Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

ĐƯỜNG VỀ QUÊ



                                   ĐƯỜNG VỀ QUÊ

 



Quê tôi ở Cần Thơ , cách Sài Gòn  168 km đường xe và phải đi qua hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu . Trước năm 2001 phải đi qua hai chuyến phà .

  Thuở Ba Má tôi còn sinh tiền , tôi tuy đi học và đi làm ở Sài gòn , nhưng năm nào Tết đến tôi cũng về quê ăn Tết với Người . Và suốt mấy chục năm tôi đều đón Giao thừa ở quê nhà .

   Có năm bị kẹt công việc , nhà tôi và mấy đứa con phải ở lại Sài Gòn , tôi vẫn về quê , dù đó là chiều 30 Tết .

   Nổi nhớ nhà , bếp lửa gia đình của nồi bánh tét buổi chiều 30 Tết luôn thúc giục tôi bôn ba lặn lội bằng đủ cách để về quê .

  Thường những ngày giáp tết người đi về Miền Tây rất đông . Mua vé xe trước 2, 3 ngày vẫn không có chỗ , nhiều khi phải xếp hàng rồng rắn ra đến bên ngoài xa cảng  .

   Có năm, không là sao mua được vé xe , tôi phải đu theo xe hàng . Đến phà Cần Thơ thì đã gấn đến giao thừa ! .

  Đứng bên  nầy  sông Hậu nhìn dãy đèn sáng lòa bên kia Cần Thơ và đèn tín hiệu của đài truyền hình chót vót trên cao chớp tắt …chớp tắt …lòng tôi nôn nao , ước gì có cánh bay cho nhanh về  tới nhà . Thường là tôi bỏ xe đò , đi xe lôi (một loại xe kéo gắn máy ) nhanh hơn .

   Trước năm 2001 , tôi phải đi qua hai phà : Phà Mỹ Thuận và Phà Cần Thơ . Thời gian qua mỗi chuyến phà nhanh nhất là 1 giờ . Có khi kẹt phà 4. 5 tiếng đồng hồ là thường .  Những lần như vậy đi cả ngày mới về tới nhà .

 

Cau My Thuan

                                                       Cầu Mỹ Thuận

  Năm nay đã có xa lộ Đông – Tây nên đi rất nhanh . Từ Sài Gòn về tới Trung Lương 70 km xe chạy chỉ mất 30 phút . Ngày trước đi có khi mất gần 2 tiếng đồng hồ .


Ngồi trên xe chật chội nhưng tôi cũng cố gắng quay một ít cảnh xe đi trên xa lộ để đánh dấu những ngày mới trên đường về quê nhà .

  Ra khỏi xa lộ, còn gần 100km thì cảnh cũ vẫn như xưa : Xe gắn máy chen chút giữa dòng xe đò , xe hàng , xe du lịch …nối đuôi …bò trên đường .

   Nhưng rồi tôi cũng về đến phà Cần Thơ .

   Cách bến phà mấy cây số , xe chờ qua phà đậu nối đuôi nhau …Tôi bỏ xe , đi xe ôm đến phà .

 
   Bến phà Cần Thơ hình thành gần cả trăm năm  trước khi Pháp làm xong QL1 . Đến tháng 4 năm nay khi thông xe cầu Cần Thơ thì nó chấm dứt vai trò lịch sử của nó . Do đó , tôi cũng ráng quay một số cảnh qua phà ngày Tết mà tôi đã đi qua đây suốt mấy mươi năm .
      “ Cây đa cũ  - bến đò xưa”  bao giờ cũng là những kỷ niệm đẹp của tuổi hoa niên . Nhiều người tuy xa lìa quê cũ đã lâu, cảnh vật đổi thay rất nhiều nhưng trong ký ức bao giờ những cảnh cũ cũng khó phai mờ .

               “Sông kia rài đã nên đồng ,
               Chỗ làm nhà cửa , chỗ trồng ngô khoai,
               Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
               Giật mình cứ ngỡ tiếng ai gọi đò …”

                         (Nguyễn Khuyến  -  Sông lấp Nam Định ) 

      Bến phà Mỹ Thuận ngày xưa náo nhiệt tưng bừng , nhà cửa , hàng quán san sát . Hàng ngày cả chục ngàn lượt khách và xe cộ qua lại suốt ngày đêm …

   Bây giờ cảnh cũ còn đâu nữa . Cả một đoạn đường dài, nhà cửa tiêu điều đổ nát hoang tàn … chỉ còn dăm ba căn nhà lụp xụp của những người làm nghề chài lưới ven sông …

   Bến phà Cần Thơ bây giờ cũng ồn ào tấp nập không thua gì bến phà Mỹ Thuận ngày xưa …Ngày mùng 2 Tết  xe cộ đông đúc, xe gắn máy trùng điệp , người đi bộ chen chân không lọt .

                
    Nhưng sau 30 tháng tư năm nay thì cảnh “ Sông kia rài đã nên đồng “ sẽ diễn ra ở đây giống như ở bến phà Mỹ Thuận năm nào …

   Những gì trong ký vãng mặc dù vất vả , khổ cực, song khi xa nó hay mất đi vẫn làm cho ta tiếc nhớ , ngậm ngùi …

   Lấp sông Nam Định thì thêm đồng trồng ngô khoai , thêm nhà cửa , con người … Nhưng Nguyễn Khuyến đêm nằm nghe tiếng ếch kêu lại liên tưởng đến tiếng ai gọi đò ngày trước …Đó là sự tiếc nhớ những gì êm đẹp của một thời đã qua …

   Cau CT dang xay

                                               Cầu cần Thơ đang thi công

Sau 30 tháng Tư tôi đi về Cần Thơ có thể chỉ mất 3 giờ , thời gian chỉ bằng một nửa ngày xưa . Nhưng “Cây đa cũ  -  bến đò xưa” chỉ còn là hoài niệm trăm năm …

   Giờ đây Ba Má tôi đã ra người thiên cổ thì dù con đường có rút ngắn bao nhiêu cũng không còn ý nghĩa gì nữa . Bếp lửa nhà ai không còn đỏ , nồi bánh tét năm nào bỏ chỏng chơ trong xó bếp , không ai kỳ cọ để nấu một nồi bánh cuối năm …

   Những thế hệ mai sau không thế nào hình dung được những chuyến phà trên dòng hai con sông Tiền và sông Hậu như vậy .
  
     Và câu  hát :

   “ Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến Bắc Cần Thơ …”  chỉ vang bóng một thời …

   Vĩnh biệt những bến đò ngang trên sông Hậu ! Vĩnh biệt những chuyến phà suốt cả trăm năm đưa dón khách qua sông !

Không biết  còn ai nhớ  bến sông xưa với cảnh “ Nhánh bần gie, con đốm đậu”  ??

                                                                    Tết Canh Dần 2010
 

35 nhận xét:

  1. CNB nè. Tuần nào cũng qua phà CT 2 lần đó chú. Đi riết .... ghiền. Bây giờ ở nhà mà thấy thèm đi "giang hồ vặt". Ha. Ha.

    Trả lờiXóa
  2. Chiếc Áo Bà Ba - Nhật Trường & Hương Lan
    Sáng tác: Nhật Trường (Trần Thiện Thanh)

    Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm
    Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ tới mong manh
    Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ
    Hậu Giang ơi! Em vẫn đẹp ngàn đời!

    Chiếc áo màu xanh len từng con sóng bạc
    Lóng lánh mái chèo khua động ánh dương trôi
    Sóng vỗ xuồng đưa, tiếng hò qua bến đợi
    Hậu Giang ơi! Dấu yêu còn tuyệt vời...

    ĐK:
    Đẹp quá quê hương muôn năm đẹp vô ngần
    Về Sóc Trăng một ngày khai điệu lâm thôn
    Ngày nắng thơm rộn xôn xao mùa lúa nhiều
    Về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu

    Em xinh tươi, xinh chiếc áo bà ba
    Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm
    Qua bến Bắc Cần Thơ

    Trả lờiXóa
  3. Dù bây giờ đã có cây cầu cần thơ rồi, việc đi lại sẽ không xa, khó khắn như xưa nhưng sẽ nhớ lắm những lần qua phà, sẽ buồn lắm chú nhỉ!

    "Nồi bánh tét năm nào bỏ chỏng trơ trong xếp..." nghe sao buồn quá chú ah! Cứ mỗi lần tết đến, những người đi xa như con nhớ lắm nồi bánh tét những ngày trước tết quê nhà chú ah! Tuy nấu bánh tét sẽ mệt nhưng nếu không có nó sẽ thấy tết không còn ý nghĩa...thế là ba má con nói khi nào Ba má còn sống thì tết đến không thể không có nồi bánh tét!

    Năm nay tết chú có đi đâu xa không? Chúc chú buổi tối an lành!

    Trả lờiXóa
  4. Bến bắc Cần Thơ rồi sẽ còn trong tâm tưởng anh hén. Dù sao anh đã có chuyến về quê dịp Tết. Dù không còn ông bà thân sinh nữa nhưng những ký ức chốn quê chắc làm anh thương lắm quê mình.

    Trả lờiXóa
  5. Qua tháng tư đi cầu lớn sẽ khỏe hơn . Cám ơn CN đã post bài nhạc nầy , đúng ý chú đó .

    Trả lờiXóa
  6. Không ngờ cháu cũng có tâm sự như chú và nhận xét về nồi bánh tétngày Tết hết sức chính xác . Bây giờ chú chỉ còn ăn bánh tét chợ mà thôi ...Hu hu !!

    Trả lờiXóa
  7. Tâm sự những người xa quê thường giống nhau. Mình bây giờ cũng không bao giờ tìm được cái không khí tất bật, chuẩn bị gạo nếp, thịt thà, cùng nhau ngồi xem ba gói bánh tét, rồi thức đêm canh lửa trong những ngày giáp tết nữa. Tất cả chỉ còn lại trong ký ức.
    Đọc bài viết này, rưng rưng cảm xúc. Những khung cảnh, tình cảm với con đò, bến nước làng xưa…chỉ còn là hòai niệm.
    Duy chỉ có tình quê mãi mãi còn lại trong mỗi người con xa xứ, để mỗi năm, lại gói ghém, đùm túm vượt qua bao chặng đường để về quê, hưởng một chút không khí tết nơi quê nhà.

    Anh viết tình cảm lắm.

    Trả lờiXóa
  8. Tặng chú mấy đòn bánh tét Tết rồi Ba má con gói nè! Bánh tét nhà con gói to tổ chảng chú hè!

    Trả lờiXóa
  9. CNB mượn nhà chú Dũng 8888 chút nhen chú?
    Bánh tét này cột bằng lạt tre hả em phonuicao? Chỗ CNB thì cột bằng dây chuối. Lấy cọng chuối phơi héo rồi dùng cây lông nhím tước thành những cọng dây nhỏ xíu mà chắc lụi. Đòn bánh "nứt" (cột dây) xong nhìn thích mắt lắm. Đi mua bánh ngoài chợ ngó họ nứt bánh bằng dây luộc thì mất cảm xúc lắm. Hì. Hì.

    Trả lờiXóa
  10. "Cần Thơ gạo trắng nước trong..." Đất lành chim đậu đó anh.

    Trả lờiXóa
  11. "Ai đi đến đó chẳng mong trở về "...

    Trả lờiXóa
  12. Bữa nay mới tặng bánh thiu hết rồi ! Nhà gói thì mới quý . Năm tới chú gởi 2 đòn ....

    Trả lờiXóa
  13. Buổi tối đứng bên bờ phía Cái Vồn nhìn sang bên kia là TPCT ánh sáng lập lòe,đi trên phà được nghe nhiều tiếng rao trà đá,mía ghim,bánh tráng sữa,mấy cô bán vé số phấn son vừa mời mua vừa rủ "đi hông anh"? -Mai mốt qua cầu làm gì còn những cảnh đó nữa,văn minh hiện đại sẽ làm mất đi nhiều nét văn hóa cũ,phải vậy thôi.

    Trả lờiXóa
  14. Có người tiếc vụ " Đi hông anh?"......

    Trả lờiXóa
  15. Cô bán vé số hỏi "đi hông anh?" tui hỏi lại "đi đâu?" cổ nguýt 1 cái "đồ quỷ,biết rồi còn hỏi!".Chuyện chỉ có vậy thôi chị 8 ơi,tui là người đàng hoàng nhất trong đám lộn xộn đó chị 8.(mượn nhà anh Dũng nói chuyện với chị 8 chút xíu nha!)

    Trả lờiXóa
  16. BL đứng nghe CNB và ladieubong 8 8 8 ... mà lùng bùng cả nè. Anh Dũng ơi, mở diễn đàn đi!

    Trả lờiXóa
  17. Ủa, ladieubong đang nghĩ gì vậy? Kêu ai là chị 8?

    Trả lờiXóa
  18. Thì tui cũng đang 8 với CNB nè,kêu CNB là chị 8 với ý vui vui thôi,không có ác ý gì đâu.Có giận gì không,nếu có thì xin lỗi nha. (vô nhà anh Dũng nói hoài ngại quá)

    Trả lờiXóa
  19. Không, giận làm gì cho mệt. Mà ladieubong lớn tuổi thì kêu cô 8 mới phải điệu dân miền tây chứ.

    Trả lờiXóa
  20. Đâu dễ gì rủ được các bạn ấy tám với nhau trong nhà . Quý hóa lắm đấy ! "Sẵn sàng lắng nghe; sẳn sàng thấu hiểu "...

    Trả lờiXóa
  21. Mèn ơi!!!!!!!!!!!!!!!!!!! Chú cho CNB ca nước mưa đi, uống cho mát cổ mà 8888 nữa. Hee. Hee.

    Trả lờiXóa
  22. Chủ nhà lên tiếng rồi đó, tới luôn nghe... BL nghe nè. Nghe hát và đọc còm... nhớ Cần Thơ quá đi !
    Nhắn riêng ladieubong... đừng quên qua nhà BL nghe anh !

    Trả lờiXóa
  23. - Thôi,cô 8 nghỉ đi kẻo mệt.
    - Dạ,chào anh Dũng,mỗi lần đọc những chuyện anh kể về quê hương Cần Thơ em nhớ lắm,em cũng có những kỷ niệm về xứ sở này.Cảm ơn anh,chúc anh vui khỏe.

    Trả lờiXóa
  24. Từ tết tới giờ lu bu nên không đọc bài này của anh Dũng. Nay mới đọc và gõ ít dòng comment cùng người đồng điệu.
    Ai cũng có một miền quê được cất giữ tận đáy lòng. Nhất là khi miền quê ấy gắn liền với hình ảnh mẹ già ngồi chờ con bên nồi bánh tét cuối năm.
    Tuy lòng còn hoài niệm về bến đò xưa với "nhánh bần gie, con đóm đậu", nhưng chắc chắn anh cũng khoan khoái khi bon bon trên đường cao tốc Bình Chánh - Trung Lương. Hay vượt sông Tiền trên cầu Mỹ Thuận hôm nay và sắp tới sẻ vượt sông Hậu trên cầu Cần Thơ, tiện lợi nhanh chóng hơn gấp nhiều lần khi phải sắp lớp chờ phà của những ngày xưa cũ.
    Thật ra, ước vọng nối liền 2 bờ sông Tiền, sông Hậu và đường sá thông thoáng từ SG về tới mũi Cà Mau là mong ước từ rất lâu, từ thế hệ cha mẹ của anh em mình. Vì cuộc nội chiến 20 năm mà 2 nhánh Cửu Long chia lục tỉnh miền Tây thành 3 phần rời rạc.
    Hòa bình lập lại, lẻ ra việc cần làm là sửa đường, bắc cầu cho giao thương thuận lợi. Người ta lại lập trạm Tân Hương để bóp cổ dân Sài Gòn và trói tay trói chân dân chúng miền Tây. Di hại tới hôm nay là thế hệ nghèo khó ngày đó, giờ đang đẩy đám cháu con vào những con đường kiếm tiền chẳng danh giá gì.
    Sắp tới, với hệ thống giao thông thông suốt về các tỉnh miền Tây. Nhà nước có lẻ đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, khi rút ngắn được thời gian lưu chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hoặc xuất khẩu. Mà phải vậy thôi, mới có tiền trả nợ vốn vay, vì hầu hết các công trình đang được xây dựng đều từ nguồn vốn phát triển vay từ WB hay vốn ODA.
    Riêng những người vốn gốc dân miền Tây như anh em mình. Thay vì ngồi hoài niệm về những chuyến phà xưa hay nhánh bần với bầy đom đóm; Nên chăng, chúng ta dành sự quan tâm hướng nghiệp cho thanh niên miền tây.
    Hoặc lúc ngồi hóng gió mát trên thành cầu Mỹ Thuận hoặc Cần Thơ. Ta nên có suy tư về những đập thủy điện mà TQ, Lào...đang chuẩn bị xây lắp trên thượng nguồn sông Mekong. Để nghĩ về một ngày nào đó, Cửu Long không cạn dòng nhưng thay vì nước phù sa lại là dòng nước ánh xanh màu nước lợ...
    Đôi ba chục năm là dài so với một kiếp người, nhưng không nghĩa lý gì so với ký ức một vùng quê.

    Trả lờiXóa
  25. Đọc bài báo có nhiều thông tin liên quan tới tương lai đồng bằng sông Mekong, giới thiệu cùng anh và bạn đọc.
    http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201009/20100227235707.aspx

    Trả lờiXóa
  26. Bài rất hay và chất lượng khoa học cao . Cám ơn Sơn nhé .

    Trả lờiXóa
  27. Hà sẽ quay trở lại đọc một lần nưã. Kể từ ngày chia tay ở bến Ninh Kiều (1975) tính ra đã mấy chục năm rồi, Hà chưa một lần quay lại. Vẫn nhớ bến phà năm xưa... xe người rồng rắn chờ chực qua phà... ngồi trên phà mà rưng rưng cố quay vào một góc để giấu những giọt nước mắt chia tay. Nếu có dịp nào đó cùng bạn bè Hà sẽ quay trở lại CT. Cần Thơ trong ký ức của anh với nếp nhà êm ả.. mà mỗi đưa con đi xa chỉ mong ngaỳ về. Chỉ tiếc rằng giờ ông bà cụ không còn. Chỉ còn là sự tiếc nhớ... Hà vẫn nhớ mấy câu khi xưa.

    Cần Thơ gạo trắng nước trong
    ai đi đến đấy lòng không muốn về...

    Thế mà Em phải về thôi, chia tay anh thôi!

    Máy Hà không xem được clip trên, chờ tối qua máy con gái Hà sẽ xem.

    Trả lờiXóa
  28. Nghe như một lời ru buồn giữa đêm khuya tĩnh lặng ..

    Trả lờiXóa
  29. hihihi.. đấy là tâm trạng cách đây gần 35 năm mà...

    Trả lờiXóa
  30. ...Tâm trạng cách nay đã 35 năm nhưng vẫn có người chưa quên ...Ôi ! Thật là đẹp !

    Trả lờiXóa
  31. Em thì không mang tâm trạng "xa xứ" như anh nhưng lòng vẫn bồn chồn , nôn nao khi về miền Tây sông nước ấy ... Có lẽ cái lần vấp ngã đầu đời đó chẳng thể nào quên nên ... vẫn chưa dám quay lại Cần Thơ . Thôi thì ... sẽ hẹn một ngày nào đó vậy !

    Trả lờiXóa
  32. Cần Thơ hiền hòa lắm em à . Rất mong có dip em trở lại chốn xưa ...

    Trả lờiXóa