Tặng NGUYỆT HẠNH , cô bạn gái nhỏ ngày xưa …
Ai trontg chúng ta lại không có những kỷ niệm vui buồn của những ngày thơ dại ? nhất là những kỷ niệm đó thuộc loại tình cảm hay những đắng cay, cơ cực của kiếp người .
Xin chép lại bài thơ TIỀN VÀ LÁ của Kiên Giang để minh chứng cho nhận định trên .
Tiền và lá
Kiên Giang
(Riêng tặng các bạn đã dang dở với mối tình đầu...)
Ngày thơ, hớt tóc "miểng rùa"
Ngày thơ, mẹ bắt đeo "bùa cầu ông".
đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh.
đôi nhà cũng một sắc tranh,
Chia nhau từ một trái chanh, trái đào.
đêm vàng soi bóng trăng cao,
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời.
Anh moi đất nắn "tượng người",
Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Anh đem "người đất" đổi tiền "lá rơi".
Nào ngờ mai mỉa cho tôi,
Lớn lên em đã bị người ta mua.
Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.
Bây giờ những buổi chiều êm,
Anh gom lá đốt, khói lên tận trời!!!
Người mua đã bị mua rồi,
Chợ lòng họp một mình tôi vui gì!
(1956)
Nguồn: http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=26431
http://vnthuquan.net/tho/tho.aspx?id=488&thisi=Kiên%20Giang
http://mp3.zing.vn/mp3/nghe-bai-hat/Tien-Va-La- Le-Thuy.IWZAOAA7.html (Bài hát)
Ngoài ra, Trang Thế Hy cũng có một bài thơ chủ đề cũng tương tự, với tựa đề ĐẮNG VÀ NGỌT, còn có tựa là CUỘC ĐỜI , nhạc sĩ Phạm Duy khi phổ thành nhạc đặt tên là QUÁN BÊN ĐƯỜNG .
ĐẮNG VÀ NGỌT
Ngày xưa hồi còn thơ,
Một chiều nắng nhạt khoe màu tơ,
Tôi cùng em hai đứa
Thơ thẩn ngồi chơi trên ngạch cửa
Tóc em chừa bánh bèo,
Môi chưa hồng, da mét (con nhà nghèo)
Đầu anh còn hớt trọc,
Khét nắng hôi trâu, thèm đi học.
Em cầm một củ khoai,
Gọt vỏ bằng răng rồi chia hai.
Thứ khoai sùng lượm mót
Mà sao nó ngọt ơi là ngọt !
Bây giờ giữa đường đời,
Kỷ niệm ngày xưa xa mù khơi.
Gặp nhau chiều mưa lạnh,
Hai đứa đều sang trong bộ cánh.
Dung nhan em còn tươi,
Anh mừng tưởng đâu đời em vui.
Nào hay đây là quán,
Em bẹo hình hài rao lên bán !
Giữa thời đông khách mua,
Chợ thịt còn sung được nhiều mùa.
Nghe nói anh cầm viết,
Nghệ thuật là gì em muốn biết.
-Mùi tanh nói mùi thơm,
Cây bút trong tay: cần câu cơm,
Đó, em ơi !Nghệ thuật,
Nhắm mắt, quay lưng chào sự thật.
Rồi đôi ta nhìn nhau,
Không ai đánh mà lòng nghe đau.
Em mời anh bánh ngọt
Nhớ cũ khoai sùng ngày xưa lượm mót.
Đường bánh tươm vàng mơ
Như nắng chiều xưa khoe màu tơ.
Mới cầm lên chưa cắn
Mà sao nó đắng ơi là đắng !
Xin anh một nụ cười.
- Cười là sao nhỉ ?Anh quên rồi.
Xin em chút nước mắt.
-Mạch lệ em từ lâu đã tắt.
Hỏi nhau: buồn hay vui ?
-Biết đâu ! Ta cùng hỏi cuộc đời.
Trang Thế Hy (1959)
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=5F6Yd_BJyp
… và đây là chuyện của tôi ngày xưa …
Thời ấy nhà tôi ở trong một xóm nhỏ vùng Cà Mau , nhà có vườn khá sầm uất
Bên sông cách nhà tôi một khoản, qua một cây cầu váng là nhà chú Mười Kiểu, một nhà địa chủ giàu có trong vùng . Nhà ngói nhiều gian, vườn tược mênh mông . Hạnh là cô con gái duy nhất của ông , bạn học cùng lớp với tôi thường rủ tôi về nhà em đi hái ổi hay dùng cây chọc bẻ trái ô môi , hoặc đốn mía …
Ô MÔI
Lũ chúng tôi gồm 4, 5 đứa bạn thân trong lớp thường kéo nhau ra phía sau vườn cất nhà chòi chơi .
Tôi và Hạnh thường cất một gian riêng và bọn trẻ thường “cáp” tôi và Hạnh với nhau . Chúng tôi mặc nhiên công nhận chuyện đó , song nhiều lần Hạnh không khỏi đỏ mặt khi chúng bạn nói chơi hơi bạo .
Tuy chúng tôi không dám chơi trò vợ chồng , nhưng khi được người khác tác động vào , chúng tôi không khỏi thấy lòng xao xuyến, một thứ xao xuyến thơ ngây như biết mà chưa biết, như thích mà cố làm ra vẽ không thích …
…Hai đứa mình còn trẻ thơ ,
Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi,
Thẩn thơ …
(Phạm Duy- Quán bên đường)
Thơ của Trang Thế Hy :
… Em cầm một củ khoai,
Gọt vỏ bằng răng rồi chia hai ,
Thứ khoai sùng lượm mót,
Sao mà nó ngọt ơi là ngọt !...
(Trang Thế Hy : Đắng và ngọt) .
Kiêng Giang với bài thơ Tiền và Lá :
Ngày thơ, hớt tóc "miểng rùa"
Ngày thơ, mẹ bắt đeo "bùa cầu ông".
đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh…
(Kiên Giang : Tiền và lá)
Cũng nói lên tấm tình thơ dại của hai đứa trẻ mặc dù mới học vỡ lòng .
… đôi nhà cũng một sắc tranh,
Chia nhau từ một trái chanh, trái đào.
đêm vàng soi bóng trăng cao,
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời.
(Kiên Giang : bđd)
Hồi ấy tôi đâu có đọc những vần thơ nầy , nhưng cảnh của tôi và Hạnh cũng đầy ắp những tình tiết không khác gì những câu thơ Kiên Giang đã viết .
Thời gian cứ trôi đi biền biệt , chúng tôi sống vui vầy bên nhau cho đến hết niên học và mùa hè năm ấy , tình cảm thân thiết giữa chúng tôi cũng nẩy nở dần theo năm tháng .
Bỗng giặc tràn về xóm tôi càn quét , đốt phá tan hoang !
Hầu hết những người trong xóm đều tản cư vào vùng địch hậu , một số người chạy ra Thành ; nhà tôi tản cư lên Cần Thơ – quê ngoại tôi –
Bến sông quê...
Hôm chúng tôi ra chợ Cà Mau đón xe , tình cờ tôi gặp Hạnh ! Nhà em cũng chạy ra chợ Cà Mau .
Chúng tôi chỉ nhìn nhau không nói được lời nào , mỗi người đi mỗi ngã !
Từ đó bóng chim tăm cá , người xưa không còn đâu thấy nữa …
Nhiều năm sau…
Chiến cuộc càng ngày càng ác liệt ,
Tin tức càng ngày càng xa .
Tôi đâu ngờ cuộc chia tay lần ấy gần như là vĩnh biệt nhau, để rồi mấy chục năm sau chúng tôi gặp lại trong cảnh ngỡ ngàng …
Một năm kia, lòng nhớ quê xưa nung nấu . Tôi rủ ba tôi trở về chốn cũ để thăm lại họ hàng xa các bấy lâu .
Thời đó Quốc Lộ 4 - nay là QL1 – chạy từ TP Sài Gòn đến Cà Mau thuộc phe quốc gia ; đa số vùng trong quốc lộ thuộc mấy ông VC .
Sáng sớm, tôi và ba tôi băng đồng về thăm làng cũ , nơi giờ đây là xôi đậu : Ban ngày QG, ban đêm VC .
Không còn nhận ra con sông uốn khúc ngày nào ! Nhà cửa, vườn tược tang hoang . Bà con xóm giềng chẳng còn mấy ai . Kẻ tản cư vô sâu vùng trong , người đi ra khu Ấp chiến lược .
Chỉ còn lại ít người quen cũ bám trụ lại thì sống nghèo khổ trong những ngôi nhà lụp xụp , bỡi không còn hoa lợi gì đáng kể .
Hai cha con tôi ghé nhà chú Tam Sơn là anh của chú Mười Kiểu được chú cho biết gia đình chú Mười đã dời ra Cà Mau tránh giặcvà tôi cũng được biết Nguyệt Hạnh đã có chồng rất sớm, lúc em 18 tuổi :
“ Ong bầu đậu đọt mù u ,
“ Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn …” (Thơ Kiên Giang)
Chồng của em đi lính QG bị thương phải cưa chân. Hạnh có 3 con , hầu như một mình em phải tần tảo nuôi con và người chồng tàn tật ,
Lúc ấy tôi chưa lập gia đình , bâng khuâng nghĩ về những ngày xưa cũ thời thơ dại mà lòng buồn man mác !
Kiên Giang viết mấy câu kết bài thơ khi người yêu bé nhỏ đi lấy chồng cũng thật là buồn :
Bây giờ những buổi chiều êm,
Anh gom lá đốt, khói lên tận trời!!!
Người mua đã bị mua rồi,
Chợ lòng họp một mình tôi vui gì !
Còn tôi ?
Tôi bùi ngùi trở về TP , kết thúc một chuyến về quê buồn .
Trên đường về , hai cha con ghé Bạc Liêu ăn cơm – tôi chở ông đi bằng xe vespa – thấy tôi có vẻ buồn , ông nói :
- Hồi đó ba thấy con Hạnh rất đẹp . Tội nghiệp con nhỏ …
Tôi nhìn ông hơi thoáng ngạc nhiên : Làm sao ông biết được chuyện của tôi ?
Ôi ! Người cha trông nghiêm khắc ấy tưởng chừng như không bao giờ để ý đến những điều nhỏ nhặt đã thấu hiểu được tâm sự của đứa con , và tôi thầm cảm ơn ông đã quan tâm đến tôi mặc dù chuyện cũ chỉ là chuyện của trẻ con lúc còn thơ dại …
Năm 2004 dịp về quê cúng Thanh Minh, tình cờ tôi gặp lại Hạnh .
Em nhìn tôi rưng rưng nước mắt .
Tôi hỏi em :
- Em còn nhớ chuyện ngày xưa không?
Em lau nước mắt , nhìn tôi , không nói .
Tôi nghĩ : Bi kịch bây giờ đâu có khác gì đoạn kết của bài thơ Quán bên Đường
… Xin anh một nụ cười.
- Cười là sao nhỉ ?Anh quên rồi.
Xin em chút nước mắt.
- Mạch lệ em từ lâu đã tắt.
Hỏi nhau: buồn hay vui ?
- Biết đâu ! Ta cùng hỏi cuộc đời.
Sài Gòn , thu 2009