Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

...TRÍCH HỒI KÝ ...



      
                                                                 

TÌNH VĂN KHOA


 

Kính tặng chị Th.Nh và các  bạn bên góc nhỏ Văn Khoa



          Vào ngôi nhà nguoivankhoa, chợt thấy “góc nhỏ Văn Khoa” với ba cô nàng áo dài trắng, nón lá, xe đạp…Tự nhiên bao kỷ niệm cũ chợt ùa về vây kín cả tâm tư


  Quanh quẩn mãi không thoát ra được ra khỏi ngôi nhà xưa cũ ấy, ở đường Nguyễn Trung Trực và Cường Để (cũ)…Nơi đó gói ghém mấy mươi năm hành trang kỷ niệm, không thể nào quên …

                                                         *

  Hồi đó khi học xong tú tài, tôi rất thích vào Văn Khoa – cũng bởi lẽ mình học chỉ trung bình thôi – không thể nào với cao với những khoa dành cho những bạn học xuất sắc, đó là : nhất Y nhì Dược, tam Kiến , tứ Bách, ngũ Lâm …(Y khoa, Dược khoa, Kiến trúc, Bách khoa và Nông Lâm Súc )

  Đó là những trường muốn vô  học phải qua một kỳ thi tuyển rất khắc nghiệt . Cũng có trường phải thi tuyển như Sư phạm chẳng hạn , nhưng đó không phải là những khoa …vàng như nói ở trên .

  Hồi đó  vấn nạn “rớt tú tài anh đi Trung sĩ / Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con …” khiến chúng tôi đứa nào xong tú tài rồi cũng phải “chạy trường”.

 Học lơ mơ là vào “Thủ Đức” ngay (Thủ Đức là trường sĩ quan bộ binh nơi chứa các cậu Tú thi hỏng tú tài 2 và hỏng đại học) !

 Nguyễn Tất Nhiên  có một bài thơ nhan đề là “Thà như giọt mưa” , Phạm Duy phổ thành nhạc , lúc đó đã khơi dậy bao nổi niềm của những chàng SV thi hỏng; làm tan vở bao nhiêu mối tình ; làm tiêu tan bao nhiêu ước vọng của tuổi hoa niên …(Nếu các bạn chưa  hình dung hết những gì giới trẻ phải gánh chịu trong thời gian ấy các bạn có thể xem thêm entry nầy :

http://thedung1952.multiply.com/journal/item/101/101
                                                 
  ...Người từ trăm năm về ngang trường Luật…

    người từ trăm năm về ngang trường Luật…

    ta hỏng Tú Tài ta đợi ngày đi

    đau lòng ta muốn khóc

    đau lòng ta muốn khóc ….

  (Lời bài hát Thà như giọt mưa – thơ Nguyễn tất Nhiên)
  SV văn khoa hồi ấy một số đông rất thích thơ Nguyễn tất Nhiên – trong đó có tôi . Và các anh chị cho rằng đó  là một phenomene của thời đại .

   Có ba chỗ chứa những chàng sĩ tử thi không đổ vào các khoa vàng . Đó là Khoa học đại học đường, Luật Khoa và Văn khoa.

  Cũng còn một số trường không thi tuyển để thu hút những loại sĩ tử như tôi, nhưng ít SV ghi danh như đại học Đà Lạt, đại học Hòa Hảo  v..v…

  Trường Luật luôn là cái túi khổng lồ chứa những SV bất đắc dĩ : Chỉ ghi danh lấy giấy hoãn dịch , lấy cours về nhà học , không bắt buộc điểm danh nên rất nhiều “sinh viên” vốn là lính lác, Cảnh sát, công chức ghi danh để đó , tới mùa thi thì tụng ít  bài rồi cũng lều chỏng đi thi …!

   Năm thứ nhất trường có đến  3, 4 ngàn SV là con số kỷ lục ! Đến hôm thi bông mai vàng rợp cả giảng đường (hồi ấy sĩ quan từ đại úy trở xuống đeo bông mai vàng ) và các anh đi hi – nhất là thi Oral thường mặc quân phục để mong có sự chiếu cố của các thầy.

  Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một entry của một chị bên “góc nhỏ VK” kể rằng chị là GV, sau 30.4 chị không được xếp biên chế là GV cấp 3 , lý do bằng cử nhân của chị là cử nhân triết !!!

   Tôi cũng vậy, sau 30.4 tôi bị sổ toẹt bằng cử nhân Luật và chỉ tính là có tú tài, chiếu cố cho dạy cấp 2 !!!

  Người CS không khoái hai thứ văn bằng ấy và cho rằng người học những khoa đó là có đầu óc duy tâm, tiêm nhiễm tư tưởng phản động , không xài được . Nhiều thằng bạn học cử nhân tự do bên Khoa  học dạy rất kém , nhưng được biên chế và lên dạy cấp 3 lương cao gần gấp rưởi tôi. cười  vào mặt tôi : Cho mầy theo mấy ổng he …Lại đảng viên nữa chứ …

  Mãi rất lâu , rất lâu về sau…người ta mới hết thành kiến và dị ứng với hai cái bằng Triết và Luật . Lúc đó thì bọn tôi cũng đã …già …Như con Đực của Tô Hoài ngày ngày nằm ở cổng, buồn hiu để nhớ đến một thời oanh liệt của mình .

  Người CS thì giỏi nhiều thứ , nhưng về Giáo dục thì còn xơi !

                                                                *

   Văn khoa thì ít SV hơn Luật, nhưng những người vào đây có chọn lọc . Đa số các bạn nữ đều là học sinh  Ban C (Ban văn chương) hầu như tất cả đều ghi danh học ở Văn Khoa.

  Ban C là một Ban ít người học , nên  các trường nhỏ  không chiêu sinh nỗi một lớp ban C !  (Tôi có một entry nói về một mối tình của tôi với một cô gái học Ban C trường Văn Học . Nếu các bạn muốn biết con gái học Ban C bay bướm, lãng mạn và độc đáo thế nào có thể đọc thêm entry nầy :

Photobucket

  http://thedung1952.multiply.com/journal/item/101/101 )


  Các bạn ấy đọc rất nhiều , nói chuyện văn chương rất hay …Có nhiều sách quý  của những tác giả trong và  ngoài nước . Tụi tôi bên trường Luật đồn rằng muốn có sách của Sagan, của St Exupery (Vol de nuit, Citadelle, le petit Prince…), Erich Segal (Love story), J. London, Mario Puzo (The Godfather …)  và v..v…thì cứ sang Văn Khoa tìm …

  Tôi và một số bạn Luật yêu thích Văn Khoa, lần mò sang bên ấy chào sân các anh trai và làm quen với những bạn yêu thích văn chương …Chúng tôi xin được một số bài thơ chép tay nóng hổi - bị cấm lưu hành ngoài Bắc (Những đồi hoa sim, một số bài thơ hay của Quang Dũng, Trần Dần…); được các bạn chuyền cho những tập san bị tịch thu vì có những bài bị cho là tuyên truyền CS (Văn, Đối diện…) .

                                                                *

  Thật ra hồi mới thi đậu tú tài tôi cũng rất thích văn khoa , định sang ghi danh ở đó , nhưng vì không có bạn học bên đó, không ai dẫn dắt…Mặt khác , có mấy tên bạn học cũ học bên Luật rủ sang …Tôi bèn theo các bạn ấy ghi danh học Luật ! Thật là số mệnh phải không các bạn ?

 Tôi tuy học Luật, nhưng lòng lúc nào cũng yêu thích Văn khoa nên thường qua đó ngồi học dự thính những cours mình thích , nhờ các bạn mua dùm các cours hay …

  Lúc ấy tôi thường qua nghe thầy Tr. giảng về văn chương Việt Nam ; Thầy Kh. giảng về Văn minh VN, GS Th.L giảng về tục ngữ phong dao …. Phải chăng các cours và những vị GS khả kính ấy có sức hấp dẫn tôi khăn gói quả mướp sang đó ngồi nghe ?
 
  Chưa hẳn là vậy !

  Lý do tôi sẽ nói liền ra đây và cũng thú thật nó đã làm cho tôi trở thành “người Văn Khoa” một thời, thưở còn thanh xuân đầy mộng mơ và ước vọng …!

  Số là một hôm tôi “lén” vào học ké giờ giờ thầy Tr. Giảng đường nhỏ, SV đông …tôi len lỏi tìm chỗ ngồi thì một bạn nữ nhường cho tôi ghế bên ngoài, bạn ấy vào ngồi ghế trong .

   Tôi cám ơn và ngồi xuống ghế ấy . Sau buổi học đó chúng tôi quen nhau .

  Tôi và Thu – tên của nàng – quen nhau một cách tình cờ và đơn giản như vậy , nhưng về sau tôi lăn lóc bởi yêu thương với biết bao điều trắc trở suýt làm hỏng cả một cuộc đời !

  Tuy nói là tình cờ, nhưng nếu Thu không phải là Thu mà là một người con gái kênh kiệu, đỏng đảnh khác , đa nghi, và không có chút tình người trong giảng đường hôm ấy thì chúng tôi không thể quen nhau .

  Vì Thu có một tấm tình với tôi như vậy nên nhiều lúc chúng tôi suýt chia tay, nhưng mãi còn vướng vít …không thể xa lìa nàng …
 
                                                        *

Trường luật và văn Khoa có cam kết với nhau là SV luật đậu cử nhân xong , nếu sang Văn khoa học sẽ được miễn học năm dự bị .

  Năm đó tôi học năm thứ 4 Luật Ban Kinh tế thì tôi quen với Thu . Lúc ấyThu đang học năm thứ 3 ban việt Hán .

  Tôi sang Văn khoa học dự thính , nhưng thật ra động cơ chính là để gặp Thu . Đó là những ngày vàng son của tuổi trẻ .

  Thu thường đi sớm để giữ cho tôi một chỗ, nhưng đôi khi chúng tôi không được ngồi gần nhau mà phải người ngồi trên kẻ dưới , bắt buộc chúng tôi phải “bút đàm” với nhau .

-    …..

 THU : Chút hết giờ mình đến Givral ăn kem nhé ?

  Tôi hơi bối rối, vì trong túi có rất ít tiền , chắc chắn là sẽ không kham nỗi một chầu, dù là café thường, vì Givral có giá đắt lắm , SV nghèo như bọn tôi chưa bao giờ dám bén mảng đến đó .

  TÔI : Anh hơi bị kẹt Thu ơi !...

  THU : Hổng sao đâu anh…để em tính . Mình rủ thêm Trúc Anh và Thu Hà nữa nghen ?

  TÔI : Tính đưa kẻ kiết xác nầy vào rọ phỏng ?

  THU : Đã bảo đừng có lo mà …Để đó cho em …

  Chầu café kem gần tàn thì Thu liếc tôi và nháy mắt . Em lòn tay dưới gầm bàn khéo léo chuyển tiền cho tôi , chợt tình cờ đụng phải bàn tay mềm mại của em , lòng tôi rung lên một niềm xúc cảm mãnh liệt…  

  …Nhiều năm sau…dư vị mềm mại của bàn tay ấy và sự chu đáo của Thu vẫn còn đọng mãi trong tôi…

   Bố Thu là công chức cao cấp của một Bộ rất béo bỡ nên nhà em rất giàu , Tôi thường thấy em được xe hơi đưa đi học trong những ngày trời mưa …

  Nhưng thường Thu vẫn giữ nguyên nét đẹp của nữ sinh Gia Long thời xưa : Áo dài trắng, nón lá che nghiêng đạp xe đầm đi học .Photobucket  
                 Hình minh họa của bên góc Văn Khoa  

…Nhiều buổi tan học chiều, chúng tôi đạp xe song song dưới những hàng cây rợp bóng …Trần Quý Cáp (nay là Võ văn Tần) Duy Tân … Chỉ có Nguyễn Trung Trực là khó vô vì đường Tự Do cấm xe đạp lưu thông.

  Nhiều lúc chạy xe song song với nhau trên một đoạn đường dài, chúng tôi không nói với nhau câu nào …nhưng trong lòng chúng tôi có biết bao điều muốn nói với nhau …

  Tôi và Thu chưa ai nói tiếng YÊU , chưa một lần nắm tay nhau…nhưng với chúng tôi, tình yêu còn lớn hơn biết bao những lời nói ấy …

  Một hôm trong giờ giải lao trên giảng đường , tôi viết gởi cho Thu mấy câu thơ :

   Một chiều mây ám mưa tuông
   Anh đau anh thác em buồn chăng em ?
   Có buồn ngày ấy xin đem
   Bài thơ tình cũ mà xem đoạn nầy
   Anh yêu em mãi đến ngày
   Hồn anh theo cánh chim bay về trời …

   Và Thu trả lời :

  … Ngàn năm một dạ người ơi !
   Trăm năm em hứa một lời đinh ninh
    Ngày nào còn chuyện chúng mình
    Em còn ghi tạc chuyện tình đôi ta …

  Đó là mấy câu thơ duy nhất được chúng tôi trao cho nhau như một lời hẹn hò đinh ninh, son sắt của một chàng không phải xuất thân từ Văn Khoa với một cô gái Văn Khoa trên giảng đường !   

      *
   Ngày 30 tháng 4 !

  Một biến cố lớn lao trong lịch sử của dân tộc ta làm cho nhiều gia đình đã rời quê hương đi đến xứ người . Trong đó có gia đình của Thu .

  Cánh nhạn bặt tin từ đó .

  Tôi không biết Thu ở đâu ? Còn, Mất , Sống ra sao ?...

  Mới đây, một người bạn cho tôi biết có tin của Thu . Em đang ở Cali . Em nói năm nay sẽ về thăm Văn Khoa và bạn cũ …

  Bạn cũ nào ? Không biết trong đó có tôi không ?

  …và không biết bây giờ Thu còn đạp xe nổi song song với tôi đi hết con đường Trần quý Cáp hay không ?

   Thu ơi ! Văn Khoa ơi ! Biết đến bao giờ gặp lại nhau ? Những kỷ niệm ngày xa xưa ấy có còn đọng lại trong em chút nào không hở em ?

   Còn tôi ? Ngày ấy – bây giờ vẫn một tâm tình như trước 75 .

    Ta về ngang nẽo Văn  Khoa ,
    Lòng ôi thương nhớ người xa chưa về !!

                                                                                                          Tháng 6 trời mưa …