổi trưa hè ; của ánh trăng bàng bạc trên sông , xa xa có tiếng chó sũa vu vơ …
Những thứ ấy nung đúc tâm hồn tôi khiến cho tôi sau nầy có một cách thưởng thức âm nhạc khác những bạn cùng thời . Có lẽ từ buổi thiếu thời, thuở ấu thơ nhưng âm hưởng đó đã hằng sâu vào tâm khảm của tôi .
Ngày nay , người ta còn lấy nhạc cổ điển cho bé nghe lúc mẹ còn đang mang thai bé …(Link)
Trong giấc ngủ tôi đã từng nghe chị tôi hát những bài nhạc cải cách ấy và giấc ngủ cô miên vẫn còn mãi ghi nhớ sâu đậm những âm điệu ngọt ngào của thời niên thiếu
“Đêm nay thu sang cùng heo may … “ Đêm nay sương lam mờ chân mây…” (Con thuyền không bến)
Hoặc :
“ Lệnh vua hành quân trống kêu dồn … “ Quan với quân lên đường …” (Hòn vọng phu)
Hay :
“ Quê hương anh nước mặn đồng chua … “ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá …” (Tình đồng chí)
Mãi về sau…Lâu lắm về sau , mỗi khi nghe lại những bản nhạc nầy hồn tôi đi ngược về thời gian ấy , dù nghèo khó , gian khổ nhưng rất đẹp đẽ , thân thương …và tâm trí tôi, đời sống âm nhạc của tôi không bao giờ thoát khỏi những âm ba ngày ấy .
*
Khi thằng cháu tôi bắt đầu biết nghe nhạc , biết thích những lời ru của mẹ hay bà nó …thì tôi chợt nhớ đến những gì tôi đã nghe được hồi thơ ấu …
Nhưng mẹ của bé là dân Ýe Ýe không biết hát những bài nhạc dân ca và tình ca , còn bà nó thì hát ru rất kém, bà chỉ biết có vài câu ru , hát đi hát lại thằng bé không chịu ngủ …
Tôi hỏi : Bà có biết bài Gạo trắng trăng thanh không ? Biết bài Trăng rụng xuống cầu, Hòn vọng phu, Duyên quê …không ?
Bà của bé nói biết , nhưng khi hát bài Gạo trắng trăng thanh bà thưởng quên lời và chỉ ư e theo giọng nhạc …” Ti ti ti…ti tì ti…ti tí ti ti ti tì ti ti …”(trong đêm trăng , tiếng chày khua ta hát vang trong đêm trường mênh mang …”) .
Một thời gian sau, khi bé biết nói , một hôm chúa nhật tôi ở nhà , đem bé lên võng đưa ngủ , bé kêu tôi hát bài ti ti…(?) Tôi đớ người ra , sau mới biết đó là bài Gạo trắng trăng thanh . Và tôi hiếu ..:âm thanh “ti ti ti…” … đã ăn sâu vào tâm hồn thằng bé …
Khi thằng bé được 3, 4 tuổi tôi tạo cho nó một Folder trong máy tính với tiêu đề là nhạc Bin (Bin là tên thân mật gọi trong nhà) và mở cho nó nghe .
Khi nó được 4 tuổi nó biết chọn thời gian để nghe nhạc . Ví dụ nhà có khách hay đang mở TV thì không bao giờ nó xin mở nhạc để nghe …
Đặc biệt là trong giấc ngủ trưa, vào những ngày nghỉ học khi tôi đưa nó trên võng thì tằng bé đều xin tôi mở nhạc bằng điện thoại cho nó nghe và thường chỉ nghe 1,2 bài là thằng bé chìm vào giấc ngủ cô miên .
Tôi nhìn vẻ mặt thằng bé trong giấc ngủ say như phản phất một nét cười tươi, như có một nỗi vui mừng trên gương mặt thơ ngây của nó …
Hình như những âm thanh quen thuộc nầy vẫn còn vương vấn lấy nó trong giấc ngủ say …bởi tôi thử tắt nhạc thì nó liền mở mắt ra . Tôi biết rằng nó vẫn còn NGHE , nên tiếp tục mở lại …
Và trong nhà tôi, dòng “nhạc Bin” cũng có ảnh hưởng rất nhiều đến mọi người .
Đối với Bin, khi nghe bất cứ bản nhạc nào khác không phải là “nhạc Bin” nó đều không thích , và thường bỏ đi chỗ khác . Tôi muốn bổ sung một bài hát vào list nhạc của nó cũng lắm công phu …dẫn dụ cho nó nghe và thích một bài không phải dễ …
Dòng nhạc dân ca , Tình ca xưa với âm điệu Rumba, Bolero đã ru ngủ thằng bé trong thời thơ ấu đã un đúc cho nó một tâm hồn đậm sắc màu quê hương đầy hoa thơm cỏ lạ …với cánh đồng lúa vàng , với cánh cò điểm xuyết trên bầu trời hoặc ánh trăng soi trên dòng sông có gợn sóng nhấp nhô …mà Hoàng Thi Thơ gọi là “Trăng rụng xuống cầu …” Rồi trên dòng sông rắc bao nhiêu ánh vàng ấy , giọng hò lơ với câu thơ lục bát hay mái chèo điểm nhẹ trên sông vắng với giọng hò khoan làm mê hồn người …
Khi thằng bé có chuyện không vui như bị rầy hay làm mất đồ chơi …tôi thường dẫn dụ nó :” Nghe nhạc Bin không ?” …và sau vài bản là thằng bé vui vẻ lại ngay …
*
Thử nghiệm của tôi trên bản thân mình và trên thế hệ thứ ba đã có những kết quả bước đầu . Tuy nhiên , đối với thằng Bin , về sau tâm hồn nó thế nào ? nó thưởng thức âm nhạc ra sao ? tôi chưa biết . Bởi ngoài nỗ lực của gia đình và bản thân , nó phải sống trong một xã hội bát nháo…rồi thầy cô và bạn bè của nó nữa cũng ảnh hưởng tới nó không ít . Tôi không biết về sau thằng bé sẽ ra sao ?
Nhưng khi người ta cho thai nhi nghe nhạc cổ điển thì kết quả không thể đo đếm được , nhưng người ta biết chắc rằng tốt.
Sự việc phát triển có tính cách thầm lặng hơn , bởi chúng tôi ở riêng đã lâu và có công ăn việc làm tương đối ổn định .
Tôi ở tận Thành Phố Hồ Chí Minh nên hễ có dịp là Ba tôi viết thơ cho tôi . Thơ thường chỉ là hỏi han , dặn dò , khuyên bảo … Ít khi Ba tôi tâm sự với tôi về những chuyện trong nhà , những điều Người quan tâm, lo nghĩ …
Song, có lần tôi nhận được một lá thơ của ông , đọc xong tôi khóc mấy ngày liền …
"Bao thơ" của người già...
Nhưng lúc đó tôi đang bị chuyển công tác , nhà rất nghèo , tôi không làm sao tìm được tiền để đi xe về quê thăm ông …
Ba tôi là một người cha kín đáo , rắn rõi , chúng tôi ít khi nào thấy ông khóc ; nhìn bên ngoài chúng tôi cũng ít khi nào thấy ông biểu hiện tình yêu thương các con một cách lộ liễu.
Thế mà hôm đó tôi lại được cái thơ nầy !
Lòng tôi xao xuyến bâng khuân khôn tả . Những chuyện vui buồn của cuộc đời đâu còn có nghĩa gì nữa ! Đột nhiên tôi thấy mình còn bé bỏng như những ngày xưa , sống dưới mái nhà êm ấm , mọi việc đều đã có Người !
Trong tất cả anh chị em tôi chắc không có ai được một bức thư như thế . Tôi không biết làm sao nói hết với các anh chị em rằng chúng tôi có một tình thương như vậy ở một người cha mà có thể vì thiếu tinh tế nên chúng tôi không cảm nhận được . Nhưng mà anh chị em tôi có biết điều ấy hay chưa ? Hay là chỉ có mình tôi đến giờ tôi mới biết ?
Kể từ ngày ấy những chuyến phà chở tôi từ bắc Bình Minh sang đã chứa một trái tim nóng bỏng , đập rộn ràng như những ngày tôi về quê lúc mẹ tôi còn sinh tiền - và tôi cũng bỏ xe từ bên kia bắc Bình Minh , đi xe ôm một mạch về nhà …
Anh Hai tôi thì may mắn hơn tôi và tư Hùng vì được ở gần Người . Lúc nào thấy nhớ thì vô thăm . Niềm hạnh phúc đó thật là vô giá .
Còn tôi và tư Hùng thì đi làm ăn xa. dù có nhớ nhà cũng không thể nào đến được liền như ý muốn .
Mấy lâu nay tôi cùng đi xuống Nhu Gia làm ăn với anh Tư tôi . Nhu Gia chỉ cách Cần Thơ 15.000 đồng tiền đò , xe . Song mấy tháng qua tôi cũng ít có dịp về thăm Người . Công việc cứ cột tôi mãi lại nơi nầy .
Có những buổi chiều rán vàng lên đỏ cả chân trời , tôi ngồi trước Trại một mình nghe thời gian và không gian tĩnh mịt đi vào buổi chiều hôm … Có tiếng những con nhái bầu kêu nhắc nhen đều đều trong buổi hoàng hôn ; tiếng con cúm núm gọi bạn xa xa … và đôi khi con bìm bịp kêu nước lớn …
Cảnh trời chiều làm cho tôi nhớ Cần Thơ, nhớ Ba tôi da diết , thổn thức cả con tim . Song nỗi cô đơn trong lòng và những giọt nước mắt chảy dài trên má tôi cũng không thể giúp tôi gặp được Người !
Màn đêm dần xuống bao phủ cả không gian , nhưng tôi như trong một tâm trạng hôn mê , không ý thức được những gì xảy ra trong thực tế … và tôi vẫn ngồi đó để mặc cho tâm hồn dẫn dắt đi thơ thẫn về con đường nhựa vào nhà Khải với một chút ảo vọng sẽ gặp được ông Khách Bán Cừ năm xưa để cho lòng tôi vơi bớt nỗi nhớ thương và Người ấy cũng được mừng vui khi gặp lại đứa con ở một phương trời xa đã lâu rồi nó chẳng về thăm …
Nhưng rồi đàn muỗi hằng vạn con xông vào cắn tôi đau buốt tôi mới choàng tỉnh mộng : thì ra tôi vẫn còn ngồi tại Phú Hưng ! Chuyện về thăm Người trong lúc ấy chỉ là ảo mộng !
Tôi không biết tại sao từ khi mẹ tôi mất đi thì trong tâm linh tôi hay có nhiều ảo vọng và ảo tưởng như vậy . Kể cả những bài thơ tôi viết cho các anh chị em tôi : Thơ cho Chị :
Chị về chị có nhớ chăng ? Em về em nhớ ngàn năm nụ cười , Giờ đây vật đổi sao dời , thì thôi chỉ gặp lại Người trong mơ !...
Thơ cho PHƯỢNG :
Em về em có trông chờ , Gặp người năm cũ bao giờ chăng em ? Thì thôi, thao thức qua đêm , Đành mơ bóng cũ qua rèm song thưa …
Thơ cho tư HÙNG :
Anh về sớm nắng chiều mưa , Có bao giờ thấy Người vừa đâu đây ? Ôi xa cách bấy nhiêu ngày, Mà anh có thấy sao dài thiên thu ?
Thơ cho ANH HAI :
Chiều nay anh ghé qua đây , Nhớ hình bóng cũ ngày nầy chăng anh ? Cảnh nhà cô quạnh buồn tênh , Tìm đâu lại thuở ngày xanh năm nào , Em về em ngỡ chiêm bao , Nhớ Người như vẫn hôm nào còn đây … Tưởng như vẫn được sum vầy , Rồi tan giấc mộng lòng đầy đau thương !
*
Sự vô vọng , tuyệt vọng sẽ sinh ra ảo tưởng và ảo vọng . Song ảo tưởng và ảo vọng đôi khi cũng nuôi nấng lên thành niềm hy vọng . Tôi sẽ chứng minh rằng ảo vọng có nhiều khả năng thành hy vọng .
Trong hồi ký nầy có nhiều đoạn tôi nói những chuyện về mẹ tôi . Phải chăng tôi đã lạc đề ? Không hẳn là như vậy, bởi những chuyện gì ở Ba tôi đều có những mối quan hệ lôgic đến Mẹ tôi . Đó là mối quan hệ tất yếu không thể tách rời được .
Cũng vậy , những chuyện về ảo tưởng , ảo vọng và hy vọng tôi vừa đề cập ở trên thật ra cũng có nhiều quan hệ nhân quả .
Nhà tôi ở Thành Phố thuộc khu dân cư , chung quanh hoàn toàn không có cây cối , song đã có hai lần : một lần vào năm 1989 và một lần vào năm 1994, ban đêm có một con bướm rất to bay vào nhà … Bướm bay lượn lờ , đậu chỗ nầy một chút , chỗ kia một chút và sau cùng đậu lên bát hương thờ mẹ tôi !
Bọn trẻ tắt hết quạt trần và kháo nhau rằng bà nội về thăm ! Chúng đốt nhang và van vái Bà …
Sáng hôm sau thì bướm đi đâu không biết , song cả hai lần đều có một kết quả như nhau là hôm sau Ba tôi lên Sài Gòn !
Tôi là một người không tin chuyện dị đoan , song tôi tự hỏi : Phải chăng không thể phủ nhận rằng có một chút gì đó trong chuyện nầy ?
Một lần khác , khoản năm 1997, tôi nằm mơ thấy mẹ tôi. Tôi không thấy được gương mặt Người , chỉ thấy dáng mẹ tôi mặc cái áo màu tro quen thuộc và trong mộng tôi biết rằng mẹ nói lên Sài Gòn thăm chúng tôi …
Sáng ra tôi nói với cả nhà rằng tôi mơ thấy Bà Nội lên thăm và chiều nay mình sẽ làm cơm cúng Bà …
Tôi cũng không chờ đợi một điều gì cả . Song đến khoản 9 giờ khi tôi đang làm việc trong sở thì được điện thoại của thằng cháu - con chị tôi - báo rằng Ba tôi vừa lên tới !
Lòng tôi run lên một cảm giác kỳ lạ xao xuyến , bâng khuâng… Tôi nhìn quanh quất và nghĩ rằng mẹ tôi đang hiện hữu đâu đây !
Ôi ! Phải chăng Nguyễn Du nói đúng …"Sống là thể phách, thác còn tinh anh " ?
Về chuyện con Bướm thì trong gia đình tôi cũng đã xảy ra mấy vụ , và ai cũng tin rằng có một cái gì đó không thể nào giải thích được .
Riêng đối với tôi thì sau ba lần đó tôi đã nghĩ mãi về Người và tôi tin rằng Người không thể nào quên được chúng tôi và ông Khách Bán Cừ . Không quên được thì càng vấn vít và giữa sự sống , cái chết sẽ không còn ranh giới nữa ! Sự trở về thăm những người thân thương của người đã chết là một tất yếu hoàn toàn có thể xảy ra .
Mẹ ơi ! chúng con vẫn cầu mong cho mẹ được an giấc ngàn thu , nhưng sao chúng con vẫn hy vọng là có mẹ về thăm chúng con …
… Và hôm nay con chỉ mơ mộng về thăm người Khách Bán Cừ thôi mẹ ạ ! vì bây giờ trời tối rồi mà con còn ngồi ở đây thì không làm sao đi được dù con rất nhớ Người ấy . Còn mẹ? Hôm nay mẹ có hóa thân làm bướm về thăm ngưởi ấy không hở mẹ?
Suốt tuần tôi chỉ chờ ngày thứ bảy là ngày Khải xuống, để có một chút tin tức vế Người - và y như một đứa trẻ trông mẹ đi chợ về , lúc nào tôi cũng có quà của ba tôi . Quà quý nhất là báo cũ .
Ở cái chợ Nhu Gia có đến 12 tiệm bán vàng nhưng chỉ có một sạp nhỏ bán báo và chỉ bán có hai thứ tạp chí rẽ tiền!
Có lần ông còn cậm cụi làm gởi cho tôi món lỗ tai heo xào với mắm ruốt ngon tuyệt ; rồi tôi còn nhận được mền , vớ, áo dài tay , bánh Trung thu, trà …
Tôi xếp từng món ra và cảm thấy lòng rưng rưng muốn khóc khi biết mỗi thứ quà đó là biểu hiện sự suy nghĩ hằng ngày của Ba tôi về cuộc sống của tôi ở nơi khỉ ho cò gáy nầy . Những sự tưởng tượng phong phú ấy đều đúng cả . Có lẽ ông nghĩ rằng giờ đây tôi thiếu rất nhiều thứ và với tấm lòng thương con, Người muốn bù đấp một chút gì đó cho đứa con mà vì mưu sinh phải bỏ lại tất cả những tiện nghi của cuộc sống ở thị thành , gia đình , người thân, bạn hữu … để đến chốn đồng không mông quạnh nầy .
Nhưng thương và lo cho một đứa thì làm sao cho đủ . Trong khi mỗi đứa trong chúng tôi đều có những vấn đề bức xúc riêng , và đặc biệt năm nay , anh chị em chúng tôi có nhiều biến động trong cuộc sống .
Anh Hai thì quá tuổi hưu đã lâu nhưng vẫn phải cày . Con cái của anh cũng không được như ý . Món nợ ngân hàng chưa có phương cách trả . Chuyện nhà của anh có nhiều lúc làm cho Ba tôi ưu tư không ít .
Chị Ba tôi thì vẫn còn công nợ ; cuối năm lại phải cưới vợ cho thằng con út . Trong đám con của chị , Ba tôi cũng đã nhiều phen gia công khuyên bảo chúng , song Ba tôi cũng thấy rằng số phần của chị tôi là phải cực khổ như vậy . Bao cấp cho con là truyền thống của cả nhà tôi thì còn sửa làm sao được !
Anh Tư tôi thì đã bán cái vuông tôm ở Cà Mau , bán nhà, bán nền thổ cư … và kéo tôi về cùng làm một cái vuông tôm ở Sóc Trăng , chuyến nầy mà thua thì không còn chỗ dung thân .
Làm vuông tôm thì ì xèo cả nước chứ không phải riêng gì chúng tôi : người phất lên thì kiếm mấy trăm triệu một cách dễ dàng ; kẻ thua lỗ thì tiêu tan cả sự sản : Bán đất, cầm nhà…
Trước một sự thử thách như vậy cho cả hai gia đình : anh và tôi , thì tâm trạng của ba tôi dĩ nhiên là rất căng thẳng . Chúng tôi hiểu được ý ông nên luôn luôn phải sống lạc quan để động viên Người , tránh cho ba tôi những chuyện lo lắng vô ích . Chị thứ năm tuy có cơ ngơi làm ăn mới , không còn la lết ở vĩa hè kiếm sống , có nhà tình nghĩa để ở … Song Chị cũng là một trong những người nợ nần như Chúa Chổm .
Cô em thứ Bảy thì làm ăn kém hơn trước , chồng sắp về hưu nên cũng tính mở con đường làm ăn mới : cùng đi nuôi tôm với tụi tôi .
Cô em thứ Tám thì ốm quắc queo , hoàn cảnh kinh tế chưa có lối ra .
Cô Chín và Út cũng đang có nhiều thay đổi trong cuộc sống .
Nhìn chung , chúng tôi đều sẽ có những biến chuyển lớn lao trong năm nay, bởi chúng tôi cũng lên hàng 5 hàng 6… cả rồi . Tuổi hưu đến thì ắc phải có nhiều thay đổi trong cuộc sống , đó là chuyện tất nhiên .
Chuyện nuôi tôm của chúng tôi là ồn ào hơn cả . Nó có ảnh hưởng lớn đến ba tôi vì ông đang ở nhà cô Bảy .
Thêm nữa , những thông tin không tốt lành về những người nuôi tôm cũng làm cho ba tôi lo lắng không yên .
Người già thường bị hạn chế bởi ba vấn đề lớn làm bế tắt cuộc sống , đó là :
- Thông tin ,
- Thực tế của cuộc sống và sự xê dịch ,
- Thu nhập và phân bổ .
Khi người già không được cung cấp một thông tin nào, khi họ không biết được những thực tế của cuộc sống , không đi ra ngoài được , không có thu nhập - không có tiền - thì coi như người đó bị tách rời khỏi môi trường xã hội và cuộc sống đối với họ chỉ còn là đời sống thừa , buồn nản , u uất … Mọi tình cảm đối với gia đình, con cháu không còn nữa .
Chúng tôi đi nuôi tôm ở Nhu Gia là một đề tài lớn của đại gia đình , song ba tôi cũng không đủ thông tin , và do đường đi quá nhiêu khê nên chúng tôi chưa rước ông xuống tham quan , do đó những gì ông biết được cũng chỉ do chúng tôi mô tả mà thôi .
Có lần Ba tôi hỏi Khải : "Ba nghe nói nhà Hùng cất bị lún và vừa rồi tụi nó nói sẽ sửa lại , nhưng sửa thế nào ?
Khải nói là không rõ , nên một lần về thăm tôi phải nói rõ cách sửa chữa cho ông biết . Lúc nào chúng tôi cũng cố gắng cung cấp những thông tin mà ông quan tâm .
Nhìn những chữ mà ông gởi xuống , tôi nghĩ đó là những suy nghĩ , trăn trở của một người cha rất thương con , song tuổi già , sức yếu , dù có lo âu , thương xót đến đâu thì cũng chỉ lo được đến chừng ấy mà thôi ! Quà tuy có ít , song thật ra nó nhiều vô kể . Bởi vì đối với chúng tôi thì vấn đề không phải là vật chất mà là tấm lòng thương con mênh mông của đấng sinh thành. * Năm 1981 , một trong những năm đặc biệt khó khăn của thời kỳ bao cấp . Đất nước ta còn quá nghèo lại vướng vào cuộc chiến tranh với bọn Miên . Cũng năm đó tôi bị "vở kế hoạch" , sinh ra thêm một đứa con nữa !
Nhà ở Cần Thơ cũng nghèo , ăn gạo Tổ với rất nhiều bông cỏ . Song mẹ tôi cũng ráng kiếm đâu ra đưỡc mấy ký nếp và cùng Ba tôi lên Thành Phố, nói rằng để nấu chè ăn đầy tháng cho cháu .
Câu đầu tiên mẹ tôi nói là gần đây bà mất ngủ vì quá lo cho bọn trên nầy - gồm nhà chị tôi, nhà Phượng và nhà tôi - Trong đó chuyện lo nhất là bà tưởng tượng tôi cứ phóng thẳng cái xe vespa từ trong hẽm ra đường, có ngày gặp tai nạn ! … và Ba tôi nói rằn đó là một trong những cái cớ mà mẹ tôi cứ chèo kéo ông phải đi gấp lên Sài Gòn !
Hai người với lý do đem một ít nếp lên ăn đám đầy tháng cho cháu và khuyến cáo tôi không được lái xe ẩu … đã xếp hàng mua giấy xe đi Sài Gòn . Phải chăng đó là những động cơ khiến Ba Má tôi ngồi 168 cây số đường xe đi lên Thành Phố Hồ Chí Minh ?
Tôi không biết, vì tôi không có cái cảnh xa con như vậy .
Song mãi cho đến bây giờ - đã 18 năm qua - mỗi lần tôi phóng xe chạy ẩu tôi đều nhớ đến mẹ tôi và nổi lo âu của Người ngày đó . Lập tức tôi thấy lòng dịu lại với một cảm giác êm đềm khôn tả và tôi cho xe từ từ chạy chậm lại…trong lúc ký ức lại quay về với câu chuyện ngày xưa …
Rất lâu lắm ...mãi sau nầy mới có một người luôn nhắc nhỡ tôi chạy xe cẩn thận mỗi khi tôi chạy xe ra đường ...
Một thời hạnh phúc đó rồi cũng đã đi qua , không bao giờ còn quay về được nữa … tiếc thương cho lắm rồi thì cũng chỉ là mơ mộng hảo huyền mà thôi!
Bây giờ Mẹ tôi không còn nữa; Ba tôi thì đã già hơn lúc ấy rất nhiều , mỗi chuyến đi lên Thành Phố Hồ Chí Minh của Người đã có những vấn đề khó khăn . Ông chỉ có một cớ duy nhất là đi khám bệnh ; không có lần nào ông nói đi Thành Phố là để thăm chúng tôi . Nhưng tôi thấy ông đâu có bệnh gì phải cần đi bác sĩ ? Những chuyến đi của ông tôi thấy có bóng dáng của chuyến đi ngày xưa với Mẹ tôi … Tôi không rõ Chị tôi, Phượng và các anh em có nghĩ như tôi không ?
Hôm nay Thứ Ba 16/10 , tôi đang ở Thành Phố Hồ Chí Minh và tôi hẹn với chị tôi thứ Bảy nầy sẽ về Cần Thơ thăm Người .
Và tôi thấy hạnh phúc xiết bao với nỗi trông chờ : trễ lắm là chiều ngày thứ Bảy nầy tôi sẽ đặt chân lên bến Bắc Bình Minh …
* Khoảng năm 50 , Bà Ngoại tôi vì quá nhớ bọn tôi đã mướn người chèo ghe chở Bà từ Long Bình xuống Láng Dài tìm thăm . Bà đem xuống cho chúng tôi rất nhiều quà ở miệt vườn như chuối khô, mứt , kẹo … Trong đó tôi rất ngạc nhiên là có một số mo cau và gáo dừa !
Hồi đó chúng tôi đã cười Bà : đi chiếc xuồng chèo có mui chật chội rong rũi hằng mấy trăm cây số , trong mui lại còn chở mo cau , gáo dừa !
Đến bây giờ tôi mới hiểu .
Chuyện đó đâu phải là mo cau hay gáo dừa ? mà đó là trái tim vĩ đại của Mẹ , của Bà … Và tôi thấy các chị , em tôi đối với con và cháu cũng không khác gì Bà và Mẹ tôi ngày trước … Đó là một trong những bí mật của trái tim , nó chỉ có lời giải đáp khi người ta có con , có cháu …
Hôm thứ Bảy tuần trước , khi soạn số đồ Ba tôi gởi xuống , tôi không sao cầm được nước mắt .
Cũng giống như Ngoại tôi đem mo cau, gáo dừa xuống Láng Dài năm xưa … Ba tôi cũng gởi cho tôi những gì mà Người suy nghĩ về cuộc sống hiện tại của chúng tôi .
Giờ đây ngồi nhìn các món quà, tôi quên hết mọi chuyện riêng tư , quên hết mọi chuyện đắng cay chua xót của quảng đời qua - chuyện gì cũng là chuyện nhỏ , không quan trọng - chỉ còn lại trong trái tim một niềm hạnh phúc vô biên không có thứ gì sánh nổi !
Nhà sư Thiện Minh nói rằng :"Tình thương của người cha không giống như tình thương của người mẹ . Tình thương của người cha kín đáo , dạt dào , và chân thành hơn . Thường tình như vậy thì ít có vẽ bề ngoài , nên những đứa con nam nữ nào không hiểu thì sẽ không có tình cảm với cha nhiều bằng mẹ ". (Người cha : Sư TM - sdd )
Tôi không tán thành cũng không bài bác quan điểm trên, song tôi nghiệm rằng bình thường, những đứa con nào có sự suy xét thật sâu xa , tinh tế mới thấy được tình thương của người cha .
Cái mền gòn, cái áo dài tay, đôi vớ , chai dầu gió , cái bánh trung thu … tất cả đều như có hồn , có tai, có mắt…len lõi vào tận chỗ sâu kín nhất của tâm hồn tôi đưa tôi quay về quá khứ … và tôi thấy như mình đang nằm trên một chiếc võng của một buổi trưa hè được Mẹ đong đưa , ru hời cho tôi vào giấc mộng !
Mẹ tôi là một người hát ru con rất hay , lời ru có vần , có điệu , giọng khi bổng khi trầm , có ca có kệ … Chúng tôi nằm đong đưa trên võng chỉ nghe được vài câu là đã ngủ say …
Cho đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc lòng và còn nhớ 17 câu ru của mẹ tôi … và tôi không thể nào quên !
… "Một mai thiếp có xa chàng , Đôi bông thiếp trả , đôi vàng thiếp xin …"
Mẹ tôi sống với ba tôi có thể nói là một kiểu mẫu của hạnh phúc thời xưa , không bị mẹ chồng ác độc đến đổi phải xa nhau chỉ trả đôi đôi bông là đồ dẫn cưới ; chỉ xin giữ đôi vàng làm kỷ niệm của hai người …
Nhưng Người đã theo Ông Khách Bán Cừ đi đến một nơi rất xa , cho đến ngày ông Ngoại tôi mất cũng không biết tin để về cư tang , báo hiếu .
"Con chim Đa Đa đậu nhánh đa đa … "Chồng gần sao em không lấy em đi lấy chồng xa? " Mai sau cha yếu mẹ già, "Chén cơm đôi đũa bộ kỹ trà ai dâng ?"
Hồi đó chúng tôi ở tận xóm Láng Dài . Cuộc chiến tranh đã đến thời kỳ ác liệt … Tin báo ông ngoại tôi mất khi đó đã đến kỳ cúng một trăm ngày cho ông …!
Giờ đây mẹ tôi không còn nữa , tôi chẳng thể nào nghe lại được tiếng ru ngày ấy ! Chuyện vui , chuyện buồn ngày xưa đã thành chuyện trăm năm cũ …
Song hôm nay tôi ngồi đây nhìn những gì ba tôi gởi xuống cho tôi , lòng tôi xao xuyến bâng khuâng không bút mực nào tả xiết và tôi như nghe lại được tiếng ru hời thuở ấy, đưa tôi vào giấc mộng tuyệt vời ngày xưa trên chiếc võng đong đưa, kẽo kẹt của những buổi trưa hè …
*
Năm nay chúng tôi chuẩn bị ăn mừng thọ thứ 90 của Ba tôi .
Dân tộc ta tuổi thọ trung bình là 60 . Người sống đến 90 là rất hiếm , người sống đến 90 mà vẫn minh mẫn , khỏe mạnh như Ba tôi càng hiếm hơn ! Chúng tôi thật hạnh phúc biết bao khi vẫn còn hội ngộ với Người !
Thời gian thì cứ trôi đi , tuổi của Người càng thọ , song cái đồng hồ cát ấy càng ngày càng vơi đi một cách nghiệt ngã ! .
Tôi mong mõi 9 anh chị em chúng ta mỗi người , mỗi ngày bỏ vào cái bình đồng hồ cát ấy một hạt … bằng những thông tin bằng tạo cuộc sống thực tế, sự đi lại, tạo ra thu nhập cho Người phân phối …
Và chúng mình gót còn đỏ như son, phải không ?
* Khi tôi viết quyển hồi ký nầy tôi in một bảng đưa cho Ba tôi xem và xin người nhận xét .