Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Trich hồi ký "NẾU TÔI CÒN NHỚ"...


   
   CHUYỆN THIÊN   THU II

 


Chiếc xuồng từ từ theo lòng lạch của bãi chúi mũi xuống sông Gành Hào đang chảy xiết… Mẹ tôi ngồi phía sau lái, hai tay vịnh be xuồng với dáng điệu lo lắng, không yên.

Nếu tôi không kềm nổi để nó lao mạnh xuống dòng sông thì chắc là xuồng sẽ bị chìm. Dù mẹ tôi biết lội, nhưng nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy ai cũng thấy sợ hãi.

May quá! Do sức nặng của mẹ tôi và tôi nên mũi xuồng cất lên, nước không vô. Xuồng bung ra sông Gành Hào, trôi băng băng theo dòng nước.

Vì chưa quen điều khiển xuồng trên sông lớn nên tôi lính quýnh… Gây chèo xong thì xuồng trôi xuống phía hạ lưu cả trăm mét.

 Từ đó chèo nước ngược lên kinh xáng Đội Cường gần một tiếng đồng hồ!

Ai có đi nước ngược trên sông Gành Hào mới biết! Chèo lia lịa, nhưng nhìn vô bờ thì hình như xuồng đứng yên một chỗ ! Nhất là gặp mùa mưa , nước ròng đổ ra biển; nước vừa chảy vừa đổ nghe ào ào…Gặp các cột đáy giữa sông, nước rẽ thành dòng xoáy mạnh, tiếng kêu ồ ồ thật khủng khiếp!

Vô đến  kinh xáng Đội Cường thì trời đã xế bóng, nhưng nước đã chảy lớn, xuôi dòng đi cũng nhanh, nên 9 cây số kinh xáng đi mất chừng một giờ. Qua Nhựt Nguyệt rồi đến Chà Là thì trời đã về chiều. Xuồng bán vàm đổ ra đông nghẹt.

Ở những chợ Vàm lớn như Chà Là, Cái Keo, Ngã Bảy… người ta dùng xuồng bán hàng hóa, thức ăn cho dân đi ghe thương hồ. Thôi thì đủ cả thứ từ những món thông dụng của một tiệm tạp hóa như kim, chỉ, tương, chao, đường, đậu… đến đồ hàng bông và… thức ăn như hủ tiếu, bún cà ri, bánh bò, bánh tét, đến cơm đủ loại…

Hình ảnh các chợ vàm ngày nay còn rất hiếm. Thật ra nó là một nét văn hóa trên sông nước không có cái chợ nào có thể thay thế được. 

Tôi còn nhớ, thuở nhỏ, con sông trước nhà tôi thường có những chiếc ghe "chệt" bán hàng xén. Cả gia đình họ sống trên chiếc ghe không lấy gì làm lớn lắm, nhưng hàng hóa thì rất nhiều… Tôi thường níu vạt áo mẹ tôi theo xuống ghe hàng xén của chú "chệt" để xin mua bánh tai heo… Đặc biệt dưới các ghe hàng xén ấy có một mùi thơm thơm mà tụi tôi gọi là "mùi bánh tai heo"…

Sau nầy, cho đến bây giờ, không khi nào tôi còn được nghe cái mùi đặc biệt đó… Có lẽ nó thất truyền cùng với những chiếc ghe bán hàng xén theo sông…và hình ảnh một cậu bé con nắm vạt áo mẹ, đôi  chân nhỏ bé lần theo cây đòn dài xuống ghe hàng xin mua kẹo gừng hay bánh tai heo cũng không bao giờ còn thấy nữa…

Tôi đói quá. Hai mẹ con cho xuồng cặp vào một chiếc xuồng vàm bán bún cari chim.

Hầu như những người đi ghe thương hồ trên sông Bảy Háp đều thích  món ăn đặc sản nầy, bởi thịt chim ở đây là chim mới ra ràng bắt ở sân chim Ván Ngựa thịt mềm và rất ngon. Và tôi, có thể nói đó là một trong những bữa ăn ngon nhất trong đời!

Cảnh sông nước mênh mông, buổi chiều gió nhẹ, cặp be xuồng bán vàm ăn một tô bún ca ri chim nóng thật là tuyệt!

Qua Ván Ngựa, đến Điền Quốc Gia thì trời đã về chiều. Bầu trời xám xịt như chì báo hiệu một cơn mưa không thể tránh khỏi .

- Ráng lên con! - Mẹ tôi động viên - Tới Cái Keo có mưa mình sẽ tìm chỗ đụt.

Nhưng chưa tới Cái Keo thì trời đổ mưa ào ào… giông gió ầm ầm! Một cơn mưa to hiếm thấy, làm cho hai mẹ con tôi ướt hết cả. Mặc dù có vải che mưa, nhưng vì cơn mưa quá lớn và dai lại có giông, mẹ tôi thì càng ướt nhiều hơn vì bà phải liên tục tát nước.

Tới Cái Keo thì trời đã tối. Mưa vẫn còn nặng hạt. Gió thổi mạnh. Dòng sông cuồn cuộn sóng.

Vàm sông Cái Keo là một vàm sông lớn của sông Bảy Háp. Tại vàm, bên nầy nhìn sang bên kia bờ chỉ thấy ngôi nhà nhỏ xíu. Nhiều hôm có giông mưa, xuồng ba lá không ai dám băng ngang vàm.

Tôi lạnh run, miệng đánh bò cạp. Hai mẹ con ghé xuồng vào một cây cầu của một tiệm buôn ở bên nầy vàm.

Mẹ tôi xin chủ quán tạm trú bên hàng hiên để trông xuồng cho tiện.

Phố chợ đã lên đèn từ lâu.

Nước lớn đầy sông gần ngập cây cầu thang chuồi trên bến. Tôi cột xuồng dây dài, phòng khi nước ròng xuồng bị treo, rồi đem ván sạp, dầm, chèo lên hàng hiên tìm chỗ nằm. Có một chiếc chiếu trải xuồng nhưng đã ướt từ chiều, không dùng được.

Hàng hiên là một nhà sàn rộng chừng hai thước, lót bằng cây róng, chỉ có mái che, không có vách nên gió lùa thốc vào mang theo những hạt mưa lạnh buốt.

Mẹ trải tấm ny lon duy nhất trên sạp và bảo tôi nằm nghỉ tạm.

Tôi vắt quần áo cho thật khô nước rồi mặc vào.

Hai mẹ con ngồi bó gối nhìn ra dòng sông cuộn sóng.

Đói quá, nhưng không có gì ăn… Chợ Vàm Cái Keo đêm ấy không có một xuồng bán quà rong nào cả. Hầu như tất cả các ghe thương hồ xuôi ngược đều tìm bến đậu. Mưa gió thế nầy chẳng ai chèo chống nổi.

Hai mẹ con đành ngồi co rút chịu đói lạnh, chờ qua đêm.

Mẹ tôi bàn :

- Hay là một chút nữa tạnh mưa mình đi lần lần. Từ đây vô Kinh Ba nghe nói cũng gần…

Tôi hiểu sự nôn nóng của mẹ khi chỉ còn một quãng ngắn nữa là đến nhà chị tôi, nhưng tôi chưa từng đi con đường nầy bao giờ, chỉ nghe kể đường từ Vàm Cái Keo vô tới Kinh Ba đến cả chục cây số, sông sâu, nước chảy rất mạnh, hai bên là rừng, không nhà không cửa… trời lại tối đen như mực, ngửa bàn tay còn không thấy…Mưa giông thế nầy làm sao đi?

Tôi rùng mình ớn lạnh:

- Thôi má à, mình tạm trú ở đây chờ sáng nghen? Đường vô Kinh Ba khó đi lắm, ban đêm thì biết hỏi đường ai?

- Má thiệt vụng tính quá - Má tôi nói - Phải hồi chiều mình mua một ít bánh tét để bây giờ ăn đỡ…

Tôi biết. Song ban chiều, mọi suy nghĩ đã choán cả tâm hồn mẹ tôi là con đường đi tới Kinh Ba, nơi có đứa con và mấy đứa cháu mà bà đang thiết tha mong nhớ. Mọi việc khác đối với bà đâu có gì quan trọng?

Bà chuyển sang giọng lo lắng: "Chà! không biết ở nhà tụi nhỏ ra sao? Má quên nhắc tụi nó nhốt vịt, gài cửa sau… Mưa gió thế nầy không biết nó có nhớ bận áo ấm cho con Út không nữa…

Ôi! Tấm lòng của mẹ ấp ủ rộng lớn biết bao nhiêu! Nhưng thực tại của cuộc đời đâu có thể lúc nào cũng chìu theo ý mẹ được?

Tấm lòng đó đến hôm nay tôi mới hiểu thì mẹ tôi không còn nữa…

Người đã ra đi vĩnh viễn mang theo tất cả nỗi lo âu, khắc khoải; những nỗi nhớ thương đeo đẳng khôn nguôi …

Chết là hết! Là quyển sổ đời đã ghi đến trang chót và đã đóng lại! Mọi nỗi mừng vui, lo âu khắc khoải, mọi nợ áo cơm, tình yêu và nỗi nhớ cũng kết thúc ở đây! Người ra đi tưởng chừng như thanh thản, bỏ lại sau lưng tất cả những gì từng làm bận bịu, ray rứt, không yên…Phải chăng như thế là nợ đời đã trả xong?

Nhưng hỡi ôi! Đối với mẹ tôi, mỗi lần chạnh nhớ về Người sao tôi vẫn đinh ninh rằng Người không sao quên được những hưng vong, những thành đạt hoặc những chìm nổi của các con… Cũng như hôm đó, ở Vàm Cái Keo trong một đêm mưa giông mà lòng mẹ vẫn xốn xang về một đứa ở miệt rừng và những đứa còn lại đang ở trong ngôi nhà ấm cúng …

Cầu trời cho mẹ được an giấc ngàn thu! Và cầu trời cho anh chị em chúng con mãi nhớ về Người! 

                        *

… Khi gia đình tôi dọn nhà về Cần Thơ, tôi còn nhớ, một lần tôi đi chơi đêm về khuya, khi đến một cây cầu  cách nhà khoảng 100 thước là con đường dẫn vào nhà , tôi thấy mẹ tôi đang đứng đó - lúc ấy đã quá 11 giờ đêm - Lòng tôi bồi hồi cảm động và đầy hối hận , tôi vịnh vai mẹ cùng đi vào nhà , bỗng tôi giật mình vì vai áo mẹ  ẩm ướt sương đêm ! Bà chỉ nói thấy sốt ruột và chỉ mới ra đón tôi thôi… và mẹ không trách tôi tiếng nào cả…

Song tôi hiểu tấm lòng rộng lớn của Người nên từ đó không bao giờ tôi đi chơi về khuya nữa …

(Đoạn nầy tôi có trích đăng trên blog của tôi : 
http://thedung1952.multiply.com/journal/item/113/MOTHERS_DAY_1)

Chuyện nhỏ như vậy xảy ra đã mấy mươi năm rồi, song nhiều lần đi đâu về khuya tôi vẫn còn nhớ như  in bóng hình mẹ thơ thẫn đứng đợi tôi trên cầu dưới sương khuya… Bây giờ tất cả đã quá xa … đã chôn vùi theo cát bụi thời gian. Hoạ chăng chỉ còn trong giấc mộng!

… Một lần khác, khi tôi trở lên Sài Gòn  học sau kỳ nghỉ hè, mẹ tôi tiễn tôi ra tận xe lôi ngoài cầu Xưởng, Bà cứ bịn rịn niếu chiếc xe và mãi cứ dặn dò tôi đủ mọi điều làm bác lái xe cũng không nỡ chạy… Cuối cùng mẹ lục trong túi áo và đưa cho tôi chai dầu gió Nhị Thiên Đường nói rằng để đi xe xức ngừa gió mái… Xe chạy đã xa, tôi ngó ngoái lại thì thấy mẹ tôi vẫn còn đứng đó trông theo!...

… Một lần khác nữa, mẹ tôi muốn đi lên Sài Gòn, mẹ nói với ba tôi là đêm nằm chiêm bao thấy tôi vọt xe vespa ra đầu hẻm quá nhanh và bà rất sợ tôi bị đụng xe…! Mẹ nói phải gặp tôi để dặn dò chạy xe cẩn thận…

Giờ đây tôi đi sớm về khuya không còn ai lo âu, đợi chờ tôi nữa…

Cầu trời cho mẹ an giấc ngàn thu dưới suối vàng! và con ở đây, dưới ánh đèn muôn màu của đô thị phồn hoa con vẫn nhớ mãi về một bóng hình ngày ấy khôn nguôi…Và Chị, các Anh, em con chắc cũng khoắc khoải nhớ thương Người! Nhớ về một thuở xa xưa tuy vất vả nhưng thật là thân thương,  đầm ấm xiết bao!...  

                                         *
Mẹ tôi dỡ trầu ra ăn, còn tôi tạm ngã lưng nằm co rút trên tấm sạp xuồng lót bên hàng hiên .

Trời tối như mực. Phố chợ đã ngủ yên.

Tôi vừa thiu thiu ngủ bỗng giông gió lại nổi lên ào ào… và mưa trút xuống như thác đổ. Mưa tạt thốc vào hàng hiên làm hai mẹ con tôi lại ướt loi ngoi…

Mưa chừng nửa giờ thì chiếc xuồng chìm nghỉm. Tôi phải cởi áo, khoác vải đi mưa xuống lắc xuồng. Nước đã chảy ròng lòi mấy bậc thang cầu dưới bến sông.

Một lần nữa tôi lại vắt quần áo cho thật ráo nước, mặc vào.

Đến nửa khuya, nước ròng sát trời mới ngớt mưa, nhưng gió vẫn thổi ào ào, lạnh buốt.

Tôi mệt mỏi quá nên nằm co rút lại, ngủ vùi. Bên cạnh mẹ tôi vẫn ngồi ăn trầu dõi mắt nhìn ra bầu trời tối  đen.

Mẹ ngồi suốt đêm canh xuồng cho tôi ngủ…

Một đêm như thế có bao nhiêu sợi tóc bạc điểm thêm cho cuộc đời mẹ vốn đã bao năm vất vả với đàn con?

Tôi không biết, và nhiều người trong gia đình tôi cũng không biết.

Nhiều lần tụ hội gia đình, nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa cũ, chúng tôi chỉ gợi lại những giây phút êm ấm, vui tươi, những đoàn tụ sum vầy, những mùa lúa chín ngát hương thơm mùi cốm dẹp; những đêm giông bão cả nhà quây quần bên bếp un tỏa mùi khói thơm của cây con cúi vấn chặt…

Ít khi nào chúng tôi nhắc nhở những bước gian nan, những nỗi nhớ thương khắc khoải, những xa cách biệt ly …

Chúng ta thường sống với những kỷ niệm êm đẹp trong đời. Ít khi nào ta lại sống với những hưng vong, những bước gian nan đầy nước mắt…

Ký ức những nỗi nhớ niềm thương, những đau buồn thương tiếc vắt kiệt trái tim ta thì sao ta lại hay quên? Hay chăng vì quá u sầu mà ta không muốn gợi nhớ?

Hồi ấy trong trái tim nhỏ bé của tôi đã mang một dấu ấn khó phai mờ, trong niềm vui thơ dại của tuổi nhỏ đã xen vào một nỗi niềm cảm thương man mác…

Nhớ buổi chiều hôm ấy thấy tôi quá mệt mỏi mẹ tôi bảo ghé vào một đám dừa nước đốn hai tàu lá cắm hai bên cột chèo làm bườm chạy đỡ để tạm nghỉ tay.

Ngồi giữa xuồng bà vừa têm trầu ăn vừa kể lể:

- Má nghĩ mà thương chị con đứt ruột. Hồi còn con gái sống chẳng có ngày rảnh rang, thong thả: nào gà vịt nào heo cúi… và một bầy em… Giờ có chồng ở cái miệt nầy chắc cũng khổ…

Trong đôi mắt hiền từ của mẹ hiện lên một nỗi buồn man mác…

Nhiều năm sau nữa, khi có những điều bất hạnh xảy ra với chị tôi, Người đều nhắc lại ý trên để mà thương tiếc.

Lúc ấy tôi còn thơ dại quá nên chưa thấy hết được cả một tấm lòng.

Giờ đây ôn lại chuyện trăm năm cũ, tôi thấy lòng mình ray rứt không yên .

Anh chị và các em tôi có nhiều người trên đầu tóc đã điểm sương…Thời gian trôi đi nhanh quá, và mỗi khi tụ hội sum vầy thì nhìn lại người mẹ chúng ta không còn nữa. Người đã ra đi vĩnh viễn, nhưng sao tôi vẫn mãi đinh ninh rằng nỗi thương tiếc, lo toan cho cuộc đời của từng đứa con  đối với mẹ tôi vẫn đeo đẳng Người mãi không thôi…

Nguyễn Du đã nói:"Sống là thể phách, thác còn tinh anh "

Phải chăng câu đó phù hợp với câu chuyện sau đây về mẹ tôi ?
                                          
Mấy năm trước, có một đêm mùa hè, cha con tôi đang ngồi quây quần ở nhà trước thì một con bướm rất to bay vào nhà, lượn lờ chỗ nầy chỗ kia, sau cùng bướm đậu trên bát lư hương ở bàn thờ mẹ tôi. Chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên vì nhà tôi ở quận 3 thuộc khu dân cư, không hề có một bóng cây xanh thì làm sao có bướm bay vào nhà?

Mấy đứa nhỏ lấm lét nhìn và kháo nhau:

- …Bà nội về …

… Và chúng đi tắt quạt trần, đốt nhang van vái Bà …

Lạ một điều là bướm vẫn cứ đậu trên bát hương, không bay đi, dù bọn trẻ đến cắm nhang…

Sáng ra thì bướm đã đi rồi. Bọn trẻ kháo nhau nhiều lắm và tôi cũng rất băn khoăn vì hiện tượng trên.

Và không biết là vì ngẫu nhiên hay có một sự linh thiêng nào đó mà trưa hôm ấy thì Ba tôi lên…

Đó là mùa hè năm 1989…

Đến hè năm 1994, một sự việc y hệt như  thế lại xảy ra, Tôi thật không muốn tin, nhưng những sự trùng hợp lạ lùng đó làm tôi suy nghĩ mãi…

Một điều đáng nói là Ba tôi rất ít đi Sài Gòn, mỗi năm một hai lần ông lên khám bệnh hay thăm chị em chúng tôi.

… Một lần khác, đêm tôi nằm chiêm bao thấy mẹ tôi, tôi không thấy mặt bà, chỉ thấy bà mặc một cái áo màu xám khói nhang, ngồi quay lưng lại phía tôi, trong vía tôi biết rằng mẹ nói lên thăm chúng tôi…

Sáng hôm sau tôi nói với cả nhà là hôm nay có bà nội lên thăm, chiều nay mình sẽ làm cơm cúng bà…

Trưa hôm ấy khi tôi còn đang làm việc trong cơ quan thì thằng cháu con của chị tôi gọi điện vào nói có ông ngoại lên dặn tôi chiều tan sở vô…

Tôi ớn lạnh cả người! Lần trùng hợp thứ ba nầy không thể nào gọi là ngẫu nhiên được nữa… Rõ ràng Người vẫn còn quấn quít đâu đây, không thể rời xa chúng tôi: lúc nào cũng thương tiếc, lo toan bận bịu với những sự hưng vong của cuộc đời từng đứa con… và luôn theo dấu từng bước chân đi của ba tôi…

… Con bướm huyền thọai đó cũng đã có lần vào nhà chị tôi. Chị nói rằng khi chị thấy có hiện tượng lạ, chị liền đốt hương van vái rằng: "nếu phải là má về thăm chúng con thì xin đến đậu trên hình của má"… và kỳ diệu thay! Bướm đã lượn lờ bay và đến đậu trên hình má tôi…

… Và ở Cần Thơ sự kiện về con bướm cũng được mấy đứa em tôi nói đến rất nhiều…

Ôi! phải chăng "Sống là thể phách , thác còn tinh anh" là có thật? 

Mẹ ơi! Cầu trời cho mẹ được an giấc ngàn thu! Ở đây chúng con tuy đã mất mẹ nhưng lúc nào chúng cũng thấy mẹ ở cạnh chúng con!...

                                                                       *

Gà vừa gáy hiệp đầu là mẹ đã gọi tôi dậy.

Bầu trời quang đãng đầy sao.

Nước dưới sông đã đầy mà. Tôi nghĩ có lẽ đã ba hoặc bốn giờ sáng rồi.

Chợ Vàm Cái Keo nhiều quán ven sông đã lên đèn. Cầu tàu có tiếng máy nổ. Cảnh nhộn nhịp của một cái chợ Vàm bắt đầu.

Mẹ tôi bàn:

- Trời gần sáng rồi, sẵn nước lớn mình thả lần vô vàm, tới đâu hỏi thăm đường đến đó.

Chèo nước ngược khoảng 500 thước thì quẹo vô vàm. Chiếc xuồng bị luồng nước lớn hút mạnh và lao đi…

Phố chợ bỏ lại phía sau…

Trước mắt là dòng sông chảy xiết, đen ngòm, vắng tanh. Hai bên bờ là rừng lá dừa nước xen lẫn với những cây mấm, cây bần gie ra, tạo nhiều hình dáng như những người đứng ủ rũ ven sông…

Im vắng quá! Mái chèo khua dòng nước nghe vang vang, rờn rợn…

Xuồng lao nhanh trong đêm tĩnh mịt đó và tôi chèo như trong cơn mê, không biết đâu là bến đâu là bờ.

Mẹ tôi ngồi ở giữa xuồng nhìn ra phía trước, trầm ngâm, song tôi biết tâm trạng của bà cũng giống như tôi.

Ngồi chờ thì sốt ruột, đi thì không biết có đúng đường hay không? Vì đây là xứ lạ quê người, sông sâu nước chảy lại không có bóng dáng một ngôi nhà hay một chiếc xuồng đi chợ khuya nào cả.

Đi chừng một giờ thì đến một ngã ba rộng mênh mông, nước chảy xiết làm thành một con xoáy nước ở giữa rút ồ ồ… Tôi nghe ớn lạnh, mọc ốc đầy mình, vội rà xuồng lại. Biết đi theo ngã nào đây?

Do động tác kềm xuồng quá mạnh nên quay chèo bị đứt, tôi nhào tới trước, xuồng chòng chành muốn lật úp! Tôi gần như không còn khả năng điều khiển xuồng nữa nên nó bị hút vào xoáy nước, xoay tròn như chong chóng… Tôi luống cuống suýt làm chìm xuồng.      

Khi đưa chiếc xuồng được vào bờ, tôi cắm thử cây chèo, nước ngập tới guốc chèo mà chưa đụng đất! Ối chao! sát bờ mà nước sâu đến trên hai thước!

Chực nhìn lên tôi rợn cả tóc gáy: Một ngôi chùa hoang nằm sừng sửng tại ngã ba! Quang cảnh huyền bí lại càng tăng thêm vẽ rùng rợn!

Ai ngờ giữa chốn hoang vu nầy lại mọc lên một ngôi chùa đổ nát!

Ghé xuồng vào một buội dừa nước, định thần lại xong, hai mẹ con quyết định đi theo hướng tay trái, vì sông ở đó lớn hơn  nước chảy mạnh hơn. Thật ra đó cũng chỉ là đi hú họa chớ cũng không có cơ sở gì chứng tỏ đó là đường đi Kinh Ba! 

Đi một đoạn sông nữa thì tôi thấy từ xa có ánh đèn trên sông. Chắc là xuồng của người địa phương đi chợ sớm.

- Chú ơi! làm ơn cho hỏi, đường nầy có phải đi Kinh Ba không? - Tôi hỏi to.

- Phải!

Người đi xuồng chỉ đáp được có thế thì xuồng đã đi xa.

Đi một đổi nữa, thấy có một cái bến sông, tôi ghé xuồng vào và tìm nhà hỏi thăm đường.

Xứ sao là xứ lạ lùng! Từ bến sông lên tới nhà có đến hai trăm thước!

Sau khi hỏi thăm đường một cách chắc chắn, tôi và mẹ tôi  mới an lòng đi tiếp.

Photobucket

  Từ đó đến nay, thời gian trôi qua đã mấy mươi năm, nhưng mỗi khi nhắc lại chuyện xưa tôi không làm sao quên được con sông, cái chùa hoang và cái ngã ba nước xoáy dễ sợ ấy!

Sau nầy hỏi lại tôi mới biết đó là một cái chùa Cao Đài không biết có từ đời nào, đã bỏ hoang từ lâu, chỉ còn trơ lại cái nóc loang lỗ và cái cột cờ!

                                           *

Rạch Vọp là một con rạch đặc biệt. Hai bên lá dừa nước gần giao với nhau, ở xa trông như một cái xẻo con hay là một bến sông bình thường. Nhưng tôi cũng đâm xuồng vào với hy vọng tìm nhà hỏi thăm đường.

Nhưng may quá! Tôi  đã đi vào đúng Rạch Vọp và ghé đúng bến nhà chị tôi.

Lúc ấy trời mới vừa hửng sáng.

Con đường Từ Ba Dinh đến Rạch Vọp là thế đấy!

                                           *

Ngày xưa, lúc mẹ tôi còn sinh tiền, chuyến đi khổ cực, gian nan ấy tôi đã quên đi. Tôi thấy cũng không có gì đáng nói, thậm chí nhiều lúc ký ức như đã bị phai mờ.

Giờ đây mẹ tôi không còn nữa, anh em tôi mỗi đứa đều có gia đình riêng, tản lạc khắp nơi, đứa nào cũng bị cuộc sống quay cuồng cuống hút đi theo nhịp bước của thời gian nên ít có dịp hàn huyên về những chuyện ngày xưa cũ… Và hôm nay tôi ngồi đây một mình, nhớ về một thời thơ ấu với những buồn vui, khổ cực, gian nan nhưng rất nhiều hạnh phúc, đầm ấm thân thương ấy với nhiều nuối tiếc, bâng khuâng…

Ký ức ấy giờ đây đậm nét hơn bao giờ hết, nhưng mẹ tôi đã đi xa… và bởi thế  những tiếc thương càng đong đầy trong mắt; bao nhiêu ưu tư cứ đeo đẳng tôi mãi không thôi… Giờ đây tôi không biết ai là người đồng điệu để cùng ngồi lại gợi nhớ về Người, về những gì ấm êm của ngày xưa cũ…

Tôi mong mõi Anh, Chị Em và các cháu đọc những dòng chữ nầy để có những giây phút nhớ đến Người…

                           Hòa Hưng , tháng 9 năm 1996

                                      Biên tập lại tháng 8 năm 2002


 

  






                                     

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Trích hồi ký "NẾU TÔI CÒN NHỚ"


CHUYỆN THIÊN THU I

    NHỚ MẸ ...

               “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
                          Nhớ người năm cũ khăn điều vắt vai ...”

   Một đêm mùa thu. Nhà vắng tanh. Anh Hai và anh Tư tôi đã cỡi xuồng đi rừng. Mùa cấy vừa xong, hai anh đi đốn cây chở lên miệt trên bán .
 
Bên ngoài mây đen nghịt phủ kín chân trời.

Nước lụt tràn bờ.

Mấy hôm nay mưa lũ dữ dội, hàng chuối sau nhà xác xơ lá vì giông bão. Không khí ẩm và lạnh. Ngoài đường lầy lội, không một bóng người…

Anh em tôi rút lên hết ở nhà trên. Ngọn đèn dầu leo lét soi chập chờn từng bóng người trên vách.

Mẹ tôi ngồi ăn trầu trên bộ ván giữa nhà. Cảnh tịch mịt bao trùm trong đêm vắng. Bọn tôi cũng nằm im, không nô giỡn như mọi hôm.

Bỗng mẹ tôi nói:

Photobucket

- Sáng mai trời ngớt mưa, con lấy xuồng chở Má đi Kinh Ba thăm Chị con. Lâu quá, không có tin tức gì của tụi nó, tao nhớ quá! Không biết tụi nó sống ra sao?

Tụi tôi nhao nhao lên vì tin nầy.

Mẹ tôi hỏi:

- Con biết đường đi Kinh Ba không?

Kinh Ba là một xóm rẫy cách sông Bảy Háp - chợ Cái Keo chừng 7 - 8 cây số.

- Con chỉ nghe chị con kể lại thôi. Chưa đi làm sao biết?  Mà trời nầy đi sao được?

Mẹ tôi nhìn ra ngoài trời dông mưa mịt mù, thở dài:

- Mưa đã mấy bữa rồi, chắc mai sẽ ngớt…

Tôi nói:

- Đường đi từ đây xuống Điền Quốc Gia thì con biết, còn xuống dưới nữa thì con chưa đi lần nào…

Mẹ tôi cố thuyết phục:

- Đường đi thì mình hỏi người ta chớ gì?

Một cơn gió giật mạnh, ngôi nhà kê tán rung rinh… mưa ào ào át cả tiếng Người.

Mấy đứa tôi ngồi rút lại cho ấm. Gió luồng qua song cửa làm ngọn đèn chao đi như sắp tắt…

Tôi bàn ra:

- Xuồng be chín của mình lúc nầy chảy quá, cặp chèo thì chẳng ra hồn…

Mẹ tôi lại thở dài, song giọng bà lại cương quyết:

- Mai qua chú Hai Hộ mượn cặp chèo đước và cây dầm. Má sẽ bơi tiếp, còn xuồng chảy thì mình tát… Khuya má nấu cơm để nhà cho tụi nó và đem theo. Sáng ra nườc lớn, bớt mưa mình đi. Tao nhớ tụi nó quá! Thiệt chỗ gần không gả, gả chỗ "khỉ ho cò gáy" nào đâu… Nhớ, muốn đi thăm cũng không biết làm sao. Hồi hôm má nằm chiêm bao thấy thằng Nhân bịnh…

 Trong giọng nói của mẹ tôi nghe như một tiếng rên, chứa chất một tấm lòng rộng lớn mênh mông.

Ôi! biết nói sao cho hết về tấm lòng của người mẹ!

Từ ngàn xưa, có con gái là các bà ước ao:

     Mẹ mong gả thiếp về vườn,
     Ăn bông bí rợ dưa hường nấu canh…

Ít có bà mẹ nào thích gả con về miệt vườn, miệt rẫy hay vùng đồng chua nước mặn  những nơi mà "muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lềnh như bánh canh…", không có bóng người, chỉ có tiếng chim kêu, vượn hú…

Từ lâu, qua những lời kể lại của những người biết chỗ ở của chị tôi  mẹ tôi tưởng tượng vùng Rạch Vọp - Kinh Ba là nơi "rừng lá hoang vu, buổi sáng bù mắt cắn phát điên…Nước mặn tràn lên lé đé nền nhà; buổi chiều phải ngồi trong mùng ăn cơm vì muỗi bay như trấu vãi…"!

Việc gả chị tôi về vùng Kinh Ba, mẹ và ba tôi cũng bất đồng ý kiến. Nhớ hồi ấy bà cằn nhằn ba tôi:

- Tôi theo ông đến miền nước mặn xa xôi nầy cũng đủ lắm rồi. Cha chết cũng không thấy mặt. Từ hồi giặc giã tới giờ có về thăm nhà được đâu? Bây giờ gã nó về vùng ấy thiệt tôi chẳng ưng bụng chút nào… Lỡ nó có bịnh hoạn mình có biết đâu?… Có nhớ cũng không biết làm sao đi thăm tụi nó…

Giờ đây ba tôi không có ở nhà, chuyện lo lắng, nhớ thương chỉ một mình mẹ tôi cưu  mang, lo  nghĩ  và  đau  xót, không có người thân chia sẻ.

Ôi! nuôi con hao gầy thân xác để cho con nên vóc nên vai, giờ có chồng xa cũng chẳng được yên tâm. Nỗi buồn nhớ, sầu lo vẫn canh cánh bên lòng. 

Tôi thường nghe mẹ hát ru:

Chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần sao em không lấy, đi lấy chồng xa?
Mai sau cha yếu mẹ già,
Chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dâng?

Chị tôi không biết có ru con bằng câu hát ấy
chăng ?

Photobucket
Ngoài trời mưa vẫn rả rít, gió vẫn xạc xào qua các lùm cây, bụi chuối, lạnh buốt.

Bọn tôi lần lượt vào mùng đắp chăn ủ ấm.

Nhưng bên ngoài, cạnh ngọn đèn khuya leo lét của đêm mưa gió ấy, mẹ vẫn ngồi ăn trầu, nhìn mưa ngoài song cửa, thở dài.

Chắc có nhiều câu hỏi làm rối bời lòng mẹ đêm nay: Ngày mai trời có tạnh mưa không? Có đi được không? Tụi nó có mạnh giỏi không?…

Qua ánh sáng ngọn đèn dầu khi mờ khi tỏ, tôi mơ hồ thấy mẹ đưa chiếc khăn rằng lên lau mắt…

Tôi nghe lòng xót xa và tự hứa: mai dù có mưa thế nào tôi cũng phải cố gắng đưa mẹ tôi đi.

Mười lăm tuổi, tôi chưa lần nào chèo xuồng đi quá 10 cây số. Bây giờ phải chở mẹ tôi đi tận vùng Kinh Ba - một xứ lạ ở tận vùng sâu miền cuối cùng của đất nước thì thật là một sự kiện lớn trong đời.

Nhìn mẹ tôi ngồi ngó mong ra ngoài trời mưa đêm ấy, ký ưc tôi lại khơi dậy những ngày xưa cũ khi chúng tôi còn ở tận xóm Láng Dài, một vùng đồng sâu  của tỉnh Cà Mau…
                                       *
- Bà con ơi ! có ai biết nhà của Sáu Hằng ở đâu không?

Sáu Hằng là thứ và tên của mẹ tôi.

Đó là một buổi chiều mùa mưa năm 1958 , nắng vàng sắp tắt tận chân trời…

Bọn tôi năm đứa chạy ùa ra bến sông, nhìn ra cái búng quẹo vô nhà tôi của con lung Láng Dài.

Một chiếc tam bản có mui, hai chèo đang thả trên sông. Ngồi trước mũi ghe là một bà cụ già tóc bạc phơ, che tay nhìn.

Bông súng nở trắng đầy sông như mái tóc bạc của bà. Ghe từ từ đi vào bến.

Những sợi tóc nhuốm màu thời gian phất phơ theo gợn sóng trên sông…

Chị tôi la lên:

- Ngoại xuống! Trời ơi! Má ơi! ngoại xuống!

Tư Hùng cũng la lên:

- Nhà Sáu Hằng đây nè Bà ơi! Ghé vô đi!

Một nụ cười móm mém nở trên môi của Bà. Bà nheo mắt nhìn qua tay che như chưa tin đó là đám cháu mà Bà mà bà từng nhớ thương lay lắt, đêm ngày…

- Ới! Ới! Ngoại xuống Má ơi!

Chân tôi như chôn xuống đất, không tin đó là sự thật!

Nắng chiều xuống rán vàng cụm sậy bên cù lao, một con trích ré kêu lên báo tin vui…
                                           *
 Trong mớ đồ tế nhuyễn Bà đem xuống Láng Dài cho chúng tôi, ngoài đủ thứ quà cáp còn có mấy chiếc mo cau, mấy cái gáo dừa!

Tụi tôi vừa soạn đồ ra vừa cười.

Bà hiền từ bảo:

- Ở cái xứ "khỉ ho cò gáy" nầy tao biết tụi bây lấy đâu ra mo cau, ra gáo dừa?

 - Mo cau và gáo dừa dùng để làm gì hở Bà? - Một đứa hỏi .
- Mo cau để nhận mắm, gáo dừa làm cán để múc nước…

Ôi! những suy nghĩ đó đã hình thành bao nhiêu đêm trường thao thức, nhớ mong? Nung nấu bao nhiêu trong những tháng ngày xa cách?

 Long Bình - Láng Dài bao nhiêu dặm đường xa? Bao nhiêu cây số?

Tôi không biết. Nhưng không thể nào đo được bằng một con số cụ thể  con đường mà những người mẹ đi thăm con!

Nhìn cái mui ghe tam bản thấp lè tè và chật chội với bao nhiêu đồ đạc lỉnh kỉnh, tôi thật không thể hình dung được với căn bệnh ngoại khoa của Bà, mười mấy ngày qua với bao nhiêu con nước lớn ròng, Bà tôi ăn ở và sống ra sao ?
                                           *
Giờ đây cảnh đời đâu có khác ngày xưa? Mái tóc bạc hoa râm bên ngọn đèn khuya khi mờ khi tỏ, ngoài trời mưa gió sụt sùi khiến cho lòng người thêm thương cảm.

Trong lòng mẹ nghĩ gì, nhớ thương gì làm sao tôi không biết?

Chập chờn trong giấc ngủ, tôi nghĩ rằng ngày mai thế nào mình cũng ráng đưa mẹ đi…

                                          *
Sáng hôm sau quả nhiên trời hết mưa. Tôi thức dậy thì mẹ đã sửa soạn xong cơm nước, đã mượn chèo và dầm… chuẩn bị đâu vào đấy. Tụi nhỏ được mẹ tôi gọi dậy dặn dò đủ thứ…

Phương đông trời đã hừng sáng, nhưng mây đen vẫn còn nặng cả bầu trời. Nước dưới sông đầy mà. Hơi thu qua một đêm mưa còn lạnh buốt…

Bốn đứa nhỏ còn lại ở nhà đứng trên bờ trông theo chiếc xuồng đi khuất đám lá ven sông.

Thật ra ngày ấy tôi chưa thấy hết được niềm hạnh phúc lớn lao khi được cùng  với Mẹ đi xuồng một quảng đường xa như vậy. Đường đi cũng có lúc vất vả gian nan so với sức vóc của tôi, song cũng có lúc trong chuyến đi thật là êm đẹp và nên thơ.

Chiếc xuồng rẽ nước lao đi như mang một niềm tin mới càng ngày càng thu hẹp khoảng cách, và tôi hiểu nỗi nhớ mong của mẹ tôi cũng vơi đi phần nào cùng với quãng đường đi đến đó mỗi lúc một gần hơn…

Đã lâu lắm rồi tôi không được đi trên một chiếc xuồng chèo trên sông nước như vậy. Giờ đây tôi đang sống ở kinh thành tràn ngập ánh đèn màu, khói và bụi thời gian làm mờ đi những hình ảnh mộc mạc chốn quê xưa. Có lúc tôi ngồi bên ngọn đèn nghe canh tàn khắc lậu trôi qua, tôi cố nhớ về dĩ vãng mong tìm lại bóng hình người mẹ thân yêu ngày ấy và chập chờn khi nhớ, khi quên …

Hỡi ơi! Có kỷ niệm nào không phai nhạt bởi thời gian? Hình bóng thân yêu nào không bị thời gian chôn vùi theo năm tháng?

Cầu trời cho tôi còn có những giây phút không quên được những hình bóng cũ!

Cầu trời cho linh hồn mẹ còn mãi vương vấn đâu đây về thăm hỏi chúng con !

 Ta nhớ người xưa đã cách xa,
 Giờ đây chiếc bóng chỉ mình ta ,
 Nhớ thương thương nhớ đầy trong mắt,
 Sao vẫn còn mơ mẹ vắng nhà?

                          *
Có bao giờ mẹ về nơi đây?
Nhìn ngắm chúng con lệ vơi đầy,
Nhớ về ngày cũ nay xa lắm,
Mãi tít mù khơi tận chân mây!...
                      *
 Có bao giờ mẹ về thăm Ba ?
 Để thấy người xưa đã luống già ,
 Mà vẫn cô đơn trông vò vỏ ,
 Một hình bóng cũ đã đi xa . . .
    *
Thật ra có gì lớn lao lắm đâu? Chỉ một chiếc xuồng nhỏ, một chuyến đi xa cũng đủ khắc họa trong lòng ta một kỷ niệm khó quên. Dù cho bao năm  tháng qua đi, tóc ta có trắng bạc màu thời gian, và dù cho vật đổi sao dời, bèo dạt mây trôi nhưng niềm thương nỗi nhớ về những ngày ấy ta không thể nào quên .

Và Ba, các anh chị, các em chắc cũng có nhiều kỷ niệm về Người. Hãy ấp ủ trong lòng, và nhớ mãi mãi đừng bao bao giờ quên!
                                            *
Thật ra tôi cũng không biết đường đi ra sông Gành Hào theo ngã kinh Quản Húi , nên qua khỏi xóm Bùng Binh đến một ngã ba là tôi phải ghé lại hỏi thăm đường .

Con kinh rộng  nhưng đầy rong đuôi chồn và bông súng, xuồng chèo không đi nhanh được, mẹ tôi phải bơi tiếp .

Trước cảnh ấy mẹ tôi nhắc lại chuyện cũ :

- Đi đường nầy má nhớ những lần hai mẹ con đi câu ở Kinh Khạo Tư. Thiệt là trời đất mênh mông, bơi xuồng đi hoài không có bến có bờ …

Photobucket
                                         
Hồi ấy, sau mùa cấy xong hai mẹ con tôi thường bơi xuồng đi câu bên Kinh Khạo Tư. Buổi chiều hôm trước, đi moi dế nhũi hay bắt cào cào chuẩn bị làm mồi  cho hôm sau đi câu xa… Mẹ tôi bơi mũi, tôi bơi lái đi sâu vô kinh Miễu… Đó là một vùng hoang vu không có nhà cửa, xóm làng. Hai bên bờ kinh toàn là lau sậy, tiếp đến là đồng cỏ bạt ngàn: toàn là bồn bồn và năng trãi tận chân trời. Con kinh nước trong veo dầy đặc rong đuôi chồn và bông súng. Buổi sáng, bông súng nở trắng cả kinh trông xa xa như một dãi lụa bạch trãi dài đến mút tầm nhìn. Nước dưới kinh trong thấy đáy. Cá rô, cá thát lát , cá trê … rất nhiều. Hễ lưỡi câu lọt xuống kẻ lá bông súng là chúng đớp ngay.

Trong đời tôi chưa bao giờ được đứng trước một cảnh bát ngát đẹp và nên thơ như vậy. Hồi đó tuy tôi còn nhỏ, song mỗi lần đứng trước cảnh ấy lòng tôi không khỏi xao xuyến bâng khuâng nên cứ mải miết nhìn ngắm bâng quơ để tâm hồn đi lang thang trước cảnh đồng quê, tuy đơn sơ mộc mạc nhưng thật đẹp mê hồn. Chắc vì thế nên lúc nào tôi câu cá cũng ít hơn mẹ.

Bây giờ đứng trước cảnh nầy, mẹ tôi nhắc lại chuyện xưa tôi mới biết rằng ngày ấy không phải chỉ một mình tôi mê cảnh đó mà nó cũng đã in sâu vào ký ưc của mẹ tôi….
                                           *
Nắng đã lên cao. Cánh đồng bao la, bát ngát và im vắng. Xuồng đi chầm chậm, lườn xuồng cọ vào lá bông súng rào rào… Hơi sương vẫn còn đọng lại trên đầu cây ngọn cỏ. Bông súng nở trắng đầy kinh…

Vài con cò trắng đậu trên cánh đồng lúa mới cấy, rình mồi, dáng trầm tư.

Một cơn gió nhẹ thổi làm lật lên những lá bông súng non, trông con kinh như một vạt đất mới cày: từng luống , từng luống đón mũi xuồng lướt qua…

Đã gần đến trưa mà mẹ con tôi chưa đi qua tới sông Gành Hào.

Mẹ sốt ruột:

- Đi gần nửa ngày mà chưa tới sông cái; chưa được một phần đường. Ráng lên, tới Gành Hào mình sẽ ăn cơm.

Tới Xóm Huế sông Gành Hào thì trời gần đứng bóng.

Nước ròng sát.

Tôi nhìn bãi sông phía ngoài con đập mà ngán ngẩm : Bãi chuồi hẩm hàng trăm thước. Sông Gành Hào gần kinh xáng Đội Cường nước chảy xiết. Kéo xuồng qua đập, thả xuống thế nào cũng bị chìm. Làm sao bây giờ? Không lẽ ở đây chờ nước lớn?

  Qua mấy ngày đêm mưa dầm, hôm nay trời nắng gắt.

Hai mẹ con nhìn bãi sông, bàn tán, tiến thối lưỡng nan. Cuối cùng mẹ tôi bảo:

- Thôi mình ăn cơm cái đã, rồi sẽ tính.

Tôi cho xuồng đậu dưới bóng một cây bần lớn để ăn cơm.

Nước trong kinh Quản Húi cao hơn mực nước ròng ngoài sông trên năm thước. Cái bãi chuồi nầy không khéo sẽ làm chìm xuồng như chơi.
Sau cùng, tôi bàn:

- Hay là má ngồi ở lái xuồng, con lội xuống đẩy từ từ, dù mũi xuồng có đâm xuống sông cũng không chìm.

Mẹ tôi ngần ngại, song cuối cùng bà cũng đồng ý với giải pháp trên.

Ngồi dưới xuồng, vừa têm trầu, mẹ tôi vừa nói:

- Biết như vầy mình đi ngã vòng cho tiện. Thiệt nhớ tụi nó quá má cũng liều. Đường đi sao quá gian nan…Phải ráng chờ anh con về đưa má đi thì yên bụng hơn…

Tuy nói thế , nhưng nhìn trong mắt bà tôi thấy long lanh một niềm vui khó tả, khác hẳn với đôi mắt u buồn phản chiếu ánh đèn leo lét đêm qua.
Lòng tôi rạo rực niềm thương cảm. Nỗi nhọc nhằn như giảm nhẹ đi phần nào.

Từ ngày đó tôi mới hiểu thế nào là trái tim của người mẹ. 
                                           *
Khi tôi viết những dòng nầy thì mẹ tôi không còn nữa…

Năm tháng đã đi qua, nhưng mỗi lần nhớ lại tôi tưởng như chuyện ấy mới xảy ra hôm qua hôm kia gì vậy… nghe rất gần, thân thiết và ấm áp như một lời ru, một bài hát, một câu thơ…

Ôi! những gì đơn sơ và mộc mạc như vậy: chỉ một chiếc xuồng, một chuyến đi xa… song cả cuộc đời ta không thể và không bao giờ  còn tìm lại được… Vì không có dòng mực nào, giọt lệ nào tái hiện lại nổi cảnh đời hạnh phúc ngày xưa.

Rất tiếc là hồi đó tôi chưa thấy đó là một hạnh phúc lớn lao trong đời!

Nhiều năm tháng trôi qua. Mỗi lần có dịp sum họp dưới mái gia đình, tôi thường kể lại câu chuyện ngày xưa ấy để hòng tìm lại những kỷ niệm êm ấm; để cùng nhớ về một hình bóng cũ đã chôn vùi theo cát bụi thời gian, nhưng cũng rất tiếc là những kỷ niệm của riêng tôi với mẹ đó chưa có đủ mãnh lực làm hiện lên trong mắt tất cả mọi người hình ảnh người xưa! Nó thoáng qua như nghe một truyền thuyết xa xưa… Nó không thể tạo thành một dấu ấn cho những cuộc đời thực tại. Đến thế hệ thứ tư liệu ai còn nhớ được gì không?

Hay chăng khi kỳ quan tuyệt xảo ấy( ) đã chôn vùi theo cát bụi thì nó vẫn chịu quy luật khắc nghiệt của thời gian: đến một lúc nào người ta rồi sẽ quên? Họa hoằng, mới có người nhắc lại với sự thương xót và nuối tiếc mà thôi…

Còn ta? Sao vẫn quẩn quanh với những hình bóng cũ, với lòng tiếc nhớ mênh mông… Cố muốn quên, nhưng nào có quên được!

     Đêm nay có một kẻ tha hương,
     Dưới ánh đèn đêm rộn phố phường,
    Mà nhớ chuyện nào ngày xưa cũ,
    Vẫn không nén được nỗi sầu thương...

… và tôi phải hỏi:

  Anh có khi nào anh có nhớ,
 Một hình bóng cũ đã xa xôi?
 Chị có khi nào còn có nhớ,
 Những gì đầm ấm nhất trong đời?

                 *

Em có khi nào em có nhớ,
Kỷ niệm ngày thơ với mẹ hiền?
Ta có khi nào ta vẫn nhớ,
Chuyện ngày xưa cũ dẫu muôn niên?

Viết đến đây tôi thấy lòng ngậm ngùi khôn xiết!

                               (Xin xem tiếp phần II)


Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

TOUR TỪ THIỆN II




Xin giới thiệu với các bạn đây là TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI LÂM ĐỒNG nơi phải cưu mang nuôi đưỡng những người tật nguyền, cơ nhỡ : không người thân thích, sống lang thang trong cái lạnh ác nghiệt của Đà Lạt ...Có những người tuy bị tâm thần nhẹ nhưng vẫn bị cô lập trong những hàng rào kẽm gai, vì thả ra thì họ bung ra đường ngay . Nhà nước chỉ cấp tiền ăn 5.000đ/ngày cho mỗi người !! Trung tâm tự xoay xở làm sao thì làm !! Cho nên Ban Quản Lý ở đây thấy chúng tôi đem cho gạo, mì gói , đường ... họ rất hoan hỷ .

Công đoàn của công ty dự định trợ cấp gạo thường xuyên bằng cách hợp đồng với 1 đại lý gạo hàng tháng họ chở gạo tới cho TT , chúng tôi sẽ chuyển khoản trả tiền .

Biết bao ước mong của chúng tôi trong chuyến đi nầy là làm thế nào để mang lại một chút ấm áp cho những con người bất hạnh ấy nhưng lực bất tòng tâm các bạn à ...

Và đây chỉ là một giọt nước giữa đại dương mà thôi ...

Vật phẩm và tiền mặt cho Trung Tâm :

Người phụ trách: Anh SANG
Nơi nhận: TRUNG TÂM BẢO TRỢ XH TỈNH LÂM ĐỒNG
- Địa chỉ: 26 Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt
- Điện thoại: (063). 3830.162 gặp anh Dũng – Giám đốc trung tâm
- Người liên hệ: Anh Sơn – phụ trách nuôi dạy các em mồ côi, cơ nhỡ. (0987.348.840)
- Số lượng: 130 người. Trong đó:
o 38 người già
o 22 người già bị tâm thần
o 70 em nhỏ

VẬT PHẨM :
Gạo 250kg
Mì gói 50 thùng
Dầu ăn 24 chai
Đường 40 kg
Dầu gió 50 hộp
Kem đánh răng 108 ống lớn
Xà bông Life Boy 44 hộp (3 bánh/ hộp)
Bàn chải đánh răng 60 cây
Ngũ cốc dinh dưỡng 14 bịch (20 gói/ bịch)
Sữa đặc có đường 1 thùng
Quần áo cũ 3 bịch
Bánh 1 thùng bánh Jessica
Kẹo 1 lon Sugus
1 túi kẹo lớn
1 bịch kẹo bắp
3 bịch kẹo dẻo
Bột giặt Omo 9 kg (4.5 kg/bịch)

rổ nhựa 4 cái

TIỀN MẶT :

- Tài trợ cho Tung Tâm : 10.000.000đ
- Phát tiền Tết cho các cụ già : 5.000.000đ

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

TOUR TỪ THIỆN ...




Cuối năm nay công ty của chúng tôi tổ chức một tour đi làm công tác từ thiện tạo điều kiện cho anh chị em nhân viên có cơ hội tham gia vào các hoạt động xã hội .

Theo thông lệ, cứ 3 tháng một lần , công ty tổ chức cho anh chị em tham gia công tác nầy .

Năm nay, công ty chọn 3 địa điếm để làm từ thiện : đó là Trại phong Di Linh , Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Lâm Đồng và Hội người mù Đà Lạt .

Tôi xin giới thiệu các hoạt động ấy chủ yếu bằng hình ảnh .

I.- TRẠI PHONG DI LINH 2 :

Bệnh phong (cùi) là một bệnh nan y . Nhiều người trong chúng ta đã biết căn bệnh ác nghiệt nầy đã rơi vào người thi sĩ tài hoa : HÀN MẶC TỬ và khiến cho đời sau không ít người khóc cho người mệnh bạc và cũng không ít giấy mực viết về nỗi bất hạnh của chàng .



Ở phương Tây , bệnh phong đã tuyệt chủng do người ta biết cách cô lập bệnh và chạy chữa . Ở các nước chậm phát triển thì bệnh vẫn còn nhưng cũng đã giảm đi đáng kể .

Trại phong Di Linh đa số là người dân tộc , nó gắn liền sự nghèo đói , bệnh tật một cách thật đáng thương ...Các bạn xem những hình ảnh dưới đây sẽ hình dung ra được điều ấy .

Xin xem bảng Báo cao chi tiết sau

BẢNG LIỆT KÊ SỐ QUÀ TẶNG TRÊN XE 1

Người phụ trách: LÊ THỊ KIM YẾN

Nơi nhận: Trại phong Di Linh 2

- Địa chỉ: Gia Lành, Huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng

- Điện thoại: (063). 3872.103

- Người liên hệ: Sơ Thư (063).3872.103, sơ Gương (093.777.3288)

- Số lượng: 150 nguời chia thành nhiều hộ (từ 2 – 8 người/ hộ). Trong đó:

* 93 người lớn

* 67 em nhỏ

VẬT PHẨM TẶNG

1- Gạo 250 kg 23 Bao nhỏ

2- Mì gói 50 thùng

3- Dầu ăn 28 chai 2 thùng + 4 chai lẻ

4- Đường 60 Kg 3 bao lớn (…)

5- Dầu gió 50 hộp

6- Kem đánh răng 228 ống nhỏ

20 ống trung 2 thùng kem (ống nhỏ)

7- Xà bông Life Boy 144 bánh rời 2 thùng

8- Bàn chải đánh răng 60 cây

9- Quần áo cũ 4 bịch

10- Bánh 2 bịch AFC

2 bịch bánh gạo

1 hộp bánh cây

23 bịch snack

22 bịch snack khoai tây bỏ chung 1 bịch lớn

11- Kẹo 32 bịch kẹo cứng

12- Bột giặt Omo 2 bịch (4.5 kg/ bịch)

CHÚ THÍCH : Các vật phẩm nầy có một phần lớn của khách hàng thân thiết với công ty đóng góp . Có 12 người cùng đi với đoàn của Công ty

TIỀN MẶT : Của anh chị em trong công ty đóng góp .

* Tặng cho 25 bệnh nhân bệnh nặng : 12.500.000đ

* Quà Tết cho trẻ em : 37 em x 100.000đ : 3.700.000đ