Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

TRÍCH HỜI KÝ NHỮNG NGÀY THÁNG CŨ ...





     CHUYỆN TÌNH BUỒN






   Những năm chiến tranh ác liệt , thanh niên sống ở thành thị , tức vùng QG kiểm soát phải đi quân dịch khi đến tuổi . Tuy nhiên cũng có kẻ hở : hoãn dịch cho những trường hợp đặc biệt . Thí dụ hoãn dịch vì lý do học vấn chẳng hạn : Những người đang học lớp thi . Nhưng nếu thi rớt thì không được hoãn nữa . .

  Tôi được hõan dịch một năm lúc học thi Tú tài I ; năm sau học thi Tú tài II tôi cũng được hoãn .

  Lúc ấy tôi ở nhà chị tôi để đi học .

  Thời ấy thi tú tài II căng lắm , phải thi vấn đáp môn sinh ngữ 1 . Tỷ lệ đậu không bao giờ hơn 50% trong kỳ thi lần thứ nhất.

  Chính vì thế mà bọn học thi tú tài 2 gạo bài rất dữ . Sơ sấy là phải vào quân trường , và bao nhiêu mộng ước, tình yêu, công danh … cũng trôi theo dòng nước .

  “ Ta hỏng tú tài , ta hụt tình yêu …
  “ Thi hỏng mất rồi , ta đợi ngày đi …
  “Đau lòng ta muốn khóc; đau lòng ta muống khóc … (PD)

    Tôi học trường Hưng Đạo buổi sáng, , chiều vô chùa Phụng Sơn tự (Chùa Gò) học bài.

   Ở đây tôi gặp Lan – một cô gái rất khả ái học đệ nhất Ban C trường Văn Học . Ban C là Ban Văn chương , rất ít người học . Đa số học sinh học Ban nầy là con gái – cũng không biết tại sao như vậy . Tuy nhiên những người học Ban C rất giỏi văn và sinh ngữ .  Chúng tôi quan niệm rằng đó là những người rất mơ mộng , ướt át và lãng mạng .


   Lan là một người con gái như vậy .  

  Lan không đẹp nhưng rất có duyên ; bề ngoài không có gì nổi bật nhưng nói chuyện rất hấp dẫn .

  Lan không chưng diện nhưng lúc nào cũng là kiểu mẫu của sự ăn mặc lịch sự và rất mát mắt .

   Lan là một người học rất chăm so với những bạn vào học trong chùa; cô hơi lơ là trong việc quan hệ với những người cùng học chung .

  Nhiều anh bạn tôi theo đuổi Lan rất rát, nhưng không ai nhận được sự đáp ứng giao thiệp với họ .

  Tôi cũng rất thích Lan , song do sợ thi rớt bị bắt lính nên không dám lơ là trong việc học  để đi tán gái .

  Nhưng số phận của mỗi con người hình như đã được định sẵn , vị tất có thể thoát ra được .

  Nói rằng tôi không tán gái cũng đúng, nhưng tôi không thể không chú ý đến Lan . Tôi để ý thấy buổi trưa Lan thường hay đọc sách .

  Một hôm đi ngang chỗ Lan ngồi , tôi thấy trên  bàn đá chỗ Lan ngồi có cuốn Hồn Bướm mơ tiên của Khái Hưng . .

  Tôi đánh bạo ngồi xuống băng đá đối diện với Lan , cầm quyển Hồn Bướm mơ tiên lên xem và hỏi :

-    Sách nầy của cô phải không ?

Lan ngước lên nhìn tôi và thong thả đáp :

Photobucket

                   
-    Dạ phải .

-    Lâu lắm rồi , có lần tôi được đọc quyển sách nầy. Tôi rất thích , song bây giờ hầu như đã quên cốt truyện …

     Lan nói :

-    Nếu anh thích thì cứ cầm về xem …

  Giọng nàng du dương nghe êm tai khôn tả . Tôi nghe lòng xôn xao biết bao nhiêu tình cảm khi nghe giọng nói của nàng. Mãi nhiều năm sau, giọng nói ấy nhiều lúc vẫn còn văng vẳng bên tai, ru hồn tôi vào cõi mộng mỗi khi tôi nhớ đến Lan .

   Đó là sợi dây tơ rất mỏng manh nối kết tình cảm giữa Lan và tôi .

   Tuy tôi đã làm quen được với Lan nhưng tôi biết tính tình nàng nên vẫn tỏ ra lạnh lùng, né tránh mỗi khi gặp nàng . Bạn học trong chùa thì kháo nhau rằng “ Thằng Dũng đã cạy miệng con Lan được rồi !” làm cho tôi càng ngượng không muốn tiến tới nữa, sợ mang tiếng cho nàng .

  Cốt truyện Hồn Bướm mơ tiên là một tiểu thuyết diễm tình hết sức đặc sắc của Khái Hưng . Một tiểu thuyết tình được nhiều người cho là hay nhất thế kỷ cho đến lúc ấy . Người ta cho rằng Hồn Bướm mơ tiên  hay hơn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách – một tiểu thuyết tình hay , được rất nhiều người hâm mộ - bời vì Hoàng Ngọc Phách viết Tố Tâm  vào năm 1925 , văn chương vẫn còn ảnh hưởng lối xưa , không trau chuốt , hiện đại như Khái Hưng .

   Sau nầy tôi nghĩ lại , có lẽ vì tôi đọc Hồn Bướm mơ tiên trong lúc ấy đã khiến cho lòng tôi vấn vương , nặng nợ với Lan .
 
  Một hôm vào vườn chùa tôi tóm được một con bướm rất đẹp, đem về ép vào quyển Hồn Bướm mơ tiên . Trên nền giấy trắng tôi viết mấy câu thơ :

            Bướm ơi bướm hãy vào đây ,
              Cho ta hỏi bướm câu nầy bướm ơi
             Tại sao không thấy nàng cười ,
              Phải chăng nàng chỉ là người trong mơ ?
                                
                                     (Mượn ý thơ N. Bính) .




Photobucket
                                    

Tôi đưa trả quyển sách cho Lan và chờ trông phản ứng của nàng .

  Nhưng vẫn không thấy gì cả !

  Tôi vẫn biết đó chỉ là hoa trong gương; trăng dưới nước , tất cả chỉ là ảo mộng mà thôi , song lòng vẫn canh cánh , không sao quên được hình ảnh của Lan .

Liên tiếp nhiều hôm sau nữa chúng tôi vẫn vô chùa học đều và vẫn không …nhìn nhau !

   Bỗng một hôm đi ngang chỗ Lan ngồi tôi thấy nàng để trên bàn quyển Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách .

   Tôi lại mượn sách ấy và khi mở ra thì thấy có một tờ giấy nhỏ ghi mấy câu thơ :

                    Bạc mệnh hồng nhan một kiếp người ,
                     Tiếc thương phận bạc thuở nào nguôi
                     Nhớ nhớ thương thương người thiên cổ
                     Thác còn vương hận mãi không thôi …

  Chữ viết nắn nót thật đẹp và sắc sảo .

Photobucket


 Cảm khái vì thương ngừơi hồng nhan bạc mệnh, nàng như khóc người xưa đã một thời yêu, một lần dang dở và cuối cùng thành ra người mệnh bạc .

                     Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,  
                     Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu .

  Đọc sách, đọc thơ của Lan tôi thấy lòng mình bát ngát .

  Số mệnh nào đã xuôi khiến cho Lan đưa cho tôi quyển Hồn Bướm mơ tiên và rồi quyển Tô Tâm ? 

  Làm sao tôi biết ?

*

…  Bạn của Đạm Thủy nói rằng :

-    58 chết rồi !

  Thế là xong một kiếp người ! Nhưng không biết Tố Tâm và Đạm Thủy ai khổ hơn ai ?

  Tôi trả lại quyển sách cho Lan và họa lại bài thơ cám cảnh ấy , chắc là của Lan .

              Kiếp người bạc mệnh đớn đau thay
                Nhớ người đi , đi mãi không phai,
               Ta sống bơ vơ nơi trần thế ,
               Thương người mệnh bạc  có mấy ai ?


Đó là sợi tơ thứ hai kết nối cuộc tình của tôi với Lan .

   Từ đó tôi và Lan thơ đi tin lại , chủ yếu là thơ . Một thời gian sau chúng tôi gắn bó tưởng như không bao giờ xa cách được

                                    
  Không ai tỏ tình ; cũng không ai hỏi rằng có yêu không ?

    Chúng tôi đến với nhau rất tự nhiên thông qua văn chương và sự hiểu biết lẫn nhau .

  Một lần tôi hỏi Lan :

-    Vì sao em yêu anh ?

  Lan đáp không do dự :

-    Vì anh không bao giờ nhìn em …

-    ? ..

-    Em biết anh rất thích em , nhưng anh không theo đuổi em , tán tỉnh em …

  Thật là khó  hiểu .

  Tôi hẹn với lòng là yêu Lan tôi phải hết sức cố gắng học .

  Nhưng tình yêu là thứ mật ngọt thường làm cho lý trí  bị mù lòa .

   Sự say mê nhau của chúng tôi đã phần nào làm suy giảm sức học của tôi .

  Một buổi tối kia , Lan rủ tôi và Yến , bạn học cùng lớp của Lan đến căn gác nàng đang ở chơi . Lan tổ chức nấu chè ăn và chúng tôi chuyện trò rất sôi nổi .

  Đến gần 11giờ Yến mệt mỏi nên lên giường nằm ngủ . Tôi và Lan tiếp tục tranh luận một trong những vấn đề văn học đang sôi nổi trong thời kỳ ấy .

  Đến khi sực tỉnh thì phố xá vắng hoe . Đã đến giờ giới nghiêm !

    Tôi phải ở lại căn gác của Lan đến sáng mới về .

  Tôi bị chị tôi la một trận và hăm mét với Ba tôi .

  Tôi rất ân hận và hứa với chị không tái phạm nữa . Dĩ nhiên là tôi nói dối là đến nhà Thanh , một bạn học thường ghé nhà chị tôi chơi. Tôi cũng dặn Thanh là nếu chị tôi có hỏi thì nhớ “đỡ đạn” giùm tôi .

   Bẳng đi một thời gian, sự quyến luyến nhau của chúng tôi càng thêm khăng khít , vắng nhau một hôm là thấy nhớ nhung lay lắt , không chịu nổi .

   Thế rồi tôi phải nhờ Thanh đến xin với chị tôi chở tôi đến nhà nó chơi và Thanh đã thả tôi xuống nhà Lan !

   Thế là chúng tôi bên nhau suốt sáng !

  Nhưng chuyện ấy rồi cũng đến tai chị tôi .

  Một lần nữa chị cảnh cáo tôi rất nghiêm khắc và nói rằng nếu tôi tái phạm thì chị sẽ mách với Ba tôi . Tôi lại long trọng hứa !

  Nhưng chị tôi cũng như tôi đâu biết rằng một kẻ say tình thì thường không  còn lý trí nữa !

  Và tôi đã tái phạm !

  Lần nầy do một mình tôi ngủ ở nhà trước nên học đến khuya, tôi mở cửa lẻn đi , đến hết giới nghiêm – khoảng 5 giờ sáng  mới về !

  Được mấy lần như thế thì đổ bể .

  Lần nầy do anh rễ tôi phát hiện .

  Chị tôi lập tức báo về Cần Thơ cho Ba tôi .

  Lúc ấy tôi đã thi đệ nhị lục cá nguyệt xong , được nghỉ mấy ngày .

  Rồi  một hôm tôi nhận được một điện tín khẩn của Ba tôi , nội dung đại ý như sau : “ Thu xếp hết sách vở , đồ đạc , vế CT gấp ngay khi nhận được điện tín nầy .”


Photobucket
                                                                                    
 Ngày con lớn phải rời xa quê mẹ,
              Không cận kề nghe Ba dạy làm người …


  Tôi được biết chị tôi cũng nhận được một điện tín của Ba tôi, nhưng nội dung thế nào tôi không rõ .

  Chỉ thấy chị tôi soạn quần áo của tôi , hối thúc tôi chuẩn bị đồ đạc trong buổi sáng hôm ấy và đến trưa anh rễ tôi đưa tôi ra bến xe. Tôi có cảm tưởng mình bị “áp giải” về nơi thọ hình !

  Tôi không có thời gian và không thế nào qua chùa từ giả Lan bởi sáng hôm ấy Lan đi học . Tôi chỉ nhắn với Thanh là tôi về quê ít hôm rồi sẽ lên .

  Tôi giả từ Thành đô bỏ lại phía sau muôn ánh đèn màu hoa lệ, bỏ người yêu không một lời từ giả , bỏ hết bạn bè, phố phường với những cuộc vui, hẹn hò nhau những chiều thứ bảy …để khăn gói quả mướp về quê chuẩn bị đối diện với sự nghiêm khắc của Ba tôi .

  Về đến nhà tôi như một con chó ăn vụng bột . lấm lét, không dám nhìn thẳng vào mắt ai , nhất là Ba tôi .

  Tuy nhiên, trái với sự lo sợ của tôi , Ba tôi không nói gì cả làm cho tôi càng hồi hộp .

  Tôi thấy ở nhà đã chuẩn bị cho tôi một phòng học khá tươm tất ở cái chái nhà bên hông với bàn ghế bảng đen, đèn quạt đầy đủ và mẹ tôi nói rằng đó là chỗ học của tôi .

   Tôi thầm cảm ơn gia đình và thấy Ba tôi đối xử với tôi rất tâm lý và rộng lượng . Tôi thấy gia đình là một mái ấm thực sự chứ không phải là nơi “thọ hình” như tôi nghĩ ban đầu .

Photobucket




  Lúc ấy tôi đã trên 18 tuổi . Ba tôi bảo tôi nộp đơn ở Hội đồng thi Cần Thơ thi dạng thí sinh tự do .

  Thế là tôi mất liên lạc hẳn với Lan .

   Thanh viết thư cho tôi nói rằng sau khi tôi về Cần Thơ ít lâu Lan dời nhà đi đâu không ai biết và nàng không vào chùa học nữa . 

                                              *

  May mắn quá ! Năm đó tôi thi đậu và được hoãn dịch tiếp để học lên đại học .

  Tôi xin nhắc lại một entry cũ của tôi nói về Thắng bạn tôi – cũng là người cùng hội cùng thuyền với tôi . Lúc chuẩn bị thi Đệ nhịc lục cá nguyệt anh đã si mê cô Nga bỏ học nhiều ngày và đã thi rớt TT2 bị bắt đi học trường sĩ quan Thủ Đức . Kết cuộc anh đã bỏ thây ngoài mặt trận .

  Ba tôi với cương vị người thuyền trưởng lèo lái con thuyền nhà vượt qua những cơn sóng dữ .

   Người có một quyết định hết sức đúng đắn khi buộc tôi phải lập tức về quê bởi thấy tôi có triệu chứng sa ngã ở khoản thời gian quan trọng nhất quyết định vận mệnh của cả cuộc đời tôi .

  Sự quyết đoán đó là một cánh tay mầu nhiệm kéo tôi lên từ trong vực thẩm .

  Nếu Ba tôi để tôi tự do như Thắng có lẽ tôi không thoát khỏi số phận nghiệt ngã trong thời tao loạn .

                                                    *

   Còn Lan ?

Khi tôi thi đậu TT2, tôi lập tức lên SG tìm Lan , nhưng bóng chim tăm cá làm sao tìm được một người trong biển người mênh mông của đô thị Sài Gòn ?

  Thời gian tôi quen Lan không lâu . Tôi chỉ biết một chút lý lịch của nàng : Gốc người Huế , gia đình tản cư vào vùng miền Đông của Tỉnh Biên Hòa .

  Chỉ bấy nhiêu đó thì không thể nào tìm ra được một con người .

   Tôi ngậm ngùi trở về chốn cũ nhìn vườn chùa xác xơ mà lòng quặn thắt .

                                             *

  Nhiều năm sau , một hôm tôi được Thanh báo tin rằng đã gặp được Lan .

   Thanh nói rằng Lan đã có chồng và có 2 con . Chồng nàng là một Biên Tập viên Cảnh Sát tức là Thiếu tá Cảnh sát -  và đã chết trong cuộc tấn công của phe bên kia vào Chi Khu mà anh phụ trách .

  Thanh hỏi tôi có muốn gặp Lan không ?

   Tôi thoáng nghe  một bài hát của Phạm Duy với lời thơ của Phạm văn Bình

          …Năm năm rồi không gặp ,
            Từ khi em lấy chồng ,
             Anh dặm trường mê mãi,
             Đời chia như nhánh sông …

                    ………………

         … Anh một đời dong ruỗi ,
             Em tay bế tay bồng
             Chiều hắt hiu xóm đạo
             Hồi chuông giáo đường vang …

                    …………………..

              Năm năm rồi không gặp
              Từ khi em lấy chồng
              Thương người em năm cũ
              Thương góa phụ bên sông …

                                       *

                Lòng tôi bâng khuâng bất định …


                                                                 Thu sau 2006


Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2010

TRÍCH HỒI KÝ : NHỮNG NGÀY THÁNG CŨ ...




NGƯỜI CHỊ LẠC LOÀI



  Hồi đó , khi anh Năm Khuyên – con trai duy nhất của Bác Hai tôi -  cưới vợ thì bác Hai tôi đã có vợ nhỏ (vợ bé) . Ông để bác Hai gái và đám con ở lại nhà lớn với Bà nội tôi . Lúc đó gia đình tôi cũng ở đó ,  ông đưa bà vợ nhỏ xuống sống ở Điền Cái Su – một điền khá lớn do ông tôi khai khẩn từ lâu .

  Thời bấy giờ đa thê là chuyện bình thường , nhưng lấy vợ bé rồi bỏ luôn vợ lớn như bác Hai tôi cũng là hiếm .

  Anh Năm Khuyên lúc chưa lấy vợ và ở chung với ba tôi, hai người suýt soát tuổi nhau ấy đã thành đôi bạn mặc dù thứ bậc là chú cháu .

  Vì chuyện thân thiết nhau giữa hai chú cháu như vậy nên về sau gây  nhiều hệ lụy cho một đời người . Đó là chuyện của người chị thứ Năm  của tôi .

                                                     *

  Thời bấy giờ vùng sông nước ở Cà Mau có nhiều cô gái trẻ đi ghe thương hồ mua, bán nhiều thứ thực phẩm, gia dụng … Ghe theo những con nước lớn , ròng đi bán buôn khắp các vùng sông nước của miền đất cuối Việt .

  Và một chiếc ghe bán đồ hàng bông với hai người con gái tuổi đôi mươi đã cặp kè với anh Năm Khuyên, trôi lên trôi xuống  theo các con nước thủy triều …


Photobucket 

 
                                             Ba tôi và anh Năm Khuyên


 Khi anh mõi gối trở về nhà thì anh mang theo một căn bệnh do nặng nợ trăng hoa cực kỳ nguy hiểm : Bệnh giang mai !  Ngay sau đó anh truyền cái bệnh quái ác ấy cho vợ , và chị Năm Khuyên đã bị hư thai .

  Bác Hai gái nhỏ khi biết chuyện nầy lập tức đến một tiệm thuốc bắc đặt mua một tễ thuốc gọi là ngũ hổ  tức là 5 vị thuốc cực độc để trị bệnh giang mai, về cho hai vợ chồng anh uống .

  Một vị đông y sỹ có nhiều kinh nghiệm nói rằng tễ thuốc ngũ hổ nầy  nếu đàn bà có thai uống sẽ bị hư thai thậm chí tuyệt tự .

  Quả nhiên sau lần sẫy thai đó chị năm Khuyên không có con được nữa .
 
  Nhiều người trong họ kháo nhau rằng bác hai gái nhỏ có chủ tâm làm như vậy để dòng lớn của bác hai tôi không người nối dõi , thừa tự .

  Tôi không biết chuyện ấy có phần nào sự thật hay không ? Nhưng sự tuyệt tự của anh Năm Khuyên tức của Bác tôi là có thật !

  Sự tính toán của bác gái nhỏ - theo tin đồn đại – đã có kết quả . Song âm mưu của bác – nếu có – cũng vô ích vì bác sinh 8 lần chỉ toàn là con gái !  Bác không tìm đâu ra được một mống con trai để nối dõi cho dòng nhỏ như bác hằng mong ước .

  Trong gánh họ của tôi lại có dịp để mà buôn chuyện với nhau rằng “ ông trời có mắt”

  Anh Năm Khuyên rất buồn vì nổi không có con nối dõi , nhưng tính trăng hoa vẫn không chừa nên anh đã có một đứa con rơi . Lúc sinh thời anh và gia đình không nhìn nhận nó , nhưng họ hàng, xã hội đều  thấy rất rõ và mặc nhiên coi nó là đứa con ruột thịt của anh bởi nó giống anh như  tạc . 

  Một lần , tôi về Cà Mau thăm chế Năm tôi (vùng ấy người ta thường kêu chị bằng chế như người Tiều) tôi đã gặp nó . Lúc ấy anh Năm Khuyên đã mất rồi, nhưng hình ảnh của anh vẫn còn đậm nét trong tâm trí tôi , cho nên khi chợt gặp nó tôi bỗng giật mình thảng thốt . Trời ơi ! anh Năm Khuyên đó ư ?  Tôi thật không ngờ hậu duệ một cuộc tình vụn trộm qua đường của anh lại giống anh như đúc ! và khi ấy tôi đã được an ủi rất nhiều : rằng anh không “tuyệt tự “ như người ta nói , anh vẫn sống và máu thịt của anh vẫn tồn tại, lưu truyền lại đời sau .

                                                      *

  Tuy nhiên đó chỉ là phần chìm của tảng băng , phần nổi thì anh chị vẫn không có con . Chuyện ấy dù xưa hay nay vẫn là nổi bất hạnh cho những cặp vợ chống .

  Trong khi Ba má tôi lúc ấy đã có tới đứa con thứ tư.

  Anh Năm Khuyên cứ theo ba tôi xin anh Tư tôi làm con nuôi.

  Dĩ nhiên là má tôi không bao giờ đồng ý .

  Lúc ấy má tôi đang có mang và trước sự nài nỉ của anh , ba tôi hứa sẽ cho anh đứa con trong bụng mẹ tôi dù trai hay gái .

  Bi kịch bắt đầu từ đó .

  Nhiều năm sau, mỗi lần nhắc đến chế Năm tôi, mẹ tôi đều nói rằng lời hứa của ba tôi mẹ tôi hoàn toàn không biết .

  Khi chế vừa lọt lòng thì anh chị Năm qua bồng đi .. . Má tôi nói rằng bà đã khóc hết nước mắt khi nghe tiếng khóc ngằn ngặt của đứa con mới lọt lòng ! (Lúc ấy ba má tôi và anh chị Năm còn ở chung ở Nhà Lớn) . Không chịu nổi , bà kêu người nhà lên bồng đứa bé để bà cho bú , nhưng anh chị Năm Khuyên đã đóng chặt cửa, kêu gì cũng không mở !

  Đó là số phận nghiệt ngã của chế : Mới lọt lòng đã phải rời xa vú mẹ ! và đó cũng là khởi đầu sự cách chia với bầy đàn vĩnh viển …

                                                 *

  Một đứa trẻ mới sinh ra nếu rơi vào bất kỳ một hoàn cảnh nào nó sẽ thích nghi dần dần , có khi còn thoải mái hơn nơi nguyên thủy . Song bản chất của con người là quan hệ bầy đàn – nói nôm na là ruột thịt – tách rời khỏi những thành viên ruột thịt ấy cuộc sống của con người sẽ gặp nhiều trở ngại , rắc rối và rồi tâm sinh lý , tình cảm, những nguyện vọng , ước mơ, sự chân thật , cỡi mở , cả đến giọng nói, tiếng cười cũng có những nét  đặc trưng khác hẳn những thành viên của bầy đàn .

  Tình thương yêu của người nuôi dưỡng nhiều khi cũng đậm đà sâu sắc, nhưng dù thế nào nó vẫn mang sắc thái riêng , không bao giờ như ruột thịt được .

  Khi hứa để một đứa con cho anh Năm Khuyên, Ba tôi giao kết là đứa con ấy phải gọi Ba Má tôi bằng Ba , Má , không được gọi theo vai trong họ (Nếu gọi theo vai trhì chế phải gọi ba trôi bằng ông chú ) . Chính vì thế mà chế gọi ba má tôi là Ba Mười, Má Mười để phân biệt với ba nuôi là anh Năm Khuyên . Đối với anh chị em chúng tôi thì tụi tôi vẫn xưng hô như bình thường .

                                                  *

  Khi chiến tranh bùng nổ ác liệt , nhà tôi hồi cư từ Cần Thơ về Cà Mau đến ngụ tạm điền anh Năm Khuyên .

  Nói là điền của anh , song đó chẳng qua một điền của ông tôi  khai khẩn để Bác Hai tôi  đứng tên .

  Lúc ấy chế Năm tôi – chế tên là Tuyết Hồng  - đã được 13 – 14 tuổi và là một cố gái đẹp nhất trong vùng .

  Nhà anh Năn Khuyên có thể nói là khá giả nhất trong xóm, có vườn cây ăn trái rộng lớn và nhiều ao cá . Lúa ruộng góp cũng rất nhiều . Tóm lại gia đình anh là một nhà Địa chủ giàu có nhất trong vùng .

  Chế năm Tuyết Hồng là một tiểu thư sống trong nhung lụa , một cuộc đời vật chất đầy đủ nhưng vẫn sống với những người không phải là ruột thịt .

Bề ngoài trông ngon lành như vậy, nhưng bên trong vẫn có một cái gì đó làm chế không được vui trọn vẹn như bọn tôi .

  Còn nhớ, một lần sát Tết, nhà tôi làm heo chia lúa tới mùa (thịt heo bán quy ra lúa , đến mùa sẽ trả bằng lúa ).

  Sáng sớm, mẹ tôi nấu một nồi cháo lòng heo rất đặc biệt và bà bảo chúng tôi kêu chế năm qua ăn . Lúc về , bác Hai gái lớn xỉa xói :
  
-    Mầy đi ăn cháo heo đã đời rồi phải không ?

  Danh từ “cháo heo” dùng để chỉ cặn cáu nấu với cám cho heo ăn .

  Nhà anh Năm Khuyên sợ chúng tôi dụ chế về nên dùng đủ mọi cách chia cắt chế với gia đình chúng tôi .

  Nhưng một  một đứa trẻ dù sắp trưởng thành đang sống trong nhung lụa có bao giờ muốn trở lại với bầy đàn , dù biết là ruột thịt . nhưng cuộc sống nheo nhóc với 6 , 7 anh chị em … Một khúc mía, một trái ổi… không thể nào chia cho từng ấy đứa được .

  Nhưng chúng tôi vẫn quan hệ gắn bó, thương yêu nhau , mặc dù người lớn có những suy nghĩ nầy khác . Chúng tôi không mặc cảm và chế cũng không tự hào

  Một lần mấy anh em tôi qua nhà anh Năm chơi - hai nhà chỉ cách nhau một con kinh – Chị Láng vợ anh năm Khuyên kêu người làm đốn mía cho tụi tôi ăn . Chị dặn người nầy chặt khúc giữa của cây mía để lại cho chế Năm còn khúc ngọn và khúc gốc thì chia cho bọn tôi .

   Bọn nhỏ hào hứng ngồi xước mía và chuyện râm ran ; còn tôi thấy tự ái và buồn quá nên không ăn, bỏ ra về .

   Câu chuyện  khúc giữa, khúc ngọn và khúc gốc của cây mía đã in trong tâm trí của tôi rất lâu mãi vế sau nầy .

                                                  *

  Thời vàng son của chế không được bao lâu thì chiến tranh trở nên ác liệt . Anh Năm Khuyên thoát ly đi kháng chiến và bị giặc bắt đày ra Côn Đảo .

   Lúc ấy chế đã có gia đình và hai đứa con . Anh Sủng chồng của chế cũng đi theo kháng chiến .

  Rồi chế sinh thêm một đứa con nữa !

  Ở nhà chỉ có 3 người đàn bà và ba đứa trẻ nhỏ .

  Bom đạn giặc đã đến vùng sâu nầy và liên tục trút xuống . Nhiều người quen trong xóm chết .

  Chúng tôi lúc ấy lại tản cư lên Cần Thơ bỏ lại sau nhà cửa , ruộng vườn và cả đạn bom cài nát xóm làng …

  Năm Mậu thân anh Năm Sũng mất tích , trong khi anh Năm Khuyên vẫn  còn ở tù ngoài Côn Đảo .

   Chế một nách 3 con , chị Năm Khuyên cũng yếu ; bác hai gái lớn thì quá già không chạy càn và trốn máy bay được . Chế đành dắt mẹ, bế con chạy giặc, phó thác  Bác Hai tôi ở nhà .

  Đây là những năm tột đỉnh của sự vất vả mà chế phải gánh lấy .

   Máy bay bắn phá rất dữ . có ngày chúng đến 2, 3 đợt . Làng xóm tan hoang , nhiều người chết vì bom đạn .

  Biệt kích thọc sâu vào vùng ấy bất kể ngày đêm . Nhà chế bị dán bảng đỏ - tức là nhà có người theo V.C – nên giặc thường xuyên ghé vào cướp bóc . Một nãi chuối, một buồng dừa chúng đều vét sạch !

 Cuối cùng không chịu nổi sự ác liệt của chiến tranh , chế phải bồng trống cả gia đình về Cà Mau .

   Giai đoạn tôi vừa kể chỉ là mới mở đầu phần vất vả trong cuộc đời của chế .

  Trong các anh chị em tôi cũng có nhiều người gặp lắm điều bất hạnh , nhưng chúng tôi ở gần bên nhau nên khi hoạn nạn có nhiều người thân đỡ đần, an ủi .

   Tôi chẳng hạn.

  Một lần , khi biết tôi có bồ và bỏ học mấy ngày, Ba tôi đánh điện tín lên gọi tôi về gấp , cũng may lúc ấy tôi vừa thi đệ nhị Lục cá nguyệt xong .

  Về đến nhà ông dũa cho một trận te tua, và không cho tôi lên Sài Gòn nữa .
  Tôi phải thi Tú Tài tự do ở Cần Thơ .

  Nếu Ba tôi không can thiệp quyết liệt thì biết đâu tôi sẽ đi theo con đường của Thắng ? (xin xem bài Nó và Tôi trong Blog nầy) .

   Sau nầy mỗi lần nghĩ lại tôi rất thương Ba tôi , ông như ngọn hải đăng luôn soi sáng con đường chúng tôi đi .

  Chế Năm tôi thì không được như vậy . Chế phải quản lý toàn bộ gia đình gồm 6 miệng ăn nhưng không có người lao động nào ngoài chế .

  Thời kỳ đó đời sống ở đô thị rất khó khăn . Với cảnh gạo chợ nước sông nhiều lúc gia đình chế lâm vào cảnh đói kém . Chế phải luộc khoai cho mấy đứa con : thằng Sơn, thằng Hải, con Thủy bưng đi bán dọc theo lộ xe …Hôm nào chúng bán ế thì cả nhà ăn khoai trừ cơm .

  Bấy giờ mía khúc gốc hay khúc ngọn cũng không có cho bọn trẻ ăn…

  Những ngày hè nắng nóng nung người , bọn trẻ cỡi trần trầm nghịch dưới sông ; mùa gió bấc se lạnh bọn chúng co ro trong những manh áo rách .

                                                  *

   Rồi anh Năm Khuyên cũng được thả .

  Trong thời gian ở tù bị tra tấn, ăn uống kham khổ nên anh vướng nhiều thứ bệnh : thêm một gánh nặng cho gia đình chế.

  Lúc ấy chúng tôi ở Cần Thơ , đường xa cách trở nên dù muốn giúp chế cũng không làm gì được .

  Một lần tôi xuống thăm chế , nhà  cất tạm trên một khoảnh đất hẹp cạnh QL.4 – nay là QL.1 – một căn nhà lá lụp xụp , nền đất với hai cái giường tre và một gian bếp nấu củi đặt dưới đất .

 Ôi ! còn đâu cuộc sống huy hoàng của những ngày tháng cũ . Thời ấy chế được tôn vinh là hoa hậu của một vùng Bàu Sen , bởi chế rất đẹp. Bao nhiêu là ong bướm dập dìu , gấm ghé , mong lọt được vào mắt xanh của chế . Nhưng không ai được người đẹp chiếu cố .

  Giờ đây với gánh nặng trên vai và cảnh góa bụa , nên tuy còn trẻ nhưng trông chế già xọm đi, tay chân cùi đày da vẻ bắt đầu nhăn nheo …

  Anh Năm Khuyên sau nhiều vật vã của những căn bệnh hậu đã qua đời . Bác Hai gái lớn, chị Năm Khuyên cũng nối tiếp nhau về cõi vĩnh hằng . Chế Năm tôi bơ vơ ở lại trần gian với gánh nặng 3 đứa con thơ và một cuộc sống trong thời bao cấp hết sức khó khăn .

  Ôi ! những ngày vàng son cũ nay còn đâu nữa ! Lúc ấy gia đình bé mọn của chế dời về tạm cư trong một gian phòng nhỏ của nhà văn hóa tỉnh ; sinh nhai bằng việc đánh máy và quay ronéo thuê . Nhiều đêm, chế và Thủy , đứa con gái út của chế thức đánh máy tới sáng . Vất vã như vậy nhưng với 4 miệng ăn gạo tổ cũng chỉ được bữa rau bữa cháo mà thôi .

   Hai ngưới đàn ông trong nhà ấy tuy mang danh là liệt sĩ nhưng mãi về sau nầy mới được công nhận . Anh Sũng thì chỉ ghi nhận là mất tích; anh Năm Khuyên thì ở tù , cần phải xác minh xem trong thời gian ấy có giữ được khì tiết hay không ? (!) . Nếu trong tù mà chào cờ giặc thì cũng bị sổ toẹt !

Photobucket


                                    Bây giờ vẫn còn phong độ lắm phải không ?

Tóm lại hồ sơ liệt sĩ của hai người làm rất gian nan . Thành thử trong thời gian ấy, vợ, con, cháu của những người đã ngã xuống vì đấu tranh C.M cũng chỉ được bạn bè của hai anh thương tình chia xẻ những chén cơm, manh áo rất hản hữu .

 Do đó cuộc sống của gia đình chế rất khó khăn và kéo dài theo vận nước của một thời bao cấp .

  Chính lúc ấy  là thời kỳ “Lá rụng về cội” : Người chị lạc loài đáng thương ấy đã tìm thấy những người thân ruột thịt đích thực của mình .

  Sự đoàn tụ của đứa con, người chị , người em vốn đã tách rời khỏi đại gia đình từ rất sớm đã gây nên một không khí đầm ấm, thân thiết trong lòng bọn tôi

  Photobucket

                                            Với cháu ngoại...

 Bây giờ chế có cháu nội, cháu ngoại, có nhà cửa tươm tất; các con chế có công ăn việc làm ổn định . Đã qua rồi thời đói rách, cô đơn giữa những người đồng loại , người thân .



  Bây giờ nếu chúng tôi có chia nhau 1 cây mía chắc chế không nhận khúc giữa như ngày xưa ; và nếu chế có đến nhà anh em nào ăn cháo lòng cũng không sợ bị ai xỉa xói là đi ăn cháo heo như hồi còn thơ ấu .

   Giờ đây Ba Má tôi đã ra người thiên cổ về nằm trong khu đất nhà ở Cà Mau ; Chế cũng ở gần đó và lãnh phần chăm lo mồ mã cho ba má tôi . Hóa ra khi sinh tiền ba má tôi không được gần gũi chế, đến khi chết lại được ở gần đứa con lạc loài ngày xưa .

Photobucket

                                  Gần gũi khi đã âm dương cách trở...

 Số phận của mỗi người, sự thăng trầm “lên voi, xuống chó”  hầu như đã được định sẵn cho họ . Cho nên một nhà thơ đã nói : “ Bởi số chạy đâu cho khỏi số “

   Song sự chịu đựng , phấn đấu vượt lên số phận của con người đôi lúc cũng làm cho con người thoát ra khỏi sự khắc khe của  con tạo , như Nguyễn Du đã nói : “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều “…

                                                       Cà Mau, mùa Thanh Minh 2005







 

  
 



 
 

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Nó và Tôi



                 THẮNG




                             

 Hồi đó Nó và tôi cùng học lớp đệ nhất B trường Hưng Đạo (Trường tư thục) . Nó và tôi quen nhau sau vài ngày nhập học.

  Hai đứa cùng to xác nên phải ngồi bàn chót .

  Thắng – tên của anh bạn ấy là dân Mỹ Tho; tôi là dân Cần Thơ –  dân miền Tây cả nên rất dễ thân nhau .

   Tôi ở nhà chị tôi, còn Thắng ở trọ trên một căn gác gần khu ấy .

  Nhà Thắng giàu , Thắng học rất giỏi . Thường tôi phải hỏi Thắng những chỗ bí khi làm bài kiểm . Đặc biệt là Thắng có một cái nhìn rất tốt về hình học nên  thường giải được những bài toán khó trong quyển “Một nhóm giáo sư” của Pháp .

  Các kỳ thi đệ nhất, đệ nhị lục cá nguyệt (nay gọi là thi học kỳ) , tôi vẫn thường copy bài của Thắng  những chỗ khó .

   Vì sợ bị bắt lính nên tôi học nhảy lớp đệ tam (lớp 10) – hồi đó hễ đủ tuổi mà không học lớp thi thì bị bắt quân dịch .

   Chính vì vấn nạn đó mà môn Anh văn Sinh ngữ II tôi rất kém . Ông thầy dạy Anh văn thì vừa giảng vừa quan sát : đứa nào nhìn ông ấy thì ông chỉ và hỏi ngay . Báo hại tới giờ Anh văn tôi phải núp sau lưng Thắng .

   Thấy ẹ quá , tôi rủ Thắng đi học Anh văn . Thắng có một chiếc xe gắn máy khá tốt hiệu Puch , chở tôi đi đăng ký học Anh văn ở một trung tâm SN đường Phan Đình  Phùng – nay là đường Nguyễn Đình Chiểu . Dĩ nhiên Thắng học lớp cao hơn tôi . Chúng tôi học bộ Let’s learn Enghish . Thắng học Q.4 ; tôi học quyển 2 .

   Sau 3 tháng học, tôi theo kịp các bạn trong lớp và không cần “núp” ông thầy Anh văn nữa .

*

Buổi chiều  chúng tôi vô chùa Phụng Sơn tự tục gọi Chùa Gò học bài  .

Chùa Gò rộng, mát  và yên tỉnh . Các sư ở chùa làm một số bàn ghế để ngoài vườn cho bọn SV HS như chúng tôi ngồi học .

 Chính ở cái chùa nầy tôi đã gặp Lan – một cô bạn gái rất khả ái học lớp 12 Ban C (ban văn chương) . Cuộc gặp gỡ nầy có nhiều tình tiết khá li kỳ . Có dịp tôi sẽ nói sau  .




Chùa Gò

                                                     Chùa Gò

   Trở lại chuyện của Thắng .


   Khi chúng tôi chuẩn bị thi Đệ nhị lục cá nguyệt thì bỗng một hôm Thắng không đi học .

 Buổi chiều khi vào chùa gặp nhau tôi hỏi liền : Sao không đi học ?

 Thắng cười cười không nói .

Tra khảo đã đời cuối cùng anh ta mới xì ra .

-    Tối hôm qua tao gặp một con nhỏ bán bắp xinh ơi là xinh …

-    ??

-    Tao tán và đi theo gánh bắp của nó tới khuya . Sáng ra ngủ quên !

 Bốn năm đứa bạn của tôi và Thắng cùng học trong chùa ồ lên , la Thắng một trận nên thân .

  Thắng cuối đầu xẻn lẻn như biết lỗi …

  Nhưng …

  Liên tiếp hai hôm sau Thắng đều vắng mặt . Thậm chí không vào chùa học .

   Chúng tôi sốt ruột, đạp xe đến chỗ trọ của Thắng thì bắt gặp anh ta đang ngủ li bì ...
 
  Bà chủ nhà nói rằng hai hôm nay hôm nào gần sáng Thắng mới về …Tôi nghĩ : Lại theo cô bán bắp cả đêm … – sau nầy tôi mới biết cô tên là Nga
 
                                         Photobucket

                                                     Mỗi người mỗi ngã ...


Kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt năm đó điểm của Thắng rất thấp , thiếu điều không được xét đi thi Tú tài .

  Trường tư thời ấy họ du di điểm dữ lắm , Nói chung đứa nào dù dỡ gì cũng được thêm cho đủ điểm để đi thi . Tôi nghĩ rằng chắc điểm của Thắng kém lắm . Bởi từ ngày quen với Nga sức học của Thắng giảm sút hẳn .

Và kết quả thật đáng buồn : Thắng rớt Tú tài II bị gọi nhập ngũ .

  Thời đó không có gì bất hạnh bằng thi rớt :

“Rớt tú tài anh đi Trung sĩ ,

Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con ….”

Hay như PD đặt lời cho một bài hát :

  “…Ta hỏng Tú Tài , ta hụt tình yêu …

  “ Thi hỏng mất rồi , ta đợi ngày đi …

  “ Đau lòng ta muốn khóc , Đau lòng ta muốn khóc …”


 Hôm chúng tôi đưa Thắng lên Quân Vụ Thị Trấn , Thắng nhìn chúng tôi rơm rớm nước mắt , và anh phải cười gượng quay đi …

  Khi hết thời gian ở quân trường , Thắng  bị đưa về Sư Đoàn 21 Bộ Binh đóng ở Cai Lậy , anh có viết thư cho tôi .

   Trong thư có đoạn nói về cuộc tình của anh với Nga . Đại khái khi cô Nga từ giả anh về Phước Tuy thì cô không xuống Sài Gòn nữa , Thắng có đi Phước Tuy tìm cô nhưng không gặp . Bà bác của Nga nơi cô ở đi bán bắp nói rằng cô đã đi lấy chồng !

   Thắng quá thất vọng , từ đó bỏ bê sự học , cuối cùng thi rớt !

   Ở nơi tuyến đầu khói lửa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc .

  Về sau Thắng cũng có viết cho tôi mấy thư nữa toàn là những chuyện hãi hùng nơi tuyến lửa và lòng hối tiếc …

  Bẳng đi một thời gian khá lâu tôi không có tin tức gì của Thắng cả .

  Chiến sự càng ngày càng trở nên ác liệt. Tin từ chiến trường về tới tấp , không vui .


   Một hôm tôi đi học sớm, đang thơ thẩn trong giảng đường thì gặp Ngọc – bạn cũ của tôi và Thắng – cũng là dân Mỹ Tho , ở cạnh nhà Thắng . Ngọc báo tin là thắng đã chết trận từ tháng trước !

  Tôi sửng sờ ! Không ngờ cái kết thúc của đời Thắng quá sớm như vậy .

   Kiếp nhân sinh là thế đó !

   Chiến tranh tàn khốc là thế đó !

Trong lớp 12B8 của chúng tôi có 2 thằng chết trận vì thi rớt Tú tài phải ra lính ; 6 thằng áo lính , giày trận ở khắp 4 vùng chiến thuật tôi không rõ số phận của từng đứa ra sao .

  Mỗi lần nghe bản nhạc NÓ VÀ TÔI tôi đều muốn rơi nước mắt , thương xót cho những kiếp người đầu xanh đã ngã xuống cho một cuộc chiến tương tàn , vô nghĩa …

                                                                Sài gòn một ngày cuối Thu