Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011
Trích hồi ký "NẾU TÔI CÒN NHỚ"
CHUYỆN THIÊN THU I
NHỚ MẸ ...
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhớ người năm cũ khăn điều vắt vai ...”
Một đêm mùa thu. Nhà vắng tanh. Anh Hai và anh Tư tôi đã cỡi xuồng đi rừng. Mùa cấy vừa xong, hai anh đi đốn cây chở lên miệt trên bán .
Bên ngoài mây đen nghịt phủ kín chân trời.
Nước lụt tràn bờ.
Mấy hôm nay mưa lũ dữ dội, hàng chuối sau nhà xác xơ lá vì giông bão. Không khí ẩm và lạnh. Ngoài đường lầy lội, không một bóng người…
Anh em tôi rút lên hết ở nhà trên. Ngọn đèn dầu leo lét soi chập chờn từng bóng người trên vách.
Mẹ tôi ngồi ăn trầu trên bộ ván giữa nhà. Cảnh tịch mịt bao trùm trong đêm vắng. Bọn tôi cũng nằm im, không nô giỡn như mọi hôm.
Bỗng mẹ tôi nói:
- Sáng mai trời ngớt mưa, con lấy xuồng chở Má đi Kinh Ba thăm Chị con. Lâu quá, không có tin tức gì của tụi nó, tao nhớ quá! Không biết tụi nó sống ra sao?
Tụi tôi nhao nhao lên vì tin nầy.
Mẹ tôi hỏi:
- Con biết đường đi Kinh Ba không?
Kinh Ba là một xóm rẫy cách sông Bảy Háp - chợ Cái Keo chừng 7 - 8 cây số.
- Con chỉ nghe chị con kể lại thôi. Chưa đi làm sao biết? Mà trời nầy đi sao được?
Mẹ tôi nhìn ra ngoài trời dông mưa mịt mù, thở dài:
- Mưa đã mấy bữa rồi, chắc mai sẽ ngớt…
Tôi nói:
- Đường đi từ đây xuống Điền Quốc Gia thì con biết, còn xuống dưới nữa thì con chưa đi lần nào…
Mẹ tôi cố thuyết phục:
- Đường đi thì mình hỏi người ta chớ gì?
Một cơn gió giật mạnh, ngôi nhà kê tán rung rinh… mưa ào ào át cả tiếng Người.
Mấy đứa tôi ngồi rút lại cho ấm. Gió luồng qua song cửa làm ngọn đèn chao đi như sắp tắt…
Tôi bàn ra:
- Xuồng be chín của mình lúc nầy chảy quá, cặp chèo thì chẳng ra hồn…
Mẹ tôi lại thở dài, song giọng bà lại cương quyết:
- Mai qua chú Hai Hộ mượn cặp chèo đước và cây dầm. Má sẽ bơi tiếp, còn xuồng chảy thì mình tát… Khuya má nấu cơm để nhà cho tụi nó và đem theo. Sáng ra nườc lớn, bớt mưa mình đi. Tao nhớ tụi nó quá! Thiệt chỗ gần không gả, gả chỗ "khỉ ho cò gáy" nào đâu… Nhớ, muốn đi thăm cũng không biết làm sao. Hồi hôm má nằm chiêm bao thấy thằng Nhân bịnh…
Trong giọng nói của mẹ tôi nghe như một tiếng rên, chứa chất một tấm lòng rộng lớn mênh mông.
Ôi! biết nói sao cho hết về tấm lòng của người mẹ!
Từ ngàn xưa, có con gái là các bà ước ao:
Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí rợ dưa hường nấu canh…
Ít có bà mẹ nào thích gả con về miệt vườn, miệt rẫy hay vùng đồng chua nước mặn những nơi mà "muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lềnh như bánh canh…", không có bóng người, chỉ có tiếng chim kêu, vượn hú…
Từ lâu, qua những lời kể lại của những người biết chỗ ở của chị tôi mẹ tôi tưởng tượng vùng Rạch Vọp - Kinh Ba là nơi "rừng lá hoang vu, buổi sáng bù mắt cắn phát điên…Nước mặn tràn lên lé đé nền nhà; buổi chiều phải ngồi trong mùng ăn cơm vì muỗi bay như trấu vãi…"!
Việc gả chị tôi về vùng Kinh Ba, mẹ và ba tôi cũng bất đồng ý kiến. Nhớ hồi ấy bà cằn nhằn ba tôi:
- Tôi theo ông đến miền nước mặn xa xôi nầy cũng đủ lắm rồi. Cha chết cũng không thấy mặt. Từ hồi giặc giã tới giờ có về thăm nhà được đâu? Bây giờ gã nó về vùng ấy thiệt tôi chẳng ưng bụng chút nào… Lỡ nó có bịnh hoạn mình có biết đâu?… Có nhớ cũng không biết làm sao đi thăm tụi nó…
Giờ đây ba tôi không có ở nhà, chuyện lo lắng, nhớ thương chỉ một mình mẹ tôi cưu mang, lo nghĩ và đau xót, không có người thân chia sẻ.
Ôi! nuôi con hao gầy thân xác để cho con nên vóc nên vai, giờ có chồng xa cũng chẳng được yên tâm. Nỗi buồn nhớ, sầu lo vẫn canh cánh bên lòng.
Tôi thường nghe mẹ hát ru:
Chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần sao em không lấy, đi lấy chồng xa?
Mai sau cha yếu mẹ già,
Chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dâng?
Chị tôi không biết có ru con bằng câu hát ấy
chăng ?
Ngoài trời mưa vẫn rả rít, gió vẫn xạc xào qua các lùm cây, bụi chuối, lạnh buốt.
Bọn tôi lần lượt vào mùng đắp chăn ủ ấm.
Nhưng bên ngoài, cạnh ngọn đèn khuya leo lét của đêm mưa gió ấy, mẹ vẫn ngồi ăn trầu, nhìn mưa ngoài song cửa, thở dài.
Chắc có nhiều câu hỏi làm rối bời lòng mẹ đêm nay: Ngày mai trời có tạnh mưa không? Có đi được không? Tụi nó có mạnh giỏi không?…
Qua ánh sáng ngọn đèn dầu khi mờ khi tỏ, tôi mơ hồ thấy mẹ đưa chiếc khăn rằng lên lau mắt…
Tôi nghe lòng xót xa và tự hứa: mai dù có mưa thế nào tôi cũng phải cố gắng đưa mẹ tôi đi.
Mười lăm tuổi, tôi chưa lần nào chèo xuồng đi quá 10 cây số. Bây giờ phải chở mẹ tôi đi tận vùng Kinh Ba - một xứ lạ ở tận vùng sâu miền cuối cùng của đất nước thì thật là một sự kiện lớn trong đời.
Nhìn mẹ tôi ngồi ngó mong ra ngoài trời mưa đêm ấy, ký ưc tôi lại khơi dậy những ngày xưa cũ khi chúng tôi còn ở tận xóm Láng Dài, một vùng đồng sâu của tỉnh Cà Mau…
*
- Bà con ơi ! có ai biết nhà của Sáu Hằng ở đâu không?
Sáu Hằng là thứ và tên của mẹ tôi.
Đó là một buổi chiều mùa mưa năm 1958 , nắng vàng sắp tắt tận chân trời…
Bọn tôi năm đứa chạy ùa ra bến sông, nhìn ra cái búng quẹo vô nhà tôi của con lung Láng Dài.
Một chiếc tam bản có mui, hai chèo đang thả trên sông. Ngồi trước mũi ghe là một bà cụ già tóc bạc phơ, che tay nhìn.
Bông súng nở trắng đầy sông như mái tóc bạc của bà. Ghe từ từ đi vào bến.
Những sợi tóc nhuốm màu thời gian phất phơ theo gợn sóng trên sông…
Chị tôi la lên:
- Ngoại xuống! Trời ơi! Má ơi! ngoại xuống!
Tư Hùng cũng la lên:
- Nhà Sáu Hằng đây nè Bà ơi! Ghé vô đi!
Một nụ cười móm mém nở trên môi của Bà. Bà nheo mắt nhìn qua tay che như chưa tin đó là đám cháu mà Bà mà bà từng nhớ thương lay lắt, đêm ngày…
- Ới! Ới! Ngoại xuống Má ơi!
Chân tôi như chôn xuống đất, không tin đó là sự thật!
Nắng chiều xuống rán vàng cụm sậy bên cù lao, một con trích ré kêu lên báo tin vui…
*
Trong mớ đồ tế nhuyễn Bà đem xuống Láng Dài cho chúng tôi, ngoài đủ thứ quà cáp còn có mấy chiếc mo cau, mấy cái gáo dừa!
Tụi tôi vừa soạn đồ ra vừa cười.
Bà hiền từ bảo:
- Ở cái xứ "khỉ ho cò gáy" nầy tao biết tụi bây lấy đâu ra mo cau, ra gáo dừa?
- Mo cau và gáo dừa dùng để làm gì hở Bà? - Một đứa hỏi .
- Mo cau để nhận mắm, gáo dừa làm cán để múc nước…
Ôi! những suy nghĩ đó đã hình thành bao nhiêu đêm trường thao thức, nhớ mong? Nung nấu bao nhiêu trong những tháng ngày xa cách?
Long Bình - Láng Dài bao nhiêu dặm đường xa? Bao nhiêu cây số?
Tôi không biết. Nhưng không thể nào đo được bằng một con số cụ thể con đường mà những người mẹ đi thăm con!
Nhìn cái mui ghe tam bản thấp lè tè và chật chội với bao nhiêu đồ đạc lỉnh kỉnh, tôi thật không thể hình dung được với căn bệnh ngoại khoa của Bà, mười mấy ngày qua với bao nhiêu con nước lớn ròng, Bà tôi ăn ở và sống ra sao ?
*
Giờ đây cảnh đời đâu có khác ngày xưa? Mái tóc bạc hoa râm bên ngọn đèn khuya khi mờ khi tỏ, ngoài trời mưa gió sụt sùi khiến cho lòng người thêm thương cảm.
Trong lòng mẹ nghĩ gì, nhớ thương gì làm sao tôi không biết?
Chập chờn trong giấc ngủ, tôi nghĩ rằng ngày mai thế nào mình cũng ráng đưa mẹ đi…
*
Sáng hôm sau quả nhiên trời hết mưa. Tôi thức dậy thì mẹ đã sửa soạn xong cơm nước, đã mượn chèo và dầm… chuẩn bị đâu vào đấy. Tụi nhỏ được mẹ tôi gọi dậy dặn dò đủ thứ…
Phương đông trời đã hừng sáng, nhưng mây đen vẫn còn nặng cả bầu trời. Nước dưới sông đầy mà. Hơi thu qua một đêm mưa còn lạnh buốt…
Bốn đứa nhỏ còn lại ở nhà đứng trên bờ trông theo chiếc xuồng đi khuất đám lá ven sông.
Thật ra ngày ấy tôi chưa thấy hết được niềm hạnh phúc lớn lao khi được cùng với Mẹ đi xuồng một quảng đường xa như vậy. Đường đi cũng có lúc vất vả gian nan so với sức vóc của tôi, song cũng có lúc trong chuyến đi thật là êm đẹp và nên thơ.
Chiếc xuồng rẽ nước lao đi như mang một niềm tin mới càng ngày càng thu hẹp khoảng cách, và tôi hiểu nỗi nhớ mong của mẹ tôi cũng vơi đi phần nào cùng với quãng đường đi đến đó mỗi lúc một gần hơn…
Đã lâu lắm rồi tôi không được đi trên một chiếc xuồng chèo trên sông nước như vậy. Giờ đây tôi đang sống ở kinh thành tràn ngập ánh đèn màu, khói và bụi thời gian làm mờ đi những hình ảnh mộc mạc chốn quê xưa. Có lúc tôi ngồi bên ngọn đèn nghe canh tàn khắc lậu trôi qua, tôi cố nhớ về dĩ vãng mong tìm lại bóng hình người mẹ thân yêu ngày ấy và chập chờn khi nhớ, khi quên …
Hỡi ơi! Có kỷ niệm nào không phai nhạt bởi thời gian? Hình bóng thân yêu nào không bị thời gian chôn vùi theo năm tháng?
Cầu trời cho tôi còn có những giây phút không quên được những hình bóng cũ!
Cầu trời cho linh hồn mẹ còn mãi vương vấn đâu đây về thăm hỏi chúng con !
Ta nhớ người xưa đã cách xa,
Giờ đây chiếc bóng chỉ mình ta ,
Nhớ thương thương nhớ đầy trong mắt,
Sao vẫn còn mơ mẹ vắng nhà?
*
Có bao giờ mẹ về nơi đây?
Nhìn ngắm chúng con lệ vơi đầy,
Nhớ về ngày cũ nay xa lắm,
Mãi tít mù khơi tận chân mây!...
*
Có bao giờ mẹ về thăm Ba ?
Để thấy người xưa đã luống già ,
Mà vẫn cô đơn trông vò vỏ ,
Một hình bóng cũ đã đi xa . . .
*
Thật ra có gì lớn lao lắm đâu? Chỉ một chiếc xuồng nhỏ, một chuyến đi xa cũng đủ khắc họa trong lòng ta một kỷ niệm khó quên. Dù cho bao năm tháng qua đi, tóc ta có trắng bạc màu thời gian, và dù cho vật đổi sao dời, bèo dạt mây trôi nhưng niềm thương nỗi nhớ về những ngày ấy ta không thể nào quên .
Và Ba, các anh chị, các em chắc cũng có nhiều kỷ niệm về Người. Hãy ấp ủ trong lòng, và nhớ mãi mãi đừng bao bao giờ quên!
*
Thật ra tôi cũng không biết đường đi ra sông Gành Hào theo ngã kinh Quản Húi , nên qua khỏi xóm Bùng Binh đến một ngã ba là tôi phải ghé lại hỏi thăm đường .
Con kinh rộng nhưng đầy rong đuôi chồn và bông súng, xuồng chèo không đi nhanh được, mẹ tôi phải bơi tiếp .
Trước cảnh ấy mẹ tôi nhắc lại chuyện cũ :
- Đi đường nầy má nhớ những lần hai mẹ con đi câu ở Kinh Khạo Tư. Thiệt là trời đất mênh mông, bơi xuồng đi hoài không có bến có bờ …
Hồi ấy, sau mùa cấy xong hai mẹ con tôi thường bơi xuồng đi câu bên Kinh Khạo Tư. Buổi chiều hôm trước, đi moi dế nhũi hay bắt cào cào chuẩn bị làm mồi cho hôm sau đi câu xa… Mẹ tôi bơi mũi, tôi bơi lái đi sâu vô kinh Miễu… Đó là một vùng hoang vu không có nhà cửa, xóm làng. Hai bên bờ kinh toàn là lau sậy, tiếp đến là đồng cỏ bạt ngàn: toàn là bồn bồn và năng trãi tận chân trời. Con kinh nước trong veo dầy đặc rong đuôi chồn và bông súng. Buổi sáng, bông súng nở trắng cả kinh trông xa xa như một dãi lụa bạch trãi dài đến mút tầm nhìn. Nước dưới kinh trong thấy đáy. Cá rô, cá thát lát , cá trê … rất nhiều. Hễ lưỡi câu lọt xuống kẻ lá bông súng là chúng đớp ngay.
Trong đời tôi chưa bao giờ được đứng trước một cảnh bát ngát đẹp và nên thơ như vậy. Hồi đó tuy tôi còn nhỏ, song mỗi lần đứng trước cảnh ấy lòng tôi không khỏi xao xuyến bâng khuâng nên cứ mải miết nhìn ngắm bâng quơ để tâm hồn đi lang thang trước cảnh đồng quê, tuy đơn sơ mộc mạc nhưng thật đẹp mê hồn. Chắc vì thế nên lúc nào tôi câu cá cũng ít hơn mẹ.
Bây giờ đứng trước cảnh nầy, mẹ tôi nhắc lại chuyện xưa tôi mới biết rằng ngày ấy không phải chỉ một mình tôi mê cảnh đó mà nó cũng đã in sâu vào ký ưc của mẹ tôi….
*
Nắng đã lên cao. Cánh đồng bao la, bát ngát và im vắng. Xuồng đi chầm chậm, lườn xuồng cọ vào lá bông súng rào rào… Hơi sương vẫn còn đọng lại trên đầu cây ngọn cỏ. Bông súng nở trắng đầy kinh…
Vài con cò trắng đậu trên cánh đồng lúa mới cấy, rình mồi, dáng trầm tư.
Một cơn gió nhẹ thổi làm lật lên những lá bông súng non, trông con kinh như một vạt đất mới cày: từng luống , từng luống đón mũi xuồng lướt qua…
Đã gần đến trưa mà mẹ con tôi chưa đi qua tới sông Gành Hào.
Mẹ sốt ruột:
- Đi gần nửa ngày mà chưa tới sông cái; chưa được một phần đường. Ráng lên, tới Gành Hào mình sẽ ăn cơm.
Tới Xóm Huế sông Gành Hào thì trời gần đứng bóng.
Nước ròng sát.
Tôi nhìn bãi sông phía ngoài con đập mà ngán ngẩm : Bãi chuồi hẩm hàng trăm thước. Sông Gành Hào gần kinh xáng Đội Cường nước chảy xiết. Kéo xuồng qua đập, thả xuống thế nào cũng bị chìm. Làm sao bây giờ? Không lẽ ở đây chờ nước lớn?
Qua mấy ngày đêm mưa dầm, hôm nay trời nắng gắt.
Hai mẹ con nhìn bãi sông, bàn tán, tiến thối lưỡng nan. Cuối cùng mẹ tôi bảo:
- Thôi mình ăn cơm cái đã, rồi sẽ tính.
Tôi cho xuồng đậu dưới bóng một cây bần lớn để ăn cơm.
Nước trong kinh Quản Húi cao hơn mực nước ròng ngoài sông trên năm thước. Cái bãi chuồi nầy không khéo sẽ làm chìm xuồng như chơi.
Sau cùng, tôi bàn:
- Hay là má ngồi ở lái xuồng, con lội xuống đẩy từ từ, dù mũi xuồng có đâm xuống sông cũng không chìm.
Mẹ tôi ngần ngại, song cuối cùng bà cũng đồng ý với giải pháp trên.
Ngồi dưới xuồng, vừa têm trầu, mẹ tôi vừa nói:
- Biết như vầy mình đi ngã vòng cho tiện. Thiệt nhớ tụi nó quá má cũng liều. Đường đi sao quá gian nan…Phải ráng chờ anh con về đưa má đi thì yên bụng hơn…
Tuy nói thế , nhưng nhìn trong mắt bà tôi thấy long lanh một niềm vui khó tả, khác hẳn với đôi mắt u buồn phản chiếu ánh đèn leo lét đêm qua.
Lòng tôi rạo rực niềm thương cảm. Nỗi nhọc nhằn như giảm nhẹ đi phần nào.
Từ ngày đó tôi mới hiểu thế nào là trái tim của người mẹ.
*
Khi tôi viết những dòng nầy thì mẹ tôi không còn nữa…
Năm tháng đã đi qua, nhưng mỗi lần nhớ lại tôi tưởng như chuyện ấy mới xảy ra hôm qua hôm kia gì vậy… nghe rất gần, thân thiết và ấm áp như một lời ru, một bài hát, một câu thơ…
Ôi! những gì đơn sơ và mộc mạc như vậy: chỉ một chiếc xuồng, một chuyến đi xa… song cả cuộc đời ta không thể và không bao giờ còn tìm lại được… Vì không có dòng mực nào, giọt lệ nào tái hiện lại nổi cảnh đời hạnh phúc ngày xưa.
Rất tiếc là hồi đó tôi chưa thấy đó là một hạnh phúc lớn lao trong đời!
Nhiều năm tháng trôi qua. Mỗi lần có dịp sum họp dưới mái gia đình, tôi thường kể lại câu chuyện ngày xưa ấy để hòng tìm lại những kỷ niệm êm ấm; để cùng nhớ về một hình bóng cũ đã chôn vùi theo cát bụi thời gian, nhưng cũng rất tiếc là những kỷ niệm của riêng tôi với mẹ đó chưa có đủ mãnh lực làm hiện lên trong mắt tất cả mọi người hình ảnh người xưa! Nó thoáng qua như nghe một truyền thuyết xa xưa… Nó không thể tạo thành một dấu ấn cho những cuộc đời thực tại. Đến thế hệ thứ tư liệu ai còn nhớ được gì không?
Hay chăng khi kỳ quan tuyệt xảo ấy( ) đã chôn vùi theo cát bụi thì nó vẫn chịu quy luật khắc nghiệt của thời gian: đến một lúc nào người ta rồi sẽ quên? Họa hoằng, mới có người nhắc lại với sự thương xót và nuối tiếc mà thôi…
Còn ta? Sao vẫn quẩn quanh với những hình bóng cũ, với lòng tiếc nhớ mênh mông… Cố muốn quên, nhưng nào có quên được!
Đêm nay có một kẻ tha hương,
Dưới ánh đèn đêm rộn phố phường,
Mà nhớ chuyện nào ngày xưa cũ,
Vẫn không nén được nỗi sầu thương...
… và tôi phải hỏi:
Anh có khi nào anh có nhớ,
Một hình bóng cũ đã xa xôi?
Chị có khi nào còn có nhớ,
Những gì đầm ấm nhất trong đời?
*
Em có khi nào em có nhớ,
Kỷ niệm ngày thơ với mẹ hiền?
Ta có khi nào ta vẫn nhớ,
Chuyện ngày xưa cũ dẫu muôn niên?
Viết đến đây tôi thấy lòng ngậm ngùi khôn xiết!
(Xin xem tiếp phần II)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Ôi, em đọc được những dòng nhớ Mẹ nầy của anh Dũng mà nghe lòng nao nao anh ạ! Em có diễm phúc còn mẹ... nhưng khi đến ngày đó không biết sẽ ra sao? Cho em xin mấy đọan thơ nấy để ngâm vào những dịp cần thiết nhé! Cám ơn anh Dũng!
Trả lờiXóaBài viết thật hay! Người viết hẳn có lòng yêu quê hương, người thân,gia đình và đặc biệt một ký ức sâu sắc về người mẹ thiêng liêng đẫ thực sự làm tôi cảm động.
Trả lờiXóaCảnh sông nước miền Nam thật mới mẻ đối với tôi.Khung cảnh đơn sơ mộc mạc, chơn chất nhưng mà thật đẹp , đọc thấy nao lòng...
Cám ơn anh TD về bài viết!
Rất cảm ơn An đã có một mối đồng cảm sâu sâu sắc với mình , vì cái mộc mạc của truyện nầy mà rất lâu rồi mình e ngại, không muốn show lên ...Không ngờ có một người ở tít trên Tây Nguyên vẫn hiểu và thích cảnh sông nước miền Tây ...Cám ơn !
Trả lờiXóaCám ơn KL đã có những lời lẽ thật chân tình . Tôi xin phép một lần nữa chèn bài nhạc của KL vào đây nhé ...
Trả lờiXóaDạ vâng. Em rất vui và hân hạnh! Em hát tặng anh bài nầy của em sáng tác nữa nè!
Trả lờiXóaCám ơn KL nhé . Bài rất hay , nghe rất xúc động Kim Lệ ơi !
Trả lờiXóaDạ, Bài NHỚ MẸ em phổ thơ của nhà thơ PN Thường Đoan đó anh ạ! Bài hát nầy đã ra CD phát hành bên Mỹ.
Trả lờiXóaĐoạn hồi ký nầy gợi lên trong lòng em những hình ảnh xưa cũ, những kỷ niệm đã từ lâu lắm bỗng hiện về, lòng bùi ngùi thương nhớ một hình bóng người xưa, nhớ một con đò, một dòng sông bến nước... Nghe như đâu đây bài ca vọng cổ buồn của soạn giả Viễn Châu, một nỗi buồn man mác ập đến...
Trả lờiXóaAnh có khi nào anh có nhớ
Một hình bóng cũ đã xa xôi?
Trả lờiXóaThật là một người tâm giao đã từng sống ở miền Tây .
Anh có khi nào anh có nhớ
Một hình bóng cũ đã xa xôi?
Ta biết bao giờ ta quên được
Một hình bóng cũ dẫu xa rồi ...
Thương quá Lá ơi !...
Trả lờiXóa- Cảm ơn cậu đã post bài. Cậu viết hay lắm, đọc lại bao lần vẫn thấy hay.
@bà con cô bác: thằng nhóc cầm dĩa cơm trong ảnh là thằng tui đó : -}
"Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào...
Trả lờiXóaCó biết bao lời tụng ca, ngợi ca tình mẫu tử. Nhưng dường như chỉ khi người ta làm cha làm mẹ rồi, mới thấm thía "công cha nghĩa mẹ", nhất là lúc bước một chân vào giai đoạn "gió heo may đã về" mới hay hồi tưởng nhớ lại những kỷ niệm từng có với bậc sinh thành.
Hồi ức của anh về bác gái thật chân thực và dễ thương, đúng là người mẹ nào cũng luôn lo lắng về những đứa con, dù cho nó đã lớn và con cái đầy đàn. Ngược lại, dù già đầu hai thứ tóc nhưng đứa con nào cũng thấy lòng mình an ủi khi ngồi cạnh mẹ, bởi vậy mới có câu tán; "Phúc cho những ai đang còn mẹ".
Cám ơn anh về những bài viết thấm đẫm tình cảm như vầy.
Cám ơn comment chân thực và đầy tình cảm của YS . Những nhận xét tuy ngắn gọn nhưng thật chính xác và đầy tình người . Cám ơn !
Trả lờiXóaMỗi lần đọc bài nầy sao lòng cậu vẫn thấy rưng rưng ...nhớ bà , thương chị ...
Trả lờiXóaThầy Hiệu Trưởng vẫn không quên những ngày rau cháo ở nhà bà năm xưa ...Thật đáng quý phải không ?