Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

CÂU CHUYỆN LƯƠNG SƯ

  

 CÂU CHUYỆN LƯƠNG SƯ

              Học trò thò lò mũi xanh
              Cầm miếng bánh đúc chạy quanh nhà thầy  (CD)                                                                              
                                            
       * Kính gởi chị NGUYỆT THU - Người thầy học đầu tiên của tôi

     * Tặng các cháu : Nhân,Trí,Trực và Thức để biết thêm về người lương sư ngày ấy .

    * Tặng các bạn đã và đang đứng trên bục giảng : Trí Hồng, Hồng Đào, Văn Quỳnh, Đào Hùng , Minh Tâm, Xuân Hương, Cao Nguyên, Gió, Ngọc Yến, Hoang Mạc và KM .


   Photobucket

                       NGƯỜI THẤY BẤT ĐẮC DĨ

… Lúc ấy gia đình chúng tôi ở sâu trong vùng giải phóng , không có trường học, không báo chí, không sách vở .

    Chúng tôi 3 anh em đã qua tuổi đến trường nhưng không biết chữ !

    Ba tôi và người anh hai đi theo kháng chiến thỉnh thoảng mới ghé thăm nhà.    Nhà chỉ có mấy mẹ con sống hui hút với nhau .

   Một hôm ba tôi về đem theo một quyển VẦN QUỐC NGỮ , mấy cuốn tập, viết, mực . Viết đây là ngòi viết là tre hay viết xi kên (Ngòi lá tre là viết có nét âm nét dương ; còn ngòi xi kên như là ngòi viết máy) ; mực là những cục nhỏ cở đầu đũa , bỏ vào nước hòa tan thành mực xanh hay tím …

   Quyển vần gồm 32 bài . mở đầu bài 1 là  : i , t  , ti , it  …u, ư, n, nu, nư ….

  Chị ba tôi được ba tôi giao trọng trách là dạy học cho ba anh em tôi .

  Đó là người thầy bất đắc dĩ , không có học sư phạm và trình độ văn hóa chỉ mới có lớp Nhì (lớp 4  bây giờ) !

  Chị tôi ban ngày lu bu , tất  bật với những công việc nội trợ , còn phải xay lúa, giả gạo , tắm em …cho nên “lớp học” của chúng tôi chỉ “mở” ra vào buổi tối !

   Học như vậy ngoài 30 đêm thì chúng tôi biết đánh vần và đọc được những bài báo do ba tôi đem về .

   Chúng tôi thoát dốt kể từ đấy ! Người thấy bất đắc dĩ nầy còn dạy cho chúng tôi biết viết và biết làm bốn phép toán . Sau nầy mấy đứa em của tôi không có điều kiện đến trường , nhưng nhờ vốn chữ ấy , chúng đọc được sách báo, làm được tính cộng trừ nhân chia, đáp ứng được những sinh hoạt của cuộc sống hàng ngày là nhờ vào “người thầy”, người chị thân thương đó .

Hai đứa em gái tôi, một đứa rất thông minh , thường chị chỉ cho nó đọc một lần thì nó sẽ thuộc bài đó luôn ; nhưng còn một đứa thì rất tối dạ - nói theo kiểu dân gian – vì một bài học của nó chị tôi phải nhọc công dạy rất nhiều lần …

  Sau nầy ra đời cả hai đều thể hiện  y như hồi còn thơ học chữ .

  Người thầy ấy tuy không biết gì về giáo dục và sư phạm, nhưng cũng dạy có kết quả những trường hợp học sinh có nhiều trình độ .

   Lúc ấy tôi phải phụ với hai người anh trong công việc đồng áng việc học rất thất thường . Thấy vậy, chị chép cho tôi một bài thơ, không rõ tác giả, nhưng tôi thuộc lòng mãi đến bây giờ :

   Em mười hai tuổi Tết mười ba .
   Trần trụi quanh năm gió lộng nhà
    Sáng sáng buồn hiu ra cử ngắm,
    Những trò đi học bóng xa xa …

    Năm ngoái năm kia em cũng học,
    Nắn từng cục đất chữ i  tờ
    Chiến tranh đã phá trường em học
    Mới ráp vần xuôi chịu tới giờ …

    Hôm nào lượm được vần ai bỏ,
    Rách nát còn đâu có ít trang
    Mót chút cơm thừa em dán lại,
    Lem hem tuồng chữ quý hơn vàng …

    Rồi khi thong thả trâu ăn cỏ,
    Nằm ngữa lưng trâu mở quyển vần
    Quên cảnh đời nghèo quên đói lạnh
    Chữ còn chữ mất đọc vang rân …
     …
                         (không biết tác giả)

Photobucket
                           
   Khi chúng tôi về Thành phố , tôi bươn chảy tự học và cuối cùng cũng được đến trường . Tất cả nền móng đó , chị - người thầy bất đắc dĩ - là người vun đắp cho tôi .

  Lúc xưa chị viết chữ mẫu cho tôi tập viết theo : chữ đ , chữ T hoa, số 4, số 8 … giờ đây tôi vẫn còn giữ nguyện  trong lối viết tay .

  Thế mới biết ấn tượng ban đầu của người thầy học thật là mạnh mẽ , không cần người ấy có văn bằng sư phạm hay không .

  Khi tôi lên đại học, tôi vẫn ngụ ở nhà chị đi học . Tôi thấy chị đêm đêm khảo bài, nhắc bài cho lũ con của chị mà nhớ về một thời xưa cũ ..: Tôi nằm  lơ mơ trên bộ ván gõ đọc bài học thuộc lòng , trên chiếc võng đong đưa, mẹ tôi đang à ơi ru hời đứa em út trong giấc ngủ cô miên …Xa xa tiếng chày giả gạo lơi lơi trong cái xóm quê vắng vẻ, tịch liêu …

Photobucket

  Khi các cháu tôi đã học xong bậc tiểu học thì chị nói với tôi :

-    Bây giờ chị không còn chữ để kèm tụi nó nữa …Cũng như với em ngày nào vậy !

   Nhưng những đứa trẻ nầy đã có một căn bản về việc học của chúng từ lúc bé và được người mẹ, kiêm người thầy rèn cặp cho chúng ngay từ lúc tuổi hãy còn thơ …Sau nầy vào đời  chúng đều khá cả .

   Thế đó !

   “Người thầy” chỉ có trình độ lớp 4 ấy đã là lương sư của hai thế hệ , và đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc . Mỗi lần nhìn những đứa “học trò” của mình ngày xưa ấy đã có một chút chữ chắc chị không khỏi tự hào và người đưa đò ấy chắc không buồn vì khách qua đò tuy chỉ một lần thôi nhưng lòng khách vẫn nhớ mãi con đò ấy với tấm lòng biết ơn sâu sắc …

   Chị ,

   Năm  nay ngày 20 tháng 11 em xin gởi về cho chị một bông hồng gọi là nhớ về một thời xa xưa những gì chị đã vun đắp cho tụi em nên một người có chút chữ nghĩa với đời …

Photobucket

                                                    18.11.2011


41 nhận xét:

  1. Bài viết giản dị đong đầy ân nghĩa. Xúc động mà cảm ơn anh!

    Trả lờiXóa
  2. Mẹ cũng đã kèm cặp cho tụi con đến hết bậc tiểu học mà không cần phải đi học thêm ở đâu cả....từ anh Nhân, anh Trí, con và Thức... một người thầy của cả hai thế hệ trong gia đình !!!

    Trả lờiXóa
  3. Cam on anh Dung.
    Mot thoi de nho. Quynh

    Trả lờiXóa
  4. Uyển Văn là người trong làng mà tôi quên đề tặng thật là có lỗi ...Xin phép được sửa chữa điều thiếu sót đó ở đây nhé . Cám ơn UV đã viết comment tuy có mấy chữ nhưng thật súc tích và cảm động cho người viết entry nầy ...!

    Trả lờiXóa
  5. Quỳnh ơi ! mình ngồi viết entry nầy mà nhớ các bạn quá đi thôi...Nhớ những khi bọn mình còn làm việc chung thật vui biết bao nhiêu phải không ? Mai mình sẽ đưa mấy tấm hình của bọn mình hồi ở PSN lên đây...Lâu quá khg thấy bóng cậu mình tưởng câu bỏ Mul rồi chứ ?

    Trả lờiXóa
  6. Một tấm gương quý trong cuộc sống , luôn khắc sâu hình bóng trong lòng những người thân yêu , phải không anh Dũng ! Nhân "ngày của mình" , AN chúc "đồng nghiệp cũ" luôn bằng an và vui khỏe trong cuộc sống !

    Trả lờiXóa
  7. Hạnh phúc của người làm Thầy có khi chỉ cần có được một người học trò có nghĩa là đã quá mãn nguyện rồi.
    Xin chúc mừng chị Nguyệt Thu với tiếng gọi "Thầy" trân trọng của người em có nghĩa.
    Xin cám ơn anh Thế Dũng với tất cả sự hàm ơn của một người cũng từng đứng trên bục giảng tới 35 năm.

    Trả lờiXóa
  8. Bài viết cảm động quá anh TD ơi ... Gió nghĩ chị NT chắc là rưng rưng nước mắt .
    Người thầy là người không chỉ dạy chữ mà còn dạy ta cách sống làm người và anh TD hạnh phúc vì đã có người thầy đầu tiên như thế ...

    Sáng nay Gió dự lễ ở trường ....ờ nhà lủ khủ học trò cũ ghé nhà ...tự dưng hiểu rằng dù có những điều lợn cợn ko vui , nghĩa tình thầy trò vẫn còn đâu đó . Cám ơn anh , cám ơn người đồng nghiệp đã xa nghề vẫn luôn dành một góc tim cho nghề dạy học

    Trả lờiXóa
  9. Bài hát đi kèm bài viết thật hay. Cũng như BT đã được cha dìu dắt những nét bút đầu tiên. Chị của anh Dũng có khả năng sư phạm thật tuyệt vời.

    Trả lờiXóa
  10. Mới đi dự lễ về nè chú. Cô giáo đầu tiên của chú là chị hai. Cô giáo đầu tiên của CNB mất lâu rồi, vì bệnh lao. Đọc entry của chú thấy bùi ngùi quá.

    Trả lờiXóa
  11. Những người thầy không bục gỉang ấy luôn làm chúng ta kính trọng và yêu quý, vì chữ tâm của họ tỏa sáng không cần một ma thuật nào, phải không anh?
    Mình yêu hai từ "hết chữ" trong bài viết này quá anh à.

    Trả lờiXóa
  12. Thực ra trong cuộc đời của mình, chúng ta ai cũng có nhiều người Thầy. Có người Thầy chính danh, nhưng cũng có những người Thầy không định danh. Họ dạy chúng ta nhiều bài học, bài học nào cũng là bài học giúp ta nên người phải không Anh?
    Em đọc entry này trong tâm cảm một người Thầy được xã hội chính danh, nhưng mãi vẫn loay hoay không định danh cho mình, nên cảm thấy nó sâu sắc bất ngờ.
    Cảm ơn Anh Thedung và chia sẻ với Anh niềm vui có một người Thầy ruột rà ...
    May mắn là ta còn kịp cất lời cảm ơn Thầy...

    Trả lờiXóa
  13. "Ngày của mình" ; "chúc đồng nghiệp cũ ..." Nhớ thời mình đi học khóa QUẢN LÝ Ng. nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  14. Rất cảm dộng vì sự hàm ơn của chị , chị Thu Nhân à ...35 năm là một thời gian khá dài cho một đời Lương sư chị nhỉ ? Xin chúc mừng chị nhân ngày của chúng ta...

    Trả lờiXóa
  15. Cám ơn lialol về những lờ thân thiết nầy. Vâng , chúng tôi thường nói rằng chị ấy là một nhà sư phạm bẩm sinh ...

    Trả lờiXóa
  16. Thường chúng ta ai cũng có những kỷ niệm về những bước đầu tiên trong việc học ...Kỷ niệm của chú hơi khác người nhưng nó đã để lại những dấu ấn thật sâu sắc CN à ...

    Trả lờiXóa
  17. "Người thầy không bục giảng .." Yến nói làm tôi bùi ngùi nhớ đến những ngày xưa cũ ...khi chúng tôi nằm sắp trên bộ ván tay chỉ từng chữ học vần hay méo miệng nắn nót viết chữ i, chữ tờ ...Thuở ấy tuy đã xa lắm rồi nhưng mỗi lần nhớ lại vẫn thấy nó thân thương làm sao ấy ...

    Trả lờiXóa
  18. Thường những người thầy không chính danh vẫn được chúng ta nhớ nhiều phải không Trang ?

    Trả lờiXóa
  19. Trong đời chúng ta chắc ai cũng có những người thầy như Gió nói : "Người thầy là người không chỉ dạy chữ mà còn dạy ta cách sống làm người.." và chúng ta là thầy nên cách nghĩ ấy thật đáng quý biết bao .

    Cám ơn Gió đã có ý tưởng "tình thầy trò vẫn còn đâu đó..." và hiểu tâm trạng của một người thầy không còn đứng trên bục giảng...

    Trả lờiXóa
  20. Cũng hai mươi năm rồi anh Dũng ha , nhanh như chớp :)

    Trả lờiXóa
  21. Lắng đọng những điều rất chân thật.

    Trả lờiXóa
  22. Dạ, đúng vậy đó Anh Thedung!

    Trả lờiXóa
  23. Có thể có những thị phi cho ngày 20/11 hiện nay. Nhưng entry này của anh làm quên đi tất cả những thị phi đó. Cám ơn anh.

    Trả lờiXóa
  24. Dạ, 35 năm dài lắm chứ, nhưng bây giờ nhìn lại thấy nó cũng qua nhanh.
    35 năm cũng đủ để nghiệm ra đôi điều về chuyện Thầy Trò.
    Để buồn, không phải vì mình có không ít trò vô ơn mà vì thấy mình chưa đủ tâm lực để có thể đạt mức Lương sư.
    Để vui, vì trong từng ấy năm làm người đưa đò, vẫn có hơn một người còn nghĩ đến mình với tất cả tấm tình của một học trò có nghĩa.
    Vậy là có thể mỉm cười, nhỉ?

    Trả lờiXóa
  25. Cám ơn giaminh rất nhiều , comment tuy ngắn nhưng rất đậm tình người trong giới chúng ta ...

    Trả lờiXóa
  26. Chị ơi ! vậy không phải là cười mỉm mà là cười sảng khoái rồi ! :))

    Trả lờiXóa
  27. Phải ! hai mươi năm trôi đi có nhanh thật, nhưng những gì ngày ấy mình vẫn không quên , phải không ? :))

    Trả lờiXóa
  28. Dạ, sẽ mỉm một nụ cười sảng khoái.
    Cảm ơn anh Thế Dũng.

    Trả lờiXóa
  29. Người "thầy" trong entry này chí ít cũng đã đào tạo thêm một người đứng trên bục giảng và đầy tâm huyết .
    Vinh danh cho những tấm lòng tuy âm thầm nhưng chất chứa tình đầy...

    Trả lờiXóa
  30. Đúng là "Thầy" đã tạo nên Thầy của thế hệ sau, nhưng người thầy ở đây quá đặc biệt phải không Thủy ? Ngưới ấy trình độ quá thấp, không có học sư phạm, không có trường lớp gì cả ...chỉ có một tấm lòng của người lương sư thôi...

    Trả lờiXóa
  31. Quà mẹ con tặng, mừng cháu nội vừa vào khoa Pháp_ ĐH Xã hội Nhân văn.

    Trả lờiXóa
  32. Thật cảm động Trí à . Mẹ con đến giờ vẫn là ngườii lương sư đặc biệt...

    Trả lờiXóa
  33. Quỳnh chắc không thể nào quên những hình nầy...

    Trả lờiXóa
  34. Hình nầy cũng khó quên, phải không ?

    Trả lờiXóa
  35. Và tổng kết một năm với tỷ lệ đậu 100%...

    Trả lờiXóa
  36. Quỳnh có thấy tui nhớ kỹ không ? Suối Tiên ngày ấy với nóm chúng mình...

    Trả lờiXóa
  37. Anh có một người thầy bất đắc dĩ tuyệt vời

    Trả lờiXóa
  38. Rất cám ơn em vì ngắn nhưng quá nhiều ý nghĩa ...

    Trả lờiXóa
  39. Tấm hình này có cả Nguyễn Đặng Hương đứng kế anh Dũng phải không ?

    Trả lờiXóa
  40. Phải, hồi đó anh ấy cũng rất dễ thương...

    Trả lờiXóa