Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2010

TRÍCH HỒI KÝ : NHỮNG NGÀY THÁNG CŨ ...




NGƯỜI CHỊ LẠC LOÀI



  Hồi đó , khi anh Năm Khuyên – con trai duy nhất của Bác Hai tôi -  cưới vợ thì bác Hai tôi đã có vợ nhỏ (vợ bé) . Ông để bác Hai gái và đám con ở lại nhà lớn với Bà nội tôi . Lúc đó gia đình tôi cũng ở đó ,  ông đưa bà vợ nhỏ xuống sống ở Điền Cái Su – một điền khá lớn do ông tôi khai khẩn từ lâu .

  Thời bấy giờ đa thê là chuyện bình thường , nhưng lấy vợ bé rồi bỏ luôn vợ lớn như bác Hai tôi cũng là hiếm .

  Anh Năm Khuyên lúc chưa lấy vợ và ở chung với ba tôi, hai người suýt soát tuổi nhau ấy đã thành đôi bạn mặc dù thứ bậc là chú cháu .

  Vì chuyện thân thiết nhau giữa hai chú cháu như vậy nên về sau gây  nhiều hệ lụy cho một đời người . Đó là chuyện của người chị thứ Năm  của tôi .

                                                     *

  Thời bấy giờ vùng sông nước ở Cà Mau có nhiều cô gái trẻ đi ghe thương hồ mua, bán nhiều thứ thực phẩm, gia dụng … Ghe theo những con nước lớn , ròng đi bán buôn khắp các vùng sông nước của miền đất cuối Việt .

  Và một chiếc ghe bán đồ hàng bông với hai người con gái tuổi đôi mươi đã cặp kè với anh Năm Khuyên, trôi lên trôi xuống  theo các con nước thủy triều …


Photobucket 

 
                                             Ba tôi và anh Năm Khuyên


 Khi anh mõi gối trở về nhà thì anh mang theo một căn bệnh do nặng nợ trăng hoa cực kỳ nguy hiểm : Bệnh giang mai !  Ngay sau đó anh truyền cái bệnh quái ác ấy cho vợ , và chị Năm Khuyên đã bị hư thai .

  Bác Hai gái nhỏ khi biết chuyện nầy lập tức đến một tiệm thuốc bắc đặt mua một tễ thuốc gọi là ngũ hổ  tức là 5 vị thuốc cực độc để trị bệnh giang mai, về cho hai vợ chồng anh uống .

  Một vị đông y sỹ có nhiều kinh nghiệm nói rằng tễ thuốc ngũ hổ nầy  nếu đàn bà có thai uống sẽ bị hư thai thậm chí tuyệt tự .

  Quả nhiên sau lần sẫy thai đó chị năm Khuyên không có con được nữa .
 
  Nhiều người trong họ kháo nhau rằng bác hai gái nhỏ có chủ tâm làm như vậy để dòng lớn của bác hai tôi không người nối dõi , thừa tự .

  Tôi không biết chuyện ấy có phần nào sự thật hay không ? Nhưng sự tuyệt tự của anh Năm Khuyên tức của Bác tôi là có thật !

  Sự tính toán của bác gái nhỏ - theo tin đồn đại – đã có kết quả . Song âm mưu của bác – nếu có – cũng vô ích vì bác sinh 8 lần chỉ toàn là con gái !  Bác không tìm đâu ra được một mống con trai để nối dõi cho dòng nhỏ như bác hằng mong ước .

  Trong gánh họ của tôi lại có dịp để mà buôn chuyện với nhau rằng “ ông trời có mắt”

  Anh Năm Khuyên rất buồn vì nổi không có con nối dõi , nhưng tính trăng hoa vẫn không chừa nên anh đã có một đứa con rơi . Lúc sinh thời anh và gia đình không nhìn nhận nó , nhưng họ hàng, xã hội đều  thấy rất rõ và mặc nhiên coi nó là đứa con ruột thịt của anh bởi nó giống anh như  tạc . 

  Một lần , tôi về Cà Mau thăm chế Năm tôi (vùng ấy người ta thường kêu chị bằng chế như người Tiều) tôi đã gặp nó . Lúc ấy anh Năm Khuyên đã mất rồi, nhưng hình ảnh của anh vẫn còn đậm nét trong tâm trí tôi , cho nên khi chợt gặp nó tôi bỗng giật mình thảng thốt . Trời ơi ! anh Năm Khuyên đó ư ?  Tôi thật không ngờ hậu duệ một cuộc tình vụn trộm qua đường của anh lại giống anh như đúc ! và khi ấy tôi đã được an ủi rất nhiều : rằng anh không “tuyệt tự “ như người ta nói , anh vẫn sống và máu thịt của anh vẫn tồn tại, lưu truyền lại đời sau .

                                                      *

  Tuy nhiên đó chỉ là phần chìm của tảng băng , phần nổi thì anh chị vẫn không có con . Chuyện ấy dù xưa hay nay vẫn là nổi bất hạnh cho những cặp vợ chống .

  Trong khi Ba má tôi lúc ấy đã có tới đứa con thứ tư.

  Anh Năm Khuyên cứ theo ba tôi xin anh Tư tôi làm con nuôi.

  Dĩ nhiên là má tôi không bao giờ đồng ý .

  Lúc ấy má tôi đang có mang và trước sự nài nỉ của anh , ba tôi hứa sẽ cho anh đứa con trong bụng mẹ tôi dù trai hay gái .

  Bi kịch bắt đầu từ đó .

  Nhiều năm sau, mỗi lần nhắc đến chế Năm tôi, mẹ tôi đều nói rằng lời hứa của ba tôi mẹ tôi hoàn toàn không biết .

  Khi chế vừa lọt lòng thì anh chị Năm qua bồng đi .. . Má tôi nói rằng bà đã khóc hết nước mắt khi nghe tiếng khóc ngằn ngặt của đứa con mới lọt lòng ! (Lúc ấy ba má tôi và anh chị Năm còn ở chung ở Nhà Lớn) . Không chịu nổi , bà kêu người nhà lên bồng đứa bé để bà cho bú , nhưng anh chị Năm Khuyên đã đóng chặt cửa, kêu gì cũng không mở !

  Đó là số phận nghiệt ngã của chế : Mới lọt lòng đã phải rời xa vú mẹ ! và đó cũng là khởi đầu sự cách chia với bầy đàn vĩnh viển …

                                                 *

  Một đứa trẻ mới sinh ra nếu rơi vào bất kỳ một hoàn cảnh nào nó sẽ thích nghi dần dần , có khi còn thoải mái hơn nơi nguyên thủy . Song bản chất của con người là quan hệ bầy đàn – nói nôm na là ruột thịt – tách rời khỏi những thành viên ruột thịt ấy cuộc sống của con người sẽ gặp nhiều trở ngại , rắc rối và rồi tâm sinh lý , tình cảm, những nguyện vọng , ước mơ, sự chân thật , cỡi mở , cả đến giọng nói, tiếng cười cũng có những nét  đặc trưng khác hẳn những thành viên của bầy đàn .

  Tình thương yêu của người nuôi dưỡng nhiều khi cũng đậm đà sâu sắc, nhưng dù thế nào nó vẫn mang sắc thái riêng , không bao giờ như ruột thịt được .

  Khi hứa để một đứa con cho anh Năm Khuyên, Ba tôi giao kết là đứa con ấy phải gọi Ba Má tôi bằng Ba , Má , không được gọi theo vai trong họ (Nếu gọi theo vai trhì chế phải gọi ba trôi bằng ông chú ) . Chính vì thế mà chế gọi ba má tôi là Ba Mười, Má Mười để phân biệt với ba nuôi là anh Năm Khuyên . Đối với anh chị em chúng tôi thì tụi tôi vẫn xưng hô như bình thường .

                                                  *

  Khi chiến tranh bùng nổ ác liệt , nhà tôi hồi cư từ Cần Thơ về Cà Mau đến ngụ tạm điền anh Năm Khuyên .

  Nói là điền của anh , song đó chẳng qua một điền của ông tôi  khai khẩn để Bác Hai tôi  đứng tên .

  Lúc ấy chế Năm tôi – chế tên là Tuyết Hồng  - đã được 13 – 14 tuổi và là một cố gái đẹp nhất trong vùng .

  Nhà anh Năn Khuyên có thể nói là khá giả nhất trong xóm, có vườn cây ăn trái rộng lớn và nhiều ao cá . Lúa ruộng góp cũng rất nhiều . Tóm lại gia đình anh là một nhà Địa chủ giàu có nhất trong vùng .

  Chế năm Tuyết Hồng là một tiểu thư sống trong nhung lụa , một cuộc đời vật chất đầy đủ nhưng vẫn sống với những người không phải là ruột thịt .

Bề ngoài trông ngon lành như vậy, nhưng bên trong vẫn có một cái gì đó làm chế không được vui trọn vẹn như bọn tôi .

  Còn nhớ, một lần sát Tết, nhà tôi làm heo chia lúa tới mùa (thịt heo bán quy ra lúa , đến mùa sẽ trả bằng lúa ).

  Sáng sớm, mẹ tôi nấu một nồi cháo lòng heo rất đặc biệt và bà bảo chúng tôi kêu chế năm qua ăn . Lúc về , bác Hai gái lớn xỉa xói :
  
-    Mầy đi ăn cháo heo đã đời rồi phải không ?

  Danh từ “cháo heo” dùng để chỉ cặn cáu nấu với cám cho heo ăn .

  Nhà anh Năm Khuyên sợ chúng tôi dụ chế về nên dùng đủ mọi cách chia cắt chế với gia đình chúng tôi .

  Nhưng một  một đứa trẻ dù sắp trưởng thành đang sống trong nhung lụa có bao giờ muốn trở lại với bầy đàn , dù biết là ruột thịt . nhưng cuộc sống nheo nhóc với 6 , 7 anh chị em … Một khúc mía, một trái ổi… không thể nào chia cho từng ấy đứa được .

  Nhưng chúng tôi vẫn quan hệ gắn bó, thương yêu nhau , mặc dù người lớn có những suy nghĩ nầy khác . Chúng tôi không mặc cảm và chế cũng không tự hào

  Một lần mấy anh em tôi qua nhà anh Năm chơi - hai nhà chỉ cách nhau một con kinh – Chị Láng vợ anh năm Khuyên kêu người làm đốn mía cho tụi tôi ăn . Chị dặn người nầy chặt khúc giữa của cây mía để lại cho chế Năm còn khúc ngọn và khúc gốc thì chia cho bọn tôi .

   Bọn nhỏ hào hứng ngồi xước mía và chuyện râm ran ; còn tôi thấy tự ái và buồn quá nên không ăn, bỏ ra về .

   Câu chuyện  khúc giữa, khúc ngọn và khúc gốc của cây mía đã in trong tâm trí của tôi rất lâu mãi vế sau nầy .

                                                  *

  Thời vàng son của chế không được bao lâu thì chiến tranh trở nên ác liệt . Anh Năm Khuyên thoát ly đi kháng chiến và bị giặc bắt đày ra Côn Đảo .

   Lúc ấy chế đã có gia đình và hai đứa con . Anh Sủng chồng của chế cũng đi theo kháng chiến .

  Rồi chế sinh thêm một đứa con nữa !

  Ở nhà chỉ có 3 người đàn bà và ba đứa trẻ nhỏ .

  Bom đạn giặc đã đến vùng sâu nầy và liên tục trút xuống . Nhiều người quen trong xóm chết .

  Chúng tôi lúc ấy lại tản cư lên Cần Thơ bỏ lại sau nhà cửa , ruộng vườn và cả đạn bom cài nát xóm làng …

  Năm Mậu thân anh Năm Sũng mất tích , trong khi anh Năm Khuyên vẫn  còn ở tù ngoài Côn Đảo .

   Chế một nách 3 con , chị Năm Khuyên cũng yếu ; bác hai gái lớn thì quá già không chạy càn và trốn máy bay được . Chế đành dắt mẹ, bế con chạy giặc, phó thác  Bác Hai tôi ở nhà .

  Đây là những năm tột đỉnh của sự vất vả mà chế phải gánh lấy .

   Máy bay bắn phá rất dữ . có ngày chúng đến 2, 3 đợt . Làng xóm tan hoang , nhiều người chết vì bom đạn .

  Biệt kích thọc sâu vào vùng ấy bất kể ngày đêm . Nhà chế bị dán bảng đỏ - tức là nhà có người theo V.C – nên giặc thường xuyên ghé vào cướp bóc . Một nãi chuối, một buồng dừa chúng đều vét sạch !

 Cuối cùng không chịu nổi sự ác liệt của chiến tranh , chế phải bồng trống cả gia đình về Cà Mau .

   Giai đoạn tôi vừa kể chỉ là mới mở đầu phần vất vả trong cuộc đời của chế .

  Trong các anh chị em tôi cũng có nhiều người gặp lắm điều bất hạnh , nhưng chúng tôi ở gần bên nhau nên khi hoạn nạn có nhiều người thân đỡ đần, an ủi .

   Tôi chẳng hạn.

  Một lần , khi biết tôi có bồ và bỏ học mấy ngày, Ba tôi đánh điện tín lên gọi tôi về gấp , cũng may lúc ấy tôi vừa thi đệ nhị Lục cá nguyệt xong .

  Về đến nhà ông dũa cho một trận te tua, và không cho tôi lên Sài Gòn nữa .
  Tôi phải thi Tú Tài tự do ở Cần Thơ .

  Nếu Ba tôi không can thiệp quyết liệt thì biết đâu tôi sẽ đi theo con đường của Thắng ? (xin xem bài Nó và Tôi trong Blog nầy) .

   Sau nầy mỗi lần nghĩ lại tôi rất thương Ba tôi , ông như ngọn hải đăng luôn soi sáng con đường chúng tôi đi .

  Chế Năm tôi thì không được như vậy . Chế phải quản lý toàn bộ gia đình gồm 6 miệng ăn nhưng không có người lao động nào ngoài chế .

  Thời kỳ đó đời sống ở đô thị rất khó khăn . Với cảnh gạo chợ nước sông nhiều lúc gia đình chế lâm vào cảnh đói kém . Chế phải luộc khoai cho mấy đứa con : thằng Sơn, thằng Hải, con Thủy bưng đi bán dọc theo lộ xe …Hôm nào chúng bán ế thì cả nhà ăn khoai trừ cơm .

  Bấy giờ mía khúc gốc hay khúc ngọn cũng không có cho bọn trẻ ăn…

  Những ngày hè nắng nóng nung người , bọn trẻ cỡi trần trầm nghịch dưới sông ; mùa gió bấc se lạnh bọn chúng co ro trong những manh áo rách .

                                                  *

   Rồi anh Năm Khuyên cũng được thả .

  Trong thời gian ở tù bị tra tấn, ăn uống kham khổ nên anh vướng nhiều thứ bệnh : thêm một gánh nặng cho gia đình chế.

  Lúc ấy chúng tôi ở Cần Thơ , đường xa cách trở nên dù muốn giúp chế cũng không làm gì được .

  Một lần tôi xuống thăm chế , nhà  cất tạm trên một khoảnh đất hẹp cạnh QL.4 – nay là QL.1 – một căn nhà lá lụp xụp , nền đất với hai cái giường tre và một gian bếp nấu củi đặt dưới đất .

 Ôi ! còn đâu cuộc sống huy hoàng của những ngày tháng cũ . Thời ấy chế được tôn vinh là hoa hậu của một vùng Bàu Sen , bởi chế rất đẹp. Bao nhiêu là ong bướm dập dìu , gấm ghé , mong lọt được vào mắt xanh của chế . Nhưng không ai được người đẹp chiếu cố .

  Giờ đây với gánh nặng trên vai và cảnh góa bụa , nên tuy còn trẻ nhưng trông chế già xọm đi, tay chân cùi đày da vẻ bắt đầu nhăn nheo …

  Anh Năm Khuyên sau nhiều vật vã của những căn bệnh hậu đã qua đời . Bác Hai gái lớn, chị Năm Khuyên cũng nối tiếp nhau về cõi vĩnh hằng . Chế Năm tôi bơ vơ ở lại trần gian với gánh nặng 3 đứa con thơ và một cuộc sống trong thời bao cấp hết sức khó khăn .

  Ôi ! những ngày vàng son cũ nay còn đâu nữa ! Lúc ấy gia đình bé mọn của chế dời về tạm cư trong một gian phòng nhỏ của nhà văn hóa tỉnh ; sinh nhai bằng việc đánh máy và quay ronéo thuê . Nhiều đêm, chế và Thủy , đứa con gái út của chế thức đánh máy tới sáng . Vất vã như vậy nhưng với 4 miệng ăn gạo tổ cũng chỉ được bữa rau bữa cháo mà thôi .

   Hai ngưới đàn ông trong nhà ấy tuy mang danh là liệt sĩ nhưng mãi về sau nầy mới được công nhận . Anh Sũng thì chỉ ghi nhận là mất tích; anh Năm Khuyên thì ở tù , cần phải xác minh xem trong thời gian ấy có giữ được khì tiết hay không ? (!) . Nếu trong tù mà chào cờ giặc thì cũng bị sổ toẹt !

Photobucket


                                    Bây giờ vẫn còn phong độ lắm phải không ?

Tóm lại hồ sơ liệt sĩ của hai người làm rất gian nan . Thành thử trong thời gian ấy, vợ, con, cháu của những người đã ngã xuống vì đấu tranh C.M cũng chỉ được bạn bè của hai anh thương tình chia xẻ những chén cơm, manh áo rất hản hữu .

 Do đó cuộc sống của gia đình chế rất khó khăn và kéo dài theo vận nước của một thời bao cấp .

  Chính lúc ấy  là thời kỳ “Lá rụng về cội” : Người chị lạc loài đáng thương ấy đã tìm thấy những người thân ruột thịt đích thực của mình .

  Sự đoàn tụ của đứa con, người chị , người em vốn đã tách rời khỏi đại gia đình từ rất sớm đã gây nên một không khí đầm ấm, thân thiết trong lòng bọn tôi

  Photobucket

                                            Với cháu ngoại...

 Bây giờ chế có cháu nội, cháu ngoại, có nhà cửa tươm tất; các con chế có công ăn việc làm ổn định . Đã qua rồi thời đói rách, cô đơn giữa những người đồng loại , người thân .



  Bây giờ nếu chúng tôi có chia nhau 1 cây mía chắc chế không nhận khúc giữa như ngày xưa ; và nếu chế có đến nhà anh em nào ăn cháo lòng cũng không sợ bị ai xỉa xói là đi ăn cháo heo như hồi còn thơ ấu .

   Giờ đây Ba Má tôi đã ra người thiên cổ về nằm trong khu đất nhà ở Cà Mau ; Chế cũng ở gần đó và lãnh phần chăm lo mồ mã cho ba má tôi . Hóa ra khi sinh tiền ba má tôi không được gần gũi chế, đến khi chết lại được ở gần đứa con lạc loài ngày xưa .

Photobucket

                                  Gần gũi khi đã âm dương cách trở...

 Số phận của mỗi người, sự thăng trầm “lên voi, xuống chó”  hầu như đã được định sẵn cho họ . Cho nên một nhà thơ đã nói : “ Bởi số chạy đâu cho khỏi số “

   Song sự chịu đựng , phấn đấu vượt lên số phận của con người đôi lúc cũng làm cho con người thoát ra khỏi sự khắc khe của  con tạo , như Nguyễn Du đã nói : “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều “…

                                                       Cà Mau, mùa Thanh Minh 2005







 

  
 



 
 

6 nhận xét:

  1. Đoạn cuối như thế cũng lành rồi anh!

    Trả lờiXóa
  2. Mặc dù đây là hoàn cảnh gia đình anh nhưng phần nào câu chuyện cũng khái quát được cuộc sống của bà con nam kỳ lục tỉnh ngày xưa,nó như 1 bản vọng cổ buồn,chuyện đời xưa sao mà buồn quá,em bỗng nhớ Út Trà Ôn hát câu "Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh ngã bảy, sao người con gái năm xưa chẳng thấy ra... chào " ,nhớ quá phải không anh Dũng!?

    Trả lờiXóa
  3. Một bài viết ngắn gói cuộc đời người chị, được cho đi làm con nuôi (dù trong giòng họ), trong câu kết...

    "Giờ đây Ba Má tôi đã ra người thiên cổ về nằm trong khu đất nhà ở Cà Mau ; Chế cũng ở gần đó và lãnh phần chăm lo mồ mã cho ba má tôi . Hóa ra khi sinh tiền ba má tôi không được gần gũi chế, đến khi chết lại được ở gần đứa con lạc loài ngày xưa ."

    Hóa ra chữ Hiếu vẩn luôn là bản chất con người, khi sống không có điều kiện phụng dưỡng bậc sinh thành. Khi cha mẹ mất rồi, lảnh nhận phần chăm sóc mồ mả, âu cũng là niềm hạnh phúc cho chị...!
    Mà công nhận gien bên nội anh mạnh thiệt nha ! Nhìn hình anh chị em, kể cả con chú bác của anh, đều có nét giống nhau như đúc, không nhìn lầm được...! Sao anh không kể về đứa con rơi của anh Năm Khuyên vậy? Em muốn nghe vụ "con rơi" này để...rút kinh nghiệm.
    hí hí...

    Trả lờiXóa
  4. Ừ , "xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều" mà

    Trả lờiXóa
  5. Em có nhận xét thật sâu sắc và đúng với tâm trạng của anh khi viết entry nầy . Cám ơn !

    Trả lờiXóa
  6. Đúng thế anh ạ ! Chính đó là nguồn an ủi lớn lao cho chế và cả bọn tôi nữa . Còn vụ con rơi của ông anh tôi thì khi nào trà dư tửu hậu tôi sẽ kể cho anh nghe . Đau lòng lắm Sơn ơi ! có gì đâu mà học !!

    Trả lờiXóa